T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Sự Hoàn Hảo bất toàn

clip_image001

• Gởi những người bạn thi sĩ

• Thơ ca là sự hoàn hảo hoàn toàn. Vì thế, trần gian này

còn tồn tại  những thi sĩ, và thơ ca còn bị người đời rẻ rúng.

Thế giới loài người là một thế  giới không bao giờ toàn hảo. Con người càng cố gắng tự hoàn hảo chính mình, càng chứng tỏ với chính mình rằng sẽ không bao giờ đạt được sự toàn hảo. Thượng Đế, biểu tượng của sự hoàn hảo, nguyên nhân cao nhất, cơ bản nhất của mọi nguyên nhân, đã sáng tạo nên con người theo hình ảnh của chính mình. Nếu quả thật điều này là đúng, thì cũng chứng tỏ một điều, phiên bản (duplicate) không bao giờ là nguyên gốc (original). Con người, sản phẩm của Thượng Đế, không có nghĩa là có đủ những đặc tính để trở thành thượng đế. Đây là ngộ nhận lớn nhất trong thời đại chúng ta, thời đại của những tiến bộ kỹ thuật vượt bực nhất trong lịch sử nhân loại, có khả năng làm đảo lộn cách thế con người nhìn thế giới và nhìn chính mình. . .

Những ngày này, khi mà người ta có thể ngồi trong phòng khách yên bình của nhà mình, với những tiện nghi rất dễ dàng đạt được – máy điều hòa không khí, cửa kính cách âm, nệm da êm mát, đồ ăn thức uống ê hề – quan sát một biến cố, một sự kiện, một trận chơi thể thao, một buổi hòa nhạc, một buổi họp báo, và kể cả những trận chiến tranh có súng đạn, có người chết hiện đang xảy ra trên một phần đất nào đó của thế giới. Cùng một lúc, những thây người đổ xuống, những thành phố bị hủy hoại, những cõi lòng tan nát, thì ở những nơi khác bình yên, người ta xem những hình ảnh sống ấy như xem một cuốn phim trên màn ảnh truyền hình.

Sự thật về một thế giới bất an và mãi mãi bất toàn, được phô ra, cùng một lúc, ở nhiều nơi khác nhau, càng làm cho con người nôn nóng, giận dữ, đòi hỏi, tranh đấu, kêu gọi, khao khát, hướng về . . . một tương lai hoàn hảo cho thế giới con người.

Điều mâu thuẫn, đúng hơn là nghịch lý, ở chỗ, càng hiểu biết nhiều, người ta càng thấy được sự ngu dốt của mình. Như  nhiều ngàn năm trước, người Hy Lạp Socrates đã khiêm tốn (hay chua chát?) thú nhận rằng, tôi biết được một điều là tôi không biết gì hết – Sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại đang đẩy nền văn minh con người từ cục bộ địa phương lên tầm cỡ toàn cầu và tức khắc (mà tiêu biểu là hệ thống vệ tinh truyền hình và mạng lưới Internet). Và hệ quả của nó là những khuyết điểm của từng nền văn hóa, thể chế chính trị, từng tập đoàn xã hội được nhìn rõ, chiếu rọi, phê phán từ rất nhiều những góc cạnh, quan điểm khác nhau.

Cuộc chiến tranh Iraq, mà người Mỹ và các bạn đồng minh đang dính líu vào, là một thí dụ rõ nét của trạng thái nghịch lý này. Chiến tranh, thời nào cũng có. Đủ loại lớn nhỏ, tùy theo bình diện và tầm cỡ hủy diệt. Cuộc chiến hiện nay ở Iraq, được biết đến rộng rãi khắp nơi trên thế giới, – gây nhiều tranh cãi, kẻ bênh cũng lắm và người chống cũng nhiều – chẳng phải vì mức độ vô luân, bất nhân, hủy diệt của nó cao hơn những cuộc chiến tranh trong quá khứ, mà có lẽ vì khả năng khoa học kỹ thuật ngày nay đã đem cuộc chiến tranh ấy đến tận phòng khách mỗi nhà, mỗi thành phố, mỗi quốc gia trên thế giới. Trăm tai nghe không bằng một mắt được nhìn. Hơn nữa, cái nhìn ấy là cái nhìn về một sự kiện hiện đang xảy ra, dù ở nơi đâu xa, nhưng vẫn là đang xảy ra.

Để nói về cuộc chiến tranh ở Iraq, mà hiện nay người Mỹ đang ngày càng sa lầy vì phương cách tiến hành chiến tranh, cả hai bên, bênh và chống, đều viện dẫn đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam để đối chiếu, so sánh, phê phán, ca ngợi . . .

Cái mà người ta không nhìn thấy, hay cố tình không nhìn thấy, hay đã nhìn một cách lệch lạc, trong sự khác biệt giữa hai cuộc chiến: là mức độ hơn hẳn về vô luân, bất nhân, và hủy diệt của cuộc chiến tranh Việt Nam. Cũng có thể vì mức độ tác động của sự kiện qua khả năng truyền thông của từng thời kỳ. Trước đây, người ta chỉ nghe, đọc về cuộc chiến tranh Việt Nam hơn là nhìn thấy. Bây giờ thì hình ảnh chết chóc và đổ nát của Iraq được đem đến tận mỗi nhà hàng ngày. So sánh giữa hai cách tiếp cận sự việc, hiển nhiên vai trò của khoa học kỹ thuật đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách nhìn sự việc của một con người, một xã hội, một nhân loại.

Chúng ta, lại một lần nữa, nhìn rõ hơn được nghịch lý của chính mình trên con đường tự hoàn thiện. Tưởng rằng khoa học kỹ thuật phát triển, chắp cánh cho văn minh con người bay lên gần hơn  đỉnh Chân Thiện Mỹ, và văn hóa sẽ là khí cụ làm cho người trở nên người hơn để qua đó, biến trần gian này thành một môi trường sống tốt đẹp hơn. Nhưng không phải vậy. Ánh sáng trần gian càng rực rỡ, càng làm rõ những nét xấu xí hơn trên khuôn mặt con người trần thế.

Đôi lúc, lạc giữa những nỗi thất vọng và ngờ vực về một lương tâm nhân loại, tôi lại lôi một câu hỏi triết lý vừa sáo vừa vụn, vừa cũ kỹ vẹt mòn vì đã được hỏi từ mấy ngàn năm nay, kể từ khi có chữ viết: Thượng Đế đã sáng tạo ra con người dựa theo hình ảnh của chính mình hay là Con Người đã sáng tạo ra Thượng Đế theo hình ảnh con người?

Hỏi thì hỏi, nhưng tôi lại sợ có một câu trả lời.

T.Vấn

©T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search