T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: CHẲNG THIẾU CHI NHIỀU CHỈ THIẾU TÌNH YÊU (*)

clip_image001

Cuội thì sau cuộc phiêu du

Cuội ngồi thương nhớ quê nhà xa xôi

(Một Đàn Chim Nhỏ – Phạm Duy)

Anh K thương mến,

Trong thư vừa rồi anh hỏi em và cả nhà ăn tết có vui không. Tất nhiên là vui. Vui vì con cháu về đông đủ , vui vì đất trời êm ả, vui vì Tết là dịp mình có thể bất ngờ đón tiếp những người bạn tưởng chừng không bao giờ gặp lại.

Nhưng khi Tết qua rồi, em lại thấy lo. Lo không biết năm nay cuộc sống của dân mình còn suy sụp đến đâu, các con em có kiếm đủ sống không . Ở đất nước mình sống mà không an tâm chút nào.. Ra đường, lo tai nạn, cướp giật. Đi làm, lo mất việc. Đi ăn, lo thực phẩm tẩm hóa chất. Đi chơi lo bị đeo bám, chặt chém . Đi mua hàng lo bị mua trúng hàng dỏm, đi bệnh viện lo không chịu nổi viện phí…

Thư nào anh cũng hỏi quê mình, bà con mình bây giờ ra sao.

Em chẳng biết nói gì đây.

Đã nếm mùi đói khổ, chết chóc vì chiến tranh người dân mình yên phận trở về với ruộng đồng, mơ một cuộc sống bình yên.

“Ngày trở về lúa ngô vui tươi hát mừng trước ngõ

Gió mát trăng thanh,

Ôi ngày trở về, có anh thương binh sống đời hòa bình,,,”(*)

“Đời hòa bình”, nghe thật êm ái.Cứ tưởng im tiếng súng là có đời hòa bình, tất nhiên như hết đêm thì phải đến ngày . Nhưng thật khó hiểu khi đất nước mình hết chiến tranh rồi mà như cứ mãi chìm trong màn đêm dài tăm tối.

Mỗi lần đọc báo nghe tin giá phân bón tăng cao nhưng lúa bị ép giá phải bán lỗ, có khi bán không ai mua , lòng em quá là đau xót. Một dân tộc hơn 90 triệu dân với 70% là nông dân mà hột lúa hai sương một nắng không mang lại hy vọng nào thì biết sống làm sao?

Ở Dalat Tết vừa rồi hoa lay ơn bị cắt cho bò ăn, bắp cải , xà lách cũng chung số phận . Trong khi ấy ở thành phố, người nghèo đi chợ không mua nổi bó rau, miếng thịt . Người trồng rau, người nuôi gà, nuôi heo lẫn người tiêu thụ không gặp được nhau khi có những bàn tay vô hình và vô cảm thao túng cả đôi bên.

Xăng, gas, điện, nước độc quyền tăng giá.

Người nghèo bị bỏ rơi như thế đó.

Miền trung quê mình mấy năm nay người dân trồng hàng ngàn hecta mía.

Bị nhà máy đường ép giá, mía khô chất đống trên đường , nông dân mất trắng.

Nhà nông không còn yêu đất . Nhà nông không còn yêu luống rau, thửa ruộng, mảnh vườn.

Nhà nông mơ con mình được làm sinh viên để về thành phố làm cho “công ty”

Bao nhiêu tiền bạc, của cải, ruộng vườn nhà nông bán hết cho con đi học.

Nhưng lớp trẻ của nước Việt hôm nay bằng cấp thì thừa, năng lực thì thiếu, tư duy mù mờ về hiện tình đất nước.

Ra chốn thị thành, con nông dân sống tạm bợ trong những nhà trọ tồi tàn, ăn cơm bụi nguội lạnh với thịt ôi, rau thối kiếm tìm một tương lai mờ mịt.

Một thế hệ tiếp nối của đất nước bị bỏ rơi giửa lòng phố xá có quá nhiều tệ nạn, hiểm nguy vây bủa.

Bỏ ruộng đồng đi làm công nhân nhà máy, người nông dân biến thành những bợm nhậu ngật ngừ sau một ngày kiệt sức .

Tội nghiệp nhất là các nữ công nhân. Các chị không còn được cái hạnh phúc yên tâm gửi cháu cho bà nội như ngày còn đi cấy, đi gặt. Đứa bé bây giờ không còn được yên giấc trong vòng tay êm ái của bà :

“Cái ngủ mày ngủ cho ngoan

Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về…”

Những bà mẹ trẻ ấy hàng ngày đã phải rơi nước mắt vì không còn cách nào khác, gửi con cho các nhà trẻ tự phát với những người giữ trẻ ác nhơn. Có những đứa trẻ mới biết bò đã bị đánh đập, tát tai dã man và đã có bé bị bảo mẫu dậm chết.

Đau đớn biết bao khi trẻ thơ bị bỏ rơi…

Hơn mười năm rồi, một tập đoàn Hàn Quốc hợp tác với VN đã chiếm cứ bờ biển tuyệt đẹp của quê mình. Nghe cho oai là sửa chữa và đóng tàu, thực chất họ biến quê mình thành một bãi rác thải công nghiệp.

Công nghệ phun hạt nix làm sạch thân tàu trước khi sơn đã để lại hàng triệu tấn bụi hóa chất . Công nghệ lạc hậu ấy các nước đã cấm, bây giờ để lại hàng núi hạt nix thải trên bờ biển đẹp của quê mình. Đáy biển trong veo của Ninh Thủy bây giờ lắng đọng cả mét rác rến , sơn, sắt vụn. Váng dầu trôi đầy trên vịnh Vân Phong.

Vừa có nhân công giá rẻ mạt, vừa tha hồ làm ô nhiễm môi trường, Hyundai , Vinashin lại được coi là thành tích công nghiệp hóa đất nước và nhờ nó mà người dân có việc làm.

Cái giá cho miếng cơm người dân Việt rẻ đến thế sao?

Con người bị bỏ rơi

Rừng bị bỏ rơi,

Biển bị bỏ rơi,

Ruộng vườn bị bỏ rơi

Lịch sử bị bỏ rơi.

Văn hóa bị bỏ rơi,

Nếu anh về thị trấn của mình anh sẽ thấy có hàng trăm quán nhậu nhưng anh sẽ không tìm ra một tiệm sách.

Người Việt bây giờ gần như đã mất đi niềm hạnh phúc đọc sách.

Cũng chẳng trách. Sách ở VN vừa đắt lại vừa xa lạ.

Nếu anh về tìm lại những lăng, miếu, đình chùa, anh sẽ thấy đau lòng vì nét rêu phong, u tịch không còn. Tất cả những gì thuộc về di tích đều đã chết trong cỗ áo quan tô trét bằng xi măng sơn phết lòe loẹt.

Không còn giặc ngoại xâm mà chừng như mình đã mất nước…

Em đọc được trong một tài liệu kể về nước Nhật . Khi thu hoạch lúa, khoai , đậu bắp, ngưởi nông dân luôn để lại một vạt lúa, một vạt đậu , nửa luống khoai … dành cho sóc, chim, chuột. Một chi tiết nhỏ bé như thế nhưng biết đến bao giờ dân tộc Việt mới vươn tới.

Thật đau đớn khi nhìn thấy cảnh người dân xô đẩy nhau cướp bất cứ thứ gì từ những chiếc xe tải chở hàng bị tai nan, lật nhào bất kể tài xế đang quỳ xuống van xin.

Thống kê ở Nhật cho biết 40% vụ trộm cắp có liên quan đến người Việt.

Thống kê ở Mỹ cho biết mỗi năm có hàng triệu con chó bị giết làm mồi nhậu ở nước mình!

Có còn lời nào để nói cho hết những thảm cảnh ở một nơi gọi là quê hương.

Nhưng người nông dân Nhật sống bình an , tư cách như thế vì họ không bị bỏ rơi.

Nông sản từ công sức của họ làm ra đươc có những chính sách bảo hộ . Khoa học kỷ thuật luôn giúp sức để nhà nông vui vẻ cảm thấy mình được xã hội biết ơn.

Ngày trước người dân Việt nghèo nhưng hiền lắm.

Ai cũng biết thương chàng Lục Vân Tiên nghĩa khí, quý Hớn Minh ,Tử Trực bạn hiền, ghét Trịnh Hâm, Bùi Kiệm.

Nét đẹp cần lao tỏa ra từ những giọt mồ hôi của người nông dân trên ruộng đồng, của người đạp xe xích lô trong hẻm nhỏ, người bán hàng rong trên hè phố…

Có ai đi theo cái ác đâu.

Có ai mong trở thành ăn trộm.

Họ sẽ không trở thành những kẻ trộm cướp, man trá, tham lam nếu họ được sống trong một chủ nghĩa không tham lam , không dối trá , không vô trách nhiệm .

Nước Nhật  nhờ có một vị vua   biết cái  khổ, cái nhục của một đất nước lạc hậu, quyết chí canh tân xứ sở và chỉ trong 40 năm   nước Nhật đã đứng vào vị trí được thế giới nể trọng.

Người dân Việt 40 năm sau chiến tranh ngày càng đi đến chỗ bị đói khổ, bị khinh khi.

Thật buồn phải không anh?

“Một chiều thái bình cô liêu

Chẳng thiếu chi nhiều chỉ thiếu tình yêu

Ố tang tình tang, ố tang tình tình..” (*)

Không ngờ bài hát thuở nhỏ anh em mình hay hát bây giờ lại thấm thía như vậy.

Kể cho anh những điều vui hơn.

Đỉnh núi Hòn Hèo ở phía mặt trời mọc vẫn luôn luôn quấn một dãi mây trắng mỗi khi trời sắp mưa.

Hòn Vọng Phu mà sự tích của nó anh em mình vẫn khóc mỗi khi mẹ kể vẫn còn đó nơi buổi chiều mặt trời đi ngủ.

Em gái

Huyền Chiêu

(*) lời nhạc Phạm Duy

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search