T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Như Thương & Lê Hữu : Đẹp và Xấu qua Lăng Kính HươngKiềuLoan

clip_image002

Như Thương :LĂNG KÍNH HƯƠNG KIỀU LOAN

Tiếng gọi của Tình là âm vang của huyền bí, huyễn hoặc và thiêng liêng. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn được Cung Ái ngoại trừ sự cảm nhận trong tận cùng trái tim của hai chú chim “xấu xí”. Như Thương xin mạn phép Nhiếp ảnh gia Hương Kiều Loan được để từ ngữ ấy trong dấu ngoặc kép.

Hạnh phúc đôi lứa chỉ cần kề cận nhau như hai chú chim xấu xí này, mọi cử chỉ đều đáng yêu trong mắt nhìn của đối tượng mình yêu, dẫu đã già ! Sóng nước – Sóng tình – Sóng đôi…. tất cả đều trói buộc nhau vô hình lẫn hữu hình, để như lông vũ cùng hòa điệu trong vũ khúc mênh mang.

Khi nhịp tim còn đập, có nghĩa là sự sống còn và điều diễm tuyệt nhất trong công trình của Tạo hóa ban cho loài người là con người có Trái Tim Yêu – điều mà con người không sáng tạo được bao giờ. Chốn ấy vĩnh viễn là con đường độc đạo và độc đáo mà Thượng Đế chỉ dành riêng cho hai người bước vào mà không có lối ra, nếu bước ra cung tình ấy thì hai người yêu nhau sẽ bước xuống địa ngục ! Tình Yêu là độc đạo của Hạnh Phúc, là Sóng Tình, Sóng Đôi như hình ảnh của hai chú chim Pelican từ sự sáng tạo của chị Hương Kiều Loan.

Như Thương sẽ không “chấm” bức hình nào nhất cả, vì điều ấy như thể là bứt rời từng cánh hoa của một nụ hồng. Hãy để cho những vẻ đẹp trong mỗi tấm hình tự nó toát ra niềm hãnh diện ở một góc cạnh nào đó mà chỉ có mỗi người thưởng ngoạn sẽ nhận biết ra được. Chẳng phải nét chấm phá riêng cho mỗi tấm hình đã được chị Hương Kiều Loan chăm sóc rồi sao? Thế đấy, tác giả, ống kính chỉ là những phương tiện để thể hiện điều gởi gắm riêng mình vào nghệ thuật.

Bỗng dưng Như Thương lại muốn xoay trục 360 độ trên những tấm hình nghệ thuật này của chị… Giả tỷ như ngoài đề tài chị diễn đạt về Sóng Đôi của hai chú chim Pelican, tại sao chị lại dùng hình ảnh trói buộc của tù tội, của giam hãm trong một khung cảnh hạn hẹp thế nhỉ?

Khúc quanh nào đã dẫn lối cho Như Thương nghĩ rằng những tiêu đề như “Chân mang số tù… Trói buộc giam tù, Kiếp tù đày, Mất tự do v…v…” đã đem đến cho Như Thương một điều gì quá xót xa: Phận tù đày ! Mây nước đó, không gian vô bờ bến đó, tung tăng đó mà sao lại chân buộc ràng và mang số “tù” !? Giữa hai sóng nước của “Điệu tình” và “Tù đày”, chị đã pha trộn tất cả vào chung nhau làm một, để rồi sẽ nương nhờ nghệ thuật như cửa ngõ thổ lộ niềm riêng của Hương Kiều Loan “Cần một bờ vai”… biết đâu cái niềm riêng ấy đã ẩn dấu trong những lần mắt ngắm vào ống kính mà không biết nói thêm gì nữa cho vơi lòng u hoài…Chúc chị vơi đi cho… “Hồn nhẹ tênh” nhé .

Mọi người đã ngưỡng mộ chị như một nhiếp ảnh gia, nhưng riêng đối với NT thì chị Hương Kiều Loan là Một Lăng Kính Nghệ Thuật của Sự Sáng Tạo. Thượng Đế đã trao cho chị một việc làm nơi hồng trần này: “ Hãy cảm nhận và ghi lại điều Ta sáng tạo cho con người bằng trái tim Hương Kiều Loan” . Chỉ cần Ngài khẽ lắc chiếc lăng kính ấy là nét ảnh từ tâm huyết của Ngài hiện ra dưới ống kính Hương Kiều Loan, thật vội vàng chị bắt lấy – kẻo phút giây xuất hồn của Thượng Đế bay về Trời trở lại !

Thế thì Như Thương xin chúc chị một lần nữa rằng hãy làm tròn sứ mạng Thượng Đế trao với tất cả niềm tin tưởng của Ngài, cũng như niềm hoài vọng của người thưởng ngoạn là nét ảnh của Hương Kiều Loan rất riêng và mãi mãi riêng như thế….

Như Thương

 

Lê Hữu : Đẹp và xấu

clip_image004

Đẹp và xấu bao giờ cũng chỉ là một khái niệm tương đối, tùy thuộc vào quan niệm thẩm mỹ của mỗi người, như cách người ta vẫn nói, “đẹp xấu tùy người đối diện”. Điều này được thể hiện rõ nét trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Cái đẹp trong một bức ảnh không luôn luôn là cảnh sắc thiên nhiên, một đóa hoa hay một nhan sắc. Cái xấu được nhìn dưới một góc độ, một cách nhìn nào đó hóa ra lại là đẹp. Một bức ảnh chân dung đẹp không hẳn là ảnh cô người mẫu, hoa hậu hay diễn viên điện ảnh mà có khi là khuôn mặt bà lão gầy guộc, nhăn nheo, rúm ró hoặc người lao động chân tay lam lũ, đen đúa, rướm những giọt mồ hôi… Dưới ống kính của người cầm máy có tay nghề, những cái xấu xí bị người đời chê bỏ lắm khi lại trở thành bức ảnh đẹp và gọi là tác phẩm nghệ thuật.

PPS “Pelican, một loài chim xấu xí” vừa được “trình làng” của chị Hương Kiều Loan là một ví dụ. Sau một loạt ảnh về những bụi cỏ khô, những xác hoa tàn, những cánh đồng cỏ cháy, ngọn đèn leo lét trong đêm, cụm rác vật vờ bên dòng nước…, ống kính chị hướng đến đối tượng khác là muông thú hoang dã trong thiên nhiên, đặc biệt là loài cầm thú mà người đời thường ngoảnh mặt quay lưng, vì chẳng có gì là hấp dẫn. Tất nhiên chị không thể biến chim cú vọ thành phượng hoàng, biến chú vịt xấu xí thành thiên nga xinh đẹp, thế nhưng người xem ảnh của chị có cảm giác thật bất ngờ vì đối tượng ấy không xấu như người ta tưởng; hơn thế nữa, còn tìm thấy những nét đẹp thú vị hiện ra trong ống kính Hương Kiều Loan.

Một lần nữa, chị và tôi lại “gặp” nhau trong cách gọi tên những bức ảnh độc đáo này của chị. Chẳng hạn bức ảnh chị đặt tên “Xứng đôi vừa lứa” thì tôi gọi là “Chúng mình đẹp đôi”, hoặc chị đặt tên “Thời xuân xanh nay còn đâu!” thì tôi gọi là “Tiếc một thời xuân!”, hoặc chị đặt tên “Trời xanh có thấu?” thì tôi gọi là “Ngửa mặt kêu trời!”, hoặc chị đặt tên “Hai… lão lão” thì tôi gọi là “Tình già”, hoặc chị đặt tên “Có nghe tôi gọi không đấy?” thì tôi gọi là “Đừng bỏ em một mình!”, hoặc chị đặt tên “Hồn nhẹ tênh” thì tôi gọi là “Thoát!”…

Sau cùng thì tôi tin rằng, không riêng gì chị và tôi mà nhiều người cùng chia sẻ ý này: “Không có gì là xấu xí trên đời này cả, mà chỉ là chưa được làm đẹp qua ống kính của nhà nhiếp ảnh.”

Lê Hữu

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search