T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT- (47) _ NHẠC PHÁP – Histoire d’un amour (Chuyện tình yêu)

clip_image001

Ca khúc thứ hai trong phần “Nhạc Pháp” chúng tôi gửi tới độc giả là Histoire d’un amour, một bản Bolero bất hủ, ngày ấy rất được yêu chuộng tại miền Nam VN qua tiếng hát của nữ danh ca Pháp Dalida, và được nhạc sĩ Pham Duy đặt lời Việt với tựa Chuyện tình yêu.

Với người yêu nhạc Pháp trên thế giới thuộc ba thế hệ liên tiếp, Dalida là tên tuổi lớn nhất, được ái mộ nhất từ giữa thập niên 1950 tới giữa thập niên 1980, và rất có thể còn trong nhiều thập niên nữa, nếu như “nữ hoàng không ngai” ấy không tự kết liễu đời mình vào năm 1987.

Phụ lục (1): Bambino (1956), Dalida

Phụ lục (2): Pour te dire je t’aime (1984), Dalida

Trước khi viết về ca sĩ, xin viết về ca khúc: Histoire d’un amour.

Khác với trường hợp bản Besame Mucho mà ngay tự tựa đề đã cho biết đây là một ca khúc có gốc gác Mỹ la-tinh (các xứ nói tiếng Tây-ban-nha), trước năm 1975 tại miền VN, không mấy người biết Histoire d’un amour chỉ là phiên bản tiếng Pháp của một ca khúc nguyên tác tiếng Tây-ban-nha: Historia de un amor (A love story) của tác giả Carlos Eleta Almaran.

clip_image003

Carlos Eleta Almaran (1918-2013)

Carlos Eleta Almaran (1918-2013) là một nhân vật đầy giai thoại của xứ Panama, ông không chỉ là một doanh gia thành công mà còn là một nhà viết ca khúc, nhà hoạt động chính trị, và ông bầu quyền Anh uy tín!

Lời hát của Historia de un amor diễn tả tâm trạng thảm sầu, tuyệt vọng của một người đàn ông khi hồi tưởng mối tình lớn nhất đời mình, mà trong trường hợp này chính là người em trai Fernando của tác giả, vừa mất người bạn đời yêu quý.

Tuy nhiên về sau, khi Historia de un amor đã trở nên quá phổ biến, chẳng còn mấy ai để ý tới bối cảnh sáng tác, ý nghĩa ban đầu, và với cả ca sĩ lẫn thính giả, đối tượng trong lời hát có thể là nam hay nữ.

Carlos Eleta Almaran kể lại một cách chi tiết hoàn cảnh ra đời của Historia de un amor như sau:

Trong năm 1955, cô vợ Mercedes của Fernando đang mang thai bị lâm trọng bệnh. Biết mình không qua khỏi, Mercedes đã trối trăn với Carlos xin ông nâng đỡ, an ủi Fernando trước nỗi đau khổ tuyệt vọng vì mất mát lớn lao này. Carlos Eleta Almaran hứa, và ba tiếng đồng hồ sau đó, ông đã biến nỗi xúc động trong lòng thành ca khúc Historia de un amor.

Lời hát trong nguyên tác của Carlos Eleta Almaran khá dài, được trang mạng lyricstranslate.com dịch sang tiếng Anh như sau:

A Love Story

You’re no longer by my side, my love
There’s only loneliness in my soul
And if I can’t see you anymore
Because God made me to love you
For suffering me more

You were always the reason for my existence
Adoring you was my religion
And in your kisses I found
The warmth that you gave me
The Love and passion

It’s a love story
Like there’s no other
That made me understand
All the good and all the evil
That gave light to my life
Turning it off again
Oh what a dark life
Without your love I won’t survive
A love story

You’re no longer by my side, my love
There’s only loneliness in my soul
And if I can’t see you anymore
Because God made me to love you
For suffering me more

It’s a love story
Like there’s no other
That made me understand
All the good and all the evil
That gave light to my life
Turning it off again
Oh what a dark life
Without your love I won’t survive

You’re no longer by my side, my love
There’s only loneliness in my soul
And if I can’t see you anymore
Because God made me to love you
For suffering me more

Chúng tôi không biết bản dịch Anh ngữ nói trên trung thực với nguyên tác tiếng Tây-ban-nha tới mức nào, chỉ biết sau khi Carlos Eleta Almaran qua đời, trang mạng latinmusic.about.com đã ca tụng “lời hát của Historia de un amor là một trong những lời hát đáng ghi nhớ nhất trong lịch sử ca nhạc Mỹ la-tinh”.

Về phần nhạc, Historia de un amor cũng được mọi người xem là một trong những bản Bolero trữ tình nhất xưa nay.

Historia de un amor được Leo Marini, nam ca sĩ chính của ban nhạc La Sonora Matancera (Cuba), trình bày đầu tiên; qua năm 1956, Historia de un amor được nữ danh ca kiêm minh tinh màn bạc Á-căn-đình Libertad Lamarque (1908-2000) trình bày trong cuốn phim có cùng tựa do bà thủ vai chính; và từ đó trở thành một trong những tình khúc Mỹ la-tinh được ưa chộng nhất trên thế giới.

[Trên Internet, có ít nhất một tác giả viết rằng ca khúc Historia de un amor được Carlos Eleta Almaran sáng tác cho một cuốn phim có cùng tựa. Viết như thế là không chịu tìm hiểu tới nơi tơi chốn, làm giảm giá trị tinh thần của ca khúc để đời này]

Trong số hàng trăm ca sĩ, ban hợp ca nổi tiếng quốc tế trình bày ca khúc nguyên bản tiếng Tây-ban-nha, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả năm tên tuổi điển hình: nữ danh ca Nana Mouskouri (sinh năm 1934) của Hy-lạp, nam danh ca Julio Iglesias (sinh năm 1943) của Tây-ban-nha, nữ danh ca Guadalupe Pineda (sinh năm 1955) của Mễ-tây-cơ, ban French Latino (thành lập năm 2009) của vùng Địa trung hải với các nghệ sĩ Pháp, Ý, Bắc Phi, và ban tam ca Il Volo của Ý mới nổi tiếng vào năm ngoái, chuyên hát “classical crossover” (nhạc cổ điển theo phong cách nhạc pop, còn được gọi một cách bán chính thức là “popera”).

Phụ lục (3): Historia De Un Amor, Nana Mouskouri

Phụ lục (4): Historia De Un Amor, Julio Iglesias

VIDEO:

Guadalupe Pineda – Historia De Un Amor – YouTube

French Latino – Historia De Un Amor

Historia De Un Amor – Il Volo – YouTube

Về số lượng phiên bản tiếng ngoại quốc, có lẽ Historia de un amor chỉ đứng sau bản Besame Mucho của Consuelo Velásquez; chỉ tính Hoa ngữ, đã có tới ba tác giả đặt lời khác nhau.

Trong số nói trên, phổ biến và được ưa chuộng nhất phải là phiên bản tiếng Pháp Histoire d’un amour của Francis Blanche.

clip_image005

Francis Blanche (1921-1974)

Francis Blanche (1921-1974) là một tác giả viết truyện, thi sĩ, diễn viên, nghệ sĩ hài kịch được ái mộ bậc nhất của Pháp, con trai của nam diễn viên kịch nghệ Louis Blanche, cháu của họa sĩ Emmanuel Blanche.

Ngoài những công việc trên, Francis Blanche còn viết lời hát cho một số ca khúc của Charles Tenet và Dalida, trong đó Histoire d’un amour phải được xem là một tác phẩm để đời.

Lời hát của Histoire d’un amour như một bài thơ. Sự tài tình của Francis Blanche là ở chỗ ông đã sử dụng những từ rất đơn giản, bình dị để diễn tả một cách tuyệt vời những cảm nghĩ sâu sắc, những rung động từ tận đáy lòng.

Histoire d’un amour

Mon histoire
C’est l’histoire d’un amour
Ma complainte
C’est la plainte de deux coeurs
Un roman comme tant d’autres
Qui pourrait être le vôtre
Gens d’ici ou bien d’ailleurs

C’est la flamme
Qui enflamme sans brûler
C’est le rêve
Que l’on rêve sans dormir
Un grand arbre qui se dresse
Plein de forces et de tendresse
Vers le jour qui va venir

C’est l’histoire d’un amour éternel et banal
Qui apporte chaque jour tout le bien tout le mal
Avec la roue l’on s’enlace
Celle où l’on se dit adieu
Avec les soirées d’angoisse
Et les matins merveilleux

Mon histoire
C’est l’histoire qu’on connaît
Ceux qui s’aiment
Jouent la même, je le sais
Mais naive ou bien profonde
C’est la seule chanson du monde
Qui ne finira jamais
C’est l’histoire d’un amour
Qui apporte chaque jour tout le bien tout le mal
Avec la roue l’on s’enlace
Celle où l’on se dit adieu
Avec les soirées d’angoisse
Et les matins merveilleux
Mon histoire
C’est l’histoire qu’on connaît
Ceux qui s’aiment
Jouent la même, je le sais
Mais naive ou bien profonde
C’est la seule chanson du monde
Qui ne finira jamais
C’est l’histoire d’un amour

* * *

Tới đây, chúng tôi viết về người nữ ca sĩ mà với thính giả Sài Gòn ngày ấy, tên tuổi đã gắn liền với bản Histoire d’un amour: Dalida (1933 – 1987), nữ danh ca kiêm diễn viên Ai-cập gốc Ý, thành danh ở Pháp, một trong 6 ca sĩ được ái mộ nhất thế giới.

Với khả năng hát và thu đĩa bằng trên 10 ngôn ngữ khác nhau, trong sự nghiệp trải dài hơn 30 năm, Dalida đã bán được trên 170 triệu album, được tặng 70 đĩa vàng, và là ca sĩ đầu tiên được tặng đĩa kim cương.

clip_image007

Dalida –Miss Egypt 1955

Dalida tên thật là Iolanda Cristina Gigliotti, ra chào đời tại Cairo, thủ đô Ai-cập, nơi ông bố Pietro Gigliotti là tay vĩ cầm chính (primo violino) tại nhà hát Cairo Opera House.

Năm 17 tuổi, Iolanda đoạt giải Hoa hậu trẻ rồi trở thành người mẫu, và được Cherif Kamel, người chủ xướng chương trình “Hit Parade” tại Gezira Sporting Club, khám phá ra giọng hát. Năm 20 tuổi (1954), Iolanda đoạt giải Hoa hậu Ai-cập (Miss Egypt). Chính trong dịp này, Iolanda đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Pháp Marc de Gastyne.

Cuối năm đó, bất chấp sự phản đối kịch liệt của cha mẹ, vào đúng đêm trước lễ Giáng Sinh, Iolanda bỏ sang Paris để xây giấc mộng minh tinh. Tại kinh thánh ánh sáng, Iolanda lấy nghệ danh là Dalila, sau đó ít lâu đổi thành Dalida.

Thế nhưng, cho dù trước sau đã đóng khoảng 20 cuốn phim, sự nghiệp điện ảnh của Dalida không đáng kể so với những thành công rực rỡ trong sự nghiệp ca hát.

Thời gian đầu, Dalida được mời hát tại các quán nhạc (cabaret) ở đại lộ Champ-Élysées, rồi tại đại hí viện Olympia, nơi Dalida đã “xâm mình” trình diễn ca khúc Étrangère au Paradis (Người đẹp xa lạ chốn thiên đường), vốn thường đi liền với tiếng hát của Gloria Lasso.

[Gloria Lasso (1922 – 2005), một nữ ca sĩ gốc Tây-ban-nha hành nghề tại Pháp, nổi tiếng bậc nhất trong thập niên 1950; đĩa “Étrangère au Paradis” của bà lên tới No.2 trên bảng xếp hạng. Cuối thập niên 1950, sau khi bị Dalida qua mặt, Gloria Lasso sang Mễ-tây-cơ hành nghề, và sống tại đây cho tới cuối đời]

Tại đại hí viện Olympia, Dalida được giới thiệu với hai nhân vật quan trọng về sau đã có công đưa cô lên đài danh vọng: ông Eddie Barclay, chủ nhân hãng đĩa Barclay, và chàng Lucien Morisse, giám đốc chương trình nghệ thuật của đài phát thanh Radio Europe 1 có số thính giả nhất nhì Âu châu, người sau đó trở thành tình nhân, và tới năm 1961, trở thành phu quân của Dalida.

Năm 1955, đĩa hát 45 vòng đầu tiên của Dalida, bản Madona, mặc dù được Lucien Morisse ra sức lăng-xê, đã không gây được tiếng vang; nhưng đĩa thứ hai, bản Bambino, thành công ngoài sức tưởng tượng.

Bambino (tiếng Ý: cậu bé, chàng trẻ tuổi) nguyên là bản Guaglione, một ca khúc Ý thuộc thể loại “ca khúc xứ Naples” (Neapolitan songs, chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết về bản Torna A Sorriento – Về mái nhà xưa). Bản Guaglione rất được ưa chuộng tại Ý và các quốc gia Mỹ la-tinh, thường được hát, trình tấu theo thể điệu Mambo.Tuy nhiên, Guaglione chỉ lên tới đỉnh cao sau khi được Dalida thu đĩa lời Pháp với tựa Bambino. (Phụ lục 1)

Bambino đã tạo kỷ lục với 46 tuần lễ liên tiếp ở trên Top 10 của Pháp, cũng là ca khúc đem lại đĩa vàng đầu tiên cho Dalida, đồng thời đưa tên tuổi của người ca sĩ mới nổi tới mọi vùng đất ở lục địa Âu châu.

Ngày ấy, những năm cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960, thời vàng son của thể điệu mambo – chacha tại Sài Gòn, Bambino đã được một tác giả đặt lời Việt với tựa Mối tình đầu, do nữ ca sĩ Trúc Mai thu vào đĩa nhựa.

Phụ lục (5): Mối tình đầu, Trúc Mai (trước 1975)

Sau Bambino, thính giả yêu nhạc Pháp ở miền Nam VN ngày ấy còn được thưởng thức những bản nổi tiếng khác của Dalida như Gondolier, Histoire d’un amour, Tout l’amour… Vào năm 1961, giới mộ điệu (và có khả năng tài chánh) còn được xem Dalida trình diễn tại Sài Gòn trong chuyến lưu diễn Hương Cảng – Việt Nam.

Năm 1968, Dalida được Tổng thống Pháp Charles de Gaulle ân thưởng huân chương “Médaille de la Présidence de la République”, và cho tới nay vẫn là người duy nhất trong làng ca nhạc nhận được vinh dự cao quý này.

Năm 1973, Dalida và Alain Delon, nam thần tượng điện ảnh số một của Pháp và cũng là bạn thân của Dalida, đã gây ngạc nhiên thích thú nơi người ái mộ của cả hai bộ môn ca nhạc lẫn điện ảnh khi hai người song ca bản Paroles Paroles (một cách chính xác, Dalida hát và Alain Delon nói).

Paroles Paroles nguyên là một ca khúc Ý đã được nữ danh ca Mina Mazzini thu đĩa, nhưng chỉ thành công tương đối. Tới khi được Dalida và Alain Delon thu đĩa (và cùng nhau đóng một video clip), Paroles Paroles đã đứng No.1 ở Pháp, Nhật-bản, và nằm trong Top 10 của nhiều quốc gia Âu châu cũng như Ả-rập.

VIDEO:

PAROLES PAROLES DALIDA & ALAIN DELON – YouTube

 

clip_image008

Dalida 1956

Năm 1976, Dalida thu đĩa ca khúc J’attendrai, được ghi nhận là bản disco đầu tiên của nền ca nhạc Pháp Quốc.

Năm 1984, Dalida thu đĩa bản Pour te dire je t’aime, phiên bản lời Pháp của I Just Called to Say I Love You, một ca khúc để đời của nam ca sĩ khiếm thị Stevie Wonder (Phụ lục 2)

Với khả năng trình diễn, thu đĩa bằng trên 10 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Ả-rập, Ý, Tây-ban-nha, Hy-lạp, Đức, Hòa-lan, Pháp, Anh, Nhật, và Do-thái, tính tới năm 1986, năm phát hành album cuối cùng của mình có tựa đề Le visage de l’amour (Khuôn mặt tình yêu), Dalida đã có 19 ca khúc đứng No.1 tại Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Đức, Bỉ, Hòa-lan, Lục-xâm-bảo, Thụy-sĩ, Áo, Ai-cập, Jordan, Lebanon, Hy-lạp, Gia-nã-đại, Nga, Nhật-bản và Do-thái.

Năm 1988, một năm sau khi Dalida chết, theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến dân chúng Pháp do nhật báo Le Monde thực hiện, Dalida được đứng hạng nhì, chỉ sau tướng De Gaulle trong danh sách những nhân vật tác động mạnh nhất tới xã hội Pháp thời hiện đại.

* * *

Nhân tiện, chúng tôi cũng xin có đôi dòng về cuộc sống tình cảm cá nhân bất ổn và tính khí bất thường của Dalida, hai yếu tố chính dẫn đưa tới việc người nữ danh ca tự tìm cái chết vào năm 1987.

Người tình đầu tiên của Dalida sau khi sang Pháp là ông bầu ca nhạc Lucien Morisse, người có công chính trong việc đưa Dalida lên đài danh vọng. Chàng hơn nàng 4 tuổi, trai tài tài gái sắc, quả xứng đôi vừa lứa.

clip_image009

Dalida và Lucien Morisse

Lucien Morisse, sinh năm 1929, là giám đốc chương trình nghệ thuật của đài phát thanh Radio Europe 1, và là người sáng lập hãng đĩa hát Disc AZ, về sau trở thành một chi nhánh của hãng đĩa Universal Records. Qua công việc tại Radio Europe 1, Lucien Morisse đã có công giới thiệu rất nhiều ca sĩ nổi tiếng của Pháp, mà ngoài Dalida còn có: Petula Clark, Christophe, Pascal Danel, Michel Polnareff…

Dalida bắt đầu chung sống với Lucien Morisse vào năm 1956. Năm năm sau (1961), hai người làm đám cưới, nhưng chỉ được mấy tháng thì ly dị.

Theo lời Lucien Morisse, Dalida có tính khí bất thường, có những lúc thật đáng yêu, có lúc lại cực kỳ vô lý; chàng không bao giờ hết yêu nàng, nhưng sự kiên nhẫn của chàng chỉ có hạn.

Năm 1963, Lucien Morisse kết hôn với người mẫu Pháp gốc Bỉ Agathe Aems; họ có với nhau hai đứa con. Ngày 11/9/1970, vào tuổi 41, Lucien Morisse tự tử bằng cách bắn vào đầu tại apartement riêng ở Paris.

Về phần Dalida, sau khi chia tay Lucien Morisse, ngay trong năm 1961 đã cặp với Jean Sobieski, một nam diễn viên kiêm họa sĩ Pháp kém nàng 5 tuổi; hai người chia tay năm 1963.

clip_image010

Dalida và Luigi Tenco

Tiếp theo là cuộc tình với nam diễn viên kiêm ca sĩ kiêm nhà viết ca khúc Luigi Tenco của Ý, cũng kém nàng 5 tuổi.

Trong tháng 2/1967, ít ngày trước khi cùng nhau tham dự cuộc thi ca khúc Sanremo Festival của Ý, hai người đã loan báo ngày tổ chức đám cưới. Tại Sanremo Festival, ca khúc Ciao amore ciao (Bye Love, Bye) của Luigi Tenco do hai người trình bày đã bị loại khỏi phần chung kết (Dalida hát rất đạt nhưng Luigi Tenco thất bại có lẽ vì bị căng thẳng). Hay tin này, ngày 27/2/1967, Luigi Tenco đã tự sát bằng súng tại phòng khách sạn, với mấy hàng chữ để lại, chỉ trích ban giám khảo và công chúng (chấm điểm các ca khúc).

Một tháng sau, Dalida tự tử bằng cách “overdose” tại khách sạn Prince of Wales ở Paris; được khám phá kịp thời, Dalida chỉ bị hôn mê trong 5 ngày, và bình phục, trở lại sân khấu trình diễn vào tháng 10 năm đó.

Tới cuối năm, Dalida có bầu với Lucio, một sinh viên Ý mới 18 tuổi, và quyết định phá thai, đưa tới hậu quả bị triệt sản vĩnh viễn.

clip_image011

DalidaRichard Chanfray

Năm 1972, Dalida bắt đầu quan hệ tình cảm với nam diễn viên Pháp Richard Chanfray, kém nàng 7 tuổi. Cuộc tình này kéo dài 9 năm, được xem là lâu bền nhất của Dalida.

Tháng 7 năm 1983, hơn 2 năm sau ngày chia tay Dalida, Richard Chanfray đã tự tử trong chiếc xe Renault 25 của mình bằng khói độc từ ống “bô” xe.

Về phần Dalida, một người hết lòng ủng hộ ứng cử viên tổng thống Pháp François Mitterrand, một người thuộc cánh Tả, sau khi ông trở thành tổng thống (1981), báo chí đua nhau khai thác quan hệ mà họ cho là vượt quá “tình đồng chí” giữa “vị Tổng thống và giai nhân”!

Để né tránh dư luận, Dalida đã phải rời bỏ nước Pháp, đi lưu diễn thế giới trong suốt hai năm.

Trở về Pháp vào năm 1983, Dalida vẫn tiếp tục được ái mộ như trước, tuy nhiên người nữ danh ca đã nhận ra sự thật phũ phàng: báo chí đưa mình lên như thế nào thì họ cũng có thể hạ mình xuống như thế. Cho nên cuộc tình kế tiếp của Dalida với một vị bác sĩ trẻ đã được giữ bí mật tối đa.

Nhưng, cũng như bao mối tình trước đó, lần này đoạn kết cũng là những giọt lệ chia tay. Có khác chăng, lần này Dalida không còn đủ sức chịu đựng.

Ngày 2/5/1987, Dalida tự tử bằng cách “overdose” thuốc an thần, để lại dòng chữ ngắn ngủi “La vie m’est insupportable… Pardonnez-moi.” (Hệ lụy đời người đã vượt quá sức chịu đựng… Xin hãy tha thứ cho tôi).

Khi ấy, Dalida mới 54 tuổi.

* * *

Trở lại với những năm từ cuối thập niên 1950 tới giữa thập niên 1960 tại miền Nam VN, với thính giả yêu nhạc Pháp nói chung, bản Tout l’amour (lời Pháp của nhạc khúc Fur Elise của Beethoven) có thể là giai điệu quen thuộc hơn, nhưng với những người yêu thích nhạc tình cảm nói riêng, Histore d’un amour mới là ca khúc gắn liền với tiếng hát, và tên tuổi của Dalida.

Phụ lục (6): Histore d’un amour, Dalida

Histore d’un amour được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Chuyện tình yêu, mà sau đây chúng tôi xin giới thiệu qua tiếng hát Ngọc Lan. Trong những năm gần đây, xuất hiện thêm một phiên bản lời Việt khác, cũng với tựa Chuyện tình yêu nhưng không ghi tên tác giả, chúng tôi chọn tiếng hát Xuân Phú để gửi phiên bản này tới quý độc giả.

Chuyện tình yêu (Phạm Duy)

Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy tuyệt như mơ
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đẹp như thơ
Mình làm quen nhau trên đường vắng khuya
Dìu nhau qua bao nhiêu hè phố mưa
Ngồi ôm nhau công viên lạnh giá…
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đầy mộng mơ
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy thật kiêu sa
Và trần gian thênh thang chỉ có ta
Mình cho nhau yêu thương rồi xót xa
Rồi chia ly rồi đến phôi pha…

Đến bây giờ anh đã là cánh trắng chim bay sâu chân trời
Đến bây giờ em đã là bóng dáng cô liêu trong ngậm ngùi
Đến bây giờ em vẫn buồn nhớ…
Đến bây giờ anh xóa tình cũ
Đến bây giờ em hóa tượng đá
Đứng thiên thu trong mong đợi chờ…
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy giờ còn đâu?
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy thành thương đau
Một mình em lang thang đường phố khuya
Tìm anh trong công viên đầy gió mưa
Kỷ niệm ơi đừng chết trong ta…

Chuyện tình yêu (khuyết danh)

Chiều nhẹ buông trên sông lờ lững làn mây trôi
kìa thuyền ai cô đơn dạt mãi về phương nao
nhẹ nhàng rơi trên cung đàn lẻ loi
từng lời than nghe như hồn nhớ thương
thời gian ơi nghe sao vô tình quá

chuyện ngày xưa khi em vừa đến tuổi mộng mơ
mình dìu nhau đi trên đường phố đầy sương rơi
nàng hồn nhiên như hoa hồng hé môi
lòng tôi bâng khuâng tâm hồn ngất ngây
và như say vì quá yêu nàng

Đến bây giờ em đã là cánh én vút bay phương trời nào
biết em còn nhớ đến ngày tháng đắm say yên vui thuở nào
biết em còn nhớ đến tình ta
biết em còn nhớ đến ngày qua
Đến bây giờ anh hóa tượng đá đứng bơ vơ nghe mưa tủi hờn

Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy giờ còn đâu
chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy giờ phai mau
chỉ còn anh lang thang hè phố xưa
tìm dư âm trên muôn trùng phím tơ
người yêu ơi đành cách xa người…

Phụ lục (7): Chuyện tình yêu, Ngọc Lan

Phụ lục (8): Chuyện tình yêu, Xuân Phú

Hoài Nam

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search