T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

VTrD tổng hợp: Viết Về Người Anh Trong Quân Ngũ: Vũ Mạnh Hùng

Tháng 5 năm 2021, khi nhà văn Huy Phương ở Nam California lâm trọng bệnh, từ Oregon, anh Vũ Mạnh Hùng viết bài “Nhà Văn Huy Phương Một Khuôn Mặt Đáng Trân Quí”. Bài viết đã đăng trên Chiến Sĩ Cộng Hòa số 142, tháng 6 năm 2021, và phổ biến trên hai website.

Trong bài viết về Huy Phương, trích những đoạn văn của anh:

“Tôi bước chân vào đời qua ngưỡng cửa trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, hai năm sau hiệp định 1954 cắt đôi Việt Nam. Trong suốt 18 năm quân ngũ, tôi đã gặp nhiều cấp chỉ huy và thuộc cấp đáng quí, đáng nể…

… Bài viết này, tôi muốn được tiếp nối bằng hình ảnh của một số thuộc cấp mà cho đến nay, chưa phai mờ trong ký ức. Trước hết, tôi muốn nói đến cựu Đại Uý Lê Nghiêm Kính, tức nhà văn Huy Phương. Tôi và Huy Phương cùng phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị. Nhưng mỗi người một cương vị và ban ngành khác nhau…

Cho đến tháng 10 năm 1974, chúng tôi mới thật sự làm việc trực tiếp bên nhau. Huy Phương là Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến, một trong bốn phòng thuộc Khối CTCT Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung mà tôi là Trưởng Khối, ba phòng còn lại, là An Ninh Quân Đội, Chính Huấn và Xã hội. Chúng tôi chỉ có gần bảy tháng làm việc chung…

… Viết về Huy Phương mà không đề cập đến một khía cạnh khác cũng nằm trong nhân cách và cá thể Huy Phương, đối với tôi, là một thiếu sót. Đó là con người tình cảm của Huy Phương. Trong 18 năm quân ngũ, từ Sư Đoàn 2 bộ binh là đơn vị đầu tiên từ khi ra trường. Sau đó, tôi thuyên chuyển về Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ thuộc Bộ Quốc Phòng. Rồi đến nhiều đơn vị khác. Và cuối cùng là TTHL Quang Trung. Trong các đơn vị tôi từng phục vụ thì Tiểu Đoàn 20 CTCT là đơn vị có đông đảo thuộc cấp nhất, với khoảng 450 quân nhân các cấp và nhân viên dân chính…

… Tôi về nhận chức Trưởng Khối CTCT thuộc TTHL này với trách nhiệm nặng nề ấy vào đầu tháng 10 năm 1974. Đặt bước chân đầu tiên đến đơn vị mới với bao xa lạ, không như khi nhận lãnh chức vụ TĐT 20 CTCT tại Pleiku, với những vị Đại Đội Trưởng đầy khả năng và từng là người thân như Đại Úy Phạm Văn Tải hay đã nghe danh như Đại Uý Phan Nhơn, Bùi Văn Lộng, Nguyễn Hữu Đạo và những sĩ quan xuất sắc xuất thân từ trường Đại Học CTCT Đà Lạt như nhà văn Vương Trùng Dương (VTrD), một trong những cây bút hiện nay của tập thể người Việt hải ngoại hay Tâm Nguyên (NLT)… Nhưng TTHL Quang Trung thì khác. Đại đơn vị này với tôi, hoàn toàn xa lạ, chưa quen biết ai, chưa am tường gì về sinh hoạt chung của đơn vị. Tôi, chẳng khác gì một nàng dâu mới, vừa bơ vơ bước chân vào nhà chồng.

Chính trong những bước đi dò dẫm ban đầu đó, Huy Phương là người đã đưa tôi ra khỏi tâm trạng âu lo để bắt đầu nhiệm vụ của mình không một mặc cảm đơn cô…

… Trong hai ngày cuối tháng 4/1975, tôi ở trên Tổng Cục CTCT để nhận lệnh, khi trở về đơn vị sáng ngày 29, thì giao thông giữa Sài Gòn và Hóc Môn đã kẹt cứng người chạy loạn. Tôi không có mặt tại TTHL vào ngày cuối cùng. Nhưng sau này, gặp một sĩ quan dưới quyền anh, tôi được cho biết, Huy Phương đã sát cánh cùng quân nhân các cấp thuộc Trung Tâm, chiến đấu đến phút cuối cùng và đã diệt được 6 xe tăng địch cùng hàng trăm binh lính tháp tùng, ngay ngoài hàng rào Trung Tâm…

… Hai chúng ta đều mang một hoài bão chung đối với Quê Hương Đất Nước. Hoài bão, mà chính Nguyễn Trãi khi tạm lánh tại Đông Quan, sáng sớm nghe tiếng gà gáy, đã hướng về quê nhà, tự nhắc nhở mình: “Đêm Đông Quan còn năm trống canh dài. Ta chợt thấy tiếng gà ai gọi sáng”. Tâm trạng lưu vong của vị Thánh Tổ Nguyễn Trãi ngành CTCT khi xưa, phải chăng cũng chính là nhịp đập trong con tim bừng nóng của anh và tôi hôm nay…”

(Vũ Mạnh Hùng, Oregon, 22 tháng 5 năm 2021)

*

VTrD – Sáng Thứ Hai, 1 tháng 8 năm 2022, nhận email với tin buồn của Vũ Ngọc Hải (em ruột anh Vũ Mạnh Hùng và bạn cùng khóa với tôi) cho biết anh Vũ Mạnh Hùng vừa qua đời lúc 7 giờ 37 phút. Lúc đó tôi vừa chuyển đến nhà in báo Chiến Sĩ Cộng Hòa số 156, tháng 8/2022 nên không thể thay trang báo với những lời tiễn biệt.

Từ khi bước chân vào Trường Đại Học CTCT Đà Lạt, anh Vũ Mạnh Hùng là Chánh Văn Phòng, giữa Sinh Viên Sĩ Quan với Đại Úy Chánh Văn Phòng trong hai năm quân trường còn quá xa lạ. Sau khi Khóa Nguyễn Trãi I ra trường (5/1969), bốn anh em chúng tôi: Vũ Ngọc Hải, Nguyễn Cầm, Nguyễn Lương Tâm (Tâm Nguyên) và tôi về phục vụ tại Tiểu Đoàn 20 CTCT, Tâm về ĐĐ CTCT ở Ban Mê Thuột, Cầm về ĐĐ CTCT ở Quy Nhơn, Hải ở Ban 3 và tôi ở Trung Tâm Điều Hợp TLC Vùng 2 CT (Cao Nguyên). Năm 1970, Thiếu Tá Vũ Mạnh Hùng về giữ chức Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 20CTCT… Anh giao cho Ban 3 thực hiện Đặc San Đại Nghĩa theo hai câu thơ trong Bình Ngô Đại Cáo của Thánh Tổ Nguyễn Trãi “Đem đại nghĩa thắng hung tàn. Lấy trí nhân thay cường bạo”. Ngoài các cây bút trong đơn vị, có nhà văn Văn Phan (Khóa 13 với anh, Thiếu Tá bên Quân Cảnh, coi trại giam ở Pleiku. Sau nầy gặp nhau ở Little Saigon, anh đã đóng góp nhiều bài viết cho các tờ báo Lính mà tôi được đảm trách).

Tháng 7 năm 1971, tôi về lại quân trường theo học Khóa 3 Trung Cấp CTCT, và thời gian sau đó đổi về phục vụ tại quân trường khi lập gia đình. Vũ Ngọc Hải về Cục An Ninh Quân Đội, BS Nguyễn Trường Xuân (Y Sĩ Trưởng của đơn vị) về học tiếp ngành giải phẫu. Trong bốn đứa chúng tôi chỉ còn Huỳnh Văn Hiếu (Trưởng Ban 4) còn bám trụ cho đến ngày tan hàng.

Thời gian sống nơi cao nguyên đất đỏ, với công việc đi đây đi đó “ăn cơm tháng ngủ giường bố” cùng bạn hữu nhiều kỷ niệm khó quên.

Với anh Vũ Mạnh Hùng, tuy xuất thân từ quân trường Võ Bị nhưng phục vụ trong ngành CTCT nên anh rất “ưu ái” với anh em cầm bút. Và, thời gian phục vụ dưới quyền của anh không lâu nhưng lại có vài kỷ niệm riêng tư với nhau… Tuy xa anh nhưng ở Đà Lạt, mỗi lần về Sài Gòn gặp Hải, thường nhắc đến anh.

Năm 1996, tôi lên Portland, Oregon, Nguyễn Lương Tâm chở tôi ghé thăm anh khi làm việc ở Sở Xã Hội, thời gian gặp nhau cũng ngắn ngủi trong chuyến hành trình ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ…

Quả đất tròn, năm 2008 khi tôi đảm trách section B của tờ nhật báo Saigon Nhỏ và nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, được biết anh làm Chủ Nhiệm tuần báo Saigon Nhỏ ở Portland, Oregon. Trước đó tôi được biết khi định cư tại Hoa Kỳ anh đã dấn thân vào nghề báo.

*

Cùng đảm trách tuần báo Saigon Nhỏ ở Seattle, Washington State, Bùi Quốc Hùng có lẽ là người gần gũi anh nhiều nhất ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ.

Theo BQH:

“Tôi mới quen biết ông Vũ Mạnh Hùng hơn 11 năm. Trong một buổi họp mặt tiếp tân nhân dịp Văn Phòng đại diện tuần báo Saigon Nhỏ Seattle có người đại diện mới tại nhà hàng Café Huế ở Seattle, anh từ Portland cùng chị Hoàng Dược Thảo, Chủ Nhiệm hệ thống báo Saigon Nhỏ từ Litttle Saigon, California lên. Anh phụ trách TB Saigon Nhỏ Portland, Oregon trước tôi khoảng 6 năm. Chúng tôi quen thân nhau từ đấy…

Trước đây, Saigon Radio còn hoạt động, anh Quốc Nam và tôi phụ trách mục Talk Show “Câu Chuyện Trong Tuần” dài 1 tiếng đồng hồ vào mỗi buổi chiều Thứ Ba hàng tuần. Buổi “Talk Show” này được thính giả rất ưa thích vì ngoài bản tin địa phương trong tuần còn lại là những câu chuyện của nhân thế do anh Quốc Nam và tôi trình bày, không biên soạn trước, gởi đến thính giả. Đề tài rộng rãi, phong phú nói về QLVNCH, những tốt đẹp của miền Nam trước tháng Tư năm 1975, những tấm lòng nhân hậu, thân ái giữ người với người trong Thanksgiving Day và Christmas Day trong mùa Đông lạnh lẽo, bão tuyết tại Hoa Kỳ. Sau những buối ‘Talk Show”, thính giả gọi điện thoại bày tỏ cảm tình, thích thú. Trong đó có anh. Anh nói vừa nghe Talk Show xong, khen ngợi, cổ vũ, khích lệ tôi và khuyên tôi cố giữ phong độ và chọn những chủ đề về văn hóa, nhân bản.

Trong một lần nói chuyện về đời quân ngũ, tôi kể cho anh nghe rằng tôi rất thích các tác phẩm quân đội do Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị (CTCT) thực hiện và phổ biến trong toàn quân. Hồi đầu thật niên 1970, khi làm việc ở Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận (BCH5TV) Nha Trang, Phòng Kế Hoạch Huấn Luyện được Khối CTCT (Thiếu Tá Hồ Văn Nam, Trưởng Khối) phân phối một ấn phẩm quân đội. Tác phẩm có tựa đề “Di Bút Tại Mặt Trận”, trình bầy đơn giản, bìa giấy dầy màu trắng, chữ đỏ, một chiếc nón sắt úp trên đầu súng cắm ngược bên bờ suối. Nhân vật chính trong tác phẩm là A Trưởng Phạm Danh Tiêu, do Khối CTCT Quân Đoàn II thực hiện và phát hành. Nghe đến đây, anh như reo vui, sôi nổi nói anh không nhớ nhiều về chi tiết nhưng cuốn “Di Bút Tại Mặt Trận” là do chính Tiểu Đoàn 20 CTCT, Quân Đoàn II thực hiện từ việc sưu tầm, sắp xếp tài liệu, bút ký của các cán binh VC tử trận do Phòng Quân Báo QĐ II tịch thu tại chiến trường.

Sau hàng nửa thế kỷ, tôi mới biết tác phẩm này do Tiểu Đoàn 20 CTCT thực hiện vào thời gian xa xưa ấy và anh là Tiểu Đoàn Trưởng. Với tôi, tác phẩm “Di Bút Tại Mặt Trận” là một trong những ấn phẩm có giá trị nhất do Tiểu Đoàn 20 CTCT thực hiện. Tôi nói: “Em dự định viết những điều em nghĩ vế tác phẩm này qua nhân vật chính là A Trưởng Phạm Danh Tiểu với những giòng bút ký sau cùng tại chiến trường trước khi qua đời. Anh vui lắm, nói: “Hùng viết ngay đi”. Chẳng dè, dù đã có trong đầu, tôi vẫn chưa viết và buồn thay, anh đã ra đi!

Trong các dịp chuyện trò, anh thường nhắc đến  mục “Lịch Sử Ngàn Người Viết” có trên nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa và anh thường nói với người phụ trách rằng phải cố gắng và duy trì mục này vì rằng tất cả rồi sẽ qua đi, các thế hệ sau sẽ không biết gì về các thế hệ trước và đặc biệt, các nhà viết sử sẽ coi các bài viết như là tài liệu.

Mới đây, nguyệt san CSCH phát hành trong tháng 5, mục “Lịch Sử Ngàn Người Viết” có đăng một bài viết về ngày 30 tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 năm 1975 về những sự kiện và cảm nghĩ của một người  lính VNCH. Anh đọc, gọi Tel. cho tôi và khen bài viết. Anh nói: “Trung Tướng Phạm Quốc Thuần ở đây. Để  tôi cho số Tel. Hùng gọi cho hai ông Trung Tá thân cận với Trung Tướng và trình ông Tướng nhé!” Vì rằng trong bài viết, tôi có nhắc đến Trung Tướng PQT và nói rằng tôi biết ơn Trung Tướng suốt đời.

Trong mỗi cuối tuần, tôi có dịp từ Tacoma đi Seattle, trên Xa Lộ I-5, tôi vẫn thường gọi Tel. thăm sức khỏe và hàn huyên đủ thứ trên đời với anh. Tuy đã cao tuổi nhưng giọng nói, tiếng cười của anh rõ ràng mạnh mẽ, tôi rất mừng vì sức khỏe của anh.

Lần nào cũng vậy, anh dặn tôi đừng gọi anh vào các ngày Hai, Tư, Sáu vì anh phải vô bệnh viện. Bây giờ, bây giờ… Anh không còn nữa, mỗi Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần, rong ruổi trên  xa lộ I-5 một mình, tôi còn biết gọi ai để được nghe lời khuyên nhủ, tâm sự. Giọng nói, tiếng cười của anh đã tắt và Ông đã trở thành người thiên cổ…!

Anh Vũ Mạnh Hùng đã sống một cuộc đời tràn đầy tận hiến. Anh đã dâng hiến tuổi thanh xuân trọn đời cho Quân Đội và cộng đồng người Việt trong những thập niên qua.

Vĩnh biệt niên trưởng Vũ Mạnh Hùng, một người anh, một nhà báo và quan trọng hơn, nhân cách, kiến thức và cách cư xử của anh rất tế nhị, lịch sự, là một tấm gương, mẫu mực để noi theo.

(BQH, Tacoma, 12 August 2022)

*

Vũ Ngọc Hải viết về người anh trai trong ngày tang lễ:

Gia đình chúng tôi có tất cả 12 anh chị em, chia đều nửa trai nửa gái. Anh Hùng là người con thứ 5 – nên thường gọi theo cách gọi của người miền Nam theo thứ: “Anh Sáu”. (Cũng lạ, Mẹ chúng tôi lại rất thích cách gọi như vậy). Mặc dù anh sinh sau, nhưng lại là trai trưởng, nghĩa là, theo quan điểm “nhất nam viết hữu…”, Anh Sáu đúng là… “trung tâm của cả nhà”. Tuy nhiên, anh Sáu chắc không gặp đúng thời chăng? vì anh Sáu lại trưởng thành trong thời gian cả nước tràn ngập khói lửa chiến chính; mà gia đình chúng tôi qua cơn binh biến ấy, lại chịu khá nhiều tang tóc. Thật thương cho anh Sáu, cứ mỗi lần như thế, trọng trách trên đôi vai trưởng nam lại thêm nặng nề hơn!

Tháng 4-1954, cha tử trận tại đồn Thức Hóa, Bắc Việt.

Tháng 6-1965, em rể cũng là bạn đồng khóa 13 Võ Bị hy sịnh tại Hậu Bổn, Tỉnh Phú Bổn.

Tháng 7-1968, em ruột khóa 21 Võ Bị, mất tại Đồi 10 Tam Quan, Bình Định.

Tháng 2-1970, em ruột vừa xuất thân Trường Bộ Binh Thủ Đức mới 3 tháng, tử thương tại Cầu Kè, Vĩnh Bình.

Anh Vũ Mạnh Hùng sinh ngày 30 tháng 6 năm 1935 tại làng Du Hiếu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Vào những năm 1945-1954, anh được gia đình gửi học tại trường trung học Hồ Ngọc Cẩn tại Trung Linh, Bùi Chu.

Năm 1954, đất nước chia đôi hai miền Nam Bắc theo hiệp định Genève, anh cùng với trường di cư vào Miền Nam. Năm 1957, anh được tuyển chọn học khóa 13 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (Đà Lạt) và tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy hiện dịch – chọn binh nghiệp cho cuộc đời mình.

Sau khi ra trường 1959, anh thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 1 Chiến Tranh Tâm Lý, giữ chức vụ Đại Đội Phó ĐĐ Công Tác Đặc Biệt, một đơn vị mang tính chất tình báo tâm lý chiến, trực thuộc Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng.

Trong thời gian thụ huấn tại Đà Lạt, anh đã có dịp quen biết với người bạn đời của mình là chị Cao Kim Tân (em ruột của Đại Tá Cao Đăng Tường, Cục Trưởng Cục Chính Huấn sau nầy). Năm 1961 anh chị làm lễ thành hôn tại Nhà Thờ Chính Tòa Đà Lạt và được năm người con.

Trong suốt thời gian 18 năm quân ngũ, anh đã 2 lần tu nghiệp tại Hoa Kỳ, và cũng đã đồn trú khắp 4 vùng chiến thuật, với nhiều chức vụ khác nhau.

Sau năm 1963, nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã không còn tiếp tục những công tác tình báo xâm nhập đất địch, anh thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 3 Chiến Tranh Tâm Lý đóng tại Đà Nẵng với chức vụ Trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn.

Năm 1965, anh lãnh trách nhiệm tiếp nhận Trường Hiến Binh cũ (đối diện trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân, Đà Lạt) để xây dựng cơ sở hình thành Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt (KBC 4648 nên gọi là đồi 4648), một quân trường thứ nhì ở thành phố nầy sau trường Võ Bị Quốc Gia, đào tạo các sĩ quan hiện dịch cho Quân Lực VNCH. Năm 1967, anh trở thành Chánh Văn Phòng của Đại Tá Chỉ Huy Trưởng quân trường này.

Năm 1969, anh giữ nhiệm vụ Tiểu Đoàn Phó TĐ 40 CTCT đồn trú tại Cần Thơ; Và sau đó, được bổ nhiệm chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 20 CTCT tại Pleiku.

Năm 1974, anh đảm nhiệm chức vụ Tham Mưu Phó CTCT tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và tại vị cho tới ngày 30 tháng Tư năm 1975 với cấp bậc trung tá.

Ngay sau khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm Sài Gòn, anh cùng với gia đình ra Vũng Tầu ngày 4-5-1975 và vượt ra được Biển Đông, may mắn được hạm đội Hoa Kỳ cứu vớt. Tháng 8-1975, gia đình anh đã đến định cư tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ. Tại đây, trong vai trò nhân viên xã hội tiểu bang (Social Worker), anh đã góp rất nhiều công sức trong việc ổn định bước đầu tiên cho cộng đồng Người Việt tại quê người, đồng thời giúp đỡ những người đồng hương tỵ nạn đến sau.

Ngoài sinh hoạt trong báo chí Việt ngữ, anh cũng là ủy Viên Báo Chí trong Hội Đồng Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang ngay từ lúc vừa mới thành lập. Là một thành viên lãnh đạo kỳ cựu trong Hội Đồng Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang. Với lòng nhiệt tình, kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng đã giúp cố vấn cho nhiều quyết định quan trọng của các Hội Đồng Giáo Xứ nối tiếp. Năm 1988, anh tham gia Ủy Ban Vận Động và tổ chức buổi lễ Phong Thánh cho 117 Vị Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam tại Rô Ma…

Suốt 10 ngày trước khi lìa đời, anh đã trối lại nhiều điều, có nhắc tới vài “thuộc cấp” sau nầy cùng làm báo ở hải ngoại… Anh vẫn còn trăn trở vì cảnh nước mất nhà tan, chính anh cũng tự cho mình đã không làm trọn vẹn trách nhiêm – trong gia đình, cũng như trên phương diện lãnh đạo chỉ huy. Nhưng bản thân em, với hoài bão lớn lao, với lý tưởng chân chính của anh không như ý muốn nên tự trách mình mà ngày xưa bậc tiền nhân Phạm Ngũ Lão trong Thuật Hoài nói lên nỗi lòng: “Nam nhi vị liễu công danh trái. Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”.

Đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn như vậy, anh Sáu đã lo toan mọi sự trong gia đình với tất cả khả năng có thể. Trách nhiệm “trưởng nam” trong hoàn cảnh như vậy, ai có thể dám nói hai chữ đảm đương?.

Đất nước không còn, có lẽ tất cả chúng ta cùng gánh trách nhiệm – người lớn trách nhiệm lớn, người nhỏ trách nhiêm nhỏ – chớ chẳng riêng cho ai.

Thật là: “Chí còn muốn tiến mãi; Nhưng sức không kham nỗi đoạn đường…” (Trích trong bài văn tế của Trường Võ Bị Quốc Gia)

Anh Sáu ơi,

Bây giờ, anh Sáu đã nằm xuống, về sum họp với cha mẹ và 10 anh chị em khác trong nhà, để em là người con duy nhất còn lại… Anh Sáu hơn em 8 tuổi, vậy có lẽ mãi tới năm 2030 (năm em bằng tuổi anh), em mới gặp lại anh Sáu. Em nguyện ghi khắc mãi hai chữ “Cảm Tạ” trong suốt quãng đời còn lại này. Hẹn gặp nhau 2030.

Sau 15 năm xa cách, gia đình em được sống gần gũi với gia đình anh nơi xứ người. Với em, anh không những là người anh mang hình ảnh của cha mẹ và cũng là người bạn tri âm chia sẻ bao nỗi vui, buồn, an ủi cho nhau trong suốt ba thập niên qua…

Sáng Thứ Hai, ngày 1 tháng 8, anh qua đời, trong lúc tang gia bối rối, em chỉ email cho vài người bạn thân của em, và không ngờ trong ngày đó em nhận được nhiều email từ bạn bè, báo giới và thân hữu… Em vô cùng xúc động. Điều đó nói lên sự quý mến, nhân cách của anh trong hơn sáu thập niên qua từ ngày bước chân vào quân ngũ và thời gian ở hải ngoại.

Nhân đây, thay mặt gia đình xin chân thành cảm ơn:

– Đức Tổng Giám Mục John G. Vlazn.

– Linh Mục Quý Thạc, Tu Viện Trưởng, nhà dòng Biển Đức, TB Washington.

– LM Phạm Tĩnh, chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ La Vang, 2 cha phó Ngô Khắc Dương và cha Võ Đình Thanh, cùng các cha dòng Nhà Chúa.

– Các Linh Mục Việt Nam đang phục vụ tại tiểu bang Oregon: LM Michel Vuky, LM Hoàng Nhật, LM Trần Quách Luân, LM Nguyễn Hùng chánh xứ giáo xứ Mỹ.

– Các cơ quan truyền thông Việt ngữ xa, gần.

– Quý đồng hương và thân hữu

– Hội Ái Hữu ĐH/CTCT Đà Lạt, TB Oregon,

– Hội Ái Hữu ĐH/CTCT Đà Lạt, TB Washington & Vancouver, BC.

– Quý anh chị trong gia đình Nguyễn Trãi.

Vì trong lúc tang gia bối rối nên có vài điều sai sót khi liệt kê danh sách. Mong được thông cảm.

(Vũ Ngọc Hải)

*

Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa vừa bước sang năm thứ 14, trong suốt thời gian qua, anh Vũ Mạnh Hùng cùng làm việc trong hệ thống báo Saigon Nhỏ, anh rất quan tâm đến tờ báo Lính và đã nhiều lần động viên, khuyến khích tôi nên cố gắng tiếp tục công việc với tờ báo vì vài lần tôi email chia sẻ với anh, nay tuổi đã cao nên cũng mỏi mệt.

Nay anh Vũ Mạnh Hùng đã ra người thiên cổ, với Vũ Ngọc Hải và tôi, tuy tín ngưỡng về tôn giáo khác nhau nhưng rất tôn trọng đức tin của mỗi người nên giữ được tình bạn thân tình với nhau hơn nửa thế kỷ. Đó cũng là lẽ sống chung của nhiều người. Người ra đi và kẻ còn lại tổng hợp những dòng nầy trên trang báo Lính để Viết Về Người Anh Trong Quân Ngũ: Vũ Mạnh Hùng.

Little; Saigon, Aug 2022

VTrD tổng hợp

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search