T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Mùa Phục Sinh nghĩ về Nỗi thống khổ của Con Người

clip_image001

Ghi chú thêm của tác gỉa: Mùa Phục Sinh năm 2004, nhân sự ra đời của cuốn phim gây một tiếng vang khá lớn trong dư luận: Cuộc Khổ Nạn của Chúa (The Passion of the Christ) của Đạo diễn kiêm diễn viên điện ảnh nổi tiếng người Mỹ Mel Gibson, bài viết này đã được viết trong những suy niệm về chính nỗi thống khổ của con người. Năm nay, cũng nhân mùa Phục Sinh, tác giả muốn được gởi gấm lại những suy niệm của mình, như một cách nhìn lại những gian truân, nhọc nhằn mà đời một con người, không ai có thể tránh khỏi.

T. Vấn (Mùa Phục sinh 2008)

” . . . Babylone, bên dòng sông xưa cũ,

Ngồi nức nở, mà tưởng nhớ,

Si-on ơi! . . .

Thưa Cha! Con đã làm xong nhiệm vụ.

Câu nói của Đấng Cứu Thế, được thốt ra trên cây Thập Tự, trước lúc trút hơi thở cuối cùng. Sau đó là sấm chớp, dông bão, mưa lũ, động đất. Những lâu đài miếu đền nghiêng đổ. Những khuôn mặt kiêu ngạo hả hê chợt méo xệch kinh hoàng.

Thế là sự Cứu Chuộc đã hoàn tất, cùng với hình ảnh Phục Sinh rực sáng trong Hang Mộ. Thứ ánh sáng tinh khiết, rực rỡ. Và sự khởi đầu của Thế Giới. Một thế giới đầy rẫy những tội lỗi cần phải được cứu chuộc.

Đó là những hình ảnh cuối cùng trong cuốn phim hiện đang được dư luận Mỹ chú ý tới nhiều nhất trong số những phim về tôn giáo – The Passion of the Christ (Cuộc Khổ Nạn của Chúa) của Đạo diễn kiêm diễn viên điện ảnh nổi tiếng người Mỹ Mel Gibson – Thực ra, nội dung phim không có gì mới. Đó là câu chuyện về những khổ hình nhục mạ mà Chúa đã phải chịu đựng trong 12 tiếng cuối cùng trước khi bị đóng đinh trên cây Thập Giá. Từ hơn 2000 năm nay, câu chuyện đã được kể đi kể lại dưới nhiều hình thức khác nhau, bằng các phương tiện nghệ thuật khác nhau, và với cả những khả năng kỹ thuật khác nhau. Nhưng tựu trung, thông điệp chính của câu chuyện vẫn là Sự Phục Sinh, cứu cánh của mọi khổ nạn, nhất là sự Khổ Nạn của Đấng Cứu Thế, người đã vâng mệnh cha mình xuống trần thế làm người. Bằng sự khổ nạn trần thế ấy, Chúa cứu rỗi nhân loại.

Tất nhiên, khả năng nghệ thuật kể chuyện càng cao, kỹ thuật minh họa cho truyện kể càng cao, thì tác động của truyện kể càng lớn ở đối tượng (trong trường hợp này là người xem phim, cả Thiên Chúa Giáo lẫn không Thiên Chúa Giáo). Tôi cũng không loại trừ phần ảnh hưởng bởi cách nhìn câu chuyện của người thực hiện truyện kể.

Trong suốt hai tiếng đồng hồ ngồi xem cuốn phim, với tiếng khóc bị nén lại của những người ngồi chung quanh vang bên tai tôi, và khi đèn trong rạp bật sáng, nhìn những khuôn mặt khán giả thật sự vẫn còn những nét xúc động, cộng với những cảm xúc của cuốn phim tác động lên tôi, tôi ra về mà cõi lòng nặng nề những ưu tư.

Tôi hiểu rằng, sự hy sinh của Thiên Chúa là vô cùng cao cả. Vì tình yêu con người, và sự reo rắc tình yêu giữa con người, kể cả những thù hận cũng cần phải được tha thứ. Lạy Cha trên trời, xin cha hãy thứ tha cho những kẻ đang hành hạ con, vì họ không biết họ đang làm gì!. Tôi hiểu rằng, để xứng đáng với sự hy sinh cao cả ấy, con người chúng ta phải biết rút ra những bài học về yêu thương đã được dạy từ 2000 năm trước. Nhưng trước một thế giới hỗn loạn về lòng thù hận, một thế giới mà con người đã tìm được những hình thức gây khổ nạn cho nhau đau đớn gấp ngàn lần, thì chính nỗi thống khỗ của con người có đi đến cứu cánh cuối cùng của cuộc đời mình là sự phục sinh những giá trị nhân bản cao quý nhất đã có từ nhiều ngàn năm trước?.

Sáng nay (02-03-04), các đài truyền hình lớn nhất nước Mỹ đưa tin về một loạt những vụ nổ bom tự sát (suicide bombers) tại Thánh Địa Karbala ở Iraq trong lúc hàng trăm ngàn người Hồi Giáo hệ Shia đang tụ họp để cầu nguyện trong một nghi thức tôn giáo long trọng. Hàng trăm người chết. Nhiều trăm người khác bị thương. Trên màn ảnh truyền hình, tôi nhìn thấy một người đàn ông ngồi kêu khóc như điên như dại bên những vỡ nát của gạch ngói, của xác người, và có thể cả những niềm tin nào đó trong lòng ông. Tôi chợt nhớ đến một câu trong Kinh Thánh. Bên bờ Si-on ta ngồi ta khóc. Tôi chợt nhớ đến đôi mắt của người diễn viên đóng vai Bà Mary trong cuốn phim của Gibson khi nhìn con mình bị tra tấn hành hạ. Tôi chợt nhớ đến một cảnh trong phim lúc Chúa bị kẻ dữ dùng roi quất vào thân mình, từng miếng thịt bị rứt ra trên thân thể đầm đìa những máu và đất. Nỗi đau ấy, nỗi đau của sự mất mát những người thân yêu nhất, nỗi đau của chính da thịt mình bị rứt ra từng mảnh, đang được lập lại, trên nhiều phần đất của thế gian.

Bài học từ 2000 năm trước cũng chưa được nhân loại thực sự nhận chân giá trị.

Sự khổ nạn của Chúa là để chứng minh cho một Cuộc Phục Sinh.

Nhưng sự Thống Khổ của con người là để chứng minh cho điều gì ?

Hôm Thứ Tư tuần trước là Thứ Tư Lễ Tro. Tôi làm việc buổi chiều, về đến nhà rất khuya, do đó, buổi sáng thường thì tôi dậy trễ. Ngày thứ Tư là một ngày thường trong tuần, tôi vẫn phải đi làm. Và với người Công Giáo như tôi, việc đi lễ vào ngày này là bắt buộc. Do đó, buổi sáng thứ Tư này, tôi phải từ bỏ giấc ngủ muộn buổi sáng để đến nhà thờ. Thân xác bèo bọt của tôi – dù cho những dấu tro mà vị Linh Mục hành lễ đã đánh dấu trên trán tôi để nhắc nhở rằng tất cả những gì thuộc về trần thế này chỉ là cát bụi mà thôi – vẫn ườn ra vì thiếu đi giấc ngủ thường ngày. Nó không cho tâm hồn tôi sự thanh thản và sáng suốt cần thiết để chiêm nghiệm sự tạm bợ của cõi trần cùng với sự nhất thời của ham muốn xác thân, dẫu cho ham muốn ấy chỉ là nằm xuống ngủ một giấc cho đã đời. Cũng trong buổi sáng Thứ Tư Lễ Tro này, cuốn phim Cuộc Khổ Nạn của Chúa được chính thức trình chiếu trên khắp các rạp hát ở nước Mỹ . Tại thành phố Wichita của tôi, buổi sáng này, ngay ở xuất chiếu đầu tiên, đã có một người phụ nữ chết ngay trong rạp lúc ở gần cuối cuốn phim.

Nguyên nhân cái chết của bà, sau đó được xác nhận là do bà bị bệnh tim lớn (enlarged heart), nhưng thời điểm về cái chết của bà quả là điều làm tôi phải suy nghĩ. Mọi thứ đều tạm bợ ở cõi trần gian này, kể cả niềm vui lẫn nỗi buồn, kể cả hạnh phúc lẫn đau khổ. Vậy thì việc tận hưởng những niềm vui, những hạnh phúc của cuộc đời trần thế là điều tôi có thể hiểu được, nhưng còn chịu đựng những thống khổ mất mát vì một cõi trần tạm bợ lại là điều làm tôi cứ mãi tra vấn mình.

Chúa chịu khổ nạn để cứu chuộc nhân loại. Do đó, Sự Khổ Nạn của Chúa là để mở đường cho một cuộc Phục Sinh. Còn sự Thống Khổ của con người? có phải đó là con đường đưa đến sự hủy diệt của chính nhân loại hay không?

clip_image003

Sự Khổ Nạn của Chúa là để mở đường cho Cuộc Phục Sinh. Cùng một lúc, tôi đặt ra câu hỏi cho chính mình: Nhưng sự Thống Khổ của con Người là để chứng minh cho điều gì?

Câu hỏi tưởng chừng như rất khó để tìm câu trả lời – may ra có thể thỏa mãn cho chính tôi – thì rất tình cờ – liệu cuộc đời này có cái gì có thể gọi là tình cờ không? – tôi đọc được một bài viết trên tờ báo địa phương về những hoạt động của một người mà tháng 9 năm ngoái (2003), đã mất một lúc người vợ và 4 đứa con nhỏ trong một trận mưa lụt ở Tiểu Bang Kansas (Tôi có một bài viết nhân thảm kịch này trên Ca Dao số 66 tháng 9 – 2003 với nhan đề “Cuộc sống này quá đỗi mong manh”).

Người đàn ông ấy, người chồng của một phụ nữ vừa đẹp vừa đức hạnh và là cha của 4 đứa con tuổi từ 1 cho đến 11 xinh xắn, ngoan ngoãn, người đàn ông khốn khổ trong khoảnh khắc đã mất đi hết những người thân yêu nhất đời mình vì cơn thịnh nộ của trời đất. Bây giờ, ông sống ra sao sau nỗi thống khổ tưởng chừng như trên cõi đời này không còn có nỗi thống khổ nào lớn hơn nỗi thống khổ của ông – ngoại trừ nỗi thống khổ của Chúa lúc bị đóng đanh trên cây thập giá, đã thốt lên: Thưa Cha trên trời, nếu quả đúng như ý cha muốn vậy, thì con xin bằng lòng! – Nỗi thống khổ mà, tưởng chừng như không sức con người nào chịu đựng nổi, dù người ấy có can trường mạnh mẽ đến chừng nào . . .

Thế nhưng, ông đã khiến tôi ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên đến ngưỡng mộ. Và biết ơn, vì hình như cuộc sống của ông hiện nay, đã một cách gián tiếp, trả lời cho sự dằn vặt của chính tôi, mỗi khi chứng kiến sự đau khổ của con người: Sự thống khổ của con người là để chứng minh cho điều gì?

Với ông – người đàn ông khốn khổ của thảm kịch trên Xa Lộ xuyên bang I-35 đã gây chấn động và làm đổ biết bao nước mắt của cư dân vùng Kansas, Missourri, Texas -, chìa khóa mở ra mọi cánh cửa dẫn ông đi tìm nguyên nhân của nỗi thống khổ của mình là Đức Tin. Là Niềm Tin vào sự Cứu rỗi. Nguyên nhân cùng đích của mọi nguyên nhân. Sự Cứu rỗi trên hết mọi sự cứu rỗi.

Và Tình yêu thương, cho gia đình, cho đồng loại.

Chính Niềm Tin đã vực ông dậy, sau cái đêm kinh hoàng, bất lực nhìn vợ và con của mình bị nước lũ cuốn trôi đi. Chính Niềm Tin đã giữ ông đứng vững trên hai chân của mình, trong những ngày sau đó trở về căn nhà ở Liberty, Missourri – Tổ ấm ngày nào của gia đình ông rất mực hạnh phúc thương yêu nhau. Nay hoàn toàn trống vắng tiếng cười trẻ thơ, tiếng hát dỗ con dịu dàng của người vợ. Càng trống vắng hơn nữa, khi tất cả mọi thứ trong nhà đều nguyên vẹn như lần cuối cùng mọi người rời khỏi nhà cho một chuyến du hành xa, sẵn sàng chờ đón mọi người trở về như những lần đi xa trước. Ông nói rằng hằng đêm – từ bao nhiêu tháng nay, và sẽ còn bao nhiêu tháng nữa, bao nhiêu năm nữa, hay sẽ là suốt phần đời còn lại của ông? – ông vẫn ôm mặt khóc lặng lẽ một mình giữa căn nhà quen thuộc ấy, quen thuộc từ tiếng bước chân của từng người, từ hơi thở của từng người. Nỗi đau ấy lớn quá, nặng nề quá, kinh khủng quá, không thể không khóc, cho dẫu cảm giác được giải thoát chỉ là khoảnh khắc. Như người bị ngộp nước dưới dòng sông đau khổ, thỉnh thoảng ông cần ngoi lên, để hớp lấy chút không khí, rồi lại tiếp tục bị nỗi thống khổ hành hạ.

Nhưng ông không cho phép mình bị hủy hoại bởi nỗi bất hạnh ấy. Có ích gì không khi lại tự tay mình đánh mất đi một cuộc đời nữa? Trong nỗi tận cùng của khổ đau, ông hiểu rằng, cuộc sống là niềm tin và sự vượt qua mọi thử thách.

Robert Rogers của Missourri, người đàn ông có niềm tin mãnh liệt, người đứng dậy từ một-cõi-chết-kinh-khủng-hơn-sự-chết, bây giờ đã trở thành người đi rao giảng niềm tin (Motivational Speaker). Ông còn soạn nhạc, chủ trương một Website cổ súy cho nỗ lực của con người tự mình tạo dựng lấy niềm tin trong cuộc sống và quay lại đại học để hoàn tất chương trình Cao học về Quản trị ông bỏ dở lúc lập gia đình.

clip_image005

…Tôi hồi tưởng lại những tháng năm vô vọng trong địa ngục trần gian. Những năm tháng tưởng chừng như không còn gì nữa để khắc khoải trông mong. Tương lai thì không biết có một ngày về hay không, còn thực tại thì chỉ biết có một điều vĩ đại trên hết mọi điều vĩ đại: ĐÓI. Một hôm, không chịu nổi cái nóng đốt cháy hết các lỗ chân lông của miền Trung Du Bắc Việt, tôi lăn ra bất tỉnh giữa mảnh ruộng trơ những gốc rạ. Những người bạn tù khiêng tôi vào để nằm dưới gốc cây. Cho rằng tôi không thể qua khỏi và biết tôi có đạo, họ tìm cách để một tù nhân linh mục ở lại bên tôi. Vị linh mục kiên nhẫn xoa nắn khắp người tôi cho đến khi tôi tỉnh lại. Thấy tôi mở mắt, ông nhoẻn miệng cười nói: “Này anh bạn trẻ, tôi biết anh chỉ vì đói mà ngất đi thôi. Tôi có cái kẹo nhỏ, anh hãy cầm lấy mà ngậm.” Rồi ông đưa tôi viên kẹo bột. Sau này, tôi biết nó xuất xứ từ một nhà Chung ở ngoài Bắc. Quả nhiên, viên kẹo bột thô sơ như thần dược. Tôi cảm thấy tỉnh như sáo. Vị linh mục lại hỏi tôi: “Này anh bạn, trông anh còn trẻ lắm, anh bao nhiêu tuổi rồi?” Tôi đáp: “Thưa cha, tôi có cùng một số tuổi với Chúa của cha khi Ngài bị đóng đinh trên cây thập giá!”. Vị linh mục lặng lẽ đáp: “Nhưng sau đó, Ngài đã sống lại. Còn anh, anh không định đứng dậy đi cho hết đoạn đường thánh giá của mình hay sao?”. Tôi chợt tỉnh ngộ. Vài tháng sau, chúng tôi được chuyển trại từ Bắc vào Nam. Tôi được biên chế về Toán Lâm sản, tức làm công việc đốn gỗ ngoài trại. Lợi dụng công việc lao động hàng ngày không có cán bộ công an đi theo kiểm soát, tôi được vị linh mục giao cho một nhiệm vụ khá nguy hiểm: tìm cách liên lạc với bên ngoài để mang bánh thánh vào trại cho ông cử hành lễ mỗi sáng chủ nhật.

Còn lại một mình giữa mênh mông của Trời, của bao la nước lũ dâng lên chung quanh mình trong đêm định mệnh ấy, Robert Rogers đã gào khóc: “Tại sao lại là tôi? tại sao lại là tôi? hỡi Chúa! (Why me? why me? oh God!)”.

Giờ đây, trên bục thuyết trình, trước mặt ông là hàng ngàn con người với hàng ngàn nỗi thống khổ khác nhau, ông mạnh dạn kêu lên: “Tại sao lại không là tôi? (Why not me?). Nỗi đau mất mát vẫn sẽ mãi âm ỉ cho đến ngày tôi nhắm mắt nằm xuống, và dẫu cho tôi không bao giờ hiểu được những gì đã xảy ra với tôi, với gia đình tôi, nhưng Đấng Tối Cao đã chọn tôi, thì tôi xin nhận.”

Tôi nhớ lại đoạn cuối trong cuốn phim của Gibson, lúc Chúa sắp trút hơi thở cuối cùng. Lạy Cha! Nếu quả thật đó là ý Cha, thì con xin bằng lòng.

Tôi nhớ lại câu nói của vị linh mục một buổi trưa hè miền rừng núi Trung Du Bắc Việt nhiều năm về trước. Anh không định đứng dậy đi cho hết đoạn đường thánh giá của mình hay sao?

Tôi đã đứng dậy, tiếp tục cuộc hành trình. Cho đến hôm nay.

©T.Vấn 2004-2008

Bài Mới Nhất
Search