T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vương Trùng Dương: Sương Biên Thùy – Lê Mai Lĩnh: Hành Trình Sáu Thập Niên Với Thơ Văn

Kể từ thi phẩm đầu tay Nỗi Buồn Nhược Tiểu của nhà thơ Sương Biên Thùy được ấn hành tại Nha Trang năm 1963 tính đến nay (2022) đã tròn 6 thập niên, nhưng thời còn học sinh ở Quảng Trị đến tuổi già ở tuổi 80, nhà thơ Sương Biên Thùy (bút hiệu trước năm 1975 ở trong nước, nhà thơ Lê Mai Lĩnh (bút hiệu khi định cư tại Hoa Kỳ) vẫn còn sáng tác… tính ra 65 năm với 17 tác phẩm (viết chung và riêng) gồm đủ các thể loại.

Trong bài viết gần đây Lê Mai Lĩnh đề cập đến thuở ban đầu: Thi Văn Đoàn Giới Tuyến Quảng Trị năm 1960.

“Vào khoảng cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60. Cả miền Nam Việt Nam rộ lên phong trào thành lập các thi văn đoàn và đặt bút hiệu lạ lùng, không giống ai…

Hàu như tỉnh nào cũng có thi văn đoàn. Bút hiệu của tôi Sương Biên Thùy cũng ra đời từ dạo đó và người chọn cho tôi là nhà thơ Đặng Sĩ Tịnh, người tình trong mộng của em tôi, nhà thơ TQDL.

Buổi đầu gồm các thi văn hữu như sau: Phạm Văn Bình, Trần Đình Bế, Đỗ Tư Nhơn, Đỗ Tư Nghĩa, Đặng Sĩ Tịnh, Lê Thanh Xuân, Nguyễn Văn Tánh, Thái Tăng Phương, Lê Cảnh Xinh, Chu Vương Miện, Lê Văn Chính, Hồ Thế Vĩnh, Nguyễn Chí Khả, Nguyễn Chí Kham, Nguyễn Hữu Hiền, Lê Đình Cai, Dương Văn Mua!  Đỗ  Văn Phúc, Lý Thơ Hiểu, Phan Phụng Thạch…

Chúng tôi chung tiền, góp bài, chuẩn bị cho số báo ra mắt thật oai hùng, để “nộ” các em nữ sinh, tình nhân. Nhưng khi Phan Bá Ân và Lê Văn Chính đem vào nhà in Đại Học của trường đại học Huế, họ đòi tiền in quá  lớn, nằm ngoài khả năng chúng tôi. Giấc mơ thi hào, thi bá tan biến. Nhưng chúng tôi vẫn âm thầm sáng tác gởi về các tạp chí Sài Gòn

Càng về sau, số lượng anh em Quảng Trị góp vào văn  chương thủ đô ngày càng nhiều, có mặt trên các tạp chí Bách Khoa, Gió Mới, Phổ Thông, Thời Nay, Văn Nghệ Tiền Phong, Khởi Hành, Ngàn Khơi, Nghệ Thuật…

Tính tới nay, thi văn đoàn đã tròn 62 tuổi (1960-2022), dù không rầm rộ, không tiếng tăm lớn, nhưng nó vẫn âm thầm tồn tại, có mặt trong cõi văn chương trong nước và hải ngoại. Số lượng những tác phẩm mà các thành viên của thi văn đoàn Giới Tuyến góp vào kho tàng văn chương nước nhà trên 100 tác phẩm…”.

Cậu học sinh Lê Văn Chính khi rời trường Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị vào học trung học Võ Tánh ở Nha Trang, bút hiệu Sương Biên Thùy xuất hiện với thi phẩm Nỗi Buồn Nhược Tiểu.

Tập thơ được in nhờ tiền bán chiếc xe đạp và nhờ sự hào phóng của Đại Đức Thích Đại Nghĩa, Giám Đốc nhà in Hoa Sen. Bài thơ Cáo Trạng khi tác giả mới 16 tuổi (năm 1958) đã có cái nhìn của tuổi trẻ với quê hương từ các bậc anh hùng tiền nhân Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Tạ Thu Thâu, Trần Cao Vân của đất nước nhược tiểu bảo vệ nền tự do.

Câu chuyện qua lời nhà thơ kể lại cũng lý thú: “Sau khi tập thơ ra đời, tạo thành một tiếng dội, không vang, trong giới học trò. Học trò mà in thơ là điều hiếm có. Có đôi lần ra phố Độc Lập, ngang qua một nhóm nữ sinh, tôi nghe họ xì xầm, chỉ vào tôi, ông ấy là thi sĩ Sương Biên Thùy, làm tôi sướng rơn lên. Nhưng cũng vì vậy, nhà thơ Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn) đòi đánh tôi hộc xì dầu, tôi nghe bạn bè kể lại.

‘Sương Biên Thùy là thằng nào dám đến đây in thơ qua mặt ông. Ông là vua thơ nơi nầy, ông chưa in sao nó dám in. Gặp nó, ông sẽ đánh cho hộc xì dầu.’

Sau nầy, có hai lần tôi gặp Sao Trên Rừng, một lần tại toà soạn tạp chí Văn Nghệ của nhà văn Lý Hoàng Phong, anh ruột nhà thơ Quách Thoại, chúng tôi ngồi uống trà với nhau; một lần khác tại Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Lần này, tôi đưa Sao Trên Rừng xuống câu lạc bộ nhậu bia quân tiếp vụ và mực khô nướng. Cả hai lần, tôi đâu  dám nói tôi là Sương Biên Thùy, vì tôi không muốn mũi tôi vướng máu”.

*

Về tiểu sử tác giả, các bài viết của thân hữu đã đề cập đến. Nhân đây dựa theo lời tác giả ghi trong tuyển tập Lê Mai Lĩnh, Thơ, Văn, Tiểu Luận (Cội Nguồn xuất bản năm 2015, dày 628 trang). (Phần tiểu sử với Dấu Ấn Thời Gian trang 25-52) tóm lược phần chính:

Lê Văn Chính, bút hiệu Sương Biên Thùy, Lê Mai Lĩnh. Sinh năm 1942, khai sinh 1944. Sinh quán làng Quảng Điền, xã Triệu Đại, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị và Võ Tánh, Nha Trang.

Sinh hoạt trong làng báo (Sóng Thần, Da Vàng, Độc Lập, Khởi Hành…) và đài phát thanh tại Sài Gòn. Động viên vào Khóa I/68 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Anh tham gia trong Ban Biên Tập nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức (Ban Biên Tập SVSQ của tờ nguyệt san nầy do Đại Úy Vũ Trọng Mục, Quyền Trưởng Khối CTCT thành lập cho Liên Khóa 23 & 24, khi đó tôi được gởi theo học giai đoạn I cùng với Khóa 24 và ở trong BBT nầy). Là nhà thơ, nhà báo nên khi ra trường về phục vụ tại Đại Đội CTCT ở tỉnh Bình Thuận.

Với thời gian trong quân ngũ, anh chỉ viết về bài Núi Tà Dôn & Dấu Chân Y Uyên trên tờ Văn, với tên thật Lê Văn Chính viết vào tháng 1/1969:

“Uy ra trường (Khóa 27) trước tôi một tháng. Ngày còn ở trong trường Thủ Đức chúng tôi thường gặp nhau vào chiều Thứ Sáu mỗi tuần…

Chúng tôi được tiếp chuyện Trung Úy Q., người chỉ huy trận đánh và cũng là đại đội trưởng của Uy. Theo anh thì Uy chết ngay loạt đạn đầu tiên vì bị VC phục kích…

Tôi định một ngày rất gần, sẽ dắt lính lên vùng trận địa anh ngã, thăm lại con suối anh chúi xuống để chết. Hình như cỏ ở đó xanh hơn mọi ngày, và một bóng Ngựa Tía chờn vờn mỗi đêm trên ngọn Tà Dôn – ngọn Tà Dôn, vùng đất quê nhà của anh rồi đó – quẩn quanh bên những Tượng Đá Sườn Non (tác phẩm của Y Uyên)…”

(Ngưng trích)

Năm 1971, tranh cử chức Dân Biểu Hạ Viện, đơn vị Bình Thuận nhưng không trúng cử. Sau bầu cử, Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa lệnh miệng cho Đại Úy Vĩnh Vu “Anh nói với Thiếu Úy Lê Văn Chính tự nguyện xin chuyển đơn vị ra khỏi Tiểu Khu”. Chưa đầy một tháng sau, mặc dù tôi không làm đơn gì cả, tôi vẫn được Sự Vụ Lệnh đổi lên Đà Lạt.

Sau tháng 4/1975, trình diện vào lao tù “tập trung cải tạo” ở Sài Gòn, chuyển đến Long Khánh, Long Giao. Năm 1977 bị đày ra các trại tù  trên núi rừng Việt Bắc, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Yên Báy…

Ra khỏi trại tù ngày 30/11/1983.

“Tôi ở Phan Rang với vợ con, nhưng hàng tháng phải vào Sài Gòn trình diện công an phường, nơi tôi bị quản chế… Tôi và vợ ly dị cuối năm 1989. Đầu năm 1990, vợ tôi rời Việt Nam theo diện H.O đem theo ba người con của chúng tôi. Vợ tôi là Đại Úy Cảnh Sát, tập trung cải tạo 4 năm 6 tháng. (Khi ra trường về Tiểu Khu Phan Thiết, anh “dừng bước giang hồ” khi lấy vợ, Biên Tập Viên Cảnh Sát làm việc ở Ty Cảnh Sát Bình Thuận). Tôi ở lại một mình… cõng thêm cô gái Huế, kém hơn tôi 16 tuổi và hàng ngày đi vay nợ…”. Tuy vay nợ, chạy từng bữa ăn nhưng cái máu “nòi tình, nòi thơ” (nòi tình từ thuở đi học ở quê nhà – nòi thơ dù sống trong bao nghịch cảnh tang thương, tù đày… vẫn sáng tác đều đều, nhất là có hình bóng nào dù đơn phương).

Sau tháng ngày ra khỏi lao tù, Lê Mai Lĩnh chia sẻ: Được tha ra khỏi trại (mà bản thân gọi là đã đắc đạo), “xuống núi” từ ngày 30-11-1983. Để mưu sinh giữa nhà tù lớn từ Nam Quan đến mũi Cà Mau, bản thân đã chơi những trò chơi như sau: phụ thợ hồ, vịn thợ mộc, vá và bơm xe đạp, phụ bếp, bếp trưởng, chùi cầu tiêu, bỏ mối cà phê, thuốc lá, bia lên cơn (tục gọi là bia sinh tố), rượu Gò Vấp, rượu ông gìa bật ngửa, gạo, nếp, các thứ đậu, buôn bán ve chai, nuôi heo, nuôi gà, nuôi chó, nuôi mèo, nuôi dê, trồng nho, làm chủ quán nhậu…”.

Thế rồi, trong cơn bỉ cực “Tôi quen cô Dạ Ngân, khi tôi làm cho một cơ sở làm bia Sinh Tố của một người bạn trước đây với tôi tại tòa soạn báo Sóng Thần…”.

Trong hoàn cảnh “nhà thơ nghèo rớt mồng tơi” lấy được người vợ Bùi thị Phương Đông nhỏ hơn 16 tuổi, cam chịu sống trong cảnh nghèo. Và, “Sau ngày phái đoàn Mỹ phỏng vấn xong, đốt quán nhậu, sống bằng nghề vay nợ, làm thơ, viết văn và uống rượu…cho tới giờ lên máy bay (12 giờ đêm ngày 10-4-1994)”. Khi đi theo diện H.O “Thế là vợ trẻ, con thơ” sang Mỹ “Nào ngờ, sang tới tới Mỹ đi rửa chén bát, soong, nồi tối tăm mặt mày cho Đại Học Trinity, tiểu bang Connecticut, mỗi giờ 5.25 cent…”.

Là một người có máu giang hồ, bạt mạng từ trẻ, từng trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, đã một thời sống chết với bạn bè văn nghệ hết mình nên chẳng bao lâu, anh đã liên lạc và được gặp gỡ. Từ đó, anh trở lại với nghiệp thơ, văn. Sáng tác, làm báo và tham gia sinh hoạt cộng đồng, chính trị… chu du khắp nơi.          

* Người Tù – Thơ Tù

Khi ở trong trại tù ngoài Bắc, nhà thơ Lê Mai Lĩnh đã viết thơ ra Hà Nội để đòi hỏi thay đổi chế độ tù “cải tạo” và yêu cầu được phóng thích căn cứ theo luật quốc tế POW (Prisoner of War). Trong Thơ Tình Thế Kỷ (trang 155) anh ghi: “Tại trại K4, Tân Lập Vĩnh Phú, vào đêm 20/7/1979 (đêm ghi nhớ Hiệp Định Genève 1954 chia cắt Tổ Quốc) Lê Văn Chính đã treo cổ tự tử sau khi viết hai lá thư, một gởi ông Lê Duẩn, Tổng Bí Thư đảng CSVN yêu cầu thay đổi đường lối lãnh đạo, một gởi Ban Giám Thị trại đòi hỏi cải thiện chế độ lao tù”. Hình ảnh “gan dạ” của người tù Lê Văn Chính, đáng phục.

Bài viết của nhà thơ Trương Anh Thụy “Lửa Ngông” Trong Thơ Lê Mai Lĩnh dẫn chứng những điều rất thú vị:

“Lửa” trong Lê Mai Lĩnh đã không ngừng ở đó. Nó còn bùng lên mạnh hơn trong các nhà tù cộng sản…

Cái “ngông” ở Lê Mai Lĩnh còn đi xa hơn khi anh “ngông” cả với chính mình! Có lẽ cái “dễ thương” ở Lê Mai Lĩnh là ở chỗ đó! Trong tác phẩm, có hơn một lần anh nhắc đến cái hỗn danh mà thiên hạ gán cho anh: “Tên du đãng văn nghệ hải ngoại”.  Anh “ngông” cả với chính mình khi mà anh có can đảm kể ra những chuyện tiêu cực trong đời như “Thi hỏng tú tài II vì phạm trường quy…”.

Anh thú nhận: “Năm 1990, Quán Bên Đường phá sản vì tôi, vì mê gái và nhậu”. Anh cũng lại biết tự trào làm cho độc giả cười: “Tôi chỉ biết tôi nghèo và học dốt. Vì tài sản nghèo và học dốt làm sao tôi dám mơ tưởng ‘đá lông nheo’ với hoa khôi, nói chi là cận kề, ‘theo Ngọ’ lẽo đẽo”…

Trong bài nầy, nhắc đến hình ảnh Cao Thị Đồng Phước mà Lê Mai Lĩnh gọi “Trước năm 1964 có biệt danh là Nữ Hoàng Xuống Đường ở Nha Trang”… “Nay, cấp lãnh đạo của tôi một thời lãng đãng Nha Trang Cao Thị Đồng Phước, đã qua đời. Khi còn sống nàng rất thương tôi, nhưng không yêu tôi đâu, dẫu có nhiều lần hôn lên mái tóc tôi, như chị hôn em, như mẹ hôn con, chứ không bao giờ như người tình hôn người tình”. (Chị CTĐP, bạn học cùng lớp với vợ tôi từ trường nữ trung học sang Võ Tánh, trước đây chị cũng thường viết văn, gởi cho tôi đăng báo. Tôi có nghe vài “giai thoại” nhà thơ ấn hành tập thơ khi vừa bước vào trung học đệ nhị cấp và cũng hơi “thi sĩ lập dị”. Đọc những dòng “như chị hôn em, như mẹ hôn con” (trong khi lớn hơn vài tuổi) tưởng chừng nhà thơ Bùi Giáng.

Nhà thơ Trương Anh Thụy dẫn chứng khái quát cái “ngông” của chàng thi sĩ nầy… vì chỉ có bản thân nhà thơ phải viết hồi ký mới kể kết. Tự bản thân anh cũng gọi “Lê Mai Nổ, Khùng Thi Sĩ” cũng thấy cái ngông của anh. Nhà thơ không ngần ngại tự nhận mình: “Nào là, tôi đã chọn cho mình một trường phái thơ, không giống ai, tạm gọi là Trường Phái Thơ Khùng. Nào là, thơ LML là một cõi thơ riêng biệt, không giống con giáp nào và cũng không con giáp nào giống khùng. Nào là, làm thơ như nói chuyện, thật thà, ruột ngựa, đọc, không khó hiểu, không triết lý sâu xa, nhưng dễ chinh phục người đọc, ngấm sâu trong lòng, nhất là những lòng goá phụ cô đơn. Thơ của LML là loại thơ ‘sát gái’”.

Vì vậy, khoảng một nghìn bài thơ của Sương Biên Thùy, Lê Mai Lĩnh… khi biết qua bản thân của anh mới cảm nhận được ý thơ.

Trong tuyển tập Lê Mai Lĩnh: Thơ, Văn, Tiểu Luận đã đăng tải nhiều bài viết về anh.

Năm 2012, nhà thơ tâm sự:

“Bảy năm làm lính

Tám năm, sáu tháng làm tù

Năm mươi sáu năm cầm bút xung phong

Giờ 72, mình vẫn không muốn làm người đào binh

… Mình không bỏ ngũ

Mình không phản bội anh em

Mình vẫn hiện diện dưới cờ

Mình sẵn sàng xả thân cho đại nghĩa”.

Nhà văn Trương Vấn (niên đệ cùng ngọn đồi 4648 ở Đà Lạt), bạn tù ở Z30A (Ông từ trại tù Tân Lập – Vĩnh Phú chuyển vào. Tôi từ trại tù Vĩnh Quang – Vĩnh Phú đến…) trở thành bạn văn, bạn vong niên với nhà thơ Lê Mai Lĩnh trong bài Lê Mai Lĩnh & Bản Tuyên Ngôn Thế Kỷ: Sắn. Bài thơ nầy, người tù Lê Văn Chính dõng dạc đọc trong trại tù Z30A năm 1982:

“… Với cái tên Lê Mai Lĩnh, anh đã xông pha trường văn trận bút hải ngọai từ ngày đặt chân lên đất Mỹ tháng 4 năm 1994 và được nhiều bạn văn bạn viết gọi anh bằng những cái tên rất đặc trưng: Chính Sắn – Kẻ Sĩ Thời Đại – Tên Cao Bồi Hai Súng – Nhà Ái Quốc Lưu Vong – Nhà Thơ Can Trường Khí Phách – Tên Ném Lựu Đạn Đẹp Mắt v..v.. Những cái tên diễn tả thật chính xác con người Chính Sắn mà chúng tôi được biết…

Sắn tức là củ khoai mì, theo cách gọi của người miền Nam. Trước tháng 4 năm 1975, người miền Nam biết củ khoai mì vốn chỉ là món ăn chơi, chờ bữa cơm chính cho tạm đỡ cơn đói lòng…

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhiều người dân thành thị miền Nam lần đầu tiên nhìn thấy cây sắn, biết hom sắn là gì và đã nếm mùi ăn sắn thay cơm. Dạo ấy, báo chí quốc doanh, đài phát thanh ra rả những bài “nghiên cứu” về sự bổ dưỡng của sắn, của lá sắn, về hàm lượng protein cần thiết cho cơ thể con người mà sắn có thể cung cấp, nhưng dường như họ quên nói đến hay không biết sắn mang độc tính có thể làm chết người nếu ăn nhiều hoặc cơ thể yếu không có sức đề kháng.

Chúng tôi, những người tù cải tạo, “học tập” ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã biết được điều ấy không qua sách vở, mà là ở chính những ngày tháng dưới đáy cùng của địa ngục trần gian. Chúng tôi đã được ăn bo bo vỏ cứng, bắp đá, khoai lang, bột mì thô Ấn Độ nhưng sắn lát (sắn cắt từng miếng mỏng, phơi khô) là món ăn kinh hoàng nhất, đáng nhớ nhất.

… Đặc biệt có lọai sắn dù, củ nhỏ nhiều xơ, có những đường chỉ xanh dọc thân chứa đầy độc chất HCN (Hydro Cyanide, còn gọi là Acid Hydrocyanic), không có nhiều bột, không mùi vị, ăn vào miệng như nhai vỏ cây. Lọai sắn này dễ trồng, không cần nước và cho sản lượng cao, dân chúng cắm hom xuống đất bỏ đó, đến mùa thu họach ra đào đem về, chặt ra từng lát, phơi khô rồi đem đóng nghĩa vụ lương thực cho nhà nước. Giới tiêu thụ chính của nguồn lương thực này là gia súc và tù cải tạo…

Độc chất (dù với hàm lượng rất nhỏ cũng đủ) hoành hành cơ thể gầy yếu người tù. Có người về, đêm ói mửa ra mật xanh mật vàng. Nhẹ hơn, thì đầu váng vất, mắt nổ hoa, bụng quặn thắt, lúc nào cũng muốn vô nhà cầu. Ở trại Phong Quang năm 1978, sau buổi ‘bồi dưỡng’ sắn nhân một dịp lễ, đội văn nghệ chúng tôi khai bệnh quá nửa vì ói, mửa, đau bụng, kiết lỵ. Đội bên cạnh có hai người chết vì không kịp đưa đi cấp cứu, dù liều thuốc cấp cứu trị ngộ độc do sắn rất đơn giản: một ly nước đường hay mật pha đậm.

Có sống qua những ngày như thế, mới hiểu được, hiểu hết bản tuyên ngôn vinh danh Sắn của nhà thơ Sắn Lê Văn Chính, người đã thay mặt anh em vinh danh Sắn, biểu tượng của một thời chưa hề có tương đương trong tòan bộ lịch sử đất nước:

“… Sắn đã nuôi ta sống

Sắn đã hại đời ta say

Ôi những bữa ăn đắng cay

Những sắn. Toàn sắn

Sắn sớm, sắn trưa, sắn chiều, sắn cải thiện

Sắn trao đổi áo quần, sắn trộm cắp giấu diếm

Sắn nhờ thuốc thẳng, sắn lượm lặt hàng hiên

Sắn thừa mứa chó chê, người đói nghèo nhặt nhạnh

Sắn củ ngon, sắn lớn bành ky

Sắn đuôi chuột, sắn trong đống vỏ

Sắn gì cũng không chê không bỏ

Ta cứ ăn vào đầy bao tử được là hay

Đời tù no đếm được từng ngày

Ôi hạnh phúc qua đêm, bụng không cồn cào là tốt

Hỡi sắn, mày đã nuôi ta suốt bốn mùa

Sắn tươi ngọt bột nhiều ăn ngon khoái chí

Sắn chặt khúc phơi khô, nặng mùi nắng ăn vào khó chịu

Sắn dzui từng sợi ăn có mùi chua

Tất cả đều thua…

… Ôi sắn thần tiên đã đi suốt cuộc trường chinh

Với Đảng quang vinh mấy mươi năm sống còn

Nhờ cây sắn nuôi mình

Sắn vĩ đại

Sắn muôn năm

Sắn đời đời ghi nhớ

Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta

Hỡi sắn,

Có người dại khờ quên mầy nhiều chất bổ

Họ dùng sữa bột, bắp xay, gạo đỏ để nuôi gia súc

Và nhiều thứ thịt họ không thèm ăn

Đem đổ xuống đại dương tránh dòi bọ lân la lúc nhúc

Hỡi sắn,

Niềm tự hào của Đảng ta

Nhờ mầy,

Thế giới biết tên Việt Nam – Hồ Chí Minh

Và nhân dân có sắn ăn ngon bá thở

Ơn của người ta nhớ mãi trong mình

(Lê Mai Lĩnh – Sắn – Hoàng Liên Sơn 1977 – Vĩnh Phú 1979)

(Ngưng trích)

Bài thơ nầy tác giả còn dõng dạc đọc trong trại tù Z30A, may mà không “lọt” vào mắt bọn công an trại tù, có lẽ “tên tù phản động” bị cùm mọt gông.

Thơ Viết Trong Tù trong Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh: Thơ, Văn, Tiểu Luận từ trang 175 đến trang 205 đã phổ biến 15 bài thơ.

“… Duy một điều tôi cần nói với ông

Là hiện nay, nhân dân đang nguyền rủa ông quá đỗi

Họ nguyền rủa ông là làm tay sai cho CS quốc tế

Đem chủ nghĩa phi nhân, ngoại lai

Về giết hại dân lành

Họ nguyền rủa ông đã bần cùng hóa nhân dân

Đưa Dân Tộc vào tận cùng rách nát

Ông đã sản sinh một lũ máy người

Líu lo vẹt

Nói dối như Vẹm

Giết người không gớm tay

Cướp đoạt tài sản của nhân dân

Không bút mực nào kể nổi…”

(Sđd trang 183)

Với tinh thần người lính, khi ở trong trại tù vẫn hào khí nhắn gởi cho con:

“Hãy cho ngoan, dù ăn sắn, ăn khoai

Dù ăn rau, ăn cỏ, cũng nên nhìn thẳng

Dẫu quanh năm không có miếng thịt nào

Cũng phải cố giữ gìn cho thẳng”

(Lời Bày Tỏ Cùng Các Con – sđd trang 201)

Rất nhiều hồi ký, sách, bài viết về cảnh khốn cùng, nghiệt ngã trong lao tù cộng sản… những dòng thơ của Lê Mai Lĩnh cũng phác họa hình ảnh người tù trong cảnh ngộ:

“… Chào tái ngộ mùa đông miền Bắc

Năm thứ hai ta ở chốn nầy

Nơi Việt Bắc núi rừng trùng điệp

Tù khổ sai đói rét là đây

Lưng hai chén sắn phần một bữa

Nước muối thôi, liệu đủ cầm hơi

Thêm gió chướng mưa rừng dồn dập

Thêm hăm he đấm đá đủ lời

Lội ruộng sình cấy lúa vụ chiêm

Bùn ngập sâu người hơn một nửa

Ruộng trâu chê bắt người thay thế

Nhè nhẹ bò thôi kẻo chết chìm…”

(Mùa Đông Đi Cấy Ruộng Sình – Trại tù Vĩnh Phú 1979 – sđd trang 203)

“… Thân ta chúng nhốt trong lồng sắt

Ta thả hồn bay khắp bốn phương

Chân, dẫu trong cùm gông đau thắt

Tim tự do ta khắp nẻo đường”

(Vỗ Về Giấc Ngủ – Trại tù Lào Kai 1978 – sđd trang 205). Trong bài thơ nầy có hai câu nói lên khí phách của người tù Lê Văn Chính:

“Nuôi ta bao tử ngày teo lại

Ta mỗi ngày khối óc phải lớn ra”.

Bài thơ Sờ Râu Trong Tù không in trong tuyển tập nầy:

“Nơi anh ở bây giờ, dưới chân núi Chứa Chan

Trong một trại tù, rào, tường kiên cố

Nhìn mũi súng, lưỡi lê, như ra điều thách đố

Anh chỉ muốn sờ râu, cười khan.

… Trong tù, sờ râu và anh thấy hết

Thấy nước tang thương, thấy nhà tan tác

Thấy khổ ải, oan khiên, thấy trùng trùng uất hận

Và thấy mình bất lực, gặm nhấm nỗi buồn, đau man mác.

Trong tù, sờ râu và anh nghe biết

Nghe nỗi oán than của trăm họ, tiếng rên xiết của muôn dân

Và nghe thấy mình buốt nhói, đòi đoạn từng hồi.

(Trại tù Gia Rai 1982)

“Từ lúc quân dữ vào nhà Cha

Đàn con Thiên Chúa phải tan xa

Đứa lên núi thẳm, lây lất sống

Đứa vào nhà giam kiếp tù đày…”

(Giáng Sinh Trong Tù – Trại tù K4 – Vĩnh Phú – Noel 1979)

Như truyền thuyết chim phượng hoàng lao vào lửa để tái sinh thì Lê Mai Lĩnh:

“Khi tôi chết là lúc tôi bắt đầu sống

Đúng như thế không nào, những người anh em tôi”.

Vì vậy trong lao tù, Lê Văn Chính là nhà thơ bất khuất, dũng cảm nhưng ít được nhắc đến.

* Thơ Tình – Người Tình

Nhà thơ Hoàng Cầm lúc 8 tuổi mê chị Vinh 16 tuổi và sau đó với tình sử Lá Diêu Bông. Nhà thơ Lê Mai Lĩnh cũng vậy:

“Tám tuổi, viết thư tình cho cô hàng xóm

Bằng ngôn ngữ bình dân học vụ thời kháng chiến

Dùng dây chuối khô treo trước cửa nhà cô

Lúc trên đầu, phân trâu năn nỉ hoài cũng không chịu khô mau

Và nước mũi thì vô phương, bất trị”

(Thư Tình Cho Cô Hàng Xóm – 1950)

Rồi bốn năm sau với cuộc tình vô vọng:

“Này cô láng giềng của tôi ơi

Tôi yêu năm tôi 12, cô 17

Hai năm sau, cô 19, đi lấy chồng

Tôi 14 đầu còn phân trâu, hỉ mũi chưa sạch…

Từ đó tôi mất cô, tạm thời thua cuộc, đầu hàng”

Rồi bài thơ khác với cô láng giềng năm xưa:

“… Này cô láng giềng

Đã hơn 60 năm chớ có ít chi mô

Từ ngày tôi 12 gặp cô 17

Hai năm sau, cô 19, đi lấy chồng

Tôi đã biết lo sợ, rùng mình khi nhìn thấy cô”.

Đó là Lương Quyên với thi phẩm Lương Quyên, Cô Láng Giềng với bút hiệu Sương Biên Thùy.

Nhiều người cho rằng làm thư tình để gạ gẫm, tán tỉnh… người tình, nhưng với Lê Mai Lĩnh tự cho rằng thơ “sát gái” mà chưa có nhà thơ nào tự cho như vậy. Và từ đó, cho đến tuổi già:

“Kể từ khi em đến

Ngã vào lòng thi nhân

Anh không còn thi sĩ

Anh đã là thi vương.

Đời thật kỳ, em nhỉ

Tình chi mô lạ rứa

Tình thay đổi đời người

Tình phục sinh chan chứa”.

(Thơ Tình Của Một Ông Già 70)

Năm 2014 khi nhà thơ Chống Gậy Tìm Tình. Cô nữ sinh ngày xưa cùng dưới mái trường, thời gian xa cách hơn nửa thế kỷ, nơi hải ngoại, tâm đầu ý hợp, cùng làm thơ cho nhau và năm 2015 ấn hành Thơ Tình Thế Kỷ (Vương Lệ Hằng – Lê Mai Lĩnh), nhà thơ tâm sự:

“Em Nguyễn Hoàng, guốc son gõ nhịp

Anh, Nguyễn Hoàng, dép Bình Trị Thiên

Những lúc đứt quai, anh giấu biệt

Sợ em cười, cái thằng nhà quê”

Tuy nhà thơ có người vợ trẻ bên cạnh nhưng khi gặp được người xưa, trong mười tháng chàng làm 250 bài thơ, đúng là nòi tình, kẻ lãng du, bất cần thân thể.

“Mèo mỡ hai giờ bay xa

Vẫn ngàn trùng xa, mèo mỡ

Mèo đang nóng lạnh, mèo sốt

Tình ơi, tình ơi, tình ơi…

Tìm tình, chống gậy tìm tình

Một mai gậy mòn, gối mỏi

Ta lê, ta lết, ta bò

Tình ơi, tình ơi, tình ơi.”

(Chống Gậy Tìm Tình)

Trương Vấn viết: “Đọc thơ tình của Lê Mai Lĩnh, tôi như nhìn ra vẻ bối rối, sững sờ, sợ hãi, thích thú của những người nữ mà ông yêu, ông say mê, ông đắm đuối, ông tôn thờ, ông… hành hạ. Những người nữ này, chắc phải khổ lắm, rầu lắm, và cũng sướng tê lắm  khi có một người theo đuổi mang đầy đủ tính cách ngược ngạo, liều mạng, lì lợm, bất cần đời, bất cần ai như anh chàng Lê Mai Lĩnh…”

“Dẫu trò đang rong chơi mô tê

Mà đọc được những vần thơ tuyệt cú mèo nầy

Hãy về mau cho thầy hun một miếng

Đoạn ra đi, thầy cũng cam đành”

(Thư Gởi Người Học Trò – Khùng Thi Sĩ, 2016)

Nói về thơ tình của Sương Biên Thùy, Lê Mai Lĩnh trải dài qua bảy thập niên, không thể nào dẫn chứng hết. Điều đáng nói là thơ rất chân tình, không làm dáng cả khi được yêu và lúc bị bỏ rơi…

Về văn, với các thể loại tùy bút, truyện ngắn, phóng bút, tiểu luận. Và đúng như lời người bạn văn Trần Hoài Thư “Văn Thơ Lê Mai Lĩnh, Một Thông Điệp Cho Sự Thật”.

Trong thời gian qua, trên Facebook của anh, tôi cũng ngạc nhiên khi thấy anh post nhiều “bóng hồng”. Nay ở tuổi 80, anh vẫn rong chơi với chữ nghĩa, với tha nhân… Nếu triết gia Platon cho rằng “Thơ là thần hứng” thì Lê Mai Lĩnh chính là thần hứng, cảm thấy hứng thì viết, thương cũng viết, ghét cũng viết, ngay cả bản thân anh với “thất tình, lục dục”. Trong cuộc sống, ai cũng gặp phải hỷ, nộ, ai, ố, dục, cụ, lạc… nhưng không trang trải được hết qua thơ văn. Hầu hết thơ của Lê Mai Lĩnh là thơ tự do mới có được điều nầy.

Little Saigon, 11/2022

Vương Trùng Dương

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search