T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

HOÀI NAM: CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 5)

CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 5)

Hồi ký
Hoài Nam NGUYỄN HỮU THIỆN

 

Kỳ 1   Kỳ 2  Kỳ 3  Kỳ 4

 

(tiếp theo kỳ 4)

CHƯƠNG 4 – Đồng Ban

Đầu năm 1977, ở Trảng Lớn có đợt chuyển trại quy mô, tôi và phần lớn bạn tù cùng L được đưa tới trại cải tạo Đồng Ban, cũng nằm trong tỉnh Tây Ninh, cách Trảng Lớn khoảng 25 cây số về hướng bắc.

Xin mở một dấu ngoặc để viết về các trại cải tạo nằm trong tỉnh Tây Ninh – tỉnh được ghi nhận có nhiều trại cải tạo, nhiều vùng kinh tế mới nhất sau năm 1975.

Tây Ninh nằm về hướng bắc tây bắc Sài Gòn, với toàn bộ biên giới phía bắc và phía tây giáp Căm-bốt. Về hành chánh, ngày nay Tây Ninh gồm thị xã Tây Ninh và 8 huyện. Nếu lấy núi Bà Đen nằm ở giữa tỉnh, cách thị xã gần 10 cây số, làm chuẩn thì hai huyện ở phía bắc là Tân Biên và Tân Châu chiếm tới phân nửa lãnh thổ.

Đây là vùng tranh chấp quyết liệt giữa hai phe quốc-cộng trong cuộc chiến trước 1975, với những mật khu khét tiếng như Dương Minh Châu, và dĩ nhiên không thể không nói tới “cục R”, cơ quan đầu não của xứ ủy Nam Bộ và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, nằm ở huyện Tân Biên, sát biên giới Căm-bốt.

Vì bị ăn bom B-52 thường xuyên cho nên trước năm 1975, diện tích gần 2000 cây số vuông của Tân Biên và Tân Châu hầu như không có bóng người. Nhưng sau 1975, nơi đây lại trở thành vùng đất lý tưởng (?) để thiết lập các khu kinh tế mới cho những người dân bị đuổi khỏi thành phố, các trại cải tạo cho sĩ quan miền Nam cũng như tù hình sự, và sau này, cả người vượt biên bị bắt.

Vào thời gian cao điểm, ở Tây Ninh có tới 14 ấp kinh tế mới với khoảng 50,000 dân và gần 10 trại cải tạo. Riêng trại cải tạo để nhốt các sĩ quan của chế độ cũ thì ngoài Trảng Lớn (nằm gần thị xã Tây Ninh), tôi được biết có những trại chính sau đây:

– Đồng Ban, nằm trong huyện Tân Châu, cách thị xã Tây Ninh khoảng 20 cây số về hướng bắc.

– Cà Tum (Kà Tum), cũng nằm trong huyện Tân Châu, cách Đồng Ban khoảng 15 cây số về hướng bắc, gần biên giới Việt – Miên.

– Cây Cầy và Bàu Cỏ ở huyện Tân Biên.

– Xa Mát, ở phía bắc Tân Biên, sát biên giới.

Bản đồ tỉnh Tây Ninh ngày nay. Đồng Ban nằm trên tỉnh lộ 785, khoảng giữa đường Tây Ninh – Cà Tum

Như thông lệ, những chiếc molotova chở chúng tôi vẫn bị bít bùng, nhưng vì là ban ngày, một số anh em nhìn qua khe hở đã thấy nhà cửa trong thị xã, rồi núi Bà Đen, cho biết chúng tôi đang bị đưa lên hướng bắc.

Càng rời xa thị xã, đường đi càng trở nên gập nghềnh, có những lúc gặp ổ gà, chiếc molotova nặng hàng chục tấn như muốn tung lên… Bụi đất mù mịt cuốn hút vào trong xe khiến nhiều anh em ho sặc sụa.

Như vậy, đây là một trong những con tỉnh lộ chạy lên vùng biên giới Việt – Miên, suy ra chúng tôi sẽ không bị đưa đi xa lắm, bởi chẳng lẽ lại đưa tù cải tạo sang Căm-bốt?

Nhưng dù bị đưa đi đâu, một khi không đi về phương nam có nghĩa là chúng tôi sẽ không bị đưa về Sài Gòn để từ đó đi ra miền Trung, hoặc tệ hại hơn, đáp những chuyến tàu lửa thống nhất hoặc lên HQ-405, HQ-501 để ra Bắc!

Chúng tôi đoán không sai, sau khi tới một khu kinh tế mới ở Đồng Ban, đoàn xe rẽ trái, đi khoảng một cây số, vào một khu trại cải tạo bỏ trống; tôi được đưa vào T2, thuộc L2, tức liên trại cải tạo 2 ở Đồng Ban.

Khác với những trại cải tạo tôi đã ở qua, hàng rào trại ở đây khá sơ sài. Bên kia con đường mòn là nương rẫy của dân kinh tế mới, bên này là một hàng rào cao khoảng 2 mét làm bằng cây rừng cỡ 2, 3 ngón tay. Qua cái cổng có vệ binh canh gác là khu nhà của ban chỉ huy trại và đơn vị bộ đội trực thuộc, vào sâu thêm vài trăm mét là các dãy nhà dành cho tù cải tạo. Sau lưng trại là rừng già; mặt sau và hai bên hông trại cũng có hàng rào bằng cây giống hàng rào ở phía trước; mặt sau cũng có một cái cổng nhưng không có vệ binh gác.

Về “cơ ngơi” thì đang ở nhà tôn vách ván ở Trảng Lớn nay phải ở nhà tranh vách đất quả là một sự “xuống cấp”, thêm vào đó khung cảnh hoang vắng tiêu điều càng khiến lòng người thêm ngao ngán, ít nhất cũng là với những anh em tù cải tạo ở Trảng Lớn chưa từng nếm mùi Phú Quốc.

Nhưng những gì xảy ra sau đó đã cho thấy thời gian vài tháng ngắn ngủi ở Đồng Ban lại là những ngày thần tiên nhất trong cuộc đời cải tạo của những người may mắn được lọt vào L2, T2.

* * *

Trước hết nói về “khung”, tức ban chỉ huy trại, viên thủ trưởng là một tay đại úy Bắc kỳ khá lớn tuổi mà đa số chúng tôi chưa kịp biết tên thì ông ta được thuyên chuyển đi nơi khác. Hai đặc điểm nổi bật nơi viên đại úy này là ông ta có một cái răng vàng, và mỗi lần “đăng đàn” trước mấy trăm tù cải tạo, ông ta luôn luôn nhắc tới thất bại của QLVNCH trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào, nơi đơn vị của ông ta đã góp phần chiến đấu. Riết rồi chúng tôi gọi ông ta là “Lam Sơn 719”.

Sau khi “Lam Sơn 719” đổi đi, viên trại phó – Thượng úy Phùng Xuân Nghĩa – lên thay. Dĩ nhiên, ông Nghĩa cũng là dân Bắc kỳ răng đen mã tấu 100%, nhưng hình như đầu óc của ông ta không hề bị nhuộm đỏ, ông ta chưa bao giờ mở miệng chửi rủa “Mỹ Ngụy” hay tỏ thái độ hận thù với tù cải tạo. Tôi sẽ có nhiều cơ hội trở lại với nhân vật đặc biệt này.

Viên sĩ quan xuất hiện thường xuyên nhất là Chuẩn úy Đạt, chính trị viên của T2; dĩ nhiên cũng Bắc kỳ. Anh ta quả không hổ danh là một “chính trị viên”, đầu óc sắt máu, mở miệng ra là lên án “tội ác Mỹ – Ngụy”, hằn học ra mặt với tù cải tạo.

Chuẩn úy Đạt nuôi một con chó con mà anh ta đặt tên là “Ních-xơn” (cựu TT Mỹ Richard Nixon), người đã ra lệnh cho B-52 oanh tạc Hà Nội 12 ngày đêm vào cuối năm 1972; từ đó một số anh em đoán có lẽ vợ con hay cha mẹ anh em của anh ta đã bị chết vì bom của phi cơ Mỹ trong đợt oanh tạc này, cho nên anh ta mới hận thù tới mức ấy!

Cũng cần viết thêm là tuy chỉ mang cấp bậc chuẩn úy (leo từ hàng binh lên) nhưng vì là chính trị viên của đơn vị, tức là người thay mặt Đảng, mỗi lần đơn vị (bộ đội) học tập chính trị, tay Đạt này là người chủ trì chứ không phải “Lam Sơn 719” hay Thượng úy Phùng Xuân Nghĩa!

Về phần đám vệ binh (bộ đội) có nhiệm vụ hướng dẫn, canh chừng tù cải tạo khi đi lạo động cũng đều là người miền Bắc. Vì hầu hết còn rất trẻ, mặt búng ra sữa, lại không phải thành phần “vượt Trường Sơn”, không có một chút ý niệm nào về cuộc chiến vừa qua, nên đám này cũng không có thái độ hống hách hoặc hận thù với chúng tôi. Trừ hai tay đặc biệt.

Tay thứ nhất được chúng tôi đặt biệt hiệu “Bế-bi-lắc” (sữa Babylac), mặt mũi trắng trẻo, bụ bẫm, trông khá dễ thương nếu như hắn ta đừng mở miệng “lên lớp”!

Trình độ i-tờ nhưng hắn ta lại “thuộc bài” của đám quản giáo như một con vẹt. Khi chúng tôi phải vào rừng làm công tác nặng thì còn đỡ, nhưng nếu đi cuốc rẫy thì mười lần đủ mười, hắn sẽ bắt tù cải tạo xếp hàng ngang, đứng nghe hắn “lên lớp” trước khi lao động.

Nào là “nao động nà vinh quang”, nào là “các anh sĩ quan Ngụy nà thành phần ăn chên ngồi chốc, chỉ biết diệu ngon gái đẹp”, nào là “các anh phải từ bỏ cái thói chây nười, tự giác phấn đấu, tích cực nao động để trở thành người công dân nương thiện”, v.v…

Thực ra, nếu những lời lẽ ấy thốt ra từ miệng một tay quản giáo, chúng tôi đã bỏ ngoài tai, nhưng đây lại là một thằng oắt con miệng còn hôi sữa cho nên chúng tôi vô cùng khó chịu!

Tay thứ hai chúng tôi lén đặt biệt hiệu là “Bia lên” bởi nhìn mặt hắn người ta sẽ liên tưởng ngay tới cái bia vẽ cái đầu “Việt Cộng đội nón cối” để tập bắn ở các quân trường!

Còn nhớ ngày ấy tại xạ trường, khi các khóa sinh tiến tới trước mỗi thềm bắn, huấn luyện viên lại hô “Bia lên!”, sau một khoảng thời gian ấn định (đủ để khóa sinh nhắm bắn) thì hô “Bia xuống!”

Nhưng tù cải tạo ghét “Bia lên” không phải vì cái bản mặt xấu xí của hắn mà vì sự hung hãn, thô lỗ cũng như cái máu điên của hắn mỗi khi dắt tù đi lao động…

Kế tiếp nói về thành phần tù cải tạo, T2 của tôi có khoảng phân nửa là trung úy, thiếu úy cùng T với tôi ở Trảng Lớn, nửa còn lại là trung úy, thiếu úy cũng từ Trảng Lớn nhưng khác T.

Tóm lại, theo cách đánh giá của “cách mạng”, tù cải tạo được đưa tới Đồng Ban thuộc hai thành phần “nhẹ tội” nhất, tức là thuộc Nhóm 3, Nhóm 4 mà tôi đã đề cập tới trong bài viết kỳ trước. Riêng ở T2, chỉ có hai trung úy Không Quân, một hoa tiêu quan sát, một hoa tiêu trực thăng; và một trung úy CTCT “trúng số” là tôi!

Ở Đồng Ban, các T được chia ra thành từng đội, mỗi đội khoảng 50 mạng; đội cũng được chia thành từng tổ nhưng thường chỉ để lãnh thực phẩm, còn lao động thì luôn luôn đi thành từng đội. Về các “chức sắc” cải tạo thì hầu hết các tay đội trưởng đều thuộc thành phần trung úy trẻ, được anh em tin tưởng, thông cảm hợp tác, chỉ trừ đội trưởng tăng gia là một tay thiếu úy già “tiến bộ” hết mình, làm ăng-ten công khai, và lẽ dĩ nhiên bị anh em ghét cay ghét đắng.

Riêng đội trưởng của tôi trong thời gian đầu cũng một ông thiếu úy già nhưng ra vẻ rất khôn ngoan, miệng lưỡi và biết điều, vừa biết cách làm hài lòng cán bộ vừa châm chước, hoặc giả bộ làm ngơ để anh em cải tạo được dễ thở.

Về bạn tù của tôi, ngoài những anh em cấp thiếu úy cùng khối ở Trảng Lớn – những người vẫn tiếp tục gọi tôi là “Anh Sáu” – trong đó có Hoàng (đờn bass), tôi còn được tái ngộ với Hiếu “đờn” của Thành Ông Năm ngày nào.

Ngoài ra, tôi còn có một số bạn tù mới, trong đó có một trung úy hoa tiêu quan sát, ba chàng thiếu úy trẻ mới tốt nghiệp Khóa 4 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt thì tan hàng, và đặc biệt là Hùng “sùi”, tay thiếu úy Nhảy dù mà hễ bước ra khỏi cửa lại đội lên đầu cái mũ bê-rê đỏ (dĩ nhiên đã tháo gỡ huy hiệu Nhảy dù).

“Không… lao động là vinh quang”

Một trong những khẩu hiệu quái đản, phi lý tới nực cười dưới chế độ cộng sản Việt Nam là “lao động là vinh quang”. Bởi nếu quả thực lao động là vinh quang thì Đảng và nhà nước đã chẳng nhốt các sĩ quan của chế độ cũ – vốn “có nhiều nợ máu với cách mạng, với nhân dân” – vào các trại cải tạo để được hưởng… vinh quang!

Nhưng ngày ấy ở trong các trại cải tạo, quản giáo là cha mẹ, họ bảo “lao động là vinh quang” thì tù cải tạo cũng phải lao động cật lực để đạt cho được vinh quang ấy.

Về sau, một số cán bộ quản giáo ra vẻ hiểu biết và có lẽ cũng nhận ra tính cách “khó hiểu” của khẩu hiệu, đã “khai trí” cho chúng tôi đại khái như sau: lao động để làm ra của cải vật chất để không phải ăn bám vào xã hội, như vậy là… vinh quang!

Nhưng kể cả trường hợp chấp nhận định nghĩa ấy, tù cải tạo ở T2 nói riêng, L2 (Đồng Ban) nói chung, cũng không được hưởng một chút “vinh quang” nào!

Nguyên nhân: chúng tôi không có “cơ sở vật chất” và “tài nguyên thiên nhiên” để thực thi khẩu hiệu trên. Viết một cách cụ thể hơn, chúng tôi không có đất để canh tác, thu hoạch ngũ cốc, hoa mầu như anh em tù cải tạo ở Cây Cầy, cũng không có rừng để đốn củi làm giàu cho nhà nước (và cán bộ) như anh em ở Cà Tum.

Trước hết nói về việc không có đất canh tác. Thật ra cũng có đất đấy, nhưng là đất “chó ăn đá gà ăn sỏi”!

Sau này có cơ hội tìm hiểu, tôi được biết trước kia vào thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, người ta đã đưa một số đồng bào miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 lên đây để khai phá, nhưng kể cả những người Bắc di cư có tiếng là cần cù, chịu thương chịu khó ấy cũng sống không nổi phải bỏ đi, trong đó có những người về định cư tại giáo xứ Cao Xá ở Châu Thành, gần thị xã Tây Ninh.

Tới khi cuộc chiến trở nên sôi động, vùng Đồng Ban hầu như không còn một người dân nào sinh sống. Khi đám tù cải tạo chúng tôi tới đây vào đầu năm 1977, có khoảng vài ngàn người dân đã… an cư (?) nhưng chưa lạc nghiệp!

Đó là những người dân Sài Gòn bị bắt đi kinh tế mới sau hai đợt đánh tư sản.

Một gia đình vừa bị cưỡng bách tới vùng kinh tế mới

Cho tới nay, những lời ông Tổng bí thư Đảng xuất thân “hoạn lợn” Đỗ Mười tuyên bố khi ban hành Quyết định “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tại thành phố Hồ Chí Minh”, vẫn còn khiến người dân miền Nam phải rùng mình, ớn lạnh:

“Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Đã thực hiện X-2 đánh bọn tư sản mại bản. Bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản, tay sai đế quốc Mỹ… Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đã đánh dập đầu rồi, nhưng con rắn tư bản đánh dập đầu nó chưa chết, cái đuôi nó còn nguy hiểm hơn cái đầu. Không giần cho nát cái đuôi của nó, thì nó vẫn tác oai tác quái phá chúng ta… Cho nên chúng ta phải róc thịt chúng ra. Bắt chúng lao động sản xuất, tự làm lấy mà ăn. Phải biết cày ruộng, cấy lúa, trồng ngô. Đất hoang còn nhiều, bắt chúng đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn…”.

Thế nhưng tù cải tạo ở Đồng Ban không có ruộng để cày, để cấy lúa; trồng ngô thì không ra bắp, trồng khoai sắn thì củ chỉ bằng ngón tay!

Xin được chi tiết một chút về vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” của tù cải tạo Đồng Ban.

Đi từ thị xã Tây Ninh theo hướng nam – bắc, tới Đồng Ban người ta thấy đất phía bên mặt ra vẻ còn có chút màu mỡ, có lẽ vì là đất thấp và phía bên trong có một con sông.

Ngay sau 1975, hàng ngàn Việt kiều sống phía bên kia biên giới Việt – Miên, vốn theo cộng sản từ ba đời, đã được “cách mạng” đưa về định cư tại vùng đất này.

Nhưng cả đến vùng đất “màu mỡ” ấy cũng chỉ trồng được khoai, sắn, (chủ yếu là khoai mì) thì nói gì tới đất ở phía bên trái dành cho dân đi kinh tế mới. Càng vào sâu, đất càng khô cằn, và tới khu vực của cải tạo thì đã trở nên cứng như đá, cứ khoảng vài mét lại có một cái gò mối.

Ngay trong buổi lao động đầu tiên, khi cuốc đám đất nằm giữa khu nhà của cải tạo và ban chỉ huy trại, chúng tôi đã bị dội vì độ cứng của mặt đất.

Thấy thế, Bế-bi-lắc – tên vệ binh mặt búng ra sữa đã nói tới ở trên – lớn tiếng “lên lớp”:

– Các anh nàm chơi bời như thế nấy gì mà ăn. Phải dơ cuốc cao nên khỏi đầu thì mới gọi nà nao động tích cực chứ!”

Thấy hắn cứ lải nhải mãi, Hùng sùi – tay thiếu úy Dù đội bê-rê đỏ – vốn cao lớn khỏe mạnh, đưa cái cuốc lên khỏi đầu rồi dùng hết sức bình sinh bổ xuống một mô đất cứng như bê-tông: cái cán cuốc gẫy đôi!…

Được mấy ngày, số cuốc bị gãy cán, bị sút mối hàn đã lên tới khoảng 1/3.

Vì vào thời gian đầu tất cả tù cải tạo đều được tập trung vào công tác cuốc rẫy trồng khoai mì, số lượng cuốc không đủ cho mỗi đầu người nên nhiều khi hai người mới có một cái cuốc để thay phiên nhau. Vì thế, cứ một cái cuốc trở nên bất khiển dụng thì lại có hai tay cải tạo mất… vinh quang!

Tình hình trở nên tệ hại đến nỗi sau đó có lệnh không được phá các gò mối nữa; có lẽ đám quản giáo cũng đoán biết âm mưu cố tình phá hoại “dụng cụ sản xuất” của tù cải tạo. Về sau, một tổ rèn được thành lập, trực thuộc đội tăng gia, nhưng cũng chỉ rèn được dao để đốn cây rừng mà thôi!

Vì thế, thành quả lao động của T2 chúng tôi, từ ngày đặt chân đến cho tới khi rời Đồng Ban hơn nửa năm sau đó, chỉ là vài héc-ta khoai mì, khoai lang mà không biết sau này khi chúng tôi đi rồi, dân kinh tế mới có bõ công đào lấy củ hay không.

Bởi vì trong những lần đi chặt le ở phía bên kia đường lộ, tức phần đất dành cho thành phần Việt kiều thân cộng hồi hương, chúng tôi thấy những củ khoai lang của phần đất “màu mỡ” này mà họ thu hoạch cũng chỉ bằng ngón chân cái, và những củ khoai mì khẳng khiu xơ nhiều hơn bột, thì nói gì tới khoai sắn do cải tạo trồng ở những khu đất gò mối!

Riêng tôi bỗng nhớ tới câu thơ của Hoàng Trung Thông – Viện trưởng Viện Văn học, Hà Nội – được một văn nô của chế độ xưng tụng là “câu thơ hay nhất của một gương mặt thơ tiêu biểu có vị trí đại diện cho nền thơ cách mạng của nước Việt Nam mới”, được đám quản giáo, giáo viên nhai đi nhai lại cả nghìn lần:

Bàn tay làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm!

Tiên sư các anh, thành khoai lang khoai mì còn không xong, nói gì tới thành “cơm”!

* * *

Tới đây viết về rừng Đồng Ban, khu rừng nhiệt đới đẹp tuyệt vời nhưng lại không “làm ra tiền” cho ban chỉ huy trại nói riêng, cho chế độ nói chung.

Rừng Đồng Ban vốn là rừng già với những cây cổ thụ thật lớn, xen lẫn với cây nhỏ đủ loại mọc chi chít. Về sau, khi đám cán bộ cao cấp đã biết cách khai thác “rừng vàng biển bạc” của đất nước để kiếm tiền đút túi, thì những khu rừng cổ thụ này trở nên nguồn lợi vô song, nhưng vào thời gian chúng tôi còn ở Đồng Ban thì cán bộ lớn bé chưa đủ khả năng khai thác gỗ mà chỉ biết khai thác củi.

Còn nhớ trong những năm miền Nam mới được “hoàn toàn giải phóng”, chưa bao giờ thành ngữ “gạo châu củi quế” trong ngôn ngữ của người Việt lại trở nên hiện thực đến như thế: gạo thì ưu tiên xuất khẩu để trả nợ các nước xã hội chủ nghĩa anh em, củi thì trở thành nguồn nhiên liệu chính yếu bởi điện bị cúp thường xuyên, dầu hôi không còn được nhập cảng, than trở thành xa xỉ phẩm. Nhưng cho dù người người buôn củi, nhà nhà buôn củi, không phải nơi nào cũng có củi để bán, và không phải ai cũng có khả năng mua, cho nên nhiều người dân Sài Gòn đã phải sử dụng bàn ghế cũ, hoặc bất cứ thứ gì có thể đốt được để nấu bếp!

Bắt mạch được nhu cầu củi ở Sài Gòn, đám lãnh đạo trung ương đã chỉ thị cho các trại cải tạo ở gần Sài Gòn mà lại có rừng để khai thác phải bắt tù cải tạo vào rừng cưa củi để làm giàu cho nhà nước và cán bộ.

Trong số các trại ở Tây Ninh thì Cà Tum – cách Đồng Ban khoảng 15 cây số về hướng bắc – với những khu rừng nằm dọc theo biên giới Việt-Miên, là nơi lý tưởng nhất để khai thác củi. Chính vì thế, trong đợt chuyển tại thứ nhất ở Long Giao (1976), trong khi những thành phần “nặng tội” bị đưa ra bắc thì thành phần “nhẹ tội” được đưa lên Cà Tum để tăng cường lực lượng lao động.

Theo những gì tôi được nghe kể lại sau này thì đơn vị “quân đội nhân dân” ở Cà Tum cũng xiết tù cải tạo không thua gì đám cai tù ở Phú Quốc trước đây.

Nguyên nhân thứ nhất vì Ca Tum nằm sát biên giới Việt – Miên, bọn họ sợ tù cải tạo trốn trại nên kiểm soát rất gắt gao. Nguyên nhân thứ hai: vì nguồn lợi do bán củi để lấy tiền bỏ túi (ngoài tiêu chuẩn phải nộp cho nhà nước), bọn họ đã bóc lột sức lạo động của tù cải tạo tới mức tối đa!

Đó cũng là những gì tôi sẽ phải trải qua khi được đưa lên Tống Lê Chân trong giai đoạn cải tạo sau cùng.

Trở lại với trại cải tạo Đồng Ban, không có đất để biến “sỏi đá thành cơm”, không có cây rừng để cưa thành củi, cuộc sống tù tội của anh em cải tạo ở T2 trở nên tà tà, thoải mái tới mức khó tin!

Tà tà bởi sau khoảng một tháng cuốc đất trồng khoai mì, công tác lao động của chúng tôi chỉ là vào rừng đốn cây về làm nhà cửa, lấy dây mây nộp cho bán bộ, tới các trảng tranh để cắt tranh, sang phía bên kia đường lộ để chặt le…

[Le: thuộc họ tre nứa, thân dẻo không có gai, chịu được nắng mưa… thường được sử dụng để làm giàn trồng dưa leo, khổ qua, mướp…, hoặc trong việc xây dựng. Rừng le thiên nhiên là một trong những nguồn lợi của Tây Ninh]

Thoải mái bởi ở T2, đa số cán bộ quản giáo trên “khung” đều dễ dãi, và ít ra cũng còn chút tình người; trừ Chuẩn úy Đạt, tay chính trị viên sắt máu đã nhắc tới ở một đoạn trên.

Đám vệ binh có nhiệm vụ đưa tù cải tạo đi lao động thì “Bế-bi-lắc” cũng bớt lên mặt “cán bộ”, còn “Bia lên” thì đã được đưa về toán gác cổng sau vụ hắn đòi bắn Hùng sùi.

Sự việc xảy ra như sau:

Hôm đó đội tôi được “Bia lên” và một tay vệ binh khác đưa ra bìa rừng phía bên ngoài cổng sau để chặt cây khai quang làm rẫy. Tới lúc nghỉ giải lao, chưa kịp ngồi nóng đít thì “Bia lên” đã ra lệnh cho mọi người đứng dậy tiếp tục lao động. Hùng “sùi” lúc đó vừa nhét bi thuốc lào vào cái điếu cày, vẫn thản nhiên ngồi tựa gốc cây, đốt thuốc và rít một hơi dài. Khi “Bia lên” tiến lại gần ra lệnh cho Hùng sùi đứng lên, chàng thiếu úy Dù vẫn tiếp tục ngồi, mắt lim dim mơ màng, khoan khoái phà khói thuốc như không cần biết đến những gì đang diễn ra quanh mình.

“Bia lên” điên tiết, vừa quát tháo sùi bọi mép vừa lên đạn khẩu AK, chĩa họng súng xuống chỗ Hùng sùi đang ngồi, dọa bắn. Anh em tù cải tạo ai nấy đều xanh mặt vì thấy hắn đã nổi điên… May mà tay vệ binh còn lại đã kịp chạy tới trước mặt hắn để ngăn cản, “Bia lên” không làm gì được bèn chĩa súng lên trời bóp cò cho hả giận!

Tiếng AK dòn dã vang vọng khắp khu rừng, nhưng sắc mặt của Hùng sùi không hề thay đổi!

Chỉ mấy phút sau, chuẩn úy Đạt từ trên “khung” chạy tới nơi hỏi đầu đuôi, cảnh cáo Hùng sùi mấy câu cho “Bia lên” hạ cơn giận giữ rồi đưa y về trại.

Chiều hôm đó, Hùng sùi phải lên “khung” viết bản tự kiểm điểm; bù lại cũng từ đó, “Bia lên” được phân công gác cổng!

Theo tôi nhận xét, sự hung hãn và máu điên của “Bia lên” là một trường hợp khá đặc biệt, bởi qua kinh nghiệm ở Phú Quốc, Đồng Ban và các trại cải tạo kế tiếp, tôi nhận ra rằng cung cách, thái độ của đám vệ binh đối với tù cải tạo chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của ban chỉ huy trại, nhất là tay thủ trưởng.

Ở Đồng Ban, T2 của chúng tôi ở ngay bên cạnh T1, chỉ cách nhau một hàng rào bằng cây. Khi vào rừng lao động, hai T đều đi ra bằng cổng sau và sử dụng chung một con đường mòn dài khoảng một cây số trước khi đi vào những khu rừng khác nhau.

Có những lần hai toán lao động của hai T đi cách nhau chưa tới 100 mét, nghe tiếng quát tháo nạt nộ của đám vệ binh T1, chúng tôi thấy thương tội anh em tù bên đó quá. Sau này, khi đã được tự do đi vào khu rừng phía sau trại, chúng tôi có lần “đụng” đám vệ binh T1 dắt chó đi tuần tiễu trong rừng và suýt bị chúng bắt; từ đó về sau chúng tôi bảo nhau tránh xa khu rừng phía sau T1.

Một tên trong đám vệ binh T1 này về sau đã bắn chết một tù cải tạo!

Hỏi ra mới biết thủ trưởng của T1 là một tay cực kỳ sắt máu, mỗi lần lên lớp răn đe tù cải tạo về hậu quả của việc trốn trại, luôn luôn chỉ có một câu nghe ớn lạnh:

– Các anh nên nhớ, cách mạng đã khoan hồng tha tội chết, đưa các anh vào đây học tập cải tạo để trở thành người công dân lương thiện, nhưng nếu các anh ngoan cố chống đối, âm mưu trốn trại thì cách mạng cũng chẳng tiếc gì mấy viên đạn đâu! Đám vệ binh đã được lệnh cả rồi!

Những kế hoạch vượt thoát

Trong suốt thời gian bị tù cải tạo, có lẽ chỉ ở Suối Máu tôi không nghe anh em bàn chuyện trốn trại, bởi vì từ cuối năm 1978 Suối Máu đã được bàn giao cho công an, vô phương đào thoát, còn ở tất cả các trại khác, luôn luôn có những kế hoạch vượt thoát.

Riêng Đồng Ban có thể xem là trại cải tạo lý tưởng nhất để… trốn trại. Do địa thế, vị trí của trại Đồng Ban, có hai cách trốn trại ngược chiều nhau: băng rừng trốn sang Căm-bốt, và giả dạng thường dân trốn về Sài Gòn.

Trước hết viết về băng rừng trốn sang Căm-bốt. Như đã viết ở phần trên, sau lưng T1, T2, T3 của L2 là một con đường mòn dài hơn một cây số, theo hướng nam bắc. Hết con đường mòn tới ngã ba là một con đường lớn theo hướng đông tây, nhưng vì mấy chục năm không có xe cộ qua lại cho nên đã biến thành một dãy rừng chồi bất tận với một con đường mòn chạy song song ở phía bên trái.

Con đường mòn này có từ thời chưa xảy ra những đợt “cáp duồn” quy mô dưới thời Lon Nol (1970), được Việt kiều sống ở Căm-bốt sử dụng đi đi về về, nhưng tới năm 1975, sau khi CSVN cho hồi hương Việt kiều thì biên giới đóng cửa, bởi tuy cùng là anh em cộng sản “môi hở răng lạnh” nhưng nay CSVN theo Liên Xô còn Khmer Đỏ theo Trung Cộng.

Qua dò hỏi Việt kiều hồi hương trong những lần đi lao động, chúng tôi ước đoán con đường này dài khoảng từ 12 tới 15 cây số; cũng theo lời họ, gần tới biên giới có một đồn công an biên phòng.

Thời gian này (đầu năm 1977), khoảng 2 tháng sau khi tới Đồng Ban, tù cải tạo ở L2 đã được thả lỏng tới mức khó tin, nhất là T2.

Từ Thứ Hai tới Thứ Bảy, chúng tôi chỉ phải lao động một buổi, hoặc được giao khoán. Lao động một buổi gồm cuốc rẫy, làm cỏ mấy héc-ta khoai mì, đi chặt le ở phía bên kia đường lộ…; trong số các công tác này, chỉ khi đi chặt le mới có vệ binh đi theo.

Còn vào rừng lấy dây mây, cưa cây làm nhà, cắt tranh về để lợp, trét vách đất, hoặc công tác dọn dẹp trên “khung”…, đều được giao khoán, làm xong sớm nghỉ sớm.

Thời gian đầu, tất cả mọi chuyến đi lao động bằng cổng sau (vào rừng, đi cắt tranh…) đều có hai tay vệ binh đi theo canh chừng, tới bìa rừng hoặc trảng tranh, chúng tôi mới được tự do. Nhưng về sau, khi chúng tôi đã thuộc lòng đường đi nước bước, biết giới hạn khu vực dành cho cải tạo (không xa quá 3, 4 cây số) thì không còn vệ binh đi theo nữa.

Lơi dụng việc được tự do, một số anh em, có hay không có ý định trốn trại, trong đó có tôi đã thử đi thêm vài cây số nữa để tìm hiểu.

Tới khi tù cải tạo ở Đồng Ban được cho ăn bột mì thì, nếu muốn, chúng tôi có cả một ngày Chủ Nhật để thám hiểm lộ trình đi sang Căm-bốt.

Đầu đuôi là không hiểu vì Liên Xô viện trợ bột mì nhiều quá (?), dân Sài Gòn ăn không hết, hay vì người Việt không quen sử dụng bột mì cho bữa ăn chính mà trong mấy tháng đầu năm 1977, tù cải tạo ở Đồng Ban được (bị) cấp phát bột mì thay cho gạo và bo-bo (cao lương).

Vì hậu cần phát bột mì nhưng không phát bột nổi (men bánh), đám anh nuôi (cải tạo) đã phải nhồi bột từ tối hôm trước mà qua ngày hôm sau ổ bánh mì cho mỗi đầu người khi chưa nướng thì bằng ngón chân cái, nướng chín rồi cũng chỉ bằng quả cà dái dê (dê VN chứ không phải dê ở Úc hay Tân-tây-lan).

Cho nên vào ngày Chủ Nhật, hầu như tổ nào cũng lãnh bột sống về cùng nhau chế biến thành bánh canh, bánh bao, bánh bông-lan, bánh hấp (những miếng bột mỏng được hấp chín to bằng bàn tay)… Vì thế, không có mục lãnh cơm trưa cơm chiều, và việc điểm danh, báo cáo “quân số” hai lần trong ngày Chủ Nhật cũng được du di chỉ còn một lần vào buổi tối.

Vì thế, 7, 8 giờ sáng là “toán thám hiểm” đã có thể lên đường, muốn đi tới giờ nào thì đi, miễn sao phải trở về trại trước giờ cơm chiều.

Chuyến thám hiểm thứ nhất gồm bốn anh em tù cải tạo, trong đó có tôi và Hùng sùi. Chúng tôi đã bàn thảo với nhau trước nếu gặp các toán vệ binh đi tuần tiễu (rất hiếm vào ngày Chủ Nhật) thì sẽ nói là vào rừng kiếm dây mây về đan giỏ.

Cũng nên biết trong rừng già Đồng Ban, phía bên mặt con đường mòn đi về phía biên giới, có những gốc dây mây già rất hiếm quý, có khi leo lên tới ngọn cây cao hơn chục mét.

Sau khi đi theo con đường mòn được khoảng 3, 4 cây số, tức là tới giới hạn lao động của tù cải tạo mà không thấy một bóng người, chúng tôi dừng lại vừa ăn uống vừa bàn thảo: tiếp tục đi hay quay trở về, và nếu tiếp tục đi thì vẫn sử dụng con đường mòn hay vào trong ven rừng mà đi. Cuối cùng, cả bốn người đồng ý sẽ men theo ven rừng đi tiếp độ một cây số nữa để thăm dò.

Sau khi tiếp tục đi, chúng tôi vẫn không thấy một toán vệ binh nào trên đường mòn; và tới chiều trở về trại an toàn.

Chuyến thám hiểm thứ hai có thêm mấy anh em nữa nhưng không có tôi, bởi sau khi suy nghĩ đắn đo, tôi đã dứt khoát nếu trốn tôi sẽ theo cách thứ hai: giả dạng thường dân trốn về Sài Gòn.

Nguyên nhân chính khiến tôi không chọn cách thứ nhất (băng rừng trốn sang Căm-bốt) không phải vì sợ Khmer Đỏ mà sợ rừng già.

Thời gian này, đầu năm 1977, tuy CSVN và Khmer Đỏ đã ra mặt thù nghịch, và đã xảy ra những trận giao tranh nhỏ ở biên giới hai nước, nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn ra sức bưng bít, vì hai nguyên nhân:

(1) Sợ bị quê mặt vì mới đây đã trải thảm đỏ đón tiếp Pol Pot, “một học trò cũ của bác Hồ”, tại Hà Nội.

(2) Sợ dân chúng hoang mang.

[Cũng có một số người đưa ra nguyên nhân thứ ba: CSVN cố tình “đợi” Khmer Đỏ vượt qua biên giới tàn sát thường dân VN để lấy cớ xâm lược Căm-bốt. Vì thế, khi bọn chúng đem quân tràn sang xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vào ngày 18/4/1978, chiếm đóng suốt 12 ngày, tàn sát toàn bộ dân cư (3.160 người chỉ có 3 người sống sót) rồi rút về, Quân Đội Nhân Dân VN “anh hùng” mới tới nơi]

Vì thế vào thời gian này (năm 1977) tù cải tạo có ý định vượt thoát sang Căm-bốt rồi từ đó đi sang Thái-lan không một ai được biết nếu gặp Khmer Đỏ thì coi như đời tàn – bởi chúng thù ghét tất cả mọi người Việt, không cần biết thuộc phe nào, thấy là chúng bắn ngay chứ không bắt sống!

* * *

Tôi sợ rừng già Đồng Ban bởi có lần tôi đã bị lạc trong đó vì không nhớ đường ra!

Nguyên trong một buổi đi lấy mây, nghe anh em cải tạo ở T3 cho biết khu rừng phía bên mặt con đường mòn có nhiều dây mây, tôi và Hoàng (đờn bass) quyết định vào để tìm.

Đây là lần đầu tiên tôi và Hoàng đi vào khu rừng phía bên mặt con đường mòn; trước đó chúng tôi chỉ quanh quẩn ở khu rừng phía bên trái.

Càng vào sâu, tôi càng bị thu hút bởi cảnh trí đẹp lạ lùng của khu rừng mây. Những dây mây xanh ngắt mọc thành dàn trên những gốc cổ thụ cao vút, trên thân dương xỉ mọc chi chít cùng với những khóm phong lan tỏa hương thơm thoang thoảng dịu dàng.

Trong cái tĩnh lặng tuyệt đối của khu rừng, tôi như quên đi thân tù cải tạo để chỉ còn biết thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp và sự kỳ diệu của thiên nhiên… cho tới khi giật mình vì đã vào quá sâu, mất phương hướng.

Tôi vội vàng chặt hai gốc mây, kéo xuống được khoảng 20 mét, cuốn lại vào xỏ vào vai rồi tìm đường ra. Nhìn lên chỉ thấy lá mây, những tàng cây loáng thoáng chút nền trời xanh, không một tia nắng, tôi hoang mang, bấn loạn một hồi, sau đó cố trấn tĩnh để tìm cách thoát ra khỏi khu rừng mây.

Tôi xuất thân Trường Bộ Binh Thủ Đức, nơi bốn chữ “Cư An Tư Nguy” trên huy hiệu của trường đã được chế thành… “Cứ Ăn Cứ Ngủ” thì khả năng mưu sinh thoát hiểm chỉ là một số không to tướng; hơn nữa, trong những buổi thực tập di hành đêm ngày ấy ít ra chúng tôi cũng có được cái địa bàn cầm tay…

Giờ đây tôi chỉ có hai lựa chọn: đi cầu may về một hướng nào đó, hoặc trèo lên ngọn cây để tìm hướng mặt trời. Nhìn những gốc cổ thụ 2, 3 người ôm, tôi lắc đầu, quyết định… cầu may. Nếu không xong, tôi sẽ tìm cách chế ra một quả lắc cảm xạ học mà Thành cận đã truyền thụ cho ở Thành Ông Năm, để tìm phương hướng.

Tôi đoán có lẽ mình đã vào sâu khoảng 200 mét là tối đa, vì thế tôi lấy con dao đi rừng làm dấu vị trí đang đứng, rồi vừa đi vừa làm dấu trên các thân cây để nếu không tìm được đường ra thì sẽ trở lại vị trí cũ để lấy một hướng khác. Cùng lắm thì tới lần thứ tư cũng phải tìm được lối ra – tôi tự trấn an mình!

Khi đã đi được khoảng cách mà tôi ước đoán là 200 mét mà trước mặt vẫn là rừng mây đặc kín, tôi đang tính quay trở lại thì một ý tưởng ngộ nghĩnh chợt đến trong đầu: tại sao mình không thử bắt chước Tặc-dăng (Tarzan)? Rồi tôi lấy hai bàn tay bụm lại trước miệng và… hú!

Không ngờ cái trò chơi trẻ con hồi còn bé sau khi xem phim “Tặc-dăng – chúa rể rừng xanh”, mấy chục năm sau ứng dụng lại đạt kết quả tốt đẹp: sau khi hú ba lần, tôi bỗng nghe có tiếng hú vọng lại; để cho chắc ăn, tôi hú thêm một lần nữa và lại nghe tiếng hú đáp trả. Tôi định hướng rồi đi về… sinh lộ.

Khoảng 10 phút sau tôi đã ra tới bìa rừng, nơi Hoàng đang đứng đợi…

* * *

Trong khi băng rừng trốn sang Căm-bốt cần nhất là khả năng mưu sinh thoát hiểm thì giả dạng thường dân trốn về Sài Gòn lại cần có sự may mắn.

Chúng tôi nghĩ ra cách trốn trại này sau những lần đi chặt le ở phía bên kia đường lộ.

Từ cổng trại phía trước, đi ra khoảng một cây số thì tới đường lộ, quẹo trái đi khoảng một cây số nữa thì rẽ phải, đi qua phần đất dành cho thành phần Việt kiều thân cộng hồi hương thì tới rừng le.

Thời gian đầu, dưới sự canh chừng nghiêm ngặt, chặt chẽ của đám vệ binh, tù cải tạo tuyệt đối không được tiếp xúc với dân chúng, kể cả thành phần Việt kiều hồi hương, nhưng dần dần lệnh này được nới lỏng, cho tới lúc không còn tay vệ binh nào theo chúng tôi vào tận rừng le nữa, mà ngồi chờ ở cái quán ngoài đường lộ hoặc vào những nhà dân có con gái chưa chồng tìm cách tán tỉnh (nhưng chưa bao giờ “đạt hiệu quả”).

Dân kinh tế mới ghét bộ đội thì chẳng nói làm gì, bởi đó là điều quá dễ hiểu, nhưng cả đến Việt kiều hồi hương cũng ghét nón cối mới là chuyện lạ.

Hỏi ra mới biết đây là những người dân miền Nam trước kia từng sống chết với Mặt Trận Giải Phóng, từng làm bia đỡ đạn trong các cuộc hành quân tảo thanh của QLVNCH, từng làm dân công thồ lương tải đạn cho đoàn quân xâm lược của miền Bắc đặt căn cứ trên lãnh thổ Căm-bốt, tóm lại là có công đầu với cách mạng, vậy mà sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, hồi hương thì bị bắt định cư ở vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi này!

Cả một xã trải dài mấy cây số không hề có trạm xá, trường học thì nói gì tới “cửa hàng bách hóa”… Thậm chí cả đến “quyền công dân” họ cũng không được hưởng đầy đủ, không được cấp giấy phép đi ra khỏi tỉnh Tây Ninh nếu không có họ hàng thân thuộc ở nơi khác với địa chỉ rõ ràng…

Trong đám Việt kiều hồi hương ấy có một phụ nữ trên dưới 50, nghĩa là đáng tuổi mẹ của đám trung úy thiếu úy chúng tôi lúc bấy giờ. Bà ta bày trước thềm nhà mấy củ khoai mì, mớ khoai lang sống, mấy trái đu đủ xanh để bán cho tù cải tạo.

Khi không còn vệ binh đi theo canh chừng, chúng tôi thường dừng lại mua, đôi khi trò truyện và được biết bà là người cực kỳ bất mãn với chế độ. Bà có hai cô con gái chưa chồng hiện đang làm lao động ở nông trường tập thể, đôi khi hai ba tuần mới về nhà một lần. Một hôm, có lẽ vì thấy nhà cửa trống vắng, một anh bạn tù cải tạo “vô duyên” của tôi hỏi đùa sao bà không gả cho bộ đội để có cháu cho vui cửa vui nhà, lập tức mặt bà đanh lại, rồi buột miệng:

– Tui nói thiệt chớ, có con gái thà để cho chó chơi chớ không gả cho bộ đội!

Anh bạn cải tạo nín khe; riêng tôi hết sức kinh ngạc và cảm thấy bất nhẫn vô cùng. Kinh ngạc trước mức độ bất mãn tận cùng của một trong số những người dân từng được chế độ xưng tụng là “có công với cách mạng”, bất nhẫn vì thấy một bà mẹ VN phải thốt ra một câu quá đỗi thô tục!

* * *

Còn cái “quán bên đường” thì nằm ngoài đường lộ, mãi sau này chúng tôi mới biết “chủ nhân” là một cựu hạ sĩ quan Không Quân bị bắt đi kinh tế mới. Gọi là “quán” chứ thực ra đây chỉ là một cái lều tranh không vách, treo vài nải chuối, thêm mấy bịch thuốc rê, hai ba cái keo đựng đường thẻ, kẹo dừa…, được giao cho cô gái nhỡ trông coi, còn vợ chồng ông và bầy con còn lại thì phải “lao động vinh quang” ở khu rẫy sau nhà.

Qua những lần dừng chân ở quán, tìm hiểu về đường đi nước bước và phương tiện vận chuyển từ đây ra Tây Ninh, chúng tôi được biết mỗi ngày có một chuyến “xe than” chạy từ Cà Tum ra Tây Ninh hoặc Trảng Bàng, giờ giấc xe tới Đồng Ban rất thất thường, khi thì 10 giờ sáng, có lúc 12 giờ trưa, tùy theo xe có bị hư dọc đường hay không.

“Xe than” nói tới ở đây không phải là “xe vận tải chở than” mà là “xe đò chạy bằng than”, một phương tiện vận chuyển độc đáo tại miền Nam sau năm 1975. (xem Chú Thích)

Về sự hiện của công an trong vùng thì chỉ có mấy mống “bò vàng” ở trụ sở công an xã, hầu như không bao giờ xuất hiện tại vùng kinh tế mới vì ở đây làm gì có “đối tượng” để kiếm ăn. Riêng bộ đội thì ngoài đám vệ binh canh chừng tù cải tạo, họa hoằn mới có mấy tay bộ đội đào ngũ lén vào rẫy của dân để đào trộm khoai sắn.

Như vậy, anh em tù cải tạo nào muốn trốn trại về Sài Gòn, chỉ cần gia đình khi lên thăm nuôi đem theo một bộ quần áo tương đối lành lặn và một cái giấy phép đi đường (giấy giả hoặc giấy thật do công an phường bán lén với “giá phải chăng”).

Sau đó, lợi dụng lúc đi chặt le, tới khi vắng bóng bọn vệ binh thì lỉnh vào vườn mì rồi ra gần đường lộ núp, đợi xe than đi ra Tây Ninh hoặc Trảng Bàng, từ đó đi xe đò về Sài Gòn. Nếu không bị công an ở các trạm kiểm soát nghi ngờ bắt giữ, coi như thoát.

Cả hai cách trốn trại “ngược chiều” nói trên – băng rừng trốn sang Căm-bốt và giả dạng thường dân trốn về Sài Gòn – về sau đã được một số em anh tù cải tạo ở T2 thực hiện.

Lá cờ máu và tình người

Không hiểu anh em tù cải tạo gốc gác Trảng Lớn không bị ra Phú Quốc thì sao, phần tôi lần đầu tiên phải chào lá cờ đỏ sao vàng xảy ra tại Đồng Ban.

Hôm đó là ngày 3/2/1977, khoảng 8 giờ sáng, tất cả tù cải tạo trong T2 được lệnh xếp hàng đi ra sân banh dự lễ kỷ niệm “ngày thành lập đảng CSVN quang vinh”.

Lúc đó tôi mới để ý tới cái cột cờ khá cao mà cán bộ trại đã bắt tù cải tạo dựng lên từ hồi nào, giờ đây đang phất phới một lá cờ đỏ sao vàng thật lớn.

Vẫn biết lá cờ của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đã biến mất sau khi quốc hội CSVN khai tử tổ chức bù nhìn này vào ngày 24/6/1976 – khoảng thời gian tôi đang ở Phú Quốc – nhưng từ đó tới nay, tôi chưa lần nào phải đứng nghiêm chỉnh dưới lá cờ máu của cộng sản Bắc Việt ngạo nghễ tung bay trên đầu như một sự thách thức.

Mặc cho “Lam Sơn 719” tràng giang đại hải ca tụng công sức của cái đảng chết tiệt của ông ta, tôi chỉ biết cúi đầu tủi nhục, nước mắt như muốn trào ra, nhớ lại những buổi chào cờ vàng ba sọc đỏ tại đơn vị mà Khối Chiến Tranh Chính Trị của chúng tôi chịu trách nhiệm phần nghi lễ, cứ ngỡ như mình đang trải qua một cơn ác mộng: miền Nam thân yêu đã bị mất vào tay cộng sản Bắc Việt thật rồi!

Từ buổi sáng hôm ấy, 3/2/1977, tôi mới thực sự bị dị ứng với lá cờ đỏ sao vàng – dị ứng suốt một đời. Không chỉ dị ứng mà còn bị ám ảnh cả trong giấc ngủ.

Trong Lời Nói Đầu của của thiên hồi ký này, tôi đã viết trong hơn 40 năm qua, thỉnh thoảng ban đêm tôi vẫn còn có những cơn ác mộng về ngày 30 tháng Tư 1975, về thời gian ở tù cải tạo, về chuyến vượt biển tìm tự do…

Trong những cơn ác mộng về thời gian ở tù cải tạo ấy thường bao giờ cũng có buổi chào cờ đỏ sao vàng nói trên. Chính vì thế, dù bố mẹ còn sống ở Việt Nam, sau khi vượt thoát tới bến bờ tự do, tôi đã thề sẽ không bao giờ trở lại một khi trên quê hương còn bóng cờ đỏ.

* * *

Tuy nhiên, nếu không kể buổi chào cờ đỏ sao vàng sáng 3/2/1977, thời gian nửa năm ở T2 Đồng Ban phải được xem là những ngày “thần tiên” nhất trong cuộc đời cải tạo, ít ra cũng là với những người tù cải tạo an phận như tôi.

Viết một cách chi tiết thì trong khoảng hai tháng đầu, bầu không khí cũng khá ngột ngạt căng thẳng, vì sự dòm ngó, hạch sách của tay chính trị viên (Chuẩn úy Đạt), thái độ hung hăng của tay vệ binh biệt hiệu “Bia lên”, đồng thời cũng vì anh em tù cải tạo – tới từ nhiều T khác nhau ở Trảng Lớn – chưa có đủ thời gian để tìm hiểu, tin nhau, thân nhau.

Nhưng sau khi T2 có biên chế thì sinh hoạt trở nên thoái mái, bầu không khí trở nên dễ thở hơn rất nhiều.

Tôi ở đội của Cường, một trung úy Không Quân xuất thân Khóa 4/68, nguyên hoa tiêu quan sát thuộc Phi Đoàn 120 (Đà Nẵng). Gốc Nam Kỳ, con nhà giàu đẹp trai lại đi lính tàu bay, dĩ nhiên tứ đổ tường anh biết đủ, nhưng tất cả đều dừng lại ở một giới hạn nào đó, cho nên có thể gọi anh là một “tay chơi nhà lành”!

Cường ăn nói từ tốn nhỏ nhẹ nhưng có sức thuyết phục, với cả đám cán bộ trên “khung” lẫn anh em tù cải tạo, cho nên đám cán bộ không có gì phải phàn nàn mà anh em thì được thoải mái.

Thoải mái tới mức khó tin. Chẳng hạn việc được tự do vào rừng lấy dây mây, chặt cây, tìm phong lan, kiếm lá sương sâm…, hoặc đàn hát nhạc vàng thoải mái, miễn là chấm dứt khi có tiếng kẻng báo giờ đi ngủ.

Cùng thời gian, ban chỉ huy trại có thêm một cán bộ quản giáo là Trung úy Vầy, người đảm trách công tác lao động của T2. Sau này hồi tưởng lại, hình ảnh Trung úy Vầy trong đầu óc không ít anh em cùng đội với tôi là hình ảnh một “người anh bên kia chiến tuyến” hơn là một sĩ quan coi tù!

Ngay trong lần đầu tiên được tiếp xúc với Trung úy Vầy, tôi đã liên tưởng tới nam nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Trống Mái của Khái Hưng cũng có cái tên bắt đầu bằng chữ V: Vọi. Có khác chăng là anh Vầy ra vẻ nhà quê và cù lần hơn chàng Vọi trong truyện.

Anh Vầy vào khoảng 40 tuổi, tức là khôn lớn trước khi Việt Minh tiếp thu Hà Nội, cho nên dù quê mùa, ít học, cũng không đến nỗi phát âm chữ “l” thành chữ “n” như đa số đám trẻ sau này.

Có thể viết mà không sợ quá lời: trong gần 6 năm bị đi cải tạo và kể cả sau khi ra tù, tôi chưa thấy một sĩ quan miền Bắc nào hiền lành, chất phác như anh.

Nhưng hiền lành, chất phác nơi anh không có nghĩa là thiếu sự hiểu biết; chỉ có điều anh chậm chạp và ít nói, và ra vẻ anh thích nghe chúng tôi kể chuyện đường đời và cuộc sống ở miền Nam trước năm 75 hơn là nói về bản thân anh, về cuộc chiến huynh đệ tương tàn, về “thiên đường xã hội chủ nghĩa” ở miền Bắc…

Vào thời gian này ở T2, tù cải tạo thường chỉ còn lao động buổi sáng, cho nên cứ khoảng hai, ba giờ chiều, anh Vầy lại xuống đội tôi chơi, ngồi ở cái bàn dã chiến ngoài hàng hiên, vừa trò chuyện vừa uống cà-phê, uống trà do chúng tôi “chiêu đãi”. Đôi khi anh cũng kín đáo đóng góp một bịch cà-phê, hay trăm gram đường.

Viết về anh Vầy cũng phải đề cao công sức của Sơn “lồ”, tay đội phó tuy chỉ mang cấp bậc thiếu úy, mặt búng ra sữa nhưng sạn trong đầu lại nhiều hơn ai hết!

Sơn lồ gốc Nam kỳ, xuất thân là dân “cậu” (tía làm lớn bên Cảnh Sát Quốc Gia), ngày còn ở Trảng Lớn cũng như sau này lên Đồng Ban được gia đình gửi quà đều đều, nên được Cường (đội trưởng) trao nhiệm vụ pha cà-phê. Hết cà-phê của nhóm, Sơn vận động những anh em cải tạo khác, người góp cà-phê kẻ cho đường cát trắng để hắn chiêu đãi anh Vầy.

Khi nguồn cà-phê sắp cạn mà chưa có thăm nuôi, hoặc gia đình chưa kịp gửi quà, hắn lấy bã cà-phê “sái nhất” đem phơi khô rồi bỏ vào chảo rang lại, pha lẫn với cà-phê “gin” để đãi khách!

Sau một thời gian ngắn, anh Vầy đã coi đám tù cải tạo chúng tôi – đại đa số là trung úy thiếu úy trẻ – như những người em; và khi anh khuyên chúng tôi không nên trốn trại mà hãy cố chờ ngày về xum họp với gia đình, chúng tôi biết anh khuyên thật lòng!

Bên cạnh “quan hệ hữu nghị” với nhóm chúng tôi, việc anh Vầy về T2 còn có cái lợi chung cho anh em tù cải tạo là Chuẩn úy Đạt, tay chính trị viên sắt máu, không còn thường xuyên xuống các Đội để diệu võ dương oai, dòm ngó, hạch sách nữa, và khi vào rừng để đốn củi, chặt cây, tìm dây mây…, tức là khi đi lao động bằng cổng sau, chúng tôi được hoàn toàn “tự giác”, không còn vệ binh đi theo.

* * *

Viết ra có thể bị một số người cho là phóng đại, nhưng sự thật là vào khoảng thời gian sau này ở T2, nhân vật bị anh em cải tạo ghét nhất không phải là người bên kia chiến tuyến mà thuộc “phe ta”: Tư “răng vàng”, tay thiếu úy già giữ chức đội trưởng tăng gia.

Những tù cải tạo thuộc Đội tăng gia không ở chung với anh em trong dãy nhà của các đội mà ở riêng trong một gian nhà phía sau vườn rau, nhưng Tư răng vàng lại hay mò lên các đội, bề ngoài là quan hệ với đám bạn già nhưng thực chất là để dòm ngó, báo cáo lên khung những sinh hoạt trái với nội quy, những cá nhân thiếu tiến bộ, phát ngôn bừa bãi…, viết ngắn gọn là làm ăng-ten!

Bên cạnh việc làm ăng-ten, Tư răng vàng rất có thớ với đám cán bộ trên khung nhờ sự tận tụy, tài quán xuyến, óc phát triển của ông ta: ngoài tổ canh tác cung cấp rau xanh cho cả T2, ông ta còn lập thêm tổ chăn nuôi để nuôi heo và tổ rèn để rèn dao đi rừng.

Trong khi tổ chăn nuôi và tổ rèn chẳng ảnh hưởng gì tới anh em tù cải tạo thì tổ canh tác lại gây bất mãn trầm trọng. Nguyên nhân rất dễ hiểu: tù cải tạo chỉ được ăn rau muống “hạng nhì”, từ các luống rau bón bằng phân bắc (phân người), còn rau muống “hạng nhất”, bón bằng nước tiểu cùng với bầu, bí, mướp… thì dành riêng cho trên “khung”. Anh em cải tạo đã nhiều lần phản ảnh tình trạng bị đau bụng vì ăn rau muống mất vệ sinh nhưng cũng chẳng ăn thua gì!

Để trả thù, vào một buổi tối không trăng sao, một anh em cải tạo nào đó đã lẻn xuống khu trồng bầu, bí, mướp của đội tăng gia, lấy con dao thật bén cắt đứt một loạt hơn một chục gốc bầu bí mướp dọc theo con đường đi ra cổng sau.

Sáng hôm sau, mặt trời lên làm héo lá, Tư răng vàng mới khám phá ra. Từ đó, ông ta không dám đi ngủ theo kẻng mà thức thật khuya để canh chừng. Và vào một buổi tối nọ, ông ta đã gặp hai người khách không mời: hay tay bộ đội đào ngũ đói quá lần mò về kiếm ăn.

Sau này, qua lời kể lại của dân chúng, chúng tôi được biết ở Đồng Ban có mấy tay bộ đội Bắc kỳ con nít ranh đào ngũ để sống giang hồ nhưng vẫn quanh quẩn trong vùng, thỉnh thoảng lẻn vào rẫy của dân để đào trộm khoai sắn.

Khi được hai tay bộ đội cho biết sự thật và năn nỉ xin cái gì bỏ bụng, Tư răng vàng nói họ ra chờ ở lò rèn cách đó khoảng 50 mét, rồi âm thầm lên “khung” báo cáo sự việc. Chuẩn úy Đạt liền dắt mấy tay vệ binh xách súng xuống nhưng hai tay bộ đội đào ngũ thấy nghe tiếng động vội vã bỏ chạy thoát thân…

Lúc đó vào khoảng 10, 11 giờ khuya, tù cải tạo đa số đã ngủ, bỗng nghe có tiếng quát tháo và mấy tràng súng AK nổ dòn dã mà không biết chuyện gì xảy ra, chỉ sợ có anh em nào trốn trại bị phát giác. Sáng hôm sau mới biết đầu đuôi sự việc.

Về sau tôi được nghe kể lại khi hai tay bộ đội đào ngũ bỏ chạy khỏi lò rèn, Chuẩn úy Đạt vừa sử dụng khẩu K-54 của y vừa ra lệnh cho đám vệ binh bắn theo, nhưng cả đám đã chếch họng súng lên cao mà bắn, bởi họ không muốn giết các cựu đồng đội.

Sau vụ nổ súng này, không nghe ai còn nói tới hai tay bộ đội đào ngũ, riêng anh em cải tạo ở T2 càng thêm ghê tởm, xa lánh Tư răng vàng…

* * *

Khoảng bốn tháng sau khi tới Đồng Ban, tù cải được gia đình thăm nuôi.

Trước đó hơn một tháng chúng tôi đã được ban chỉ huy trại chỉ thị viết thư thông báo cho gia đình. Trong thời gian hơn một tháng ấy, đã xảy ra một chuyện đáng buồn và một chuyện… khá tức cười.

Chuyện đáng buồn là cái chết lãng xẹt của X (tôi không nhớ tên), một tù cải tạo cấp trung úy thuộc T3; anh em các T khác chỉ nghe kể lại chứ không được chứng kiến tận mắt.

Nguyên vào thời gian này, bộ chỉ huy trung đoàn (L2) vừa khởi công xây dựng một “hội trường” khá lớn, lợp tranh, không có vách, để sử dụng trong những buổi học tập cho cả L.

Dĩ nhiên, cả “kiến trúc sư” lẫn nhân công đều là tù cải tạo. Để có một bề ngang hơn 20 mét, hội trường được thiết kế với hai hàng cột chính nằm phía bên trong như thường thấy trong các ngôi thánh đường cổ kính.

Thế rồi trong lúc đang dựng các khung cột + đà ngang lên, do mất thăng bằng, một khung đã bị đổ xuống, đè lên một số anh em cải tạo đang có nhiệm vụ chống khung lên, riêng X bị cái cột chính đè ngang thân người với sức nặng của cả dàn cột + đà, lục phủ ngũ tạng bị dập nát, khoảng nửa tiếng đồng hồ sau thì tắt thở.

Điều mỉa mai tới mức khôi hài là trong suốt mấy tháng sau đó, trước khi L2 chuyển trại đi nơi khác, tù cải tạo chỉ lên cái hội trường “vĩ đại” này để học tập hai buổi.

Ngồi trong hội trường, một số anh em nhìn hàng cột đường kính nửa mét đã không tiếc lời oán trách ông “kiến trúc sư” cải tạo chỉ vì muốn lập công, lấy tiếng mà người bạn tù xấu số X bị thiệt mạng!

* * *

Còn chuyện tức cười thì liên quan tới hà thủ ô. Trong một kỳ tới, tôi sẽ viết tới nơi tới chốn về “huyền thoại hà thủ ô”, còn kỳ này chỉ viết về những gì đã xảy ra cho một anh bạn tù của chúng tôi.

Nguyên sau hơn hai năm sống thiếu thốn trong các trại cải tạo, người nào cũng bị suy dinh dưỡng, tuy nhiên tùy cơ thể mỗi người mà tình trạng suy dinh dưỡng ấy được thể hiện qua những triệu chứng khác nhau: phù thũng, ghẻ chốc, mờ mắt, sưng nướu răng, bạc tóc…

Trong đội tôi, hai bạn tù bị nặng nhất đều vào tuổi trung niiên. Người thứ nhất là anh Thiên bị mờ mắt ngay từ ngày còn ở Trảng Lớn, lên Đồng Ban gần như bị mù. Có lần nói chuyện với tôi, nước mắt anh tự dưng trào ra; có lẽ anh lo sợ bị mù vĩnh viễn.

Tới khi có lệnh thăm nuôi, theo sự chỉ dẫn của một tù cải tạo dược sĩ quân y, anh Thiên đã viết thư về căn dặn vợ con cố tìm mua cho anh một hộp đa sinh tố (multivitamin) để hy vọng mắt anh sẽ bớt mờ.

Thời gian này, việc những người đi năm 1975 gửi quà về cho thân nhân trong nước còn hiếm họa, thành thử tìm mua một hộp đa sinh tố cũng không dễ dàng gì. Tìm không được, cuối cùng gia đình phải ra chợ trời mua một lọ multivitamin 100 viên của quân đội Mỹ trước đây. Vậy mà những viên đa sinh tố của “đế quốc Mỹ” đã quá hạn sử dụng cả mấy năm lại giúp anh Thiên phục hồi thị lực tới 90%!

Người thứ hai là anh Đ, một trung úy Địa phương quân có cô vợ rất trẻ. Bình thường nhìn vào đã thấy một sự thiếu cân xứng về tuổi tác, huống chi gần đây tóc anh còn bắt đầu bị bạc. Nghe nói hà thủ ô có công dụng làm tóc bạc trở thành… tóc đen, anh đã tìm hà thủ ô đào đem về nấu nước uống.

Công việc này được anh làm một cách lén lút sau khi anh em đã đi ngủ để khỏi bị cười nhạo (nhưng trên thực tế ai cũng biết, chỉ không nói ra mà thôi). Những ai từng uống thử hà thủ ô hẳn phải biết nó đắng ơi là đắng, ở đây anh Đ còn theo đúng sách vở “thắt lát phơi khô, sao vàng hạ thổ, 3 chén sắc còn 8 phân” thì với cái độ đậm đặc ấy nó còn đắng tới mức nào! Nhưng nghĩ tới ngày thăm nuôi được gặp lại cô vợ trẻ, anh nhắm mắt uống!

Nhưng trời đã… phụ lòng người!

Vì sự đau khổ tận cùng về cả tinh thần lẫn thể xác mỗi khi nâng chén thuốc đắng lên uống, một vài tuần sau tóc anh Đ chẳng những đã không hết bạc mà còn bắt đầu… rụng bớt! Sau đó, nghe lời khuyên can của mọi người, anh ngưng uống hà thủ ô nhưng cũng đã quá muộn: tới ngày thăm nuôi, tóc anh chỉ còn hơn phân nửa.

Có điều an ủi là theo “báo cáo” của các anh em được thăm nuôi cùng lúc với anh Đ, cuộc hạnh ngộ giữa anh và cô vợ trẻ đã diễn ra khá tốt đẹp, nếu không muốn nói là rất tình tứ!

(Còn tiếp)

CHÚ THÍCH:

Xe than: Với những người sinh sau đẻ muộn như tôi, “xe than”, tức “xe đò chạy than” là một sáng kiến “khắc phục” của người dân miền Nam sau năm 1975, nhưng theo nhà văn Sơn Nam, một tay bút kỳ cựu của Nam bộ, xe than đã hiện diện từ thời Đệ nhị Thế chiến, sau khi Nhật chiếm miền Nam VN và xăng dầu trở nên khan hiếm.

Ông kể lại:

“Xe ô tô chở khách phải dùng “ga”, hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe phía sau. Trước khi cho xe nổ máy thì quạt cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy, gọi “Autogène”, theo mô hình của Kỹ sư Thịnh Hưng Ngẫu chế tạo ở Sài Gòn.”

Tuy nhiên, qua tham khảo một số nguồn tài liệu, chúng tôi được biết sáng kiến sử dụng than để chạy xe đã được ứng dụng tại Âu châu từ đầu Đệ nhị Thế chiến, suy ra kỹ sư Thịnh Hưng Ngẫu mà Sơn Nam nhắc tới chỉ là người có công cải biến và ứng dụng tại Việt Nam.

Hiện nay, tại Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên, tức Bắc Hàn, đa số xe vận tải của các nông trường và một số xe của quân đội vẫn tiếp tục chạy bằng than.

Một trong những chiếc xe chạy bằng than đầu tiên ở Đức (1940)

 

  Một xe vận tải chạy bằng than củi tại Bắc Hàn

Về xe đò chạy than ở miền Nam VN sau năm 1975, sau đây chúng tôi xin trích đăng một số đoạn trong hai bài viết hiện được phổ biến trên Internet.

Hoài niệm xe đò (tác giả TN):

Hình ảnh chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than đốt trong cái thùng phía sau xe được lặp lại từ năm 1975 đến 1985, chắc người Sài Gòn tuổi trung niên trở lên đều biết rõ. Tôi từng đi loại xe sử dụng nhiên liệu này, mỗi lần chui vào cửa xe phía sau là đều phải cẩn thận với cái thùng than cháy nóng được treo dính ở đuôi xe. Thường thì người ta chỉ cải tiến xe đò lỡ – tức là loại xe Renault cũ xì từ giữa thập niên 50. Tuy giới lái xe gọi đó là xe đò hỏa tiễn nhưng nó chạy chậm hơn xe chạy xăng hoặc dầu. Có lúc xe chạy ì à ì ạch khi than cháy không hết, lơ xe phải dùng thanh sắt mở lò đốt cời than. Hoặc thỉnh thoảng gặp đường vồng xóc, than văng ra khỏi cửa thông không khí, rớt xuống đường cháy đỏ rực. Vô phúc cho chiếc xe đạp nào chạy phía sau tránh không kịp, cán phải cháy lốp xe.

 

 

Sáng tạo thời bao cấp: Xe đò chạy bằng… than!
(website hinhanhvietnam.com):

Chính sách tập trung quản lý các nguồn nhiên liệu và độc quyền xuất nhập khẩu vào tay nhà nước đã làm cho tình trạng khan hiếm xăng dầu trở nên nghiêm trọng. Từ năm 1976, một phần xe cộ bắt đầu bị xếp xó vì không có nhiên liệu hoặc không có phụ tùng thay thế.

Những nhà trí thức lúc đó đã hướng dẫn áp dụng nhiều sáng kiến trong sản xuất, phục vụ đời sống của người dân. Sáng kiến đáng chú ý nhất là việc “độ chế thành công” xe ô tô chạy bằng than củi. “Bộ phận lò hơi” của xe ô tô chạy than củi có thể sử dụng cho các loại máy bơm nước, máy tàu, máy điện…

Hãy nhìn cái thùng đặt sau xe được làm bằng sắt, có đường kính 40 đến 50cm cao bằng 2 cái thùng “phuy”, treo đứng sau đuôi xe. Tên gọi là xe hỏa tiễn, do đeo cái bình đốt than phía sau… Bên trong thùng này chứa than củi được đốt cho cháy trong điều kiện thiếu không khí để tạo ra một loại khí ga cháy được. Khí này chạy qua 1 bầu lọc thô sơ rồi được hút vào xy-lanh, sau khi xe đã nổ máy với xăng.

Từ khi bỏ than củi vô thùng, nung nóng lên cho tới lúc bốc ra khí ga mất khoảng 1 giờ.

Do than phải cháy trong điều kiện thiếu không khí nên có xu hướng tắt dần. Sau một quãng đường, anh lơ xe phải dùng một que sắt dài khều than, chọc tro… cho than cháy tiếp. Than vụn cùng tro rơi vãi dọc đường xe chạy…, ai chạy xe máy mà bị nó tặng vài cục than đỏ rực trước mặt thì… phải biết!

Bài Mới Nhất
Search