T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 177)

 

clip_image002

Kê là gà

Giáo sư Lê Ngọc cho rằng gà là tiếng Tàu do kê biến âm ra, mà kê thì Tàu đọc là cấp.

Tôi kiểm soát lại thì toàn thể nước Tàu chỉ có tỉnh Quảng Đông gọi con gà là cấp thôi, các tỉnh Hoa Nam khác gọi nó là ‘’côe’’, riêng Hoa Bắc thì lại đọc cái chữ Tàu đó là ‘’chĩa’’. Chĩa và côe có thể biến thành kê, gà được chăng ?

Sự thật thì cấp của Quảng Đông, kê là tiếng Việt cổ và gà là tiếng…Mã Lai.

(Học lại chữ Tàu – Bình Nguyên Lộc)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Gia đình tôi tất cả đều sinh ra tại Hải Phòng. Khi lớn lên, bố tôi vượt lũy tre xanh, rời xa khỏi địa bàn Hải Phòng, đi lính quốc gia… Sau này bố tôi không còn ngọng một tí ti ông cụ nào. Năm 1948, bố tôi 24 tuổi từ Sài Gòn trở về Bắc làm cảnh sát Hải Phòng; và lập gia đình với mẹ tôi. Mẹ tôi cũng là dân sinh quán Hải Phòng; và chính mẹ tôi cũng nói ngọng “l,n” khá nặng. Tôi và 3 đứa em lớn được sinh ra tại Hải Phòng. Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam. Đến hôm nay, gia đình tôi có cả thẩy 8 anh em không có một ai nói ngọng “l,n.
Năm 2005 tôi có dịp về thăm quê quán Hải Phòng mới thấy là họ hàng bên nội bên ngoại của tôi đều ngọng “l,n” hết ráo. Qua kinh nghiệm của gia đình tôi thì sự phát âm sai (ngọng) phần lớn là vì ảnh hưởng của môi trường phát âm sai (Hải Phòng. Nếu có dịp đi ra khỏi môi trường ngọng này, như bố tôi chẳng hạn, như vậy, “ngọng” là một bệnh nan y thật nhưng không phải là hoàn toàn hết thuốc chữa…Điều đáng chú ý là ngoại trừ loại ngọng “phản cảm” “l,n”, hầu hết các loại ngọng hay phát âm khác như ở miền Trung, miền nam đều được dễ dãi xí xóa thông cảm. Ngọng “l,n” ở miền Bắc đặc biệt bị phân loại là “bất bình thường”, đôi khi còn bị hiểu lầm như “nhà quê,” “ít học,” “kém văn hóa…” Trời đất! Quê tôi!

(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)

Bỡn nhân tình

Tao ở nhà tao, tao nhớ my,
Nhớ my nên phải bước chân đi.
Không đi my nói rằng không đến,
Đến thì my nói đến làm chi.
Làm chi tao đã làm chi được,
Làm được chớ tao đã làm chi.
(Bỡn tình nhân – Nguyễn công Trứ)

Những hình dạng mới của chữ nghĩa

Một giáo sư ngữ học dậy khoa Văn tại Đại học tổng hợp ở Hà Nội cho biết nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh đã phạm những lỗi ngữ pháp về tư duy lôgích. Ngoài lỗi trùng ngôn, trùng ngữ ra còn có một lỗi khác nữa do không hiểu cái thái độ khiêm tốn cố hữu của người Á Đông tôn vinh người đối thoại với mình. Trong khi bản thân mình thì tự hạ thấp bằng những từ xấu nghĩa, cho nên dần dần chuyển thành một nghĩa khác.

Chẳng hạn chữ “quý” trong quý phương, quý nữ hay chữ “nhã” trong nhã ý, chữ “cao” trong cao kiến đã trở thành một đại từ sở hữu chỉ ngôi thứ hai (có nghĩa là “của ngài”) chữ “tệ” trong tệ xá hay chữ “hàn” trong hàn gia, chữ “ngu” trong ngu ý đã trở thành một đại từ sở hữu dùng cho ngôi thứ nhất (“của tôi”).
Vì không hiểu những ý nghĩa phái sinh này, có khá nhiều người nói những câu như “Tôi có nhã ý mời anh chị đến dùng cơm” hay “Theo thiển ý của bố tôi thì họ rất tốt” đều không ổn, vì “nhã ý” chỉ có thể dùng cho ngôi thứ hai (“cái ý nhã nhặn của ngài”), còn “thiển ý” chỉ có thể dùng cho ngôi thứ nhất (vì tôi không có quyền “khiêm tốn giùm” cho bất kỳ ai khác).

Sẽ

Sẽ ; nhẹ nhàng, khè

(rượu đến cội cây ta sẽ uống – giơ cao đánh sẽ)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Thổ thần, Thành hoàng

Thổ thần bảo hộ cho cả một làng là Thành Hoàng, được thờ cúng ở trong ngôi đình. Gần đình thường thấy một vài cây to cổ thụ tại sân đình. Cái đình thay cho miếu án thờ thổ thần cho nên dân làng làm lễ trong đình chứ không ở gốc cây. Xem thế thì sự chuyển dịch từ gò, đống, án, miễu đến đình vẫn còn lại cái cây để tượng trưng cho ý nghĩa linh thiêng. Nhưng đáng lẽ các thần linh ngự tại trên cây thì ở đình các ngài lại ngự nơi bài vị với sắc phong của nhà vua để trong hòm sắc trên ngai đình. Khi nào rước sách thì hòm sắc được để vào trong kiệu mang đi theo. Thổ thần cũng như Thành Hoàng cai quản cô hồn chúng sinh của một địa hạt. Hai lần một năm dân làng làm lễ cầu yên cho chúng sinh tại sân đình vì chúng sinh không được nhập vào trong đình của Thành Hoàng.

Thổ thần và Thành Hoàng đều là thần cả, nghi lễ tuỳ theo địa phương. Nếu dõi theo cấp trật của thần thì ở trên thần còn có thánh. Chúng sinh cô hồn, Thổ Thần, Thành Hoàng, Đức Thánh, đấy là bốn cấp trật thần linh của nguời dân.

(Tục thờ cây ở Việt Nam – Nguyễn Đăng Thục)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Ả đào

Tú Xương một buổi kia đến chơi, sáng ra về tìm ô không thấy, tuy bực mình mà cũng không nỡ nói nặng, chỉ tức sự mấy câu:
Hôm qua, anh đến chơi đây,
Giầy, chân anh dận, ô, tay anh cầm. (1)
Rạng ngày vừa trống canh năm,
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ.
Hỏi ô, ô mất bao giờ,
Hỏi em, em cứ ậm ờ, không thưa.
Nữa rồi rầy nắng mai mưa,
Lấy gì đi sớm về trưa với tình?
Em liền trả lời ngay cho xuôi chuyện và không quên cong cớn:
Chiếc ô là của mấy mươi?
Ngắn ngày xin chớ dài lời làm chi!
Nắng thì nắng cũng có khi,
Mưa thì mưa cũng có kỳ mà thôi.
Ví dù anh có thương tôi,
Thì xin anh cứ đội trời anh lên …
Hay là anh quyết bắt đền,
Thì đây sẵn có cái đền … bằng ba!
(1) Có bản chép: giầy dôn, ô tây, là lầm vì những thứ ấy mới mẻ quá không phải đồ dùng của nhà nho hồi đầu thế kỷ. Đây tác giả muốn nhấn mạnh đến sự mình nhớ rõ chân dận giầy tay cầm ô.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

 

Đồng hồ 3

Hai chữ đồng hồ do: đồng, một loại kim khí. hồ, cái bể nước.

Vì dụng cụ đo thời gian là một quả cầu tròn bằng đồng có xoi lỗ

Được thả nổi trong bể nước. Nước tràn từ từ vào cái lỗ, quả cầu chìm xuống nước gây tiếng động.

Nghe tiếng động, người ta vớt quả cầu lên, dốc nước và thả lại như cũ. Mỗi lần như vậy gọi là một thời (hay thì).

Mỗi ngày mỗi đêm có 12 thời.

Mỗi thời có 8 khắc.

(mỗi khắc bằng 14 phút 40)

(Việt Nam anh hoa – Thái Văn Kiểm)

 

Lục bát truyện kiều (3)

Từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, thể thơ Lục bát lại được các nho sĩ sử dụng để viết truyện, tạo ra một thể loại văn học mới thời bấy giờ, đó chính là Truyện thơ nôm. Thực chất đó chính là một dạng Tiểu thuyết cổ được viết bằng thể thơ Lục bát. Đa số loại truyện này thường khuyết danh, chỉ có Truyện Kiều và Lục Vân Tiên là còn thấy có tên tác giả. Truyện Kiều của Nguyễn Du là tuyệt tác của loại Truyện thơ nôm. So với Lục bát dân gian thì lục bát truyện Kiều không còn các dạng biến thể nữa. Có thể xem Lục bát truyện Kiều là một thứ Lục bát thuần khiết.

Sự cân đối về thanh điệu cùng với phép tiểu đối được sử dụng linh hoạt đã làm cho câu thơ Lục bát truyện Kiều chuông chắn vuông vức, rất mực thước. Có thể nói câu thơ Lục bát đến truyện Kiều mới phát triển thành luật, một thứ luật cũng chặt chẽ nghiêm nhặt không kém gì luật thơ Đường. Nhưng những câu thơ Lục bát truyện Kiều, đúng luật, lại mềm mại, uyển chuyển và hay đến hiếm có. Như vậy là luật thơ không hề trói buộc thơ. Nó chỉ tạo điều kiện cho thơ hay hơn. Bởi vì suy cho cùng thì luật thơ chính là những khuôn hình mẫu mực mà thơ nên có và cần phải có. Có thể nói Lục bát truyện Kiều vừa khuôn mẫu mực thước lại vừa linh hoạt biến hóa. Với Lục bát truyện Kiều, Nguyễn Du đã phát huy diễn tả vốn có của câu thơ Lục bát. Nó có thể miêu tả, có thể kể chuyện, có thể bình luận triết lý…nó có thể đối thoại, cũng có thể độc thoại…Có thể diễn tả cái hùng, cái bi…Khả năng diễn tả của Lục bát chẳng kém gì văn xuôi, thậm chí còn có thể hơn văn xuôi ở sự cô đọng…

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày xưa…ngày nay…

Ngày xưa qua núi vác cày,
Ngày nay nằm thở dang tay xin hòa.

 

Nguồn gốc tộc Việt (8)

GS. Cavalli-Sforza

Sự khám phá của Gs. Chu và các đồng nghiệp đã được các học giả khắp nơi hưởng ứng. Nhiều học giả đã bổ khuyết thuyết của Ông Chu bằng những tham luận giá trị. Xin kể ra đây ba khuynh hướng đáng lưu ý nhất:

Khuynh hướng 1: GS. Cavalli-Sforza đã chứng minh từ năm 1997 trước khi có sự công bố công trình nghiên cứu của GS. Chu là người từ Châu Phi đã đến Đông Nam Á qua ngả Nam Á, rồi từ Đông Nam Á họ đã chia hai ngả: một ra các hải đảo thuộc Châu Đại Dương để trở thành những người mà sau này các nhà nhân chủng học gọi bằng nhiều tên như Malanesian, Indonesian, Australoid; và một ngược phía bắc lên Đông Á rồi vượt eo Bering sang Mỹ Châu. (Cavalli-Sforza – genes, people & languages – Proc. Natl. Acad. Sci. – USA, Vol. 194 pp, 1997).

Người từ Phi Châu đến Đông Nam Á rồi tiện đường (lúc này nước biển thấp nên có nhiều cầu nổi nối liền Đông Nam Á đến hải đảo) ra hải đảo Thái Bình Dương trước. Trong khi tụ lại Đông Nam Á, họ đã hội đủ các yếu tố khoa học để có được một sự thay đổi cấu trúc di truyền lần hai, biến từ giống da đen sang giống da vàng trước khi họ tiến lên phía Bắc. Vậy phải chăng người Hắc chủng từ Phi Châu đến Đông Nam Á rồi nhờ hội đủ yếu tố khoa học, đủ cơ duyên, đã biến đổi thành người da vàng mà sau này nhân chủng học gọi bằng tên Mongoloid.

Từ đó họ đã tỏa lên phía bắc vượt sang Châu Mỹ tạo thành người Da Đỏ. Một nhánh khác của Hắc chủng khi đến Âu Châu đợt sau đã nhờ thay đổi cấu trúc di truyền DNA mà thành Bạch chủng, sau này gọi là Europoid. Đại chủng Vàng Mongoloid ở Á Châu, và Đen Negro-Australoid ở Phi Châu và các hải đảo Thái Bình Dương, và Trắng (Europoid) ở Âu Châu nay lan sang nhiều nơi khác như Bắc Mỹ, Úc Châu … là ba đại chủng chính của nhân loại ngày nay.

(Nguồn: Cung Đình Thanh)

 

Gương vỡ lại lành

(phá cảnh trùng viên)

Thành ngữ nói lên cảnh vợ chồng đã tan rã mà lại được sum họp, đoàn viên. Thành ngữ này xuất phát từ một bài thơ của Từ Đức Ngôn, một phò mã nước Trần .

Cảnh dữ nhân câu khứ
Cảnh quy nhân vị quy
Vô phục Hằng Nga ảnh
Không lưu minh nguyệt huy.
( người đi thì gương cũng đi, người về nhưng gương chưa về, bóng Hằng Nga đâu sao chẳng thấy, chỉ thấy ánh trăng mà thôi )

Vốn công chúa nước Trần tên là Lạc Xương, vợ của Từ Đức Ngôn, khi nước nhà tan rã hai vợ chồng chạy nạn. Trước khi chia tay, công chúa đập tấm gương soi làm hai mảnh, mỗi người giữ một mảnh, hẹn đến ngày thượng nguyên đem ra chợ Trường An bán để làm dấu hiệu tìm nhau. Phò mã chạy thoát còn công chúa thì bị Việt công bắt ép làm vợ. Tới đúng ngày rằm tháng giêng, Đức Ngôn đem gương ra chợ bán để tìm vợ và chàng thấy cũng có một người bán gương như mình. Đồng thời ghép thử hai mảnh gương vỡ thì vừa khít với nhau, chàng bèn làm bài thơ trên nhờ người bán gương đem về cho vợ. Công chúa Lạc Xương đọc thơ khóc nức nở. Việt công biết chuyện bèn trả vợ lại cho chàng. Vợ chồng đoàn tụ. Quả là gương vỡ lại lành.

(Đào Thái Sơn – Một số thành ngữ từ những bài thơ độc đáo)

Nhớ món ngon Sài Gòn

Phở 79

Nói đến phở Sài Gòn tại khu vực trung tâm, phải nói đến tiệm Phở 79, ngay tại số nhà 79 trên đường Võ Tánh. Khoảng năm 1952, tiệm Phở 79 mở cửa, khi đó nền nhà của tiệm còn thấp hơn mặt đường. Chỉ vài năm sau tiệm phát đạt, chủ nhân mua hai nhà bên cạnh, mở lớn thành tiệm Phở 79 khang trang và có thể nói là một trong những tiệm phở sạch nhất Sài Gòn thời đó.

Trường Sinh ngữ Quân đội có chi nhánh ở đường Nguyễn Văn Tráng rất gần với Phở 79 tại khu vực Ngã Sáu Sài Gòn. Đám giảng viên chúng tôi thường xuyên ăn sáng, ăn trưa và cả ăn tối mỗi khi ‘ứng chiến’ tại trường.
Phở tại đây được đánh giá là… ‘ăn được’. Nếu ai ‘ăn không được’ thì chịu khó đi thêm vài bước ra Ngã Sáu, nơi đây có đủ các món ăn chơi thuộc loại bình dân, từ phở, hủ tíu cho đến mì và có cả xe… bánh mì mua về trường nằm gặm trong những đêm ứng chiến!

(Hồi ức một đời người – Nguyễn Ngọc Chính)

Tên họ

Những họ như Trần, Lý, Phạm, Trương, Vũ, v.v… và cả họ Nguyễn là những họ tại Việt Nam, đồng thời người Hoa cũng có những họ ấy. Vào thời xa xưa, những bộ lạc người Việt, Mường, Mán v.v… thường không có họ, vì theo mẫu hệ, chỉ có tên cho dễ gọi. Khi tiếp xúc với Tàu, lại bị đô hộ hơn 1000 năm, ta chịu ảnh hưởng và bắt chước sinh hoạt của Tàu trên nhiều lãnh vực, trong đó có việc đặt thành họ tộc theo phụ hệ. Hoặc bị người Tàu cai trị bắt buộc người Việt lấy họ của Tàu.

Lẽ dĩ nhiên cũng có người Tàu họ Trần, Ngô, vân vân, qua sinh sống tại Việt Nam lâu ngày thành người bản xứ, nhưng số ấy rất ít, không đáng kể. Đừng nói đâu xa, những người Cam Bốt ở vùng châu thổ sông Cửu Long vào thời các chúa Nguyễn không có họ. Về sau các vua Gia Long, Minh Mạng, để tiện việc làm hộ tịch, yêu cầu họ lấy họ Việt Nam, hoặc đặt ra một số họ mới như Thạch, Sơn, v.v.

(Ngự Thuyết – Dòng dõi người Việt gốc Hoa?)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search