T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Lê Việt : Những hình bóng cũ

Hôm qua, lại nằm mơ. Cũng vẫn giấc mơ dai dẳng gần ba mươi năm nay. Nhưng bây giờ nhịp độ đã thưa bớt, năm hay sáu tháng mới xẩy ra. Vả lại, đã quen rồi, nên gọi là giấc mơ, chứ trước đây thì phải nói là ác mộng. Cứ mỗi lần như thế, khi tỉnh dậy, mồ hôi vã ra, tim đập ạmnh, tay chân vẫn còn tê rần rần. Kể cũng lạ, trong giấc mơ, suy nghĩ cũng cập nhật theo hòan cảnh. Biết là đã qua Mỹ, đang đi làm và bị gọi tập trung cải tạo nữa, rồi lo lắng tự hỏi : Mình đã hết vacation rồi, thế phải ăn nói với công ty sao đây . . . Sau đó là những giây phút đờ đẫn, nằm nhớ lại những ngày tháng khổ nhục và bạn bè đồng cảnh ngộ.

Tôi thật sự khâm phục trí nhớ các nhà văn, nhất là những người viết Hồi ký. Tôi cứ tự hỏi phải chăng họ có một phương pháp đặc biệt nào đó để ghi lại những sự kiện, những nhân vật và lời nói trong khỏang không gian thời gian nhất định. Tôi đã đọc những truyện, những hồi ký viết rất chính xác và rõ ràng về những ngày tháng tù đày cùa Duyên Anh, của Nguyễn Hữu Lễ, Bùi Ngọc Tấn, Đỗ Lệnh Dũng, Đặng Chí Bình v..v.. để thấy thấp thóang hình ảnh của mình ở trong đó, chứ riêng tôi không thể nào nhớ tường tận hoặc có thể ghi ra những gì mình đã trải qua. Có cái gì mâu thuẫn trong tôi, khi mà một mặt chuyện tù đầy vẫn thừơng xuyên ám ảnh, mặt khác, những hình ảnh của ngày tháng đó cứ như ẩn như hiện sau một màn sương mù dầy đặc. Cho nên, những gì tôi ghi lại ở đây không có sự chính xác của sự kiện, của không gian thời gian, vì thật ra tôi chỉ ghi lại vài chấm phá trong một mảng rất nhỏ của cuộc sống tù : đó là cái góc sinh họat văn nghệ trong tù và những người bạn của tôi.

Đầu tiên là tôi nhớ đến người bạn tù cùng đội Văn Nghệ trại tù Phong Quang ( Hòang Liên Sơn ) Nguyễn Văn Chúc. Tôi biết anh rất ít trước năm 1975, thỉnh thỏang gặp nhau trao đổi vài ba câu không đầu không đuôi, rồi thôi. Tôi là bạn học của Dũng, em anh. Mỗi khi đến nhà chơi, bọn tôi hay rúc vào phòng riêng của nó hoặc ra quán cà phê tàu đầu ngỏ gần cổng xe lửa ngồi cả buổi. Họa hoằn lắm mới gặp anh, chắc là về phép, tôi cũng không hỏi. Nhưng cái ấn tượng ban đầu là hình như bộ đồ rằn ri không hợp với dáng người mảnh khảnh, gương mặt đôi khi trông ngơ ngác và nhất là cặp kính cận khá dầy, tất cả tạo cho anh có vẻ như một thầy giáo hoặc một nghệ sĩ. Và tôi đã không sai khi gặp lại anh trong những ngày đầu tiên ở trại tù Long Giao. Biết bao nhiêu người cùng trại đã say mê ngón đàn classic của Nguyễn Văn Chúc với bài “ Tôi đưa em sang sông “ mà cứ mỗi lần nhìn anh đàn tôi tưởng chừng anh đã gởi hết hồn mình lên những ngón tay.Đầu cúi xuống, cặp kính cận trễ tràng trên sống mũi, anh không màng đến mấy chục người đang ngồi bao quanh. Cũng may, lúc đó chưa có những cây ăng-ten làm công việc báo cáo cán bộ “ có người chơi nhạc vàng “. Chúng tôi đã yêu cầu anh, khi có dịp, cho nghe đi nghe lại nhiều lần bài này.

Trong những ngày tháng này, nhớ nhà, bản nhạc cũ qua bàn tay của người nghệ sĩ, ít ra cũng giúp đưa chúng tôi trở về những kỷ niệm vừa mới đánh mất. nhưng phải đến khi ra miền Bắc, ở trại Phong Quang, đứng trong ban hợp ca dưới sự điều khiển của anh, tôi mới thấy hết sự tài hoa và nét nghệ sĩ của Nguyễn Văn Chúc. Anh sọan 3 bè cho những bài hợp ca, tập cho chúng tôi và điều khiển trình diễn. Tôi thấy cái cách anh giơ tay đánh nhịp, mặt hất lên, cả người nghiêng hẳn về phía ban hợp ca đứng trước mặt, quả là đầy ngẫu hứng. Chỉ tiếc là sau đó, vì ghen tài, có người trong ban văn nghệ tù đã báo cáo lên cán bộ văn hóa của Trại là bài hát này chính là của Hòang Thi Thơ mà anh Chúc đã đổi tên tác giả là Hòang Thơ để qua mắt kiểm duyệt. Khi quyết định lọai Nguyễn Văn Chúc ra khỏi ban văn nghệ về lại đội cày đi lao động, tay cán bộ văn hóa trại kết tội anh “ dám hát nhạc của thằng đao phủ “ ( ám chỉ nhạc sĩ Hòang Thi Thơ ). Cũng may, Nguyễn văn Chúc không bị đưa vào cùm. Bây giờ thì người nghệ sĩ đó đã về đất an nghỉ đời đời. Anh mất đột ngột vì bệnh tim đầu năm 2011. Tôi vẫn còn hình dung ra thói quen cố hữu của anh, hay đưa ngón tay lên đẩy gọng kính cứ trễ xuống sóng mũi và tiếng “ cậu” lịch sự của người Bắc hay dùng để xưng hô với mọi người của anh.

Cũng tại trại Long Giao tôi gặp Phạm Ngọc Phi ( Ngọc Phi ), anh chàng cao to với cặp kính cận và nụ cười luôn nở trên môi, đã cho tôi ấn tượng tốt ngay lần đầu tiên quen biết. Anh hiền lành và luôn chiều bạn, cần cù làm việc không từ nan bất cứ điều gì. Anh có giọng hát hay, khá thích hợp với những bản nhạc buồn và chậm, có điều giọng hát đó không tương xứng với cơ thể anh, người nghe phải “ lên giây cót “ nhiều lần nhưng âm lượng không to lên được, nó cứ như những lời thì thầm tâm sự. Lúc đó tôi chưa biết mình có bạn là một nhà thơ, cho đến khi cả hai luân lạc ra Bắc, cùng qua những trại tù. Một đêm giáp tết, anh đọc cho tôi nghe bài thơ mà mới chỉ nghe bốn câu đầu tiên, tôi biết rằng trong cái vẻ ngòai hiền lành nho nhã của bạn tôi, là một trái tim rực lửa, một ý chí kiên cường :

Pháo nổ nghẹn dưới chân bầy ác quỷ

Đêm Giao Thừa tráng sĩ mắt rưng rưng

Gươm giáo một thời đành bỏ sau lưng

Trong ngục lạnh lửa căm hờn âm ỉ

Và từ đó, tôi may mắn được anh chia sẻ những bài thơ mới, những ý thơ còn nằm trong ý tưởng, kể cả được đóng góp ý kiến phê bình thơ anh. Ngoài những vần thơ bóng bẩy cả lời lẫn ý, tôi đặc biệt thích những câu thơ giản dị như nói :

Một lũ côn trùng hèn mọn tanh hôi

Làm sao biết được hương thơm trời đất . . .

Mùa đông đất Bắc lạnh, lại còn thêm những cơn mưa phùn, thứ mưa mà mắt nhìn không thấy nhưng vẫn làm ướt cả mấy lần áo mỗi khi đi lao đồng về. Tôi còn nhớ một mùa đông, trại được nhận thư nhà. Trong số những người may mắn ấy, có Ngọc Phi. Thế là hôm sau, lúc đứng cuốc đất cạnh nhau, Phi đã đọc khe khẽ :

Nhận thư em những ngày giáp tết

Trời bỗng dưng mưa rất ngậm ngùi

Tôi nghe mà buồn cười trong bụng về hai chữ “ bỗng dưng “ anh dùng. Ngày nào mà chẳng mưa, có chăng là bỗng dưng sau khi nhận thư thì anh mới thấy mưa hôm nay trở nên rất ngậm ngùi. Mãi một thời gian sau, Phi cho biết là Bạch Yến, vợ anh, đã bỏ dạy học, chiều chiều cùng với các bạn leo những chuyến xe đò ngược xuôi buốn bán, để nuôi mẹ chồng và bốn đứa con nhỏ :

Cô giáo nhỏ cũng buôn thêm hàng chuyến

Những chuyến hàng đêm đêm

Có đêm ngồi bật khóc . . .

Anh là người chung thủy, yêu vợ hết lòng. Đến bây giờ, cháu nội ngọai đầy nhà, thỉnh thỏang lại thấy thơ anh đề tặng Bạch Yến. Có lần anh nói với tôi “ Yến sợ tôi đi trước “, chắc tại vậy mà trong bài thơ mới nhất của anh có hai câu :

Đêm nằm ước một cơn mơ

Em theo ta đến bãi bờ an vui

Thời gian này, tôi có phổ nhạc vài bài thơ của anh. Đến khi sang Mỹ, biết tin tức nhau, Phi có gởi cho tôi một số bài thơ và chúng tôi lại tiếp tục làm việc chung. Phải nói anh là người dễ tính và chiều bạn. Khi tôi ngỏ ý muốn phổ nhạc bài nào, anh giao tòan quyền cho tôi muốn sửa đổi bất cứ câu chữ nào, hoặc thêm bớt mà không cần hỏi ý kiến anh.Có một kỷ niệm, sau khi ra khỏi trại Z30 ở Xuân lộc, anh viết bài thơ “ Tháng Sáu tôi về “, khi phổ nhạc, tôi đổi tựa là “ Ngày tôi về “, có câu :

Tháng Sáu tôi về, hàng so đũa đưa chân

Cổng trại giam không có linh hồn

Nhưng khi tôi nhờ nhạc sĩ hòa âm và ca sĩ ở Sài Gòn hát, họ yêu cầu tôi phải sửa câu có mấy chữ “ cổng trại giam “ thì họ mới dám tiếp tục. Cuối cùng, câu đó biến thành :

Một mình tôi lê bước âm thầm

Người nghe bài nhạc này cũng có thể hiểu đây là tâm sự của một người xa nhà lâu ngày trở về gặp lại mẹ và vợ con ở một thành phố nào đó, chứ xã hội ta như thế này, làm sao lại có trại giam.

Sau mấy năm từ Nam ra Bắc dưới sự quản lý của quân đội, chúng tôi được “ bàn giao “ qua cho Công an, những tay coi tù chuyên nghiệp. Tôi về trại Phong Quang ở Lào Cai, biên chế về đội Văn Nghệ, đội trưởng là Nguyễn Tường Thược. Tiếng là đội văn nghệ nhưng công việc chính của chúng tôi vẫn là làm công việc ruộng rẫy. Chỉ khi nào gần tết hoặc khi trại có nhu cầu thì chúng tôi mới được miễn lao động để tập dượt trình diễn mà thôi. Một hôm, đội tôi làm công việc “ thu họach sắn “. Quản giáo là một viên trung sĩ có vẻ dễ chịu, cho cả đội “ cải thiện “ một nồi sắn luộc. Đến lúc sắn chín, có mùi thơm, chúng tôi định lấy ra vài củ đưa trước cho hai tay vệ binh vẫn đứng canh gác đâu đó, thì không thấy họ đâu nữa. Họ đã biến mất khi nhìn thấy từ xa viên trung úy phụ trách kế họach của trại đang đi tới. Có lẽ tất cả sự giận dữ không có lối thóat đã dồn vào đôi chân của y, nồi sắn luộc bị đạp đổ tung tóe. Miếng cơm vừa đưa lên miệng chúng tôi đã bị hất đi kèm theo một màn lên lớp. Tôi còn nhớ mãi câu “ Các anh đã bán nước mà còn ăn cắp “.

Tan buổi lao động, về đến phòng, trong khi mọi người bận rộn chia chác phần cơm chiều, tôi thấy anh Thược nằm úp mặt khóc nức nở, những giọt nước mắt uất hận và tủi nhục của anh đã xóa tan mọi e dè của chúng tôi với anh trước đây. Bây giờ, đôi khi nhớ lại câu nói đó, chắc hẳn anh Thược không khóc nữa mà cười lên ha hả “ Đúng quá ! Đúng quá ! “ phải không anh ?

Đội Văn Nghệ chúng tôi có tới 7 họa sĩ, những họa sĩ ra trường Mỹ thuật với bằng cấp hẳn hoi, nhưng chỉ có hai người tham gia trình diễn. Người thứ nhất và cũng là người cao tuổi nhất Trương Hữu Trường. Nghe nói anh có một thời lẫy lừng trong giới giang hồ Sài Gòn với cái tên Sơn Đen. Nhưng Sơn Đen bây giờ là một kịch sĩ. Anh vào vai một ông già nhà quê, và chỉ cần động tác té từ ghế xuống đất một cái là đủ “ lấy tiền “ khán giả rồi. Người thứ hai là Trần Hưng Nguyên, một nghệ sĩ đa tài. Anh hát, đàn cả tân lẫn cổ nhạc, các lọai đàn tranh, cò,sáo. Anh còn ký âm bài Vọng cổ theo tân nhạc để chúng tôi có thể đàn vọng cổ bằng cây đàn guitar tân nhạc, không cần đến đàn móc phím lõm. Khi ra tù, Nguyên mở tiệm sửa radio, TV, đồng hồ, xe gắn máy , v.v.. đề sinh sống. Anh qua Mỹ theo diện HO, ở tiểu bang Oregon. Nay anh đã về hưu. Trong những buổi sinh họat cộng đồng, người ta thường gặp anh với cây guitar trên sân khấu, đôi khi anh còn trình diễn cả những màn ảo thuật. Nhưng tay đàn guitar “ hết ý “ nhất của đội văn nghệ phải kể Đào Đức Hùng. Xuất thân là tay đàn nhạc trẻ, nhưng anh không biết nhiều về nhạc lý, chỉ nghe rồi bắt chước đàn lại. Anh còn là giọng ca điêu luyện của đội. Đó là một trong những giọng hát hay nhất mà tôi đã được nghe trong suốt 9 năm tù của mình.

Vào một dịp tết, sáng mùng Một, đội chúng tôi được lệnh tập họp ngòai sân để nghe quản giáo chúc tết. Sau đó, họ yêu cầu chúng tôi hát một bài chào xuân. Giữa khỏang thinh không vắng lạnh của buổi sáng mùa đông,từ tiếng ca của 42 người tù, hai chữ Sài Gòn dội vào lòng từng người chúng tôi. Bài hát “ mùa xuân trên thành phố HCM “, có những câu : Sài gòn ơi cả nước vẫy chào . . . ôi 30 năm nay mới gặp nhau/ vui sao nước mắt lại trào “ . Đó là một kỷ niệm mượn bài hát địch để diễn tả nỗi lòng của chính mình. Thế nên, khi dứt bài hát, nhìn nhau, mấy chục gương mặt đàn ông nhòe nhọet.

Ở Phong Quang chưa tới một năm, thì trước triển vọng cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với bọn Tàu chắc chắn sẽ xẩy ra, trại tù Phong Quang ( gồm cả tù sự lẫn chính trị ) được lệnh di chuyển. Chúng tôi bị đưa sâu vào trong, đa số về trại Vĩnh Quang, vùng Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú. Đội Văn Nghệ Phong Quang bị phân tán đi các đội lao động. Tôi về một đội nông nghiệp, công việc chính là nhổ mạ, cấy lúa, đập lúa, phát quang rừng trồng sắn v.v.. Một thời gian sau, gần đến tết, trại cho lập đội văn nghệ. Đa số anh em thuộc đội văn nghệ Phong Quang được tập họp trở lại, cộng thêm với một số mới khác. Lần này, Trương văn Vấn làm đội trưởng. Đây mới đích đáng là đội trưởng văn nghệ. Trên hết, anh là một người tổ chức giỏi. Anh lại còn hát hay, đóng kịch không xòang, giới thiệu chương trình hấp dẫn và đặc biệt, anh còn viết một vở kịch cải lương ngắn với đầy đủ bài bản Vọng cổ và các điệu ca ngắn khác. Sở dĩ tôi nói đặc biệt vì Vấn là người Bắc và chưa bao giờ hát một câu vọng cổ nào. Theo tôi, có lẽ cái tuổi thơ cực khổ của Vấn, ngày ngày theo cha đẩy xe phở đi bán, bưng phở cho khách , len lỏi vào những xóm nghèo Sài Gòn, nên những tuồng Cải lương, những bài bản Vọng cổ nghe riết thấm vào máu lúc nào không hay, lại còn được sự chỉ dẫn của “ Cải lương chi bảo “ Nguyễn Thanh Giàu, giọng ca vọng cổ số một của trại, nên kết quả đó không gây ngạc nhiên nhiều lắm.Vấn và tôi hầu như đã ở chung đội với nhau trong gần suốt 9 năm tù trải dài từ Nam ra Bắc. Sau nay, khi chúng tôi được chuyển từ Vĩnh Phú vào nam, trên chuyến xe lửa chuyển tù, chúng tôi lại cùng chung nhau cái còng số 8, tay phải của Vấn còng với tay trái của tôi. Điều đó cũng không ngăn được tôi cầm Guitar cùng hát vang với Vấn bài “ Chuyến tàu hòang hôn “ của Trúc Phương. Câu cuối cùng của bài hát, chúng tôi đã thay hai chữ “ vào Nam “ thế cho “ hòang hôn “. Bài nhạc này, lúc ấy, chúng tôi đặt tên là “ chuyến tàu vào Nam ‘.

Vấn là người đào hoa, kể cả khi ở trong tù. Một hôm, anh cho tôi xem lá thư mới nhận được của một người quen, một cô gái trẻ đẹp, Vấn nói với tôi như vậy. Trong thư cô gái nói là lúc này rất cô đơn và nghĩ đến Vấn nhiều ( thời gian đó chúng tôi mới đi được hơn nửa đọan đường tù ). Bây giờ có ai hỏi về người con gái đó thì Vấn giới thiệu một người phụ nữ và nói : Đây là bà cụ thân sinh ra hai đứa con gái tôi.

Đội Văn Nghệ tù Vĩnh Quang của chúng tôi có nhiều người rất tài giỏi. Anh Tô Công Biên là một thí dụ. Lúc còn trẻ, anh là ca sĩ của ban kịch Dân Nam. Với căn bản nhạc lý vững, nhìn bản nhạc anh có thể hát ngay được. Anh biết chơi Vĩ cầm một cách điêu luyện. Chưa hết, anh còn được anh em xem như cuốn tự điển Anh Pháp Việt sống của trại. Rất nhiều người đã tìm đến anh thụ giáo môn sinh ngữ Anh và Pháp.

Một anh bạn khác mới được tuyển về đội văn nghệ, cũng khá giống với Đào Đức Hùng nói đến ở trên, nghĩa là tuy không biết nhiều về nhạc lý, nhưng đàn “ như máy “ . Tên anh là Phạm Trung Cang. Vì tướng tá nhỏ con, anh tự đóng riêng cho mình một cây đàn guitar nhỏ như đàn của mấy trẻ em. Anh có lối trình diễn lôi cuốn, nhìn anh vừa đàn vừa hát ai cũng thấy khích động. Anh còn tập hát vọng cổ với sự chỉ dẫn của danh ca cổ nhạc Thanh Giàu, đếm nhịp bằng ngón tay, nhưng nếu ai giữ tay anh lại thì anh không thể hát được. Hiện nay anh cư ngụ ở Atlanta, tiểu bang Georgia. Cùng với mấy người con cũng nghệ sĩ không thua bố, Phạm Trung Cang thành lập ban nhạc gia đình đi phục vụ cộng đồng Việt Nam trong khu vực.

Nhưng phải nói mỗi lần ban Văn Nghệ tù trình diễn – nhất là cho cán bộ quản giáo, vệ binh và gia đình của họ , hay tù hình sự – hai “ cây đinh ‘ nổi bất nhất phải là tay trống Lưu Hữu Tính và “em “ Hồ Minh Triết . “ Em” Triết có gương mặt đẹp, lại nhờ tài hóa trang của họa sĩ Trương Hữu Trường, trông “ em “ đẹp rực rỡ và lẳng lơ chết người. Trên sân khấu, ‘em” vừa nhảy Chachacha, vừa hát “ Guantanamera “, nhiều chàng xem xong tối về nằm mơ thật khổ sở. Ra khỏi nhà tù, “em” Triết mưu sinh bằng nghề dạy Anh ngữ tại gia và . . .lấy vợ, đẻ con. Riêng Lưu Hữu Tính, ngòai đời vốn là tay kèn Saxo và chơi trống cho ban nhạc. Tôi không biết rõ miền Bắc có những ban nhạc với đầy đủ đàn trống như miền Nam chúng tôi không, nhưng mỗi khi Tính chơi solo trống, nhìn gương mặt của cán bộ, vệ binh, các tù hình sự, tôi ngờ rằng đây là lần đầu tiên họ được thưởng thức một tiết mục văn nghệ như vậy. Hay nói cách khác, Lưu Hữu Tính đã mở ra cho họ biết thêm một nét đặc sắc của nhạc trẻ miền Nam. Tính là người vui tánh, hay đùa giỡn chọc phá mọi người. “ Nạn nhân “ của anh có khi là một ông già đàn cổ nhạc cục mịch, một anh Bắc kỳ đỏm dáng hay làm điệu, hoặc bất cứ một ai đó chẳng may lọt vào “ tầm ngắm “ của anh khi gặp hứng. Nhưng với tôi , Lưu Hữu Tính có một kỷ niệm chảy nước mắt : Một buổi tối sau giờ họp đội, tôi đang ngồi nghĩ ngợi vu vơ thì Tính đi tới, tay cầm một cái chén nhỏ đưa cho tôi và nói khẽ “ ê, coi chừng ! “ . Tôi nghĩ thầm, thì ra, hôm qua Tính có thăm nuôi, chắc cho tôi cái gì để ăn đây. Nhưng khi tôi đưa mắt nhìn vào chén thì không thấy cái gì để ăn mà là để . . . uống. Tôi đưa lưỡi vào trong lòng chén, phải nói rõ là chỉ đưa lưỡi vào chứ không dám uống, chầm chậm để cho rượu ướt tê đầu lưỡi cùng lúc với hương thơm xộc thẳng vào mũi, và rồi như một phản xạ tự nhiên của cơ thể, tôi có cảm giác mắt mình ươn ướt. Cái hương vị quen thuộc đã mất đi hơn 4 năm nay, bỗng nhiên được gặp lại. Hạnh phúc quả đơn sơ, không to tát như mình tưởng.

Về cổ nhạc, kỳ này đội chúng tôi có phần “ hùng hậu “ hơn dạo còn ở Phong Quang. Nổi bật nhất là giọng ca Nguyễn Thanh Giàu, được Lưu Hữu Tính đặt cho biệt danh là “ cải lương chi bảo “. Thêm giọng ca không kém phần truyền cảm là Lê văn Long, được phụ họa bởi cây guitar vọng cổ Hùynh Văn Đào và cây đờn cò của ông gìa Lý Kim. Cả hai anh Giàu và Long đều nắm rất vững bài bản cổ nhạc và chỉ dẫn cho người khác hết sức tận tình. Riêng tôi, lại thích giọng ca Lê Văn Long, không phải vì anh hát hay hơn Thanh Giàu, mà vì “ phong cách “ của anh khi hát. Có buổi tối, anh đứng bên song sắt của cửa sổ phòng giam, dõi mắt nhìn mông lung ra bên ngòai rồi tự nhiên cất giọng hát một bài vọng cổ, nghe buồn não nuột. Những lúc ấy, tôi thấy nghe vọng cổ thấm hơn tân nhạc.

Ở tù thì ai cũng có tâm sự buồn, nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ vợ, nhớ con, nhớ người tình. Nhưng chuyện buồn như câu chuyện nhỏ sau đây thì cũng không phải là hiếm. Có anh trong đội tôi được vợ từ trong Nam ra thăm nuôi. Hết buổi thăm, về đến phòng giam, anh bỏ phịch túi quà cáp xuống, rồi nằm vật ra khóc tức tưởi. Sau này nghe kể lại, vợ anh dẫn người chồng mới ra để giới thiệu và cũng để gặp nhau lần cuối. Nỗi đau cộng thêm nỗi nhục, nhưng vì quá đói nên anh không có đủ can đảm từ chối mớ quà người đàn bà phụ bạc đem cho. Không biết trong trường hợp này, người vợ đã hết tình nhưng còn chút nghĩa vợ chồng hay là đã hết nghĩa, chỉ còn chút tình vợ chồng.

Cũng thời gian ở đội văn nghệ Vĩnh Quang, tôi bắt đầu viết nhạc, thực hiện ước mơ từ lâu lắm của mình. Thôi thúc từ nỗi nhớ Sài Gòn, cộng thêm những cảm giác ấm ức khi nghe bài “ Thành phố hoa phượng đỏ “, tôi nghĩ không lẽ chỉ có kẻ thắng mới được quyền ca ngợi thành phố quê hương của họ, thế là những dòng nhạc đầu tiên của bài “ Thành phố lá me xanh “ ra đời. Tôi cố ý chọn tựa bài cũng 5 chữ và có ý nghĩa đối chọi : Hoa phượng đỏ /Lá me xanh , như một sự đối kháng . . . tiêu cực của mình. Tôi chọn hình ảnh từ dinh Độc Lập đến nhà thờ Đức Bà, quãng đường mà tôi nghĩ chắc không có người dân Sài Gòn nào chưa một lần đi ngang qua để làm câu kết bài :

“ . . . được bước giữa phố thênh thang / thảnh thót tiếng hát giáo đường/ dù phải thở hơi cuối cùng .” ( Thành phố lá me xanh ).

Hứng khởi và nỗi nhớ Sài Gòn vẫn còn quay quắt, tôi được đà viết thêm một bài nhạc nữa về Sài Gòn với tựa là Chiếc Bóng, có câu kết gói trọn vẹn tâm tư :

“. . . Dù cho những đớn đau riêng mình / dù cho mất mát hay hy sinh / Xin như chiếc bóng thầm bước theo chân Sài Gòn suốt đời . “ ( Chiếc Bóng ).

Thời gian này trại hay phát động nhiều chiến dịch lao động vào ngày chủ nhật mà họ gọi là “ Chủ nhật lao động xã hội chủ nghĩa “. Chúng tôi phải làm việc liên tục suốt tuần, ít có ngày nghỉ. Tôi viết bài “ Không có ngày chủ nhật “ mở đầu với mấy câu :

“ Ở đây sau những ngày thứ Bảy / là một ngày không mang tên gọi / thung lũng buồn nằm xơ xác nắng / núi đồi kia trơ đá âm thầm . . . “.

Sau này, tôi được biết, hình thức lao động cả ngày chủ nhật không chỉ xẩy ra ở tại Vĩnh Quang, mà các trại khác cũng vậy. Người bạn tù Trần Ngọc Phong, tác giả nhiều bài tù khúc nổi tiếng, lúc ấy ở trại Nam Hà cũng có bài “ Chúa Nhật của người tù “ có những câu : Chúa nhật mùa xuân thay trâu kéo cày / Chúa nhật mùa hạ vào rừng lấy mây / Chúa nhật mùa thu lên núi kéo gỗ / Chúa nhật mùa đông lên cơn rét rừng / . . .

Tin tức bên ngòai lọt vào trại qua ngõ thăm nuôi cũng tạo nhiều hứng khởi cho tù khúc, gây xôn xao dư luận . . . tù. Có người phấn chấn khi được tin vợ con đã đến được bến bờ tự do, nhưng cũng có nhiều anh tuyệt vọng với những thảm cảnh xẩy ra cho người thân. Song song với những tin vượt biên, vượt biển, còn có những tin đồn về những đòan quân kháng chiến đang họat động đâu đó trong rừng sâu. Biển và Rừng, nhân chứng trung thực nhất cho một giai đọan lịch sử đau thương, đã gợi cho tôi viết bài “ Chuyện Biển Rừng “ ;

“ Biển kể rằng, có những đòan người đi đêm nay / Biển kể rằng, có những mẹ gìa với em thơ / Biển kể rằng , trên con đường tìm đến tương lai, là đem mạng sống treo giữa ngàn nhọc nhằn gian nguy . . . “ /

“ Rừng kể rằng, có những đòan người trên non cao / Rừng kể rằng, có những đòan người đang xông pha / Rừng kể rằng, có những người ngã xuống hôm qua , để cho cuộc sống đang vươn mình nẩy mầm xanh tươi . . . “

Có một kỷ niệm khó quên của đội văn nghệ chúng tôi, là khi đi lao động “ thông tầm “ ở bến phà Trang cách trại vài cây số. Không biết vì muốn khoe với dân địa phương hay làm công tác “ dân vận “, một hôm quản giáo bảo chúng tôi mang theo đàn, tất nhiên vẫn không thể thiếu dụng cụ cuốc xẻng. Sau khi lao động được một khỏang thời gian, quản giáo bảo chúng tôi trình diễn văn nghệ. Thế là một màn “ văn nghệ dã chiến “ xẩy ra. Trên một khỏang sân đất ngòai trời, những nghệ sĩ tù nhân khổ sai biểu diễn tài năng đàn hát. Khán giả là những em bé năm sáu tuổi đến những cụ già sáu bẩy chục tuổi, thanh niên nam nữ đủ cả. Họ đứng thành một vòng tròn bao quanh chúng tôi và rất nhiệt tình vỗ tay tán thưởng. Có người đem mía đến biếu ban văn nghệ như quà thưởng. Ánh mắt họ nhìn chúng tôi đầy những thương cảm. Chúng tôi cảm nhận được ngay sự thay đổi to lớn trong thái độ của người dân đối với tù miền Nam cải tạo. Từ những ngày đầu, một đứa bé cũng có thể nhìn thằng tù khinh bỉ, miệng loe lóet “ đ. . . mẹ thằng Ngụy “. Dần dà, họ đã hiểu ra. Ngày chúng tôi được chuyển trại vào Nam, người dân bến phà Trang ra đứng suốt đọan đường từ trại đến bến phà, chỉ để được vẫy tay chào tạm biệt . Có những cụ già đã đưa tay lau nước mắt.

Người có kỷ niệm đặc biệt nhất là Trương Văn Vấn. Trong đám khán gỉa , có một thôn nữ nhan sắc đậm đà để ý đến anh. Hai người đã có gặp riêng nhau tâm tình. Cô gái tên là Quế. Sau buổi lao động, về lại trại, Vấn ngơ ngẩn như người mất hồn. Tôi nghĩ, nếu lúc ấy Vấn được thả tự do, chắc chắn anh sẽ ở lại miền Bắc làm anh trai thôn ở bến phà Trang.

Chẳng những tình cảm của người dân đối với chúng tôi đã thay đổi, ngay cả cán bộ và vệ binh cũng có cách cư xử bớt hà khắc hơn trước, nhất là mấy anh vệ binh trẻ tuổi. Trong những đêm canh gác, có người đến đứng ngòai cửa sổ phòng giam, nghe chúng tôi hát nhạc vàng, ăn một viên kẹo hay hút một điếu thuốc ngọai chúng tôi cho, những thứ mà lần đầu tiên họ được thưởng thức.

Mỗi năm, tù nhân được “ ăn tươi “ 3 lần , tức bữa cơm có thịt vào các ngày Tết, 2 tháng 9 và 1 tháng 5. Riêng đội văn nghệ, có năm được 4 lần, đó là khi đi “ lưu diễn “. Chúng tôi gồng gánh phông màn, nhạc cụ, đạo cụ v..v.. đi bộ vài cây số đến một trại khác giam giữ anh em ta hoặc tù hình sự. Khi diễn xong đã khuya, thu xếp dọn dẹp các thứ rồi lại gồng gánh trở về. Hai chữ gồng gánh phải hiểu hòan tòan theo nghĩa đen, nhưng lần về vác nặng hơn lúc đi vì mọi người có thêm vài trăm gram thịt và cà mèn cơm thật to. Đó là phần bồi dưỡng đặc biệt cho đội văn nghệ của nơi chúng tôi vừa đến.

Tiếp xúc với tù hình sự trong những lần lưu diễn, chúng tôi mới hiểu rõ hơn ý nghĩa của “ tập trung cải tạo ‘. Đây là lọai tù không án, được tính bằng “ lệnh “, mỗi “ lệnh “ 3 năm, cho nên người tù “ tập trung cải ạto “ chỉ hy vọng được tha vào những năm thứ 3, thứ 6, thứ 9 hoặc 12 v.v… Ở Vĩnh Quang đến năm thứ 6, trại chúng tôi có một đợt tha lớn. Đội Văn Nghệ cũng có một số được đọc tên về. Đến mùa văn nghệ, trại đã phải tăng cường thêm những người có khả năng văn nghệ từ trong trại Vĩnh Quang B ( chúng tôi ở trại Vĩnh Quang A ) . Trong nhóm tăng cường này, nổi bật là Vũ Cao Hiến. Cũng như Đào Đức Hùng tôi nhắc đến ở trên, Hiến là một giọng ca hay nhất tôi gặp trong tù, không điêu luyện như Hùng nhưng lại nhẹ nhàng đơn sơ dễ đến với người nghe. Anh cũng là tác giả của nhiều bài tù khúc được anh em ưa thích, lại được chuyển đến bằng giọng ca truyền cảm của chính tác gỉa, nên tác động của những bài nhạc ấy của Hiến rất lớn. Cuộc đời của Hiến kết thúc một cách buồn thảm. Sau khi ra tù một thời gian ngắn, anh vượt biên và bỏ xác trên đường, để lại bao thương cảm cho bạn bè. Anh kết hôn trước khi vào tù, cuộc sống vợ chồng anh chỉ tính bằng ngày.

Cũng từ trại Vĩnh Quang B ra tăng cường cho đội văn nghệ Vĩnh Quang A, có hai anh tên Nguyễn Minh Trực và Lương Văn Việt. Phải nói là sau hơn 6 năm trong tù, mọi người đã mòn mỏi tuyệt vọng, nên sự có mặt của hai anh “ vui tính “ này đã mang lại cho anh em chúng tôi những giờ phút vui tươi, nhất là Nguyễn Minh Trực. Bất cứ lúc nào anh cũng có thể nghĩ ra những chuyện tiếu lâm hoặc những trò vui cho anh em. Thí dụ, trong một lần cả đội tắm suối sau khi lao động về, mấy chục ông Adam đang bì bõm dưới nước thì nghe tiếng Trực “ Ê, coi nè ! “. Chúng tôi nhìn lên, Trực đang đứng trên một tảng đá, dĩ nhiên là trần trụi, hai đùi khép lại để che “ thằng con trai “, hai tay anh đưa ngang làm dáng chụp hình và nói to lên “ Miss January “, xong anh xoay người, tạo một dáng khác rồi cũng la to “ bây giờ là Miss February “, rồi mặc cho mọi người rũ ra cuời, anh nhẩy xuống suối tắm tiếp. Trực còn thuộc lòng cả trăm bài nhạc vàng, nhất là những bài điệu Bolero. Anh có thể hát liên tục hàng giờ lkhông nghỉ và người đệm nhạc cũng không cần phải thay đổi âm giai,vì anh chọn những bài có cùng âm giai chính để hát. Nhưng, rất tiếc, anh Trực cũng như anh Việt, diễn “ cương “ thì rất hay, nhưng khi vào bài bản của sân khấu thì lại hơi ngượng ngập, thiếu cái duyên cười mà bình thường các anh phô diễn thật tự nhiên.

Lúc này, sau đợt về đông đảo sau 6 năm, những người còn lại nặng trĩu thêm nỗi buồn vì không biết bao giờ mới tới lượt mình. Tuy nhiên, tình hình ấy cũng có mặt tích cực của nó. Những anh em nào có ảo tưởng : “ học tập tiến bộ sẽ về sớm “ đã suy nghĩ lại, những cây ăng-ten cụp vòi thất vọng, tình cảm bạn tù gắn bó với nhau hơn, tin cậy nhau hơn, nên sư liên lạc qua lại giữa các đội khác nhau chặt chẽ hơn. Sau cơn sốt vì chiến dịch “ không có ngày chủ nhật “, từ từ anh em chúng tôi cũng có ngày cuối tuần, dịp anh em ngồi lại trà nước, chuyện vãn hay đàn hát. Những nhóm nhỏ các “ ca sĩ, nhạc sĩ “ tự phát hình thành, đi qua những đội khác giúp vui anh em bằng những bài nhạc vàng xen lẫn tù khúc. Lần đầu tiên, tù khúc vượt ranh giới “ đội “ để đến với anh em tòan trại. Những gịong ca Vũ Cao Hiến, Trương văn Vấn, Trần Hưng Nguyên, Cao Đắc Lân, Vũ Xu Đình, Nguyễn Duy Côn v.v.. có thêm nhiều khán gỉa.

Đến khỏang năm thứ 7, số đông anh em chúng tôi được chuyển vào Nam. Nhớ lại bẩy năm trước, khi ra Bắc bằng tàu thủy, đến cảng Hạ Lý, hải Phòng , bị dồn lên những toa xe lửa chở trâu bò hôi thối và được dân chúng hai bên đường đón tiếp bằng gạch đá, mắng chửi, lần này về Nam tuy vẫn hai người bị còng chung chiếc còng số 8 nhưng được ngồi trên ghế hành khách đàng hòang, được đối xử không tệ lắm. Vui nhất là khi tàu dừng lại ở các nhà ga, dân chúng biết trên xe lửa là các sĩ quan “ Ngụy “ cải tạo được chuyển từ Bắc vào Nam, nên đã ném vào chúng tôi những trái chuối, bánh tét, hay bất cứ thức ăn gì họ có được. Những lúc ấy, cán bộ bắt chúng tôi phải đóng hết các cửa sổ lại, nhưng chúng tôi vẫn hé mở dù chỉ để nghe giọng nói miền Nam, hít thở không khí miền Nam và cảm như gío đang chuyển mùa.

Từ Vĩnh Quang , Vĩnh Phú, chúng tôi được đưa đến trại Xuân Lộc Z30. Trại này có 3 phân trại : A, B và C. Đa số nhóm Vĩnh Quang ở hai phân trại A và C. Riêng tôi, bị chuyển qua B. Tuy buồn, nhưng lại may. Ở trại B, tôi quen được một số bạn tù mới cũng từ miền Bắc, các trại Thanh Phong, Nam Hà vừa được chuyển về mấy tuần trước. Những anh em viết tù khúc từ những trại ngòai Bắc, bây giờ có cơ hội tụ tập lại với nhau thành nhóm, cuối tuần rủ nhau đi “ lưu diễn” ở các phòng trong trại. Đời sống miền Nam dễ chịu, cuối tuần cán bộ vệ binh ra ăn chơi ngoài chợ gần đó, ít khi vào trại, mà nếu có, anh em sẽ báo động. Hơn nữa, họ nghĩ, cùng lắm anh em chúng tôi tụ tập cũng chỉ để hát nhạc vàng. Lúc này, mấy tiệm cà phê ngòai chợ vẫn phát nhạc vàng hàng ngày cho khách nghe.

Trong số những người bạn tù mới quen nơi đây, tôi để ý nhất Trần Ngọc Phong, tác giả nhiều bài tù khúc có tiết tấu lạ, giọng ca của anh cũng đặc biệt, mang nặng âm hưởng Jazz. Lời những bài tù khúc của Phong cũng khá độc đáo . Chẳng hạn như bài “ Ai yêu ta ? “ có những đọan :

“ Giê Su đã nói yêu ta / Marx cũng nói yêu ta/ Và em cũng nói yêu ta / Nhưng ai yêu ta ?

Chúa hứa một thiên đường / Marx hứa một vườn hồng / Thiên đường chưa tới / Vườn hồng đỏ chói máu và đầy gai /

Cho đời tăm tối, cho tình gian dối, cho em quên cả đường về . . . “

Hiện giờ, sống yên ấm với gia đình ở miền Bắc Cali, chắc Phong đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi ngày nào “ Ai yêu ta ? “.

Trần Ngọc Phong, cùng với những tác giả tù khúc khác, lập thành “ Nhóm tù ca Xuân Lộc “. Trong nhóm có hai người làm thơ : Lê Trần và Phạm Kim Khôi. Những người khác viết nhạc hoặc phổ thơ của hai nhà thơ trong nhóm . Từ nhóm Tù ca này, nhiều bài nhạc lần lượt ra đời, được nhiều anh em cùng trại ưa thích. Những bài nổi bật có thể kể : “ Quê hương ba vòng tù ngục “, Trọng Minh phổ thơ Lê Trần ; “ Tháng Tư đen “, Trần Lê Việt phổ thơ cũng của Lê Trần; bài “ Nhớ Cố hương “ , thơ Lê Trần, Phạm thiên Tứ phổ nhạc. Anh Lê Trần còn có khả năng dựa vào cảm xúc người viết nhạc để sọan lời. Đó là trường hợp bài “ Chiến Mã Ca “, tôi viết nhạc xong, đưa Lê Trần sọan lời.

Riêng với Phạm Kim Khôi, tôi không có dịp cùng anh hợp tác. Chỉ mãi đến khi định cư tại Mỹ, chúng tôi mới có cơ hội giao duyên văn nghệ. Bài “ Xuân tha hương “ của tôi được phổ từ một bài thơ cùng tên của Phạm Kim Khôi.

Phạm Kim Khôi xuất thân Võ bị Đà lạt, đã chọn binh nghiệp làm lẽ sống, nhưng tâm hồn thơ lúc nào cũng lai láng. Bài “ Lữ Khách “, thơ Phạm Kim Khôi, Phạm Thiên Tứ phổ nhạc là một tác phẩm rất được nhiều người ưa thích, vì nhạc và lời quyện vào nhau rất nhuần nhuyễn.

Nhưng bài hát “ Hai hàng cây so đũa “, thơ của Nguyên Huy, do Trọng Minh phổ nhạc là bài hát “ hot” nhất trong những bài tù khúc lúc ấy, kể cả sau này ngòai đời nhiều người đã nhắc đến với sự trân trọng. Bài hát, ngoài phần nhạc và lời hay đã đành, nội dung của nó đánh động vào trái tim của mọi người, nhất là những người có cùng hòan cảnh vợ con trước khi liều mình vượt biên tìm đường sống đã đến trại tù thăm chồng, thăm cha lần cuối cùng. Đó cũng là hòan cảnh của chính người viết lời bài nhạc, anh Nguyên Huy. Vợ con anh trước khi vượt biên, đến thăm anh nói lời từ biệt. Anh đọc bài thơ cảm xúc rất thật của mình cho bạn tù nghe, trong đó có anh Trọng Minh, người cùng hòan cảnh như Nguyên Huy.Sự đồng cảm sâu sắc tạo cho bài nhạc này một giai điệu bi thương, khiến người nghe không cầm được nước mắt. Con đường dẫn vào nhà thăm nuôi trồng hai hàng cây so đũa. Đó là hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người thăm tù, cũng là hình ảnh cuối cùng khi ra về, và người vợ đã khóc suốt từ lúc lên xe cho đến khi về lại thành phố .

Trong nhóm còn có hai người viết tù khúc nữa là Nguyễn Tiến Việt và Đòan Khôi. Chẳng những viết nhạc, hai anh còn tự giới thiệu sáng tác của mình đến người nghe bằng giọng hát của chính mình và hợp cùng với những gịong ca của Nhóm “ Tù Ca Xuân Lộc “ : Trần Quang Trọng, Trần Minh, Nguyễn Thuận, Trần Gia Tòan, Võ Hòang Thanh v..v. , những trăn trở, những tâm tư của người tù đến được với mọi người.

Khỏang 9 năm sau ngày trình diện đi tù, trại có một đợt tha về khá đông. Chúng tôi tổ chức một buổi hát tù ca để chia tay vì nhóm chúng tôi cũng có một số vẫn chưa được gọi tên.

Cuối cùng, rồi cũng đến ngày mọi người tù – nếu còn sống – đều được về với gia đình.

Bây giờ, thì hầu hết những người tù năm xưa đã gặp lại nhau nơi xứ người. Kể cả hai tác giả của bài nhạc “ hai hàng cây so đũa “ bất hũ cũng đã xum họp với vợ con. Ai cũng đã sống ở ngòai “ ba vòng tù ngục “.

Ra tù vài năm, tôi lập gia đình. Trễ quá rồi nhưng vẫn sớm so với T.Vấn. Tôi có hai con gái, Vấn cũng thế. Hiện chúng tôi ở chung một thành phố bên Mỹ. Khỏang thời gian trước, khi các con chúng tôi còn nhỏ, tôi hay tập cho cả 4 đứa con gái ( con tôi và con của Vấn ) những bài hát góp mặt trong những buổi sinh họat cộng đồng. Giờ đây, ngồi viết những dòng này, lại nhớ đến hình ảnh của những đứa con chúng tôi, lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi, cùng hợp ca bài “ Chuyện Biển Rừng “ tôi viết trong nhà tù Vĩnh Quang, tôi cho rằng đó là phép lạ. Bài hát có đọan cuối, “ . . . Cho cuộc hồi sinh / Cho đời vang mãi tiếng hát em thơ tiếng cười mẹ già “ đã là hiện thực với chính hình ảnh 4 đứa con của tôi và Vấn đang nắm tay nhau say sưa cất tiếng.

Vâng, đó chính là phép lạ của một cuộc hồi sinh dành cho những người tù đã sống sót trở về.

Trần Lê Việt

Phụ Lục : Bấm vào các links dưới đây để nghe vài bài tù khúc của Nhóm “ Tù Ca Xuân Lộc “ được nhắc đến trong bài.

  1. Lu Khach-Lữ Khách -Nhạc : Phạm Thiên Tứ. Lời : Phạm Kim Khôi ( Tiếng hát : Nguyễn Tiến Việt )
  2. Nho Co Huong. Nhớ Cố Hương – Nhạc : Phạm Thiên Tứ. Lời : Lê Trần ( Tiếng hát : Nguyễn Tiến Việt )
  3. Thang Tu Đen Tháng Tư Đen – Nhạc: Trần Lê Việt. Lời : Lê Trần ( Tiếng hát : Nguyễn Tiến Việt )
  4. Hai hang cay so dua Hai hàng cây so đũa – Nhạc: Trọng Minh. Lời: Nguyên Huy ( Tiếng hát : Minh Hòa )

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search