T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

HOÀI NAM: CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 3)

CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 3)

Hồi ký
Hoài Nam NGUYỄN HỮU THIỆN

 

Kỳ 1   Kỳ 2

(tiếp theo kỳ 2)

CHƯƠNG 2 – Phú Quốc

Khi trời đã sáng tỏ, chiếc tàu há mồm chở tù cải tạo ra tới Vũng Tàu. Chúng tôi biết được nhờ những anh em tù xin phép lên thành tàu để đi tiểu tiện nhìn thấy Núi Lớn.

Cũng xin có đôi dòng về chiếc tàu há mồm mà sau đó chúng tôi được biết trước kia chính là Hải vận hạm HQ-405 “Tiền Giang” của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Chiếc HQ-405 nguyên là tàu đổ bộ LSM-313 của Hải Quân Hoa Kỳ, thuộc loại LSM 1-class.

Mô hình một chiếc LSM (hình: Internet)

LSM là viết tắt của “Landing Ship Medium”, là loại tàu đổ bộ hạng trung, còn “1-class” để chỉ những chiếc LSM đợt 1, được đóng từ tháng 5-1944 tới tháng 5-1945, mang phiên hiệu từ LSM-1 tới LSM-500, để sử dụng trong các cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh lên Âu châu, Thái Bình Dương trong Đệ Nhị Thế Chiến, và sau này trong Chiến tranh Triều Tiên.

Tới đầu thập niên 1960, những chiếc LSM 1-class còn lại của Hoa Kỳ hoặc bị phế thải, hoặc được viện trợ cho các nước đồng minh “nghèo”. Chiếc LSM-313 được viện trợ cho VNCH năm 1962, trở thành Hải vận hạm HQ-405 “Tiền Giang”.

Theo thông số kỹ thuật, chiếc LSM dài hơn 62 mét, rộng trên 10 mét, trọng tải 755 tấn, có khả năng chở 3 chiến xa hạng nặng, hoặc 5 chiến xa hạng trung, hay 6 xe lội nước, cùng với 50-60 binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến, vận tốc tối đa 22 km/h.

Tàu chỉ có một lớp sàn duy nhất ở dưới lòng tàu, phía trên có thể căng bạt che mưa nắng, như trong trường hợp chiếc HQ-405 khi chở chúng tôi, hai bên là thành tàu, phía trên có lối đi lại.

Ngồi dưới sàn nhìn lên, tôi thấy có khoảng một chục tên bộ đội cầm AK canh gác, theo dõi đoàn tù ở phía dưới. Tới khoảng gần trưa, bỗng thấy có hai người mặc quân phục Hải Quân VNCH, tuy không đầy đủ, thấp thoáng trên boong phía trước, một vài anh em bạn tù là sĩ quan Hải Quân làm bộ xin phép đi tiểu, lén hỏi chuyện thì được biết đó là những hạ sĩ quan, binh sĩ được chế độ mới lưu dụng, và qua đó chúng tôi mới biết đây là chiếc HQ-405.

Hải vận hạm HQ-405 “Tiền Giang” (hình chụp trước 1975)

Khi tàu bắt đầu ra khơi, tôi suy nghĩ nát óc nhưng cũng không thể đoán bọn cộng sản sẽ đem mấy trăm tù cải tạo này đi về đâu. Thời gian này, chúng tôi hoàn toàn chưa có một ý niệm nào về hệ thống các trại cải tạo của CSVN sau năm 1975, mà chỉ biết một địa danh duy nhất là Thành Ông Năm.

Rồi một nỗi lo sợ chợt thoáng qua trong đầu: hay là họ đem chúng tôi ra biển để thủ tiêu, quăng xác xuống biển cho cá mập ăn?! Sau này, có dịp tâm sự với nhau, tôi được biết vào lúc ấy cũng có khá nhiều anh em có cùng nỗi lo sợ như tôi…

Khi tàu bắt đầu lấy hướng nam thì biển trở nên thật xấu, chiếc HQ-405 trọng tải chỉ có vài trăm tấn nên lúc thì ngả nghiêng như muốn lật ngang, lúc nhồi lên chúi xuống theo từng đợt sóng, khiến đa số anh em tù cải tạo bị “ngất ngư con tàu đi”, ói mửa, nằm một đống… Riêng tôi không hề hấn gì; bởi xưa nay tôi không hề bị say xe hay say máy bay. Còn nhớ trước năm 1975, mỗi lần về Phước Long (Sông Bé) thăm nhà, quá giang C-7A Caribou mà gặp thời tiết xấu, trong lúc nhiều hành khách khác tả tơi thì tôi vẫn tỉnh bơ…

Xế chiều, chiếc HQ-405 vẫn tiếp tục trực chỉ hướng nam, một anh bạn Hải Quân ngồi gần tôi nhẩm tính rồi đoán mò rằng có thể chúng tôi bị đưa ra đảo Côn Sơn. Nghe cũng có lý, bởi trước 1975 Côn Sơn cũng là nơi VNCH nhốt tù.

Nhưng đợi mãi vẫn chẳng thấy tàu cập Côn Sơn, và sau khi trời tối mịt thì anh bạn Hải Quân cũng chịu thua, có muốn nhìn sao trời để đoán phương hướng cũng không được vì vướng cái bạt che ở phía trên.

Tới khoảng 10 giờ đêm, tàu mới cập bến và… há mồm. Chúng tôi được lệnh xếp hàng một lên bờ, đám cán bộ chờ sẵn đếm tù rồi phân ra từng toán 50 người, mỗi toán đi theo hai tay cán bộ, có bộ đội súng ống đi kèm.

Đi được vài chục mét, một người trong đoàn tù buột miệng:

– An Thới!

Một người khác hỏi lại:

– Ở đâu vậy?

– Đảo Phú Quốc… – rồi anh hạ giọng, ngậm ngùi – Hồi đó, đây là căn cứ hải quân của mình, có thời gian tôi đóng ở đây.

Sau khoảng một tiếng đồng hồ cuốc bộ, toán của tôi và mấy toán đi sau được lệnh dừng lại trước một cái cổng chằng chịt kẽm gai.

Rồi chúng tôi lần lượt bước vào dưới ánh đèn pha sáng rực và trước những cặp mắt đầy hận thù của cán bộ và bộ đội cộng sản Bắc Việt. Khi tôi đi ngang, thấy cây đàn trên vai, một tay cán bộ cười nhạt:

– Hừm, đem theo cả đàn nữa cơ à! Còn yêu đời thế nhỉ!

Nghe hắn nói, tôi lạnh người, mặc dù chưa biết tương lai của mình sẽ đen tối tới mức nào!

Khi tất cả đã vào bên trong trại, chúng tôi được lệnh ngồi xuống cái sân cát phía trước hội trường, rồi từng toán 50 người được lần lượt đưa vào những căn nhà tôn khung sắt, vách cũng bằng tôn, nền đất, mỗi bên vách có ba, bốn cửa sổ và ở hai đầu nhà có hai cửa ra vào.

Một trại tù ở Phú Quốc (hình chụp trước 1975)

Về sau chúng tôi được biết đây một trong mấy chục trại để giam giữ tù binh cộng sản trước năm 1973, do các đơn vị Quân Cảnh quản trị. Trại tôi ở có khoảng 15 căn nhà, một hội trường và một nhà bếp. Nằm đối diện với trại tù, phía bên kia đường là doanh trại của đơn vị coi tù.

Ngày trước, mỗi căn nhà chỉ chứa 25 tù binh cộng sản, mỗi người được một cái giường sắt; nay dồn 50 người vào thì không đủ chỗ trải chiếu (chiếu cá nhân được phát ở Thành Ông Năm), các mép chiếu phải gối đầu lên nhau, và mọi người phải nằm ngủ ngược đầu với hai người bên cạnh, bởi nếu tất cả nằm xuôi, vai người này sẽ đụng vai người kia.

Nhưng trong đêm đầu tiên thì vì ai cũng mệt lả, chỉ cần được đặt lưng xuống nền nhà, nên chúng tôi nằm lộn xộn, chen chúc như hộp cá mòi.

Sáng hôm sau, thức dậy mới biết đám trung úy, thiếu úy chúng tôi không phải những tù nhân đầu tiên của trại tù này mà trước đó đã có các hạ sĩ quan Cảnh Sát Đặc Biệt.

Được biết ngày ấy, chỉ vài tuần lễ sau khi trình diện “học tập cải tạo”, thành phần này đã được đưa ra Phú Quốc. Riêng trong trại của chúng tôi, họ chiếm khoảng 1/3 tổng số tù cải tạo.

Nhận xét đầu tiên của tôi là các ông hạ sĩ quan này trông hết sức thảm não, người nào cũng đen đủi, gầy còm, ánh mắt lờ đờ như không còn sinh khí…

Khoảng 8 giờ sáng, đám sĩ quan cán bộ quản giáo đi vào từng nhà, “lên lớp” theo bài bản như con vẹt độ khoảng 15 phút rồi kêu gọi xem có ai tình nguyện làm “nhà trưởng”, không có người tình nguyện thì dòm mặt chỉ định. Nhà trưởng có nhiệm vụ nhận lệnh từ cán bộ để truyền đạt tới anh em tù cải tạo, và “phản ảnh” mọi sinh hoạt của nhà lên cán bộ.

Sau đó, chúng tôi được lệnh lên hội trường để “gửi” tư trang vàng bạc và học tập Nội quy trại.

“Tư trang vàng bạc” ở đây được họ định nghĩa là tất cả những thứ gì có thể tháo rời khỏi người (trừ nhẫn cưới), chẳng hạn đồng hồ, dây chuyền, lắc vàng (nhưng trên thực tế chẳng có ai dại dột tới mức đi cải tạo mà còn đeo lắc).

Tay cán bộ quản giáo giải thích: “Cách mạng chỉ giữ cho các anh, khi nào các anh được tha về, cách mạng sẽ giao lại!”

Sau này, khi đã trải qua dăm bảy trại, tôi được biết không phải trại nào cũng bắt tù cải tạo “gửi” tư trang vàng bạc, nhưng một khi bắt gửi thì từ Nam chí Bắc đều có cùng một thủ tục… quái đản: tù cải tạo giao tư trang vàng bạc cho cán bộ giữ, thay vì được cán bộ cấp biên nhận thì người đó lại phải ký vào cuốn sổ của cán bộ!

Xong thủ tục gửi tư trang vàng bạc, chúng tôi được học tập về nội quy của trại. Nhận xét một cách chung chung thì nội quy của trại cải tạo nào (thuộc trung ương chứ không phải địa phương) cũng giống nhau, có khác chăng chỉ là những chi tiết, chẳng hạn tuy ở cùng trại nhưng đám sĩ quan chúng tôi và các hạ sĩ quan cảnh sát tuyệt đối không được quan hệ với nhau, hoặc ban đêm cần “đi thăm lăng Bác” (ở gần hàng rào phía sau của trại) thì khi còn cách dãy cầu tiêu khoảng 10 mét, phải đứng lại, lớn tiếng xin phép tay bộ đội trên vọng gác, khi nào y trả lời mới được đi tiếp.

Về cung cách đối xử với tù cải tạo thì đám cán bộ quản giáo ở Phú Quốc lạnh lùng hơn các đồng nghiệp của họ ở Thành Ông Năm rất nhiều; đám vệ binh (bộ đội) thì lúc nào cũng đằng đằng sát khí, hận thù ra mặt.

Lúc đầu tôi cứ nghĩ vì ở Thành Ông Năm, chúng tôi chỉ là các cải tạo viên được học tập chính trị, còn ra Phú Quốc, chúng tôi là tù lao động khổ sai nên chính sách đối xử đương nhiên phải khắt khe hơn, sau này mới biết chỉ vì chúng tôi có “nợ máu” với đám bộ đội Phú Quốc.

* * *

Nguyên đơn vị coi tù cải tạo ở Phú Quốc trực thuộc một sư đoàn đóng ở Kiên Giang, trước kia là một trong những đơn vị chính quy Bắc Việt vượt vùng phi quân sự đánh chiếm Quảng Trị trong mùa Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, đã bị Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, và phi pháo của VNCH đánh cho tanh banh.

Một tay cán bộ quản giáo ngày trước thuộc đơn vị pháo, có lần đã kể lại với chúng tôi về món nợ máu ấy như sau:

Trước khi vượt tuyến đánh chiếm Quảng Trị, đơn vị của anh ta được tăng cường những khẩu súng cối 82 ly mới tinh, nhưng chưa vào tới Đông Hà thì đã bị TQLC tiêu diệt hơn phân nửa phải rút tàn quân về Bắc, nhiều khẩu cối 82 ly mới bắn được vài viên đạn đã bị bỏ lại trận địa!

Sau khi rút quân về để bổ xung lực lượng, đơn vị pháo của anh ta lại được lệnh vào Quảng Trị, và lần này, trong lúc đang vượt sông Thạch Hãn thì trở thành những mục tiêu “ngon lành” cho phi cơ của Không Lực VNCH, mười phần thì tới sáu, bảy bỏ mạng trên dòng sông oan nghiệt.

[Sau này ra hải ngoại, được đọc trên Internet hồi ký chiến trường của một cấp chỉ huy CS Bắc Việt, tôi thấy khá giống lời kể của tay cán bộ quản giáo ở Phú Quốc. Điều đáng chú ý là cả hai đều phải nhìn nhận “lính dù và lính thủy đánh bộ của miền Nam đánh rất dữ tợn”]


* * *

Nhưng ít ra chúng tôi cũng được hưởng một tuần lễ “huy hoàng”, ăn Tết ta xong mới bắt đầu những tháng ngày khổ sai cơ cực.

Trước hết nói về ẩm thực: lần đầu tiên kể từ ngày trình diện học tập cải tạo, chúng tôi được ăn cá tươi, không phải chỉ ăn lấy hương lấy hoa như ở Thành Ông Năm mà ăn thỏa thích.

Bữa cơm đầu tiên, cứ 10 tù cải tạo được một thau cơm và một thau cá, mà cá thì nhiều hơn cơm. Chuyện khó tin nhưng có thật!

Thấy đám “ma mới” chúng tôi ra vẻ “hồ hởi phấn khởi”, một ông hạ sĩ quan cảnh sát nói:

– Rồi mấy ông thầy sẽ ngán cá thèm cơm cho mà xem!

Nhưng lúc ấy, đám trung úy, thiếu úy chúng tôi không bao giờ có thể tưởng tượng việc này sẽ xảy ra trong tương lai. Bởi chúng tôi chỉ thèm “chất đạm” (protein).

Muốn biết chúng tôi thèm chất đạm tới mức nào phải trở lại với “chế độ ăn uống” ở Thành Ông Năm.

Không hiểu ngày ấy Đoàn 775 họ kiếm đâu ra gạo mà tù cải tạo chưa bao giờ thiếu cơm ăn, ít nhất cũng là cho tới tháng 1-1976, khi chúng tôi bị đưa ra Phú Quốc. Nhưng thức ăn thì có vấn đề. Trong mấy tháng đầu, mỗi tổ 10 người chỉ được một thau nước muối lõng bõng mấy miếng thịt heo bằng đầu ngón tay, hoặc vài con cá khô chất lượng cũng tương đương loại cá khô mà trước năm 1975 người ta lấy nấu cám heo; thỉnh thoảng có thêm một thau canh rau muống hoặc củ cải trắng nấu với muối.

Vài tháng sau, có lẽ do bắt mánh được với những tay bỏ mối đậu hũ ở chợ Hốc Môn, đám cán bộ hậu cần của khu trung úy, thiếu úy (không biết ở các khu khác thì sao) đã chỉ còn cho tù cải tạo ăn một món duy nhất: đậu hũ; một tháng may ra được ăn thịt, cá (ăn lấy hương lấy hoa) một, hai lần.

Nhưng tệ hại nhất phải là thời gian khoảng hơn một tháng sau cùng (ở Thành Ông Năm), không hiểu vì đám cán bộ hậu cần tẩu tán muối để bán cho dân hay vì một nguyên nhân khó hiểu nào đó mà lượng muối cung cấp cho cải tạo bị cắt bớt dần, cho tới khi hầu như chỉ còn là con số không!

Có sống trong cảnh này, người ta mới thấy được tầm quan trọng số một của muối trong lĩnh vực ẩm thực; không có muối không ai có thể nuốt được cơm. Một vài anh em từng đọc, hoặc nghe kể về cách làm muối của người Thượng ở vùng cao nguyên, cho biết cứ đốt cỏ tranh, ngâm than trong chậu nước, muối sẽ kết tụ ở dưới đáy.

Nhưng ở trong Thành Ông Năm làm gì có nhiều cỏ tranh như ở các thảo nguyên hay nương rẫy để thử bắt chước người Thượng!

Trong hoàn cảnh ấy, tôi bỗng nhớ lại hồi học Vạn Vật lớp Đệ Nhất ban A có nói tới việc “tinh bột tạo ra đường”, theo đó nhai cơm trắng, nhai bánh mì một lúc sẽ thấy vị ngọt. Vậy nay không có muối ta ăn cơm với… đường! Tôi và một vài anh em cùng tổ nhai thử thì quả thật một lúc sau có vị ngọt, nhưng nó vẫn lạt lẽo thế nào ấy vì không có vị mặn. Rốt cuộc cũng chẳng có ai hưởng ứng!

Trong khi đó, một số anh em thấy cơm thừa nhiều quá, đổ đi mang tội bèn đem phơi khô. Đám cán bộ quản giáo thấy thế liền ra lệnh cấm, vì sợ tù cải tạo tích trữ lương khô để trốn trại!

Hậu quả, mỗi ngày chỉ tính đội của tôi thôi, đã phải đổ xuống hố rác mấy thau cơm trắng!…

Đang từ phải ăn cơm với đậu hũ lạt, nay ra Phú Quốc cứ 10 người được một thau cá kho (cá ngừ, hoặc cá nục, cá bạc má) thì còn gì sung sướng cho bằng!…

Rồi để chuẩn bị đón xuân (mà nhà nhạc sĩ Văn Cao cảm khái ca tụng là “Mùa Xuân Đầu Tiên” trong ca khúc cuối cùng của ông), mỗi tù cải tạo được nhà cầm quyền trại ưu ái phát cho hai gói thuốc thơm đầu lọc “Sài Gòn Giải Phóng”, nguyên là hiệu “Président” của nhà máy thuốc lá MIC trước kia…

Trong những ngày còn được “tự do chơi bời” ấy, tôi thường mò sang các nhà bên cạnh để xem có ai quen thì gặp An Đình Phương, chàng thiếu úy trẻ ở cùng tổ với tôi ở Thành Ông Năm, và đáng nói hơn cả là được gặp lại “Đức Cống”, Trung úy Pháo Binh, tay bạn học điếc không sợ súng từ năm Đệ Tam, cùng ở Phường 13 Phú Nhuận với tôi.

Còn về anh em ở cùng nhà thì tôi trở nên thân thiết với anh bạn Vương ĐT nằm bên cạnh, một phần vì anh gốc Nam Kỳ, lè phè, dễ tính, một phần vì anh cùng học Khóa 18 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang với hai thằng bạn lớp Đệ Nhị ban B của tôi trước kia, đều mang tên Phước: Huỳnh Hữu Phước, tức “Phước cao”, và Nguyễn Hữu Phước, tức “Phước đen”.

Người thứ hai là một ông anh Bắc Kỳ khá lớn tuổi hơn tôi, tên Thịnh, biệt hiệu “Thịnh thuốc lào”. Anh là người tù cải tạo đầu tiên hút thuốc lào mà tôi được biết. Ở Thành Ông Năm, anh chế một cái điếu cày bằng ống nhôm trái sáng và mang theo ra Phú Quốc cùng với một ít thuốc lào mà gia đình gửi theo gói quà nửa ký đầu tiên.

Cứ sau mỗi bữa ăn, anh cho tôi nửa “bi”; nửa bi thôi nhưng cũng đủ tê mê, rần rần đến tận từng đầu ngón tay!

“Quần đảo ngục tù”

Sau Tết ta, với đám trung úy, thiếu úy vừa từ đất liền ra, kiếp tù khổ sai Phú Quốc mới thực sự bắt đầu.

Năm giờ sáng (nếu tôi nhớ không lầm), kẻng báo thức. Xếp hàng đi cầu tiêu, ra giếng rửa mặt, xuống nhà bếp lãnh mỗi người một ca nước đun sôi thay cho bữa ăn sáng…

Sáu giờ rưỡi, tập họp tại sân cát trước hội trường nghe cán bộ phân công lao động trong ngày.

Từ lúc chúng tôi ra Phú Quốc cho tới khi trở về đất liền, trại tôi có ba loại công tác lao động chính: (1) sản xuất, (2) xây dựng (3) cưa gỗ, đốn củi.

– Sản xuất là phá rẫy, cuốc đất, đào mương, trồng trọt, tưới nước, làm cỏ khu nương rẫy của trại.

– Xây dựng là dựng nhà, cắt tranh để lợp nhà, làm vách…

– Cưa gỗ, đốn củi là vào rừng cưa gỗ để bán cho dân làm lò than, hoặc đốn cây đưa về trại làm củi.

Tùy theo sự phân công của cán bộ quản giáo, công tác có thể thay đổi mỗi ngày.

* * *

Trước hết nói về sản xuất, đây là công việc nhẹ nhất; sau khi được phân công, toán này chỉ cần theo quản giáo băng qua đường lộ, đi bộ khoảng nửa cây số là tới khu rẫy phía sau dãy nhà của ban chỉ huy trại, chạy dài về hướng bờ biển phía tây của đảo.

Tuy là công tác nhẹ nhất nhưng lại gây khó chịu, bực bội, nhục nhã nhất, vì ngoài mấy tay cán bộ quản giáo còn có đám vệ binh (bộ đội) vắt mũi chưa sạch, ti toe diệu võ dương oai, thay phiên nhau “lên lớp” đám tù cải tạo với những bài bản giống hệt nhau, nào là “nao động nà vinh quang”, nào là “trước đây các anh chây nười, chỉ biết rượu ngon gái đẹp, nay phải học tập nao động để trở thành người hữu ích cho xã hội”, v.v…

Rất nhiều lần tôi đã nóng mặt khi thấy những tên oắt con này xỉ vả, nhục mạ mấy ông trung úy, thiếu úy già đáng tuổi bố của chúng, chỉ vì khi cuốc đất, họ không đủ sức dơ cái cuốc lên đủ cao theo yêu cầu!

Bên cạnh đó, khác với những trại chúng tôi ở sau này, nơi toán sản xuất thường lén đem về trại vài củ khoai, một nắm rau dại, mấy trái ớt, ít lá sương sâm…, ở Phú Quốc cấm ngặt đem bất cứ thứ gì vào trại, không cần biết ăn được hay không ăn được!

Nếu nghi ngờ, mấy tên bộ đội gác cổng còn bắt tù cải tạo cởi áo để chúng khám xét.

Nhưng dù sao chăng nữa, anh em nào ở trại tôi cũng đều mong muốn được phân công sản xuất, lý do chính là vì không phải đi bộ hàng chục cây số như toán cưa cây, đốn củi.

* * *

Tiếp theo, viết về toán “xây dựng”. Theo lời viên trại trưởng (có thể đương sự chỉ khoác lác) thì “trong tương lai, các anh sẽ góp phần vào kế hoạch biến Phú Quốc thành một trung tâm kinh tế hàng đầu của tỉnh Kiên Giang”, vì thế một số tù cải tạo nguyên là sĩ quan Công Binh đã được lựa chọn để làm nòng cốt.

Rất tiếc, cho tới khi chúng tôi được đưa về đất liền, “kế hoạch chiến lược” ấy vẫn chưa được khởi sự, cho nên nhiệm vụ chính của toán xây dựng chỉ là làm nhà, sửa nhà, cắt tranh để lợp nhà, che vách…

“Nhà” nói tới ở đây chủ yếu là những căn nhà trong các trại tù đã bị dân chúng vào làm thịt sau khi “đất nước được hoàn toàn giải phóng”.

Cũng xin viết sơ về vị trí khu trại tù cải tạo Phú Quốc, tức các trại giam tù binh cộng sản trước năm 1973. Từ An Thới ở cực nam đi về hướng bắc khoảng 2, 3 cây số thì tới các trại tù nằm ở phía bên mặt đường lộ. Qua khỏi khu vực trại tù khoảng 1, 2 cây số mới tới khu vực có dân cư thuộc xã Dương Tơ.

Sau Hiệp Định Paris 1973, tù binh cộng sản được trao trả thì các trại tù này bỏ trống nhưng vẫn có một đơn vị quân đội VNCH canh giữ. Sau 30 tháng 4, 1975, thừa nước đục thả câu, dân chúng tràn vào các trại tù gỡ tôn đem về. Tới khi bộ đội cộng sản tiếp thu khu vực này thì có tới phân nửa các trại tù ở phía bắc (gần khu dân cư) đã bị tanh banh, các dẫy nhà chỉ còn lại khung sắt, thỉnh thoảng mới còn cái mái tôn.

Vì thế đám tù cải tạo trung úy, thiếu úy chúng tôi phải dọn dẹp, sửa sang những chỗ bị phá hoại, và cắt tranh về lợp mái và làm vách che.

Qua tin tức nghe lóm từ đám cán bộ quản giáo, chúng tôi được biết khoảng giữa năm 1976, những trại tù này sẽ bắt đầu tiếp nhận tù cải tạo cấp đại úy và cấp tá từ đất liền. Khi ấy, Phú Quốc không chỉ trở thành trại tù cải tạo “kiểu mẫu” mà còn là trại tù lớn nhất nước.

* * *

Một buổi xế chiều, tôi đang cùng với toán sản xuất đắp luống trồng khoai ngoài rẫy của trại thì nghe một tiếng nổ thật lớn ở hướng đông, và thấy khói đen bốc lên bên ngoài hàng rào phía sau các trại tù. Anh em ai cũng hoang mang, nhưng không thể đoán biết chuyện gì đã xảy ra; một vài anh em là dân tác chiến cho biết tiếng nổ lớn như thế chắc chắn không phải lựu đạn mà là mìn!

Qua ngày hôm sau, nhờ những anh em đi rừng (toán đốn củi) thu thập tin tức về kể lại, chúng tôi được biết chiều hôm trước anh em của trại bên cạnh đang cắt tranh thì đạp phải một trái “mìn ba râu”, một người chết nát xác, ba người bị thương nặng.

Lần đầu tiên nghe tin tù cải tạo thiệt mạng trong lúc lao động, chúng tôi vô cùng xôn xao, ngậm ngùi, và lo sợ cho bản thân mình. Tối về, một số anh em hiểu biết ít nhiều về mìn bẫy, đã cảnh giác anh em bạn tù trong trường hợp phải đi cắt tranh.

Theo những anh em này, trước năm 1975, phía ngoài hàng rào một số căn cứ quân sự của VNCH và đồng minh thường gài mìn chống người (anti-personnel mines) để đề phòng VC xâm nhập căn cứ, và trong trường hợp của trại tù phiến cộng Phú Quốc, còn để ngăn ngừa tù binh trốn trại.

Mìn chống người của Mỹ gồm hai loại chính: “mìn ba râu” và “mìn cóc”.

Mìn ba râu có tên này là vì nó có ba sợi râu như ba cây đinh ở phía trên, đạp phải một trong ba sợi râu này thì trái mìn sẽ bay lên khoảng 1 m và khối thuốc nổ khoảng 1kg sẽ phóng ra hàng ngàn miểng thép. Còn mìn cóc chỉ lớn hơn hộp thịt ba lát (ration C) một chút, chứa khoảng 100g thuốc nổ, người nào đạp phải, nếu miểng không trúng chỗ hiểm ở vùng hạ thân thì thường chỉ bị nát một bàn chân, phải cưa phía trên mắt cá.

Mấy ngày sau, trại tôi có một toán bị phân công đi cắt tranh; trong toán này có một trong những anh em hiểu biết về mìn bẫy đã nhắc tới ở trên. Ra tới khu cắt tranh, cán bộ quản giáo ra lệnh cho mọi người tiến hành cắt tranh, mỗi người phải đủ hai bó “chất lượng” để gánh về.

Anh tù cải tạo “chuyên gia về mìn” tình nguyện đứng ra điều động công việc. Theo sự hướng dẫn, sắp xếp của anh, tất cả anh em tù cải tạo dàn thành hàng ngang, không ai đi trước không ai đi sau, mỗi người cách nhau khoảng 3m để lỡ đạp phải mìn ba râu thì cũng chỉ một mình người đó thiệt mạng.

Thật may mắn đã không có anh em nào của trại tôi đạp phải mìn, bởi vì sau nhiều năm đất cát bị nước mưa soi mòn, hầu hết những trái mìn này đã bị trồi lên, nếu chú ý có thể nhìn thấy. Ai thấy một trái mìn thì phải hô lên cho các anh em khác biết, và lấy một nhánh cây cắm ngay bên cạnh để đánh dấu.

Khoảng nửa tháng sau, khi tôi và anh em cùng nhà bị phân công đi cắt tranh lần đầu thì chỉ cần đi theo những con đường mòn quanh co nằm giữa những trái mìn đã được đánh dấu, để tới khu cỏ tranh ở xa hơn mà anh em tin là không có mìn. Nhưng nói gì thì nói, chúng tôi vẫn “rét”, khi cắt tranh chân nhích từng bước, mắt láo liên, và chắc hẳn ngoài tôi ra còn có nhiều anh em khác cũng thầm cầu nguyện khấn vái, xin Ơn Trên, ông bà phù hộ…

Cho tới khi chúng tôi bị đưa về đất liền, đã có thêm mấy trái mìn nữa nổ nhưng đều ở các trại khác, và vì liên lạc khó khăn, chúng tôi cũng không biết đích xác có thêm bao nhiêu anh em bị thiệt mạng, bao nhiêu anh em bị cưa chân.

* * *

Cuối cùng viết về công tác cưa gỗ, đốn củi – công việc được xem là “khổ sai” đúng nghĩa.

Thực ra, nhiều người dân lúc ấy vì sinh kế cũng phải lao động cực khổ như chúng tôi, hoặc có thể hơn, nhưng ít ra họ cũng được ăn no, hoặc có đói thì cũng không đến nỗi đói như chúng tôi.

Có thể viết, kể cả thời gian sau này bị cho ăn bo bo, ăn bắp khô, khoai mì phơi khô, chưa bao giờ chúng tôi đói cho bằng thời gian ăn cơm gạo trắng ở Phú Quốc!

Ở một đoạn trên, tôi có kể khi thấy đám trung úy, thiếu úy tỏ ra “hồ hởi phấn khởi” trước những “thau” cá cho một tổ 10 người, một ông hạ sĩ quan cảnh sát đã nói “Rồi mấy ông thầy sẽ ngán cá thèm cơm cho mà xem!”

Lúc ấy, vì quá thèm “chất đạm” sau mấy tháng ăn cơm với đậu hũ lạt, chúng tôi đã không hưởn để tâm tới câu nói của ông. Chỉ tới khi ăn Tết ta xong và phải lao động nặng, chúng tôi mới bắt đầu thấm.

Trước hết nói về tiêu chuẩn gạo dưới chế độ cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, tôi nhớ đại khái (theo lời đám cán bộ) tùy theo mức độ nặng nhẹ của công việc mà công nhân viên chức, sĩ quan, bộ đội được hưởng từ mức cao nhất là 21 ký xuống tới thấp nhất là 13 ký một tháng. Tù cải tạo dĩ nhiên hưởng mức thấp nhất.

Tuy nhiên, dù chỉ có 13 ký, trong thời gian sống ở Thành Ông Năm, không phải lao động nặng, chúng tôi cũng đủ ăn – mỗi ngày hai bữa, mỗi bữa gần ba chén cơm.

Nhưng ra Phú Quốc, lúc ban đầu mỗi bữa chưa được hai chén, về sau chỉ còn hơn một chén. Thoạt tiên chúng tôi nghi đám cán bộ hậu cần ăn bớt gạo của cải tạo để đem bán cho dân, sau này mới biết nếu có thì cũng chỉ là nguyên nhân phụ, còn nguyên nhân chính là gạo (viện trợ của Trung Cộng) quá cũ đã bị mục, hoặc bị mọt ăn.

Một bao tạ trước kia 100 ký nay chỉ còn 70, 80 ký (nhưng cán bộ hậu cần vẫn tính 100 ký), đem về trại vo hai nước chỉ 50, 60 ký, tới khi phát cơm, mỗi thau chỉ được hơn 10 chén cơm cho 10 đầu người!

Những ngày tháng cuối cùng ở Thành Ông Năm, chúng tôi đau khổ vì thiếu muối, tới khi ra Phú Quốc chúng tôi không chỉ đau khổ mà còn kiệt lực vì thiếu tinh bột.

Chuyện bên lề tôi kể lại dưới đây, đa số độc giả có thể cho là được thêu dệt với mục đích châm biếm, chỉ có những anh em tù cải tạo từng ở Phú Quốc mới tin là có thật, bởi nó xảy ra trước mắt anh em.

Đó là chuyện “ruồi cũng cần tinh bột”!

Ở Phú Quốc có rất nhiều ruồi; điều này cũng dễ hiểu bởi Phú Quốc nổi tiếng với nghề làm nước mắm. Thành thử mỗi khi chúng tôi lãnh cơm, cá để chia nhau, đám ruồi bu theo đen kịt.

Khổ nỗi cái việc chia chác cũng khá mất thì giờ. Để cho công bằng, tránh việc so bì, kèn cựa nhau đưa tới mất đoàn kết, anh em phải thay phiên nhau làm công việc này, một người phụ trách chia cơm, một người phụ trách chia cá (và thêm một người chia canh, trong trường hợp có thêm món rau muống, bí đỏ, củ cải trắng…).

Dĩ nhiên, khi tới phiên mình ai cũng cố gắng chia sao cho thật đều, thêm chén này bớt chén kia… trước sự tấn công như vũ bão của bầy ruồi.

Nhưng lạ một điều, đa số những con ruồi này chỉ bu thau cơm chứ không thèm bu thau cá, khiến “Thịnh thuốc lào” có lần đã buột miệng chửi thề với giọng Bắc kỳ… đểu:

– Địt mẹ, cả đến ruồi dưới chế độ xã hội chủ nghĩa cũng thèm tinh bột!

Cũng may cho anh, lúc đó trong nhà của chúng tôi không có (hoặc chưa có) ăng-ten!

* * *

Đói như thế nhưng khi bị phân công, chúng tôi vẫn phải đi bộ 9, 10 cây số để cưa gỗ, đốn củi. Về sau rút kinh nghiệm, một số anh em đã nhịn phần cơm chiều, nhất là những bữa có thêm món canh, để dành chén cơm nguội sáng hôm sau lót dạ trước khi đi lao động.

Cũng xin có đôi dòng về lộ trình cưa gỗ, đốn củi ở Phú Quốc.

Từ hướng nam (An Thới) đi lên hướng bắc, qua khỏi khu vực trại tù thì tới một ngã ba, rẽ trái là đường đi ra bờ biển phía tây của đảo, đi thẳng là đường đi Dương Tơ, và cũng là đường đi Dương Đông, thị xã của Phú Quốc.

Trước khi tới Dương Tơ, có một lối rẽ vào con đường đất phía bên tay mặt, sau khi băng qua nhiều nương rẫy tới một sườn núi, là nơi toán cưa gỗ, đốn củi thỉnh thoảng phải thi hành những chuyến công tác đặc biệt: tìm và đào hà thủ ô về nộp cho cán bộ.

Khi bị phân công đi đốn củi, tới ngã ba, chúng tôi rẽ trái, đi thêm khoảng 2, 3 cây số thì tới một khu rừng thấp, có chỗ ngập nước, và đi vào phía bên trong để đốn củi. Cảnh sắc thiên nhiên ở đây đẹp tuyệt vời, đủ mọi loài kỳ hoa dị thảo, những cánh bướm muôn màu, tiếng chim hót líu lo… Nhưng chúng tôi không có thì giờ để thưởng thức cảnh vật, bởi phải lo cưa củi vác về cho kịp giờ cơm trưa.

Củi nói tới ở đây thường được cưa từ những cây gỗ lớn đã bị người dân khai thác từ đời nào, họ chỉ lấy thân cây, để lại ngọn và cành, chúng tôi cưa thành từng khúc để vác về làm củi cho nhà bếp; thỉnh thoảng cũng bắt gặp một vài đống củi đã cưa sẵn, dài khoảng hơn 1 mét, đường kính cỡ 30-40 cm, có lẽ do dân chúng khai thác trước kia rồi bỏ lại, nay trở thành củi “chùa”.

Nhưng trong khi không mất công cưa, những khúc củi này thường quá nặng, một người vác không nổi, hai người khiêng thì lại quá ngắn, cho nên anh em nào cũng chê, trừ một vài tay “lao động gương mẫu”.

Trên nguyên tắc, theo chỉ thị của trại thì không có quy định về kích thước của mỗi khúc củi, mà do chúng tôi “tự giác” tùy theo sức lực của từng cá nhân. Thế nhưng trên thực tế, khi anh em tù vác, khiêng củi ra tới mép rừng, đều bị tay cán bộ quản giáo đánh giá “chất lượng”, nhỏ quá (theo con mắt của y) cũng không được, củi mục cũng không được, thế là phải quay trở vào để kiếm khúc khác, cho tới khi nào tất cả mọi người “đạt tiêu chuẩn” thì cả toán mới được đi về.

Việc này tự nó đã gây mất đoàn kết trong nội bộ tù cải tạo: một số anh em “lè phè” vác khúc củi nhỏ tới mức chính chúng tôi cũng thấy coi không được một chút nào, thế là cả toán lại phải ngồi chờ trong khi ai cũng đói bụng, cũng muốn về sớm. Lại có một vài anh em “tự giác” quá mức, tức những tay “lao động gương mẫu” đã nhắc tới ở trên; họ vác những khúc củi “chùa” lớn gấp hai, gấp ba khúc củi của những anh em khác, nên được tay cán bộ quản giáo “biểu dương” và lấy đó làm chỉ tiêu để mọi người tuân theo!

Người “nổi tiếng” nhất, bị anh em ghét nhất trong số “lao động gương mẫu” nói trên là Trung úy Nguyễn TM, Khóa 18 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang.

Anh có một thân hình lực sĩ, mỗi lần nhìn anh vác khúc củi chần dần tôi lại liên tưởng tới pho tượng thần Atlas trong huyền thoại Hy-lạp vác vũ trụ trên vai!

Sở dĩ tôi nhắc tên anh trong số những tay “lao động gương mẫu” là vì sau này ở những trại kế tiếp, có thời gian ăn chung với nhau, tôi mới nhận ra anh là một người tính tình rộng lượng, kiến thức hơn người, tinh thần quốc gia, tinh thần chống cộng cao hơn ai hết, chỉ phải mỗi cái tội “tự giác” lao động từ bằng cho tới hơn chỉ tiêu đưa ra!

Tuy nhiên, đó là về sau này, còn lúc ở Phú Quốc, tuy không ghét Nguyễn TM như đa số anh em khác, mỉa mai gọi anh là Pavel – nhân vật chính trong cuốn “Thép đã tôi thế đấy” của Liên-Xô – tôi cũng không có cảm tình với anh.

Vác khúc củi lớn gấp hai, gấp ba khúc củi của những anh em khác chưa đủ, Nguyễn TM và mấy tay “lao động gương mẫu” còn đi nhanh, và đi một lèo về trại chứ không xin cán bộ cho nghỉ dọc đường.

Mỗi khi có anh em nào thực sự kiệt sức, chẳng hạn anh bạn Thiếu úy An Đình Phương yếu ớt cùng tổ với tôi ở Thành Ông Năm, tôi hoặc một anh em nào đó phải gắng sức vượt lên, nói cho Nguyễn TM biết có anh em sắp gục, anh mới chịu dừng chân xin cán bộ cho nghỉ dăm ba phút…

Thường thường, khi chúng tôi vác củi về tới trại thì mọi người đang chuẩn bị tập họp ngoài sân cát trước hội trường để lãnh cơm trưa, dưới sự giám sát của một tay quản giáo. Đặc biệt, cứ mỗi lần tới phiên tay quản giáo người Quảng Bình (tôi quên mất tên) thì chúng tôi lại được hắn lên lớp về cách ăn uống sao cho “có văn hóa”, khi lãnh cơm không được chen lấn giành giật…

Mười lần y như một, hắn đứng trên một khúc gỗ cao, mở đầu bằng một câu duy nhất:

– Các anh chú ý nghe tôi nói này, miếng ăn là miếng nhục, vì thế các anh phải…

Đứng dưới trời nắng chang chang, người mệt lả, bụng trống rỗng, nghe tay quản giáo lên lớp một cách mất dạy như thế, chúng tôi vừa giận sôi gan vừa tủi nhục. Về sau, chúng tôi nghĩ ra được một cách “trả đũa”: khi hắn nói tới chữ “nhục” thì cả bọn chúng tôi đồng loạt nói chữ “thịt” vừa đủ để nghe với nhau.

So với muôn vàn tủi nhục đắng cay trong các trại cải tạo, câu chuyện “miếng ăn là miếng nhục (thịt)” chỉ là chuyện nhỏ, nhưng không hiểu sao riêng tôi lại nhớ suốt đời.

* * *

Khi được phân công đi cưa gỗ, chúng tôi phải đi bộ xa hơn khi đi đốn củi, nhưng lại “nhẹ tội” hơn vì không phải vác về trại.

Theo lộ trình kể trên, chúng tôi đi qua xã Dương Tơ, tới chân núi để cưa gỗ. Sau khi hạ cây xuống, chúng tôi phải cưa thành từng khúc dài khoảng 1 m, rồi xếp thành từng đống vuông vức để tính thành mét khối, khi nào đủ chỉ tiêu mới được quản giáo dắt về trại.

Nghe nói, gỗ này sẽ được bán cho người dân làm lò than (?)

Chính qua những lần đầu tiên đi cưa gỗ, khi đi ngang xã Dương Tơ, chúng tôi mới trải nghiệm thực tế hoàn hoàn trái ngược với những gì đám giáo viên và quản giáo đã nhai đi nhai lại hàng trăm lần, theo đó, một trong những nguyên nhân chúng tôi “được cách mạng đưa đi học tập cải tạo” là vì đám “ngụy quân” chúng tôi bị dân chúng căm thù tận xương tuỷ, để chúng tôi ở ngoài xã hội rất có thể sẽ bị họ xin tí huyết!

Trong lần đi cắt gỗ đầu tiên, khi chúng tôi đi ngang qua khu dân cư, một số người dân đứng trước nhà đưa tay vẫy chào, có người còn nói những lời khích lệ, đồng thời có mấy trẻ em bán bánh kẹo, đường, thuốc hút chạy tới chào hàng nhưng bị đám vệ binh xách súng chạy tới ngăn cản, không cho tới gần đoàn tù cải tạo.

Nhưng những gì xảy ra khi chúng tôi trở về mới thực sự khiến chúng tôi cảm động: lần này không chỉ có vài trẻ em mà có tới hàng chục, trong đó những em đã khá lớn, bất thần từ hai bên đường xông vào đoàn tù, dúi những bịch kẹo, những túi thuốc rê vào tay chúng tôi, miệng nói “Cho các chú đó, không lấy tiền đâu”…

Đám quản giáo và vệ binh không kịp trở tay, tới lúc đuổi được các em đi chỗ khác thì một số tù cải tạo đã nhận được quà và đút vào túi. Tôi được một bịch kẹo dừa.

Nhưng những gì xảy ra sau đó cho thấy người dân miền Nam – ở đây thu hẹp là tù cải tạo và người dân Phú Quốc – vẫn phải “thua” đám cộng sản Bắc Việt!

Khi chúng tôi về tới trại, xếp hàng một đợi vệ binh mở cổng, tên quản giáo tiến lên đứng chắn trước cổng, cao giọng tuyên bố:

– Anh nào dấu trong người những thứ dân chúng đưa cho, phải tự giác lấy ra ngay để nộp cho trại. Dân chúng họ đang căm thù các anh, lỡ họ bỏ thuốc độc, các anh ăn vào, chết thì cách mạng trả lời ra sao với gia đình các anh… Nào, lấy ra hết… Anh nào ngoan cố sẽ bị kỷ luật!

“Bị kỷ luật” ở Phú Quốc có nghĩa là “bị biệt giam”. Nghe thế, chúng tôi biết không còn lựa chọn nào khác. Tôi lấy bịch kẹo dừa ra nộp mà cảm thấy xót xa, cho dù nó có thể không ngon bằng kẹo dừa Bến Tre thì cũng là tấm lòng của người dân miền Nam đối với những người lính cũ của họ!

Rút kinh nghiệm, qua ngày hôm sau ban chỉ huy trại đã tăng cường lực lượng vệ binh tới mức tối đa. Khi một vài em bé cố len lỏi đến gần, chúng tôi cám ơn, và tóm tắt cho các em biết những gì đã xảy ra, đừng tốn công tốn của vô ích…

Bỗng một phụ nữ đứng trước nhà lớn tiếng chửi:

– Mẹ, mấy ổng có làm gì mà hành hạ mấy ổng dữ vậy!

Nhân tiện, cũng xin kể thêm lần tôi và vài anh em may mắn được hưởng “lộc đám cưới” của dân.

Nguyên trong một lần đi đốn củi ở địa điểm đã nói tới ở trên (rẽ trái tại ngã ba), sau khi vào rừng, mấy anh em chúng tôi nổi hứng đi xa hơn về hướng tây để thám hiểm, khi vác củi trở ra đường lộ để đi về chỗ tập họp thì gặp một xe đò nhỏ chở một đám cưới chạy ngược chiều, xe chật kín nên nhiều người ngồi ở cả trên mui xe. Thấy chúng tôi, cả xe vẫy tay chào. Khi xe đã chạy qua được một đoạn, bỗng nghe tiếng mấy người ngồi trên mui xe gọi rồi ném xuống một gói bánh kẹo và hai bao thuốc lá. Thật bất ngờ, chúng tôi chỉ kịp đưa tay lên vẫy chào… Lẽ dĩ nhiên, thuốc lá chúng tôi dấu trong túi, còn bánh kẹo thì phải kín đáo thanh toán trước khi về tới trại.

* * *

Sau gần nửa năm thiếu ăn và lao động khổ sai ở Phú Quốc, đa số anh em tù cải tạo chúng tôi đã kiệt quệ, thể xác cũng như tinh thần.

Giờ đây, trông chúng tôi cũng giống y như mấy ông hạ sĩ quan mà trước kia tôi đã từng nhận xét “thảm não, đen đủi, gầy còm, ánh mắt lờ đờ như không còn sinh khí…”

Về thể xác, tôi không biết mặt mũi mình lúc đó hốc hác tới mức nào (bởi vì có bao giờ soi gương) nhưng chỉ cần nhìn khuôn mặt Nguyễn TM và An Đình Phương cũng đủ để tôi suy ra.

Một cách ngắn gọn, có thể viết khuôn mặt hai người lúc ấy trông giống khuôn mặt những người mắc bệnh biếng ăn (anorexia): hai mắt hõm sâu, hai má tóp lại, hai hàm răng nhô ra…, trông giống như cái đầu lâu bọc da.

Điểm khác nhau duy nhất giữa hai người là trong khi ánh mắt của Nguyễn TM vẫn còn tinh anh thì của An Đình Phương lờ đờ mệt mỏi, như thể không còn sinh khí.

Lần đầu tiên kể từ ngày bị bắt đi cải tạo, trong đầu tôi hiện ra câu hỏi: liệu anh em cải tạo chúng tôi rồi đây sẽ có người gục chết như những người dân Nga xấu số trong cuốn “Quần đảo Ngục tù” của Aleksandr Solzhenitsyn hay không?

Nếu câu trả lời là có, tôi sợ rằng An Đình Phương sẽ là một trong những người đầu tiên. Ngày ấy, chưa xảy ra cái chết của Karen Carpenter (1950 – 1983) trong đôi song ca anh em ruột Carpenters cho nên người ta chưa biết gì về bệnh biếng ăn; bệnh trầm cảm cũng chưa có trong sách vở, nhưng cứ mỗi lần nhìn An Đình Phương, tôi lại linh cảm tới chuyện không hay!

Về tinh thần, đa số anh em chúng tôi đã đánh mất nụ cười, đã quên rằng trên đời còn có những niềm vui.

Trong một kỳ trước, tôi viết:

“Nếu ở Sài Gòn, mỗi ngày Trịnh Công Sơn dễ dàng CHỌN một niềm vui tưởng tượng, thì trong Thành Ông Năm anh em tù cải tạo chúng tôi phải cố TÌM một nguồn vui có thật.”

Nhưng ở Phú Quốc thì “nguồn vui có thật” không có đã đành mà “niềm vui tưởng tượng” cũng không thể tìm được. Bởi chúng tôi đã chán nản, tuyệt vọng!

Thực ra, đôi khi vẫn có những tiếng cười nổi lên đấy, nhưng không phải tiếng cười thoải mái, thích thú, mà là tiếng cười châm biếm, cay đắng, chịu đựng.

Trong tình thế tuyệt vọng ấy, có tin đồn một số anh em Hải Quân đã bắt liên lạc được với thuộc cấp cũ hiện sinh sống ở Phú Quốc để nghiên cứu kế hoạch vượt thoát. Bằng đường biển, dĩ nhiên.

Tôi so sánh vị trí của đảo Phú Quốc với những gì trong cuốn truyện “Người tù khổ sai” (Papillon) và tin rằng một cuộc vượt thoát từ Phú Quốc sang vịnh Thái-lan ra vẻ thuận lợi hơn nhiều.

* * *

Nhưng tới khi những anh em Hải Quân nói trên đã có kế hoạch vượt thoát, và chúng tôi đang chuẩn bị chào đón các đàn anh cấp đại úy và cấp tá từ đất liền ra địa ngục Phú Quốc, thì xảy ra một biến cố khiến kế hoạch vượt thoát phải hủy bỏ, đồng thời CSVN cũng phải tạm ngưng kế hoạch “biến Phú Quốc thành một trung tâm kinh tế hàng đầu của tỉnh Kiên Giang”, đó là việc quân Khờ-me Đỏ lại tiến đánh đảo Thổ Châu.

Đảo Thổ Châu nằm về hướng tây tây nam Phú Quốc, cách xa bờ biển Căm-bốt cả trăm cây số mà Khờ-me Đỏ còn dám đánh, thì nói gì tới Phú Quốc, chỉ cách Krong Kampot có 25 cây số, trong khi xa Hà Tiên gần gấp năm lần!…

Và một khi chúng đánh Phú Quốc thì rất có thể mấy ngàn tù cải tạo sẽ nhân sẽ lúc rối loạn mà trốn trại hay nổi loạn. Vì thế, ngay sau khi được tin cấp báo, nhà cầm quyền cộng sản trung ương đã ra chỉ thị phải đưa tù cải tạo ở Phú Quốc về đất liền trong thời hạn ngắn nhất!

Tất cả những tin tức, diễn tiến nói trên về sau chúng tôi mới được biết, còn ngày ấy chúng tôi chỉ biết đùng một cái, có lệnh chuyển trại cho nên ai nấy đều hoang mang.

Buổi sáng hôm ấy, toàn bộ đám sĩ quan trong trại sau khi xếp hàng ngoài sân đã được thông báo hôm nay không có công tác, rồi vào hội trường nghe Ban chỉ huy trại thông báo lệnh sẵn sàng chuyển trại.

Sau phần thông báo tới phần kêu gọi tù cải tạo tình nguyện đi theo “khung” (tức đơn vị coi tù) về Kiên Giang.

Đứng trước hai lựa chọn, một là phó mình cho số mệnh, trung ương muốn đưa đi đâu thì đưa, hai là theo “khung” về Kiên Giang để tiếp tục nằm dưới quyền sinh sát của họ, tuyệt đại đa số sĩ quan cải tạo đã chấp nhận thà đánh bạc với số mệnh còn hơn tiếp tục sống dưới bàn tay của đám hung thần!

Cuối cùng, ban chỉ huy trại đã giải quyết bằng cách căn cứ vào bản tự khai “lý lịch trích ngang”, những ai sinh quán ở Vùng 4 (đồng bằng sông Cửu Long) bắt buộc phải đi theo họ!

[Những gì sẽ xảy ra cho những anh em “xấu số” này là chuyện khó tin nhưng có thật, tôi sẽ kể trong một kỳ tới]

* * *

Ngay buổi chiều hôm đó, những người đã “gửi” tư trang vàng bạc cho cách mạng “giữ” được hoàn trả trong một cái bao nylon có ghi tên họ. Trong số những anh em tôi quen biết chỉ có một người bị thất thoát: gửi sợi dây chuyền với cây thánh giá nay chỉ còn sợi dây chuyền, nhưng anh không muốn khiếu nại vì sợ… bị bắt ở lại để chờ giải quyết!

Ngày hôm sau, đám sĩ quan chúng tôi được lệnh ăn cơm chiều sớm hơn thường lệ, rồi điểm danh và rời trại vào khoảng 6 giờ chiều. Ra khỏi trại, chân bước về phương nam (An Thới), bỗng dưng tôi cảm thấy hơi choáng váng, không phải vì yếu mệt mà vì tôi như đang ở trong một giấc mơ… Định thần lại, tôi biết mình không mơ, mà tôi thật sự đang bỏ địa ngục Phú Quốc lại sau lưng…

Tới An Thới, chúng tôi thấy một chiếc tàu há mồm đã chờ sẵn, nhưng lớn hơn chiếc HQ-405 nhiều, đó chiếc dương vận hạm HQ-501 Đà Nẵng (sau này CSVN trong khi vẫn giữ phiên hiệu HQ-501, đã đổi tên thành Trần Khánh Dư, vốn trước kia là tên chiếc khu trục hạm HQ-4 của Hải Quân VNCH).

Dương vận hạm HQ-501 (hình chụp năm 2003)

Chiếc HQ-501 trước kia là tàu đổ bộ USS Maricopa County, LST-938 của Hải Quân Hoa Kỳ.

LST là viết tắt của “Landing Ship, Tank”, loại tàu đổ bộ hạng nặng, trọng tải hơn 4000 tấn, phía dưới là hầm chứa chiến xa, phía trên là boong tàu để chở binh sĩ, có khả năng tiếp nhận phi cơ trực thăng.

Thấy chiếc dương vận hạm, anh em tù cải tạo gốc Hải Quân cho chúng tôi biết với trọng tải gần gấp 6 lần chiếc hải vận hạm HQ-405, chiếc HQ-501 bất chấp sóng to gió lớn, chạy rất đầm, rất êm.

Thế nhưng thay vì lên boong tàu, đoàn tù cải tạo lại được lệnh đi xuống hầm chứa chiến xa, cả ngàn người ngồi chen chúc nhau. Khi tàu kéo tấm bửng lên và đóng hai cánh cửa ở mũi tàu lại thì hầm tàu trở thành một cái hộp kín mít, với chút ánh đèn điện vàng khè.

Không khí dưới hầm càng lúc càng trở nên nóng bức và khó thở. Tàu chạy được hơn một tiếng đồng hồ thì ai nấy mồ hôi đầm đìa, phải cởi hết quần áo trừ cái quần xà-lỏn.

Khác với chuyến đi ra Phú Quốc trên chiếc HQ-405, tù cải tạo ngồi dưới sàn, phía trên là bộ đội canh gác, được nhìn thấy chút trời xanh, được hít thở không khí trong lành, trong chuyến trở về, ngồi dưới cái hầm kín mít của chiếc HQ-501, chúng tôi hoàn toàn bị cô lập, với thiên nhiên, với con người, anh em nào mắc tiểu tới mức không thể nín được, đã phải “xả nước” vào thành tàu.

Mấy anh em gốc Hải Quân chỉ cho chúng tôi thấy mấy cái quạt hút thật lớn ở phía trên nhưng không có cái nào chạy, không hiểu đã bị hư hết hay chỉ vì đám cán bộ cộng sản muốn hành hạ tối đa những kẻ thù bị sa cơ thất thế?!

Tới quá nửa đêm, một vài anh em không còn có thể chịu đựng được tình trạng ngộp thở nữa, hay viết một cách khoa học hơn, tình trạng thiếu oxy đã khiến não bộ con người không thể hoạt động bình thường, bắt đầu chửi rủa “Việt Cộng”. Cho tới nay, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh một người bạn tù trần trùng trục, đứng ưỡn người nhìn lên boong tàu, vừa vỗ hai tay vào ngực mình vừa hét lớn:

– ĐM Việt Cộng! Tụi mày có ngon cứ bắn tao đi, tao chết sướng hơn… ĐM tụi bay…

Anh cứ lập đi lập lại câu chửi ấy nhưng không thấy bất cứ phản ứng nào từ phía quân thù, mặc dù, theo sự quan sát của tôi, luôn luôn có mấy tên vệ binh canh chừng sau mấy cái khung sắt ở hai bên thành tàu.

Trong những điều kiện tồi tệ cùng cực, dĩ nhiên không một anh em tù cải tạo nào có thể ngủ. Nhưng thật tình mà nói, có người nào ngủ hay có người nào chết, tôi cũng không thể biết bởi vì đa số đều nằm bất động như nhau!…

Khoảng trưa ngày hôm sau, chiếc HQ-501 thả neo, mở hai cánh cửa trước mũi, hạ bửng để tù cải tạo có thể ra phía trước tiểu tiện, và tôi lại nhìn thấy Núi Lớn, Vũng Tàu!

(Còn tiếp)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search