T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : ĐIỀU KHÔNG NGỜ

clip_image002

Mẹ tôi thường bảo:

-Vô phúc cho con nhỏ nào vớ phải thằng Hòa.

Chị Tư được dịp thêm dầu vào lửa:

-Ghét đứa nào, chỉ cần gả nó cho thằng Hòa là trả được thù.

Tôi nghĩ, chỉ cần hai câu phát biểu trên là ai cũng có thể hình dung ra ông anh yêu quý của tôi.Hơn ba mươi tuổi mà anh vẫn còn phòng không chiếc bóng.Không biết có phải vì anh quá kén hay không -mẹ tôi thì vẫn bênh vực cho cậu quý tử rằng “tại vì chưa tới duyên nợ”. Tôi được biết, anh Hòa cũng từng trải qua vài ba mối tình rất lâm ly bi đát, nhưng không hiểu sao đến giờ phút cuối anh vẫn ra rả hát bài “đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”. Những lúc tôi tò mò tìm hiểu thì anh chỉ ỏn ẻn cười trừ. Lúc nào bị chất vấn đến lối bí thì anh thở dài ra vẻ thảm não lắm:

-Ai mà thèm lấy thằng khố rách, áo ôm như tôi cô ơi.

Chị em tôi chỉ cầu mong có cô nào làm ơn, làm phước rước anh ấy đi cho rồi.

Thật ra, anh Hòa cũng có nhiều tính tốt.Anh rất hiền lành, tốt bụng.Ai nói gì cũng cười.Phải cũng cười.Trái cũng cười. Ngay cả khi bị người ta chơi gác anh cũng cười -chắc anh chủ trương cười cho đời bớt khổ. Lại thêm cái tính phóng khoáng, rộng rãi.Bất cứ món gì của anh mà người khác trầm trồ khen ngợi một cách thèm thuồng là anh sẵn sàng lấy bút ký tên tặng. Tiền bạc đối với anh không nghĩa lý gì. Có tiền thì xài rủng rỉnh, không tiền thì nhịn đói, đắp mền xem phim Tàu cũng xong. Đối với bạn bè anh trọn tình, trọn nghĩa. Cũng vì thế mà anh thường bị những người bạn miệng mồm “ngọt như đường cát, mát như đường phèn” lợi dụng dài dài. Nhiều lúc bực mình vì phải chứng kiến cái cảnh trái tai gai mắt, tôi đành phải trở thành một người không biết phép lịch sự là gì để lái xe hủ lô vào đời tư của anh.

-Anh Hòa nè! Em thấy thằng cha Hiền có tốt lành gì với anh đâu mà anh cứ phải cho hắn mượn tiền.Đã vậy, chỉ thấy mượn mà chẳng bao giờ thấy trả.

Anh từ tốn trả lời:

-Cũng tội nghiệp nó, nếu không có tiền trả ngày hôm nay thì nó phải ra công viên ngủ.

Tôi thắc mắc:

-Bộ ông ta làm ăn thua lỗ hay sao mà cứ đi mượn nợ hoài vậy?

-Nó đâu có làm ăn gì!

-Nếu không làm ăn thì đâu có thất bại đến nỗi mang nợ. Còn đi làm hãng mà tiêu xài dè xẻn thì cũng đủ sống.

-Nó cũng đâu có làm hãng.

-Vậy chứ ông ta làm cái gì?

Anh nhìn tôi một lúc rồi thủng thỉnh trả lời:

-Nó đánh bài.

Tôi hét lên như chạm phải lửa:

-Người như thế có gì đáng thương mà anh phải giúp đỡ.

Những lúc đó tôi thầm ước, phải chi tôi là chị Cả thì bảo đảm ông anh của tôi phải ăn mấy củ roi mây vì cái tội thương người không đúng chỗ.

Anh thường nghênh mặt như thầm bảo “Ê nhỏ!mi là em của ta chứ đâu phải là chị mà cứ ham lên mặt dạy đời” khi tôi nhắc anh phải nhớ chiều nay có cái hẹn với người nào đó. Bực mình, tôi đổi giọng cằn nhằn:

-Người ta gọi anh là con ma nhà họ Hứa đó, biết không?

Anh trở giọng ngang như cua:

-Con ma nhà họ gì cũng chẳng sao.

Tôi trừng mắt tức tối:

-Anh không sao, nhưng mỗi lần bắt điện thoại, em lại phải nghe người ta nặng nhẹ đủ điều.

-Ai bảo cô ham bắt điện thoại.

Anh cười khoan khoái trước khi đủng đỉnh bước đi bằng cái tướng nghênh ngang, bất cần đời. Thử hỏi, làm sao không nổi giận, vì cứ ngay cái lúc tôi cố làm ra vẻ dịu dàng bằng giọng oanh vàng thỏ thẻ thì cứ y như rằng lại bị thiên hạ mắng như tát nước vào mặt:

-Cô có biết là tôi đứng đây chờ ông anh của cô bao lâu rồi không? Hắn hẹn tôi hai giờ mà bây giờ là mấy giờ cô biết không?

Khi nào trong người cảm thấy thoải mái, vui vẻ, tôi êm ái, ngọt ngào đáp lại:

-Dạ! em xin thay mặt anh Hòa vô vàn tạ lỗi cùng anh.

Bên kia đường dây, giọng anh chàng cũng trở nên dịu dàng hơn:

-Xin lỗi vì sự nóng nảy không đúng chỗ của tôi. Vậy… chẳng hay ông anh của cô đâu rồi?

-Dạ thưa anh, anh Hòa của em đang… say sưa giấc điệp.

Và tôi vội vàng cúp máy trước khi nghe tiếng nghiến răng trèo trẹo.Còn khi nào vừa mới khẩu chiến với ông anh yêu quý của tôi xong mà nghe câu hỏi mang tính chất khiêu chiến đó thì tôi cũng phùng mang, trợn mắt hét vào máy:

-Anh Hòa hẹn chứ bộ tôi hẹn sao mà ông gây với tôi.Có ngon thì lại đây đấu võ với anh ấy đi, ảnh đây nằm ngủ ngon lành kìa.

Đã bảo, mọi sự trên đời này đối với anh đều là vô thường, nên anh bảo “chẳng có gì cần phải sửa đổi. Lè phè lá cái tính trời cho thì tội tình gì phải sửa với đổi cho mất khí thế nam nhi”. Mỗi khi bước vào phòng của anh là tôi phải ra tay dọn dẹp, vì trên bàn, dưới đất, trăm mối ngỗn ngan, không có một chỗ trống nào để đặt bàn chân lên đó. Đôi khi, chắc anh cũng cảm thấy áy náy vì đã trót hành hạ một đứa em liễu yếu, mai gầy như tôi, nên có hôm anh gọi tôi đến, chỉ tay vào phòng:

-Ê nhỏ! xem… hôm nay anh của mi có giỏi không?

Tôi ngạc nhiên nhìn căn phòng sạch sẽ, gọn gàng và trống trơn:

-Ủa! ba cái đồ “lặc xon” của anh quăng đâu hết rồi?

Anh cười tủm tĩm:

-Bí mật nghề nghiệp. Từ rày không được chê ông anh của mi bê bối nữa nghe không!

Tôi mím môi, lòng tràn đầy nỗi nghi ngờ.Nhìn căn phòng ngăn nắp như thế này có ai dám nghĩ rằng anh là một người luộm thuộm, vớ vứt mỗi nơi một chiếc, mền nằm ngang, gối nằm dọc nửa trên giường, nửa dưới đất. Mỗi lần cần món gì thì coi như tất cả vật dụng trong phòng bị bới tung lên, anh vừa tìm, vừa than thở, khổ đau. Được dịp, tôi lặp đi, lặp lại cái điệp khúc cũ mèm mà chắc chắn đã làm cho anh nhiều phen đinh tai, nhức óc “Thấy chưa, nếu anh sắp xếp ngăn nắp thì bây giờ đâu phải mất thì giờ. Cứ đụng đâu quăng đó giờ mới khổ thân”.Những lúc đó anh chỉ cười.Một nụ cười thật khó hiểu. Nếu anh nổi giận vì phải nghe tôi lải nhải bên tai trong lúc tâm trạng đang bực bội thì không có gì đáng ngạc nhiên. Đằng này, anh lại cười.Thật, chỉ có trời mới hiểu anh ngụ ý gì trong nụ cười đó.

Thấy tôi im lặng anh có vẻ hài lòng. Giơ tay vẫy vẫy, anh bước lui vào trong với nét mặt hiu hiu tự đắc. Khi cánh cửa vừa đóng sầm lại thì tôi nghe rầm một tiếng.Hình như có cái gì từ trên cao đổ xuống, tôi vội vàng đẩy cửa chạy vào.Thì ra… đây chính là mối nghi ngờ của tôi. Tất cả đồ đạc la liệt trên sàn nhà đã được anh dồn thành đống cho vào cái tủ áo bé nhỏ. Quá sức chịu đựng nên cánh cửa bật ra và sự thật phũ phàng được phơi bày trước mắt.Vừa nhìn “bãi chiến trường” anh vừa nhìn tôi cười cầu tài.Tôi cũng cười và chỉ có tôi mới hiểu nụ cười của tôi ngụ ý gì “đúng là vô phúc cho ai vớ phải anh Hòa của tôi”.

***

Đó là hình ảnh của anh Hòa năm năm về trước.

Bây giờ. Năm năm sau…

Nhìn anh Hòa tất bật ở nhà bếp, quay sang trái xắt hành, quay sang phải rửa rau, quay ra phía trước chiên chiên, xào xào, quay lại phía sau rửa nồi, rửa chảo mà tôi không thể nhịn cười. Vài sợi tóc lòa xòa trên cái trán hói của anh làm tăng thêm vẻ mệt nhoài trên khuôn mặt đã xuất hiện vài nếp nhăn. Vậy mà khi mẹ bảo ” để rau mẹ rửa” anh không cho. Tôi dành rửa chén anh cũng nhăn mặt đẩy ra “để anh làm được rồi”. Vẫn như hồi xưa, tôi lên giọng càm ràm:

-Anh làm không kịp thì để em phụ một tay. Người trong nhà chứ có phải khách khứa gì đâu mà bày đặt khách sáo.

Nhưng anh cương quyết:

-Trước đến giờ anh vẫn làm một mình chứ có ai phụ đâu mà công việc vẫn hoàn tất ngon lành.

Tôi trừng mắt nhìn anh:

-Vậy chứ, v..v..ợ….

Cái nhướng mày của mẹ làm tôi lắp bắp rồi im bặt khi nhớ đến một câu nói của tôi đã từng làm sứt mẻ tình anh em.

Ngày đó, khi anh quyết định kết hôn với chị Dao, tôi và mẹ phản đối kịch liệt. Một câu hỏi chứa đầy sự kỳ thị đã được tôi đặt ra “Sao anh lại ưng con nhỏ lai Mỹ… đen thui”. Không nụ cười trên môi kèm theo câu trả lời vừa ngang, vừa tưng tửng như xưa nay vẫn có mỗi khi hai anh em tranh cãi chuyện gì, anh Hòa nghiêm khắc nhìn tôi, gay gắt “Màu da có làm nên tư cách con người không? Cô làm ơn dẹp cái ý nghĩ độc ác và lỗi đức công bằng đó đi”.Từ bé đến lớn, anh Hòa chỉ toàn cưng chìều tôi chứ chưa bao giờ giận dữ, la lối như vậy. Thế là cục tự ái của tôi nổi dậy và tôi thọc mách đủ điều với mẹ, lời ra tiếng vào, nào là “con gái lai dữ như chằn, rồi cô ta sẽ ăn tươi nuốt sống anh Hòa”, nào là “mấy bác làm mai cho anh Hòa sẽ cười mẹ, tưởng chê con gái người ta để lấy cô nào xinh đẹp, ai dè một con nhỏ thùi lui… như cục than hầm”. Mẹ vốn đã không ưng ý, lại thêm tôi đổ dầu vào lửa, nên ngày đám cưới của anh Hòa mẹ cáo bệnh nằm nhà, không tham dự.Nghĩ đến khuôn mặt ủ ê của anh Hòa và sự bẽ bàng của cô dâu mới, tôi cười hả hê đắc thắng.

Nhưng… hai năm sau, khi tôi đang làm việc bên Pháp thì mẹ ngã bệnh.Và qua cơn bệnh trầm kha đó mẹ cũng như tôi mới thấy hết tấm lòng của chị Dao.Ngày xưa, không biết chị đã buồn bã và đau khổ như thế nào khi bị gia đình chồng từ chối. Nhưng bây giờ, bao năm trôi qua, lúc nào chị cũng hiếu thảo, lễ độ với mẹ và ân cần, vui vẻ với tôi, không bao giờ nhắc nhở chuyện cũ để trách móc, để giận hờn. Tấm lòng quảng đại của chị đôi khi làm tôi vừa khâm phục, vừa hổ thẹn.

Có tiếng mở cửa. Chị Dao và hai cậu con trai sinh đôi kháu khỉnh bước vào nhà. Nhanh nhẹn như chú sóc con, hai đứa trẻ chạy ùa vào lòng bà nội, tranh nhau kể chuyện bạn bè ở nhà trẻ. Chị Dao “Thưa mẹ, mừng cô Út đến chơi” với nụ cười tươi tắn rồi tuột đôi giày cao gót để ở góc bàn, chạy vào bếp lăng xăng phụ giúp chồng với giọng nói ngọt ngào:

-Tội nghiệp anh quá? Thôi, anh rửa tay đi, để em làm cho. Tới nói chuyện với cô Út kìa, không thôi cô hờn bây giờ.

Cái nheo mắt của chị dành cho tôi thật thân tình khiến tôi cảm động. Chị đâu biết sự ganh tỵ không còn trong lòng tôi từ ngày mẹ kể cho tôi nghe về những yêu thương và săn sóc tận tình, không quản ngại cực nhọc, dơ bẩn của chị trong suốt thời gian mẹ bệnh hoạn mà không có tôi bên cạnh.

-Anh làm gần xong rồi, em nghỉ ngơi một chút rồi ăn cơm, làm việc cả ngày cũng mệt rồi?

Chị Dao đưa tay lau những giọt mồ hôi trên trán anh Hòa bằng ánh mắt trìu mến:

-Anh cũng mệt vậy. Tối anh còn phải làm việc nữa mà.

Đi vào bếp, vói tay lấy chén, đũa để sắp lên bàn, tôi giả vờ nhăn mặt:

-Thấy hai người lo lắng cho nhau… em bắt đầu ganh tỵ rồi đó nha.

Quay lưng bước đi nhưng tôi biết chắc phía sau lưng mình là hai nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc. Lòng tôi cũng tràn ngập nỗi cảm xúc khi cao giọng nói với mẹ:

-Mẹ ơi! ai vớ được anh Hòa nhà mình là có phúc bảy mươi đời phải không mẹ?

Ngày xưa, có bao giờ tôi nghĩ rằng ông anh lè phè của mình lại đảm đang, giỏi giắn, sẵn sàng hy sinh, chịu cực chịu khó vì vợ vì con như bây giờ. Và cũng không bao giờ tôi nghĩ rằng “con nhỏ lai… đen thui” này lại là một người vợ hiền, một cô dâu thảo, để có lần tôi suýt phá vỡ hạnh phúc của họ. Cũng từ đó tôi mới hiểu thêm một điều, đừng bao giờ đánh giá con người bằng thành kiến cũng như bề ngoài. Và quan trọng hơn hết, đừng bao giờ chạm đến tình yêu của người khác. Bởi vì, với mỗi người, tình yêu là báu vật của riêng họ và họ sẽ quyết tâm bảo vệ đến cùng []

Ngân Bình

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search