T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Từ bức tường đá đen

Mộ chí ai, còn đâu khói hương

Đất cũ cày lên nỗi óan hờn

Túy ngọa sa trường hay nuốt lệ

Một đời chinh chiến cũng tang thương

(Ngọc Phi – Tạ núi sông)

1.

Như thường lệ hàng năm, đầu tháng 11, mấy người bạn cùng sở làm vốn là cựu chiến binh lại tụ họp nhau bàn các công việc cần thiết cho ngày lễ Veteran Day (11/11) sắp đến. Cũng như mọi năm, công việc của chúng tôi thường là cập nhật hóa danh sách cựu chiến binh trong sở, thực hiện một kỷ vật nào đó để trao cho các cựu chiến binh tham dự ngày họp mặt chính thức và sọan một đề tài để suy niệm. Năm nay, đề tài mà chúng tôi hướng tới là Bức tường đá đen ghi tên hơn 58 ngàn người lính Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam. Trong lúc trao đổi ý kiến, một anh bạn Mỹ đã từng có 5 năm phục vụ ở Việt Nam, 2 lần bị thương, đưa cho chúng tôi xem bức hình chụp Chiến Thương Bội Tinh (Purple Heart) mà anh nhận được trong lần bị thương thứ nhì, rồi ngậm ngùi nhắc đến những người bạn kém may mắn của mình trong trận chiến khốc liệt năm nào, nay tên của họ đã nằm yên nghỉ mãi mãi trên mặt đá đen bóng lưỡng của bức tường tưởng niệm các chiến binh Mỹ bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam. Anh cũng cố moi trí nhớ kể câu chuyện một người lính miền Nam đã không quản ngại cơn mưa đạn điên cuồng đến từ mọi phía, chạy đến bên anh giúp băng bó vết thương và dìu anh lui ra phía sau trận địa. Anh đã ngất đi vì đau đớn và mất quá nhiều máu. Và vì thế, anh bạn cựu binh Mỹ của tôi đã không thể biết được tên tuổi, đơn vị người lính vô danh ấy, cũng như không thể nhớ được khuôn mặt người đã cứu mạng sống của mình. Anh kết luận, trên bãi chiến trường, những cử chỉ đơn giản như của người lính VNCH bình thường ấy, là những hành động có tầm mức lớn lao của sự sống và cái chết. Nhờ vậy, anh còn sống để nhận tấm huy chương của vết thương, và ngày hôm nay nhớ đến những đồng đội của mình có tên được khắc trên bức tường đen ảm đạm.

Câu chuyện cũ đã 40 năm. Có thể từ bấy đến nay, mỗi năm cứ đến ngày lễ cựu chiến binh là anh lính Mỹ may mắn ấy lại nhớ đến những khỏanh khắc khó quên của cuộc đời quân ngũ và câu chuyện người lính miền Nam cứu mạng. Nhưng bao lâu nhân lọai còn chiến tranh, những câu chuyện cũ tương tự như câu chuyện của anh bạn cựu binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam, vẫn còn nguyên những giá trị như khi chúng vừa mới xẩy ra. Vì vậy, mới có sự hiện hữu của những đài tưởng niệm chiến tranh, những quân nhân bỏ mình vì tổ quốc, và đặc biệt, nước Mỹ còn có bức tường đá khắc tên 58, 256 tử sĩ (và mất tích) trong chiến cuộc Việt Nam.

Năm nay cũng là năm kỷ niệm lần thứ 25 bức tường đá được xây dựng ở khu lưu niệm các cựu binh Mỹ tham dự chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Washington, D.C. Bức tường gồm hai đọan, mỗi đọan dài 75 mét nối nhau theo hình chữ V với kinh phí gần 9 triệu đô la hòan tòan do sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức thiện nguyện và khỏang hơn 275 ngàn cá nhân, được hòan tất ngày 01 tháng 11 năm 1982. Ngày 11 tháng 11 năm 1984, tòan bộ khu Tưởng Niệm gồm: Bức Tường (the Wall), Tượng “Ba Người Lính” (The Three Servicemen) và Kỳ Đài (The Flag) được chính thức chuyển giao cho bộ Nội An Hoa Kỳ và trở thành Đài Tưởng Niệm Quốc Gia. Từ đó, theo truyền thống hàng năm, nghi thức “Xứơng danh” (Reading of the Names – đọc những tên được khắc trên bức tường đá) được bắt đầu từ ngày 6 tháng 11 cho đến ngày 10 tháng 11. Riêng năm nay, để kỷ niệm 25 năm bức tường đá, sẽ có cuộc diễn hành của các cựu binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam. Họ cũng đạt lời mời trân trọng đến Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngọai tham gia vào cuộc diễn hành. Tổ chức chính thức này của những người lính VNCH đã nhận lời với sự hợp tác của trên 50 tổ chức hội đòan khắp nơi trên nước Mỹ. Như vậy là lần đầu tiên sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, những người lính Việt Mỹ trước đây đã từng sát cánh bên nhau trên trận địa nay lại được dịp sánh vai nhau trên những đường phố thủ đô Hoa Kỳ để cùng nhau nhớ đến những chiến hữu đã nằm xuống cho lý tưởng chung. Theo lịch trình, sáng ngày 11 tháng 11, lúc 11 giờ sáng, nghi lễ chính thức được mở đầu bằng cuộc diễn hành khởi đi từ góc đường số 7 (7th Street) và chấm dứt ở khu vực Đài Tưởng Niệm Washington (Washington Monument). Sau đó, là nghi thức đặt vòng hoa tưởng niệm tại bức tường đá đen để kết thúc phần nghi lễ chính thức.

2.

Tháng 6 năm ngóai, tôi đã có dịp đặt bàn tay mình vào bức tường đá đen có dấu tay của hàng triệu triệu du khách khắp nơi trên thế giới. Chung quanh tôi, rất nhiều du khách người Mỹ đứng trầm tư, kể cả những đứa trẻ cũng im lặng ngơ ngác nhìn những cái tên chi chít trên mặt tường. Những cái tên của những người lính đã đến một nơi thật xa lạ, đem mạng sống của chính mình ra bảo vệ tự do và sự sống còn của những người mà có lẽ họ không bao giờ biết mặt. Hay ít nhất, đó cũng là ý nghĩ trong đầu của đa số những chiến binh Mỹ khi chào từ biệt gia đình để lên đường bước vào cuộc chiến thật khốc liệt nơi mảnh đất gọi là Việt Nam. Tranh cãi hay không tranh cãi, đúng hay sai thì họ cũng đã nằm xuống vĩnh viễn. Và chắc chắn, họ đã không bị quên lãng. Sự hiện diện của bức tường trước mặt tôi là bằng chứng cho sự không quên lãng của các thế hệ tương lai. Người chết nào cũng đáng nhớ. Nhất là những người chết vì tổ quốc và vì sự sống còn của người khác. Bức tường đá khắc tên hơn 58 ngàn người lính Mỹ hy sinh trong chiến tranh Việt nam, theo lời một cựu binh Mỹ khác may mắn sống sót, là nơi “danh dự nhưng thiếu bóng dáng của vinh quang, có nỗi buồn nhưng chẳng mảy may giận dữ, có thứ quá khứ mà người ta sẽ phải nhớ mãi mãi về sau, có một tương lai mà chưa thế hệ nào được nhìn thấy, có sự mất mát mà chỉ một số ít người có thể hiểu được, có sự cứu rỗi mà không phải ai cũng nhận ra, có một thứ quá khứ chỉ một số ít người đã kinh qua, nhưng lại có thứ tương lai mà ai ai cũng có thể rút tỉa được những điều bổ ích . . . (Bob Gura – Cựu binh Mỹ phục vụ ở Việt Nam từ 1966-1967) .

Từ bức tường đá đen, bài học đã được rút tỉa cho các thế hệ non trẻ:

Chính là người lính

Chứ không phải các phóng viên

Đã đem đến cho chúng ta tự do ngôn luận

Chính là người lính,

Chứ không phải các nhà thơ

Đã đem đến cho chúng ta tự do tư tưởng

Chính là người lính

Chứ không phải những kẻ tổ chức biểu tình

Đã đem đến cho chúng ta sự tự do bày tỏ

Chính là người lính,

Đã đứng nghiêm chào lá quốc kỳ,

Đã vì lá quốc kỳ mà hy sinh

Để quan tài của mình được lá quốc kỳ ấy bao phủ

(Vô Danh)

Một cựu binh Mỹ vô danh nào đó, khi đến viếng thăm Bức Tường, đã để lại những câu thơ ngắn nhưng đầy ý nghĩa về sự hy sinh của người lính.

3.

Hơn 58 ngàn nguời lính Mỹ hy sinh vì chiến tranh Việt Nam đã được ghi tên trên bức tường Tưởng Niệm, và sẽ được nhắc nhở mãi mãi trong lịch sử các cuộc chiến tranh của nước Mỹ, cũng như được tưởng nhớ bởi nhiều thế hệ trẻ nước Mỹ trong tương lai. Những người chiến binh VNCH, những người đã chiến đấu với sự can trường không kém người bạn đồng minh, thậm chí còn can trường hơn, chịu gian khổ nhiều hơn vì họ chiến đấu cho chính đồng bào họ, cho tương lai của chính con cháu họ và cũng đã nằm xuống với lòng yêu nước cao quý không kém, dường như không được may mắn như những bạn đồng minh Mỹ quốc. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, họ ở về phía bên thất trận. Trong chiến tranh, rất nhiều khi sự thắng thua không nói được gì về phẩm chất một quân đội. Những người lính VNCH đã thua, có thể vì họ không may mắn được chỉ huy bởi những nhà lãnh đạo tầm cỡ, có thể vì những lý do không nằm ở trên chiến trường, nhưng chắc chắn một điều họ đã không hèn nhát. Hơn 30 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, những cái nhìn đầy thiên kiến, thiển cận và ác ý vẫn tiếp tục hướng về những con người – nhất là những người đã nằm xuống – lẽ ra phải được dành một vị trí xứng đáng trong lòng dân tộc. Thái độ thiếu công bằng ấy không chỉ đến từ phía những người từng một thời là những kẻ thù, mà còn đến cả từ phía những người từng một thời là bạn, là đồng minh. Tất nhiên, nguồn gốc của những thiên kiến ấy không phải là không có gốc rễ từ những sai lầm của thiểu số lãnh đạo quân đội (VNCH), và cả ở cung cách can thiệp thô bạo, lộ liễu của các chính sách Mỹ trong thời kỳ chiến tranh, vốn đã không giúp ích gì làm tốt đẹp hơn hình ảnh quân đội miền Nam đối với thế giới, mà lại còn là “gánh nặng trầm kha không thể nào vượt thắng (cho quân đội VNCH): là một đồng minh bất xứng, ngu dốt và gây rối một cách đáng kinh ngạc, dưới hình thức cái chính phủ Hoa Kỳ” (Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: 1968-1975 – bài của Bill Laurie, Sử Gia – bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Tiến Việt).

Không một người lính nào cầm súng, ra trận để mong được tổ quốc ghi ơn. Vì như vậy có nghĩa là họ đã không may mắn sống sót trở về. Nhưng, lịch sử sẽ không là một lịch sử xứng đáng nếu không có những con người bước vào trận địa với một niềm tin duy nhất: phục vụ cho tổ quốc. Tổ quốc ấy có thể là ảo tưởng một xã hội chủ nghĩa không có cảnh người bóc lột người của cô chiến sĩ miền Bắc Đặng thùy Trâm, có thể là viễn tưởng một đất nước tự do không có những gông cùm độc tài cộng sản của người lính miền Nam. Tuy đối nghịch nhau trên trận địa, nhưng cả hai đã mang trong lòng mình niềm mơ ước trong sáng cho tổ quốc, cho nên họ đáng được kính trọng và tưởng nhớ như nhau. Cái Đúng Sai trong cuộc đối đầu ấy thuộc về những kẻ ngồi ở một chỗ an tòan nhất để phát động chiến tranh, kéo dài chiến tranh và chấm dứt chiến tranh.

Đừng quy trách nhiệm ấy trên vai những người lính.

4.

Mỗi lần có dịp tham dự những nghi lễ trang trọng nơi sở làm, khi đứng nghiêm chào tay trước lá quốc Kỳ Mỹ và truy điệu những tử sĩ của ba trăm năm lập quốc Hoa Kỳ, tôi lại chạnh nghĩ đến ngày lễ cựu chiến binh của quân lực VNCH, đến những tử sĩ Việt nam đã chết cho tổ quốc, đến những người lính còn sống đã không có mảnh đất riêng để cắm lá quân kỳ mà một thời chúng tôi đã không quản ngại xương máu giữ cho lá quân kỳ ấy hiên ngang phấp phới giữa hàng quân. Cái cảm gíac ấy thật ngậm ngùi. Ngậm ngùi hơn khi nghĩ đến những hồn tử sĩ đang vất vưởng đâu đó giữa cõi hỗn mang gió thổi ù ù, không biết khi nào là giờ linh thiêng và nẻo đường nào là lối dẫn về Kỳ Đài năm xưa, nơi những hàng quân được tập họp, có tiếng hô nghiêm dõng dạc và sự im lặng rợn người.

Và những thế hệ Việt Nam ngày mai, ai là người còn nhớ đến số phận nghiệt ngã của tiền nhân sinh sống ở miền Nam nửa cuối thế kỷ 20?

Hãy khóc cùng tôi này em nhé

Non sông hoa gấm đã xa rồi

Chinh chiến cũng qua rồi em hỡi

Thiên thu còn giọt lệ cho đời

(Ngọc Phi)

© T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search