T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Lọat bài về nhạc Ngọai quốc lời Việt của Hòai Nam

clip_image002

Người yêu nhạc – dù mang bất cứ quốc tịch nào, có màu da màu tóc nào- lại không từng nghe và say mê những bản nhạc bất hủ như: Come back to Sorrento (Về mái nhà xưa), One Day, When we were young (Khúc hát thanh xuân), Fur Elise (Khi tình yêu tới), Ave Maria – Schubert và rất nhiều những bản nhạc vượt lên trên mọi hàng rào ngôn ngữ khác?

Nghe đi nghe lại những bản nhạc hay, vẫn chưa đủ. Người ta còn muốn được biết thêm về nhạc sĩ sáng tác, hòan cảnh bài nhạc ra đời, những ca sĩ nào đã hát, và cả những giai thọai chung quanh bài nhạc ấy nữa. Đó cũng là tâm lý thông thường của “yêu nhau yêu cả đường đi lối về”.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên trước sức cuốn hút độc gỉa của lọat bài về nhạc Ngọai quốc lời Việt do nhà báo Hòai Nam, tác giả “70 năm Tình ca trong Tân nhạc Việt Nam” thực hiện. Từ gần một năm nay, qua 23 bài viết được giới thiệu trên T.Vấn & Bạn Hữu, ông đã thỏa mãn sự đòi hỏi trên của người yêu nhạc về 29 bài nhạc lừng danh trên thế giới mà hầu như người yêu nhạc nào cũng đã hơn một lần nghe, say mê và thuộc lòng, dù không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của lời bài nhạc.

Qua lọat bài trên, Hòai Nam đã “hệ thống hóa” tất cả những gì người yêu nhạc muốn biết, cần biết về bài nhạc mà mình yêu thích, với những chi tiết vô cùng thích thú vì với số đông chúng ta, đây là lần đầu tiên được biết đến. Chẳng hạn như những chi tiết về bài nhạc bất hủ Shina No Yoru (China Night – Chiều Tô Châu ), có cái tên “Đêm Trung Hoa” nhưng lại do hai nhạc sĩ người Nhật viết nhạc và đặt lời. Ly kỳ hơn nữa là những chi tiết về cô ca sĩ Nhật Yoshiko Yamaguchi, người hát bài China Night, có đến 10 nghệ danh khác nhau, trong đó nghệ danh Trung hoa Li Xianglan (Lý Hương Lan) đã mang đến cho cô nhiều hệ lụy (và danh vọng). Hoặc những giai thọai “bi thảm” chung quanh bài nhạc của Hung-Gia-Lợi Sombre Dimanche, tựa tiếng Pháp, tức Gloomy Sunday, tựa tiếng Anh, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Chủ Nhật Buồn, và Nam Lộc với tựa Chủ Nhật Xám.

Theo Hòai Nam, 23 bài viết về 29 bài nhạc nổi tiếng nhất thế giới và hơn 100 phụ lục phần âm thanh với những giọng hát huyền thọai đã chấm dứt phần giới thiệu về lọai nhạc cổ điển lãng mạn (Art music) và truyền thống (Traditional music). Kể từ bài 24 (NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (24)-Những ca khúc phổ thông (popular songs) – Dẫn nhập ) – ông bắt đầu giới thiệu những ca khúc “thuộc lọai phổ thông (popular songs) điển hình, những sáng tác từ cuối thập niên 1940 trở về sau, mà cho tới nay vẫn còn được hàng triệu người trên thế giới ưa chuộng, vẫn tiếp tục được gửi tới thính giả qua các làn sóng điện khắp năm châu.”

Một lần nữa, với sự cẩn trọng cố hữu của một người làm công việc giới thiệu âm nhạc, Hòai Nam đã viết trong phần Dẫn Nhập của bài 24:

“Tuy nhiên, trước khi giới thiệu những ca khúc ấy, chúng tôi xin dành một kỳ để viết về định nghĩa, sự hình thành và phát triển của “popular music” (trong đó có “popular songs”).

Một cách tổng quát, nền âm nhạc tây phương được chia ba lĩnh vực chính: art music, traditional music, popular music.

“Art music” là nhạc thuần nghệ thuật, chủ yếu là nhạc cổ điển (classical music) – gồm cả tác phẩm của người xưa lẫn những sáng tác thời hiện đại đặt nền tảng trên lý thuyết và khuôn mẫu cổ điển; nhạc jazz chính thống, tùy từng trường hợp, cũng được xem là “art music”.

“Traditional music” là nhạc dân gian truyền thống.

“Popular music” là nhạc dành cho đại chúng.

Popular music được Bách khoa tự điển Wikipedia định nghĩa như sau:

Popular music belongs to any of a number of musical genres “having wide appeal” and is typically distributed to large audiences through the music industry. It stands in contrast to both art music and traditional, which are typically disseminated academically or orally to smaller, local audiences. (Nhạc phổ thông là những sáng tác thuộc bất cứ thể loại nhạc nào trong số những thể loại “có sức thu hút rộng rãi” và được kỹ nghệ ca nhạc phổ biến tới đông đảo thính giả. Nhạc phổ thông tương phản với nhạc thuần nghệ thuật và nhạc truyền thống, vốn thường được phổ biến tới một số lượng thính giả nhỏ hơn, hoặc thính giả địa phương).

Hàng chữ “…any of a number of musical genres “having wide appeal”… đã cho chúng ta thấy tính cách bao quát, thậm chí mơ hồ của định nghĩa về “popular music”.

Bởi vì trong khi người ta có thể đồng ý với nhau “a number of musical genres” ấy là vào khoảng 20 thể loại khác nhau, thì lại bất đồng ý kiến về thế nào là“having wide appeal”: bán được nhiều đĩa, được phát thanh nhiều lần, được nhiều tầng lớp thính giả ưa thích?

Cho nên, tất cả những gì chúng tôi trình bày, đề cập tới trong loạt bài về những ca khúc phổ thông trên TV&BH cũng xin được xem như những hiểu biết, nhận định, và cảm quan của “một người nghe nhạc” hơn là công trình của “một nhà nghiên cứu”. “

***

Lọat bài về nhạc Ngọai Quốc lời Việt của Hòai Nam tuy rất công phu, lại được viết bằng giọng văn ngắn gọn, mạch lạc giúp người đọc vốn không hiểu gì về nhạc cổ điển lãng mạn vẫn dễ dàng lãnh hội được tinh túy của kho tàng âm nhạc nhân lọai, nhưng so với công trình trước đó về 70 năm Tình Ca trong Tân nhạc Việt Nam đã không đến được với đông đảo người “đọc” trong cũng như ngòai nước .

Người ta “nghe” công trình 70 năm Tình Ca, nhưng lại phải “đọc” công trình nhạc Ngọai Quốc lời Việt. Khác biệt ấy chính là sự thiệt thòi không thể tránh khỏi của công trình nhạc Ngọai Quốc lời Việt. Trang T.Vấn & Bạn Hữu đã từng trao đổi với nhà báo Hòai Nam và đề nghị ông thực hiện phần âm thanh (audio) của lọat bài về nhạc Ngọai quốc như ông đã từng làm với công trình 70 năm Tình ca, trong đó , giọng đọc ấm áp, truyền cảm của tác giả đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của chương trình. Nhưng, tác giả cho biết, trước đây ông thực hiện chương trình 70 năm TC cho đài phát thanh SBS Úc châu với phương tiện kỹ thuật và chuyên viên của họ, nay ông không còn làm việc với SBS nữa nên ông đành chịu bó tay. Mặt khác, do công việc mưu sinh hàng ngày, ông vẫn chưa tìm ra thì giờ dành cho công việc này. Đó là chưa kể đến việc thực hiện một phòng thu với những trang thiết bị cần thiết và khả năng sử dụng chúng (điều mà ông bảo mình đã quá già để . . . học).

Hy vọng trong tương lai, khi Hòai Nam tìm được thì giờ, và trong số độc giả say mê lọat bài về nhạc Ngọai quốc của ông, biết đâu có người đủ khả năng (cả về phương tiện lẫn kỹ thuật) sẵn sàng giúp ông thực hiện điều mà hôm nay chúng ta mong mỏi .

Còn bây giờ, kể từ bài (24) Dẫn Nhập với đề tài về “nhạc đại chúng” (pop songs) vốn rất gần gủi với nhiều người yêu nhạc thuộc mọi trình độ, chăc chắn chúng ta sẽ thích thú hơn nữa với những bài viết của Hòai Nam mà ông cho biết sẽ rất phong phú, miễn là ông còn sức khỏe để làm việc.

Thay mặt độc (thính) giả yêu nhạc khắp nơi, chúng tôi cám ơn nhà báo Hòai Nam và chúc ông luôn có đủ sức khỏe để tiếp tục đem niềm vui đến cho đời.

T.Vấn & Bạn Hữu

Ngày 2 tháng 12 năm 2013

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search