T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chiến tranh và những bài học lịch sử

clip_image002

1.

Vừa qua, nước Mỹ – cùng với những kẻ thù của mình – đã kỷ niệm 5 năm ngày đại thảm họa (với nước Mỹ và những người yêu chuộng tự do), ngày đại thắng (Great Victory – với những phần tử quá khích Hồi Giáo ) 9 tháng 11. Hơn 3 ngàn người vùi thây dưới sự đổ nát của hai tòa tháp Twin Towers ở New York. Hàng trăm người tan xác trong những chiếc máy bay bị sử dụng như một thứ vũ khí tấn công. Những ngày ấy, nước mắt của cả nước Mỹ, nước mắt của tòan thế giới đã đổ ra khóc thương không chỉ những nạn nhân vô tội, mà còn cho những giá trị nền tảng nhất của nhân loại đã bị vùi chôn ngay giữa thành phố biểu hiện nhất cho nền văn minh thế kỷ 20. Và ngay sau khi người thân của những nạn nhân của thảm nạn 9 tháng 11 tạm lau khô nước mắt và từ bỏ mọi hy vọng còn sót lại, nước Mỹ đã tự hỏi mình: Liệu chúng ta có còn được sống cuộc sống như trước khi có thảm nạn này hay không?

Năm năm sau , nước Mỹ (và cả thế giới) dường như đã khẳng định được câu trả lời với một tâm trạng vừa buồn bã, vừa giận dữ. Sự giận dữ không chỉ với những kẻ cực đoan Hồi Gíao đã gây ra vết thương lớn nhất cho nước Mỹ, mà còn cả với chính quyền nước họ.

Ground Zero, nấm mồ chung của hơn 3 ngàn người dân New York. 5 năm đã trôi qua, Ground Zero vẫn còn là Ground Zero, như một vết thương còn mở miệng nhắc nhở nước Mỹ rằng bất kể sức mạnh quân sự với đủ lọai vũ khí và khoa học tối tân, bất kể vị trí siêu cường về kinh tế, bất kể vai trò lãnh đạo số 1 trên tòan thế giới, nước Mỹ vẫn không thể chế ngự được một nhóm kẻ cuồng tín, lấy khủng bố làm vũ khí để đối chọi lại với những quốc gia phương Tây hùng mạnh. Đã năm năm, bất kể lời cam kết của vị Tổng tư lệnh tối cao quân đội Mỹ, sẽ sử dụng mọi phương tiện cần thiết để truy tìm, bắt giữ và đưa ra tòa án những thủ phạm chủ chốt gây nên thảm họa 9 tháng 11, kẻ đầu sỏ nhất vẫn lẩn khuất đâu đó giữa vùng rừng núi sa mạc A Phú Hãn. Đã 5 năm, vẫn chưa có một đài tưởng niệm dành cho các nạn nhân được dựng nên, vẫn chưa có một công trình nào thế vào chỗ tòa tháp đôi bị sụp đổ. Và vị Tổng thống của họ vẫn ngày ngày kêu gọi mọi người hãy cảnh giác vì đất nước đang ở trong thời chiến.

Điều ấy làm tổn thương lòng tự hào của nước Mỹ. Một nước Mỹ mà lịch sử cận đại chưa hề biết chiến tranh xẩy ra trên lãnh thổ của mình, một nước Mỹ bấy lâu sống trong cảm gíac an tòan dù cho súng đạn có nổ ở bất cứ nơi nào ngòai nước Mỹ, dù cho đã từng nhỏ nước mắt khóc cho 58 ngàn con em của họ ngã xuống trong cuộc chiến Việt Nam. Nhưng nay, cảm giác an tòan ấy đã biến mất. Cùng với nếp sống cũ của họ.

2.

Tâm trạng vừa buồn bã vừa giận dữ ấy còn chi phối cả một số quốc gia thuộc phần còn lại của thế giới tự do. Những hồi ức kinh hòang về ngày 9 tháng 11 vẫn đọng lại trong tâm tư người dân châu Âu, nhưng nước mắt họ không còn đổ ra nữa, thay vào đó là cảm thức bực bội vì sau 5 năm, cuộc chiến Iraq và những chính sách mà người Mỹ theo đuổi, theo họ, đã làm cho thế giới này kém an tòan hơn là cách đây 5 năm kể từ sau biến cố 9 tháng 11.

Năm năm sau, những cái đầu cúi xuống để tưởng niệm hơn 3 ngàn người dân vô tội nạn nhân của một chủ nghĩa khủng bố cuồng tín, cùng lúc với những lời đe dọa mới nhất từ viên lãnh tụ số 2 của tổ chức Al-Qaida và lời phản kháng (ở những quốc gia đồng minh của Mỹ) về những quyền tự do, dân chủ bị hy sinh trong cuộc chiến chống khủng bố mà chính phủ Mỹ đang là quốc gia lãnh đạo.

Với người dân châu Âu, vụ khủng bố đánh bom vào nhà ga xe lửa ở Madrid (thủ đô Tây ban Nha) tháng 3 năm 2004 khiến hơn 190 người chết, gần 2 ngàn người bị thương và vụ nổ trong trạm xe lửa ngầm ở Luân Đôn (thủ đô Anh) tháng 7 năm 2005 làm 38 dân thường thiệt mạng và 300 người bị thương là những lời cảnh cáo của tổ chức khủng bố Hồi giáo Al-Qaida với tòan thể châu Âu vì Anh và Tây Ban Nha đã gởi quân đội đến Iraq để tiếp tay cho Mỹ.

Tòan cảnh thế giới đã thay đổi đáng kể trong năm năm sau biến cố 9 tháng 11. Một bầu không khí hỏang hốt, nghi ngờ, và cả những lời buộc tội lẫn nhau ngự trị trong mối quan hệ giữa các nước phương Tây. Người Đức cho rằng, nước Mỹ không thể sử dụng phương châm cứu cánh biện minh cho phương tiện. Trong bất cứ cuộc chiến nào, kể cả cuộc chiến chống khủng bố tòan cầu, những sự tôn trọng về quyền con người, về những khác biệt văn hóa, chủng tộc phải là phương châm hàng đầu quyết định mọi phương thức hành động và hợp tác quốc tế. Còn người Pháp, ngay giữa khi lớp bụi mù của tòa tháp đôi ở New York chưa kịp lắng xuống, họ đã bày tỏ sự đòan kết với nước Mỹ bằng khẩu hiệu lừng danh “tất cả chúng ta đều là người Mỹ” (We are all Americans), nhưng nay, chính họ kết tội chính phủ Mỹ đã làm cho thế giới thêm phần bất an. Trong thực tế, cuộc chiến tranh ở A Phú hãn, ở Iraq và Li băng đã làm xấu đi trầm trọng hình ảnh của nước Mỹ, nhất là đối với các quốc gia Hồi Giáo ở Trung Đông. Và sự có mặt trực tiếp của quân đội Mỹ ở khu vực này đã là nguyên nhân chính khiến các tổ chức khủng bố Hồi Giáo thu nạp được thêm nhiều phần tử cực đoan. Ngòai ra, những tai tiếng về cách đối xử với các tù nhân chiến tranh của quân đội Mỹ cũng đã có những ảnh hưởng xấu đến sự hợp tác của những quốc gia đồng minh trong nỗ lực chống lại chủ nghĩa khủng bố tòan cầu.

3.

Mặt khác, một phần của công luận Mỹ không chỉ chú trọng vào những gì đã không làm được trong 5 năm qua. Họ cho rằng, chỉ nhìn vào những khuyết điểm ấy thôi, người ta dễ dàng mang một tâm trạng bi quan, rồi tự đó, tự làm suy yếu chính mình. Theo họ, những kẻ quá khích chủ trương khủng bố biết rõ hơn ai hết rằng không thể sòng phẳng đối đầu với một nước Mỹ và các đồng minh hùng cường có trong tay những tài nguyên giàu có, khả năng khoa học vượt bậc, kỹ thuật vũ khí hiện đại. Vì thế, kẻ thù của nước Mỹ không có chọn lựa nào khác ngòai dùng đủ mọi phương tiện độc ác nhất để bào mòn dần ý chí của đối phương, một đối phương tuy “thừa tiền tài, giỏi kỹ thuật nhưng mềm yếu, thiếu cả quyết và sa đọa (decadent)”. Trong con mắt của những phần tử quá khích Hồi Giáo này “người Mỹ là thứ sinh vật nhút nhát nhất trong số những sinh vật mà Thượng Đế đã tạo ra” (lời một lãnh tụ tổ chức khủng bố Al-Qaida).

Nhưng, những nhà độc tài, những lãnh tụ cực đoan, vì là kẻ thù của tự do, dân chủ, và không có cơ hội sống đời sống tự do, dân chủ nên không bao giờ hiểu hết sức mạnh mà tự do, dân chủ khơi dậy nơi con người, một khi sự tự do, dân chủ ấy bị đe dọa. Tự do, vốn là bản chất nguyên thủy của lòai người, nó dẫn đưa xã hội con người đến sự nở rộ những khả năng tiềm tàng nhất của mỗi cá thể của xã hội đó, trong tất cả mọi lãnh vực, dưới hình thái dân chủ. Khi những thành viên của một tập thể đã được hưởng cuộc sống tốt đẹp nhất vốn là thành quả của tự do dân chủ, thì họ sẽ sẵn sàng vùng lên hy sinh tất cả để bảo vệ những thành quả ấy, nếu có một thế lực nào đó đe dọa sự tồn tại của xã hội ấy. Xã hội Mỹ là một xã hội có đặc tính như vậy.

Vị cựu Thủ Tướng lừng danh của nước Anh trong thời Đệ nhị thế chiến, Winston Churchill, đã nhận xét về nước Mỹ, sau khi quan sát phản ứng của nước này với vụ dội bom Trân Châu Cảng (7 tháng 12 năm 1941) của quân đội Nhật: ” Có rất nhiều những người thiếu hiểu biết, không chỉ trong số những kẻ thù địch với nước Mỹ, cho rằng bản chất của người Mỹ là mềm yếu, thiếu tinh thần đòan kết. Người Mỹ chỉ giỏi đứng ở đằng xa hô hào, chứ không dám đến gần đối diện với kẻ thù. Rằng họ sợ sự đổ máu. Và nền dân chủ cùng với những cuộc bầu cử tái diễn có định kỳ của hệ thống chính trị nước Mỹ sẽ làm tê liệt khả năng đối phó với chiến tranh khi cần thiết. Đối với đồng minh cũng như kẻ thù, người Mỹ chỉ như một hình ảnh mờ nhạt cuối chân trời. Do đó, không ngạc nhiên gì khi người ta chỉ nhìn thấy sự yếu đuối nơi những người Mỹ giàu có và lắm chuyện ấy. Nhưng tôi đã nghiên cứu cuộc Nội Chiến của người Mỹ. Họ chiến đấu can trường cho đến giọt máu cuối cùng. Tôi nhớ đến một sự so sánh mà Edward Grey (viên ngọai trưởng người Anh) đã nói với tôi hơn 30 năm trước, rằng nước Mỹ giống như một nồi nước khổng lồ. Một khi, ngọn lửa dưới đáy nồi bốc cháy, sẽ không có giới hạn cho sức mạnh mà nồi nước ấy tạo ra. “

Nhiều người tin rằng, ngọn lửa mà Churchill nói đến ấy, đã được châm mồi 5 năm trước đây. Rằng lửa tự do sẽ đốt cháy những thứ chủ nghĩa tôn gíao cuồng tín, như nó đã từng hỏa thiêu chủ nghĩa Quốc Xã, chủ nghĩa Phát Xít và chủ nghĩa Cộng sản trước đây.

4.

clip_image003

Chúng ta đang sống trong thời đại của những kẻ sát nhân và những kẻ tuẫn đạo mong tìm một sự sống đời sau vĩnh cửu bằng cách tiêu diệt sự hiện hữu của đời này. Những cuộc chiến tranh ở A Phú hãn, ở Iraq và Li Băng đã là mảnh đất mầu mỡ cho sự nẩy nở của những đức tin mù quáng ấy. Hình như người Mỹ không rút ra được gì từ bài học chiến tranh Việt Nam. Nếu trước đây, sự có mặt trực tiếp của họ ở miền Nam Việt Nam đã vô tình đem chính nghĩa về phía những người cộng sản hiếu chiến, thì nay, cũng chính sự có mặt trực tiếp của quân đội Mỹ ở Iraq, ở A Phú Hãn đã làm cho cuộc chiến tòan cầu chống lại chủ nghĩa khủng bố trở nên khó khăn hơn, và kéo dài hơn .

Chả lẽ những lỗi lầm lịch sử cứ được lập đi lập lại bằng cái gía của những mạng sống con người và những nỗi đau bất tận ám ảnh hòai các thế hệ tương lai hay sao?

T.Vấn

©T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search