T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Suy nghĩ nhân mùa tốt nghiệp

Ông Robert Gates bắt tay một sinh viên trong buổi lễ tốt nghiệp Trung học

1.

Tháng 6. Mùa hè chính thức bắt đầu. Học trò đã nghỉ học. Những buổi lễ tốt nghiệp Trung học, Đại học rộn rã nối đuôi nhau để thầy trò háo hức với những ngày nghỉ trước mặt. Tuy đã qua rồi cái tuổi cắp sách đến trường, vậy mà năm nào tôi cũng “háo hức” với cái háo hức của tuổi trẻ, mà cụ thể nhất là hai đứa con của tôi. Và năm nào cũng vậy, trước khi lên đường cho những kỳ du lịch ngắn ngày, dài ngày, vợ chồng tôi đều cùng với các con nhìn lại cái được, cái không được của năm học vừa qua, đồng thời cùng nhau nhìn về năm học kế tiếp với một vài mục tiêu khiêm tốn mà chúng tôi muốn các con của mình phải nỗ lực đạt tới.

Cũng trong những dịp “trò chuyện thân mật” chỉ diễn ra được vài lần trong năm ấy, tôi đều kể cho các con tôi câu chuyện về những tấm gương học hành chăm chỉ, quyết tâm vượt qua bao khó khăn trở ngại hay những thành tích học tập rất đáng ngưỡng mộ của học sinh người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Câu chuyện năm nay là về một cậu bé người Mỹ gốc Việt (Vietnamese-American) 17 tuổi đã được nhận vào làm trợ giảng cho trường Đại Học Oklahoma, sau khi cậu lên bục nhận bằng Bachelor của hai chuyên ngành (Tóan Điện Tóan – Computational Math và Tóan – Mathematics) với hạng danh dự ngày 16 tháng 5 năm 2009 tại đại giảng đường trường đại học MSSU (Missouri Southern State University). Trước đó, ngày 29 tháng 4, cậu cũng là sinh viên duy nhất nhận giải thưởng đặc biệt (Special award of recognition) trong cả hai chuyên ngành mà cậu theo học.

Đúng 3 năm trước, tháng 5 năm 2006, khi mới 14 tuổi, cậu tốt nghiệp Trung học ưu hạng trường Trung học Columbia thuộc thành phố Joplin, tiểu bang Missouri. Với thành tích và số tuổi còn quá trẻ, cậu đã được trường đại học MSSU cấp học bổng tòan phần để theo học tại đây. Chỉ 3 năm sau, cậu đã hòan tất chương trình cử nhân 4 năm với hai chuyên ngành, cũng với thành tích xuất sắc vượt bậc khiến nhiều thầy cô gíao không tiếc lời khen ngợi. Trường MSSU đã hãnh diện ghi nhận rằng, đây là lần thứ hai họ trao bằng tốt nghiệp cho một người trẻ tuổi như thế. Trước đó, cũng tại trường này, năm 2005, một sinh viên người Úc 13 tuổi đã đứng ở vị trí danh dự mà hiện nay cậu bé 17 tuổi người Việt đứng. Một lần nữa, với thành tích học tập sáng chói, cậu nhận được học bổng để hòan tất chương trình học Tiến sĩ Tóan tại khoa Tóan của trường OU (University of Oklahoma). Cùng với học bổng cho việc học, cậu bé Mỹ gốc Việt 17 tuổi còn được mời làm phụ giảng để giúp cậu có thêm thu nhập cho những chi phí cần thiết của một sinh viên.

2.

Nghe xong câu chuyện về một người trẻ tuổi giỏi giang, đứa con nhỏ của tôi (sẽ tròn 13 tuổi vào ngày Father’s Day sắp tới) bằng giọng rất nghiêm trang nói với tôi: “Bố muốn tụi con học giỏi như cái anh đó phải không? Nhưng tụi con không phải là child prodigy (thần đồng – cháu không có từ tiếng Việt tương đương để diễn tả).” Tôi vội giải thích thêm để các con tôi hiểu rằng, để trở thành một thần đồng thì tài năng thiên phú (God-gifted talent) chỉ là bước khởi đầu thuận lợi, nhưng yếu tố thành công vẫn tùy thuộc vào sự siêng năng và quyết tâm của mình. Trường hợp cậu bé “thần đồng” nói trên là một điển hình. Cha cậu là giáo sư dậy Tóan ở trường MSSU, hẳn cậu cũng thừa hưởng từ vị thân sinh của mình tư chất ấy. Nhưng nỗ lực học tập từ khi còn rất nhỏ lại thuộc về chính cậu, với sự hướng dẫn của cha mẹ (tất nhiên). Hẳn cậu sẽ ghi nhớ suốt đời câu nói của cha “Nếu ba cứ dạy kèm cho con như kèm một đứa trẻ thì không bao giờ con trở thành tiến sĩ được!”.

Kể câu chuyện về những tấm gương sáng thành đạt, tôi chỉ muốn các con tôi ý thức trách nhiệm của mình trong việc học hành. Chúng may mắn được có đầy đủ những điều kiện tốt đẹp chuẩn bị cho tương lai, nếu không biết tận dụng cơ hội “vàng” ấy (mà cha của chúng ngày xưa có nằm mơ cũng không dám mơ tới, mà nhiều người trẻ ngày nay đã mặc nhiên tận hưởng – take it for granted) siêng năng học tập thì thật là “thiếu công bằng” với sự hy sinh của cha mẹ. Và tất nhiên, đường học vấn, cũng như đuờng đời sau này¸không phải lúc nào cũng bằng phẳng và một chiều thẳng tắp như con đường mà cậu bé “thần đồng” đang đi.

Mùa Tốt nghiệp năm nay, thành phố Wichita nhỏ bé hiền hòa của chúng tôi được đón tiếp vị bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đương nhiệm, người đã từng đứng đầu cơ quan tình báo Trung Ương (CIA), ông Robert Gates đến tham dự và đọc diễn văn trong ngày tốt nghiệp trung học của các học sinh ngôi trường mà cách đây 50 năm ông cũng đã từng mài đũng quần. Trong bài diễn văn đọc trước hơn năm trăm học sinh đang sắp sửa bước chân vào ngưỡng cửa đại học để chọn cho mình một hướng đi trong tương lai, vị bộ trưởng quốc phòng của cả hai triều đại Cộng hòa và Dân chủ đã nhắc đến những điểm D trong môn học chọn lầm vì không phù hợp với khả năng của mình những năm đầu đại học, những định hướng sai lạc vì dựa trên cảm tính hơn là sự can đảm nhìn rõ khả năng riêng biệt của chính mình khiến ông đã phải nhiều lần bước lại từ đầu. Ngày hôm nay, nhìn lại 50 năm đọan đường đi từ cổng trường trung học đến văn phòng bộ trưởng ở Ngũ Giác Đài (the Pentagon), ông thấy rằng đó là một đoạn đường không dễ dàng chút nào. Điều mà ông đạt được hôm nay chính là nhờ vào sự kiên trì, sự cố gắng và sự may mắn. Không phải ai sinh ra cũng mang sẵn trong mình cái khả năng trời cho. Hầu hết, đều phải tự mình rèn luyện qua việc học tập mới có được những thành đạt đáng kể trong đời sống.*

Nỗ lực luôn luôn là đức tính quý báu mà bậc cha mẹ nào cũng muốn con cái mình có được. Yếu tố chính giúp cậu bé “thần đồng” thành công ở tuổi 17 chính là sự nỗ lực của riêng cậu. Chính yếu tố ấy chinh phục được sự ngưỡng mộ của những người dậy dỗ cậu. Và cũng nhờ sự nỗ lực, mà con đường học vấn của cậu trở nên suôn sẻ.

3.

Nhân câu chuyện về cậu bé người Mỹ gốc Việt tốt nghiệp đại học năm 17 tuổi nói trên, tôi nghĩ đến động cơ thúc đẩy cho những nỗ lực học tập của con em chúng ta. Người ta nói đến những động cơ cao hơn cái động cơ vị kỷ thông thường là học thành tài để kiếm công việc lương cao, để đem danh tiếng cho bản thân mình. Những động cơ vị kỷ ấy không có gì là sai trái. Nó thực tế và là cái tầm nhìn thích hợp với đa số. Mặt khác, trong lúc đem khả năng ra phục vụ cho chính bản thân và gia đình, người ta cũng gián tiếp góp phần phục vụ xã hội (đất nước).

Động cơ học tập khác cao hơn như nỗ lực học tập để mai sau trở thành người hữu ích cho xã hội, cho đất nước thì rất đáng khen ngợi và khuyến khích. Vì động cơ ấy đã xác định đường hướng mà người trẻ ấy sẽ đi trong tương lai.

Nhưng, qua câu chuyện cậu bé nói trên, người ta (cả trong nước và ngòai nước) nói đến động cơ học của cậu là “vì danh dự của tổ quốc” thì có lẽ hơi cường điệu và phần nào “chính trị hóa” cái tâm trong sáng của một cậu bé 17 tuổi. Nếu cái hãnh diện của một người Việt về sự thành đạt vượt bậc của một sinh viên người Việt trong các trường đại học Mỹ chỉ có một, thì sự hãnh diện của một người Mỹ sẽ phải lớn gấp nhiều lần vì đất nước của họ đã hình thành và yểm trợ để có một nền giáo dục mà sinh viên đến từ bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều được có cơ hội phát triển tối đa khả năng của mình, có cơ hội để học hỏi và được giúp đỡ để học hỏi những kiến thức ưu hạng của cả thế giới. Một nền giáo dục như thế sẽ sản sinh ra hàng triệu triệu sinh viên Mỹ (và những sinh viên các nước đến Mỹ du học) , tuy có thể không xuất sắc vượt bậc, nhưng chắc chắn sẽ rất hữu ích cho xã hội mai sau **. Liệu, cũng cậu bé “thần đồng” nói trên, nếu theo học ở trong nước (Việt Nam), có đạt được những gì mà cậu hiện nay đạt được hay không? Câu trả lời đã có sẵn là Không . Và như thế thì “danh dự của tổ quốc” nằm ở đâu?

Tôi thiển nghĩ rằng, chúng ta có quyền và rất nên hãnh diện vì những người trẻ gốc Việt đã thành đạt xuất sắc trên xứ người. Nhưng từ đó mà khuyến khích ở lớp trẻ một tinh thần ganh đua kiểu “người Việt giỏi hơn người Mỹ” để mang “danh dự về cho tổ quốc” thì, theo tôi, tinh thần ấy không lành mạnh chút nào hết. Nó chỉ làm nổi bật lên cái mặc cảm tự ti về dân tộc mình mà thôi.

T.Vấn

Mùa tốt nghiệp 2009

Chú thích:

*Câu chuyện vị bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates, hơn 50 năm sau ngày tốt nghiệp trung học tại trường East High thuộc thành phố Wichita, tiểu bang Kansas đã trở về trường cũ đọc diễn văn khuyên nhủ lớp đàn em của mình và tuyên dương đích danh 6 vị thầy cô đã góp phần dạy dỗ ông làm tôi nhớ đến câu chuyện ông Carnot trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị tôi được học thuở còn làm học trò Tiểu học. Ông Carnot là một vị quan to nước Pháp. Một hôm, ông trở về trường cũ, thăm người thầy học của mình. Vị thầy nay đã gìa nua, tóc bạc , lưng còng. Ông bước vào lớp, cúi đầu, khoanh tay chào thầy như ngày xưa, rồi nói: Thưa thầy, con là Carnot đây, thầy có còn nhớ con không? Sau đó, ông quay sang lũ học trò nhỏ đang ngồi trố mắt nhìn vị đại quan quyền cao chức trọng, và khuyên nhủ: Cha mẹ ta sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn, nhưng người dạy dỗ ta trở nên hữu ích cho xã hội chính là thầy ta, vị thầy già nua tóc bạc này đây. Ta không bao giờ quên công ơn đó, dù ngày nay ta đã là một người có địa vị trong xã hội. Đó là đại ý câu chuyện tôi còn nhớ được sau hơn 50 năm đi trên một đọan đường không lấy gì làm bằng phẳng lắm.

Câu chuyện ông Carnot chỉ ở trong sách, không biết có thật hay không. Nhưng câu chuyện ông Gates ở trên là có thật. Tôi tai nghe mắt thấy tối thứ Tư ngày 27 tháng 5 năm 2009. Tôi nhấn mạnh chi tiết này ở đây để các thế hệ mai sau suy ngẫm. T.Vấn.

**Ngày thứ Bẩy 15 tháng 5 năm 2009, sinh viên người Mỹ Kelsey Ladt, 14 tuổi, đã lên bục danh dự của trường đại học Kentucky (University of Kentucky) nhận bằng Bachelor ngành Sinh học với thứ hạng tối danh dự (Summa Cum Laude) . Năm lên 8, Kelsey đã hòan tất bậc tiểu học (Elementary). Năm 11 tuổi, trong lúc các bạn cùng trang lứa vừa tốt nghiệp lớp 5, thì Kelsey đã là sinh viên Thủ khoa (Valedictorian) tốt nghiệp trung học, đọc diễn văn trước tòan trường. Cùng lúc đó, cô nhận bằng tốt nghiệp 2 năm (Associate’s Degree) từ Kentucky Technical College. 3 năm sau, 14 tuổi, Kelsey lại một lần nữa đứng đầu lớp tôt nghiệp Sinh học để sẵn sàng bước vào chương trình học Y khoa. Theo dự đóan, cô sẽ nhận bằng bác sĩ và tiến sĩ y khoa (Ph.D) vào năm vừa tròn 22 tuổi. Theo thống kê, thì trường hợp người có bộ óc đặc biệt như Kelsey Ladt là 1 phần 6 triệu. Liệu đây có là một trường hợp “danh dự của tổ quốc” Mỹ không? T.Vấn

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search