T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

HOÀI NAM: CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 13)

CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 13)

Hồi ký
Hoài Nam NGUYỄN HỮU THIỆN

Kỳ 1  Kỳ 2  Kỳ 3  Kỳ 4  Kỳ 5  Kỳ 6  Kỳ 7  Kỳ 8    Kỳ 9  Kỳ 10 Kỳ 11 Kỳ 12

(tiếp theo kỳ 12)

CHƯƠNG 6 – Suối Máu & Tống Lê Chân (tt)

Không biết tù cải tạo ở các nơi khác thì sao, riêng ở Suối Máu, chúng tôi được nghe tin tức hàng ngày trên đài phát thanh (và đôi khi cả đài truyền hình) Sài Gòn Giải Phóng, nhờ đó được biết diễn tiến tổng quát của cuộc xâm lược của Trung Cộng vào sáu tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam.

Mỗi đêm sau giờ cơm tối, nhóm chúng tôi – gồm tôi, Hưng (đại úy) và vài anh em khác – lại tụ tập bên hông Nhà 13 để to nhỏ bàn luận về tình hình chiến sự và tiên đoán những gì sắp xảy ra.

Về tình hình chiến sự, chúng tôi khá ngạc nhiên và thất vọng trước sự tiến quân ồ ạt của lính Trung Cộng vào lãnh thổ Việt Nam mà không gặp sức kháng cự đáng kể ở tuyến đầu. Mặc dù đài phát thanh không loan báo diễn tiến cuộc chiến một cách chi tiết mà chỉ chú trọng việc lên án sự dã man tàn bạo của của lính Trung Cộng đồng thời ra sức ca tụng “tinh thần chiến dấu dũng cảm của quân dân ta”, chúng tôi cũng có thể đoán biết khi 120,000 quân Trung Cộng (trong tổng 300,000 tham gia chiến dịch) đồng loạt vượt biên giới tiến vào lãnh thổ sáu tỉnh phía bắc VN – Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái – vào sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, chúng đã không đụng độ với các lực lượng chính quy thiện chiến của CSVN, bởi phần lớn lực lượng này đã được đưa vào Nam để tiến hành cuộc xâm lược và chiếm đóng Căm-bốt.

Gần hai tuần sau, khi đài phát thanh loan tin và tường thuật về chiến sự ở thị trấn Lạng Sơn, chúng tôi tin rằng thị trấn này sẽ thất thủ và đại quân Trung Cộng sẽ tiến về vùng châu thổ sông Hồng để uy hiếp Hà Nội, Hải Phòng. Và nếu việc này xảy ra, tù cải tạo sẽ tiếp tục ở tù dài dài, bởi như lời viên trung tá công an Đào Lưỡng, Giám thị trưởng Chí Hòa – Suối Máu đã tuyên bố trước đây, chúng tôi chỉ được thả một khi tình hình ổn định!

Mấy ngày sau, 5 tháng 3 năm 1979, Cộng Sản Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc (trong Nam gọi là “đi nghĩa vụ quân sự”). Trưa cùng ngày, Bắc Kinh tuyên bố đã “hoàn thành mục tiêu” (dạy cho Hà Nội một bài học), “chiến thắng” và bắt đầu rút quân.

Dĩ nhiên, tuyên bố của Trung Cộng sau này chúng tôi mới được biết, còn ngày ấy chỉ được nghe tin trên đài phát thanh Sài Gòn Giải Phóng, qua đó phía CSVN cũng tuyên bố “đã chiến thắng…, chấp nhận cho địch rút quân…, và dừng chiến dịch phản công”.

Việc Trung Cộng sau khi xua 300,000 quân xâm lược VN, chiếm được các thị xã Lạng SơnLào CaiCao Bằng và một số thị trấn vùng biên giới sau đó lại cho rút quân đã khiến “các nhà bình luận thời sự ở Suối Máu” phải ngạc nhiên, bởi trước đó, như đã viết ở trên, chúng tôi tin rằng sau khi đánh chiếm sáu tỉnh biên giới, đại quân Trung Cộng sẽ tiến về vùng châu thổ sông Hồng, và Liên Xô sẽ có cớ nhảy vào vòng chiến để tiếp sức cho đàn em “tiểu bá quyền phương Nam”, cuộc chiến sẽ trở nên dai dẳng và chúng tôi sẽ tiếp tục ở tù cho tới khi “tình hình ổn định”, nghĩa là còn lâu, lâu lắm!

Vì thế, nay trước việc Bắc Kinh cho rút quân, chúng tôi chỉ biết đoán mò: có lẽ Trung Cộng sợ Liên Xô can thiệp mạnh, cho các quân đoàn đang trú đóng trên lãnh thổ Mông Cổ (một “đồng minh không cộng sản” của Mạc-tư-khoa) tấn công Trung Cộng từ phía bắc, khi ấy Bắc Kinh sẽ bị lưỡng đầu thọ địch, cho nên “bài học” mà Đặng Tiểu Bình dạy cho CSVN chỉ có bấy nhiêu thôi. (Chú thích 1)

Tuy nhiên, trước việc CSVN ngày càng hung hăng chửi bới “tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh” trên các phương tiện truyền thông và ra sức hốt thanh thiếu niên miền Nam đi “nghĩa vụ quân sự”, đưa sang Căm-bốt để thay thế (một phần) bộ đội chính quy bị đưa về bảo vệ miền Bắc, cho thấy Hà Nội có ý định chiếm đóng xứ chùa Tháp lâu dài, chúng tôi càng thêm hoang mang, lo ngại khi nghĩ tới những năm tháng tù tội trước mặt.

Rảnh rỗi vì không bị bắt đi lao động, chúng tôi cố gắng tìm quên qua nhiều hình thức giải trí: chơi cờ tướng, xoa mạt chược (những anh em “thâm niên” ở K1 thực hiện được hai bộ mạt chược khá chuẩn), đàn địch ca hát, chơi bóng chuyền, đá banh… Thỉnh thoảng tôi cũng ra sân banh nhưng không phải để đá mà để bắt gôn, sở trường của tôi từ những năm trung học.

Trong một trại tù chật hẹp như Suối Máu mà có được một cái sân đá banh là chuyện khó tin nhưng có thật!

Nguyên K1 là một khu đất vuông vức, khác với các K còn lại hình chữ nhật chạy dài từ ngoài vào trong. Từ cổng K1 đi vào, một bên là hội trường, lò bánh mì, dãy nhà bếp, một bên là một giếng nước, và sân bóng chuyền, nơi đã diễn ra cuộc “biểu tình ngồi” trong đêm Giáng Sinh 1978.

Vào sâu hơn là ba dãy nhà nhốt tù, mỗi dãy 6 nhà, tổng cộng 18 nhà, mỗi nhà giam giữ khoảng trên dưới 50 anh em. Khác với ở K3, nơi các nhà còn nguyên mái tôn vách tôn, các nhà ở K1 cũng mái tôn nhưng vách ván. Nguyên nhân là vì, cũng giống như ở trại tù Phú Quốc, khi xảy ra biến cố 30-4-1975, dân chúng tràn vào gỡ vách tôn cho nên sau đó đã được vây lại bằng ván (ở Phú Quốc vây bằng tranh); nhờ đó người tù cải tạo cũng có cảm giác dễ chịu hơn, có thể biến vách ván chỗ nằm của mình thành một cái kệ nho nhỏ, hoặc trang trí vách theo ý riêng: một bức tranh tự vẽ, tấm hình gia đình…

Phía bên trong ba dãy nhà là một cái sân hẹp chạy dài suốt từ nhà 13 đến nhà 18, được anh em biến thành sân banh, một sân banh có một không hai với chiều dài gấp ba bốn lần chiều rộng. Thành thử nhiệm vụ thủ thành của tôi khá nhàn rỗi, nhiều khi đợi cả chục phút mới thấy banh xuống vùng cấm địa!

Trong số sĩ quan tù cải tạo lại có một anh chàng trước kia đá cho đội tuyển Quan Thuế tự nguyện làm huấn luyện viên cho nên các trận đấu giữa các dãy nhà khá hào hứng. Nhưng riêng tôi, sau một thời gian bắt gôn đã không còn hứng thú nữa, quay sang viết sách dạy nhạc –  một cách chính xác là hòa âm căn bản cho những người tập chơi đàn ghi-ta.

Ý tưởng tốt đẹp này (cứ tạm gọi như thế) đến với tôi sau khi thấy một bạn tù cựu giáo sư ở Trường Sinh Ngữ Quân Đội biên soạn các bài học tiếng Anh để các bạn tù muốn học chuyền tay nhau sao chép.

Với những người có trình độ hòa âm trung cấp trở lên, “công trình biên soạn” của tôi gồm Hòa âm căn bản và Cách bấm hợp âm trên cần đàn ghi-ta – chỉ là trò trẻ con, nhưng với những bạn tù chưa biết gì về hòa âm hoặc đang tập tễnh đệm ghi-ta thì những gì trình bày trong hai cuốn vở 50 trang ấy của tôi khá đắc dụng.

* Bông hồng Suối Máu

“Bông hồng Suối Máu” là một nhân vật có thật 100%, đối tượng của  thiếu tá Y, một trong ba ông thiếu tá Không Quân “nổi bật” ở trại tù Suối Máu.

Người thứ nhất đã được tôi nhắc tới ở một phần trên là cựu Thiếu tá phi công khu trục Lê Thanh Hồng Vân, nguyên Phi đoàn phó Phi Đoàn 530 ở Pleiku với tôi năm xưa, Trưởng Ban Hành Động K3, đã bị đưa về Chí Hòa.

Người thứ hai là thiếu tá X, trước kia là một ông Trưởng Phòng hét ra lửa ở cùng đơn vị Không Quân ở Biên Hòa mà tôi không muốn nhắc tên. Ông X không làm ăng-ten mà chỉ đem khả năng mánh mung, sở trường lấy điểm của ông trước 1975 để trở thành “đại diện” của trại Suối Máu, bày mưu túc kế, toa rập với đám cán bộ hậu cần (thời bò xanh) trong việc bớt xén tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm của tù cải tạo để đem đi bán.

Cũng là tù cải tạo mà sáng sáng ông X mặc bộ pyjamas lụa, đeo kiếng mát, mặt vênh váo đi lên Ban hậu cần “công tác”. Các sĩ quan cùng đơn vị trước 1975 nay ở tù chung không ai chơi với ông đã đành mà khi vô tình đụng đầu cũng không ai thèm dòm mặt. Rất có thể ông X cho rằng người ta ghen ghét vì những đặc quyền đặc lợi ông được hưởng, chẳng hạn vợ được lên thăm nuôi thường xuyên, có khi “qua đêm” – một việc không hề có ở trại Suối Máu – nhưng thực ra mọi người xa lánh ông chỉ vì khinh bỉ!

Người thứ ba là thiếu tá Y tôi cũng không nhắc tên ra đây, tuy nhiên không phải vì ông là một người tệ hại như thiếu tá X mà chỉ vì tôi muốn giữ kín lý lịch của ông – nhân vật chính trong chuyện tình với  “bông hồng Suối Máu” – để bạn bè cùng quân chủng Không Quân nếu không ở tù chung hoặc không được nghe người khác kể lại sẽ không biết ông là ai.

Về phần tôi vì ở khác K với thiếu tá Y nên lúc đó chỉ biết đại khái trước năm 1975 ông là phi công trong Không Quân VNCH, vợ con đã di tản sang Mỹ ngày 30-4-1975, thường được người em gái của vợ lên thăm nuôi. Còn chuyện tình của ông với bông hồng Suối Máu tôi chỉ biết qua nghe người khác kể lại với những tình tiết mà tôi tin rằng đã ít nhiều được thêu dệt cho thêm phần… ly kỳ rùng rợn. Nhưng đoạn kết buồn nhiều hơn vui thì tôi biết rõ.

Bông hồng Suối Máu nói tới ở đây là H, con gái của trung tá công an Đào Lưỡng, ra chào đời trước khi tía tập kết ra Bắc, tuổi khoảng trên 25. Sau khi trại Suối Máu được bộ đội bàn giao cho công an thì H được tía cho làm việc tại ban giám thị trại và K30 (bệnh xá). Có lẽ công việc của H là về giấy tờ chứ không liên quan tới ngành y vì cô không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân (như sau này tôi được biết).

Về phần thiếu tá Y, không hiểu do đâu mà được trông coi nhà máy điện của trại Suối Máu. Có người nói ông có bằng kỹ sư điện nhưng tôi không tin, bởi vào thời VNCH chẳng có ông kỹ sư điện nào dại dột (hoặc lý tưởng) tới mức xin vào Không Quân để làm phi công thời chiến!

Nhưng ít ra thiếu tá Y cũng là một tay tháo vát hơn người (handyman) cho nên mới được trung tá Đào Lưỡng trao công việc chăm sóc chiếc xe Jeep Willys của ông ta do Cảnh Sát Quốc Gia (VNCH) để lại.

[Jeep Willys, hoặc Kaiser Jeep, ngày ấy trong Không Quân VNCH thường gọi là “jeep ca-pô bầu”, được cải biến từ một kiểu jeep dân sự để sử dụng trong quân đội, thường là các bộ chỉ huy, các hậu cứ, những nơi không cần tới loại jeep tác chiến có khả năng băng rừng (off-road) vốn có giá thành cao hơn, chẳng hạn jeep lùn A1, A2. Tất cả xe jeep của Không Quân Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam đều là Jeep Willys, khi họ rút quân được bàn giao cho KQVN. Cảnh Sát Quốc Gia cũng được viện trợ kiểu jeep này]

Về sau, thiếu tá Y còn được Đào Lưỡng sử dụng làm tài xế riêng đi đi về về Sài Gòn – Biên Hòa. Thường thường, cùng đi trên xe còn có cô con gái của viên trung tá công an.

Một thời gian sau, H mang bầu tâm sự, còn thiếu tá Y được xuất trại, được phục hồi quyền công dân để trở thành con rể của viên Giám thị trưởng Chí Hòa – Suối Máu. Trong số anh em tù cải tạo có người còn quả quyết đã đọc được mục Chúc Mừng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, nhưng không mấy người tin!

Trước cuộc tình quốc – cộng nói trên, dư luận tù cải tạo Suối Máu chia ra hai phe: một phe chê trách thiếu tá Y phản bội vợ con (hiện đang sống ở Hoa Kỳ) để lấy người của “phe địch”, một phe tuy không khen nhưng rất thích thú, hả hê trước việc một tù cải tạo “dớt” được cô con gái của viên trung tá công an giám thị trưởng – một bóng hồng nghe đồn khá xinh đẹp và sexy!

Tôi may mắn là một trong những tù cải tạo có cơ hội kiểm chứng

những lời đồn trên, và sau này được biết đoạn kết của cuộc nhân duyên quốc – cộng ấy.

Nguyên tôi được sang K30 (bệnh xá) ở khoảng hai tuần vì bị bạn tù… đả thương!

Đầu đuôi là trong Nhà 13 của tôi có T, một tay trung úy lầm lì, không chơi với ai, có ít nhiều… máu điên, mà một số anh em cho là hậu quả tâm lý của những năm tháng dài bị nhốt ở Suối Máu.

Một ngày nọ, vào khoảng giữa năm 1979, tôi và T xích mích nặng, được anh em cùng nhà can gián. Thế rồi trong giờ nghỉ trưa, khi tôi đang ngồi quay mặt vào vách với cuốn vở nhạc lý đang soạn dở dang thì T đứng phía sau lấy cái ghế đẩu thấp bằng gỗ (giống ghế của các bà bán hàng rong) sử dụng 24 thành công lực giáng lên đầu, khiến tôi ngã lăn quay, bất tỉnh!

Sau này hồi tưởng lại, tôi cũng không biết đích xác mình bất tỉnh trong bao lâu, nhưng có lẽ chỉ trong vài giây đồng hồ, bởi khi tỉnh lại tôi còn nghe tiếng anh Thiết đang hốt hoảng kêu cứu.

Chỉ bị choáng váng chứ không cảm thấy đau đớn lắm, tôi đoán mình không bị bể đầu, có nghĩa là không nguy hiểm cho nên tôi chợt nảy sinh ý tưởng đùa nghịch là cứ giả bộ tiếp tục bị bất tỉnh xem mọi việc sẽ diễn tiến ra sao!

Mặc dù đầu của tôi không có vết thương chảy máu, anh Phố (Nhà trưởng) vẫn chạy ra cổng nhờ lính gác báo cáo với giám thị K1. Trong lúc chờ đợi tay công an phụ trách Nhà 13 vào, thấy anh em xôn xao lo lắng, người thì đắp nước lạnh trên trán, người lo quạt…, tôi đành phải hé mắt chớp chớp cho anh em biết tôi đã tỉnh, nhưng sau đó vừa làm bộ nhăn nhó ra vẻ đau đớn lắm vừa nhắm mắt lại, ai hỏi gì cũng lắc đầu nhè nhẹ như không có sức mở miệng trả lời!

Khoảng 15 phút sau, tay công an phụ trách Nhà 13 vào, hỏi qua loa đầu đuôi sự việc rồi, có lẽ vì sợ trách nhiệm, cho lấy võng khiêng tôi qua K30 (bệnh xá), cách K1 khoảng 500 mét.

Bên trong cổng gác của K30, phía tay mặt có bốn căn nhà tôn vách ván, nhỏ hơn nhà nhốt tù ở các K; ba căn được sử dụng làm chỗ ở cho bệnh nhân, một căn làm phòng khám bệnh và chỗ ở của hai vị bác sĩ quân y VNCH được đưa sang làm việc ở bệnh xá, phía đối diện là mấy căn nhà nhỏ hơn dành cho bệnh nhân công an, nhân viên bệnh xá, công an gác cổng, hậu cần, nhà bếp…

Không khí và sinh hoạt ở bệnh xá Suối Máu khác hẳn với bệnh xá Thành Ông Năm mà tôi đã từng ở qua vào cuối năm 1975; có thể mô

tả một cách ngắn gọn là bệnh xá Suối Máu khá lặng lẽ, buồn tẻ.

Bệnh nhân tù cải tạo ở đây cũng thuộc đủ lứa tuổi, cấp bậc như ở bệnh xá Thành Ông Năm trước kia nhưng đa số suốt ngày nằm một chỗ, nhà nào biết nhà nấy nên không có sự thân mật cởi mở, tụ tập trò truyện, đấu láo như ở Thành Ông Năm.

Có hai nguyên nhân. Thứ nhất là về mặt tinh thần, trước kia ở Thành Ông Năm, mới bắt đầu đời tù tội nên anh em chưa kịp thấm, chưa nếm mùi lao động khổ sai, nay thì ai cũng chán chường, ê chề, tuyệt vọng.

Thứ đến là về thể xác, sau ba bốn năm ăn uống thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng trong cơ thể không còn, cho nên người nào quỵ là quỵ luôn, và đó cũng là tình trạng của đa số bệnh nhân tù cải tạo lớn tuổi ở K30, trong số đó có cựu đại tá (nhạc sĩ) Nguyễn Văn Đông.

[Về sau, năm 1980, Đại tá Nguyễn Văn Đông được đưa về Chí Hòa, tới 1985 được thả để về nhà… chờ chết. Tuy nhiên, như một phép lạ, có những người thân yêu bên cạnh, ông đã dần dần hồi phục và sống thêm được 23 năm nữa]

* * *

Hai ông bác sĩ quân y VNCH ở K30 khá rảnh rỗi, một ông hơi lớn tuổi suốt ngày nằm trong phòng cho nên giờ này tôi cũng không còn nhớ tên, một ông còn trẻ mang cấp bậc trung úy, gốc Bắc, tên N.

Vì không khí buồn tẻ ở K30, trừ những người nằm liệt giường và “tù xì thẩu”, đa số bệnh nhân tù cải tạo đều muốn trở về sống ở các K có người này người kia vui hơn, bởi nếu ở lại K30 cũng chẳng có thuốc men, chỉ được một ưu đãi duy nhất là ngày nào cũng được ăn bo bo, không phải độn khoai mì phơi khô!

Tù xì thẩu nói tới ở đây là một số nhỏ tù cải tạo có gia đình giàu có, qua ba đợt đánh tư sản của nhà nước CSVN vẫn bằng cách này cách khác giữ được một ít của chìm của nổi, đã sử dụng tiền bạc, quà cáp đắt tiền để mua chuộc đám giám thị ở Suối Máu đưa họ sang K30 để được thăm nuôi thường xuyên, vì thế, ít nhất cũng về mặt ẩm thực, những người tù này sống như những ông hoàng trong khi các bệnh nhân khác quanh năm chỉ có bo bo với cá khô.

Ngoài ra, mấy ông tù xì thẩu còn liên hệ với đám hậu cần nhờ mua dùm món này món khác ngoài chợ (dĩ nhiên phải trả công), và qua  tiếp xúc đã được nghe những tay công an này bật mí tin này tin khác. Vì thế, ngoài việc trở thành “ân nhân” của những bạn tù đói thuốc (thuốc rê), mấy ông tù xì thẩu còn trở thành nguồn tin hấp dẫn, tương đối đáng tin cậy ở K30.

* * *

Sau mấy ngày tới K30, tôi được bác sĩ N cho biết dù không cảm thấy bất cứ triệu chứng khác thường nào trong đầu, tôi cũng nên ở lại K30 thêm một tuần lễ nữa để ông theo dõi cho chắc ăn.

Phía sau phòng khám bệnh, kế căn nhà tôi ở có một bóng cây khá lớn, dưới gốc có hai băng ghế, nơi tôi một vài anh em còn trẻ hay ra ngồi tán dóc, thỉnh thoảng có bác sĩ N tham gia. Càng về sau tôi và vị bác sĩ trẻ càng trở nên thân nhau hơn, lúc đó tôi mới biết ông không phải là một người kín đáo, ít nói như tôi đã nhận xét lúc ban đầu, trái lại ông thích trò truyện và đặc biệt có óc khôi hài, châm biếm.

Qua trò truyện với nhau, tôi được biết trên nguyên tắc hai ông bác sĩ “ngụy” nằm dưới quyền một nữ y tá công an còn rất trẻ tên X, mà mọi người gọi là “y sĩ”.

Tôi có dịp quan sát X vài lần khi cô vào phòng khám bệnh gặp bác sĩ N. Cô nói giọng Nam, có nhan sắc dưới trung bình khá xa, thân hình nhỏ thó, đã vậy còn có làn da đậm giống như lai Miên (Căm-bốt), nghĩa là không có một nét thu hút nào, hoàn toàn tương phản với “bông hồng Suối Máu”, tức H, cô con gái của viên Trung tá Giám thị trưởng trại giam Chí Hòa – Suối Máu.

Ngay lần đầu tiên được chiêm ngưỡng dung nhan, ngoại hình của H, tôi đã thông cảm với sự ghen tức của đám công an trước việc người đẹp lại trao thân cho một tay tù cải tạo!

Sáng hôm đó, tôi đang ngồi trò truyện với mấy anh em bệnh nhân dưới gốc cây sau phòng khám bệnh thì H từ khu nhà của ban giám thị trại đi xuống K30. Từ lúc cô đi gần tới cổng cho tới lúc bước vào khu nhà của nhân viên bệnh xá, tôi có được vài phút để quan sát từ khoảng cách mấy chục mét.

H là một người có nhan sắc và một thân hình khá hấp dẫn. Để độc giả có một ý niệm về nhan sắc và sức hấp dẫn của H, tôi xin so sánh với “chị Thùy”, cô y sĩ Nam kỳ ở bệnh xá Thành Ông Năm mà tôi đã mô tả trong Chương 1:

“Cô không bao giờ mặc đồ bộ đội mà cũng chẳng cuốn khăn rằn, chỉ mặc quần đen áo bà ba… Cô khoảng độ trên dưới 25, thân hình cao ráo, có nhan sắc, với mái tóc thề dài gần tới eo”.

Về nhan sắc, H có đẹp hơn “chị Thùy” hay không là tùy người đối  diện (hơn nữa, tôi cũng chỉ được chiêm ngưỡng dung nhan H từ một khoảng cách) nhưng về sức hấp dẫn thì H ăn đứt. Lúc đó H đã có bầu mấy tháng, và hình như nhờ vậy mà hai vòng số 1, số 3 của cô phát triển tới mức tối đa.

H không mặc quần đen áo bà ba như “chị Thùy” mà mặc đồng phục của công an, nhưng với tôi khi ấy màu vàng không còn đáng ghét nữa bởi cái quần may bó sát không chỉ tăng sức hấp dẫn của cặp mông mà còn có tác dụng khiến cặp trường túc của H như dài thêm, cùng với mái tóc uốn quăn và dáng đi õng ẹo như người mẫu đã tạo ra một sức thu hút chết người!

Khi H bước gần tới cổng, một trong hai gã công an trẻ đang ngồi chồm hổm bên cạnh phòng khám bệnh buột miệng:

– Con đĩ! 

Nghe chửi, tôi biết những tình tiết về chuyện tình giữa bông hồng Suối Máu và thiếu tá Y tôi đã viết ở một đoạn trên, trong đó có việc hai người được “chúc mừng” trên báo Sài Gòn Giải Phóng theo lời kể của một vài bệnh nhân tù cải tạo ở K30, không biết có được thêu dệt thêm hay không, nhưng việc đám công an cay cú trước việc người đẹp trao thân cho một tay tù cải tạo là có thật! (Chú thích 2)

Nhưng ở Suối Máu không chỉ có cô con gái viên giám thị trưởng mà cả cô y sĩ X của K30 cũng mê “sĩ quan ngụy”!

Vị sĩ quan ngụy tốt số (?) ấy không ai khác hơn là bác sĩ N.

Một buổi sáng nọ, khi H tới K30 thì chỉ có tôi và bác sĩ N ngồi trò truyện với nhau dưới gốc cây. Thời gian này tôi đã khá thân với bác sĩ N cho nên vừa chiêm ngưỡng người đẹp, chúng tôi vừa trao đổi những lời bình phẩm không được… lành mạnh cho lắm!

Bỗng bác sĩ N nói nửa đùa nửa thật:

– Em X chỉ cần được một nửa em H tôi cũng chịu!

Rồi ông kể cho tôi nghe một cách khá chi tiết về việc ông được (bị) X ra mặt “chào mời”.

Theo lời ông, vào thời gian chưa xảy ra vụ bông hồng Suối Máu lấy thiếu tá Y, cô y sĩ công an của K30 cũng ra vẻ ta đây cấp trên lắm, nhưng sau đó đã thay đổi thái độ một cách mau chóng, không chỉ dễ chịu hơn trước mà còn tỏ ra tôn trọng chuyên môn nghề nghiệp của hai vị bác sĩ quân y VNCH.

Vào một buổi trưa thanh vắng, khi chỉ có hai người với nhau trong phòng khám bệnh, X than thở với bác sĩ N rằng trong thời gian gần đây cô cảm thấy đau ở ngực và nhờ ông… khám. Bác sĩ N chưa kịp hỏi han triệu chứng thì X đã cởi ngay mấy nút áo trên ngực, sẵn sàng để ông đặt ống nghe. Bác sĩ N hơi bối rối nhưng lấy lại bình tĩnh ngay, và trong lúc thi hành chức năng “lương y như từ mẫu” ông đã không bỏ lỡ cơ hội quan sát, đánh giá vòng số 1 quá sức khiêm nhượng của cô y sĩ.

Nghe trước ngực xong, tới nghe sau lưng, chẳng thấy gì khác thường ngoài tiếng tim đập thình thịch, bác sĩ N cho X biết kết quả và nói cô yên tâm!… Nhưng mấy ngày sau, X lại xin bác sĩ N khám nữa; và tới lần thứ ba, khi X kéo bàn tay vị bác sĩ xuống thật sâu giữa hai trái tuyết lê của cô, miệng nói “em đau ở chỗ này”, thì dù vô tình tới đâu ông bác sĩ “ngụy” cũng phải hiểu được ý đồ của cô y tá công an… khát tình!

Từ đó tới nay, hai ba tháng đã trôi qua, bệnh đau ngực của X vẫn không thuyên giảm, và bác sĩ N vẫn phải tiếp tục… khám!

Tuy đã khá thân với bác sĩ N, tôi cũng tế nhị không hỏi ông một câu nào về tình cảm, hay viết cho chính xác hơn, cảm tưởng (và cảm giác) của ông khi khám ngực cho cô y tá công an. Cho nên sau này tôi cứ thắc mắc mãi về đoạn kết chuyện tình đơn phương của cô y tá công an trời bắt xấu với chàng bác sĩ ngụy đẹp trai phong nhã.

* * *

Sau hơn hai tuần ở K30 tôi trở về K1, được anh em đón tiếp khá nồng hậu bởi theo thói thường, kẻ đi xa về luôn luôn có nhiều câu chuyện hấp dẫn, chưa kể tôi còn có tài… phét lác, phóng đại!

Tuy nhiên trong khi kể đủ mọi thứ chuyện, tôi đã không đề cập tới tin đồn về việc sắp có chuyển trại quy mô, để anh em khỏi xôn xao lo lắng.

Nguyên trong thời gian ở K30, tôi được một số anh em bệnh nhân “thâm niên” và mấy ông tù xì thẩu có dịp tiếp xúc, trò truyện với đám công an kể lại rằng sắp tới, Cục Trại Giam sẽ đưa tù hình sự từ các nơi về Suối Máu, còn tù cải tạo ở Suối Máu sẽ được đưa đi các nơi khác. Đưa đi đâu không biết nhưng chắc chắn sẽ xa Sài Gòn hơn, và đây là nguyên nhân chính khiến tôi không kể lại cho anh em những gì mình được nghe ở K30.

Riêng tôi tự trấn an: đi đâu thì đi, miễn không bị đưa ra miền Bắc là được rồi. (Thời gian này, tù cải tạo ngoài Bắc ở các trại gần biên giới Hoa-Việt đã được đưa về vùng đồng bằng cho nên ngoài đó thiếu chỗ).

* * *

Khoảng gần cuối năm 1979, việc chuyển trại xảy ra thật. Trong số mấy trăm tù cải tạo cấp úy ở K1 bị gọi tên có tôi nhưng không có hai người ăn chung với tôi là đại úy Thiết và thiếu úy Thi. Đúng là “đời tôi cô đơn” nên đi đâu cũng đi một mình!

Rời Suối Máu vào buổi sáng, đoàn molotova đưa chúng tôi trở lại Quốc lộ 13, qua Bình Dương tới ngã ba Chơn Thành thì chạy thẳng (nếu quẹo mặt là Quốc lộ 14, đường đi Quảng Đức cũng là đường đưa tôi lên Phước Long trước đó hơn hai năm).

Từ Chơn Thành, theo Quốc lộ 13 đi lên hướng bắc sẽ tới thị xã An Lộc, trước năm 1975 là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Long, nay thuộc tỉnh Sông Bé.

[Sau này, tới năm 1988 Sông Bé tách ra làm hai tỉnh: Bình Dương và Bình Phước – gồm lãnh thổ hai tỉnh Bình Long, Phước Long trước năm 1975, tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Đồng Xoài]

Nhưng trước khi tới An Lộc, đoàn xe đã quẹo trái đi về hướng tây mà không anh em nào trên xe của tôi biết là đi về đâu. Xe chạy trên một con đường đất ghồ ghề lồi lõm, hai bên là rừng rậm, đi một hồi thì tới một khoảng đất trống có một cái quán mái tranh vách đất, gần đó là mấy căn nhà cũng mái tranh vách đất bỏ hoang, mà sau này chúng tôi được biết đó là tất cả những gì còn sót lại của một làng kinh tế mới.

Từ cái quán, đoàn xe tiếp tục đi về hướng tây vài cây số, tới một cái cổng có công an gác, bên trong cổng, hai bên đường là nương rẫy xanh tốt, rồi tới một khu nhà mái tôn vách ván, thấp thoáng bóng công an, và đoàn xe dừng lại. Chúng tôi được lệnh xuống xe.

Theo lời “chào mừng” của một tay công an trong Ban giám thị, chúng tôi được biết đây là trại tù Tống Lê Chân.

Vừa nghe ba chữ “Tống Lê Chân”, lòng tôi bỗng nổi lên một cảm xúc buồn vui lẫn lộn, bởi đây là một địa danh nổi tiếng trong những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến, nơi đã chứng kiến cuộc tử thủ bi hùng của Tiểu Ðoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng trước cuộc bao vây tấn công kéo dài nhất trong chiến tranh Việt Nam, và theo nhà văn Phan Nhật Nam, cũng là dài nhất trong lịch thế giới: 510 ngày, mà giờ đây tôi được vinh dự đặt chân tới, dẫu chỉ với tư cách một tên tù cải tạo!

(Trại Tống Lê Chân)

Cũng xin có đôi dòng về Tống Lê Chân để độc giả nào chưa đọc các bài viết liên quan có chút ý niệm về địa danh oai hùng này.

Tống Lê Chân là phiên âm sang tiếng Việt của “Tonlé Tchombe”, nguyên là tên tiếng Miên của vùng này (trước kia thuộc Căm-bốt).

Theo lời kể của một số cụ già thì tên “Tống Lê Chân” có từ năm 1956, khi Tổng thống Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách dân tộc chủ nghĩa, đã cho thay đổi và Việt hóa nhiều địa danh trên lãnh thổ VNCH, như Bù Đốp thành Bố Đức, B’lao thành Bảo Lộc… và Tonlé Tchombe đã trở thành Tống Lê Chân.

Tống Lê Chân là một ngọn đồi thấp, thoai thoải về hướng bắc, ngày nay nằm giữa hai xã Minh Tâm, Minh Đức thuộc huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Phía bắc là biên giới Việt – Miên, phía đông là thị xã An lộc, phía nam là hai huyện DầuTiếng và Chơn Thành của tình Bình Dương, phía tây là huyện Tân Châu của tỉnh Tây Ninh.

Như vậy Tống Lê Chân chỉ cách trại cải tạo Đồng Ban ở huyện Tân Biên, nơi chúng tôi ở trước khi đi lên Phước Long, khoảng 20-25 cây số đường chim bay.

Về mặt chiến thuật, Tống Lê Chân là một vị trí rất quan trọng, chỉ cách vùng Mỏ Vẹt của Căm-bốt 13 cây số về hướng Tây Bắc, và nhìn xuống con đường huyết mạch nối liền Cục R (Trung ương Cục miền Nam của Đảng CSVN) với vùng Tam giác sắt của Việt Cộng.

Năm 1967, nằm trong chương trình CIDG (viết tắt từ Civilian Irregular Defense Group), tiếng Việt gọi là Dân Sự Chiến Đấu, người Mỹ đã xây dựng một trại Biệt kích vừa có mục đích phòng thủ vừa để huấn luyện tại Tống Lê Chân.

Năm 1970, trong chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, Hoa Kỳ đã bàn giao các trại biên phòng cho QLVNCH, Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu được cải danh thành Biệt Động Quân Biên Phòng.

Trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Việt Cộng đồng loạt tấn công vào Lộc NinhChơn Thành và An Lộc. Các căn cứ tiền đồn biên phòng như Thiện Ngôn, Cà Tum, Bổ Túc, Bù Gia Mập lần lượt rút lui trước áp lực của quân cộng sản. Chỉ duy nhất căn cứ Tống Lê Chân của Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng, do Thiếu tá Lê Văn Ngôn làm tiểu đoàn trưởng, với quân số trên dưới 300 người, không rút lui mà vẫn tiếp phòng ngự trước sự phong tỏa, tấn công của 10,000 quân thuộc bốn sư đoàn địch (sau khi Lộc Ninh bị thất thủ và thị xã An Lộc đã bị bao vây).

Sau 510 ngày cầm cự, tới ngày 11-4-1974 Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng mới mở đường máu rút khỏi căn cứ này, lực lượng hầu như còn nguyên vẹn, trong đó có 50 thương binh.

Cố Trung tá Lê Văn Ngôn, xuất thân Khóa 21 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Sau năm 1975, ông bị chế độ CSVN bắt đi “học tập cải tạo” và bỏ mình tại miền Bắc vì kiệt sức

Nhìn khu nhà tương đối khang trang so với ở Đồng Ban hay Phước Long, với những cái sân sạch sẽ có bóng cây tôi đã lạc quan tếu, chỉ sau khi bị đưa sang phía sườn đồi cách đó khoảng 100 mét, tôi mới biết mình mừng hụt: khu nhà mái tôn vách ván trên đồi là nhà của ban giám thị và công an coi tù, còn chỗ ở của tù cải tạo là những dãy nhà tranh tối tăm lụp xụp, vách làm bằng những thanh tre không đủ che mưa gió!

Khu vực chính để nhốt tù cải tạo ở Tống Lê Chân là một mảnh đất vuông vức, mỗi bề khoảng ba, bốn trăm mét. Từ cổng đi vào là một cái sân rất rộng để tù cải tạo ngồi nghe cán bộ “lên lớp”, cũng là nơi tập họp mỗi buổi sáng để nghe phân công lao động trong ngày.

Ba mặt sân là những dãy nhà dành cho tù cải tạo, phía sau các dãy nhà đối diện với cổng ra vào là hai giếng nước rồi tới một cái ao nhân tạo khá lớn, không biết có từ bao giờ, chỉ biết nay không còn sử dụng vào việc gì được nữa vì nước quá dơ bẩn. Sau cùng là dãy nhà cầu.

Chung quanh trại có hai lớp hàng rào. Lớp bên trong làm bằng

tre che kín mít, không nhìn thấy phía bên ngoài. Lớp thứ hai là hàng rào kẽm gai kiên cố không thua gì ở Thành ông Năm. Ở bốn góc trại là bốn vọng gác có đặt súng máy.

Bên cạnh khu vực nhốt tù chính nói trên còn có một khu phụ nhỏ hơn, có lối đi thông với khu vực chính. Khu phụ này nằm sát với khu nhà của ban giám thị trại, gần một con suối khá lớn, cũng giống như con suối ở Phước Long, nằm trong số hàng trăm con suối tạo thành thượng nguồn sông Sài Gòn.

Khu phụ này chỉ có hai dãy nhà, cũng mái tôn vách ván như nhà của ban giám thị nhưng cũ kỹ, vá víu, được dành cho tù cải tạo cấp tá được đưa đến vào đầu năm 1979.

Khi đám tù K1 Suối Máu chúng tôi được đưa tới Tống Lê Chân, tại khu nhà chính – tức những dãy nhà tranh tối tăm lụp xụp – đã có sẵn một số tù cải tạo từ cấp đại úy trở xuống được đưa tới bằng nhiều đợt từ nhiều nơi khác nhau, trong đó có những người từng ở Trảng Lớn, Phước Long với tôi. Gặp lại nhau tay bắt mắt mừng, họ lại tiếp tục gọi tôi bằng biệt danh “Sáu Lèo”.

Theo những tù cải tạo ở Tống Lê Chân thâm niên nhất, ở đây không có nhà thăm nuôi, bởi chưa bao giờ có thăm nuôi!

(Còn tiếp)

CHÚ THÍCH:

(1) Sau này người ta được biết ngay từ đầu, mục đích của Đặng Tiểu Bình khi xua quân xâm lược sáu tỉnh phía bắc của VN chỉ là để cho CSVN “một bài học” rồi rút quân về.

Có hai nguyên nhân khiến Trung Cộng không tiến xa hơn. Thứ nhất là lo ngại Liên Xô can thiệp.

Sau khi Hoa Kỳ và Trung Cộng bắt tay nhau năm 1972, một việc mà CSBV xem là một sự phản bội của Bắc Kinh, Hà Nội đã nghiêng hẳn về phía Mạc-tư-khoa.

Sau khi thống nhất hai miền nam bắc, năm 1977, Tổng Bí thư Đảng Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhau sang chầu Mạc-tư-khoa, trong khi trước đó chỉ có một mình Lê Duẩn đi Bắc Kinh một chuyến ngắn vào năm 1975 sau khi chiếm được miền Nam, và sau chuyến viếng thăm ấy đã không hề có một thông cáo hoặc tuyên bố chính thức nào của phía CSVN!

Vào thời gian này trong số các quốc gia cộng sản chỉ có một mình Căm-bốt (Campuchia) của Khmer Đỏ theo Trung Cộng, còn tất cả các quốc gia ở Đông Âu, Cuba, Mông Cổ đều theo phe Liên Xô; riêng Mông Cổ còn để Liên Xô đem quân vào đóng dọc theo biên giới Mông Cổ – Trung Cộng. Về phần Bắc Hàn tuy không chính thức theo phe nào nhưng ngay từ đầu quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Mạc-tư-khoa luôn luôn tốt đẹp hơn nhiều so với Bắc Kinh. Còn Cộng sản Lào thì coi như không đáng kể!

VIẾT THÊM: Kim Nhật Thành, lãnh tụ sáng lập chế độ cộng sản Bắc Hàn, lúc đầu theo cộng sản và tham gia kháng chiến chống Nhật ở Trung Hoa, nhưng vào thời gian Đệ nhị Thế chiến kết thúc, ông ta là một Đại úy trong Hồng Quân Liên Xô, chỉ huy lực lượng du kích kháng chiến gốc Triều Tiên được các sĩ quan Liên Xô huấn luyện, gọi là Lữ đoàn bộ binh độc lập 88 thuộc Quân Khu Viễn Đông của Liên Xô

* * *

Ngày 29 tháng 6 năm 1978, Việt Nam gia nhập Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế (tiếng Anh viết tắt là COMECON) gồm các quốc gia theo phe Liên Xô. Mấy ngày sau, Trung Cộng tuyên bố cắt hết viện trợ và rút toàn bộ chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước.

Ngày 12 tháng 7 năm 1978, lần đầu tiên, tờ Nhân Dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Hoa công khai cáo buộc CSVN “đang tìm cách sáp nhập Campuchia vào một Liên bang Đông Dương dưới sự thống trị của Việt Nam”.

Ngày 3 tháng 11 năm 1978, CSVN và Liên Xô ký “Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác”. Ngoài các điều khoản về hợp tác thương mại và văn hóa, hiệp ước này còn có những thỏa thuận về quốc phòng, giống như một hiệp ước phòng thủ chung.

Hiệp ước này được giới quan sát đương thời xem như một sự bảo đảm Liên Xô sẽ can thiệp nếu Việt Nam bị Trung Cộng tấn công!

Vì thế, mặc dù CSVN đem quân xâm lược Căm-bốt trước (7-1-1979), khi trả đũa bằng cách tiến đánh các tỉnh phía bắc của Việt Nam hơn một tháng sau đó (17-2-1979), Trung Cộng cũng rất lo ngại Liên Xô sẽ nhảy vào vòng chiến – phía bắc từ biên giới Mông Cổ, phía nam từ biển Đông – cho nên họ vừa đánh vừa thăm dò phản của Mạc-tư-khoa.

Nhưng những gì diễn ra sau đó cho thấy Liên Xô đã chẳng dại dột chạm nọc Đặng Tiểu Bình bằng cách trực tiếp tham chiến để bảo vệ một đàn em ở xa lắc xa lơ, hơn nữa thời gian này Mạc-tư-khoa đang dồn mọi nỗ lực vào việc đem quân xâm lược A-phú-hãn.

Thành thử tất cả những hỗ trợ của Liên Xô cho CSVN sau khi Trung Cộng xua quân đánh chiếm các tỉnh phía bắc của Việt Nam chỉ là đưa một số vận tải cơ An-12 (tương đương C-130 của Mỹ) tới giúp vận chuyển bộ đội trong Nam về bảo vệ miền Bắc, và đem mấy chiến hạm thuộc Hạm đội Thái bình dương từ Vladivostok (Hải Sâm Uy) xuống vịnh Bắc Việt để “đảm bảo hành trình an toàn cho các tàu vận tải từ Vladivostok, Nakhodka và Odessa chở hàng tiếp tế cho Việt Nam. Trong thời gian chiến sự, 6 tàu thủy Liên Xô đã tới cảng Hải Phòng vận chuyển kỹ thuật quân sự, kể cả tên lửa và thiết bị radar dành cho Việt Nam” (trích nhật ký của trung tá hải quân Vladimir Glukhov).

* * *

Nguyên nhân thứ hai khiến Trung Cộng chỉ xua quân đánh phá các  tỉnh biên giới bắc của VN rồi rút quân về là vì họ không muốn bị mang tiếng “ăn hiếp nước nhỏ”, mà cứ để cho thế giới trừng phạt CSVN về tội xâm lược Căm-bốt theo các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Sau này, đa số sử gia quân sự cũng như các nhà bình luận thời cuộc còn tin rằng khi Trung Cộng ra lệnh cho đàn em Khmer Đỏ gây hấn, đánh phá biên giới phía tây nam (của VN) chính là để “dụ” CSVN đem quân xâm lược Căm-bốt, để rồi bị sa lầy, bị cả thế giới lên án!

Hậu quả, ngày 11-1-1979, việc Việt Nam đưa quân xâm lược Căm-bốt được đưa ra Đại hội đồng LHQ, và trong số 154 quốc gia hội viên chỉ có 3 nước bênh vực VN là Liên Xô, Tiệp Khắc và Cuba.

Việc CSVN bị cả thế giới cô lập trong những năm kế tiếp đã cho thấy tập đoàn Trung Nam Hải nói chung, cá nhân Đặng Tiểu Bình nói riêng, cao tay ấn hơn đám lãnh đạo hiếu chiến và đầy tham vọng ở Bắc Bộ Phủ rất nhiều!

* * *

Tới đây, chúng tôi xin được trở lại với câu hỏi ở đầu: 

Tại sao vào sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi lực lượng hùng hậu gồm 120.000 quân Trung Cộng tiến vào lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không tăng cường các đơn vị chủ lực tới biên giới, nơi chỉ có bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, và các trung đoàn độc lập trấn giữ?

Việc Trung Cộng xua quân xâm lược Việt Nam vào tháng 2-1979, giới quan sát tình hình đều đoán trước.

Riêng tướng Võ Nguyên Giáp, trong cương vị Bộ trưởng Quốc phòng phải thấy rõ và thấy trước hơn ai hết. Lẽ ra, ngay sau khi cho quân xâm lược Căm-bốt vào tháng đầu tháng 1-1979 để lật đổ đàn em của Trung Cộng là Pol Pot, họ Võ đã phải chuẩn bị; hoặc muộn lắm là tới cuối tháng, khi Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm Mỹ đã không tiếc lời án Việt Nam xâm lược Căm-bốt và nói rằng “Trung quốc không thể tiếp tục khoanh tay nhìn Việt Nam gây rối loạn khắp nơi”, báo chí Mỹ tiên đoán sớm muộn cũng sẽ xảy ra một cuộc chiến giữa hai “anh em cộng sản”, ông ta đã phải lo dàn quân ở biên giới phía bắc.

Thế nhưng tờ mờ sáng 17-2-1979, khi 120.000 lính Trung Cộng tràn qua biên giới dài hơn 1.400 km của sáu tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh, đồng loạt tấn công 26 địa điểm, quân dân VN tại đây không hề biết trước. Dân chúng hoàn toàn không nhận được bất cứ thông báo nào để lo di tản; hậu quả là ông già bà lão, trẻ em, phụ nữ kể cả những người đang mang thai, đều bị bọn Tàu cộng man rợ phanh thây!

Những sự thật được phơi bày sau này cho thấy ngày ấy tình báo của Quân Đội Nhân Dân VN biết rất rõ, tuy nhiên Võ Nguyên Giáp đã quyết định… nướng dân!

Chúng tôi xin trình bày một cách chi tiết như sau:

Để cho đàn em CSVN “bài học thứ nhất”, Trung Cộng đã huy động một lực lượng gồm 300.000 quân, 550 chiến xa, 480 khẩu trọng pháo, 1.260 súng cối, súng phóng hỏa tiễn…, mà theo các giới quan sát tây phương, ít nhất Trung Cộng cũng phải mất từ 60 tới 90 ngày để đưa quân vào vị trí xuất phát các cuộc tấn công, thì chắc chắn tình báo Quân Đội Nhân Dân VN và Võ Nguyên Giáp phải biết.

Nhưng ngay từ đầu, họ Võ cứ đinh ninh (sai lầm một cách tại hại) sau khi vượt biên giới phía Bắc, Trung Cộng sẽ tiến đánh Hà Nội để trả đũa việc CSVN đánh chiếm Phnom Penh (Nam Vang) cho nên viên tướng này đã giữ lại năm sư đoàn chủ lực để lập “Phòng Tuyến Sông Cầu” (Bắc Ninh – Bắc Giang) với mục đích bảo vệ Hà Nội.

Vì thế 6 tỉnh biên giới phía Bắc bị bỏ ngỏ một cách tàn nhẫn, phải tự lực chiến đấu trong tuyệt vọng.

Thị trấn Cao Bằng sau chiến tranh biên giới 1979

Tới đây, chúng tôi xin độc giả tạm quên đi ý thức hệ, chính kiến, chiến tuyến, màu cờ, để có một cái nhìn thật khách quan về cuộc chiến chống quân Trung Cộng xâm lược ở 6 tỉnh phía Bắc năm 1979, từ đó phải cảm phục tinh thần chiến đấu của quân dân miền địa đầu, tương tự hiện nay không ít người cộng sản đã và đang ca tụng tinh thần chiến đấu dũng cảm và sự hy sinh cao quý của các chiến sĩ Hải Quân VNCH trong trận Hoàng Sa (1974).

Lấy trận Đồng Đăng làm thí dụ điển hình:

Trọng điểm bảo vệ thị xã là pháo đài Đồng Đăng rất kiên cố xây từ thời Pháp, do 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Tây Sơn, Sư đoàn Sao Vàng, trấn giữ, vào sáng ngày 17-2-1979 đã bị một lực lượng Trung Cộng đông gấp 10 lần tấn công, gồm 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn chiến xa, với sự yểm trợ hùng hậu của pháo binh.

Dù không hề được chi viện, lực lượng phòng thủ cũng đã giữ vững pháo đài được 22 ngày đêm, trước khi hy sinh tới người lính cuối cùng. Sau này, người dân thị xã kể lại rằng: sau khi đã chiếm được khu vực bên ngoài pháo đài, quân Trung Cộng phát loa kêu gọi đối phương cố thủ bên trong ra đầu hàng, nhưng không có hiệu quả. Sau đó chúng cho chở chất nổ tới phá sập cửa chính, rồi dùng súng phun lửa, phun hơi độc, và quăng lưu đạn vào các lỗ thông hơi, giết tất cả mọi người ở bên trong pháo đài, trong số đó có các thương binh và dân chúng chạy vào lánh nạn, và cuối cùng sử dụng 10 tấn chất nổ biến pháo đài thành đống đá vụn.

Tàn tích của pháo đài Đồng Đăng

CSVN lúc đó có ít nhất 5 sư đoàn đang đóng quân ở miền Bắc, nếu Võ Nguyên Giáp cho lực lượng này tham chiến ngay từ đầu, chắc chắn tình thế, và thiệt hại của phía Việt Nam đã khác hẳn.

Điều mỉa mai khôi hài là tới ngày 5 tháng 3, khi CSVN ra lệnh tổng động viên, “nhà quân sự lỗi lạc nhất của mọi thời đại” đưa những sư đoàn chủ lực, chiến xa, pháo binh từ Căm-bốt trở về để chống quân Trung Quốc xâm lược, thì cũng là ngày Trung Cộng tuyên bố “đã hoàn thành mục tiêu của cuộc trừng phạt, chiến thắng vẻ vang”, và ra lệnh rút quân!

“Phòng Tuyến Sông Cầu” để bảo vệ thủ đô Hà Nội trở nên trơ trẽn, chìm vào lãng quên. Nhưng vết thương chiến tranh ở sáu tỉnh biên giới phía Bắc sẽ không bao giờ lành: hai thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng bị hoàn toàn bình địa, 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000 mẫu tây hoa màu bị phá hủy, 400.000 gia súc bị giết hoặc bị cướp mang đi; khoảng phân nửa trong số 3.5 triệu dân bị mất toàn bộ nhà cửa, tài sản…, chưa kể một phần giang sơn gấm vóc đã bị Trung Cộng chiếm đoạt vĩnh viễn!

Cho nên cũng là điều dễ hiểu khi trong tất cả các bài ca tụng chiến công của “Napoléon Đỏ” Võ Nguyên Giáp, các tay bồi bút của chế độ CSVN đã không hề nhắc tới “chiến thắng Trung Quốc ở sáu tỉnh miền Bắc”, đồng thời trong danh sách “10 danh tướng bị đại bại dưới tay Võ đại tướng” cũng không thấy nêu tên Thượng tướng Dương Đắc Chí, viên tướng chỉ huy cuộc xâm lược này, về sau trở thanh Tham mưu trưởng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc!

(2) Sau khi bị đưa lên trại cải tạo Tống Lê Chân, tôi không còn nghe tin tức gì về thiếu tá Y và “bông hồng Suối Máu” nữa. Sau khi được thả về, vì không gặp lại một bạn tù Suối Máu nào, tôi cũng không có dịp khơi lại chuyện tình quốc – cộng ấy trong những buổi gặp gỡ bạn tù cũ.

Cho tới gần 30 năm sau…

Trong một buổi trà dư tửu hậu giữa anh em cựu quân nhân Không Quân VNCH định cư tại Úc, kể chuyện về thời gian tù cải tạo ở Suối Máu, khi tôi nhắc tới tên thiếu tá Y và cô con gái của trung tá công an Đào Lưỡng, một anh bạn cùng phi đoàn với thiếu tá Y đã kể lại đoạn kết như sau:

Ra khỏi trại Suối Máu, ông Y chung sống với H và H sinh một đứa con trai. Tới khi có chương trình HO, ông Y không làm đơn xin đi Mỹ mà ở lại với H.

Theo lời anh bạn phi công nói trên, trong anh em cùng phi đoàn có dư luận nói rằng đứa con trai H sanh ra không phải là con của ông Y, mà “tác giả” là một tay thiếu tá công an ở Suối Máu (tôi đoán có lẽ là Giám thị Bằng, người thay mặt Đào Lưỡng tại Suối Máu mà tôi đã nhắc tới trong phần viết về cuộc nổi dậy đêm Giáng Sinh 1978).

Cũng theo dư luận trên, sau khi con gái có bầu với viên thiếu tá, trung tá Đào Lưỡng đã dụ thiếu tá Y nếu chịu “đổ vỏ” thì sẽ được thả sớm, và ông Y nhận lời.

Tuy nhiên, nếu quả thật đứa con trong bụng H không phải của thiếu tá Y, một câu hỏi phải được đặt ra: tại sao khi có chương trình HO ông không sang Hoa Kỳ đoàn tụ với vợ con (đã di tản vào tháng 4-1975)?

Vì ông thật lòng yêu (hoặc say mê) H nên chấp nhận làm kẻ “đổ vỏ”? Vì ông bị vợ con bên Mỹ “từ” sau khi ông lấy H? Vì ông đã “đăng ký kết hôn” với H nên nếu đi Mỹ phải mang H theo? Vì bị Đào Lưỡng tìm cách ngăn cản?…

Không ai có câu trả lời. Chỉ biết sau này ông Y làm công nhân cho một hãng xưởng hay xí nghiệp nào đó. Với anh em cùng phi đoàn còn ở Việt Nam, ông hạn chế liên lạc, gặp gỡ.

Cách đây hơn 10 năm, ông Y bị suy yếu sức khỏe trầm trọng, phải nghỉ việc, gia cảnh rất túng thiếu. Anh em cùng phi đoàn ở hải ngoại gom tiền, cử người đại diện trao tận tay ông. Người anh em này kể lại khi tới nhà có thấy thấp thoáng bóng một phụ nữ còn khá trẻ, có lẽ là “bông hồng Suối Máu” năm nào.

Mấy năm sau, thiếu tá Y qua đời. Gần đây, tôi đọc được ở đâu đó thấy có người viết rằng sau này trung tá công an Đào Lưỡng bị lột lon và bị ngồi tù về tội gì đó, không biết thực hư ra sao.

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search