T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trương Huyền Trường: TUI IU TIẾNG NƯỚC TUI (2)


(bài hai)

Hai người bạn lâu ngày gặp nhau. Một người hỏi: Thằng K. còn không? Một người đáp: Trẩu rồi! – Còn thằng H.? – Cũng trẩu rồi!

Ở đâu mà ra cái tiếng trẩu nghe như của xứ Mắm Bồ Hóc vậy? Ở Ninh Huề đấy quý cụ ạ. Nó hờ hững, nó lạnh lẽo, nhưng đúng quá. Chết mà sao không lạnh! Tuy vậy, nó cũng còn có một chút tình. Chứ nói ngủm rồi, ngủm cù đeo hay ngủm củ tỏi thì thật tàn nhẫn. Mấy tiếng ấy là để dành cho những kẻ mà mình ghét cay ghét đắng, những đứa rủa hoài không chịu chết như lão thủ tướng nọ làm cho quốc gia nợ đầm đìa, bỗng dưng một sáng đẹp trời nằm thẳng cẳng. Cù đeo không phải cù móc hay cù nèo, nhưng thêm vào cái tiếng ngủm nghe nó “đã” làm sao. Lại thêm củ tỏi nữa, cứ như thêm gia vị vào cho nó bớt thúi!

Ô hô, cái sự trẩu ấy nói mãi làm người ta sợ xanh mặt. Nói như thế trong những ngày đầu năm là xúi quẩy, bị mắng cho là nói bá láp bá xàm, nói tào lao xịt bụp ( Trời ạ, tôi iu cái tiếng xịt bụp ấy quá chừng, nghe như tiếng pháo Tết). Thưa hải ngoại chư quân tử, có vị nào rành tiếng Anh, tiếng Pháp thử dịch dùm tôi mấy tiếng bá láp bá xàm, tào lao xịt bụp nghe chơi. Mà phải dịch cho được cái âm thanh rộn rã chợ búa đó nghe.

Có mấy tiếng tượng hình mà tui tin là trên thế giới không có tiếng nước nào hay bằng. Đó là mập ù ú tét! tức là béo trục béo tròn, là mập úc na úc núc. Mỡ ơi là mỡ. Có cả bánh ú và bánh tét, bảo sao không nhiều mỡ. Người đẹp mà như thế thì ớn tận họng, phải không nào. Cho nên cái bệnh béo phì hơn cả bệnh tiêm la, mồng gà, trái khế là thứ bệnh mà ai cũng ghét, cũng sợ. Thuốc chống mập ù ú tét là thứ thuốc bán chạy nhất. Khổ nỗi những người béo phì lại mang cái bệnh thèm ăn. Ăn xành xạch, ăn không biết chán, ăn không biết no, ăn như tằm ăn rổi, ăn đủ thứ tùm lum tà la…tức là cứ tộng mãi vào như thế bảo sao không ú na ú nần!

Vậy là, coi chừng sẽ chết không kịp ngáp, nói theo chữ của các ngài lang tây là chết vì nhồi máu cơ tim, mặc dù mới đó còn sống nhăn răng. Đương nhiên, những kẻ đầu đường xó chợ, những kẻ bị tù đày thì ốm tong ốm teo, ốm nhom ốm nhách ốm lòi xương ra có đâu mà được cái vinh hạnh mập ù ú tét. Nếu có phải chết thì chết bờ chết bụi, chết đàng chết sá, chết như chó chết, vậy thôi.

Trở lại câu thơ xuất thần của cụ Trần Văn Hương. Ngồi buồn gãi háng…Thử tưởng tượng cụ ngồi ra làm sao. Chắc chắn không phải ngồi bảnh choẹ trên ghế bành mặc dù cụ đang làm thủ tướng. Nhỡ quan trên trông xuống người ta trông vào thì sao, có mà đi đời cái danh dự quốc gia. Chắc chắn là cụ mặc quần xà lỏnngồi chồm hổm hay chò hỏ ở nhà, trong khi cụ bà đi chợ mua sắm hay loay hoay đâu đó dưới bếp. Cụ thò tay vào gãi và tê mê thưởng thức cái tăn tăn đó tức là cụ gãi đúng chỗ ngứa, cái chỗ bí mật còn hơn bí mật quốc gia, chỉ có một mình cụ biết một mình cụ hay. Nó đã quá cho nên mới khiến cụ thay vì hít hà thì buột miệng thành thơ.

Ôi chao, những chuyện đầu Ngô mình Sở, đầu cua tai nheo, chuyện trên trời dưới biển, chuyện bá láp bá xàm ở đâu cứ lôi ra mãi làm các cụ khóc thét phải không? Thì cũng được thôi, khóc thét tức là đã hả được giận chứ đâu phải khóc lóc kể lể, khóc bù lu bù loa, khóc như cha chết. Hay khóc như gái về nhà chồng ( khấp như thiếu nữ vu quy nhật ), khóc mà mặt tươi rói, còn bụng thì mừng rơn.

Mới rồi đi dự đám cưới, cô MC sau một hồi ỏng ẹo chúc mừng cô dâu chú rể, liền hô: Một, hai, ba…Dô! Thế là cả mấy trăm tân khách, quý ông áo quần bảnh bao mày râu nhẵn nhụi, cả quý bà quý cô mặc áo không dây, một dây, hai dây lồ lộ hai cái gò bồng đảo ( không phải gò Đống Đa đâu nhé ) cùng hô lên như sấm dậy: Dô. Đó là văn hoá mới, lịch sự lịch sàng mới, là vào trong ầm ĩ ra ngoài đua xe ( không phải vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa vì đó là xưa rồi diễm ơi!). Tôi giật mình đánh đổ ly bia liền bị chê quê một cục!

Nói tới lại nhớ tới Ơ Rô cúp. Trận nào cũng một hai giờ sáng. Chưa cũng hô . Mà rồi lại càng hô to hơn. Chị vợ ở trong buồng trằn trọc mãi không ngủ được liền dấm dẳn: Cứ dô dô hoài mà chẳng thấy dô đâu hết! Anh chồng hiểu ra than thầm: Giờ này mà thì có nước sụm bà chè!  Chắc là sụm xương bánh chè chớ mắc mớ gì tới bà bán chè, phải vậy không? Đó thấy chưa, chỉ có người mình mới hiểu được cái tiếng thâm thuý ấy chứ người nước khác làm sao hiểu được.

Một hôm, vợ tui nói: anh đưa em mượn tờ béo. Tôi ngớ ra một lúc mới hiểu được đó là tờ báo. Từ đó tôi ngộ ra cái vần a bị đổi ra thành e hết trọi. Anh thích ăn chéo gè hay chéo cé. Cái éo này cũ rồi để em mua éo mới cho anh nghe. Đó là lúc nồng ấm ngọt ngào, còn lúc giận dỗi thì nàng nói: anh lè đồ nói léo, lè đồ be que xỏ lé. Tôi chỉ có nước kêu Trời!

Nhớ lúc xe đò dừng ở Đà Nẵng. Trời nắng, khát nước vợ tôi kêu cô bán cam: Ê, cem, cem. Lập tức có mấy đứa bán kem chạy lại. Vợ tôi lắc đầu chỉ mấy trái cam, liền bị nó mắng: nói trật lất, Kôm mà kêu kem! May mà nàng chưa kip kêu cho tôi một lon 33, ( be be) chứ không nó lại tưởng là con dê! Loạ như rứa, người trong một nước mà có khi phải cần đến thông dịch viên mới hiểu được.

Nội bi nhiêu đó cũng đủ thấy rằng tiếng nước tui vô cùng phong phú, vô cùng đáng iu, phải không bạn.

(Còn tiếp)

Trương Huyền Trường

( Một ngày như mọi ngày)

 

Bài một   Bài Ba    Bài Bốn

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search