T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Trạm Bưu Điện – một nơi ai cũng quen nhau

clip_image002

Cái tin Bưu Điện Hoa Kỳ chuẩn bị đóng cửa hàng ngàn trạm Bưu Điện nhỏ trên tòan quốc đã khiến nhiều người lo lắng, ưu tư, rồi phẫn nộ, nhất là cư dân sống ở những vùng hoang dã, hẻo lánh, đường xá đi lại xa xôi, cách trở.

Thời buổi kinh tế suy thóai, hãng xưởng đóng cửa vì không có việc làm, thì việc Bưu Điện Hoa Kỳ có loan báo cái tin không vui trên cũng là điều dễ hiểu. Nhất là với kỹ thuật điện tử ngày nay và sự ra đời của e-mail, của hệ thống trả bill qua Internet, Bưu Điện Hoa Kỳ, ngòai ảnh hưởng chung từ nên kinh tế, còn chịu một sự suy giảm về lượng thư cốt lõi đem lại lợi tức chính cho mình là First-class mail (tức những bức thư nhỏ nhắn quen thuộc với bưu phí hiện nay là 44 xu). Năm 2006, lượng thư này đạt mức cao nhất trong lịch sử Bưu Điện là 213 tỉ bức. Đến năm 2010, chỉ còn 150 tỉ, tức là suy giảm khỏang 20%. Trong tương lai, sự suy giảm này có thể đến một mức mà không ai tiên đóan được, cũng có nghĩa là không ai biết được sự sống còn của Bưu Điện Hoa Kỳ như thế nào.

Tuy là một cơ quan trực thuộc chính phủ Liên bang, nhưng Bưu Điện Hoa Kỳ độc lập về tài chính, tự túc bằng lợi tức thu được từ những dịch vụ thư từ, chứ không nhận sự tài trợ từ ngân sách quốc gia. Trong mối tương quan về kinh tế địa lý, thì Bưu Điện Hoa Kỳ còn là sợi dây nối liền những vùng nông thôn hẻo lánh, ít cư dân sinh sống với phần còn lại của đất nước.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng mọi công dân sinh sống ở bất cứ đâu trên lãnh thổ nước Mỹ đều có quyền gởi và nhận thư từ với chi phí phải chăng, rằng Bưu điện là một cơ quan có chức năng nền tảng trong việc nối kết quốc gia thành một tổng thể và phục vụ cộng đồng một cách hữu hiệu. Do đó, cũng theo luật lệ hiện hành, cơ quan Bưu Điện Hoa Kỳ không được phép đóng cửa các trạm bưu điện nhỏ vì một lý do đơn thuần là lỗ lã. Muốn đóng các trạm bưu điện này, các viên chức Bưu Điện phải tìm những lý do khác hơn là lỗ lã, thí dụ: vấn đề an tòan cho nhân viên làm việc ở đó không được bảo đảm vì sự xuống cấp của trụ sở, hoặc đường sá không sửa chữa gây nguy hiểm cho nhân viên trong lúc đưa thư v..v..

Tất nhiên, để thực hiện chương trình chống lỗ lã của mình, các viên chức trách nhiệm phải tìm cho được những lý do luật định.

Nhưng, tại sao những cơ quan, hãng xưởng, dịch vụ khác đóng cửa, rút lui khỏi thương trường, người dân chỉ cam nhận, chứ không chống đối xuyên qua việc đệ đạt nguyện vọng của mình lên các viên chức dân cử cấp liên bang như trường hợp kế họach cắt giảm chi phí của Bưu Điện Hoa Kỳ?

Nguyên nhân thuộc về những lý do hòan tòan . . . không kinh tế chút nào hết.

clip_image004

Làm việc cho Bưu Điện nhiều năm và cũng đã có nhiều dịp đi đây đi đó, nhất là những nơi hẻo lánh, những thành phố nhỏ chỉ vài ngàn dân, với khu trung tâm thành phố chỉ có một tòa nhà thị chính, một quán fastfood và, tất nhiên, một trạm bưu điện. Ở những nơi đó, trạm bưu điện là nơi . . . ai cũng quen nhau. Thuở trước, khi chưa có máy định vị (GPS), mỗi lần được sở phái đi công tác xuống những trạm bưu điện “hẻo lánh” ấy, tôi phải lên Internet in bản chỉ dẫn đường đi. Dù vậy, nhiều khi tôi vẫn bị lạc. Trong những trường hợp như vậy, chỉ cần ghé lại bên đường, hỏi thăm bất cứ ai là tôi sẽ được chỉ tường tận những con đường dẫn đến trạm bưu điện. Người dân Mỹ ở thành phố nhỏ, có thể nói hầu như tất cả mọi người đều có dịp đến trạm bưu điện hàng ngày. Họ đến đó để gởi thư, để nhận thư nơi những hộp thư họ đặt ở trạm, hoặc đơn giản chỉ đến đó để gặp người quen. Tôi đã có lần quan sát nhân viên bán tem thư ở một trạm bưu điện đã chào những người khách ghé qua bằng tên của họ, chính xác như là họ đã biết nhau từ lâu. Mà đúng là như vậy. Trạm bưu điện ở những thành phố nhỏ chính là nơi trung tâm sinh họat của người dân nơi đó. Nay Bưu Điện Hoa Kỳ quyết định đóng cửa những nơi đó, hỏi sao mà họ không phản đối cho được. Đóng cửa trạm bưu điện, là lấy đi một phần sinh họat quen thuộc của họ hàng ngày. Nhất là với những người già, về hưu, việc lái xe đi lại những nơi xa xôi hơn thường khó khăn. Mặt khác, người già ở Mỹ, con cái thường không ở gần, để khỏa lấp sự cô đơn, thì trạm bưu điện là nơi, ngòai tiệm fastfood, họ thường đến để gặp nhau, trao đổi vài câu nhận xét về thời tiết, hoặc chỉ nói với nhau vài câu chào hỏi.

clip_image006

Đối với Bưu Điện Hoa Kỳ, chính việc bảo trì những trạm bưu điện nhỏ là nguồn chi ra mà không có thu vào, nếu có thu vào, thì chỉ rất ít, không đáng kể. Đóng cửa những trạm này là ưu tiên hàng đầu của những người trách nhiệm. Làm kinh tế, cái gì gây lỗ lã thường xuyên và biết chắc rằng tình huống ấy không có cách gì cứu vãn được, thì việc cắt bỏ nó là điều đương nhiên.

Nhưng liệu Bưu Điện Hoa Kỳ có thể làm được điều mình muốn không? Các viên chức dân cử – Thượng nghị sĩ, dân biểu – có người công khai chỉ trích gay gắt quyết định ấy của Bưu Điện. Họ cho rằng làm như vậy là giảm đi dịch vụ phục vụ người dân và đó là quyết định sai lầm của những người trách nhiệm.

Đời sống ở Mỹ quả là đa dạng và nhiều điều khó hiểu. Thí dụ như tình cảnh của Bưu Điện Hoa Kỳ hiện nay.

T.Vấn

© T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search