T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chiến tranh Việt Nam và một chuyện tình không may

clip_image001

Bà Cecile bên cạnh bức hình của Henri Huet

36 năm sau ngày tiếng súng chấm dứt, cụm từ “chiến tranh Việt Nam” (Vietnam war) lại được nhắc đến. Lần này không phải vì những tranh cãi, những hệ lụy, những ám ảnh quá khứ, những mặc cảm kẻ thua người thắng, mà là vì nó có liên quan đến một chuyện tình. Một chuyện tình không may tưởng đã chìm sâu trong quên lãng của nhiều lớp bụi thời gian.

Chuyện tình ấy bắt đầu từ một tiếng sét nổ vang giữa bầu trời New York. Nàng là một nhân viên phụ trách lưu trữ, tiếp tân của hãng thông tấn AFP. Chàng là nhiếp ảnh thường trực cho AP (1). Khi gặp nhau, chàng đã 40 tuổi. Nàng mới 20 cái xuân xanh.

Những cuộc tình không may thường ngắn ngủi. Hương vẫn còn nồng, lửa vẫn còn đượm, chàng đã phải lên đường làm nhiệm vụ một nhiếp ảnh gia chiến trường cho một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới.

Khi ấy, cuộc chiến Việt Nam đang ở vào những ngày tháng khốc liệt nhất. Và đó cũng là điểm nóng cần đến tài năng của chàng. Thế là họ xa cách nhau. Buổi chia tay, nàng tặng chàng cái ảnh tượng đức mẹ đồng trinh, món quà vô giá nàng nhận được trong ngày rửa tội, ngày trọng đại nhất của một người Công giáo.

Từ ấy, hai con tim yêu đương chỉ còn biết gởi lòng qua những cánh thư vượt muôn trùng đại dương. Ba năm thư đi tin lại, ba năm mòn mỏi mong được gặp gỡ nhau chỉ một lần.

Ngày 10 tháng 2 năm 1971, chàng nhận nhiệm vụ tháp tùng chiếc trực thăng quân sự của quân đội Nam Việt Nam đi thám thính đường tiếp liệu của Việt cộng dọc theo biên giới Lào.

Chiếc trực thăng bị bắn hạ. Cùng với 4 nhiếp ảnh gia khác và 7 quân nhân Nam Việt Nam, trong đó có một nhiếp ảnh gia quân đội, chàng tử nạn (2). Vùi sâu dưới lòng đất xa lạ ngày ấy còn có các trang thiết bị chụp ảnh, các trang bị quân sự và tất nhiên cả chiếc ảnh tượng mẹ đồng trinh lúc nào cũng ở trong người chàng.

Không ai biết – ngòai chàng và nàng – bức ảnh tượng ấy, một bên là hình chạm nổi đức mẹ, một bên khắc hàng chữ bằng tiếng Pháp: Cecile, nee le 16-06-1947. Có nghĩa là sinh ngày 16 tháng 6 năm 1947. Còn Cecile là tên của nàng.

Cùng với xương thịt những người chết, bức ảnh tượng ấy nằm trong lòng đất, dọc theo sười đồi cây cỏ phủ đầy vùng biên giới Lào Việt trong khỏang thời gian 27 năm.

Năm 1998, khu vực chiếc trực thăng bị bắn rơi năm nào được phát hiện. Người ta đã tìm thấy những mảnh vụn của máy chụp hình, của những chiếc đồng hồ bể nát, và cả chiếc ảnh tượng mang hình đức mẹ đồng trinh.

Viên cựu trưởng nhiệm sở ở Sài Gòn của hãng thông tấn AP có mặt tại hiện trường đào bới. Ông ta tin rằng chiếc ảnh tượng ấy thuộc về chàng nhiếp ảnh gia của mình – tức chàng trai 40 tuổi Henri Huet, một người mang trong mình hai dòng máu cha Pháp, mẹ Việt – vì hàng chữ tiếng Pháp khắc ở mặt sau ảnh tượng. Nhưng ông chưa bao giờ nghe chàng nhắc đến tên Cecile, người tình trẻ hơn chàng 20 tuổi.

Trong lúc đó, con trai của một nhiếp ảnh gia cũng tử nạn cùng lúc với chàng, tiếp xúc với tóan tìm kiếm di vật để mong nhận lại được những gì thuộc về cha mình.Ông ta nhận được cả chiếc ảnh tượng của nàng tặng chàng 30 năm trước, do tóan tìm kiếm không xác định được rõ ràng sở hữu chủ của nó.

Năm 2004, Helen Gedouin, một người họat động trong ngành xuất bản ở Pháp, do biết đến một quyển sách nói về những nhiếp ảnh gia tử nạn trong lúc thi hành nhiệm vụ như trường hợp của chàng, bà có ý định đào sâu thêm về cuộc đời của chàng, vì giữa chàng và bà có một sợi dây họ hàng qua cuộc hôn nhân giữa người anh của chàng với bà dì ruột của mình. Cùng với tác giả tập sách nói trên, bà bắt đầu công cuộc tìm kiếm để hòan thành quyển sách về chàng.

Năm 2006, sau khi dự một hội nghị báo chí ở miền Nam nước Pháp trở về, bà nhận được mảnh điện thư quý báu từ một người hòan tòan xa lạ.

“Xin chào bà! Tôi chẳng có quan hệ gì với ông Henri Huet mà bà đang nghiên cứu, nhưng do một tình cờ hết sức vĩ đại, tôi có trong tay những bức thư mà ông Huet viết cho một người phụ nữ. Đó là những bức thư tình với tổng số khỏang 400 bức. Tôi muốn gặp bà!”

Những bức thư tình ấy có tên người nhận là Cecile Schrouben. Một trong những bức thư ấy, có nhắc đến tên một thành phố nhỏ bé ở Bỉ, nơi nàng chào đời. Helen cất công lục lọi khắp cùng quyển danh bạ nơi thành phố ấy, gọi điện thọai cho tất cả những Schrouben mà bà gọi được. Ở lần gọi thứ tư, Helen nói chuyện được với một người anh của Cecile.

Khi nhận được tin của người anh, nàng gọi cho Helen ngay lập tức.

Nàng kể rằng, khi ở trong một căn phòng chung cư ở Paris, nàng cất những bức thư trong một cái hộp. Rồi khi phải vội vã lìa Paris, nàng đã bỏ quên cái hộp thư ấy. Một thanh niên trẻ tuổi trong lúc phụ dọn dẹp căn phòng cho người mới tới dọn vào, tìm thấy hộp thư và đưa cho mẹ mình cất giữ.

Trong 15 năm trời, mẹ chàng thanh niên ấy đã âm thầm cất giữ cái hộp có chứa những bức thư tình không phải của mình. Tại sao bà giữ chúng, và tại sao sau 15 năm im lặng, cuối cùng bà mẹ ấy lại quyết định đi tìm người chủ nhân thực sự của những bức thư tình ấy để trả lại, là những điều bí mật riêng tư mà chỉ có hai người đàn bà biết được. Họ sẽ không bao giờ thố lộ.

Trong một buổi triển lãm những tác phẩm điện ảnh của chàng, tức nhiếp ảnh gia Pháp lai Việt Henri Huet tại thủ đô Paris của nước Pháp ngày 8 tháng 2 năm 2011, nàng – tức Cecile Blumental (Blumental là họ của chồng nàng, kết hôn năm 1978. Họ có với nhau 2 con gái và hiện nay ở tuổi 63 là bà ngọai của 5 đứa cháu) – nhận được từ tay người con trai của một nhiếp ảnh gia cùng tử nạn với chàng chiếc ảnh tượng thiêng liêng, kỷ vật năm xưa của mối tình năm 20 tuổi.

clip_image003

Kỷ vật của một mối tình buồn: Chiếc ảnh tượng nhỏ xíu

Cầm chiếc ảnh tượng nhỏ xíu trên tay, nàng ngậm ngùi nói với mọi người: “Một vật tuy nhỏ, nhưng đã tạo nên một câu chuyện thật lớn”. Đó là câu chuyện của chiến tranh, của tình yêu, trải qua một cuộc hành trình dài hằng mấy chục năm, nay kẻ đã chết người còn sống nhưng kỷ niệm vẫn nguyên vẹn. Như chiếc ảnh tượng thiêng liêng. Như tình yêu nàng dành cho chàng, người đi vào gío cát một đêm nào chia tay vội vã. Chàng đã không trở về. Nàng đành gạt kỷ niệm đau thương để sống cuộc đời mình. Khi cuối đời, một tình cờ của số phận đã khiến câu chuyện tình riêng tư của hai người bỗng được cả thế giới biết đến. Dù vậy, nàng từ chối lời đề nghị công bố nội dung những bức thư tình chàng viết cho nàng. Với lý do: chàng chỉ viết cho một mình nàng đọc.

Nhưng chiếc ảnh tượng nhỏ xíu, kỷ vật thiêng liêng kia, nàng hứa rằng một ngày nào đó nó sẽ được trao cho đứa cháu ngọai hiện nay mới 5 tuổi của nàng.

Câu chuyện tình buồn, nhưng đẹp. Vì thế, nó được người đời nhắc tới.

Còn bao nhiêu những câu chuyện tình khác, vì chiến tranh mà phải chịu đựng những kết cuộc đau thắt lòng, liệu có ai còn nhớ mà nhắc tới?

T.Vấn

Chú thích:

(1)Henri Huet là tên của chàng phóng viên. Henri sinh năm 1927 tại thành phố Đà lạt, mẹ là người Việt và cha là một kỹ sư người Pháp. Lên 5 tuổi, Henri theo cha mẹ về Pháp, học ngành hội họa và khởi đầu nghề nghiệp là một họa sĩ. Sau đó, ông gia nhập Hải quân Pháp, được huấn luyện đặc biệt về nhiếp ảnh rồi được phái qua Việt Nam với tư cách phóng viên chiến trường. Sau khi Pháp rút ra khỏi Việt Nam năm 1954, ông giải ngũ, nhưng vẫn ở lại Việt làm phóng viên dân sự cho các cơ quan quân sự Pháp và Mỹ. Trước khi chuyển qua làm phóng viên chính thức cho AP năm 1965, ông cũng đã từng làm việc UPI.

clip_image005clip_image007

Phóng viên Henri Huet tại Việt Nam 1971 và bức ảnh 2 thương binh săn sóc cho nhau

Những bức ảnh chụp trực tiếp từ chiến trường của Henri Huet đã góp phần khuôn định công luận Hoa Kỳ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong đó phải kể đến bức hình một y tá, dù chính mình đang mang vết thương trên người, vẫn tận tình chăm sóc cho một thương binh khác.

(2)Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở chiến trường biên giới Lào ngày 10 tháng 2 năm 1971, vị tư lệnh chiến dịch là Trung tướng Hòang Xuân Lãm quyết định tổ chức một chuyến bay thám thính mặt trận. Chiếc trực thăng UH-1 của Không lực Việt Nam tháp tùng bởi phái đòan báo chí ngọai quốc bay lạc vào khu đường mòn Hồ chí Minh và bị trúng đạn phòng không 37 ly của quân đội Bắc Việt. Bốn Nhiếp ảnh gia cùng có mặt trên chuyến bay định mệnh và cùng tử nạn vì nghề nghiệp là: Larry Burrows của tạp chí Life, Kent Potter của UPI (United Press International), Keizaburo Shimamoto của tuần báo Newsweek. Người thứ tư là nhân vật chính của câu chuyện tình đẹp kể đến ở đây: Henri Huet, chàng phóng viên 44 tuổi của hãng thông tấn AP (Associated Press) đã có hơn 20 năm tung hòanh khặp nơi trên các chiến trường Việt Nam.

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search