T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trương Huyền Trường: TUI IU TIẾNG NƯỚC TUI (4)

(bài bốn – hết)

Tiếng nói của dân tộc nào cũng luôn luôn được làm giàu thêm và đổi mới bởi con dân của nó. Các nhà hàn lâm như của Pháp chẳng hạn đã có lần đưa hai tiếng congai aodai vào tự điển Larousse, dĩ nhiên là sau một hồi cãi nhau ầm ĩ. Ở ta thì không, chẳng có ai cấm cản cả. Một người hứng chí thêm vào, nhiều người khác thấy ngồ ngộ thì bắt chước nói theo, thế là thành những thành ngữ hay tiếng tượng thanh tượng hình rất chi là độc đáo.

Như quậy tá lả bùng binh. Chắc là có một cuộc đánh nhau ở một cái bùng binh nào đó. Kẻ nói, nguời hỏi lung tung. Mệt quá, nguời kể chuyện bảo nó quậy tá lả ngoài bùng binh ấy ra mà coi chớ hỏi gì hỏi mãi. Thế là cái cuộc thoi nhau, bịch nhau ấy ngày nào mà chẳng xảy ra, được người ta tóm gọn là quậy tá lả bùng binh. Tôi cho đó là một bản ráp bo ngắn gọn nhất, sinh động nhất, hay nhất, rất ít lời mà ai cũng hiểu.

Hay như già cúp bình thiếc, thử hỏi có hình tượng nào thảm hại hơn. Nhưng nếu cúp bình thiếc mà có nhiều đô thì vẫn có nhiều nường õng ẹo bu quanh. Mới đây, báo chí lại ầm ĩ về một nường vừa mới hơn hai mươi cái xuân xanh kết hôn với một chàng cúp bình thiếc đến chín bó. Không nói ra ai cũng hiểu là nường lấy chàng vì hai lẽ. Thứ nhất chàng là triệu phú. Thứ hai, chàng sắp trẩu. Mà cái lẽ thứ hai hấp dẫn lắm à nghen. Giàu mà lâu ngủm thì chưa chắc nường đã thèm vào.

Vậy thì già cúp bình thiếc chưa phải là đáng buồn nếu ta có nhiều đô. Chỉ buồn và sợ là hết xíu quách. Ai cũng biết xíu quách là xương đã được nấu tơ tớt ra để làm ngọt nước lèo. Chẳng ai thèm ăn, nhất là quý cô quý bà, chỉ có mấy bợm nhậu ít tiền ngồi lai rai mà thôi. Đem mấy tiếng hết xiú quách ấy mà gắn lên ngực đấng trượng phu nào đó thì thà bùm cho một phát còn sướng hơn.

Cho nên một người đờn ông thân dài bảy thước mà hết xiú quách thì dù có ngồi trên ngai vàng vẫn cứ mặt mũi ủi xìu. Cái nỗi lo hết xíu quách ấy còn hơn lo trời sập. Người ta tính rằng nước Mẽo hết ba phần tư đờn ông tuổi năm chục trở lên đã hết xíu quách, dù vẫn lái xe phom phom và đủ sức ra tranh cử tổng thống. Một nỗi đau âm thầm còn hơn là cái vụ Bin Laden tấn công. Mà quý ông buồn thì quý bà vui nỗi gì. May mắn làm sao, cái món thuốc Viagra lúc đầu nghiên cứu để đưa máu lên tim, không hiểu sao nó lại chạy xuống cái ấy, làm cho nó trở nên béo tốt mạnh mẽ khác thường. Thế là, cũng như bất ngờ khám phá ra nấm Pénicilin, người ta đã tìm ra thần dược cho cuộc đời.

Có một chị hàng phở cũng khá là gợi cảm treo một cái biển ỡm ờ như thế này:

Đã hết gân rồi còn tái giá  ( hết phở gân chỉ còn phở tái ăn với giá sống)

Một anh chàng xỏ lá bèn thêm vào: Thì đây ngầu bín cứ xào lăn!

Thưa hải ngoại chư quân tử, cái hay của tiếng nước tui ấy là những cụm từ được hiểu ngầm theo kiểu nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bà được tôn xưng là chúa thơ nôm vì những bài thơ tả cái này ra cái nọ. Như bài Cái quạt, Đánh đu… mà ai cũng thuộc.

Phành ra ba góc da còn thiếu

Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa

Thì rõ rành rành là cái quạt giấy rồi, nhưng ai cũng hiểu là cái ấy.

Mấy mươi năm trở lại đây, việc đời nhiễu nhương biến đổi khác thường. Thật giả, tốt xấu, đen trắng chẳng biết đâu mà mò. Nên mới có cụm từ nói vậy mà không phải vậy. Rồi cứ theo đó mà tán thêm: không phải vậy mà là vậy. Người Việt Nam, nhất là người miền Nam hiểu đươc, hiểu rất sâu rất xa, nhưng người Mỹ người Nhật làm sao hiểu nổi. Chỉ có mấy chữ mà bóc được tim đen nhưng không phải một sớm một chiều mà phải kinh qua những năm tháng nhọc nhằn cay đắng mới cô đúc được như thế. Nó là biến thái câu nói bất hủ của một tổng thống thua cuộc; “đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn những gì CS làm”

Vậy thì những thứ tiếng bá láp bá xàm đó đâu phải nôm na là cha mách qué mà nó nảy mầm từ cuộc sống, nhất là cuộc sống của những dân nghèo, thấp cổ bé miệng, có họng ăn mà không có họng nói. Đó là những tiếng hắt xì, những cái đánh rắm (xin lỗi) của cuộc đời, nó làm nhẹ bớt đi những khổ đau oan khuất, thay cho những lời phẩn hận thét gào.

Có một thời ngập tràn nón cối, cái nón biến thái từ thời ông Tây thuộc địa, từ màu trắng hóa ra màu cứt ngựa, màu của bên “thắng cuộc”, trong khi dân nghèo vẫn muôn đời một chiếc nón cời. Thế là có câu: “cời làm cối hưởng”. Đó là nói bóng nói gió. Còn nói toạc móng heo thì “trâu làm chó hưởng”

Cái tháng tư đen năm ấy được ghi lại bởi hai câu đối tôi cho là rất thần tình: Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý/ Đồng khởi vùng lên mất Tự Do. Từ đây tiếng Việt được Tàu cộng nhào nặn bóp méo trở thành những quái thai ngặt nghẹo. Như “quán triệt, khẩn trương” thay cho hiểu và nhanh. Đôi lúc người ta làm cho nó trở nên cồng kềnh quái đản. Các loại xe được gọi là các “phương tiện tham gia giao thông”. Thay vì nói rất nhiều loại xe cùng chạy nên kẹt xe thì người ta nói: “rất nhiều phương tiện giao thông cùng tham gia giao thông nên xảy ra tình trạng ùn tắc”.

Trong khi người ta hô hào “làm trong sáng tiếng Việt” bằng những tiếng ba rọi. Như “chiến sĩ gái”, “xưởng đẻ”…

Tiếng Việt bây giờ nồng nặc mùi CS, không còn uốn éo ngộ nghĩnh như thời vượt qua những ngọn đèo chót vót ở miền Trung để rồi nũng nịu lai láng ở Cửu Long giang, nó trở nên cứng nhắc, khô rốc, nó lụp cụp khó nghe khó nuốt. Chẳng tin, quý vị chịu khó ngồi nghe các vị “lãnh đạo” (không lãnh cảm) nói trên TV.

Chắc phải cần một cuốn “Tự vị bỏ túi” mới có thể lược ghi hết những tiếng, những chữ mà cái chế độ có một cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa dài ngoằng đã áp đặt lên cái tiếng nói “nghe như hát” của người Việt Nam.

Nhưng mà, những rong rêu rác rưởi đó tôi tin, một sớm mai sẽ được rũ sạch khi lịch sử sang trang. Người Việt tự biết cách làm mới làm đẹp tiếng của ông cha mình. Không cần ai khác.

Để kết thúc loạt bài tí tửng này, xin mời quý vị thử tìm cách đối câu đối mà kẻ hèn này nghĩ mãi không ra:

Bà Hom, bà Quẹo, bà Nà

Ba bà cùng mặc áo bà ba đen.

Xin bái biệt.

 

Trương  Huyền  Trường
Ninh Hoà, một ngày như mọi ngày.

 

Bài Một    Bài Hai    Bài Ba

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search