T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

nguyễn lệ uyên: nhật ký thằng điên –năm

 

clip_image002

Một Hai Ba Bốn

Năm

Ngôi biệt thư lộng lẫy núp trong khu vườn rợp bóng cây giữa thành phố. Bề ngoài nó chỉ là ngôi biệt thự cổ, xây theo kiểu Vauban, mái vòm cũ kỹ. Ấy là cái bên ngoài chân tướng mã trá choàng mắt ngựa.

Người dân qua lại, chẳng mấy ai quan tâm để ý để bụng nguồn gốc xuất xứ một khối thù lù rong rêu. Nhưng chắc mẩm là của thằng tây để lại, cũng như các công trình kiến trúc vĩ đại khác trên xứ sở Xương Rồng Bàn Chải, như các tháp các thứ của con cháu những thần Nơmaisơbaicadong , Campu và Naga để lại, thì cái tự hào trăm trứng đòi khôn hơn người chưa có cái tí tẹo nào, chưa có cái chi ra dáng chi chi, toàn của người khác để lại sau những trận tháo chạy cuồng phong dữ dội.

Bề ngoài là vậy, nhưng ai có số đỏ lọt vào bên trong mới kinh hãi khinh hoàng vạn điều kinh ngạc, bởi cái vẻ bóng nhoáng, lộng lẫy của trăm thức văn hóa văn minh táp nham lộn tùng phèo các xứ sở nhảy múa, bày biện trong gian sảnh: Chùm đèn pha lê thế kỷ XIX, những chai rượu vài trăm năm tuổi, những bình pha lê, bộ trường kỷ triều đình nhà Nguyễn, tranh thủy mặc thời Càn Long, các vật dụng đông tây Âu… Á… nghĩa là tập hợp tất cả các loại văn minh văn hóa của các quốc gia xáp tới, đứng lại cúi gằm mặt, lấm lét chào chủ nhân.

Chủ nhân đã ra người thiên cổ sau một trận đau đớn ê chề thân xác chảy ra một lớp máu vàng vàng từ ngàn ngàn lỗ chân lông, triệu triệu tế bào. Lớp máu vàng sệt ấy bám trên chăn chiếu, ám vào vách tường, sàn gỗ thành loại mùi lưu cửu xú uế thổ tả muốn nổ tung đạn pháo thần công hai lỗ mũi; ruột gan phèo phổi muốn nhảy tót ra ngoài trốn chạy. Sự tình xú uế bị bít kín sau khi các loại dầu thơm rải khắp nhà.

Lễ tang chấm dứt, mùi tinh dầu thơm tho chấm dứt, bày ra nguyên vẹn cái mùi thum thủm cóc chết bao trùm lấy tấm ảnh chân dung to hơn người thật, giang tay níu lấy trọn một bức vách phía tây. Tấm chân dung oai phong lẫm liệt gấp ngàn lần đám yêu ma chặn bắt thầy trò Tam Tạng: Mắt to, chân mày rậm chổi xuể, mặt đen xỉn màu chì, áo quần giống mấy anh lính khố xanh, đầu trần, tóc dựng ngược, tay cầm hung khí các loại giơ cao… Ấy là chân dung tổ sư giáo hội lòng tong cá chốt khai sáng đạo giáo búa rìu thổ tả trói chân giáo dân xứ này.

Nhìn chủ nhân lâu, mỏi cổ mỏi mắt, mệt tim, cao máu…

Ngôi biệt thự rộng thênh thang là vậy, nhưng chỉ có hai người đàn bà quanh quẩn, một phu nhân người quá cố, người kia là quản gia, nghe đâu là tình nhân một thời ứ hự thuyền quyên bên xứ Cốt Đột, nói tiếng Bàn Chải Xương Rồng chưa sõi.

Thuyền quyên thì quán xuyến, coi sóc việc nhà.

Phu nhân suốt ngày lần xâu chuỗi ngọc bích có cái giá mà cả đời người dân thường không dám mơ tưởng, lâm râm những gì không một ai nghe được. Xâu chuỗi ngày càng bóng và như càng khuyết đi chút ít.

Hai bữa nay phu nhân không thiết ăn uống chi, ngồi riệt trong gian sảnh thờ trên lầu cao, lầm bầm lẩm bẩm ê a nghe không ra ca vọng cổ, hát chèo hay hát xẩm, ca trù.

Bà đang thương nhớ một quá khứ oai hùng?

Nhớ phu quân mang về ngà ngọc châu báu không thể tiếp tục mang được nữa?

Nhớ những đứa con rơi rớt dọc đường.

Nhớ đứa con hoang toàng điên khùng chi địa?

Sau cái trận cầu an thổ trạch toàn gia, chi phí cho các thầy lên tới chục ngàn, nhưng xem ra chuông mõ kinh kệ các thứ không làm sao níu kéo một chút nhỏ xíu nào cái quá khứ chói ngời ngời lúc trước, không níu kéo được đứa con duy nhất lang thang lếch thếch đầu đường xó chợ gầm cầu sân ga lộn vào đám xì ke cướp giật và cái mùi trứng thối lộn mửa kia vẫn cứ, thỉnh thoảng đôi khi, xộc thẳng vào lỗ mũi.

Phu nhân buồn và tiếc cái quá khứ ầm ầm lửa đỏ. Tiếc kẻ hầu người hạ, lên xe xuống lọng và triều triệu lời mật ngọt rót vào tai.

Bây giờ chỉ còn lại sự trống trải cô đơn.

Những ngón tay thon mềm của phu nhân không còn xòe ra và đếm và vuốt.

Ngay đến cái thằng lái xe hai bắp tay cuồn cuộn, ngực nở vồng cũng ra đi biệt tăm biệt dạng.

Bà nhớ mùi mồ hôi dầu mỡ.

Nhớ những cú nhào lộn bay bổng cung mây, bão bùng gió táp mây mưa trận trận.

Những cú nhớ làm da mặt thêm nhiều nếp nhăn và tóc có nhiều sợi bạc hơn, khác xa với mấy mươi năm trước, vốn là con gái rượu của một tay địa chủ có tiếng mà không có miếng. Gọi địa chủ, nhưng cũng chỉ lấp đầy bảy miệng ăn. Mươi mẫu ở miệt trung du phát canh cho tá điền. Nhưng năm nào cũng lõng bõng vài thùng bắp, ít củ quả, mươi bao lúa… vì không bão lũ thì cũng nắng hạn cướp sạch.

Khi giáo hội dấy lên cơn binh đao, mở rộng cương vực thì mươi mẫu đất tong teo đã là địa chủ ác ôn ác bá. Cô gái rượu quên phéng những bữa ngô khoai, quên phéng những hôm cha cô hứng chí cõng cô trên lưng qua làng bên uống rượu nói thơ. Giáo hội càng lớn càng phình ra thì cô quên tất quá khứ, lao vào những đêm ca hát kinh kệ liên miên bất tận. Nó cuốn hút tâm thần tâm lực cô. Cô lao vào đội cải cách giáo lý, quay theo chiếc đèn cù riết móc. Quay vòng vòng. Cô cũng la hét, cũng xỉa xói và không nhớ bao nhiêu giáo hữu đã ra đi không bao giờ trở lại. Đến khi kịp hoàn lại cái thần trí, thì cha cô là người sau cùng bị đóng gông giải đi như đại diện cho những kẻ báng bổ tín điều bằng những mánh khóe, thủ đoạn gian ác trước kia là bóp nắn tá điền! Cảm giác lạnh buốt toàn thân khi hồi tưởng khiến cô như kẻ mất hồn, mấy lần suýt bị kiểm điểm, kỷ luật nếu như Y. không ra tay chuyển cô lên miền thượng du làm con nuôi cho bà cụ H’Mông, thay họ đổi tên, mang một lý lịch khác trong veo đỏ lòm.

Từ ngày đó, cô lại tiếp tục với công việc mới, là diễn viên một đoàn ca múa giáo lý Núi Rừng. Nhan sắc cô gái H’Mông đã hút hồn nhiều anh giáo phẩm cao thấp, đã làm nhiều anh thân bại danh liệt. Y. nhanh tay cưới cô và biến cô thành lá cờ hiệu trong tay hắn. Nhan sắc và cái của tự có là nấc thang cho ông bò lên. Cô hân hoan với mùi mô hôi thay đổi, cô đắm đuối với những chức vụ mới cho tới khi Y. đã có được những điều hắn muốn. Cô diễn viên H’Mông được đưa trở lại bóng tối. Y. luôn cảm thấy cô là một cô gái trinh tân mỗi khi gần gũi. Còn cô thì thấy tình cảm rơi ra ngoài thể xác. Ông chỉ còn là chiếc gối nhồi bông bên cạnh. Cô cảm thấy trống trải với quá khứ chẳng mấy vệ sinh của mình nhưng lúc nào cũng làm cơ thể cô căng phồng ham muốn xác thịt.

Chỉ hơn chục năm sau ngày ông mất, thằng lái xe bỏ đi, nhưng nay cô không còn là cô. Cô đã trở thành một bà lão cô độc.

Có đêm bà ngoẹo đầu trên vai ghế chìm vào giấc ngủ chập chờn, dưới bóng đèn hắt ra những quầng sáng mong manh. Gió lay đập tấm rèm cửa sổ chao qua một bóng trắng, bước thẳng trước bàn thờ và quỳ xuống. Cái bóng trắng mỏng manh như những sợi khói đùn chẳng ra một thứ hình hài nhân dạng nào. Bà căng mắt và cũng chỉ là những sợi khói cố vươn cao, lay lắt rồi tan biến sau đó.

Có đêm cái bóng trắng ngoằn ngoèo kia đến bên tay ghế, đặt lên vai bà trong cơn ngủ mê mệt bãi hoãi. Bàn tay không ấm áp, mà lạnh ngắt như thỏi đá khiến bà mở choàng mắt và chỉ còn lại những sợi khói mỏng manh, chờn vờn nửa muốn dừng lại, nửa muốn lẩn tránh.

Và đêm kia, không rõ đêm nào, bà ngủ ngồi trên ghế xô pha bọc da gấu Siberia, người quản gia thì tựa lưng vào vách trên chiếc đẩu gỗ hồng đào.

Nửa đêm anh tài xế có cánh tay cuồn cuộn, cơ bắp nổi vòng ôm cứng lấy bà, ấm áp. Chìm trong cơn đắm say sương khói như đang chìm vào hiện thực qua bản năng. Bà vùng vẫy, rên khe khẽ, cuốn siết chiếc gối ôm vào lòng.

Đêm nào anh tài xế cũng là chiếc gối ôm kẹp chặt trong háng, áp vào bầu ngực nhão xệ.

Hạnh phúc và sự trống trải trộn lẫn vào nhau như chén mắm đầy đủ các loại gia vị đặt trên bàn ăn nhưng không hề đụng đũa.

Bà, đôi khi cũng nhớ lại cái ngày đất trời sụt lở khi giáo hội giao cho chồng bà ra tay trừng phạt những tay phản bội giáo lý giáo phường, từng lôi kinh kệ của giáo hội ra bêu rếu, từng ném bom, châm lửa vào thành trì giáo phái ầu ơ ví dầu ví dẫu ví dâu.

Hai trăm năm chục tên phản bội giáo lý giáo hội sắp hàng tư, mặt quay về núi Bà Lù. Trước mắt bọn chúng và cao hơn chúng vài sải tay là những cuốn kinh Toàn Tập Toàn Thư, là miếng vải nhuốm màu kinh nguyệt động địa te tua thiên kinh; lắc lư bên dưới là hình vẽ nguệch ngoạc mấy khúc xương voi vắt chéo, chính giữa giữa cái đầu trụi da trụi tóc nhòe trắng màu lân tinh ma quái thường lóe lên, rờn rợn trong những đêm mưa gió bão bùng.

Những thân người trắng bệch như bông gòn bay lả tả mùa gió nam non. Những mảng trắng trôi dập dềnh vất vưởng trên không. Sự chết dập dềnh trôi và chưa dừng lại sự kết thúc. Thời gian kéo dài hàng thế kỷ. Bầy người khốn khổ chịu đựng sự hành hạ của cái chết đã biết trước. Nhưng nó cứ treo lơ lửng trên đầu, trước mặt.

Mặt trời nín thở.

Mặt đất nín thở.

Muông thú cắm đầu dưới lớp sỏi đá.

Gió cũng ngừng thổi.

Mây cũng ngừng trôi.

Mọi chuyển động lỏng lẻo và rệu rạo đều đứng sựng cả lại và nín thở. Thính giác thì vểnh ra lỗ tai dài tám trượng. Thị nhãn bị chọc thủng. Quả tim khục khặc lên cơn nhảy múa theo cơn sợ hãi đang chiếm dụng não bộ, một cõi riêng cát cứ hò reo.

Đám người chết lặng kia không còn ra cái giống người. Họ không còn điều khiển nổi các cơ vòng hậu môn và đường tiết niệu. Chúng là những anh hùng bần cố nông cặn bã trong cơ thể bọn họ được giải phóng, chúng tự do phóng vọt ra để tiêu diệt những tên phản chủ phản chúa phản hội giáo, ma mị lừa dối bịp bợm đĩ xược bốc mùi cả khu vực núi Bà Lù đang lên cơn.

Tám mươi họng đại bác chỉa vào. Tám ngàn cây đại liên chỉa vào. Bảy trăm chín mươi quả đại bác phọt ra. Cả ngàn thùng đạn đại liên cùng tung hô một nhịp. Hai trăm năm mươi sinh vật nẩy lên nhảy múa.

Óc phọt ra trắng trời.

Máu phun ra thành màu nắng quái lúc chiều hôm.

Xương thịt hất bay lả tả như bão tuyết miền Siberia.

Lửa đỏ hực những cơn nấc nghẹn.

Nước mắt Bà Lù rớt xuống thành những đợt lũ trận trận.

Đất trời lịm chết trong màu trắng tang thương.

Ngàn năm sau quyển kinh lại lật qua trang bằng những dẫn dụ khiến bầy người như mở cờ. Nhưng khốn nỗi, những trang sau không mấy sáng sủa hơn những trang trước.

Bầy người vẫn tiếp tục cúi gằm, cắm mặt xuống đất như một chiếc cọc nhọn.

Đứa con chi địa vẫn biệt dạng.

Những bóng hình xưa cứ lảng vảng trong đầu: Huy hoàng và khốn nạn.

nguyễn lệ uyên

(còn tiếp)

Một Hai Ba Bốn

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search