T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trịnh Bình An: Tình Nhảm!

 

Thẩn – Tranh: Thanh Châu

Thuở nào giờ, chỉ nghe nói “tình buồn”, “tình học trò”, “tình xưa”, “tình già”, thậm chí “tình vờ” nhưng “tình nhảm” thì ít nghe, bởi có tình là mừng, là vui rồi, cần phải nâng niu trân quý, sao gọi là nhảm? Với lại khi yêu người nào cũng tràn lòng tha tha thiết thiết, sao coi đó là nhảm nhí chớ?

Tôi còn nhớ hồi nhỏ, mượn được tờ tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong (Sài Gòn trước 1975) ở nhà nhỏ bạn – vì ba má tôi không chịu mua báo này, cho là báo… nhảm – Thấy một bức hí họa, vẽ một cô tiểu thư nằm trên giường, ôm gối, khóc nức nở; còn cô sen ngồi bên cạnh, nói: “Cô ơi cô, cô còn có tình để khóc, chớ em đây muốn kiếm một mảnh tình vắt vai cũng hỏng được nè”.

Lối khóc của cô tiểu thư (Mari Sến) trong tranh chắc là loại tình nhảm nên mới bị đưa ra giễu, bởi người coi ai cũng hiểu, chỉ vài bữa nửa tháng là tiểu thư nhà mình lại tưng tưng vui vẻ ngay đó mà.

Tới về sau, mỗi lần tôi rầu rĩ về đường tình duyên trắc trở thì lại nhớ tới bức vẽ vui nọ để tự an ủi mình, rằng dù gì mình còn có tình để rầu, chớ mấy người coi nhởn nhơ vậy chớ chưa chắc họ đã có tình (vắt vai) để nức nở đâu nha. Và tôi cũng nghĩ chuyện tình mình là nhảm, rồi vài bữa nửa tháng mình lại tơn tơn. “Buồn ơi ta xin chào mi…” nhưng rồi “Buồn ơi, bỏ đi Tám”.

Người con trai, con gái mới lớn nào cũng cho chuyện tình của mình là lâm ly nhứt xứ. Chỉ có cha mẹ sắp nhỏ thì sẵn sàng bảo đó là tình nhảm. Tiếng Anh thì gọi “puppy love”. Chu cha, người ta cũng tha thiết chứ bộ, sao kêu giống như mấy chú cún con xun xoe, quấn quýt đó, rồi xa nhau liền đó. Nói cho ngay, cha mẹ nào cũng muốn đám con lo học hành, đừng có bày đặt “chiện iu đương” chi cho rắc rối mớ đời.

Tôi có anh bạn, vào cái tuổi trổ giò, kiếm đâu được mấy cuốn truyện của nhà văn Duyên Anh, mừng húm, cắc ca cắc củm giấu ở đầu giường, tối tối chun vô mùng thắp đèn dầu đọc. Nhè đâu, ông già có lần xét được, oánh thằng con tưng bừng. Vừa đánh vừa mắng: “Tí tuổi đầu đã học thói “duyên anh, duyên em!”. Tội nghiệp thằng nhỏ, nếu tình yêu là bông hồng, thì nụ hồng chưa ló ra đã bị phán ngay là “nhảm”!

Cũng không trách cha người bạn cấm cửa Duyên Anh, gia đình tôi cũng cấm cửa Quỳnh Dao. Má tôi giễu: “Truyện Quỳnh Dao lúc nào cũng phải giàu thật giàu hay nghèo thiệt nghèo, mà rồi lại phải bịnh thiệt bịnh”. Truyện tình lõng bõng nước mắt à la Quỳnh Dao đối với ba má tôi thuộc loại truyện tình nhảm; không những nhảm mà còn nguy hiểm cho đứa con gái mới lớn.

Nói đã một hồi rồi tới lúc phải đưa ra định nghĩa “Thế nào là tình nhảm?”

Tình yêu thì không bao giờ là nhảm. Ví như cái bông kia, đủ cành đủ lá, đủ nắng đủ mưa thì sẽ đâm bông, có ai dám gọi cây ra bông là nhảm, dù đó là bông hồng trong chậu hay bông mắc cỡ ngoài bụi. Tình cảm của con người nói chung, nam nữ nói riêng, là thứ đẹp đẽ nhất trong đời người, không thể là thứ nhảm nhí như đồ vật thừa thãi cần dẹp bỏ.

Nhưng, khi tình yêu không đúng lúc, đúng nơi, đúng người thì có khi bị coi là thứ cần dẹp bỏ.

Con nít mới nứt mắt cần chuẩn bị cho tương lai, yêu yêu đương đương làm xao lãng chuyện học hành. Vậy, yêu đương là nhảm.

Người lớn đã nên vợ nên chồng, còn liếc dọc liếc ngang, khi “cơm” khi “phở”. Thì, tình yêu chắc chắn là nhảm.

Các vị lão niên con cái đầy đàn, không lo sớm chiều kinh kệ mà còn “trâu già tìm cỏ non”. Khỏi nói, nhảm, nhảm, nhảm, nhảm trăm phần trăm.

Ấy mà, nhảm sao nhảm, những mối tình nhảm đó vẫn như cây dại ló mầm loi choi cùng khắp, làm chóng mặt (và méo mặt) thân nhân, những kẻ chỉ mong tìm hai chữ “bình an” trong… “trật tự”.

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày em còn không.

Câu ca dao đọc từ nhỏ mà tới giờ này tôi mới chú ý. Chú ý tới hai chữ “còn không?”

“Còn không” là sao? Là “còn chưa có chồng”?

Hiểu như vậy cũng không sai, nhưng cái hay ở đây là chữ “còn” bên cạnh chữ “không”, hàm ý “có cái không có”.

Chữ “không” tiếng Hán (bộ huyệt 空) nghĩa là sự trống rỗng, như trong các từ “không gian”, “hư không”, nên có câu “phòng không, chiếc bóng” hàm ý “trong căn phòng trống vắng, một mình cô đơn”. Nên khi thiếu nữ “còn không” tức hàm ý “còn trống không”, phòng em trống trơn mà tim em cũng trống rỗng. Và điều đó tuyệt vời vì anh có thể… điền vào chỗ trống.

Thời con gái, phòng không chiếc bóng, ngắm trăng ngắm sao, vẩn vơ “tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn” đúng là một giai đoạn tuyệt vời. Như một căn phòng trống lốc trong một căn nhà mới mua, gia chủ săm soi chưa biết mua đồ gì đây cho vừa ý và xứng đáng. Chẳng trách cha mẹ cẩn thận, không muốn đem về những thứ đồ “se-cân-hen” cũ mèm đầy rệp, hay thứ “mết-in-chai-na” xài vài lần là banh ta lông. Thành ra, nếu là đồ nhảm thì không nên chứa trong phòng, cũng thế, nếu là tình nhảm thì không nên bỏ vào tim.

Một anh bạn tôi, giữ kỹ (và kín) những mẩu thơ tình của một cô bạn nhỏ thời “bang bang, khi xưa ta bé ta… ngu”. Tới chừng sau hàng chục năm gặp lại, ai cũng có vợ có chồng, con cái đầy đàn. Anh chàng mới lôi cô bạn ra thủ thỉ. Cũng hai chữ… “còn không?” – dĩ nhiên, không phải hỏi “không chồng”, mà hỏi kiểu “người đi qua đời tui, còn nhớ gì không người?”

Cô bạn cười toe: Không! (Ủa, vậy hả? Thiệt có chuyện vậy hả? Sao tui không nhớ gì hết ta? v.v.)

Tội nghiệp anh bạn tôi, bông hoa héo khô bao lâu nâng niu ép trong lưu bút, bỗng dưng thành thứ buồn cười, nhảm nhí.

Vậy, nên nghĩ sao về tình nhảm?

Hãy thử tưởng tượng trái tim bạn là một căn phòng. Một căn phòng bạn tìm về để yên nghỉ sau những lúc lao đao, xáo trộn. Thế, bạn muốn có những thứ gì trong căn phòng này?

Chắc chắn phải làm cho bạn cảm thấy bình an?

Và không có gì giúp lòng ta bình an bằng nghĩ tới những tình cảm dịu dàng, trong sáng, ấm áp.

Ai có thể đánh giá thế nào là chân, thế nào là giả, thế nào là tình thật, thế nào là tình nhảm, ngoài chính bạn?

Nếu bạn thấy mối tình nào giúp bạn vui nhất, thanh thỏa nhất, mơ mộng nhất, xin hãy trân quý, hãy cất giữ cẩn thận trong trái tim. Còn nếu tình cảm nào dù được cả thế giới này khen tặng nhưng làm bạn cảm thấy chua chát, cay đắng thì hãy thẳng tay vứt nó ra khỏi “căn phòng” tuyệt đẹp của bạn.

Điều ngược lại cũng công bằng, đó là tình cảm của mình trao tặng người cũng không nên là tình nhảm. Mà nếu lỡ là nhảm, thì nên cười khì, tự mắng mình: “Có thế mà cũng bày đặt… duyên anh, duyên em!”

Trịnh Bình An

Phụ Lục:

Song Thy

(Viết sau khi đọc “Tình Nhảm” của TBA)

Tình Nhảm

Ngày xưa mẹ cấm Duyên Anh

Ngày nay chồng cấm cửa nàng Quỳnh Dao

Chuyện tình lõng bõng nghèo giàu

Còn không hỏi thật ngày sau có còn

Duyên em ngày tháng mỏi mòn

Nên đàn dây đứt thuở còn gót son

Trao nhận tình dẫu cỏn con

Không là “Tình Nhảm”… bon bon an bình

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search