T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vương Trùng Dương: Tác phẩm Thế Sự Thăng Trầm của Trần Bảo Anh

Tác phẩm Thế Sự Thăng Trầm của Trần Bảo Anh, dày 280 trang, gồm các bài viết: Đẹp & Xấu, Thời Gian Hiện Tượng & Sự Tái Diễn, Từ Chối, Ngô Văn Định Lữ Đoàn Trưởng LĐ 258 TQLC, Chiến Thắng Phượng Hoàng, Ảnh Hưởng Của Lời Nói, Nói Chuyện Anh Hùng, Tôi & Ý Trời, Những Chuyện Can Đảm Cổ Kim, Cách Suy Nghĩ Của Một Người Công Chức, Lương Tâm & Lòng Tận Tụy, Bằng Trời Bằng Bể, Yêu & Rất Yêu, Đang Ở Nơi Khác, Đắc Thế Thất Thế & Tư Cách…

Bốn chữ Thế Sự Thăng Trầm trong hai câu thơ của Cao Bá Quát “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn. Yên ba thâm xứ hữu ngư châu” (Cuộc đời thăng trầm lên xuống, bạn đừng hỏi. Chốn thâm sâu khói sóng, buông thuyền câu) rất quen thuộc với mọi người nên có vài tác giả sử dụng trong mục Phiếm. (Trong các mục phiếm của tôi trước đây như Chuyện Ruồi Bu, Thiên Hạ Sự, Ngẫm Chuyện Nhân Sinh, Thế Thái Nhân Tình… cũng có Thế Sự Thăng Trầm) vì vậy khi nhận được tác phẩm, cảm thấy “gần gũi” với tựa đề.

Tác phẩm Thế Sự Thăng Trầm của Trần Bảo Anh (tên thật Tường Vi) qua các bài viết với hồi ký, tạp ghi, cảm nghĩ… trải qua ba giai đoạn trước, sau năm 1975 và thời gian tỵ nạn tại Hoa Kỳ.

Tác giả xuất thân từ Nữ Hộ Sinh Quốc Gia ở Sài Gòn, có thời gian phục vụ trong Quân Y Viện Long Xuyên, nối gót hai người anh là BS Trần Xuân Ninh, BS Trần Xuân Dũng nên cầm bút viết văn khi về hưu.

Trần Xuân Ninh, bác sĩ giải phẫu nhi khoa của bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn. Trước ngày 30/4/1975 gia đình ra Vũng Tàu di tản nhưng bất thành. Sau tháng 4/1975 bị tù trong 27 tháng. Tháng 8 năm 1978, vượt biển, định cư tại Mỹ. Nhiều bài viết của ông được phổ biến trên các websites. Sau nầy, ông nghiên cứu về Phật Giáo.

Bác Sĩ Thiếu Tá Trần Xuân Dũng phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, Y Sĩ Trưởng của Chiến Đoàn B TQLC. Thời còn sinh viên đã sinh hoạt văn học nghệ thuật trong tờ Tình Thương của các Sinh Viên Y Khoa.

Bác Sĩ Trần Xuân Dũng (định cư ở Úc) viết rất nhiều bài (nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa đã hân hạnh đăng nhiều bài viết của tác giả). Thơ, văn của Trần Xuân Dũng là thơ văn trong tinh thần của người chiến sĩ trong QLVNCH. Trải qua các trại tù Long Giao, Suối Máu, Bù Gia Mập… Trong các tác phẩm có Hồi ký Sống Chẳng Còn Quê, ghi: “Những chiến sĩ đã hy sinh vì lý tưởng Tự Do. Những người đã từng sống trong ngục tù Cộng Sản. Những người vượt biển tìm tự do. Những người đánh mất quê hương. Và các anh em trong dòng họ Trần Xuân”. Cuốn tự truyện dày 685 trang đã kể lại cuộc đời của ông từ khi ông mới sinh ra đời (1939) cho tới khi định cư ở Úc Đại Lợi từ năm 1978 cho tới năm 2018. Ngoài ra, tác phẩm Văn Học Quân Đội, ấn hành năm 2019 là tài liệu Văn Học quý giá.

Tác giả Trần Bảo Anh xuất thân từ Nữ Hộ Sinh Quốc Gia ở Sài Gòn, có thời gian phục vụ trong Quân Y Viện Long Xuyên, nối gót hai người anh là BS Trần Xuân Ninh, BS Trần Xuân Dũng nên cầm bút viết văn khi về hưu.

Trần Xuân Ninh, bác sĩ giải phẫu nhi khoa của bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn. Trước ngày 30/4/1975 gia đình ra Vũng Tàu di tản nhưng bất thành. Sau tháng 4/1975 bị tù trong 27 tháng. Nhiều bài viết của ông được phổ biến trên các websites. Sau nầy, ông nghiên cứu về Phật Giáo.

Hai anh em trong ngành Y Khoa, sau thời gian lao tù tuy được trưng dụng nhưng không thể chấp nhận cuộc sống dưới chế độ Cộng Sản nên tìm đường vượt biên. Và, người em gái Trần Bảo Anh đã bỏ nghề, vượt biên. BS Trần Xuân Ninh & Trần Bảo Anh định cư ở Mỹ. Trong bài Ba Mươi Tháng Tư, BS Trần Xuân Ninh viết: “Sau chuyến vượt biển mùa bão thoát chết những đợt sóng dâng cao như trái núi, nhưng mất đứa con trai hai tuổi rưỡi vì chết khát 10 tiếng đồng hồ trước khi may mắn lên đảo Pag Asa (đảo Hy Vọng) do Phi Luật Tân chiếm giữ trong quần đảo Trường Sa. Gia đình tôi gồm một vợ hai con gái 3 và 5 tuổi với một cô em gái, là một trong những gia đình thuyền nhân đầu tiên được vào Mỹ, vì lý do nhân đạo, sau khi phái đoàn Úc từ chối không nhận cho sang Úc mà ước vọng lúc đó là để làm nông dân ở xứ đất rộng người thưa”.

Vì vậy trong hai trăm trang (2/3 của tác phẩm), những bài viết về người lính, nhất là binh chủng Thủy Quân Lục Chiến của Trần Bảo Anh như “người lính cầm bút”.

*

Trước khi đề cập đến tác phẩm Thế Sự Thăng Trầm của Trần Bảo Anh, trích hai bài viết của BS Trần Mộng Lâm và BS Thân Trọng An. Bạn văn với nhau từ tờ Tình Thương.

Trích bài viết của BS Trần Mộng Lâm: Nhật Ký Của Một Nữ Hộ Sinh.

“… Sau 75, nhiều hồi ký đã xuất hiện. Có những người trong quân đội nói về các trận đánh, có những cựu học sinh nói về mái trường của mình, có Chu Văn An, có Petrus ký, có Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm, có Y Khoa, có Dược Khoa, nhưng có một cái trường mà thú thật, đây là lần đầu tiên tôi được thấy, tôi được đọc…, đó là trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia…

Tôi vừa nhận được từ tác giả cuốn sách đó. Cuốn sách mang tên Thế Sự Thăng Trầm. Tác giả là Trần Bảo Anh. Thoạt nhìn tên, người ta nghĩ rằng tác giả phải là một người đàn ông đã chín chắn, đã có một kinh nghiệm nào đó với cuộc đời, bởi đã dám đề cập tới thế sự. Bởi những lẽ đó, khi đọc xong, ngạc nhiên được biết tác giả là một phụ nữ, một cựu học sinh của trường Nữ Hộ Sinh. Thế sự thì nhiều vô kể, nhiều mặt, nhiều lãnh vực. Thế nhưng thế sự quan trọng nhất đối với một con người là thế sự liên quan đến  họ và sau đó mới tới thế hệ của họ, nói chung.

Vì thế, cuốn Thế Sự Thăng Trầm liên quan đến vận mệnh của một người nữ hộ sinh, học và ra trường, hành nghề tại Miền Nam trong các thập niên 60, 70, trước và sau khi Sài Gòn sụp đổ. Liên quan đến Miền Nam, đến những người công chức, quân nhân, đến những mẩu chuyện đời, xưa và nay đối chiếu. Kể cũng lạ, vì nữ giới ít đề cập tới đề tài này.

Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia năm cạnh Bảo Sanh Viện Từ Dũ, nơi mà sau này Việt Cộng đổi tên thành xưởng đẻ Từ Dũ cho xứng với danh xưng  “đỉnh cao nhân trí tuệ” của bọn chúng…

Nhờ sự tiết lộ của tác giả, ta biết rằng thời gian huấn luyên là ba năm sau Tú Tài. Về ăn ở, sinh hoạt, kỷ luật, thì cũng như một quân trường, rất nghiêm ngặt, có các huấn luyện viên, gọi là các “mô” (monitrice) giám sát. Về chuyên môn, thì việc đào tạo và thực tập không khác trường Y, nhưng hạn chế trong một môi trường giới hạn hơn. Tác giả đã mô tả một cách rất tỉ mỉ về ngôi trường, các nhân vật nay đã đi vào dĩ vãng, những ông thầy, những nhân viên, những người gác gian (sic), tất cả. Có khi dễ thương, có khi khó chịu, nham hiểm, nhưng họ cũng đã để lại những dấu vết khó quên.

Một năm. Hai năm. Rồi 3 năm, người đọc được tác giả dẫn dắt cho tới khi ra trường, vào nghề…

Ra trường, người Sage Femme đó (khi còn được huấn luyện trong trường, họ được gọi là Sage Fille), dù đậu cao, tình nguyện đi xuống Miên Tây phục vụ. Và kỳ lạ thay, bà đã chọn nhiệm sở đầu tiên là Quân Y Viện Long Xuyên – Phải chăng nghề nhiệp của hai người anh đã ảnh hưởng đến bà, nhất là người anh thứ hai, một bác sỹ Thủy Quân Lục Chiến, người đã viết câu: “Chửi đích danh mày, Hồ Chí Minh”, mà tôi rất tâm đắc. Anh là ai, chắc khỏi phải nói tên anh ra ở đây. Vào thời điểm đó, tôi còn ở trong quân đội, và cũng phục vụ tại Miền Tây, tỉnh Cần Thơ, cách Long Xuyên không xa. Những gì tác giả nhìn thấy tại Long Xuyên cũng là những gì tôi nhìn thấy tại Cần Thơ, những thương binh, những chết chóc, những đổ vỡ, máu và nước mắt,… và chiến tranh… Khác hơn là sau đó tác giả thuyên chuyển về bệnh viện Từ Dũ trong khi tôi ở lại đến ngày định mệnh.

Rồi ngày 30 tháng Tư năm 1975 đến với người dân Miền Nam như một tai họa trên trời rớt xuống. Tác giả phải miễn cưỡng ở lại với quân thù, phục vụ trong hàng ngũ họ mấy năm trời, nạn nhân của những cán bộ xuất thân là các “phu quét đường”. Làm như quét đường mãi thì thành nữ hộ sinh lãnh đạo, không cần học Anatomie, không cần học Physiologie!. Trong bối cảnh đó, nhờ người anh Thủy Quân Lục Chiến, bà vượt biên và định cư ỏ Mỹ, đến nay đã được mấy chục năm, dĩ nhiên không trở lại với nghề nghiệp của mình được, tuy không bao giờ quên được mộng ước của thời son trẻ, thời của một Sage Fille.

Thời gian cứ lạnh lùng trôi. Ngày nay bà đã ở vào một giai đoạn “không phải lo đến cơm áo” nữa nên có cơ hội nhìn lại đời mình, có cơ hội viết về thế sự thăng trầm. Những gì đọc trong cuốn sách đó là những chuyện nhiều khi đã biết, nhiều khi chưa, về những người sống tại Miền Nam, quân, cán, chính… đủ các hạng người. Mẫu số chung của họ là lòng can đảm, là sự lương thiện. Nhưng ở đây có một nhận xét là những người ở trong quân chủng Thủy Quân Lục Chiến được ưu tiên hơn các người khác. Những gì đã được viết ra, đáng để tác giả đạt danh hiệu “Người Binh Nhì Danh Dự của Thủy Quân Lục Chiến”. Dĩ nhiên không thể quên sự uyên bác của tác giả khi so sánh những nhân vật ngày nay với những nhân vật của một thời xa xưa, của những truyện Tầu mà chúng ta say mê khi còn nhỏ.

Mấy chục năm ở Mỹ, nằm nhà Mỹ, ăn cơm Mỹ mà tác giả viết rất ít về quãng đời sau. Hình như những năm tháng đó đối với tác giả mới là giá trị, mới là đáng nhớ, tuy nó rất ngắn ngủi.

Tác giả cho biết khi chấm dứt phần hồi ký: Chỉ tiếc rằng không có cơ hội làm Sage Femme trở lại, vì tôi luôn luôn nghĩ rằng “deliver a baby” là cả một nghệ thuật. Âu cũng là ý trời…

Vâng, âu cũng là ý trời, cả nước Việt Nam cũng thế”

(BS Trần Mộng Lâm)

*

Trích bài viết của BS Thân Trọng An: Vài Cảm Nghĩ Thô Thiển Sau Khi Đọc

“… Dù đã tự bảo phải đọc từ từ mà khi lỡ đọc vài trang đầu là tôi quên hết, say sưa đọc luôn một mạch cho hết 280 trang đến gần 3 giờ sáng mới buông ra nổi vì sách quá hấp dẫn và lôi cuốn.

Bìa trước và bìa sau như tranh thủy mạc, trích 4 câu thơ của Vũ Hoàng Chương luận chữ “về” khiến tôi liên tưởng đến quyển “Sống Chẳng Còn Quê” của anh Trần Xuân Dũng là bào huynh của tác giả,

Sách không “lời nói đầu”, không “lời bạt” chứng tỏ tác giả không câu nệ hình thức kiểu “ước lệ phải đạo”. Cách bàn đến 15 tiểu đề, như 15 tiểu luận, nói chung rất hợp với tâm tư “người tử tế thời VNCH” chúng ta được nuôi dưỡng và lớn lên trong đạo nghiã và nhân văn…

Nếu lịch sử là những “chuyện lập đi lập lại” (tái diễn) của nhiều biến cố dù có hơi khác nhau vì thời gian hay vì thời thế, thì ta có thể nhận định Thế Sự Thăng Trầm là một quyển sách tản mạn rất nhiều chi tiết lịch sử. Mà là lịch sử từ Á sang Âu, từ Việt Nam sang Pháp, sang Mỹ, từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, hay thời Hán Sở – Tam Quốc, từ Sài Gòn sang Hoa Thịnh Đốn, Từ Long Xuyên đến San Francisco… cũng như tác giả có lúc đi khắp thế giới.

Sách trích dẫn cũng khá độc đáo, từ Kinh Phật đến Kinh Thi, từ “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” (tựa sách của TS Nguyễn Tiến Hưng), Văn Học Quân Đội đến Tân Liêu Trai …

Thời gian so sánh những sự kiện “giống nhau” cũng ly kỳ. Có khi cách nhau cả nghìn năm, cả thế kỷ, nhưng cũng có lúc chỉ vài tháng, vài thập niên! Vinh danh anh hùng hay nữ anh hùng thì có đủ danh nhân Việt, Pháp, Tàu… mà đâu cần phải là tướng tá hay sĩ quan cao cấp, lính trơn hay hạ sĩ quan cũng lắm người “rất anh hùng”. Đâu ai mang thành bại mà luận anh hùng được.

Viết về cá nhân và gia đình mình, tác giả kể sơ sài thời thơ ấu, lúc hàn vi vì chiến tranh, tả phớt qua cảnh thiếu tình mẫu tử vì mồ côi mẹ lúc 3 tuổi đời nhưng được hai anh bảo bọc tận tình, những khó khăn và cố gắng vượt bực lúc học nghề như phần đông thế hệ trung lưu chúng ta. Vì không có lý lịch “ba đời bần cố nông” nên tác giả đã khổ ải dưới thời Cộng Sản.

Gấp quyển sách lại, tôi thấy bồi hồi vì sống lại một phần thời niên thiếu của mình, dù hoàn cảnh cá nhân tôi may mắn hơn chút đỉnh…”

(BS Thân Trọng An)

*

Như đã đề cập ở trên qua những dòng của hai người anh của tác giả Trần Bảo Anh đôi nét về gia đình với dòng thời gian.

Trong bài viết Tôi & Ý Trời, tác giả chia sẻ: “Tôi mất mẹ năm lên ba tuổi. Ông nội tôi cùng với ba tôi và ba anh em chúng tôi tìm đường ra Hà Nội để tránh bọn Việt Minh. Ông yêu thương dạy dỗ ba anh em chúng tôi, trong khi ba tôi đi làm.

Ba năm sau, ba tôi tục huyền. Đến năm 1954, ông nội và chúng tôi di cư vào Sài Gòn để tránh bọn Việt Cộng” (sđd trang 120).

“Tôi bước vào một nỗi khốn khổ khác, vừa đi học, vừa đi chợ, nấu cơm, lau chùi nhà cửa, giặt quần áo, vừa bế em (half sisters, half brother) con bà mẹ kế bên lòng, vừa học bài thi, vẫn còn bị ăn đòn” (sđd trang 121).

Năm 1965, khi người anh kế, Trần Xuân Dũng tốt nghiệp bác sĩ và phục vụ trong Quân Y, khuyên cô em vào trường Nữ Hộ Sinh.

“Hai anh bàn với nhau cho tôi vào nội trú. Đóng tiền nội trú, hai anh em sẽ cho. Hai anh phải nói dối với ba tôi là học nghề nầy bắt buộc phải ở nội trú và không phải trả tiền. Ba tôi đồng ý cho tôi rời nhà vào nội trú” (sđd trang 120).

Sau 3 năm, khi tốt nghiệp “Tôi quyết định chọn Quân Y Viện Long Xuyên… là bệnh viện Quân Đội ((sđd trang 149).

Sau ngày mất nước, tác giả được “trưng dụng” nhưng “Sau một thời gian, 7 cô gốc gác vào “biên chế”, trừ tôi. Lời giải thích vì nhà tôi có nhiều Mỹ Ngụy”, tôi phải “phấn đấu, tiến bộ nhiều hơn” (sđd trang 159).

Ngày 02 tháng 8, 1978 “Ba giờ chiều hôm ấy tôi đi vượt biên tại Phú Xuân – Nhà Bè, mà sự chết lên đến 99%, vì không thức ăn, không nước uống, không dầu và gặp bão lớn, nhưng còn may mắn không bị cướp. Sàn tàu đã bắt đầu vỡ chỉ còn đáy tàu (con tàu nhỏ chỉ 11×2.5 mét). Sau 7 đêm 6 ngày, tôi đã đến được bến tờ Tự Do Philippines… Bảy tháng sau tôi được định cư ở North California, Hoa Kỳ” (sđd trang 162).

Đảm trách tờ báo, vào mỗi dịp hè, tôi chọn các bài viết về vượt biên, vượt biển… để nhớ lại tháng ngày nghiệt ngã, đau thương, phải liều mạng “bỏ nước ra đi”! Bao nhiêu thảm cảnh xảy ra, vô cùng cảm động và xót thương.

Tháng 8 năm 2022, anh Bùi Đức Tính ở Canada chuẩn bị ấn hành hồi ký Thuyền Đời qua 23 chương, nhờ tôi viết Lời Giới Thiệu trong tác phẩm. Chiếc ghe số 3392 vượt biển, gặp bão và mấy lần hải tặc đâm nát, chìm trên biển! Anh được may mắn sống còn.

Nay hình ảnh vượt biên nầy, tuy tác giả Trần Bảo Anh không ghi nhiều chi tiết nhưng cũng nói lên thảm cảnh của nữ giới phải đối mặt với thảm cảnh xảy ra vì hai chữ “Tự Do”.

Với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, tác giả đã có thời gian dài phục vụ trong Quân Y Viện, gần gũi, chăm sóc thương bệnh binh trong QLVNCH vì vậy với sự biết ơn và trân quý đó, theo năm tháng nơi hải ngoại, các đề tài liên quan đến Quân Đội, tác giả chịu khó sưu tầm để trích dẫn.

Trong bài Những Chuyện Can Đảm Cổ Kim (sđd từ trang 165 đến trang 183), tác giả đề cập đến những hình ảnh: BS Lê Thành Ý, Trung Sĩ Lượm, Thiếu Tá Tô Văn Cấp, Thiếu Tá Lê Quang Liễn, Người tù kiệt xuất Nguyễn Hữu Luyện…

Ngoài sách báo, Quân Sử QLVNCH, tác giả am tường sách cổ như Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc Chí, Sử Ký Tư Mã Thiên (cả chuyện kiếm hiệp của Kim Dung) rồi từ nhân vật, mẩu chuyện xa xưa… dẫn chứng để suy ngẫm. Trước đây, tôi đã đọc những tác phẩm của cụ Mộng Bình Sơn (1923-2011) về Luận Cổ Suy Kim nhưng “suy kim” của cụ không liên quan đến cuộc chiến tại miền Nam VN và sau khi đất nước rơi vào tay Cộng Sản. Với tác giả Trần Bảo Anh thì “suy kim” với nỗi lòng của người Việt mất nước, tha hương… với uất hận, thương xót.

Trang bìa sau của tác phẩm ghi 4 câu thơ của Vũ Hoàng Chương, nhân đây gợi đến hình ảnh ẩn chứa trong những câu thơ với bài Phương Xa của nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng là tâm trạng của bao người mất nước, tha phương:

“Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bảy đứa,

Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,

Bể vô tận, sá gì phương hướng nữa,

Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy lênh đênh.

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,

Một đôi người u uất nỗi chơ vơ.

Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,

Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ”.

Hơn hai thập niên về trước, tôi viết bài về các chiến hữu Biệt Kích nhảy toán trên đất Bắc, khi luận về hai chữ anh hùng, các cụ ngày xưa của ta thường lấy hình ảnh Kinh Kha bên Tàu mà trong lịch sử Việt Nam trải qua các thời kỳ Bắc thuộc, các bậc tiền nhân của ta với tấm lòng yêu nước đã cam đảm, dũng cảm hy sinh cho tiền đồ dân tộc nhưng bị lãng quên! Giai thoại kể rằng Kinh Kha vào thế kỷ thứ II trước công nguyên bên Tàu. Trước khi hành thích bạo chúa Tần Thủy Hoàng, “Thái tử Đan mở tiệc chiêu đãi, các cung nữ gảy đàn ca múa rộn ràng. Kinh Kha cao hứng, khen bàn tay của một cung nữ. Một lúc sau có người dâng lên Kinh Kha chiếc khay phủ khăn gấm, thì ra bên trong đựng hai bàn tay của người cung nữ kia”. Nếu là người có tấm lòng đạo đức thì không bao giờ chấp nhận hành động bạo tàn như vậy. Người đời chỉ ngưỡng mộ nhân vật đủ tài và đức.

Tôi tâm đắc với quan niệm của tác giả Trần Bảo Anh: “Khi bàn về Anh Hùng, thì phải xem cái cách họ suy nghĩ ra sao, từ khi chưa có gì, cư xử như thế nào lúc đắc thế và hành động những gì trong hoàn cảnh bị sa cơ” (sđd trang 106). Trong tác phẩm nầy, tác giả đã dẫn chứng tiêu biểu gương anh hùng của người lính VNCH không những dũng cảm trên chiến trường mà lúc sa cơ trong lao tù Cộng Sản vẫn giữ được khí phách…

Trong bài thơ Anh Hùng Vô Danh của Đằng Phương (GS Nguyễn Ngọc Huy) “Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho tổ quốc” có những câu thơ với hình ảnh:

“Họ là những anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước…

… Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc,

Cười hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan,

Người thất cơ đành thịt nát xương tan

Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển…

… Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi

Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình

Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh

Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch…”

Cảm ơn tác giả Trần Bảo Anh qua những trang sách nói lên tấm lòng của người bỏ xứ, tha hương với “những anh hùng không tên tuổi” đó để thế hệ hậu sinh hiểu rõ.

Little Saigon, Feb 2023

Vương Trùng Dương

* Email tác giả Trần Bảo Anh: saigon2878@hoai-nam-hoi-ky-cai-tao

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search