T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Về những niềm đam mê . . .

clip_image002

1.

Cuối cùng thì người bạn trẻ của tôi cũng đã có tác phẩm “được” in. Là quyển sách, cầm được, sờ được, ngửi được đàng hoàng. Chứ không phải loại “ấn bản điện tử” không cảm giác, không mùi rất thời thượng hiện nay. Tôi đùa với cô thế là cô đã trở thành nhà văn chính hiệu.

(Chẳng là người trong giới thường hay truyền miệng nhau rằng không có sách in thì chớ có viết danh hiệu nhà văn trước tên của mình. Thế nên, có người đã phải cố mà in sách : thơ, truyện, tùy bút, tản văn . . . bất cứ thứ gì, hay dở chưa biết, cứ phải thành sách cái đã. Đó là nói về cái thời mà loại sách “điện tử” còn chưa phổ biến, ít người mặn mà với nó. Chứ còn bây giờ thì không hiểu, không biết, không nghe là liệu in sách điện tử có thể coi là lai-xần để khoác lên mình chiếc áo nhà văn, nhà thơ, nhà gì gì đó chăng. Nếu “dễ dãi” được như thế thì trang nhà TV&BH hiện nay đang lạm phát nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo vì chỉ trong vài tháng mà đã có tới 12 đầu sách trình làng. Bằng chỉ tiêu nguyên năm của một nhà xuất bản sách tầm cỡ thời xưa. Quả là “phong cách” thời đại, cái gì cũng nhanh, cũng nhiều ào ạt khiến chưa kịp xem xong cái bìa thì quyển kế tiếp đã chồng lên che kín . . .).

tran-van-vuong-2

Rất tâm tình để nói rằng, cầm quyển sách in mà người bạn trẻ của tôi nâng niu, trân trọng, tôi cảm hết được “nỗi lòng” của cô. Đó không chỉ là một quyển sách, một tác phẩm đầu tay của một tác giả, mà còn là cuộc đời của cô nằm trọn trong đó, như thể nó được sống lại một lần nữa (khi viết) và thêm một lần nữa (khi trở thành tác phẩm được in). Và tôi cũng hiểu được vì sao cô cứ khăng khăng phải in tác phẩm thành sách giấy đàng hoàng, chứ không chịu chỉ nhìn thấy nó trên màn hình máy điện toán. Thế giới thật và thế giới ảo, dù sao cũng khác nhau nhiều lắm. Và dù sao, cô cũng là một người phụ nữ, còn tôi là anh đàn ông chính hiệu.

Tôi biêt cô một khoảng thời gian đủ dài để nhận ra người bạn trẻ của tôi rất nghiêm túc trong những con chữ của mình. Cô viết rất nhiều, nhiều hơn cái ấn tượng mà người đọc thường có khi cầm quyển sách đầu tay mỏng manh của cô. Thế nên, những gì mà cô trân trọng gởi đến người đọc, đều đã được sàng kỹ qua một máy lọc tôn trọng mình, tôn trọng độc giả, tôn trọng trang giấy in (tuy chẳng mắc mỏ gì). Cô còn khá trẻ, đường cô đi còn dài trước mặt, cô còn rất nhiều thì giờ để tiếp tục sàng lọc mớ tài sản chữ nghĩa không nhỏ trong “kho”. Rồi đây, chúng ta hẳn sẽ còn được nhìn thấy nhiều tác phẩm nữa của cô ra đời. Văn học Việt Nam hải ngoại lại có thêm một chút sinh khí để tiếp tục sống còn. Nhờ vào chính tác phẩm ra đời, chứ chẳng phải cái danh hiệu (hão) “nhà văn” mà người bạn trẻ tiếp nhận một cách ngượng nghịu.

2.

clip_image004

clip_image006

Cùng thời gian này, một người bạn trẻ khác của tôi cũng đã tổ chức được một buổi triển lãm tranh, dành cho quan khách Ta cũng như “Tây”, ở một nơi không có nhiều người “mình” sinh sống. Buổi triển lãm tranh nằm trong khuôn khổ sinh hoạt của buổi ra mắt một câu lạc bộ văn hóa Việt Nam ở thành phố Nashville, tiểu bang Tennessee, mà anh bạn trẻ là một trong những người tâm huyết vận động thành lập. Tranh của anh được bán để lấy tiền cho câu lạc bộ hoạt động. Quả là một việc làm nhiều ý nghĩa. Người mua, theo anh cho biết, phần lớn là người Mỹ. Trước đó, cũng đôi lần anh cho triển lãm tranh của mình trong trường đại học địa phương, chủ yếu là để giới thiệu văn hóa, bản sắc Việt Nam hơn là bán tranh hay “lấy tiếng”.

Vẽ tranh, không như người viết văn, làm thơ, tốn kém tiền bạc không nhỏ. Tiền màu, tiền vật liệu, đôi khi thêm tiền mướn người mẫu. Việc triển lãm tranh cũng đòi hỏi chi phí chuyên chở, mướn phòng, và nhiều thứ này nọ. Việc phổ biến tác phẩm hội họa cũng khá nhiêu khê, không dễ dàng như các lọai hình văn, thơ, và kể cả nhạc.

Người bạn trẻ họa sĩ của tôi, có thể gọi anh là họa sĩ mà không sợ cường điệu. Anh đã có tranh vẽ triển lãm và bán cho khách thưởng ngoạn. Và nếu so sánh với người bạn trẻ “nhà văn” nhờ có sách in ở trên, cái lai-xần họa sĩ của anh chắc không đến nỗi thua kém gì, nếu không muốn nói là nhỉnh hơn một chút, vì dù sao anh cũng có thu nhập đến từ việc sáng tác của mình. Còn người bạn trẻ “nhà văn” mang tiền nhà đi in sách (giấy), thêm tiền cước phí gởi tặng người đọc, nên chắc chẳng có thu nhập gì ngoài việc được sống lại một phần đời mình, dù cái phần đời ấy nhiều khi chỉ muốn quên phức đi cho xong nợ.

3.

Hai người bạn trẻ của tôi có chung với nhau một thứ mà tôi gọi là niềm đam mê. Một người mê chữ, một người mê cọ. Hiển nhiên để thể hiện ý tưởng, thể hiện những suy tư đến từ hai trái tim vẫn còn nóng nỗi đau của thế hệ, về cuộc sống quanh họ và cuộc sống tuy không ở quanh họ – quê nhà xa tít tắp ấy – nhưng chưa bao giờ biến mất khỏi những gì họ đã và đang tìm cách thể hiện trên trang giấy (ảo và thực), trên khung vải.

Với tôi, với những nỗ lực để phát triển và tồn tại của trang mạng văn học nghệ thuật T.Vấn & Bạn Hữu, cùng với những người trẻ khác luôn chăm chỉ miệt mài đóng góp, họ – những bạn trẻ của tôi – còn là những chỉ dấu khỏe mạnh của tương lai, của những thành tựu sẽ đến, bất kể ngày mai đây những khuôn mặt già cỗi (như tôi) sẽ lặng lẽ ra khỏi đời này. Tôi hiểu, đến lúc phải đi thì cứ an lòng ra đi. Thế gian này vẫn sẽ có người chăm sóc. Kỹ lưỡng hơn. Khởi sắc hơn.

Những cánh tay đã được nối dài, thứ chiều dài của nhiều thế hệ. Cùng với những niềm đam mê không bao giờ lịm tắt.

Từ giờ phút này, tôi đã sẵn sàng để bước vào cảnh giới tuyệt vời. thân tâm thường an lạc.

clip_image008

T.Vấn

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search