T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Bức tượng Già Lam

clip_image001

Sắc tức thị không, không thị sắc

Nhân giả hiểu thế việc nhân gian

(thơ bà Hồ Xuân Hương)

Nắng đầu hạ đã lên một lúc lâu, ngang tầm ngọn cây mà làng xóm láng giềng vẫn trễ nải như gà gật. Gió thổi vu vơ trên những lùm tre vàng xác càng khiến đầu trên xóm dưới trống vắng đến ngẩn ngơ, buồn như trấu cắn. Nhưng vẫn có hai bóng người lặng lẽ đi trên con đường sống trâu rải rác phân bò, phân trâu. Bỗng có con chim lợn kêu “choéc…choéc…” một tràng dài, rồi bay vù qua rặng ruối mất hút. Ngõ trúc ao sâu trở lại ắng lặng như cũ.

Nhưng vẫn còn văng vẳng tiếng chân rời rạc của gã thọt cà nhắc bước một trên dải đất thô. Đi trước một quãng khá xa là cái gái, vợ gã đang kẽo kẹt gánh nồi bánh đúc. Lòng dạ gã đang phơi phới vì mới đan được mấy cái đó, cái đơm mang ra chợ bầy hàng, để phụ vợ gã miếng rau cọng cỏ. Thì tiếng kêu hú họa của con chim lợn cắt đứt niềm vui của gã, gì chứ cái giống này chẳng khác gì cú nhìn nhà bệnh, phiên chợ này lại ế dài ra đấy. Gã xua đuổi ý nghĩ ấy ngay đi, vẩn vơ về một chuyện khác hay hơn. Số là xuân hạ thu đông có bốn mùa, gã thọt chỉ đợi ngày này và đầu tháng, đúng phiên chợ làng, để có cớ lê la ở quán thịt chó của thằng mõ khuất sau chợ. Mà cái thằng bạn nối khố từ ngày còn để chỏm của gã cũng chướng, chỉ hai lần trong tháng mới ngả thịt một con tơ. Cũng quá quắt không đâu, nó chỉ mở hàng từ giờ tỵ đến giờ mùi, vì còn mải lo chuyện các cụ, chuyện làng nước.

Nói cho lắm tắm cởi truồng thì phải chịu nó có biệt tài túm tó mấy con cầy hoang. Chỉ cần ba lạt nứa xoắn tít vào nhau, đầu này buộc ở cái đốt, đầu kia thòng qua ruột cây tre rỗng chừng hai sải tay là cái thòng lọng. Lừa lừa anh chị chó cho đầu hay cẳng vào thòng lọng là giật một cái lòi tói. Anh khoang, chị đốm ủng oẳng một lát cho có lệ, rồi cũng chịu một phép để thằng mõ lôi về tắm nước sôi, cạo lông qua loa, tí riềng tí mẻ là mâm cao cỗ đầy. Sau đó ai nấy tha hồ mà đánh chén, chuyện sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ…chó má là như vậy, rằng như thế. Bất giác gã thọt cười tủm, chẳng phải kể công gì vì còn ai trồng khoai đất này, gã đây chứ ai, cái gậy thòng lọng bắt chó là chính do gã rị mọ cho thằng mõ hồi năm ngóai. Nên mỗi lần ghé quán gã được đãi đằng ra trò. Ấy chứ thằng mõ cũng biết điều ra phết, bạn bè mèo mả gà đồng thế đấy, thế nên không phiên chợ nào là gã không vui vẻ có mặt.

Vừa đến nơi gã thọt ngắm con cầy đang nhe răng trắng nhởn, treo lủng lẳng ngay cành cây gạo. Gã đóan chừng là cầy tơ, vừa mới được thui xong, rơm rạ còn thơm mùi lúa mới cắt, phảng phất trên làn da chó vàng ệch làm gã nghẹt cả mũi. Quán chỉ có độc một cái chõng tre nhỏ bằng mắt muỗi, gã ngồi bệt xuống cái chiếu cói trải trên mặt đất không đến nỗi bươm cho lắm.

Và gã thọt ới cái óc chó cái đã. Gã chẳng buồn vẽ chuyện với thìa thiếc, cứ nhởn nha húp, không húp lấy húp để như phường bát nháo đâu ấy nhá. Gã mậy mọ đếm mức đầy vơi theo cái ngấn vàng khè của cái bát chiết yêu, cứ hết một ngấn là gã vớ cái cút cổ rụt, dốc ngược ực một phát, rồi khà một tiếng rõ to. Như còn thèm thuồng tiếc rẻ, với ba ngón tay cóc cáy, gã vét hết những chất nhờn nhờn còn lại trong bát. Và lầu bầu một mình: “Ngon như óc chó…Chứ còn đếch gì nữa”, nhìn chung quanh không có ai, gã tẩn mẩn ngắm mấy con ruồi bu quanh miệng bát. Đói ngấu ra đấy, nhưng gã nhởn nhơ đợi đến giờ ngọ, mặt trời quá con sào mới đủng đỉnh gọi cái móng chó, vừa gặm vừa chấm mút ngón tay hít hà ra cái điều khóai tỉ gì đâu. Bất giác gã nhớ đến thịt cầy bổ dương, nốc đầy ngụm rượu, nghĩ thầm tối nay cái gái chết với gã, phải quần thị một mẻ cho biết tay. Nhớ một lần vợ gã cóc nhái nàng rằng nàng chẳng sợ ai, sợ thằng say rượu “ấy” dai đau nàng, và gã thích chí cười một mình hinh hích.

Rồi ngẩn người thò tay gãi háng xòanh xoạch, chỉ nghĩ đến chuyện bế thốc con vợ tới cái ổ rơm ngay. Đến đây, gã lại thấy ngứa ngáy, lấy tay gãi gãi bên cạnh sườn, vê được cục ghét và búng một cái vù. No cơm ấm cật rồi, thịt giắt răng ba ngày vẫn còn thơm, gã không dùng tăm, mà quán thằng mõ này có chó tăm đâu mà xỉa. Gã thò móng tay cáu bẩn gẩy ra cái một và…đẩy trôi vào cổ họng…thì cũng đã quá trưa.

Vừa lúc cái gái gồng gánh đi qua. Và gã nhỏm dậy…

***

Hôm đó, trời cao nắng đẹp mây vàng, đang thơ thới giữa đường về nhà…Giời đất ạ, ông giời có mắt xuống đây mà xem, chẳng hiểu vì ăn no vỡ dạ dầy hoặc xơi phải tiết canh thiu hay sao ấy, gã thọt đang lẫn đẫn trên nẻo đường quê. Bỗng nhiên ngồi tịt xuống, không ú ớ được tiếng nào. Trong khi chị vợ gã quay quả với đôi gánh trước mặt, lơn tơn bước đều vẫn không hay biết gì. Được một quãng xa, gần nửa cánh đồng nực mùi lúa chín, ngỏanh lại thấy thằng chồng đang ngồi chồm hổm ở cái thế thứ nhất quận công, thứ nhì ị đồng…Thị mới chỉ kịp nghĩ trong đầu: “Ngợm gì đâu, ai lại bậy ngay đây giữa ban ngày ban mặt…”, và rồi thị chợt sinh nghi, hay đang mửa mật xanh mật vàng ra đấy nên quẳng quai thúng tất tưởi đi ngược lại, đến gần thị lập bập:

– Này đây bảo…

Thấy vẫn câm như hến, thị ẩy cái vai thằng chồng, gắt nhỏ:

– Ngợm ạ, bộ ăn vạ ở đây nhẩy…

Thì gã thọt ngã bổ chửng ra như ông phỗng đá, mắt trắng dã, mồm há hốc, người nhũn như cây cần héo và rõ ràng là…ngỏeo quay đơ tự thuở nào. Cái gái sững người, không biết làm gì hơn là vồ lấy xác thằng chồng và bù lu bù loa như cha chết mẹ chết. Nhưng lạ một nhẽ là chẳng thấy…ai nghe, lạ thật, lại gào tóang lên. Thị khựng lại, định thần và thấy đồng không mông quạnh, vắng tanh vắng ngắt, thê lương và ảm đạm. Thị lại ấm ức i ỉ…Trong một khỏanh khắc, thị nghe thấy tiếng gió đồng nội thổi rì rào, tiếng lúa chiêm tháng năm, tháng sáu vàng ửng, cọ vào nhau ram ráp, âm thanh hòa lẫn văng vẳng như tiếng thằng chồng thị trối trăn, dặn dò. Hồn ma nát thần tính, nghe “u…u…” cứ rợn cả người, ngó quanh ngó quẩn tịnh không một bóng người.

Thị nhỏm dậy, ba chân bốn cẳng chạy te tái về phía chợ…

Vừa tới quán thằng mõ, mắt trươc mắt sau thấy cái chiếu hồi trưa thằng chồng thị ngồi. Thế là thị chọn ngay cái chiếu thổ tả ấy và lăn đùng ra. Tiếp đến là thị gào lên, kể lể chuyện đầu cua tai nheo với làng nước vì ba miếng thịt chó khi không hốc xong là lăn quay ra về chầu ông bà ông vải. Thực tình thị chả muốn ăn vạ hay bắt đền này kia, thị chỉ nghĩ đến chuyện có một chỗ nào đó để bám víu, dựa dẫm. Như thằng bạn chồng thị chẳng hạn, nó sẽ đỡ đần thị một tay trong cái lúc kẻ khôn người khó. Trước khi quay về, tiện tay thị quơ chiếc chiếu. Và cũng không quên kéo theo mấy bà bạn hàng cho có…bạn. Trở lại chỗ gã thọt nằm, họ xúm đen xúm đỏ, bàn ra tán vào là có mang gã về nhà cũng chẳng để…làm gì cho chật nhà, cứ mang chôn là xong tuốt. Họ phân công, người về lấy mai, cuốc, người kiếm quả trứng, đôi đũa.

Còn lại cái gái và thằng mõ, cả hai túm chiếu hai đầu như bó giò và è cổ kéo lê gã lên mả ông Thượng gần đấy. Lát sau mọi người trở lại, lại xì xào, to nhỏ, chấm mảnh đất gần cái gò mối cho con cháu nó phát, nhưng họ quên tiệt là vợ chồng cái gái tịt mít từ hồi nảo hồi nào. Đào cái lỗ xong, họ nâng nhẹ gã xuống. Trong khi thị xì xụp cắm mấy nén nhang, thằng mõ lấp đất, để cho mồ yên mả đẹp, nó lấy chân đạp bàm bạp mấy cái vào hai bên sườn mộ. Thằng mõ đạp cái nào ra cái nấy, chả là của đau con xót, nó rủa thầm, ăn gì không ăn, nhè thịt chó của nó mà đớp, thế là mất mẹ cái chiếu cói. Xong cả đám cun cút đi về, ai về nhà nấy.

Cảnh đồng chiều lại vắng ngắt, êm ắng đỏ hoe.

***

Vậy mà cũng mệt bã ra, thị nằm ườn trên ổ rơm và thiếp đi…

Bố mẹ ơi, sống khôn chết thiêng gì mà thằng chồng thị hiện về ngay đấy, thị thấy gã đi nghiêng ngả trên con đường sống trâu. Khật khừng tiến về phía thị, cất giọng khào khào, hồn xiêu phách lạc nên thị nghe chữ được chữ không: “Nhà nó ơi, cúng cho tớ cái….”. Chưa nói xong, có tiếng gà gáy “..óoc..óoc..” gọi nhau về chuồng, thế là gã biến mất, nhưng cũng làm thị sợ són đái ra quần. Mà cái…mà cái gì mới được cơ chứ hả giời, mới ba hồn chín vía đây mà đã nỡm rồi, nốc cho lắm vào lại đi đòi cái khỉ gió ấy. Và thị nghĩ ắt hẳn là không phải, hay là cái…cẳng chó. Thị nhỏm dậy ngó dáo dác thì thấy…cái gậy dựng ở chân vách.

Giời ạ, có vậy mà nghĩ không ra. Thảo nào chồng thị hiện về, đi khập khiễng theo vết đái trâu ngoằn ngoèo trên con đường làng, thấy tội làm sao. Mà cái thằng chồng thị cũng đụt, có cái gậy chống đất chọc trời cũng quên. Nhìn ra ngòai trời còn sáng, thế là thị hộc tốc ngược lên mả ông Thượng. Đến nơi mặt thuỗn ra vì lúc nãy, thằng chồng thị nhắm mắt nhắm mũi nằm gọn lỏn trong cái chiếu túm hai đầu, chẳng biết đầu đâu đít đâu. Lớ quớ cắm cái gậy ăn mày này vào cái sọ dừa của chồng thị, thì chỉ có nước động mồ động mả để cả làng chống gậy đi ăn mày cho mà xem…

Mà động thật, tối đến gã thọt hiện về ngay, mặt mày thảm não, nói không ra hơi: “Nhà nó chỉ nhanh nhẩu đỏang, tớ muốn cái…cút rượu cơ”. Nhìn cái bản mặt chẩy dài, trắng bệch, thị khiếp quá la bải hải, thằng chồng giật mình thót người bèn biến ngay. Sáng đến thị ngồi đực một đống, hàng mã của thằng chồng vắn số để lại thì cứ ối ra đấy, thiếu giống, nhưng nhè chai rượu thì chua lắm chứ chẳng chơi. Cuối cùng thị cũng đành vớ cái đó, cái nơm, rồi lấy giấy bản dán bọc lại làm chai rượu cho thằng chồng thị nó tửu lạc vong bần. Làm xong thị thấy vui vui, nhưng cái vui không cõng nổi cái buồn, chồng như đó vợ như hom. Cái đó hay chai rượu được chị nhúm nhó lúc này trông như cái cúi rơm nhúm bếp. Khiến chị tủi thân với đời thị hom hem như bát cơm của kẻ khó, lổn nhổn ít thịt nhiều khoai. Vừa tủi thân vừa nhớ thằng chồng, thị xuệnh xoạng mang chai rượu lên mộ để hóa vàng.

Tới nơi, không thấy cái gậy đâu, ngó chừng thấy thằng chăn trâu, đầu to giành giành, cười trơ cả lợi, đang cầm cái gậy của chồng thị khoắng khoắng bãi…cứt trâu. Thị có mát tính cách mấy, nhưng nhìn cái mặt câng câng của nó, thị không đậy mồm đậy miệng được và chửi tóang lên. Thị không ngờ, sau này cái thằng đầu to giành gành ấy, nó nhiễu sự thị không phải là ít.

***

Hóa kiếp cái be xong, ngỡ thóat nợ…Hai, ba đêm sau thị vừa thiu thiu thì gã thọt lại về giở quẻ, gã nhăn nhó là gã chưa nói hết thì thị đã hô hóan lên rồi. Làm gã sợ…ma đến phát khiếp và chạy bán sống bán chết. Xong, gã mè nheo số là gã đang bơ vơ, vất vưởng…”gần đất xa trời”, đang cần một chai rượu…có chai có lọ để chén tạc chén thù. Vẫn chưa hết, thằng chồng chị than vãn thêm rằng đang thiếu…tửu đồ để đối ẩm. Thị hú hồn hú vía, may mà gã không rủ thị đi theo, vì vậy muốn “bạn nhắm” thì bốn phương tám hương thị đi tìm ngay. Nhưng đào ai ra bây giờ?

Thế nhưng ngay sau đấy thị nghĩ đến đến thằng mõ, nó chứ còn ai trồng khoai đất này, một công đôi việc, ông tướng này thế nào chẳng thủ sẵn cái đùi chó. Thế là thị quẹt mắt, quơ nắm rau tập tàng, lùa xong bát cơm hẩm rồi bương bả xách cái nón đi…tìm người đối ẩm cho thằng chồng vắn số, hẩm hiu của thị.

Thằng mõ đang ngồi búng ghét, tắm khô trên cái chõng tre. Bây giờ cái gái mới…rỗi hơi ngắm người ngợm nó, lớn tuổi nhầng nhầng, chân tay khuềnh khòang, mặt mũi thô gầy, răng hô mồm cá ngáo. Ngữ này chỉ siêng ăn biếng làm, nên gõ…”mõ” là hết đất. Va vào mắt thị là vậy, và nghĩ thầm, thì kệ xác nó chứ, thị đâu có rỗi hơi này kia. Tiếp đến, thị giọt ngắn gịot dài, kể lể về thằng bạn của nó hiện về eo sèo chuyện dở người. Chưa nghe hết câu, thằng mõ đã lựng bựng: “Cái nhà bác này hay chửa…”. Mồm thì nói nhưng trong bụng nó xót như tương rầm, vừa tiêu ma cái chiếu, bây giờ lại chan tương đổ mẻ chai rượu với cái đùi chó. Ăn mày mà đòi xôi gấc, nó đâu phải lúc nào cũng một tấc tận giời. Chưa hết, lại còn cái màn chén chú chén anh với…ma, mà gã thọt chết thật chứ đâu có bỡn. Dốt hay nói chữ, nó khè cần cổ lên giọng nói chữ học mót các cụ ở ngoài đình: “Một tấc không đo, một ly không dời…Cứt chó khô ba nắng, mõ nhà tôi ba đời không rượu chè gì sất cả. Rõ dớ dẩn”.

Nhưng con mắt cú vọ nó không quên cái gái, không đến nỗi sứt môi lòi rốn, chỉ cái tội mặt mày nhếch nhác thô vụng, héo quắt như quả trám khô. Vậy mà trông hay đáo để, liếc cái áo cháo lòng, vá víu túm tó như cái vó tôm, nhìn trộm xuống một chút nữa. Cái yếm trễ xuống lòi hai quả phật thủ mẩy gì đâu, trắng nhẫy đến hoa cả mắt. Nó rủa thầm, gái sắp đọan tang gà mái ghẹ có khác, nhòm cứ hơ hớ, ngôn ngốt ra như trêu ngươi nó, thứ này mà vần nhau thì phải biết. Rồi người nó khô như đất nung, lại rậm rực làm sao ấy, nó thòng một chân xuống đất, cái quần đùi rộng toang hóac, nó lấy tay gãi bẹn sồn sột. Khiến cái gái phải quay mặt đi.

Thằng mõ thòng một chân xuống đất, tay quơ chai rượu dưới chõng tre và dơ lên dứ dứ như…cái cần câu cơm. Tay khác vê ve điếu thuốc lào cật lực, như vân vê cái gì ấy, mắt đảo tít lên như lạc rang, và ỡm ờ bâng quơ: “Thì không nói nhà chị cũng ngợ ra, cũng lọt sàng xuống nia cả mà, có mất miếc đi đâu mà tiếc của. Nhà chị ạ…”. Cái gái chột dạ, mang máng hiểu là lại cái mửng thài lài gặp cứt chó đây nhưng thị không chắc mẩm lắm, chỉ biết tẻ mím: “Ối dào cái thằng cám hấp phải gió phải dây này, chắc muốn dở chứng lộn thừng lộn chão gì nữa đây”. Mà y như rằng, cái gái vừa rớ đến cái cổ chai, đã thấy thằng mõ lấy ngón tay trỏ gãi gãi trên mu bàn tay thị, miệng cợt nhả thứ nhất thịt bò tái, thứ nhì gái… rồi bỏ lửng. Cái gái vừa quay lưng, nó phát vào mông thị một cái bốp. Giận bầm gan tím ruột, thị vội cun cút xách chai rượu dông một mạch như bị ma đuổi.

Còn lại thằng mõ, nó ngồi hút thuốc lào, tiếng chiếc điều cày kêu “eng éc…eng éc” như lợn kêu. Xong nhả khói um lên rồi ngửa cổ đùn khói mù mịt và nghĩ vẩn nghĩ vơ.

***

Nhưng không hiểu sao cái cảm giác nhột nhạt, ngưa ngứa cứ bám theo cái gái tới tận cổng chùa Kim Ngưu lúc nào không hay.

Cũng vừa lúc gặp bà vãi đang bới đất lật cỏ, thấy mầu áo lam với khuôn mặt hiền như Bụt, không hiểu nghĩ sao, thị bám lấy bà, kể lể về cái thằng phải gió, sụt sùi về cái cõi đời xám nghóet, thâm phèo như miếng thịt trâu ôi. Bà vãi nghe xong chuyện chẻ hoe trắng phớ cũng thở ra như bò thở, bà to nhỏ với cái gái là trong chùa có tượng Già Lam thiêng lắm. Nghe già làng và sư bác trụ trì nói tổ thầy cả trăm năm, khi viên tịch được dân làng đẽo tượng thờ phụng, bá tánh thành tâm khấn gì được nấy. Ở hiền gặp lành có khác, một mình thị lững thững…xách chai rượu vào chùa.

Vừa lúc thằng chết tiệt đầu to giành giắt trâu đi qua cổng chùa…Thế là đi tướt. Tiếng dữ đồn xa tiếng lành đồn gần, lóang sau là dân làng và tuần đinh kéo tới đông như tổ đỉa. Và không thể không thiếu mặt thằng mõ mặt mày bắng nhắng như nhặng vào chuồng tiêu. Tất cả kéo thốc vào chùa để thấy rõ mười muơi:

Sư bác đứng giữa điện, quần áo xộc xệch. Cái gái dựa cột, đầu tóc rũ rượi. Mặt tượng Già Lam đang bần thần nhìn cái yếm vắt qua tay tượng. Riêng chai rượu gần như vẫn còn nguyên. Chỉ vơi đi đúng một chén bằng hạt mít.

Thế là họ rong cái gái với sư bác lên huyện, riêng tượng Già Lam thì có vất vả đôi chút là phải khiêng, như khiêng lợn đi thiến. Có tiếng í ới, lào xào: “Gớm nhẩy, lũ này lộng quá sức rồi, cứ ghè tụi nó một trận là xong tuốt”. Có tiếng nỏ mồm chanh chua: “Phải gang họng chúng nó ra, dám láo với thần thánh à”. Quan tha ma bắt đâu chưa thấy, chỉ nghe hơi nồi chõ thằng chăn trâu thậm thụt với quan từ hồi nào chẳng ai hay. Thế là chết cả nút trông thấy…

Bàn về quan huyện, nếu ông không mặc áo gấm, đeo thẻ ngà, ôm cái bụng như nhện ôm trứng thì chả ai biết ông là huyện quan. Hơn nữa, ông không phải là mấy quan viên tri trên, huyện dưới thấy kiện cáo như kiến thấy mỡ. Nên thấy mọi người láo nháo ngòai sân, ông chau mày vì phép vua thua lệ làng, lớ ngớ đụng đến đến nhà chùa là nghiêng cột lệch mái huyện đường lúc nào không biết chừng nên bụng dạ ông chẳng mấy vui.

Nghĩ đến đây, ông cho điệu thằng chăn trâu trở lại gặp ông.

Cái thằng ngọng cứ ngược lên tận mái ngói, đến quặn cả mồm miệng. Nó líu lưỡi nào là gặp cái gái lên mộ đốt vàng mã, ngồi khấn… Nó hoa tay múa chân…kể lể mà ông chẳng hiểu ất giáp gì, nhờ chú lính lệ nói vào, ông mới vỡ nhẽ ra là cái gái miệng khóc tay bế thần vì, tay gạt nước mắt tay cầm nén nhang. Rồi nó moi móc rặn tiếp, chỉ khổ chú lính phải diễn nôm hỡi anh chồng cũ tôi ơi, hôn thiêng trở dậy ăn xôi nghe kèn. Ông hiểu là cái gái đang dở chứng, muốn khăn gói đi lấy chồng. Ông cho là chuyện thường tình, nhưng ông chùn lại ngay, vì ông đâu phải là bà huyện Thanh Quan với phó cho con Nguyễn thị Đào. Ông đang làm việc quan là xử án, là lo chuyện đóng cùm, đóng gông, buộc cổ mèo treo cổ chó, chứ đâu eo sèo nhân thế với cho về kiếm chút, chẳng mai nữa già. Mà lạ một nhẽ, thằng chồng vừa nằm xuống, chưa yên chỗ thì qủy tha ma bắt, con vợ đã nhấp nhổm…

Ngày rộng tháng dài cứ tạm để đó, đợi y thị khai báo đã.

Ông cho gọi cái gái vào, thị mặt mày bẹt ra như cái bánh đa nhúng nước, vừa thấy mặt ông, làm như oan ức lắm, thị rống lên, hết: “Ối giời đất ơi, sao con khổ thế này…” rồi khóc lóc: “Bẩm quan, con cắn rơm cắn cỏ lạy quan…”.

Ông dỗ dành cả một lúc lâu, cái gái mới bóc ngắn cắn dài:

– Bẩm quan, nhà quê nhà mùa có sao nói vậy…Con nào có biết gì đâu, gặp bà vãi bảo vào chùa khấn thì vào. Đang cầu khẩn tượng Già Lam giúp chồng con một tay để có “bạn nhắm rượu”, như nhà con về báo mộng hồi hôm. Vừa khấn xong, ngẩng đầu lên thấy sư bác lù lù đi ra. Con hốt hỏang nghĩ, thôi rồi không xong, Già Lam này cũng tai quái, hết người hay sao ấy, ai lại xúi sư bác đi chè chén với nhà con để ô uế cửa chùa, thánh vật chết.

Rồi thấy sư bác đi tới, hồn vía lên mây, con càng cuống thêm, chẳng biết dấu chai rượu ở đâu. Thế là con uống lấy uống để cho xong chuyện, mới hết một ngụm, người con nóng ran như lửa đốt, con tháo tung cái yếm của con ra. Đúng lúc sư bác và Già Lam nhẩy bổ tới vật con lăn đùng ra đất, giằng lấy chai rượu.

Ông mím môi suy nghĩ lung lắm vì hình như có một cái gì đó chẳng hanh thông mà ông chưa nghĩ ra. Nhưng nghe đến…“bạn nhắm rượu”, ông thầm nhủ, ắt hẳn không ai ngòai cái thằng nhất bạch nhị vàng tam khoang tứ đốm, bạn chồng cái gái.

Thế là thằng mõ được triệu tới công đường.

Thằng mõ thò đầu vào là nắc nỏm như mõ réo quan viên hai họ, và cùm nụm cùm nựu ra cái điều vừa tất bật điếu đóm ông tiên chỉ, ông lý trưởng xong là lên hầu quan ngay. Làm như chuyện thiên hạ sự, chẳng dính dáng gì đến mình, nhưng bẩm thưa rõ mồn một là cái gái tới kể lể chuyện nhà. Vợ góa con côi, nó thấy cũng tội nên đưa thị chai rượu, cái đùi chó mang cúng chùa. Và như ông cụ non ngán ngẩm sự đời, buông thõng một câu không đâu, đi tu Phật bắt ăn chay, thịt chó thì được thịt cầy thì không. Ông biết ngay thằng này có nhân có quả gì với sư bác đây, không ưa thì dưa có dòi là vậy. Nó là thằng mõ, chuyện làng trên xóm dưới gì mà chả biết. Mà nào phải to chuyện như luộc trâu cả con, rõ nhưng ngập mùi riềng, lá mơ, để thành chuyện.

Thế nhưng có bé xé ra to nên ông chẳng biết đâu mà lần. Ông chắc mẩm phải mang cả đám ra đền thánh Gióng để thề thốt quá. Vì ở làng Phù Đổng huyện Tiên Du đất Bắc Ninh này, ai chẳng biết biết thánh Gióng rất linh, quở phạt đâu ra đó. Chuyện mới năm rồi, có nhà bị mất trộm con ngỗng bèn lên khấn thánh.

Thánh về báo mộng cứ ra sau vườn nhà bên cạnh, thấy cái lỗ mới thì đào, moi lên là thấy lông ngỗng đầy ra cả đấy. Còn gã hàng xóm sáng hôm sau, ngơ ngác như ngỗng lạc đàn, đi đứng dềnh dàng thồn thộn, sau phải ra đền tạ lỗi mới xong.

Trước khi bãi đường, quan ty nhìn nhau không hiểu sao ông bắt sửa soan mâm xôi, con gà trống luộc, chai rượu. Lại nói với lính lệ là ngày mai cho gọi ông đồng bà bóng tới hầu quan nữa.

Về đến nhà, tối khuya ông cứ thao thức mãi với những chuyện không đâu, như cái gái nói năng không được suôi rót lắm, mới chợp mắt được một nhát, ông lạnh người khi thấy thánh Gióng hiện về. Mặt hầm hầm, quở ai không quở lại nhè ông:

– Này thằng huyện, mày đừng vu oan giá họa cho tao. Khi không vì cái yếm, tao xuống tay bẻ cổ một sinh mạng hay sao?

Vì bị thánh Gióng quấy quả, ông trằn trọc thêm. Sáng hôm sau ra huyện đường trễ, bắt gặp sư bác đứng ngòai sân, lừ đừ như ông từ vào đền, nên cũng áy náy và cho mời sư vào ngay.

Từ xa ông thấy sư chậm rãi bước từng bước một, sư có khuôn mặt thật nhân hậu, thông tuệ. Đúng là bậc chân tu, khác hẳn như thằng mõ nói về sư ngày hôm qua, nên ông có một chút phân vân và đắn đo mãi mới hỏi sư về chuyện hôm qua…

Sư bác nhìn thẳng vào ông, lặng lẽ và điềm đạm:

– Vừa lúc điểm chuông hết kinh nhật tụng, đứng dậy vào hậu phòng thay áo quần nghỉ trưa. Bần đạo nghe tiếng động ngòai chính điện, bước ra thấy nữ thí chủ đang kính cẩn lâm râm khấn vái. Tính đợi xong sẽ hỏi chuyện thì giật mình thấy thí chủ với tay cầm chai rượu trên bàn thờ, lúc này bần đạo mới nhìn thấy nó.

Chưa hết ngạc nhiên bỗng dưng Già Lam mặt mày khác lạ, chồm xuống giằng ngay lấy. Ngay lúc ấy bần đạo chỉ kịp nghĩ là không thể để Già Lam làm chuyện ấy được, nên nhẩy bổ tới ẩy Già Lam ra, lấy chai rượu lại và trong một lúc chẳng hiểu nghĩ thế nào bần đạo làm một hơi. Trong khi giằng co, bần đạo lỡ tay làm tuột cái yếm của nữ thí chủ lúc nào không hay.

Quan huyện nghe cũng tạm đủ. Chợt nghĩ đến thằng mõ, định hỏi tiếp còn cái đùi chó thì sao? Nhưng nghĩ sao lại thôi và cám ơn mời sư ra ngoài sảnh đường ngồi đợi.

Bước được mấy bước, sư quay lại bình thản hỏi ông:

– Quan huyện còn nhớ chuyện nhà sư già, nhà sư trẻ đến một cái vũng nước và gặp một cô gái ở đấy không?

Không đợi ông trả lời, sư lẳng lặng quay ra cửa.

Ông tần ngần một lúc lâu với câu hỏi thâm sâu của sư. Rít điếu thuốc lào vừa nhả khói ông vừa nghĩ đến chuyện ông sư già cõng cô gái qua vũng nước bỏ xuống rồi quên ngay. Đi một khúc xa, ông sư trẻ lẽo đẽo theo sau vẫn còn thắc mắc này kia. Quan huyện chột dạ hay sư bác ví ông với ông sư trẻ….Thế thì bỏ bu!

Chuyện đâu còn đó, dây mơ rễ má đến sư bác là có bà vãi.

Vãi được mời đến, chậm rãi có đầu có đũa là cái gái tới, nói chuyện một lát rồi vào trong. Vãi cười như mếu, nào ai biết đó là đâu, cái mũi ngay trước mặt còn không thấy, huống chi chuyện sư mô, cửa đóng im ỉm. Vãi chép miệng, đền miếu đền gì vắng như chùa Bà Đanh lúc thì chẳng có một ai, lúc thì ông tượng, gái tơ đầy chùa. Ông ngẩn người ra, đành rằng dậu đổ bìm leo, sao có ông tượng “leo” vào đây. Nhưng ông cũng ngờ ngợ được một điều, chốn thiền môn ít được bá tánh lui tới làm công quả, chắc phải có chi đây. Ngắm vãi, ông thấy bà thật thà như đếm, vả lại không có lửa sao có khói. Tội là tội cho…”bức tượng”, lại câm như thóc, mà đầu môi chót lưỡi cũng ở đây. Bất chợt ông thở dài, nếu không có bức tượng Già Lam thì ông đỡ khổ biết mấy.

Ông không biết làm sao hơn, như đã dự tính từ chiều hôm qua, ông vẫy tay ra hiệu cho mấy ông đồng bà bóng khiêng bức tượng Già Lam vào. Cái đám nhố nhăng quần áo xanh xanh đỏ đỏ, hoa chân múa tay gõ chiêng trống thùng thùng một hồi, làm ông muốn điên cái đầu. Đồng cô bóng cậu đeo dây quấn nhợ, múa lung tung, mặt đỏ như gấc chín. Rồi lảo đảo, giọng the thé như xé vải, lại nhìn ông trừng trừng.

Ông đóan là hồn Già Lam đã nhập, tiếng Già Lam trầm trầm:

– Ông huyện này, ngồi đồng trong chùa cả trăm năm, đang

buồn như trấu cắn, bỗng thấy y thị vác xác tới, mặt mày ủ dột, nhưng được cái người ngợm cũng không đến nỗi nào, tay xách chai rượu để trên bàn thờ. Ta lại tưởng y thị mời uống, nên y thị lâm râm xin xỏ cái gì ấy, thực tình vì tai gỗ nên Ta điếc đặc, nào có nghe thấy gì đâu. Cũng vừa lúc lão sư bác đi ra, mà hôm nay lão này cũng lạ, khi không lại mặc quần đùi, cởi trần trùng trục là xú uế cả thiền môn. Tuy nhiên lão muốn làm gì kệ xác lão, đụng đến chai rượu của Ta là không xong. Cũng ngay lúc ấy, y thị vơ lấy chai rượu làm như muốn đưa cho lão sư bác. Thế là Ta nhào xuống hất hai đứa nó ra và nốc một hơi, ấy vậy mà ngon đáo để. Và chuyện chỉ có vậy và không hơn…

Già Lam ngừng một chút rồi gằn giọng:

– Còn chuyện cái yếm vắt trên cánh tay Ta? Ông huyện đừng có hỏi vì chính Ta cũng không hay nữa là!

Đồng cô thánh cậu lắc lư chậm dần, mắt như lạc thần…Như muốn nhắn nhủ với ông, Già Lam giọng rõ ràng và chắc nịch:

– Này ông huyện, rượu nồng, yếm thắm, ngay cả bãi phân trâu thối hoăng. Đâu đâu ta cũng thấy hương thơm ngạt ngào của Bụt. Bụt nằm ở trong tim gan phổi phèo, ông huyện nhớ đấy.

Rồi Già Lam thăng.

***

Đến giờ ngọ nghỉ trưa. Khép cửa huyện đường lại và ngồi thừ ra. Ông thấy chuyện đạo chuyện đời là một chuỗi rắc rối không đâu, ông không muốn ôm rơm rặm bụng, mà muốn thảnh thơi như Bụt. Tiếp đến, ông quay quả với miệng lưỡi thế gian gia dĩ có câu bụt không dâm sao có hoa dâm bụt để ông chả hiểu nếp tẻ gì cả. Cứ như ông, chẳng hẳn nho phong sĩ khí gì với nhân sinh quý thích chi, hiểu theo nghĩa là người ta ở đời sống sao cốt thỏa ý mình. Như ông đây chẳng hạn, không tha thiết lắm đến việc quan nha, ngày ngày ông chỉ quanh quẩn ở công đường nửa buổi, lật ba mớ công văn sở thị cho nó có. Sau đấy đảo về nhà chăm mấy con nhồng, con yểng, hoặc làm canh tổ tôm. Rồi ông thiếp đi lúc nào không hay và thấy mình đang đi lòng vòng ngắm bãi cứt trâu, nhưng tìm mãi không thấy Bụt như Già Lam.

Bỗng dưng thánh Gióng lại hiện ra, chắp tay sau lưng, cũng đi vòng vòng chung quanh án thư, mặt mày đăm chiêu, hóa ra thánh cũng có nhiễu sự khó nghĩ như ông.

Đảo được một lúc, thánh nhíu mày, nhướng mắt nhìn ông:

– Này thằng huyện, mày thử nghe lời tao, đưa tụi nó chai rượu, rồi tống cả lũ trở lại chùa xem tụi nó giở trò trống gì.

Ông bật dậy, há hốc mồm ra, đúng là thánh có khác. Ông vừa định bái vọng, bái tạ thì thánh đã…hóa. Ông xỏ dép, quần ống cao ống thấp kêu lính lệ khiêng ông tới chùa. Ông cũng không quên vớ chai rượu trên mâm xôi ỏan. Nằm dài trên võng thở ngắn vắn dài, ông chỉ mong lát nữa thôi: Chuyện gì sẽ sẩy ra trong chùa, sẽ giải đáp những khúc mắc đang nằm bẹp dí trong cái đầu củ chuối của ông. Để ông sẽ thóat nợ, để ông về đánh tổ tôm…Rồi lẩn mẩn thế nào chẳng biết nữa, ông nhởn nha tới cây bài “bát sách” mà làng tổ tôm gọi là “gàn bát sách” như…thánh Gióng. Khi không thánh xúi dại ông vào chùa, lớ quớ ông dám là cây “nhị sách” chống gậy nên bị coi là quân “ăn mày”. Nói dại chứ lớ ngớ đụng đến nhà chùa nghiêng cột lệch mái lúc nào không biết chừng, để ông vác gậy đi ăn mày lắm chứ chẳng chơi

***

Rảo bước theo là tuần phu khiêng bức tượng Già Lam, theo sau là sư bác, cái gái và thằng mõ làng. Nó vừa gõ mõ vừa rao dân làng đến chùa. Tới chùa, như lời thánh Gióng dậy, quan huyện, một tay sửa lại thẻ bài, một tay cầm chai rượu…Rồi ông dẫn cả ba vào chính điện. Mọi người ngồi ngòai háo hức đợi.

Sau đấy họ nghe thấy có tiếng mõ của sư bác vọng ra, tiếp đến là một tuần kinh. Rồi tất cả rơi vào khoảng không.

Im ắng…

Có giọng ho khan đứt quãng rồi ngừng lại. Tiếng mõ chìm đắm trong chân không, u tịch. Nhưng chính ở khỏanh khắc lắng đọng này, mọi người có những giao động, khắc khỏai, cùng bài kệ cứu khổ cứu nạn của sư bác như còn văng vẳng đâu đây.

Và im như tờ…

Cũng lúc này, họ mường tượng đến cái gái với cái yếm trễ nải, phô bầy khỏang thịt trắng ươn ướt. Tay cầm chai rượu…

Rồi im bặt…

Mọi người lắng tai nghe. Không một âm vọng nào khác ngòai tiếng “..u..u..” của mấy con ruồi trâu đang nhởn nhơ vo ve. Họ hình dung đến bức tượng Già Lam mốc meo đang ẩn mình sau nhang đèn hương khói và…chờ. Chờ hết một thẻ nhang…

Chờ quá là lâu…Không ai bảo ai, mọi người bung cửa vào.

Thì thấy:

Cái gái dựa cột, đầu tóc rũ rượi, tay che ngực. Già Lam bần thần nhìn mảnh vải vắt qua tay mình và chẳng hiểu ấy là cái gì. Sư bác đang gõ mõ cứu khổ cứu nạn, âm vọng chìm đắm trong chân không. Quan huyện quần áo xốc xếch, tay cầm chai rượu.

Chai rượu vẫn còn nguyên.

Trúc gia trang

Hạ trưởng, Ất Dậu 2005

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Phụ chú:

Bài viết được cảm hứng từ những hoài nghi về tính

tuyệt đối của sự thật. Có sự thật phổ quát không, hay

chỉ là ảo ảnh của sự thật khúc xạ qua tâm lý của mỗi

người trong truyện ngắn “Rashomon – Lã Sinh Môn”

của nhà văn Nhật Bản Akutagawa Ryunosuke 1927.

– Đồng thời bài viết được cảm tác từ cuộc những “đụng

chạm” gay gắt giữa Đạo Phật trong buổi suy tàn và Đạo

Khổng trong buổi hưng thịnh qua truyện pho tượng Già

Lam ở làng Kim Ngưu của Phạm Đình Hổ vào năm 1798.

***

Vì Sao Pho Tượng Già Lam Trong Ngôi Chùa

Ở Làng Kim Ngưu Bị Phá Hủy

Trong Tang Thương Ngẫu Lục, Tùng Niên Phạm Đình Hổ có kể một câu chuyện khá độc đáo về lý do phá hủy pho tượng Già Lam. Một pho tượng cổ cả mấy trăm năm, đặt trong một ngôi chùa giữa cánh đồng làng Kim Ngưu.

“Tháng ba năm Mậu Ngọ, chưa biết năm nào. Vì thế kỷ 18 có hai năm Mậu Ngọ, năm thứ nhất là năm 1738, thời chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và năm thứ hai 1798, vào thời vua Minh Mạng. Tác giả Phạm Đình Hổ là người của nửa cuối thế kỷ 18, nửa đầu thế kỷ 19. Cho nên tạm đóan là năm 1798.

Ở làng Kim Ngưu, huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh, có cặp vợ chồng nhà nọ, cùng nhau gánh phân ra đồng để bón khoai. Đến trưa, khi họ đang làm thì thấy một người đàn ông to lớn đến hơn một trượng, mặt đỏ như gấc chín. Từ trong ngôi chùa ở giữa đồng đi ra, lôi xộc người vợ vào chùa. Người chồng sợ quá, vừa chạy vừa kêu cứu. Tới làng, người làng thấy vậy kéo ra đồng rất đông, họ cùng người chồng lao thẳng vào chùa. Tại đấy thấy, người vợ đang mê man như thể say rượu, lưng dựa vào cột chùa ở ngay bên phải của Phật điện. Khi ấy, sắc mặt của pho tượng Già Lam đột nhiên biến đổi, tay phải của pho tượng có cái yếm của người vợ phủ lên.

Ai cũng kinh ngạc và tức giận, bèn đạp đổ và phá hủy pho tượng Già Lam ấy đi”.

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search