T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (62) – NHẠC PHÁP – L’Avventura (Cuộc Phiêu Lưu, Lãng Du), Éric Charden

5e121f201884414578a47906956f4169

Vào đầu thập niên 1970, một ca khúc Pháp trình bày dưới hình thức song ca đã được người yêu nhạc ngoại quốc tại miền Nam VN đặc biệt yêu chuộng, đó là bản L’avventura do đôi song ca Stone & Charden thu đĩa, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Cuộc phiêu lưu và Nguyễn Duy Biên với tựa Lãng du.

Stone & Charden (tiếng Pháp viết là Stone et Charden) là nghệ danh của cặp vợ chồng Annie Gautrat và Éric Charden, có thể so sánh với cặp Sonny & Cher của Mỹ hoặc Lê Uyên & Phương của Việt Nam; có khác chăng là sau khi kết hôn, Annie Gautrat và Éric Charden vẫn tiếp tục hát riêng, sau đó mấy năm mới hát chung.

Ngày ấy, vì Stone & Charden nổi tiếng vào những năm tháng cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cho nên đa số người yêu nhạc chỉ kịp thưởng thức ca khúc chứ chưa biết nhiều về ca sĩ.

Trước hết viết về Éric Charden, tên thật là Jacques Puissant, chi tiết thú vị nhất (với khán thính giả người Việt) là anh ra chào đời tại Hải Phòng, miền Bắc VN, năm 1942, thời VN còn là một thuộc địa của Pháp.

Cha anh là một kỹ sư hàng hải Pháp, được được bổ nhiệm sang Việt Nam làm kỹ sư trưởng ở thành phố Cảng. Tại đây, ông gặp gỡ rồi kết hôn với một cô gái gốc Tây Tạng, nguyên là một cô bé mồ côi được các nữ tu Công Giáo đem về nuôi dạy.

Sau này, vào năm 1969, Éric Charden đã sáng tác ca khúc L’Oiseau Bleu (Cánh chim xanh), trong đó anh dùng biểu tượng cánh chim xanh để gợi lại những kỷ niệm thời thơ ấu, hình ảnh của khóm tre xanh bên bờ ao sau ngôi nhà tuổi ấu thơ, với hàng phượng vĩ rực sắc hoa đỏ ngoài đầu ngõ.

Sau khi thân mẫu qua đời, thời thơ ấu ở Hải Phòng còn được Éric Charden nhắc tới trong tập nhạc có tựa đề Indochine 42  (Đông Dương năm 42) phát hành vào năm 1995.

Rất có thể vì Éric Charden không chỉ ra chào đời tại Hải Phòng mà còn có nhiều hoài niệm về chốn cũ cho nên trang mạng bách khoa tự điển Wikipedia (phiên bản tiếng Pháp) đã viết Éric Charden là người Pháp lai Việt Nam, nguyên văn:

“Éric Charden, né Jacques Puissant le 15 octobre 1942 à Haïphong en Indochine française (actuel Viêt Nam) et mort le 29 avril 2012[1] à l’hôpital Saint-Louis à Paris, est un auteur-compositeur et chanteur franco-vietnamien.”

* * *

Cuối thập niên 1940, năm lên 7, Éric Charden cùng mẹ trở về Pháp, sống với họ nội ở Marseille, còn cha anh thì phải ở lại Hải Phòng cho tới khi chiến tranh Đông Dương kết thúc (1954).

Éric Charden say mê âm nhạc từ nhỏ, và đã tự học dương cầm và ghi-ta. Sau khi thi đậu Tú Tài, Éric Charden trúng tuyển vào Trường Cao Đẳng Thương Mại Paris, nhưng chỉ sau 6 tháng lên kinh thành ánh sáng, chàng trẻ tuổi đã bỏ học, vừa làm đủ thứ công việc lặt vặt để kiếm sống, vừa theo đuổi âm nhạc và sân khấu ca kịch.

May mắn đã đến với Éric Charden khi chàng được gặp gỡ ông Pierre Bourgeois, cựu giám đốc hãng đĩa Pathé-Marconi vào năm 1963, và được ông giới thiệu. Ngay trong năm đó, Éric Charden đã thu đĩa 45 vòng đầu tiên gồm bốn ca khúc do anh sáng tác.

Cũng trong năm 1963, Éric Charden ra mắt album đầu tay, tựa đề J’ai la tête pleine de Provence, và một ca khúc trong đó, bản Le printaniste, đã chiếm giải nhất trong đại hội ca nhạc Enghien-les-Bains (một “Las Vegas” ở ngoại ô Paris).

Hai năm sau, Éric Charden đã thực sự thành danh trong sự nghiệp ca hát solo, và thành công rực rỡ với album thứ hai, mang tựa Amour limite zéro, đồng thời bắt đầu sáng tác ca khúc cho những tên tuổi nổi tiếng trong làng nhạc pop của Pháp, như Johnny Hallyday, Claude François, Sheila, Sylvie Vartan…

Tuy sống vào thời “nhạc pop” nhưng Éric Charden không đi theo khuynh hướng chung của giới ca nhạc sĩ trẻ của Pháp lúc bấy giờ là  trình diễn các ca khúc có gốc gác Anh – Mỹ, sáng tác theo mô thức nhạc pop Anh – Mỹ, mà chủ trương giữ khuôn khổ truyền thống “Chansons Français” cộng với óc sáng tạo của mình.

Lấy bản Le monde est gris, le monde est bleu (1967) làm thí dụ điển hình. Nét nhạc buồn vời vợi, lời hát tha thiết…

Le monde est gris le monde est bleu
Le monde est gris le monde est bleu
Et la tristesse brûle mes yeux
Mon coeur est gris mon coeur est bleu
Je ne pourrais pas être heureux
Car je n’ai pas trouvé quelqu’un
Qui me dise je t’aime
Non je n’ai pas trouvé quelqu’un
Qui me dise je t’aime
Le monde est gris le monde est bleu
Et la tendresse berce mes yeux
Mon coeur est gris mon coeur est bleu
L’amour me quitte peu à peu
Car je n’ai pas trouvé quelqu’un
Qui me dise je t’aime
Non je n’ai pas trouvé quelqu’un
Qui me dise je t’aime
Le monde est gris le monde est bleu
La neige tombe sur mes yeux
Mon coeur est gris mon coeur est bleu
C’est donc si dur de vivre à deux

VIDEO:

 Le monde est gris le monde est bleu – Eric Charden 1967 – YouTube

Tới đây viết về Annie Gautrat.

Năm 1966, Éric Charden được mời làm thành viên trong ban giám khảo cuộc thi hoa khôi “Miss Beatnik” (thế hệ trẻ). Trong số thí sinh tham sự cuộc thi có Annie Gautrat, 18 tuổi, một mầm non ca nhạc và kịch nghệ, đã lọt vào mắt xanh, chiếm được trái tim của vị giám khảo ca nhạc sĩ 24 tuổi. Hai người kết hôn trong năm đó.

Annie Gautrat là tên thật, cô ra chào đời tại Paris năm 1947, con gái của một nữ ca sĩ opera. Cô được cho theo học tại Lycée Sévignée – trung học tư thục nổi tiếng nhất nhì ở Paris – nhưng đã bỏ học sớm, ban ngày làm việc trong một tiệm bán giày, ban đêm vui chơi, tập tành ca hát tại hộp đêm Bus Palladium, nơi cô được bạn bè đặt biệt hiệu “Petite Stone” vì cô để kiểu tóc giống như tay ghi-ta Brian Jones của của ban nhạc rock Rolling Stones.

[Brian Jones (1942-1969) là người sáng lập kiêm tay ghi-ta chính của ban Rolling Stones. Kiểu tóc giống như cái nồi úp lên đầu của anh đã trở thành cái mốt rất thịnh hành trong thập niên 1960, được gọi là kiểu tóc “Stone”. Sau này vì ghiền ma túy nặng, Brian Jones phải rời ban vào năm 1968 và chết đuối (trong lúc overdose) một năm sau đó]

Vì thế, cùng với việc sáng tác hai ca khúc cho đĩa 45 vòng đầu tay của Annie Gautrat, Éric Charden đã lấy cho cô vợ trẻ nghệ danh “Stone” và ra sức quảng cáo tiếng hát, hình ảnh của nàng.

Tuy nhiên, Stone không thể cạnh tranh với “Công chúa yé-yé” Sylvie Vartan, lúc đó đang làm mưa gió trong làng nhạc pop ở Pháp.

Năm 1971, thời gian đôi song ca vợ chồng Sonny & Cher của Mỹ đang nổi như cồn, Éric Charden nảy sinh ý định cùng vợ trở thành đôi song ca Stone & Charden.

 stone_et_charden_1972

Stone & Charden (1972)

 Sau khi cậu con trai Baptiste ra chào đời, đôi song ca Stone & Charden chính thức ra mắt giới mộ điệu, và lập tức trở thành hiện tượng với những ca khúc (do Éric Charden sáng tác) được lên bảng xếp hạng, như Le prix des allumettes, Il y a du soleil sur la France, Made in Normandie, Laisse aller la musique…, và lẽ dĩ nhiên không thể không nhắc tới L’Avventura, ca khúc chủ đề của bài viết này.

Tuy nhiên, trước khi viết về L’Avventura, chúng tôi cũng xin có đôi hàng về hai bản Le Prix des allumettesLaisse aller la musique, ngày ấy cũng rất được người nghe nhạc Pháp ở Sài Gòn yêu thích.

Lời hát của Le Prix des allumettes (Giá của những chiếc que diêm) do tác giả Yves Dessca đặt, nói về những thay đổi tới chóng mặt trong đời thường: bộ thời trang mới sắm, mấy tháng sau đã hết còn là “mốt”, và đời ta sẽ ra sao với nhịp đổi thay ấy, chỉ có em là không hề thay đổi, lúc nào cũng như… giá cả của những chiếc que diêm, không bị ảnh hưởng của lạm phát!

Về phần nhạc, Le Prix des allumettes được Éric Charden soạn theo khuôn thức “phiên khúc cung thứ, điệp khúc cung trưởng”, vốn nghe rất “bắt tai”.

[Hai bản tân nhạc VN điển hình soạn theo khuôn thức này là “Phố buồn” của Phạm Duy (Gm, G) và “Bao giờ biết tương tư” của ông viết chung với Ngọc Chánh (Cm, C)]

Phiên khúc lại được Éric Charden soạn theo thể điệu Tango (nhịp 4/4) trong khi điệp khúc được soạn theo nhịp 2/4 quân hành, tạo ra một sự tương phản hoàn toàn, về cả âm giai lẫn thể điệu.

Le prix des allumettes

Tout va trop vite et tout change sans nous attendre
Et tout nous quitte avant que l’on ait pu comprendre
Comme bien d’autres, je me demande où va ma vie
Souvent je pense, heureusement qu’il y a?

Toi, tu ne changes pas, tu as toujours la même tête
Toi, tu ne changes pas, tu es comme le prix des allumettes
Toi, tu ne bouges pas, tout passe au-dessus de ta tête
Toi, tu es comme moi, on est comme le prix des allumettes

Ce que j’achète, après quelques mois se démode
Et tes diplômes semblent déjà vieux comme Hérode
J’irai peut-être élever bientôt des moutons
Souvent je pense, heureusement qu’il y a?

Toi, tu ne changes pas, tu as toujours la même tête
Toi, tu ne changes pas, tu es comme le prix des allumettes
Toi, tu ne bouges pas, tout passe au-dessus de ta tête
Toi, tu es comme moi, on est comme le prix des allumettes

Toi, tu ne changes pas, tu as toujours la même tête
Toi, tu ne changes pas, tu es comme le prix des allumettes
Toi, tu ne bouges pas, tout passe au-dessus de ta tête
Toi, tu es comme moi, on est comme le prix des allumettes
Phụ lục 1: Le Prix des Allumettes,  Stone & Charden

Nhận xét một cách chung chung, nhạc của Charden & Stone là nhạc yêu đời, luôn lạc quan trước cuộc sống.

Nghe vợ chồng Stone & Charden hát, chúng ta liên tưởng tới đôi song ca Sonny & Cher của Mỹ nhiều hơn là cặp Lê Uyên & Phương của VN. Cũng giống Sonny & Cher, bên cạnh tiếng hát, Stone & Charden còn thu hút khán giả với phong cách trình diễn vui tươi, sống động. Nhất là nụ cười của Stone, mà một người ái mộ đã viết “Merci, merci pour vos sourires!” (Xin cám ơn, cám ơn những nụ cười của cô!)…

VIDEO:

 Stone et Charden : Le prix des allumettes – YouTube

Ngày ấy Le Prix des allumettes đã được Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt với tựa Tình mình như giá diêm, và được Thế Dung & Vũ Xuân Hùng trình bày song ngữ trong băng Tình Ca Nhạc Trẻ 2 do hai anh thực hiện.

Phụ lục 2: Tình mình như giá diêm, Thế Dung & Vũ Xuân Hùng (pre 75)

Ca khúc kế tiếp, Laisse aller la musique (Hãy buông thả theo âm nhạc) cũng là một bản vui, cũng được Éric Charden soạn theo khuôn thức “phiên khúc cung thứ, điệp khúc cung trưởng; lời hát do Frank Thomas và Jean-Michel Rivat đặt có mang đôi chút châm biếm:

Nào là những ông tổng thống chỉ biết đọc diễn văn rồi bắt tay người ủng hộ, những nàng công chúa đa sầu đa cảm khóc thương nam diễn viên thần tượng Rudolf Valentino, những du khách cứ tiếp tục chụp hình tháp Eiffel đã có từ đầu thế kỷ 20… Những chuyện đó nào có gì hấp dẫn?! Chuyện quan trọng nhất là hai đứa mình yêu và buông thả trong thế giới của âm nhạc: Laisse aller la musique!

 VIDEO:

Stone et Charden – Laisse aller la musique – HD – Melody variétés …

 

Ngày ấy, Laisse aller la musique cũng được Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt với tựa Hãy đến cùng âm nhạc, và được Bích Trâm & Nguyễn Chánh Tín song ca, cũng trong băng Tình Ca Nhạc Trẻ 2 do Vũ Xuân Hùng & Nguyễn Duy Biên thực hiện.

 Phụ lục 3: Hãy đến cùng âm nhạc, Bích Trâm & Nguyễn Chánh Tín (pre 75)

Sau này tại hải ngoại, cả hai bản Tình mình như giá diêm, Hãy đến cùng âm nhạc đã được Kiều Nga & Jo Marcel thu vào CD năm 1984.

* * *

Năm 1974 Stone & Charden ly dị, tuy nhiên, cũng giống cặp vợ chồng Sonny & Cher của Mỹ, hai người vẫn duy trì một quan hệ tốt đẹp; có lẽ còn tốt đẹp hơn Sonny & Cher bởi vì qua năm 1975, Annie Gautrat đã thủ một vai chính trong vở ca nhạc hài kịch Mayflower do Éric Charden soạn, bên cạnh người tình mới của chàng là nữ diễn viên Pascale Rivault, cùng với nhiều nam nữ diễn viên khác, trong số đó có Mario d’Alba, người sẽ trở thành đời chồng thứ hai của Annie Gautrat.

[Vở Mayflower, do Guy Bontempelli viết lời, dựa theo cuộc hành trình lịch sử của con tàu Mayflower, chở những di dân Anh đầu tiên lên đường đi Tân Thế Giới vào năm 1620. Vở này đã đạt thành công rực rỡ; sau khi ra mắt tại thủ đô Hoa-thịnh-đốn của Mỹ quốc, đã được diễn liên tục suốt hai năm tại Théâtre de la Porte-Saint-Martin, nhà hát tráng lệ, cổ kính bậc nhất của Pháp ở Quận 10, Paris]

Trong những năm cuối thập niên 1970, nối gót Claude François, Éric Charden nhảy cả sang lĩnh vực “disco”; một trong những bản đạt thành công đáng kể của chàng là L’Été s’ra chaud (1979).

Cũng khoảng thời gian này, kỹ nghệ phim hoạt họa của Nhật Bản bắt đầu xâm chiếm thị trường quốc tế, Éric Charden với sự hợp tác của ca nhạc sĩ trẻ Didier Barbelivien, đã được mời soạn các ca khúc Pháp cho nhiều bộ phim truyền hình, mà nổi tiếng nhất là bộ phim phiêu lưu Albator, le corsaire de l’escape (1979), gồm 42 tập, rất ăn khách ở Pháp và Gia-nã-đại, sau đó được chuyển ngữ với tựa đề Captain Harlock để phát hành trên toàn thế giới. Kế tiếp là bộ phim tập hoạt động San Ku Kai với 25 tập…

Yếu tố thành công chính của Éric Charden là đi tiên phong trong việc sử dụng “chất liệu disco” vào việc soạn nhạc đệm cho thể loại phim hoạt động.

* * *

Về phần Annie Gautrat, sau khi chia tay với Éric Charden năm 1974, đã chuyển sang lĩnh vực sân khấu kịch nghệ, và bước sang thập niên 1980, đạt nhiều thành công rực rỡ.

Tới cuối thập niên 1990, Stone & Charden – lúc này cả hai đã có tổ ấm khác – đã tái hợp trên truyền hình và sân khấu trình diễn với những ca khúc nổi tiếng của họ trước đây, và được nồng nhiệt đón nhận.

Nhận xét chung của khán giả là sau hơn ¼ thế kỷ, trong khi Charden đã trở thành một “ông già” thì Stone vẫn còn… mơn mởn; trông giống như hai cha con!

Năm 2007, Stone & Charden bắt đầu tham gia cuộc lưu diễn quy mô tên là “Âge tendre, la tournée des Idoles”.

Hai chữ “Âge tendre” , mà chúng tôi đã có lần nhắc tới, trích từ nhóm từ “Âge tendre et tête de bois” (Tuổi êm đềm với cái đầu bằng gỗ) được truyền thông Pháp sử dụng để chỉ thế hệ “yéyé” trong thập niên 1960, và cũng là tên một chương trình ca nhạc trên truyền hình kéo dài từ năm 1961 tới 1965.

Cuộc lưu diễn “Âge tendre, la tournée des Idoles” (Tuổi êm đềm, những thần tượng trở lại) với mục đích hoài niệm thời vàng son của các thần tượng của Pháp trong hai thập niên 1960, 1970, ngoài Stone & Charden còn có sự tham gia của Richard Antony, Jean François Michael, Pascal Danel, Sheila, Isabelle Aubret, Fabienne Thibeault, Bobby Solo, Frank Alamo, Michel Orso, Marcel Amont, Patrick Juvet, Claude Barzotti …, lưu diễn tại Pháp, Thụy-sĩ, Bỉ, kéo dài từ năm 2007 tới 2010.

Stone-et-Charden - 2009

Stone & Charden (2009)

Tháng 1 năm 2012, cặp song ca Stone & Charden được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Đạo binh danh dự “Chevalier de l’Ordre de Légion d’Honneur” vì những cống hiến cho nền nghệ thuật.

[Ordre de Légion d’Honneur do Hoàng đế Nã-phá-luân đệ Nhất thiết lập năm 1802, là huân chương cao quý nhất của Pháp trong cả quân đội lẫn dân sự. Ordre de Légion d’Honneur có 5 thứ hạng, từ dưới lên trên lần lượt là Chevalier, Officier, Commandeur, Grand Officier, và Grand-Croix]

Cuối tháng Tư năm đó, Stone & Charden trình làng album Made in France, trong đó hai người đã thu âm lại những ca khúc song ca được yêu chuộng của họ trước đây, cũng như những bản song ca nổi tiếng khác trong nền nhạc Pháp, chẳng hạn bản Paroles, paroles của Dalida & Alain Delon…

Nhân dịp này, Stone & Charden đã xuất hiện trên đài truyền hình Pháp để giới thiệu album mới của hai người.

Trong chương trình truyền hình hôm ấy, Stone & Charden đã trình bày một số ca khúc vừa được thu đĩa. Xuất hiện trên sân khấu, Éric Charden đã hao gầy, tiều tụy thấy rõ do chứng ung thư bạch huyết (Hodgkin) được phát giác 2 năm về trước. Dù vậy, khán giả cũng không ai ngờ rằng lời chào tạm biệt (au revoir) của chàng vào cuối chương trình lại là lời vĩnh biệt (adieu).

Bởi chỉ vài hôm sau, ngày 29/4/2012, Éric Charden vĩnh viễn ra đi vào tuổi 69, để lại cho đời trên 400 ca khúc, đa số sáng tác vào thời vàng son của nền nhạc nhẹ của Pháp trong thập niên 1970.

* * *

 

Tới đây xin trở lại thời gian năm 1972 và ca khúc L’avventura.

L’avventura do Éric Charden và Frank Thomas soạn nhạc, Jean-Michel Rivat đặt lời vào năm 1971. Cảm hứng trong việc viết L’avventura tới từ cuốn phim Ý có cùng tựa của đạo diễn Michelangelo Antonioni.

poster phim l'avventura 

[L’avventura (Cuộc phiêu lưu), phát hành năm 1960, được xem là một trong những cuốn phim bất hủ của điện ảnh Ý, và cũng là cuốn phim khởi đã đầu sự nghiệp của nữ minh tinh Monica Vitti. Truyện phim kể về chuyến đi chơi thuyền của ba người gồm Claudia (Monica Vitti) và cặp tình nhân Anna & Sandro trên sóng nước Địa Trung Hải; sau khi Anna bị mất tích một cách bí ẩn, Sandro và Claudia bắt đầu một cuộc phiêu lưu tới những vùng đảo xa lạ để tìm kiếm, để rồi tình yêu nảy sinh giữa hai người, cho dù họ đã cố chống cưỡng]

L’avventura

Nữ:
C’est la musique
Qui nous fait vivre tous les deux
Et l’on est libre de partir demain où tu veux

Nam:
C’est ça que j’aime, chanter partout avec toi
Le jour se lève, on prend l’avion et l’on s’en va

Song ca:
L’avventura
C’est la vie que je mène avec toi
L’avventura
C’est dormir chaque nuit dans tes bras

Nữ:
L’avventura
C’est tes mains qui se posent sur moi

Song ca:
Et chaque jour que Dieu fait mon amour avec toi
C’est l’avventura

Nam:
Quand tu m’embrasses tout est nouveau sous le soleil
Les jours qui passent ne sont jamais, jamais pareils

Nữ:
Prends ta guitare, de quoi d’autre avons-nous besoin ?
Que notre histoire ne tienne plus qu’en un refrain

Kết:
L’avventura
C’est dormir chaque nuit dans tes bras

[Một số tác giả khi viết về ca khúc L’avventura đã viết tựa đề thành “L’aventura” (Pháp hóa) hoặc “L’adventura” (Mỹ hóa) là thiếu chính xác. Trong nguyên tác lời Pháp, Éric Charden đã cố tình sử dụng tiếng Ý “L’avventura” để mọi người biết ca khúc này được cảm tác từ cuốn phim Ý L’avventura nói trên]

Nội dung ca khúc L’avventura  (lời Pháp) đã được đồng nghiệp Tuấn Thảo (đài phát thanh RFI) phóng tác như sau:

Âm vang đồng điệu cung đàn
Hồn ta chung sống thênh thang
Ngày mai, chỉ cần anh muốn
Tự do tung cánh bạt ngàn

Tình ta một chuyến phiêu lưu
Nắng xua cõi chốn mịt mù
Cả đời rong chơi vui hát
Mong sao trọn kiếp lãng du

Đêm về lót mộng mênh mông
Bên nhau giấc tối bềnh bồng.

Sau khi hoàn tất L’avventura, Éric Charden đã đưa ca khúc này cho hai ca nhạc sĩ bạn Carlos và Joe Dassin xem thử; kết quả trong khi Carlos hết lời khen thì Joe Dassin lại chê thậm tệ, và đã đánh cuộc nếu L’avventura lọt được vào bảng xếp hạng, anh sẽ mất cho Carlos một thùng vang đỏ Château Lafite Rothschild mùa nho 1947, là loại vang hiếm quý nhất lúc bấy giờ…

[Château Lafite Rothschild là một trong 5 hãng rượu “Château” nổi tiếng nhất của vùng Bordeaux, Pháp quốc. Bốn hãng còn lại là Château Margaux, Château Latour, Château Mouton Rothschild, và Château Haut-Brion.

 Cho tới nay, chai vang đỏ được ghi nhận đắt giá nhất thế giới là một chai Château Lafite Rothschild mùa nho 1787 (2 năm trước khi xảy ra cuộc Cách Mạng Pháp). Chai Château Lafite Rothschild này nguyên là của ông Thomas Jefferson – tác giả bản Tuyên Ngôn Độc Lập, sau trở thành vị Tổng thống thứ ba của Hiệp chúng quốc của Hoa Kỳ – mua nhân một chuyến sang thăm Paris, và ký tên tắt “TmJ” trên nhãn chai rượu. Năm 1985, triệu phú Malcolm Forbes, chủ nhân tạp chí Forbes, đã mua chai này trong một cuộc đấu giá với giá kỷ lục 160,000 Mỹ kim – tương đương 368,848 Mỹ kim ngày nay]

Dĩ nhiên Carlos đã thắng cuộc: ngay sau khi được Stone & Charden song ca trong phần phụ diễn mở đầu cho buổi trình diễn của nam ca nhạc sĩ Julien Clerc tại đại hí viện Olympia, Paris, L’avventura đã trở thành một hiện tượng. Với số bán 1.2 triệu đĩa chỉ riêng ở Pháp, tới năm 2013, L’avventura đã được xếp hạng 43 trong danh sách 100 đĩa hát 45 vòng bán chạy nhất xưa nay ở Pháp quốc.

Phụ lục 4: L’avventura, Stone & Charden

VIDEO:

 Stone et Charden & L aventura – YouTube

Năm 2012, L’avventura đã được Stone & Charden thu âm lại trong album Made in France, phát hành một tuần lễ trước khi Éric Charden qua đời.

Tại miền Nam VN trước năm 1975, L’avventura được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Cuộc phiêu lưu và Nguyễn Duy Biên với tựa Lãng du.

Tạm gạt giá trị nghệ thuật sang một bên để chỉ xét về hình thức thì Lãng du của Nguyễn Duy Biên “trung thành” với nguyên tác hơn, chẳng hạn lời hát của Lãng du cũng có những đoạn riêng cho nam, nữ và những đoạn song ca, trong khi Cuộc phiêu lưu của Phạm Duy thì nam hay nữ hát toàn bài cũng đều được cả.

Cuộc Phiêu Lưu – Phạm Duy

Ðôi trai đôi gái tơ, câu ca câu hát nuôi đời ta.
Phiêu lưu ta muốn ư ? Xin mai đây ta cứ đi tự do.
Phiêu diêu trong cõi tiên, âm ty, nơi sóng cao, biển êm
Mai đây khi nắng lên, cùng nhau đi ta dắt nhau đi liền.

CHORUS:
Viễn du ! Viễn du !
Ta có nhau là đời ta đã phiêu bạt
Viễn du ! Viễn du !
Ôm ấp nhau từng đêm
Ôi sâu thăm thẳm !
Viễn du ! Viễn du !
Ôi tấm thân mà bàn tay ta vuốt ve
Ðôi ta phiêu lưu trong ái ân
Trong tình yêu, ta hiến thân
Cho muôn kiếp hồng trần.

Không gian ơi ! Lắng nghe ta hôn nhau
Ta thấy nhau còn mê.
Không gian như loãng đi
Khi đôi ta đang bước trong tình si.
Ôm nhau ta hát ca, không mơ
Không ước, không cần chi
Sao cho đôi chúng ta còn
Luôn luôn như tiếng ca hiền hoà.

(trở về CHORUS)

Lãng Du – Nguyễn Duy Biên

1.
Âm thanh ngây ngất vui,
cho đôi ta lớn lên cùng nhau
Thênh thang trong nắng mai,
đôi ta vui bước trong tự do
Anh yêu kiếp lãng du,
rong chơi vui hát ca cùng em
Ðôi ta như cánh chim,
cao bay trong nắng mai tươi hồng ..

Điệp khúc:
Lãng du khắp nơi,
anh với em cùng lênh đênh quên tháng ngày
Lãng du khắp nơi,
anh ước mơ được ôm em trong giấc nồng
Lãng du khắp nơi,
xin cánh tay chàng kề em êm dưới gối,
Xin cho đôi ta yêu đắm say hương thời gian,
Thêm ngất ngây đời phiêu lãng ôi đẹp thay ..

2.
Hôn em trong nắng mai, hôn em cho ngất say tình ta
Bao nhiêu năm tháng qua, yêu nhau không chút chi đổi thay
Guitar anh sẽ mang, chân ta vui bước trên đường xa
Duyên ta như khúc ca, mong sao luôn mới như ban đầu ..

(trở về điệp khúc)

Trước năm 1975, Cuộc phiêu lưu đã được Julie, Thanh Lan thu vào băng nhựa, còn Lãng du cũng được Julie thu băng, song ca với Duy Cường (em Duy Quang).

Sau khi ra hải ngoại, Lãng du đã được khá nhiều “cặp” thu CD, video, như Kiều Nga & Trọng Nghĩa, Thanh Lan & Nguyễn Hưng, Kỳ Duyên (MC) Nguyễn Hưng, Trung Hành & Thúy Vi, và Khánh Hà với một giọng nam (không ghi tên tuổi).

Phụ lục 5: Cuộc phiêu lưu, Thanh Lan (pre 75)

Phụ lục 6: Cuộc phiêu lưu, Julie & Duy Cường (pre 75)

Phụ lục 7: Lãng du, Kiều Nga & Trọng Nghĩa

 Phụ lục 8: Lãng du, Khánh Hà

 

 

Hoài Nam

*

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tản mạn nhạc Pháp: Stone et Charden và Kiếp Lãng Du, tác giả Học Trò (dactrung.net)

– Stone & Charden : Hết rồi kiếp sống Lãng Du – tác giả Tuấn Thảo (RFI)

ĐÍNH CHÍNH:

 Nguyễn Duy Biên và Chuyện Phim Buồn

 Sau khi viết bài số 62 trong đó giới thiệu 3 ca khúc do Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt là Tình mình như giá diêm, Hãy đến cùng âm nhạc, Lãng du, chúng tôi được một vị độc giả trẻ của TV&BH và cũng là một nhà sưu tầm, nghiên cứu về nền nhạc trẻ Việt Nam, lưu ý về một sự thiếu chính xác trong bài số 31, viết về ca khúc Sad Movies /Quand le film est triste (Chuyện phim buồn).

Nguyên trong bài 31, chúng tôi viết:

…Trong phong trào Việt hóa nhạc trẻ vào đầu thập niên 1970, Quand le film est triste đã được hai tác giả Vũ Xuân Hùng Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt – hoặc viết một cách chính xác hơn là dịch sang tiếng Việt – với tựa “Chuyện phim buồn”…

 Chúng tôi viết như thế là căn cứ vào bài viết mới nhất của một tác giả trong nước có kèm theo phần phỏng vấn Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng sau khi anh về VN sinh sống. Sau đó có cơ hội tìm hiểu thêm, và nhất là được xem hình chụp bìa sau của hai băng Tình Ca Nhạc Trẻ 1 và 2 “do Vũ Xuân Hùng Nguyễn Duy Biên thực hiện” trước năm 1975, chúng tôi mới biết chắc chắn tất cả các bài hát trong 2 cuốn băng này đều do Nguyễn Duy Biên “chuyển dịch sang lời Việt”, còn Vũ Xuân Hùng chỉ phụ trách “kỹ thuật tổng quát” (xin xem phóng ảnh đính kèm)

Riêng ca khúc Sad Movies /Quand le film est triste (Chuyện phim buồn) thì vị độc giả nói trên hiện vẫn còn giữ một bản in nguyên gốc.

Nay chúng tôi nhờ TV&BH cho đăng đính chính này với mục đích xác định cố Nhạc sĩ Nguyễn Duy Biên (1940-2015) là người đã đặt lời Việt cho ca khúc Sad Movies /Quand le film est triste  với tựa Chuyện phim buồn,  cũng như gần 40 ca khúc khác trong hai băng Tình Ca Nhạc Trẻ 1 và 2.

 HOÀI NAM

 nhactretruocnam1975_14 tinh ca nhac tre 1 (a)

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search