T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Như Hoa : Đốm Lửa Trong Đêm Tù

 

. . . Sông Mê. Bến đò Âu Lâu. Chiều ảm đạm núi rừng Yên Bái. Đoàn tù khổ sai cứ 50 người một bước chân xuống phà. Rồi lại cứ 50 người một bước lên toa xe lửa. Những khoang toa nặng mùi phân súc vật và ngai ngái rơm khô. Chuyến xe lửa biến mất trong bóng đêm và rừng rậm. Mùa xuân tu hú kêu từng chập / Đợi chuyến tù đi Hoàng Liên Sơn ( thơ Ngọc Phi ). Rất nhiều năm về sau, nhiều người tù khổ sai năm ấy, đã từ cõi chết trở về và hồi sinh. Hiển nhiên, cũng không ít người ở lại vĩnh viễn.

Câu chuyện dưới đây của nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh – một trong những người tù khổ sai may mắn sống sót – được kể lại, nhân dịp tháng 4, như một bằng chứng về sự hồi sinh của những con người tưởng chừng như đã chết năm nào.

T.Vấn

15 tháng 4 năm 2011

Đốm Lửa Trong Đêm Tù

Như Hoa Lê Quang Sinh

(Thương về Anh Chị Nguyễn Đình An, MI)

Hoàng Liên Sơn Bắc Việt núi đồi trùng điệp. Thời tiết mùa đông giá lạnh buốt xương. Có những đêm mưa đá ào ào như thác đổ. Thỉnh thoảng trời rót những cơn mưa rừng lầy lội, ướt át. Trại 8 nằm trên triền núi nhìn xuống một ngôi làng hẻo lánh nghèo nàn. Xa xa là một dãy đồi vắt ngang chân trời mang hình dáng một thiếu nữ ngực trần nằm khoe mình với tuế nguyệt. Khoảng 300 tù nhân cải tạo sống trong những căn nhà lá do bàn tay lao động của họ dựng nên. Một hàng rào tre hai lớp vây quanh trại phòng chống tù nhân đào tẩu. Cổng trại lúc nào cũng có lính bộ đội canh gác nghiêm nhặt ngày đêm.

Mỗi sáng sớm trời còn mù sương đã nghe tiếng kẻng đánh thức tù dậy đi lao động. Sau khi lót dạ bằng những lát khoai sắn hay ngô bắp, tù được phân công từng toán đi ra khỏi trại; người xuống núi chăn trâu, chăn dê, trồng rau xanh, hay đi thu hoạch khoai sắn, mía cây…; kẻ leo đồi kiếm củi cho nhà bếp hay chặt tre về tu bổ doanh trại. Đến trưa nghe kẻng “tan tầm”, tù lũ lượt kéo về trại, ăn cơm rồi nghỉ trưa. Chiều đi lao động tiếp đến mặt trời lặn mới kéo nhau về. Ngày này qua ngày nọ, kiếp tù đày phải chịu đựng những ngày tháng vất vả cực nhọc, ăn không đủ no, thể xác suy nhược sinh bệnh tật không có thuốc men chửa trị. Tù không chết vì đói, nhưng bởi thiếu ăn, suy nhược nên phát sinh nhiều bệnh tật đưa đến cái chết. Chết vì bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, chết vì “cải thiện” bằng những lá cây độc, cóc nhái. Và chết vì tự tử bởi không đủ sức chịu nổi sự hành hạ thể xác và tinh thần.

Sáng nay trời âm u mây đen phủ kín cả cánh rừng như báo hiệu một trận mưa sắp tới. Toán chúng tôi gồm mười tù nhân phải lên núi chặt cây bương, cây nứa mang về sửa sang lại doanh trại bị hư hại bởi cơn mưa đá mấy ngày trước. Khu rừng nằm sau lưng doanh trại âm u một màng sương dày đặt. Tôi và người bạn tù trẻ Nguyễn Đình An bắt đầu leo núi. Đi được chừng một giờ thì tìm được vùng có cây bương, và cây nứa. Cây bương một loại cây tre to, mình thẳng, gióng dài, thành dày, thân cứng dùng làm cột nhà; ống bương thường dùng đựng nước ở một số vùng núi để tưới rau. Cây bương không sinh sản bằng măng con, nó nở hoa rụng xuống đất và hoa sẽ trổ thành cây con. Cây bương cùng họ với cây tre hay cây vầu, nhưng cách sinh sản thì khác nhau. Cây tre không thẳng, thân nhỏ, gióng ngắn, trổ sinh mụt măng nằm cạnh cây tre mẹ và mọc lên thành bụi tre chằng chịt; cây vầu thân thẳng, gióng dài, không to bằng cây bương, dùng làm nhà rất tốt. Đặt biệt cây vầu sinh sản bằng mụt măng, nhưng măng con nằm cách xa cây mẹ từ năm đến bảy tám tấc và thường mọc ở vùng thấp. Cây nứa cùng họ với cây tre, thân nhỏ, có thành mỏng, gióng dài, thường mọc thành bụi, dùng để đan phên, lợp nhà.

Chỉ tiêu lao động hôm nay là phải mang về trại mỗi người hai thân cây bương, mỗi cây dài 6 mét, đường kính 20 phân, thân tre lành lặn không bị nứt nẻ. Trước khi đốn cây tre ngã xuống, phải dùng con dao gõ vào thân tre để nghe tiếng kêu của nó thanh hay trầm. Tiếng kêu thanh là tre không bị nứt. Chọn được hai cây bương tốt rồi phải dùng giây rừng bứt trong bụi cây buộc chặt hai đầu thân bương lại với nhau, rồi dùng một sợi dây khác đánh thành một cái vòng lớn cột vào một đầu thân bương rồi khoác ngang vai để kéo đi cho nhẹ, thay vì vác cả hai cây trên vai.

Trời bắt đầu đổ mưa. Đoàn tù kéo bương cũng bắt đầu xuống núi. Đường lởm chởm đá, trơn trượt lại phải đổ dốc nên bước chân trở nên chậm và hết sức cẩn thận, nếu không sẽ bị vấp ngã. Thời tiết lạnh, áo quần đẫm ướt nên càng lạnh tê tái hơn. Đoàn tù không ai bảo ai âm thầm vác trên vai nỗi nhọc nhằn của kiếp lưu đày cố vượt qua đoạn đường khó khăn để về tới trại trước hoàng hôn. Tình cờ một bác nông dân từ con đường mòn cắt ngang lối đi dẫn một con trâu kéo theo một bè bương khoảng 20 cây hiện ra trước mặt tôi. Hình ảnh con trâu kéo bè bương bất giác làm tôi nghĩ đến thân phận mình cũng giống như thân phận con trâu kia đem sức lực ra để lao động phục vụ con người. Hai hình ảnh, một cảnh ngộ, nó phản ảnh chung cái số phận bị đày đọa như trâu ngựa của một sinh vật yếu hèn được định giá bằng một cái gì đó mà người đời thường gọi là năng lực, là mã lực.Tôi liên hệ mình với con trâu của bác nông dân kia: con trâu với 20 mã lực để kéo 20 cây bương; con người tôi với 2 mã lực chỉ kéo được 2 cây. Trong khi miên man suy nghĩ, so sánh thân phận mình chẳng khác gì thân phận con trâu, tôi vấp phải một phiến đá, trượt chân và ngã quỵ xuống đường; đầu gối chân trái bị chảy máu, đau nhức không ngồi dậy được. Anh An, người bạn tù đi phía sau đã đến đở tôi dậy, nghỉ một hồi lâu rồi cùng nhau cố sức kéo bương về đến trại thì mặt trời đã khuất sau rặng núi mờ sương.

Tai nạn lao động vừa qua cho phép tôi được nghĩ ba hôm dưỡng bệnh tại trại khỏi đi lao động bên ngoài. Đây cũng là thời gian để tôi lượng giá lại sức khỏe của mình. Sau gần 3 năm tù cải tạo, tôi sút mất mười kí-lô, chỉ còn nặng 35 kí. Thời gian ở tù vô hạn định. Nếu phải tiếp tục lao động khổ sai như thế này thì khó mà tồn tại cho đến ngày trở lại cuộc sống đời thường. Chính ý nghĩ này là chất xúc tác thúc đẩy tôi phải hành động để thoát khỏi tình cảnh khó xử trên đây. Tôi nhớ lại lời của một Sĩ quan người Úc từng kinh nghiệm ở tù Cộng sản cho biết rằng không phải lao động tốt hay làm ăng-ten là Cộng sản cho về sớm với gia đình. Có người không hiểu như vậy nên đã cố gắng lao động đến kiệt sức mà vẫn chưa thấy “cách mạng” cho về; những người làm ăng-ten thì khó mà được thả về sớm, bởi “cách mạng” còn cần dùng họ lâu dài.

Một ngôi mộ tù ở trại tù Phong Quang

Tôi chợt nghĩ ra một cách là cần phải đánh lừa Cộng sản như cách họ đã đánh lừa chúng tôi. Đó là sách lược nói dối khi họ thông cáo Sĩ quan chế độ cũ phải đi học tập một tháng, nhưng đã gần ba năm mà chưa thấy một chút hy vọng nào về ngày trở lại với gia đình. Một sáng nọ khi đại đội được gọi ra sân tập họp điểm danh để đi lao động, tôi nằm lì trong phòng, viện cớ chân đau không đứng dậy được. Người bạn tù thiết thân của tôi là anh Nguyễn Đình An, không thấy tôi ra sân điểm danh liền vào hỏi thăm sức khỏe tôi thế nào. Tôi nói dối với anh ấy là chân tôi đau quá không đứng dậy được. Không phải tôi sợ bị tiết lộ “âm mưu” của mình đến tai cán bộ trại, nhưng quả thật bởi một lý do thầm kín không tiện nói ra cho An biết. Anh An thật sự lo lắng cho tôi bèn sốt sắng tự động đi kiếm cho tôi một nhánh cây khô dùng làm gậy, và đở tôi đứng dậy. Kể từ đó tôi đã trở thành một tên “tù què” bất đắc dĩ lúc nào cũng có cây gậy trên tay. Sáng nào tôi cũng chống gậy đi lên văn phòng y vụ để châm cứu và xin thuốc “xuyên tâm liên” để uống. Cơ trời dun dủi, tôi gặp được người phụ trách “Y Vụ” của trại cũng là một tù nhân trẻ (không nhớ tên), trước 75 anh là Sinh viên Sĩ quan Trường Bộ Binh Thủ Đức thụ huấn năm 1970 nhận ra tôi là Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Sinh Viên nên sẵn sàng giúp đỡ tôi bằng mọi cách. Lần này tôi lại đóng kịch để qua mặt anh Bác sỉ VC. Thế là tôi nắm được lá bùa hộ mạng trong tay với lời chứng nhận: “Anh Lê Quang Sinh bị đau thần kinh tọa tránh đi lại nhiều, được phép làm việc nhẹ, không phải đi lao động ngoài trại.”.

Đến khi Trung cộng xua quân đánh mấy tỉnh miền Bắc, trại được phân tán về miền Trung du. Nguyễn Đình An và tôi được chuyển về trại Vĩnh Phú, và cuối cùng được chuyển vô Nam ở tại trại Xuân Lộc, và từ trại này chúng tôi được thả ra vào năm 1983. Tôi có thể nói Nguyễn Đình An là một người tù đặc biệt. Anh có một tấm lòng rộng rãi hiếm quí và giàu tình nhân ái sẵn sàng giúp đỡ bạn tù bất cứ hoàn cảnh nào, hay bất cứ cảnh ngộ nào mà anh có thể làm được. Anh chia xẻ với bạn tù từ thức ăn đến thuốc uống là những thứ nhu cầu sinh tử, thiết yếu cho đời sống của người tù, nhất là tù dưới chế độ Cộng sản ác nghiệt thiếu thốn đủ mọi thứ. Anh còn chia sẻ sức lao động với bạn tù già yếu đuối.

Tôi nhớ lại khi còn ở trại Vĩnh Phú Bắc Việt, chị An lặn lội từ Saigon ra thăm nuôi chồng, mang theo bảy chục kí-lô thực phẩm. Thời gian này do công an quản lý, tù nhân lao động vất vả cực nhọc, thêm thời tiết quá khắc nghiệt, ăn uống lại thiếu thốn nên ai nấy đều xuống cân, chỉ còn da bọc xương, mặt mày xám ngắt được gia đình tiếp tế thực phẩm thuốc men thì không còn gì hạnh phúc bằng. Một số gia đình gặp khó khăn nên không thể đi thăm nuôi được, trong đó có gia đình tôi. Tuy nhiên, tôi may mắn được anh An, người bạn tù ở cùng “láng” chia sẻ với tôi cái hạnh phúc hiếm hoi đó trong hoàn cảnh tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tôi thành thật nói với anh rằng gia đình tôi không có khả năng tiếp tế, tôi ngại không có gì để đền bù lại cho anh. Nhưng anh An đã trả lời tôi một câu ngắn gọn, dứt khoát và đầy tình nhân ái: “Còn ăn hết nhịn, bạn đừng thắc mắc chuyện đó”. Quả nhiên sau một tháng thì lương thực hết sạch. Tuy vậy, An và tôi lên cân thấy rõ, bạn tù trong “láng” ai cũng quở là chúng tôi đã có da có thịt trở lại. Nhờ đợt “bồi dưỡng” nầy mà chúng tôi cầm cự được cho đến khi chính sách nhà nước cho gởi qua Bưu Điện mỗi tháng 3 kí-lô quà, tuy không nhiều nhưng cũng an ủi phần nào kiếp tù đày, nhất là thuốc men để chữa bệnh. Tôi hết sức cảm kích khi anh An kiếm đâu được cục kẹo cũng chia xẽ với tôi một nữa. Có lần ai cho anh một lon gạo, anh kiếm thêm ít rau cải trôi dạt ngoài bờ suối; tối đến khi cửa phòng ngủ đã khóa chặt, chúng tôi dùng bao ni-lông đốt lên để nấu cháo rau hai đứa cùng “cải thiện”.

Nhà tù Sơn La

Thời gian hơn ba mươi năm đã trôi qua, nhưng khi nào ký ức hiện về trong tâm trí, tôi thấy thương An vô cùng. Thương cái tâm thành thật, thương cái lòng nhân ái, thương cái tình nghĩa bạn tù anh dành cho tôi. Sự hy sinh của anh chẳng bao giờ đòi hỏi một sự đền bù nào cả. Tôi nhớ lại khi anh mang cái va-li đựng thực phẩm ra để nấu ăn vào những ngày Chủ Nhật, ăn xong tôi định mang vô phòng cất dùm anh, nhưng anh cản lại bảo rằng đừng làm vậy người ta sẽ nói là anh sai khiến tôi. Quả thật tư cách và lối sống của anh đã cho tôi một bài học: “Giúp người không cần được trả ơn, nó không phải là một sự trao đổi vật chất hay tinh thần; bất cứ ai cần, hãy sẵn sàng giúp đỡ, khác với tình đời, người ta chỉ muốn trao đổi chớ ít ai chịu cho không”.

Tôi đã giữ kín trong lòng nỗi niềm riêng tư trên 30 năm qua, bây giờ mới thổ lộ tâm tình cùng người bạn tù tôi yêu quí nhất, suốt đời không bao giờ quên. Tôi đã nói dối với kẻ thù Cộng sản. Tôi đã nói dối với người bạn tù chung thủy của mình. Cho đến nay tôi vẫn không có gì để ân hận. Chỉ mong rằng bạn Nguyễn Đình An hiểu cho nỗi lòng thầm kín của tôi: “Vì sao tôi đã một lần nói dối với bạn từ mấy chục năm nay ?”.

Lê Quang Sinh – Dallas, Tháng Tư 2011

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search