T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 199)

https://eqhsih9ofx5.exactdn.com/2021/03/clip_image002-150x150.jpg?strip=all&lossy=1&ssl=1

 

Triết lý củ khoai

Lúc bé cứ mơ ước lớn lên sẽ trở thành người này người kia, giờ mới biết được trở thành chính mình mới là khó nhất!

 

Chuyện Ta chuyện Tàu (4)

 Qua lãnh vực đạo Phật, gặp các vị thầy tụng thuộc kinh làu làu, hỏi gốc đạo truyền qua Việt Nam từ đâu, phần đông nói truyền từ bên Tàu. Thật ra truyền từ Giao Châu qua do thiền sư Khương Tăng Hội hồi đầu thế kỷ thứ 3 thời Tam quốc lúc đó nước ta thuộc Đông Ngô. Cha thầy từ Ấn Độ qua Giao Châu mua bán bằng đường biển lấy mẹ thầy là người Giao Châu (Việt Nam) ở Bắc Ninh lúc đó gọi là Luy Lâu, lúc đó dân ta học tiếng Tàu nên thầy rành chữ Hán lại biết chữ Ấn Độ nữa nên thầy viết kinh sách, giáo đoàn có hơn 500 người. Chúa Tôn Quyền nghe người đạo hạnh nên mời qua giảng kinh, rồi lập chùa chiền vì do đức tin của chúa. Đến thời con là Tôn Hạo lên ngôi cho là mê tín phá chùa, đàn áp những người theo đạo, gởi người tài giỏi đến hạch sách thầy Tăng. Hỏi đủ điều, điều gì thầy cũng trả lời rành mạch suông sẻ, sứ giả trở về thuật chuyện, Tôn Hạo mời thầy đến đàm đạo, từ đó Tôn Hạo xây chùa lại thành lập giáo đoàn. Vậy là trung tâm Phật giáo Luy Lâu có trước rồi tới Bành Thành rồi tới Lạc Dương…

(Chuyện Ta chuyện Tàu – Trần Khánh)

 

Phan Khôi – Tản Đà (1)

Phan Khôi công kích ” Cái cười của con rồng cháu tiên ”

Nhân đọc cuốn tiểu thuyết ” Cay đắng mùi đời ” của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Phan Khôi đã viết một bài đại luận về cái cười thường khi rất bỉ ổi, tàn nhẫn của người Việt Nam mình. Bài đó ông đề nó là ” Cái cười của con rồng cháu tiên ” (P.N.T.V. số 84, 28-5-1931). Phan Khôi đã vạch ra cái khéo léo, tài tình của ngòi bút tả chân Hồ Biểu Chánh trong việc vẽ ra cái cười man rợ, khả ố, đê tiện của cái nòi giống tự xưng là ” Con rồng cháu tiên “.

Tản Đà khai chiến với Phan Khôi

Hai bài của Phan Khôi viết ra, một bài vào tháng 5, một bài vào tháng 8 năm 1931, sẽ phải tiếp nhận những nhát búa nặng nề của Tản Đà bắt đầu từ tháng giêng năm 1932. Thực vậy, trên An Nam tạp chí, bắt đầu từ số 26, 23-1-1932, Tản Đà bắt đầu khai chiến dữ dội. Nơi đây, ta không còn thấy Tản Đà nhà thơ lãng mạn, đôn hậu, mơ màng nữa, mà ta thấy ông khi thì là một quan toà, khi thì là một đao phủ nữa. Chính vì vậy, mà ta thấy ngay ở phần mở bài thứ nhất trong loạt bài được chọn bằng một tiêu đề rất đặc biệt ” Một cái tai nạn lưu hành ở Nam Kỳ : Phan Khôi “.

(Phê bình văn học thế hệ 1932 – Thanh Lãng)

 

Chữ và nghĩa

Người Nam thường bảo trẻ con đi chỗ khác chơi, không được láng cháng trước mặt. Nhưng trong từ điển của Huỳnh Tịnh Của đã nói ở trên ghi loán choán. Như vậy từ gốc là “choán”, yếu tố láy là loán và nghĩa gốc của láng cháng là “choán chỗ”.

Ðây là hiện tượng biến âm.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)

 

Triết lý củ khoai 

Lúc bé tưởng nói quên là có thể quên được, giờ mới biết có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong lòng.

 

Tản Ðà – Phan Khôi (2)

Tản Đà mở đầu cuộc chiến của ông như thế này :

” Cứ những lời của ông Khôi viết ở trong tờ Tân Văn có nhiều những tính chất tầm bậy. (như bài ” Cái cười của Con Rồng Cháu Tiên) ; mà hại cho phụ nữ về phần nhiều ( như lời bài kích Tống Nho về câu ” ngạ tử sự thậm tiểu, thất tiết sự thậm đại “). Sự hại đó, không phải là ông Khôi có định chí làm hại ; chỉ là ông quá dụng sức về nhẽ ” ăn cây nào rào cây ấy ” viết bài cho Tân Văn phụ nữ thời chiều theo tâm chí của phần nhiều phụ nữ đó mà thôi. Phần nhiều phụ nữ tân thời nay muốn tự do, muốn giải phóng, ông Khôi phun giải phóng, phun tự do. Đối với các độc giả có được lòng thời tờ Tân Văn mới phát đạt ; tờ Tân Văn có phát dạt thời giá mua bán bài mới cao. Tờ Tân Văn được lòng độc giả vì ai, thời giá bài người ấy tất phải đắt. Ngoài chiều ý người mua báo, trong chiều ý người mua bài, ông Phan Khôi mới hết sức viết những lời tầm bậy. Lời tầm bậy đã in lên báo, thời chiều ai mà tức thị hại ai. Đó là do tâm tình mà những lời viết báo của ông Khôi thành ra làm hại cho phụ nữ lưu vậy ”

(An Nam tạp chí số 26, 23-1-1932).

(Phê bình văn học thế hệ 1932 – Thanh Lãng)

 

Truyện chớp: Chuyện tình

Từ khoảng 14, 15 tuổi, mỗi lần gặp bất cứ người phụ nữ nào, hắn cũng nhìn thật sâu vào mắt người ấy, nhưng hắn không thấy gì cả. Cho đến khi hắn tình cờ phát hiện trong đôi mắt một người phụ nữ hình ảnh của chính hắn, hắn bắt đầu biết yêu.

 

Tên Nôm tên Tự (5)

 Sự hình thành tên “Đền Tú Uyên”

 Đền Quán Thánh do vua chúa tạo dựng, trùng tu nên tên chữ được hình thành trước. Từ đó dân gian có thể sáng tạo tên nôm qua quá trình chuyển ngữ. Cụ thể như sau : Quá trình đảo trật tự ta có tên “Quán Trấn Vũ”. Xu hướng bổ sung thành “Quán thánh Trấn Vũ”, rút gọn thành “Quán Thánh” với “quán” trong tiếng Hoa đã được thay thế bằng “đền” là từ thuần Việt.

Để chứng minh cho việc dân gian đã từ chối hấp thu chữ  “quán”觀 có thể lấy Đền Tú Uyên làm ví dụ. Đền Tú Uyên ở số 14 phố Cát Linh – Hà Nội còn có tên là Đền Bích Câu là nơi thờ Trần Tú Uyên và tiên Giáng Kiều. Nghi môn của đền có chữ Bích Câu Đạo Quán trong đó chữ Quán là quán xá. Phân biệt hai chữ (đạo quán – nơi thờ cúng sinh hoạt đạo giáo) và (quán xá –nhà trọ) được sử dụng ở Đền Trân Vũ và Đền Tú Uyên.

(David Phùng – Sự hình thành tên Nôm một số kiến trúc tôn giáo)

 

Phần

 Phần: mồ ma

(đoái trông muôn vạn tử phần)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Cửa ô Hà Nội

Trích theo bản đồ Hà Nội năm Minh Mạng 12 (1831) thì Hà Nội có 16 cửa ô, đặt tên theo làng theo tổng. Mỗi cửa ô thời ấy có lẽ là một chiếc cổng ngày mở đêm đóng bởi mỗi phường như một làng, khép kín, có cây có rào, có tuần đinh canh phòng để ngăn ngừa đạo chích và dè chừng hoả hoạn. Cho đến đầu thế kỷ Hà Nội vẫn còn năm cửa ô. Đó là Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Đống Mác và Ô Quan Chưởng…

Bốn cửa ô kia đã bặt tăm bóng dáng. Chỉ còn một Ô Quan Chưởng ở cạnh chợ Đồng Xuân, một cửa ô duy nhất còn lại cái cổng ba cửa như cổng thành, có vọng lầu, bằng gạch vồ nâu đỏ, có cả tấm bia đá của Tổng đốc Hoàng Diệu cho dựng năm 1882 cấm ngặt binh lính quan nha không được sách nhiễu người dân qua lại đây vào thành. Cổng ô được xây dựng năm 1749, hơn hai trăm năm rồi, là chứng nhân của lịch sử và tấm bia đá kia trăm năm chưa mòn.

Tôi đã nhiều lần đi lại dưới vòm cổng Ô Quan Chưởng, có lúc ngắm cổng từ Hàng Buồm, Hàng Chiếu là ngắm từ phía tả, xế về Hàng Buồm, thuở còn nhà cửa lúp xúp, là nhìn từ phía hữu, tuy có bị che chắn nhưng cũng thấy được cái vòm cổng xa xa… nhất là khi ráng chiều đổ xuống, vương vàng trên tán cây thì cái dáng Ô Quan Chưởng vừa oai, lại có một chút gì bùi ngùi, vương vấn…

(Nguồn: Kiều Minh)

 

Nợ như tổ đỉa

 Tổ đỉa: không phải tổ con đỉa mà là một loại cây mọc cạnh bờ ao,

lá xơ xác. Người ta ví câu này với người nghèo nên mang nợ.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

 

Văn hóa ẩm thực:

Tạp pín lù (1)

Tạp pín lù, âm Hán Việt là đả biên lô, tức là món ăn nấu chín gần bên lò lửa. Cũng như ăn sán lẩu là ăn thịt sống nhúng vào nước sôi bắt trên lò lửa nóng. Số là người Tây (Tàu?) bày ra một từ khí bằng chì, thiếc, vật kim khí có chân cao giữa khoét lỗ đặt vài cục than cháy, chung quanh là nồi chứa nước thịt ngọt, khách ăn tự lựa từng món ngon: mề gà, lòng heo, ruột già, ruột non, dồi trường, tự gắp bằng đũa và nhúng vào nước thịt đang sôi, rồi tự gắp qua chén và, không cần biết món nhúng đã chín hay còn sống sượng”. (Vương Hồng Sển – Sài Gòn tạp pín lù).

Tạp pín lùsán lẩu (sanh lô) là món ăn cầu kì, đắt tiền. Thức ăn toàn là đồ tươi chứ không phải đồ ăn còn thừa như lâm vố. Tô Hoài nhầm cái váy thời trang được cắt may, lắp ghép bằng nhiều miếng vải với cái váy đụp, đầy mụn vá của mấy bà nhà quê.
Lâm vố là tổng hợp các đồ ăn thừa của lính Pháp, được xuất trại tái sinh thành cơm vỉa hè bình dân. Sà bần, hẩu lốn, được nấu bằng đồ ăn còn lại của gia đình.
(Nguyễn Dư – “Cao lầu, hẩu lốn, loạn… sà bần” )

 

Thành ngữ và danh ngôn

Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ…Nay con cháu mai sau đời sau chế tác “lung tung, trống kèn” những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ :

  • Bạn có thể là “anh hùng” nếu bạn tên là Hùng và bạn có 1 đứa em
  • Bạn có thể là “bác” sĩ mà không cần học nếu bạn tên Sĩ và có 1 đứa cháu.

 

Văn hóa ẩm thực:

Tạp pín lù (2)

Tạp pín lù, sán lẩu trong Nam, cù lao lửa (Vũ Bằng gọi là Cù lao hổ) ngoài Bắc, là đặc sản của một số hiệu ăn sang. Đồ ăn tươi được nấu ngay trên bàn ăn.

Cù lao lửa ban đầu là tên cái xoong dùng để nấu món ăn. Xoong hình máng, viền tròn xung quanh lò than. Toàn bộ trông như một cù lao nằm trên lò lửa. Cái xoong cù lao lửa còn có tên gọi khác là cái hoả thực.
– Lù (tạp pín lù), lẩu (sán lẩu), lốn (hẩu lốn) là ba cách phát âm khác nhau của từ Hán Việt , nghĩa là cái lò, cái bếp lửa. Do đó, đòi hỏi tối thiểu của món lẩu, bất cứ là lẩu gì, là phải có cái lò lửa để đun nước dùng, nhúng đồ ăn, đặt trước mặt thực khách.

Bây giờ, người ta sẽ hoa mắt vì… lẩu. Thôi thì đủ thứ! Lẩu bò, lẩu heo, lẩu dê, lẩu đà điểu, lẩu cá, lẩu gà, lẩu ba ba, lẩu chó v.v. Có sách dạy nấu 101 món ăn lẩu Trung Hoa (nxb Phụ Nữ, 1997). Thật ra, chả cần phải tìm kiếm đâu xa, chỉ việc đặt cái lò trên bàn ăn, bắc xoong nước lên, để bó rau, xóc cua, rổ ốc… bên cạnh là ba miền nước ta cũng có cả mấy chục thứ lẩu. Lẩu rau muống, lẩu rau cần, lẩu cua, lẩu ốc… Xoong nước dùng đặt trên lò, nhúng rau vào, gắp ra ăn… là lẩu rau, lẩu chay đấy.

(Nguyễn Dư – “Cao lầu, hẩu lốn, loạn… sà bần” )

 

Giai thoại La De Trái Thơm (2)

Nhãn đưa qua Công ty Thủy tinh Việt Nam, (Khánh hội) dán vào chai: 100 ngàn chai mới. Khi đưa vào nhà máy Chợlớn, các lão kỹ sư cười vỡ bụng, “hoa houblon sao giống trái thơm thế nầy”. Văn phóng quyết định cứ trộn chai mới vào với đám chai cũ, lẫn lộn chả ai biết gì đâu, người ta uống La De có ai thèm nhìn nhãn đâu. Chẳng lẽ vất bỏ 100 ngàn chai hay sao?

Nhưng không ai lường được cái tài kinh doanh của người Hoa (các chú Chệt nhà mình ở hãng). Mấy tay cao thủ bán hàng của hãng cứ thế mà sắp cho mỗi thùng một chai, và tuyên truyền nguyên tắc của Hãng mỗi thùng một chai. Nhưng khi đi giao hàng ( bán sỉ) quý vị ấy tự nhiên đề nghị với các bạn hàng biết điệu nghệ thì có thể thêm 2 hoặc 3, thậm chí cả thùng toàn a de trái thơm tùy theo chịu chơi của thân chủ. Và cứ thế giòng sông thương mại trôi theo giòng điệu nghệ, ăn nhậu. Thế là tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn gần, Hãng La De vừa sản xuất được một thứ La De hảo hạng, La De trái thơm, một thùng chỉ một chai, để tặng các bạn.

(Nguồn: Phan Văn Song)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo tự điển tiếng Viêt ở Hà Nội (Văn Tân Nguyễn văn Đạm):

Lai rai: là cơn mưa, nhỏ và ngắn

 

Chữ và nghĩa (1)

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ với học sinh. Giới biên soạn sách giáo khoa e dè như thế kể cũng phải, vì khó lòng có thể né tránh được những từ ngữ “hiểm hóc”, đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng những trở ngại về từ ngữ cổ.
Chắc vì chưa rõ rán là gì trong câu Ðại hàn trâu nằm “rán”, người ngồi bếp, các soạn giả Ðại từ điển tiếng Việt đành chép chữ ấy thành “giàn”, rồi diễn giải: “Trời quá lạnh phải ngừng mọi công việc để tránh rét” . Giá chịu khó tra cứu, chắc họ sẽ thấy rán là từ hiện còn thông dụng tại một số địa phương, như Từ điển tiếng Việt với nghĩa: chuồng [nhốt trâu bò]”, và chắc hẳn họ cũng sẽ tự thấy phải chia tay ngay với cách diễn giải “nông nổi” vừa nhắc để bằng lòng với lời diễn giải sau : “Vào ngày đại hàn giá lạnh thì hãy để trâu nằm lại trong chuồng [chứ đừng lùa nó ra đồng (vì trâu yếu chịu rét)], còn người thì hãy đưa nhau xuống bếp mà ngồi [cho ấm].”

Vì vậy rán là từ cổ có nghĩa là chuồng.

(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search