T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trương Huyền Trường: TUI IU TIẾNG NƯỚC TUI (3)

(bài ba)

Thưa hải ngoại chư quân tử, cái sự vụ mua cam thành kem của con bậu tui khiến tui nhớ tới cái xứ Quảng Noam hay cở.., Quảng Ngở.. hay kình. Trên một chuyến xe lửa từ Sègoòng về Đà Nẽn..g, tôi đã phải một bữa điếc con ráy,  không phải vì tiếng xình xịch mà vì tiếng chuyện trò của cả trăm con người nói suốt không nghỉ.

Còn từ phía bên kia đèo Hải Vân ra tới Nghệ An dường như các tiếng đều mang theo một cái dấu nặng cả chục ký lô. Chự ạnh vệ mô? Ạnh cọ vợ chưa? Đúng là nặng quá, trầm quá. Ông cha ta từ khi bước tới đèo Ngang bóng xế tà đã phải làm một cuộc hành trình vất vả, vượt qua bao nhiêu núi, bao nhiêu đèo, bao nhiêu đầm, bao nhiêu phá nên giọng nói cũng mang hơi thở hổn hển, nhọc nhằn, uốn éo của người đi mở cõi. Nghe giọng nói ấy mới thấy thương làm sao Huyền Trân công chúa và các chúa Nguyễn. Không có nàng, không có các chúa Sãi, chúa Thượng, chúa Hiền… đã chắc gì ngày nay có Ninh Huề để tui cùng hải ngoại chư quân tử ngồi đây mà tí tửng. Cho nên, trong các điệu lý con sáo, lý ngựa ô, tôi iu nhứt điệu lý qua đèo. Đèo ..mà qua đèo. Con chim nọ hót, con vượn nọ ngâm. Đèo mà qua đèo.

Bên kia đèo Cả là xứ Nẫu. Cái xứ ấy thiệt là ngộ. Chắc là chiếm được kinh đô Đồ Bàn rồi ông cha ta hí hửng hò reo nhảy múa nên giọng nói cứ như muốn bay lên. Các dấu nặng bỗng trở thành dấu hỏi. Đương vậy à bỗng trở thành dẩy na. Đẹp dẩy na? Giỏi dẩy na? Nhưng hãy coi chừng: Ai về xứ Nẫu mà coi. Con gái xứ Nẫu cầm roi đi quyền! Chớ có dại mà nhái tiếng nẫu.

Đi vào Nam, giọng nói cứ như nước sông Cửu Long bát ngát tràn bờ. Nó thoải mái, nó bình yên, nó dịu ngọt như măng cụt sầu riêng. Sướng quá mà. Ruộng đồng mênh mông, chẳng cần cấy cày vẫn có lúa trời lúa nổi, thả cái cần câu, cắm cái lờ là có cá rùa nhậu tới bến. Anh Sáo, anh Sáo, dô coi tụi nó quậy tá lả bùng binh kia! . Chả chớt, nũng nịu, chỉ mới nghe giọng nói mà đã thấy ghét rồi! Bộ mình ghét em thiệt hở? Ghét thiệt mờ, ghét một bụng đó. Ghét thì thôi khỏi chơi à nghen!  Cứ banh miệng ra mà nói, khỏi cần uốn éo, vặn vẹo, lên bổng xuống trầm, cứ thả nổi bập bềnh như lục bình trôi sông, muốn tới đâu thì tới. Người mình khổ nhứt là phải nói tới vần V. Nói thế nào cũng ra QU. Cái ti quy, cái quy tính. Người miền Nam chơi tuốt luốt vần D. diệc gì ảnh cũng dành làm hết trọi, thương ảnh ghê dậy á. Dô đây em dù trời phia anh nhớ đưa em dìa! Thiệt là phẻ re, phải không bạn?

Nói búa xua, tùm lum tà la nãy giờ để cho vị nào cực chẳng đã phải nói tiếng Giăng ky hay tiếng Phú lãng sa ngồi nhớ lại một chút mà cười chơi, cũng là một cách xả xì trét. Nhưng nếu nghiêm chỉnh hơn, chúng ta đều thấy rằng cái tiếng Việt của mình quả là đúng ba chìm bảy nổi chín cái long đong y như lịch sử bốn nghìn năm văn hiến vậy. Từ sông Hồng, sông Thái Bình réo rắt du dương, tiếng Việt trên đài BBC, đài VOA…đâu có thua gì tiếng các nước khác. ( ngoại trừ cái vần L ngọng nghịu của một vài tỉnh)  khi qua miền Trung lắm núi nhiều đèo, nó cũng phải gồng mình qua mà leo trèo lặn lội, quanh co khúc khuỷu, uốn éo ngoằn ngoèo phát mệt, rồi thả lỏng trên bờ Cửu Long giang một cách thơ thới hân hoan, một cách rất chi là thái bình phơi mở. Đến đây thì tui thấy cụ Phạm Quỳnh rất đáng cho chúng ta làm một phát hoan hô. Đúng là tiếng ta còn, nước ta còn. Dù anh ở Mỹ, ở Úc, ở Pháp, Canada mà còn thấy phái khi nghe tiếng xứ nẫu, tiếng của cô em Bắc kỳ nho nhỏ, tiếng con cua nó bò gột gột thì anh vẫn còn là người Việt mình dù không còn quốc tịch. Phải vậy không? Cho nên dù có trôi nổi nơi đâu thì anh vẫn không mất nước, vẫn không mất quê hương. Không bài học lịch sử nào sâu sắc bằng yêu tiếng nói quê xưa.

Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa

Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì (TCS)

Anh chàng Hoài Linh nổi tiếng như cồn là nhờ biết cù lét tận trong hồn người xa xứ những nét ngộ nghĩnh đáng yêu của tiếng nước tui, nhứt là tiếng miền Trung.

Dông dài cà kê dê ngỗng ấy là cái tật của tui và cũng rất nhiều người xứ mình. Nói như thế để quên đi thất nghiệp, quên ruộng đồng bị san lấp thành sân gôn, quên xăng dầu tăng giá, quên heo tai xanh bò long móng lở mồm, quên trẻ con bệnh chân tay miệng, quên chuyện mua bằng bán chức, quên tuổi già không có tiền mua bảo hiểm y tế, quên mình sắp ngủm cù đeo. Quên, cũng là cách để nhớ một thời quậy tá lả bùng binh, nhớ lúc nằm dảnh cẳng nói chuyện tầm phào, nhớ thủa làm Chử Đồng Tử mà không biết mắc cỡ, nhớ em qua công viên mắt em ngây tròn, nhớ ngày chủ nhật buồn nằm trên căn gác đìu hiu, nhớ gạo trắng trăng thanh, nhớ ai đi qua cầu Bông rớt xuống sông ướt cái quần nilông, nhớ chiều mưa biên giới anh đi về đâu, nhớ em ơi, chiều nay một chăm phần chăm…Nhớ một mình nó buồn quá nên phải hai mình ba mình và cả chúng mình.

Vậy thì, hãy xin lượng thứ nếu tui lỡ dại dù đầu đã hai thứ tóc, đụng chạm đến một sợi lông của một vị nào đó có máu Trương Phi muốn xách xà mâu định ăn thua đủ với tui vì đã dám cà rỡn chọc quê trên trang Web này. Giờ tui xin kiếu, hẹn tuần sau gặp lại.

(Còn tiếp)

Trương Huyền Trường

( Một ngày như mọi ngày)

Bài Một      Bài Hai      Bài Bốn

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search