T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tha thứ nhưng không được quên

Vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ

Chính lúc quên mình, là lúc tìm lại bản thân . . .

(Kinh Hòa Bình)

Chúa đã dạy nàng: hãy yêu kẻ thù của con

Là một quả phụ 9 năm nay, từ khi người đàn ông trụ cột của đời nàng vùi thây dưới những tảng gạch vụn của World Trade Center, bỏ lại nàng và 2 đứa con nhỏ, 3 và 7 tuổi. Từ ngày ấy 9 năm trước, nàng đã không còn nước mắt để khóc. Nàng cũng đã trút hết nỗi giận dữ thường tình với những kẻ không biết mặt đã biến đời nàng và con nàng thành một chuỗi ngày dài ác mộng. Dầu vậy, nghe theo đức tin của mình, nàng vẫn xa lạ với những điều gọi là thù hận.

9 năm đã qua đi, đời nàng bước vào một khúc rẽ. Nàng đã tạm nguôi ngoai, để sống đời mình, để giúp các con nàng sống đời sống mà lẽ ra chúng phải sống, nếu không có ngày oan nghiệt 9 tháng 11 năm 2001.

Renee Nolan-Riley, người quả phụ trẻ đã tha thứ cho tội ác của bin Laden

Ngày 9 tháng 11 năm nay (2010), nàng đã không giữ được sự trầm lặng như nhiều năm trước. Có một kẻ hoang tưởng đã nhân danh những gia đình nạn nhân của ngày 9 tháng 11 ở New York (trong đó có nàng và 2 đứa con) để dự trù tổ chức một buổi đốt kinh Quran vào đúng ngày chồng nàng qua đời. Ông ta muốn biểu tỏ sự phản đối niềm tin của người Hồi Giáo, vì Quran là Thánh kinh của họ.

Một lần nữa, nàng phẫn nộ. Không phải vì hành động độc ác chưa từng có trong lịch sử nhân lọai của thiểu số bọn theo Hồi giáo cực đoan đã giết hại chồng nàng cùng với 3 ngàn người dân vô tội khác. Lần này là vì thái độ thiển cận và cũng cực đoan không kém của một viên mục sư ở Florida đã đánh đồng niềm tin tôn giáo với hành động của một thiểu số thuộc về tôn giáo đó.

Phẫn nộ là vì hành động thiển cận ấy có thể là lý do để bọn thiểu số cực đoan vin vào mà gây thêm nhiều tội ác với nhân lọai, với những chiến binh Hoa Kỳ đang có mặt ở những vùng đất Hồi Giáo. Vả chăng, đốt thánh kinh của một tôn giáo khác là đi ngược với đức tin của người Thiên chúa giáo.

Không như hàng triệu người ở khắp nơi trên nước Mỹ và thế giới, họ tưởng niệm sự kiện lịch sử buồn bã ấy chỉ một ngày trong năm, ngày 9 tháng 11, người quả phụ trẻ và các con của nàng tưởng niệm nỗi đau ấy mỗi ngày, mỗi giờ .

Các hoạt động tưởng niệm ngày 11/9 ở Mỹ bắt đầu bằng phút mặc niệm, thỉnh chuông cầu nguyện vào lúc 8h46 sáng, đánh dấu khoảnh khắc cách đây 9 năm khi chiếc máy bay đầu tiên bị khủng bố lao vào tòa tháp phía bắc của Trung tâm thương mại.

Trong căn nhà kỷ niệm, những vật liên quan đến người đàn ông buổi sáng hôm 9 tháng 11 năm 2001 rời khỏi nhà sau khi ôm hôn vợ và hai con để rồi không bao giờ quay về nữa, vẫn còn nguyên vẹn như không hề có cuộc phân ly đứt ruột.

Với nàng và 2 đứa con nàng, người đàn ông ra đi biền biệt ấy vẫn mãi mãi mang hình ảnh của buổi sáng oan nghiệt ấy, tươi mát mà chững chạc trong chiếc quần xám nhạt, áo sơ mi sọc dài tay cũng mầu xám nhẹ nhàng. Nàng đã nằm dài trên chiếc ghế sofa ngòai phòng khách, để mặc cho chàng hôn khắp người thay cho lời tạm biệt.

Nàng và các con không bao giờ thấy lại chàng nữa, dù chỉ là mảnh tro tàn vụn vỡ.

Nàng khóc mỗi khi nhớ lại giây phút cuối cùng với chàng. Nàng không bao giờ quên. Nhưng hận thù kẻ gây nên nỗi đau nghiệt ngã ấy thì không. Nàng đã tha thứ. Chỉ trong sự tha thứ, nàng mới tìm lại được sự bình an của tâm hồn.

Mỗi ngày, trên con đường đưa con đi học, nàng phải đi ngang qua một nhà thờ Hồi giáo của thành phố. Những kẻ giết hại chồng nàng đã nhân danh tôn giáo mà nhà thờ ấy đại diện để biện minh cho hành động tội phạm của mình. Một cách hết sức thành thực, nàng thú nhận đã có một cảm xúc lẫn lộn mỗi khi đi ngang qua đó. Nhưng nàng biết mình không có lý do chính đáng để ghét bỏ những con người mỗi ngày đến ngôi đền ấy cầu kinh. Họ có niềm tin riêng của họ. Nàng phải tôn trọng, vì đó cũng chính là điều mà niềm tin của nàng khuyên dạy.

Khi một phóng viên hỏi nàng về dự định xây cất một trung tâm văn hóa và cầu nguyện Hồi giáo chỉ cách khu Ground Zero hai dãy phố, nàng ước rằng người ta sẽ từ bỏ ý định ấy. Với nàng, hình ảnh ấy luôn nhắc đến nàng nỗi đau mà nàng và các con đang cố hết sức để quên. Nàng nghĩ rằng những gia đình của gần 3 ngàn nạn nhân khác cũng có thể có cùng ý nghĩ như nàng. Người ta phải cố quên nỗi đau vì người ta không thể sống mãi với những nỗi đau. Nàng không tin những người có ý định xây cất ngôi đền Hồi Giáo gần khu Ground Zero là những người bài Mỹ hoặc nuôi những ý tưởng độc ác như những kẻ khủng bố đã ra tay trong ngày 9 tháng 11 năm 2001, nhưng nàng vẫn khó có thể hòan tòan cảm thông được với lập luận cho rằng sự có mặt của một ngôi đền Hồi giáo ngay bên cạnh nấm mồ khổng lồ của 3 ngàn người chết không tòan thây là một biểu trưng rực rỡ cho lòng khoan dung, cho sự tha thứ, cho mơ ước sống chung hòa bình của nhân lọai. Dẫu sao, nàng vẫn là con người, với những tình cảm hỉ nộ ái ố thường tình, dù nàngrất muốn sống đúng theo lời Chúa của nàng đã dạy.

Một công nhân đội chiếc mũ có chữ “không nhà thờ Hồi giáo” để phản đối kế hoạch xây dựng một trung tâm văn hóa và cầu nguyện của đạo Hồi tại địa điểm chỉ cách tòa tháp đôi hai dãy nhà. Kế hoạch này đã làm bùng nổ các cuộc tranh cãi trong nước Mỹ nhiều tháng qua.

Hãy yêu thương kẻ đã hãm hại ngươi. Hãy yêu thương con người như yêu chính ngươi, như ta đã yêu thương các ngươi.

Nàng đã nhiều đêm quỳ trước bàn thờ Chúa, phó thác nỗi đau và sự cô đơn không cùng cho Ngài. Nàng đã cầu nguyện và xin được có thêm sức mạnh để sẵn sàng tha thứ cho bin Laden, kẻ thủ phạm chính đã giết chồng nàng, đã giết đời nàng.

Nàng biết, bất kể mọi sự hòanh hành của quỷ dữ, rồi sẽ đến ngày Thiên Chúa của nàng ngự trị.

Ngày ấy, kẻ làm điều ác sẽ phải đền tội.

T.Vấn

Ngày 11 tháng 9 năm 2010

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search