T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Lưu đầy, quê nhà

clip_image002(ảnh: Lê công Hảo)

• Quê hương xa vợi, mờ đôi mắt

Dõi cuối chân trời, vẫn biển xanh

(Trần Trung Hậu)

Người bạn từ Florida gởi đi bức điện thư ngắn ngủi. Hoa Quỳnh lại nở nữa rồi. Nhưng lần này chỉ có mình tao ngồi buồn bã giữa những chỏng chơ của ghế bàn. Và những cơn mưa rào nhiệt đới. Kèm theo là bức hình bông hoa quỳnh vừa nở. Làm nhớ đến mấy câu thơ của một người bạn thi sĩ.

Đất khách quê người thân tạm trú

Tráng chí hùng tâm nhuốm mải mê

Bạn bè dăm đứa lâu không gặp

Rượu uống mình ta uống não nề

(Trần trung Hậu)

1.

Cũng trong những ngày anh bạn già của tôi cô đơn với những đóa quỳnh hiếm hoi, tôi nhận được một bức thư khác. Lần này, không phải là điện thư. Cũng của một người bạn – không còn trẻ nữa – mà đã lâu lắm rồi chúng tôi không có dịp liên lạc. Bức thư viết tay, trên giấy trắng xé ra từ quyển vở học trò và được gởi đến tôi qua đường bưu điện . . .

Lâu lắm rồi – phải nói là lâu lắm rồi – tôi mới được hưởng cái thú ngồi bên hiên nhà, giữa buổi trưa hè tĩnh lặng. Thỉnh thoảng, một cơn gió nhẹ thổi qua làm xào xạc những lá quỳnh tôi đem về từ Florida tháng trước. Những lá quỳnh mà cả hai vợ chồng tôi lẫn hai đứa con gái nhỏ hết sức nâng niu chăm sóc trên suốt đoạn đường dài một ngàn năm trăm dặm với hy vọng là chúng sẽ sống sót và ra hoa nẩy mầm nơi một vùng đất nổi tiếng là khí hậu khắc nghiệt.

Bên hiên nhà, giữa buổi trưa hè, ngồi đọc một lá thư viết tay, trên giấy học trò, của một người bạn cũ . . .

Bức thư nói về cảm giác hụt hẫng thường xuyên của một người không được diễm phúc sống ở nơi mình sinh ra, trưởng thành, và lẽ ra, nên ở đó cho đến ngày nhắm mắt nằm xuống. Nhưng chẳng may, vận nước đưa đẩy, phải lưu lạc nơi xứ người mà không biết những ngày cuối cuộc đời có cơ hội về lại nơi mình sinh ra để gởi nắm xương tàn hay không! Anh tìm đủ mọi cách lý giải cho nỗi bất an cứ mãi ray rứt trong lòng ấy nhưng vẫn không tìm được một lý do thỏa đáng, khả dĩ an ủi cái đầu óc già nua của mình. Anh nhắc đến nỗi lo lắng về con cái trưởng thành trong một xã hội mà những giá trị đạo đức và văn hóa hoàn toàn khác hẳn với những gì anh được nuôi dậy ngày xưa, nhưng rồi anh cũng gạt phắt đi, tự nhủ rằng, mỗi thế hệ có một tầm vóc và sứ mạng riêng, hãy cứ để chúng tự do lựa chọn, tự mình lo liệu ấy, có thể có những sai lầm nhưng cũng cứ để chúng gượng đứng dậy bằng chính sức lực của mình. Vả chăng, có lo cũng chẳng lo được, vì chúng có bao giờ cần đến sự lo lắng của người lớn đâu! Anh lại viện dẫn đến cuộc sống vật chất và những lo toan cho tuổi già đang đứng chờ anh ngoài cửa. Nhưng chưa bao giờ – như anh thú nhận – anh cảm thấy yên tâm như bây giờ về miếng cơm manh áo, cho cả hiện tại đến một ngày anh không còn sức khỏe để làm việc. Cái may mắn – hay không may mắn – được là công dân một quốc gia giàu có nhất thế giới với cơ chế an sinh xã hội tuy chưa toàn hảo nhưng cũng là niềm mơ ước của bao nhiêu người khiến anh càng băn khoăn ray rứt với chính mình.

Vậy thì nỗi bất an, cảm giác không hoàn toàn thảnh thơi dù chỉ khoảnh khắc ngắn ngủi trong một ngày sống ấy, từ đâu mà đến?

Tôi ngồi đây, trước hiên nhà. Chung quanh tôi là vườn hoa xinh xắn với những giống hoa do chính tay vợ chồng tôi lựa chọn. Chung quanh mỗi bụi hoa là những viên gạch và sỏi trắng do chính tay vợ chồng tôi chọn mua, sắp xếp theo ý muốn. Trưa hè tháng sáu cũng không đến nỗi oi bức lắm. Và không gian thì im ắng đến độ tôi có thể nghe được tiếng thì thầm của gió, tiếng xào xạc của lá cây, tiếng vỡ òa của một nụ hoa vừa trở mình thổn thức. Trong thoáng giây, trên tay tôi còn lá thư của người bạn đọc dở dang, tôi chợt nhận ra cái thiếu vắng trong một buổi trưa hè như thế này.

Tiếng võng đưa kẽo kẹt. Tiếng gà gáy trưa xao xác. Tiếng trẻ con nô giỡn xôn xao đâu đó từ cuối xóm. Tiếng hát ru con của người mẹ trẻ à ơi ơi à nghe mà bắt thèm . . . ngủ. Tiếng rao lanh lảnh của người đàn bà hàng ngày lam lũ với gánh chè trong những con hẻm quanh co của xóm nghèo. Tiếng xe xích lô máy và mùi xăng khét nghẹt lẫn với tiếng càu nhàu vì giấc ngủ trưa quý báu bị phá vỡ. Tiếng bà hàng xóm cứ mỗi buổi trưa ngồi nỉ non kể lể tật say sưa cờ bạc của chồng . . .

2.

Chúng tôi, những người bạn cùng một lứa bên trời lận đận. Từ vùng đất quê nhà nghèo khó, ngột ngạt, chúng tôi cất bước ra đi, chấp nhận cuộc sống lưu vong. Khi ấy, chúng tôi chưa biết rằng mình sẽ trở thành những con người bị phân thân, giữa một bên là những hồi ức về quê nhà và một bên là tương lai bấp bênh mù mịt của cuộc sống mới nơi xứ người, giữa một bên là tình cảm của một con người vốn gắn bó với quê cha đất tổ và một bên là lý trí của sự tồn sinh, giữa một bên là những ước vọng sẽ không bao giờ trở thành thực tại và một bên là ảo tưởng về những gì sẽ xảy đến trong tương lai. Qúa đủ cho một thế hệ, của một thời nhiễu nhương. Như những thân cây bị bật rễ , trốc gốc vì cơn bão thời cuộc, cái đau đớn còn là vì chúng tôi đã sống quá lâu trên mảnh đất quê nhà, mảnh đất của những tiếng võng ru, tiếng gà trưa, tiếng trẻ nô đùa, tiếng rao hàng lanh lảnh.

Tôi mơ hồ nhìn ra nguồn gốc nỗi bất an mà bức thư người bạn vừa nói đến. Cái cây bị trốc gốc, được cắm vào mảnh đất mới, tuy có mầu mỡ hơn, được tưới bón thường xuyên hơn, nhưng cây đã không còn tươi trẻ nữa để đủ sức mà bám vào miền đất mới. Cảm giác bấp bênh của người đi ven sườn núi mà không tìm thấy vật gì khả dĩ bám vào được. Cảm gíac hỏang sợ khi trời đã sụp tối rồi mà đường về nhà còn quá xa xăm diệu vợi. Cảm gíac buồn bã của một tâm trạng khi thấy lựa chọn nào của mình cũng chỉ là một bản án chung thân cho những ngày ngắn ngủi còn lại.

Lưu đầy và quê nhà? Lưu đầy hay quê nhà? cái ám ảnh thật siêu hình. Siêu hình như những ẩn dụ trong những trang sách của Albert Camus.

Cũng may, chung quanh tôi – và người bạn nhiễu sự – còn có bạn bè, những người cùng cảnh ngộ. Nếu không, khẩu súng trường năm xưa của Hemmingway hẳn sẽ thêm một lần hữu ích.

3.

Trưa hè thật yên tĩnh nơi một thành phố nước Mỹ thật yên tĩnh. Đọc lá thư người bạn kể lể về cõi lòng cứ mãi xốn xang của những thân phận xa xứ. Mở tờ báo còn thơm mùi mực ra đọc lại bài thơ ngắn mà buốt lòng của Song Nhị .

Tay trần

chống chỏi bão giông

Loay hoay suốt cuộc giáp vòng tử sinh

Dập dềnh mệnh nước linh đinh

Tiếng Chim Di Hót –

Rụng thinh không buồn

(Song Nhị – Về Nguồn)

Lại nghĩ đến người bạn bên Florida hiu quạnh một mình bên gốc quỳnh nhìn hoa nở mà chỉ nhớ đến cố nhân. Tôi nhìn xuống những cánh lá quỳnh cả gia đình cặm cụi đem về trồng trong cái chậu đẹp nhất, để ở nơi có nhiều bóng mát nhất của hiên nhà, và hàng tuần được bón bằng loại phân đắt tiền nhất mà tôi tìm thấy được. Không hiểu rồi chúng có sống được không, và, dù sống được, không biết những đóa hoa nở ra sẽ như thế nào ? Bỗng trong trí nhớ hiện ra mồn một những ghi chép từ một cuộc hành hương của tình bằng hữu . . .

Con đường xuyên bang mênh mông và thăm thẳm những cánh đồng khô vàng cháy, những hàng cây ngút ngàn, những thung lũng hun hút, những đồi núi chập chùng. Những bảng đường xanh trắng, những tấm pa nô hân hoan chào mừng. Oklahoma – Tulsa, Tennessy – Nashville, Mississippi -, Alabama- Burmingham, Georgia- Atlanta, Valdosta, Florida – Jacksonville . . . Ngày rồi đêm trôi qua, chặng nghỉ ngơi với những quán trọ bên đường. Cuối cùng, nơi chúng tôi muốn đến đã đến.

. . .Trước mắt tôi là những đóa hoa quỳnh trắng ngần, to như đóa cẩm chướng Đà lạt 30 năm về trước, xòe ra kiêu hãnh và rực rỡ, dù trước đó một tiếng đồng hồ đã khép nép e dè bên mép lá của cây quỳnh dài như một cánh tay thiếu nữ và xanh như màu áo len xanh khóac ngoài áo dài trắng nữ sinh. Những người bạn tôi – kẻ đến từ Dallas, người từ Pennsylvania , và chủ nhà Florida – ngồi bên chậu quỳnh, chờ hoa quỳnh nở và chờ gia đình tôi còn đang hối hả trên con đường xuyên bang thăm thẳm ngoài kia.

Và chúng tôi đã đến, vừa kịp lúc 3 đóa quỳnh hương nở ra viên mãn, thơm ngát như tình bằng hữu chúng tôi sau 30 năm trải những thăng trầm, như những người bạn đời chúng tôi trải bao sóng gió dập vùi, vẫn còn đó bên nhau hôm nay, nhìn những đóa hoa quỳnh nổi bật trên nền xanh thẫm của lá và nhìn nhau, hạnh phúc. . .

Đã rồi –

Gió tạnh mưa mau

Sông trăm nhánh tụ

Gọi nhau tìm về

(Song Nhị – Về Nguồn)

Tôi cầm lá thư người bạn lên, định đọc nốt, nhưng những chữ đã biến đi đâu mất biệt. Chỉ còn lại mặt giấy ố vàng rẻ tiền và cái im lặng thật xốn xang. Tôi xoay ngang xoay dọc tờ thư, như muốn gom lại vô vàn mảnh vỡ vô hình của nghĩa từ những con chữ trêu ngươi. Chỉ thấy đôi con mắt đăm đăm nhìn vào khỏang không buổi trưa hè tĩnh lặng. Giật mình khi thấy đó chính là đôi mắt trễ gọng kính lão của mình. Vậy ư?

Ngày hôm ấy, phía bên Phương Đông, nơi mặt trời đi ngủ rất muộn, những đóa quỳnh nở rực rỡ, kiêu sa giữa những bàn ghế chỏng chơ và một người già ngồi nhắm mắt nhìn về hôm qua ,miệng khò khè hát chờ nhau hoài cố nhân ơi. Phía bên Phương Tây, một người già khác ngồi vỗ những dòng chữ nhạt nhòa trên trang giấy ố vàng cho rơi xuống chậu quỳnh mới cắm, miệng cũng khò khè ư ử nhìn về đường cố lý cố lý xa xôi.

Cả hai bên, hai người già, đều tội nghiệp như nhau. . .

T.Vấn

Wichita – Kansas

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search