T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: Ba Chàng “Ngu Lam…”.

clip_image002

Trong thời gian ở tù VC, tôi được ở chung với rất nhiều đồng môn, có nhiều tấm gương sáng để cho tôi soi, trong số đó có 3 người mà tôi hãnh diện được tôn các anh lên bậc “Thầy” mà tôi gọi đùa là “Ba Chàng Ngự Lâm”, đó là Thầy Trần Toán, Phan Bát Giác và Võ Văn Đức.

Từ ngày ra tù, tôi đã mong ước được gặp lại các anh để đứng nghiêm chào, nhưng vẫn không biết hai niên trưởng Trần Toán và Phan Bác Giác ở đâu, nay bất ngờ nghe tin anh Trần Toán đã về cõi phúc!

Tôi thành kính chia buồn cùng tang quyến và các Niên Trưởng K18.

Xin kính chúc ông Thầy Trần Toán thảnh thơi trên Thiên Quốc.

NT Trần Toán và tôi cùng ở chung đội tù 12 trại Vĩnh Quang A mà đội trưởng là tên Ngoạ.. lùn. Anh Toán có những đức tính của “người trên”, không những đối với đồng tù và ngay cả với cai tù. Cai tù thấy uy tín và ảnh hưởng của anh đối với đồng tù nên có ý lợi dụng để làm khó tù nhân, nhưng trước những lý luận tình người, tính cương quyết nhưng không chống đối khiến cai tù không tìm ra bất cứ lý do gì để hại anh và anh em tù nên đành cúi đầu chịu thua.

Chúng tôi, những đứa em hãnh diện có một đàn anh như thế, mong ngày ra tù được gặp anh, nhưng đã hơn 30 năm không biết anh ở đâu? Nay nghe tin anh giã từ gia đình và đồng khóa, từ xa xôi, tôi xin cúi đầu vĩnh biệt anh: Ông Thầy Trần Toán K18 Trường VBQGVN.

***.

Khác với anh Trần Toán, anh Phan Bát Giác thì lại có nhiều “góc cạnh” đáng nể, tôi gọi anh là “Tám Cạnh”. Một buổi sáng năm 1977 tại trại tù Yên Bái, khi chúng tôi vừa từ trong Nam chuyển ra cái cốc này, tù được lệnh lên núi chặt cây để làm hàng rào nhốt mình, chặt nứa để làm nhà, các tù đang chặt nứa* trên núi, tôi bỗng nghe tiếng tên bộ đội la lớn rồi tiếng kéo cơ bẩm AK47, tôi liếc nhìn xem chuyện gì thì thấy “Tám Cạnh” hai chân dạng háng, tay phanh áo ngực thách thức:

_ “Mày bắn đi, tao muốn mày bắn”.

Mũi súng AK đang nhắm vào anh Giác, hai bên im lặng gườm nhau, tình thế căng thẳng tột độ, chỉ cần ngón trỏ xê dịch là anh Giác trở thành “chiến sĩ vô danh trong chốn rừng sâu Bắc Việt”! Nhưng lửỡi lê AK đầu súng hạ xuống, tên bộ đội quay đi, “đại nghĩa đã thắng hung tàn”, anh Giác phản đối là vì tên bộ đội chỉ có nhiệm vụ xách súng đi theo canh chừng tù, còn chỉ tiêu chặt bao nhiêu là do cai tù (cán bộ), nhưng tên bộ đội bắt tù chặt 2 bó nứa*, thay vì một bó theo chỉ tiêu trại quy định, hắn lợi dụng bắt tù làm thêm cho chúng.

(* một loại tre nhỏ thẳng, đập dập ra, cài sát vào nhau để lợp mái hay làm phên, làm vách che, mỗi bó 25 cây, khá nặng)

Tuy cùng tổ nhưng vì mới “biên chế” nên chưa biết gốc gác của nhau, tôi mon men đến xin làm quen “tượng đài’ này.

_ Xin lỗi, trước đây anh ở đơn vị nào?

_ Tôi ở TQLC (anh Giác trả lời sau khi nhìn tôi nghi ngờ).

Nghe anh Giác nói ở TQLC tôi không tin nên hỏi thêm tí nữa.

_ Anh học quân trường nào và ở tiểu đoàn TQLC nào?

Tám Cạnh trừng mắt nhìn tôi:

_ Hỏi làm gì lắm thế, muốn điều tra hả?

_ Xin lỗi chuyện đường đột làm quen, vì nhờ anh mà tôi khỏi phải chặt 2 bó…

_ Tôi Khóa 18 Võ Bị, nhưng bị … “sọoc-ti-lát”, sau về TĐ4/TQLC, được vài chuyếnn hành quân rồi sau trận Bình Giả 31/12/1964 thì “chống nạng cày bừa”, hưng không giải ngũ…

Phải nói thật là ngay lúc đó tim tôi đập loạn nhịp, một đàn anh VB, một đồng đội TQLC và là một tượng đài ngay trứơc mặt mà tôi không biết, tôi đứng nghiêm, đưa tay chào và nói nhỏ:

_ Tân Khóa Sinh K19.. và TQLC trình diện niên trưởng.

_ Làm việc đi, không tụi nó quay lại bắn cả hai bây giờ, tối về lán nói chuyện sau.

Khi K18VB tốt nghiệp thiếu úy thì Binh Chủng TQLC không tuyển mộ được ai, ngoãi trừ anh Giác là trường hợp đặc biệt. Vả lại do khác tiểu đoàn nên chúng tôi không biết nhau, nay đã là anh em một nhà, một trường giữa chốn ngục tù thì dựa lưng vào nhau mà sống.

Trong đội này còn có các anh Trần Đình Đàng K13, Trần Công Đài K16, Đinh Xuân Lãm, Lê Văn Huyền K17, Lê Xuân Sơn K21, nhưng vì hợp tính ẩu nên anh Giác và tôi là cặp “bài trùng”. Chúng tôi chung tổ, chung đội từ cốc Yên Bái rồi sang trại 8 Hoàng Liên Sơn.

Năm 1979, khi Tiểu Bình dạy cho “Ba-ác Hồ” một bài học thì tù chuyển từ quân đội sang cho bò vàng (Công An) săn sóc, chúng tôi từ Hoàng Liên Sơn về trại Vĩnh Quang A nhưng bị phân tán, anh Giác đội 14, tôi đội 12, cách nhau khá xa. Sau giờ lao động thì đội nào ở riêng đội đó, bị cấm tuyệt đối “quan hệ linh tinh”, vi phạm là cùm.

Một sáng Chúa Nhật, nghỉ lao động, trong khi những nhà “tư bản” thì ca-cóng, nấu nướng, còn tôi đang học tiếng Anh chống đói (cai tù bảo rằng học tiếng Anh thì được nhưng tuyệt đối cấm học tiếng Mỹ) thì nghe ai có gọi, ngó ra cổng thấy “ông nội” Phan Bát Giác vẫy tay, tôi vội chạy ra, chưa kịp hỏi chuyện gì thì anh nắm tay tôi kéo đi:

_ Qua tau ăn chè.

_ Anh ẩu quá, nó cùm bây giờ.

“Tù trong tù”, trong tù mà còn bị cùm thì còn gì khổ cực hơn, nhưng ai đã từng đói trong tù thì biết vị ngọt nó quý như thế nào, tôi sợ bị nhốt nhưng nghĩ tới chén chè thì nước miếng cứ ứa ra, miệng “em chả, em chả”, mà chân tôi thì chạy nhanh hơn anh Giác.

Giữa đội 14 của anh Giác và đội 12 của tôi cách nhau một cái sân trống dài chừng 200m, đây là vùng cấm tù không được đi lại, lúc nào cai tù và trật tự cũng rình để bắt nhốt những tù nào dám vi phạm đi lang thang muốn vượt qua đoạn đường chiến binh. Đây là đoạn đường chiến binh mà chướng ngại vật không phải là kẽm gai, mìn giả mà là có đạn thật AK và còng số 8, vậy mà anh em tôi nhắm mắt làm liều thì kể cũng liều thật.

Lách mình chui qua cánh cửa hẹp của đội 14 mà cửa lúc nào cũng đóng, nội bất xuất, ngoại bất nhập, anh em tôi ngồi bệt xuống đất, trên miếng giấy ciment có hai cái bát và một xoong chè “bà cốt”. Chè “bà cốt” là chè nấu bằng gạo nếp với đường đen (nâu) nêm thêm miếng gừng là thành chè “bà cốt, chè này ít thông dụng với những ai có đời sống bình thường, mà người ta chỉ nấu để cúng cô hồn, ma đói vào ngày rằm tháng 7 hằng năm. Anh Giác và tôi cùng bao nhiêu tù nhân chính trị khác đang là những “ma đói, cô hồn” năm này qua năm khác trong các trại giam, ngục tù CS, nên khi vừa nhận được gói quà có bọc đường đen móng trâu và kí nếp, hai báu vật trong tù, anh Giác thanh toán ngay thành nồi chè…

Chén anh chén tôi, loáng một cái là đáy nồi chè sạch như lau, nhìn nhau thầm tiếc, giá mà chưa ăn thì còn nồi chè để mà ngắm. Trong tù có nhiều cảnh cười ra nước mắt,
“cám treo heo nhịn đói”, lãnh chén cơm độn thóc chưa vội ăn ngay mà cứ ngồi nhặt từng hạt thóc mà cắn lấy cái nhân để kéo dài bữa ăn cả tiếng đồng hồ, thực ra ăn hay không ăn vẫn đói như nhau nên mới bày ra trò ăn bằng mắt cho nó sướng, tự đối lòng rằng mình có của ăn của để.

Đang tiếc nồi chè thì Tám Cạnh lôi ra cái điếu cày, anh em mỗi người làm một bi thuốc lào hiệu ba số 8 (888), rít một hơi dài, ngậm miệng ém khói nên khói lén tìm đường thoát ra bằng lỗ mũi, chân tay tê-mê, đầu gật gù rồi chúi nhũi xuống…, thế là xướng tận cung mây.

Tỉnh cơn say, tôi đang lo lắng tìm cách nào có thể vượt đoạn đường chiến binh để trở về đội mình thì anh Giác nhét vào túi tôi 2 tán móng trâu đường và bảo:

_ Đừng có lo, thằng Ng.. nó sẽ dẫn mi về, hắn tới kia rồi.

Vừa lúc đó thì “trật tự” Nguyễn Đình Ng.., bạn ta, cũng vừa đến, hắn ngó qua một vòng đội 12 rồi đi ra, thế là tôi bám liền theo sau hắn mà chẳng chào hỏi gì nhau.

Hai tên đồng môn, đồng khóa mà như hai kẻ xa lạ, không nói với nhau nửa lời, Ng… cứ thủng thỉnh bước tới, coi như không biết có ai theo sau, nhưng những con mắt cú vọ, thần chết VC thấy trật tự đi trước, tù theo sau thì chúng lại tưởng trật tự dẫn tù đi “làm việc” với quản giáo. Còn anh em tôi hiểu rằng Ng… làm bình phong cho tù tôi trở về buồng 12 trong trạng thái thơ thới với tình huynh đệ giữa anh Giác, Ng.. và tôi.

Miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời, chuyện tôi tôn “Tám Cạnh” là thầy không phải do chén chè mà từ trước lâu rồi anh là “cây tùng trước bão”. Với Ng.., tuy bị mang tiếng là trật tự nhưng Ng.. không chỉ bao che cho một đồng khóa mà còn bao che rất nhiều những chàng tù khác nữa, họ đã “vi phạm” quy định nhà tù nhưng được Ng.. chống đỡ một cách rất kín đáo, đôi khi người nhận ơn không nhìn ra. Rất tiếc có những trường hợp “làm ơn mắc oán”, có anh vi phạm nội quy, gây ra những lỗi mà Ng.. hết “đường binh” nên phao tin đồn nhảm, oán trách Ng…

Những anh trong thời gian đi tù mà trại chỉ định làm đội trưởng hay trật tự thì thường bị đứng giữa hai lằn đạn, trại bắt phải làm, còn đồng tù chụp cho những cái mũ gian ác. Điều đó không sai, nhưng không phải tất cả, mà có những đội trưởng và trật tự biết việc phải làm và biết làm làm sao cho không hại đồng tù mà xong chuyện trại bắt làm, các anh xứng đáng nhận được thiện cảm của đa số anh em.

Ngược lại cũng có không ít những ông “thần nước mặn” núp trong đám đông, dựa vào đám đông để tránh nặng tìm nhẹ khiến cả đội phải chịu ảnh hưởng tại hại vì đương sự. Vì họ mà cả đội không đựơc tắm sau một ngày làm việc cực khổ trên rừng, họ là một tên ích kỷ, chính họ mới là người đáng trách, vốn dĩ nhát gan nhưng sau này ra khỏi tù, ở hải ngoại họ lại là những ngừơi vỗ ngực xưng hùng và đổ lên các đội trưởng và trật tự những chuyện tưởng tượng. Mới đây, ông Trần Nọ vỗ ngực xưng là PhD* viết email đưa lên internet tố cáo ông Trần Kia khi làm trật tự đã ra trại “gia binh” giặt quần cho vợ cán bộ!

Thưa ông Trần Nọ, có thật ông thấy không và làm sao ông nhận ra cái quần mà ông Trần Kia giặt là quần của vợ cán bộ? Trừ khi ông đã thấy và đã làm. Phịa vừa thôi, ngậm máu phun người thì miệng ai tanh trước? Cái bằng PhD của ông không phải là tiến sĩ như ông khoe mà là “Pizza H… Delivery”.

Trở về chuyện “Ba Chàng Ngự Lâm”. Thầy Trần Toán thì đã an bình trên Thiên Quốc, trật tự Ng… cũng thế, nhưng Thầy Tám Cạnh Phan Bát Giác thì “giờ này anh ở đâu”? Các anh không chỉ là niên trưởng K18 mà còn là bậc “thầy” của tôi, xin dâng nén nhang lên hương linh Thầy Trần Toán, xin kính gửi lời chào và chúc sức khỏe Thầy Phan Bát Giác, thế nào cũng có dịp gặp lại, tôi biết Thầy Tám Góc hiện đang định cư ở San Jose’.

Ông “thầy” thứ ba tôi xin nhắc tới là một tay vô cùng ngoan cố, chuyên “phá hoại” tài sản và hoa màu của “nhà lước XHCN”: Võ Văn Đê. Đê với tôi cùng tổ từ trại 8 Hoàng Liên Sơn rồi lại cùng tổ, cùng đội 12 tại trại Vĩnh Quang A, Vĩnh Phú. Chàng gốc ND, giàu kinh nghiệm mưu sinh thoát hiểm nên không bao giờ đói.

Cụ Phan nói rằng “khi đói thì bới đất cuốc cỏ mà nhét cho đầy bụng đói”, nhưng với Đê thì cứ bắp non, sắn non, bí rợ non mà nhét cho đầy bụng đói, Đê to con, khỏe như voi, mưu sinh giỏi nên tôi theo voi ăn bã mía cũng vững dạ.

Khi cây sắn (mì) vừa cao ngang ngực mà mặt đất gần gốc có vết nứt là biết sắn có củ non, Đức dùng thanh tre vót nhọn nhấn xuống, kéo lên một củ mì non cỡ ngón tay cái, ngon ngọt vô cùng, còn cây sắn thì vẫn cứ tươi tốt mọc cao còn củ thì Đê đã móc đi rồi, đố ai biết.

Nhưng đi đêm thì có ngày gặp…sóc, mùa hái bắp, Đê và tôi giấu vào hang đá hơn trăm trái để phòng đói những tháng ngày “giáp hạt”, nào ngờ bọn sóc phá hoại, chúng moi ra, gặm nham nhở rồi tha đi khắp nơi khiến chúng tôi tiếc, “mưu sự tại nhân, thành sự tại con sóc”

Một lần Đê chôm được ở đâu một nải chuối thật to, chàng dấu ngay sau cánh liếp, nơi cửa ra vào mà không ai biết. Khi chuối ửng vàng sắp tới ngày …thì bị quản giáo Môn phát giác và kêu Đê trình diện va buộc tội, nhưng Đức cương quyết chối. Đức truyền kinh nghiệm cho tôi:

_ Đừng bao giờ tự giác nhận tội, dù có bị bắt tại trận, nắm được tay, day tận tóc thì cũng cứ giật tay ra mà chối, cóc có việc gì mà phải nhận tội khi phá tài sản XHCN.

Không có nhân chứng nên quản giáo tên Môn, (Môn người miền Nam có vẻ dễ tính) thâu hồi vật chứng và không kết án được Đê, nhưng Đê thì kết tội tên Gia Tôn Tẩn, vì nghi Gia tố cáo nên Đê tính chùm mền Gia khiến tôi phải vất vả cản ngăn. Một mất mười ngờ, anh em đồng tù cứ lục đục nhau trong cảnh túng thiếu khiến trúng kế cai tù.

Võ Văn Đê thuộc dạng “dài lưng tốn vải” nên còn có tục danh Đê-Cồ, Cồ làm biếng tổ.., nên thường bị đội trưởng Ngoạ..lùn cự nự và đòi mét-bu quản giáo, Đê Cồ chỉ mỉm cười..

Rồi một sáng Chúa Nhật mùa Đông lạnh lẽo, anh em đội 12 thấy đội trưởng Ngoạ..lùn mang mùng mền chăn chiếu đi giặt, vì đêm qua có ai bỏ “caca” vào màn khiến chàng đội trưởng nằm đè lên, cả phòng than phiền mùi xú uế do Ngoạ.. lùn đủn-ìa, trong khi Đê cười mím chi, đúng là “đức cống”. Từ đó đội trưởng ít bép xép hơn, đội trưởng biết thủ phạm là ai nhưng đành cắn răng ngậm bồ hòn làm ngọt, vì Đê-Ngọa cùng là “anh em với nhau” ở đơn vị cũ cả mà.

Chọc quê mấy anh đội trưởng, tổ trưởng mẫn cán là “chuyện thường ngày ở huyện”, Đê còn cố tình chọc quê bộ đội và quản giáo. Khi quản giáo ra chỉ thị hay phát biểu điều gì xong là Đê đều xin có ý kiến, mà toàn những ý kiến “giả khờ ăn tiền”. Đang cuốc lỗ để trồng sắn, thấy quản giáo lảng vảng canh chừng kiểm soát Đê đưa tay:

_“Xin có ý kiến”.

Quản giáo đến:

_ “Cái rì thế anh Đê?”

Đê ra điều chú tâm tìm hiểu canh tác, phát huy năng xuất cây trồng theo chỉ thị của trại nên Đê hỏi quản giáp lý do tại sao phải đào hố rồi mới bỏ hom sắn xuống, bỏ như thế nào có năng xuất cao v.v… Đê hỏi linh tinh chuyện trên trời dưới đất còn quản giáo tưởng thật nên cũng giảng giải từ đất lên trời, thấy Đê chống cuốc đứng đàm đạo với quản giáo là anh em tù cũng chống cuốc nghe theo, thế là phe ta nghỉ phẻ ít ra cũng 15 hay 20 phút.

Đi lao động ngoài đồng, luôn có bộ đội cầm súng đi theo canh chừng, quản giáo và bộ đội ra lệnh ai muốn “đi ngoài” thì phải báo cáo cho “cán bộ nắm”, thế là Đê có lý do đi ngoài liên miên, khi thì tiểu khi thì đi đại, nhưng để ý mới biết Đê đểu, xỏ ngọt cai tù. Đê nói to:

_ Báo cáo, tôi xin đi ỉa để cán bộ nắm…

_ Đựơc (bộ đội chỉ trả lời một chữ “được).

Thế là Đê tủm tỉm cười vì 4 tiếng … “để cán bộ nắm”. Lát sau Đê lại lớn tiếng:

_ Báo cáo…, tôi xin đi đái, để cán bộ nắm.

Mới cuốc đựơc vài hố mà Đê bắt cai tù nắm hết cái nọ đến cái kia, mà đi tiêu còn có cái để nắm chứ đi tiểu thì nắm được cái gì nên cai tù bực mình:

_ Anh Đê làm cái rì mà đi ỉa “nắm” thế?

Vài hàng kỷ niệm vui buồn với các thầy trong những ngày tù tội, Thầy Toán, Thầy Giác là biểu tượng của những “cây tùng trước bão”, nhưng với Thầy Đê có một lối chống đối, phá thối “chính sách khoan hồng nhân đạo” rất là “hết ý”, làm ít, cãi nhiều nên tôi phải thêm một chữ thầy nữa cho đúng với tài năng ứng biến của Đê: “thầy cãi”.

Phila Tô

Cali 14/4/2015

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search