T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Những thảm kịch của đời sống

clip_image002

Viết thêm của tác giả:

Những ghi chép được ghi lại trên bàn viết là những cảm nghĩ ngay tức thời, vào chính thời điểm một dữ kiện vừa xảy ra, không chau chuốt, không đào sâu. Có những ghi chép xuất hiện và bị lãng quên lặng lẽ. Nhưng cũng có những ghi chép quay trở lại ám ảnh người viết. Thí dụ như ghi chép về cơn địa chấn ở Haiti. Giọt nứơc mắt trên khuôn mặt một người phụ nữ mà ống kính của phóng viên nhanh tay chụp bắt được, đã làm tôi mất ngủ nhiều đêm. Giọt nước mắt cô đọng ấy chất chứa bao nỗi đau khôn tả. Đó là nỗi đau của con người. Và giọt nước mắt ấy cũng là giọt nước mắt đổ xuống cho thân phận làm người. Giọt nước mắt không phải là đầu tiên của nhân lọai, và chắc chắn không phải là giọt nước mắt cuối cùng.

Bài viết dưới đây là kết quả của nỗi đau âm ỉ kể từ khi tôi nhìn thấy giọt nước mắt khốn khổ ấy.

T.Vấn.

1.

Những thảm kịch chẳng xa lạ gì với đời sống. Với nhiều người, nhiều dân tộc, đời sống chính là thảm kịch, thứ thảm kịch xẩy ra hàng ngày. Khi ấy, thảm kịch không còn là thảm kịch. Nó trở thành đời sống. Một quả bom nổ ngay giữa chợ ở Iraq, làm phanh thây hàng trăm người dân vô tội, cũng chỉ mang ý nghĩa đơn giản: dân số Iraq vừa giảm đi 100 người. Trận động đất 7 độ richter ở quần đảo Haiti nghèo đói bậc nhất thế giới, chính trị bất ổn liên miên, vừa xẩy ra vào tuần lễ đầu tiên của tháng Giêng, gây tan hoang đổ nát khiến cả thế giới kinh hòang, theo tiêu chẩn cam chịu của người dân Haiti, hẳn cũng chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện “.

Dù vậy, thảm trạng não lòng vì cơn địa chấn 7 độ richter có thật chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”? Con số 200 trăm ngàn người chết, 1 triệu rưỡi người sống sót một sớm một chiều mất hết tất cả, kể cả cái mái che mưa che nắng trên đầu, đã khiến nhiều người không tin cả tai mắt của mình. Và chắc chắn, ở cái xứ sở khốn khổ đầy tai uơng ấy, đó phải là “chuyện không bình thường” vừa xẩy ra.

Đến nay, 2 tuần lễ sau cơn thịnh nộ của mặt đất, tiếng khóc cháy ruột, tiếng kêu xé lòng, vì đau – đau thể xác, đau tâm hồn – vẫn còn văng vẳng đâu đó trên một góc thế giới. Hãy thử tưởng tượng, một sáng thức dậy, thấy chung quanh mình chỉ có xác chết. Xác vợ, xác chồng, xác con, xác bạn bè, xác người thân kẻ thuộc. Hãy thử tưởng tượng, đứa con mình đứt ruột đẻ ra, nằm tuyệt vọng chờ chết với một nửa người bị đè dưới lớp bê tông cốt sắt vô tình, cái đau của đứa con như chóang ngợp cả trái tim người cha, người mẹ tội nghiệp. Hãy thử tưởng tượng, những đứa trẻ vừa nhận thức được rằng từ nay sẽ là phận côi cút, không cha không mẹ không nhà. Những thỏi kẹo Chocolate ngon ngọt từ bàn tay thế giới chìa ra, liệu có làm ngọt được số phận kể từ nay chỉ biết đến cay đắng, chua xót của các em. Hãy thử tưởng tượng . . .

Những cơn rùng mình của mặt đất sau địa chấn đã khiến sự khiếp đảm tăng thêm cường độ. Chưa bao giờ những Atershock lại mạnh đến thế: 6 độ richter. Giữa những ngổn ngang của gạch vụn, của đổ vỡ, của mất mát, của hãi hùng, liệu con người có thể tiếp tục sống nốt thảm kịch của đời mình được không? Liệu có thể chịu đựng được cái Aftershock về tinh thần với mức công phá mạnh đến không một thứ máy móc nào có thể đo được không?

Cướp bóc, hôi của, giành giựt bất cứ thứ gì có thể hữu dụng cho cuộc sống hàng ngày của một lớp người Haiti sống sót là câu trả lời mạnh mẽ. Người chết đã yên phận người chết. Kẻ sống sót phải đi cho hết con đuờng định mệnh làm người của mình. Đi với một ý thức tối mù về những gì vừa xảy ra, đang xẩy ra, sẽ xẩy ra. Không ai có thì giờ đứng lại, lo sợ về một cơn Aftershock mới, có thể kéo tòan bộ đống gạch vụn ngổn ngang kia xuống dưới đáy địa cầu. Và cho dù điều ấy xẩy ra thực, thì còn có gì để người ta bận tâm nữa. Như người sắp chết, chẳng còn mong muốn gì hơn ngòai nỗi bình an trong tâm hồn, để thân xác được nhẹ nhàng như mây, dù là mây giữa một bầu trời Haiti đầy bụi bậm độc ác.

2.

Quả đất này là thiên thần hay ác quỷ, là sự nhân hậu hay sự độc ác đáng nguyền rủa?

Có người bảo rằng, cũng có khi, quả đất độc ác còn hơn chính ác quỷ. Có lúc nó mưa tầm mưa tã, mưa không ngừng nghỉ, mưa ngập lụt cả thế gian, mưa thối ung cả thiên nhiên trời đất. Có lúc nó khô cằn nắng hạn, khô nứt khô nẻ mặt đất, khô chết cả thiên nhiên lẫn con người. Có lúc nó đem gió về, thổi bung nhà cửa ruộng vườn, thổi cả biển sóng đập vào bờ như những cú đấm thù hận, hay hỗn láo bắt nạt thiên nhiên. Có lúc, từ chính mặt đất, nó lắc lư chao đảo như kẻ lên đồng, rồi tự nứt ra chôn vùi chính mình.

Như trận động đất vừa rồi ở Haiti, mảnh đất nghèo khổ, lạc hậu, luôn bất ổn về chính trị, xã hội, với vỏn vẹn chưa tới 10 triệu dân. Và những tai ương liên miên, không hề biết đến ngơi nghỉ.

Năm 1994, trận bão nhiệt đới Gordon tàn phá không ghê tay đảo quốc nhỏ bé này, để lại những thiệt hại không nhỏ về của, về người. Năm 1998, lụt Georges cuốn đi 500 mạng người. Năm 2004, những trận mưa sau cơn bão nhiệt đới Jeanne rửa sạch linh hồn cho hơn 2 ngàn con người. Năm 2005, bão Dennis hóa kiếp 25 mạng, và bão Alpha cũng cố cho bằng anh em bằng em với Dennis, nhưng khiêm tốn hơn chỉ giết có 17 người, theo sau là bão Wilma chỉ 11 người. Năm 2008, cuộc di chuyển song hành của hai con bão Fay và Gustav hóa kiếp thêm 130 mạng người và khỏang 3,100 căn nhà xơ xác. Để rồi chỉ hơn một năm sau, cơn địa chấn 7 độ richter lấy đi con số đại trà 200 ngàn người và con số thiệt hại về vật chất, trong nhất thời, chưa thể đánh gía.

Có người bảo, đến thế này thì “quá đáng” lắm, nhưng bức thông điệp của quả đất độc ác, được truyền đi nhân cơn địa chấn ở Haiti lại còn “quá đáng” hơn nữa.

Nhìn thảm cảnh Haiti, ai dám bảo rằng nơi mình đang sinh sống là chỗ an tòan? Vừa qua, cả miền Bắc Cali hỏang hốt vì cái hắt hơi nhẹ của quả đất trong một mùa đông lạnh kỷ lục. Đường phố, nhà cửa rung chuyển. Ai dám bảo một Haiti nữa lại không thể xẩy ra? Ở Sài Gòn chẳng hạn. Vài năm trước đây, dân Sài Gòn đã từng hốt hỏang vì cơn rùng mình của vũ trụ. Vũ trụ chỉ mới rùng mình thôi, chứ chưa vươn vai đứng dậy như ở Haiti, mà đã thất kinh hồn vía. Chẳng còn đâu là chỗ an tòan trên mặt đất lòai người. Quả thực là Nowhere to Hide, như tên một cuốn phim Mỹ khá ăn khách.

Có người bảo, ta từ đất mà ra, nhờ đất mà sống, mà sinh sôi nẩy nở, nay được đất vỗ về ôm ấp, chẳng phải là số mệnh làm người đó sao, vì đời sống con người vốn tự nó đã là một thảm kịch. Đã là một thảm kịch thì có gì nữa mà phải phàn nàn.

3.

clip_image004

Kẻ tạm thời sống sót, chưa bị ảnh hưởng trực tiếp từ những cơn thịnh nộ của trời đất, là chúng ta. Trước thảm cảnh Haiti, cũng như thảm cảnh Tsunami làm chết 250 ngàn người ở khu vực vùng biển Nam Á trước đây, chúng ta nhìn, theo dõi, với một sự kinh hòang không kém. Chúng ta chìa tay ra kéo người bị nạn đứng dậy, với ước mong ngày sau tới phiên mình, cũng sẽ có bàn tay khác chìa ra cho mình nắm vào. Điều mong ước ấy chẳng có gì đáng trách, chỉ là lẽ thường tình ở đời. Nhưng ai là người can đảm, thú nhận rằng, mình cảm thấy hạnh phúc hơn ngày thường một chút khi nhìn thấy kẻ khác bị nạn, chứ không phải mình, chứ không phải gia đình mình. Từ tâm trạng đó, những bàn tay được hoan hỉ chìa ra. Dù sao, những bàn tay chìa ra ấy từ khắp nơi trên thế giới có thể làm quả đất xấu hổ về sự độc ác của mình. Nếu quả đất thực sự có một con tim.

Ngòai việc chìa bàn tay ra, liệu chúng ta có thể làm được gì nữa? Cánh tay chúng ta qúa ngắn để tuyên chiến với Thượng Đế, nhưng lại đủ dài để chắp tay trước ngực mà cầu nguyện. Trước thảm họa, còn khóc được cứ khóc, còn đau đớn được cứ đau đớn. Nhưng, vì đời sống tự nó là thảm kịch, chúng ta cần biết đứng lên khi phải đứng. Life goes on. Cuộc sống vẫn cứ trôi về phía trước. Nhiều việc phải làm đang chờ trước mặt. Lịch sử nhân lọai hàng mấy ngàn năm nay đã chứng tỏ rằng, cứ sau mỗi thảm họa, con người lại cứng cỏi hơn trước để tiếp tục cuộc hành trình làm người của mình.

Như những người Việt Nam sau trận chiến tàn phá, hủy diệt năm 1975, họ đã tìm cách trở lại mặt đất từ dưới đáy địa ngục. Cuộc hành trình mấy chục năm nay đã đơm bông kết trái. Điều gì xẩy ra nếu họ không gắng gượng đứng dậy nổi, không gạt được nước mắt khóc than mà dũng mãnh lao vào biển cả mênh mông trước mặt.

Sống trên mặt đất độc ác này, không ai được miễn nhiễm. Hãy cho, khi có khả năng cho được, cả khi không có khả năng cho được. Để, đến khi phải nhận, lòng sẽ thanh thản hơn khi đón nhận.

4.

” .. .Buổi chiều hôm Chủ Nhật sau khi cơn sóng thần làm giảm đi hơn 250 ngàn mạng sống trong tổng số dân cư của thế giới, trong khi cả thế giới khóc than cho người chết, thì trên bờ biển ở một làng đánh cá thuộc miền Đông Ấn Độ, có một người già, lẹp kẹp lê đôi dép vẹt mòn ra ngồi nhặt những con cá đã chết ươn do sóng thần đánh vào bờ từ buổi sáng. Dẫu có thế nào, người ta cũng phải sống cho hết đời mình, dù chỉ còn những ngày cuối cùng. Dù ngày mai, một cơn hồng thủy khác lại đổ xuống, một ngọn núi lửa khác lại phun lên, một trận động đất khác lại diễn ra nuốt chửng nhiều thành phố làng mạc. Dẫu cho cả gia đình ông, con cháu, hàng xóm đã nằm cứng đơ một chỗ như những con cá ươn kia, nhưng ông, kẻ sống sót – tự nguyện hay bắt buộc – vẫn cần phải ăn, để lấy sức mà chôn cất người chết, xây dựng lại xóm làng.

Giữa ngổn ngang của đổ vỡ và mênh mông của đất trời, ông già nhúm lên một ngọn lửa trên bãi biển, xiên những con cá chết vào một cành cây gẫy, chuẩn bị nướng chúng cho bữa ăn chiều.

Ngày mai, ông còn rất nhiều việc phải làm.” ( Ngày xưa, ở một vùng biển Nam Á, có một cơn sóng thần . . . T.Vấn 2005 )

Đó là đọan trích trong một bài viết cũ, nói về ông già ngồi nướng cá bên cạnh những xác chết ở một bờ biển. Ngày mai, ông còn rất nhiều việc phải làm. Và bây giờ, ông cần phải ăn mới có sức để làm. Sau trận động đất kinh hòang ở Haiti, ngày mai, rất nhiều con người vẫn phải cố gắng gạt lệ mà sống, vì bao nhiêu việc phải làm đang chờ sẵn.

Và chúng ta cũng sẽ phải làm những việc phải làm của chúng ta. Cho đến khi một cơn địa chấn nào đó vùi chúng ta xuống dưới đáy vực sâu. Khi ấy, sẽ lại có những kẻ khác sống sót thay chúng ta làm những việc họ phải làm.

Và, cuộc sống, như dòng sông, vẫn sẽ cứ chạy về phía trước.

T.Vấn

clip_image006Chú thích: Ngày thứ Sáu, 22 tháng 1 năm 2010, một chương trình ca nhạc có tên là “Niềm Hy Vọng cho Haiti ngay hôm nay – Hope for Haiti now” do tài tử Mỹ George Clooney phối hợp cùng với kênh truyền hình MTV, kéo dài 2 giờ trên các kênh truyền hình lớn nhất nước Mỹ, nhằm mục đích vận động gây quỹ cho các nạn nhân của trận động đất ở Haiti vừa xẩy ra. Chương trình quy tụ hầu hết các khuôn mắt lớn nhất của điện ảnh và âm nhạc Mỹ. Cả sự xuất hiện của cựu Tổng Thống Hoa kỳ Bill Clinton. Trong lúc các ngôi sao ca nhạc trình diễn trên sân khấu, thì các người khác ngồi nhận điện thọai của khán gỉa gọi vào đóng góp. Số tiền thu được, ngay sau buổi diễn chấm dứt, ước đóan có thể lên tới gần 60 triệu Mỹ Kim.

Không khí buồn thảm, tuyệt vọng, thấm đẫm nước mắt hầu như ngự trị suốt buổi diễn, cho đến khi ca sĩ nổi tiếng Wyclef Jean, người gốc Haiti xuất hiện, quấn quanh cổ lá quốc kỳ Haiti. Anh đã kéo mọi người ra khỏi không khí trì trệ nặng nề trong bài Rivers of Babylon, giữa tiếng nhạc vui nhộn, anh kêu gọi mọi người : quá đủ rồi những lời than khóc / Hãy cùng nhau tái tạo Haiti . Chung quanh anh, những nhạc sĩ vừa đàn vừa hát đi hát lại điệp khúc: ” Earthquake, we see the earthquake, but the soul of the Haitian people will never break ! “

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search