T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

HOÀI NAM: CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 4)

CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 4)

Hồi ký
Hoài Nam NGUYỄN HỮU THIỆN

 

Kỳ 1   Kỳ 2  Kỳ 3

(tiếp theo kỳ 3)

CHƯƠNG 3 – Trảng Lớn

Từ Vũng Tàu, chiếc dương vận hạm HQ-501 đưa chúng tôi về Tân Cảng. Sau này tôi được biết từ Tân Cảng, đoàn tù đã được hai đoàn xe molotova bít bùng chở đi hai hướng khác nhau: một chạy về hướng đông, lên trại tù Long Giao ở Xuân Lộc, một – trên đó có tôi – chạy lên hướng bắc, trở lại “đường xưa lối cũ”, nhưng tới Hốc Môn không quẹo vào Thành Ông Năm mà chạy thẳng lên Trảng Lớn ở tỉnh Tây Ninh.

Cũng mãi sau này tôi mới biết ngày ấy khi được đưa lên Trảng Lớn là tôi đã “trúng số” lần thứ hai trong cuộc đời cải tạo (xin được giải thích ở một phần sau).

Mặc dù không có những số liệu chính thức để so sánh, tôi tin rằng vào khoảng giữa năm 1976 ở miền Nam, sau khi tù cải tạo ở liên trại Long Giao (Xuân Lộc) bị phân tán, kẻ ra bắc, người đi những trại khác ở trong nam, thì Trảng Lớn là trại tù cải tạo lớn nhất, bởi vì ở đây có tới 5 “L”.

Vào thời gian các trại cải tạo mà tôi đã sống qua còn nằm dưới quyền sinh sát của Quân Đội Nhân Dân, đơn vị cấp cao nhất được gọi là “Đoàn”, tương đương sư đoàn, đôi khi được viết tắt là “E”. Mỗi đoàn có một “hòm thư” với bốn con số, tương tự KBC (khu bưu chính) của QLVNCH trước kia, chẳng hạn Trảng Lớn là “Hòm thư 7595”. Trong những năm sau này, nhiều bà vợ sĩ quan ở Sài Gòn chỉ cần dòm bốn con số ấy là có thể đoán biết chồng mình đang bị cải tạo ở nơi chốn nào!

Dưới “Đoàn” là “L”, tức trung đoàn, dưới L là “T” (tiểu đoàn), mỗi T gồm nhiều đội, hoặc khối, và sau cùng là tổ, từ 10 tới 15 người.

Cũng có những trại không chia thành “đội”, “khối” và thay vào đó là “nhà” (như ở Phú Quốc, Suối Máu…), hoặc “lán” (như ở Long Giao).

Sở dĩ Trảng Lớn có sức chứa tới cả chục nghìn tù cải tạo vì trước kia nơi đây là một căn cứ lớn của quân đội Hoa Kỳ, nằm về phía tây nam thành phố Tây Ninh, có cả một phi trường bằng vỉ sắt cho C-130 lên xuống. Sau khi Hoa Kỳ rút quân, căn cứ Trảng Lớn trở thành Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 25 BB của QLVNCH.

Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, căn cứ Trảng Lớn trở thành một trại tù khổng lồ, tổng số tù cải tạo tại đây có lúc lên tới 13.000 người (con số của CSVN).

Tùy theo sự phân phối, có những T được ở trong những dãy nhà có sẵn và còn tương đối lành lặn, có những T phải ở trong những dãy nhà từng bị dân chúng làm thịt chỉ còn lại cái mái, hoặc khung sườn, nay được tu bổ, lại có những T ở những dãy nhà “mới tinh” do chính tù cải tạo dựng lên bằng vật liệu thu nhặt được trong căn cứ. Tôi nằm trong toán khoảng trên dưới 100 người được đưa vào một T ở phía trong cùng với những dãy nhà mới, nơi đã có vài trăm anh em tù cải tạo ở từ trước.

Cảm tưởng đầu tiên của tôi khi bước vào cổng hoàn toàn trái ngược với cái lần bước vào cổng trại ở Phú Quốc hơn nửa năm về trước, cũng là trại tù cải tạo mà sao ở đây không có vẻ hắc ám một chút nào cả. Có lẽ một phần vì chúng tôi được đưa tới Trảng Lớn giữa thanh thiên bạch nhật (khoảng 10, 11 giờ sáng) cho nên không có cảm giác lo sợ, hãi hùng như cái đêm bước vào cổng chằng chịt kẽm gai dưới ánh đèn pha đầy hăm dọa ở Phú Quốc. Nhưng quan trọng hơn cả chính là sự khác biệt về con người và cảnh vật.

Về con người của “phe địch”, từ lúc chúng tôi bước vào cổng trại, đã không còn đám vệ binh súng AK kè kè áp giải mà chỉ còn mấy tay quản giáo hướng dẫn chúng tôi vào sân, đọc tên từng người để giao cho các tay khối trưởng (tù cải tạo), không hề có một màn lên lớp hay khám xét vật tùy thân.

Về con người của “phe ta” thì tù cải tạo ở Trảng Lớn ai nấy đều tươi tỉnh, sạch sẽ, tươm tất, trắng trẻo, tuy không thể gọi là béo tốt nhưng cũng không có ai gầy dơ xương như đám tù Phú Quốc thảm não, hốc hác, đen đủi, xấu xa, bẩn thỉu…

Thành thử so sánh về cả mặt thể xác lẫn tinh thần, giữa đám tù cải tạo vừa từ “địa ngục” Phú Quốc về với tù cải tạo may mắn được ở “thiên đường” Trảng Lớn từ đầu mùa, có một sự tương phản tới mức phi lý!

Chính một anh bạn Thiếu úy sau khi trở nên thân thiết với tôi đã nhận xét: “Mấy cha ở Phú Quốc về trông khủng khiếp dễ sợ!”

Tính cách khủng khiếp ấy được thể hiện rõ rệt nhất nơi những anh em trước kia ở Trảng Lớn bị đưa đi Phú Quốc, rồi từ địa ngục Phú Quốc nay lại được đưa về thiên đường Trảng Lớn!

Có thể một số độc giả ngạc nhiên, thắc mắc trước việc bị đưa đi rồi lại được đưa về chốn cũ. Xin được giải thích hơi dài dòng như sau.

Sau 30-4-1975, các sĩ quan miền Nam trình diện học tập cải tạo ở Sài Gòn – Gia Định bị Ủy Ban Quân Quản thành Hồ phân loại thành bốn nhóm theo mức độ “ác ôn” và “nợ máu” với nhân dân, với cách mạng.

– Nhóm 1: gồm các sĩ quan từ cấp thiếu tá trở lên, bị liệt vào thành phần “ngụy quân cấp cao cực kỳ ác ôn”, là đối tượng bắt buộc phải đưa ra các trại cải tạo ở miền bắc.

[Trên thực tế, vì các trại ngoài bắc không đủ sức chứa, hoặc vì nguyên nhân nào đó, một số sĩ quan cấp Tá đã không bị đưa ra bắc]

– Nhóm 2: cấp trung úy của các binh chủng “thứ dữ” Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt, và hai ngành An Ninh Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị, là thành phần “ngụy quân cực kỳ ác ôn, có nhiều nợ máu”, là đối tượng ưu tiên 2 (sau Nhóm 1) bị đưa ra các trại cải tạo ở miền bắc.

– Nhóm 3: từ cấp trung úy trở xuống của hai quân chủng Không Quân, Hải Quân và các binh chủng Thiết Giáp, Pháo Binh, và thiếu úy Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt và hai ngành An Ninh Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị là “thành phần cực kỳ ác ôn”, học tập cải tạo ở trong nam.

– Nhóm 4: từ cấp trung úy trở xuống của các binh chủng Bộ Binh, Địa Phương Quân, và Nghĩa Quân, là “thành phần ác ôn”, học tập cải tạo ở trong nam.

Riêng cấp đại úy nếu thuộc các binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt, hai ngành An Ninh Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị thì bị xếp vào Nhóm 1 (bắt buộc phải đưa ra bắc), số đại úy còn lại được xếp vào Nhóm 2, tức là đối tượng ưu tiên 2 đưa ra bắc.

Cuối tháng 1 năm 1976, khi có yêu cầu đưa tù cải tạo ra Phú Quốc, trung ương đã ra chỉ thị lấy Nhóm 3, tức cấp thiếu úy Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt, An Ninh Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị và trung úy, thiếu úy Không Quân, Hải Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh, là “thành phần cực kỳ ác ôn”.

Vì thế tại Trảng Lớn, một số trung úy (theo tôi nhớ, không có thiếu úy) thuộc Nhóm 3 đã bị đưa ra Phú Quốc.

[Còn những người thuộc Nhóm 2 – tức trung úy Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt, An Ninh Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị – thì ở lại chờ đi bắc]

Tuy nhiên trên thực tế, như một số anh em bị đi cải tạo có thể còn nhớ, chính sách, lệnh lạc của trung ương đưa xuống đôi khi được các trại thi hành một cách khá tùy tiện.

Chẳng hạn cùng thời gian nói trên ở Thành Ông Năm, bản thân tôi là một Trung úy Chiến Tranh Chính Trị, thuộc Nhóm 2, đáng lẽ phải ở lại chờ ngày bị đưa ra bắc (đợt 1) thì lại được đưa ra Phú Quốc cùng với Nhóm 3.

Ngược lại, anh chàng thiếu úy “babilac” An Đình Phương cùng tổ với tôi, vốn thuộc Nhóm 4 (nhẹ tội nhất) cũng bị đưa ra Phú Quốc, tức là đang từ thành phần “ác ôn” được nâng lên “cực kỳ ác ôn”!

* * *

Trở lại với thành phần trung úy ở Trảng Lớn bị đưa ra Phú Quốc rồi lại được đưa về Trảng Lớn, trong số này có những người được phân phối về “đơn vị” cũ, tức cái T mà họ đã ở trước khi bị đưa ra Phú Quốc!

Tôi tin rằng đây chỉ là một sự vô tình chứ không có sắp xếp của “cấp trên”. Nhưng cho dù chỉ là vô tình, việc những “thây ma biết đi” trở về chốn xưa đã có tác dụng mạnh mẽ trong việc răn đe đám cải tạo ở Trảng Lớn hơn bất cứ lời hăm dọa nào của cán bộ quản giáo!

Đó cũng là nguyên nhân chính đưa tới việc những anh em từ Phú Quốc về Trảng Lớn bị cô lập, xa lánh trong một tập thể lẽ ra phải đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau!

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về cuộc sống ở “thiên đường” Trảng Lớn từ đầu mùa cải tạo, tôi cũng thông cảm phần nào với những anh em cải tạo “nhẹ tội” ấy.

Cũng cần nhấn mạnh, ở Trảng Lớn có 5 “L” khác nhau, cách áp dụng, thi hành “chính sách đối với ngụy quân” cũng có thể khác nhau, cho nên những gì tôi viết ra sau đây có thể chỉ chính xác với các T trong L của tôi mà thôi.

T tôi ở gồm ba, bốn dãy nhà mới, tuy xây dựng vá víu bằng đủ thứ vật liệu thu nhặt được – tôn cũ, ba-lết, vỉ sắt lỗ (PSP) của phi trường dã chiến, cột đèn bằng gỗ thông của Mỹ để lại… – nhưng cũng khá thoáng mát, sạch sẽ, với hai, ba hàng sạp gỗ, mỗi người được một khoảng giang sơn vừa đủ để trải cái chiếu đơn.

Bên ngoài các dãy nhà là một sân bóng chuyền và khu nhà bếp, cái giếng, chung quanh là các giàn bầu, mướp, một cái ao nhỏ để lấy nước tưới hoa màu, xa hơn là các luống rau muống.

Không hiểu vào thời gian đầu, sau 10 bài học chính trị, tù cải tạo cấp trung úy thiếu úy ở T này có phải tham gia lao động nặng hay không, chỉ biết từ khi có tù Phú Quốc về, ngoài các tổ chuyên môn như tổ nhà bếp (anh nuôi), tổ mộc, tổ rèn, tổ chăn nuôi…, anh em còn lại thỉnh thoảng mới bị bắt đi cắt tranh ngoài vòng đai căn cứ, còn thường nhật thì chỉ phải ra vườn, vừa chăm sóc mấy luống rau vừa tán dóc, đợi hết giờ lao động.

Vì không có nhiều đất, mỗi tổ chỉ có một luống rau muống dăm bảy mét vuông cho nên chỉ cần 30 phút làm cỏ, tưới nước là xong công tác, nhưng không được trở vào trong nhà.

Ở Trảng Lớn, ít nhất cũng là T của tôi, không có mục “cải thiện” (trồng, hoặc kiếm rau cỏ để ăn thêm) bởi không có đất và nhất là lệnh cấm lửa tuyệt đối, không được có bất cứ một ngọn lửa, hòn than nào bên ngoài nhà bếp…

Ăn cơm trưa xong, ngủ một giấc, rồi hoặc ra sân chơi bóng chuyền, hoặc đánh cờ tướng, hoặc tụ tập đàn địch (nhạc cách mạng, dĩ nhiên), tán dóc, hoặc thơ thẩn hóng mát ngoài vườn rau…

Sau bữa cơm chiều, ra giếng tắm rửa, họp tổ, rồi đi ngủ.

Thành thử, nói theo cách nói của người cộng sản, anh em tù cải tạo ở Trảng Lớn đã không có nhiều cơ hội, phương tiện để thực thi khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”!

Bên cạnh đó không thể không nói tới sự nhân đạo (?) của nhà cầm quyền trại ở Trảng Lớn trong việc cho phép tù cải tạo viết thư và nhận quà của gia đình.

Trong khi đám tù Phú Quốc gốc Thành Ông Năm chúng tôi mới chỉ được viết một lá thư và nhận một gói quà nửa ký ở Thành Ông Năm, và trong 6 tháng ở Phú Quốc chỉ được viết và nhận một lá thư duy nhất, thì tù cải tạo ở Trảng Lớn được viết thư mỗi tháng một lần, và nhận quà của gia đình đều đều.

Vẫn biết thư viết về và thư gửi đi đều phải theo một khuôn mẫu nhất định – thư về thì báo cho gia đình biết mình vẫn khỏe mạnh, được “cách mạng” nuôi ăn đầy đủ, chăm sóc tử tế, và khuyên gia đình chấp hành nghiêm chỉnh chính sách đường lối của nhà nước, thư đi thì “động viên” chồng con cố gắng học tập tiến bộ để sớm trở về đoàn tụ với gia đình, góp phần xây dựng đất nước – nhưng ít ra cả người viết lẫn người nhận cũng được chút yên tâm, an ủi khi được đọc những dòng chữ của người thân, không cần biết nội dung thư viết những gì!

Trong khi những lá thư chứa đựng giá trị tinh thần thì các gói quà thể hiện giá trị vật chất. Những gói quà ấy, cùng với may mắn nếu gặp cán bộ tài vụ, hậu cần dễ dãi có thể gửi tiền (cộng thêm chút thù lao) nhờ họ mua giúp thứ này thứ khác ngoài chợ, đã khiến Trảng Lớn trở thành một “thiên đường cải tạo” đúng nghĩa.

Bên cạnh đó, đám cán bộ quản giáo ở Trảng Lớn, ít nhất cũng là ở T của tôi, rất ít khi vào các khối để diệu võ dương oai, hoặc dòm ngó, hạch sách. Trong mấy tháng ở Trảng Lớn, tôi chỉ biết tên một cán bộ duy nhất là Thiếu úy Mai, quản giáo của khối tôi.

Theo sự suy diễn của tôi, rất có thể vì sau giai đoạn học tập chính trị, Trảng Lớn chỉ còn là một trại tạm giam tù cải tạo, chờ đưa đi các nơi để lao động sản xuất, cho nên đám cán bộ quản giáo ở đây cũng tà tà!

Những nguyên nhân khách quan nói trên đã khiến đa số anh em tù cải tạo ở Trảng Lớn cố gắng “nín thở qua sông”, thậm chí có những người còn tìm mọi cách chứng tỏ mình đã “tiến bộ”, với hy vọng sớm được “cách mạng khoan hồng” cho về xum họp với gia đình!

Sau này, một số anh em ở Trảng Lớn liên tục từ đầu mùa kể với tôi rằng trước khi đám tù cải tạo ở Phú Quốc về, họ đã được quản giáo lên lớp phải cảnh giác khi quan hệ, bởi đây là những thành phần đã trải qua giai đoạn lao động, không nhận thức được “lao động là vinh quang” nên có thể “mang tư tưởng bất mãn, đầu óc phản động, phát ngôn bừa bãi”.

Thành thật mà nói, đám quản giáo nhận xét cũng không sai mấy. Chính vì thế, tù Phú Quốc về Trảng Lớn thường bị đa số anh em trong khối nhìn với cặp mắt e dè, hạn chế quan hệ, ít nhất cũng là trong thời gian một vài tháng đầu.

Trong đám tù Phú Quốc bị anh em tìm cách “né” ấy, tôi đứng đầu sổ vì hai nguyên nhân: (1) trung úy ngành Chiến Tranh Chính Trị, (2) chúa phát ngôn bừa bãi, mỉa mai châm chọc cách mạng.

Tôi không biết trong đám tù Phú Quốc về đất liền có bao nhiêu trung úy CTCT được đưa lên Trảng Lớn, chỉ biết trong T này có một mình tôi.

Như đã viết ở trên, cấp trung úy của hai ngành CTCT, An Ninh Tình Báo, và các binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt được xếp vào Nhóm 2, tức là thành phần “ngụy quân cực kỳ ác ôn, có nhiều nợ máu”, là đối tượng ưu tiên 2 đưa ra các trại cải tạo ở miền bắc, chỉ đứng sau Nhóm 1.

Đầu năm 1976, khi có lệnh của trung ương đưa một số tù cải tạo thuộc Nhóm 3, tức cấp trung úy, thiếu úy Không Quân, Hải Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh ra Phú Quốc, chẳng hiểu đám cán bộ Đoàn 775 ở Thành Ông Năm làm ăn ra sao mà lại đưa cả một số trung úy CTCT – trong đó có tôi và Trần Ngọc Tự, vốn thuộc Nhóm 2 – ra Phú Quốc, trong khi đáng lẽ chúng tôi phải ở lại để lên Long Giao rồi sau đó đa số bị đưa ra bắc, như trường hợp của Nguyễn Văn Chúc, Khóa 2 Đại Học CTCT, bạn cùng tổ với tôi và Tự ở Thành Ông Năm.

Lúc bị gọi tên ở Thành Ông Năm, tôi và Tự ở khác toán, ra tới Phú Quốc lại ở khác trại, không hề biết tin tức của nhau cho nên cả hai thằng, thằng nào cũng tưởng chỉ có một mình mình số “ăn mày” nên mới bị đày ra đảo. Sau này mới biết khi quân Khmer Đỏ đánh đảo Thổ Châu, tù cải tạo ở Phú Quốc được đưa về đất liền, Tự đi Long Giao (để từ đó đi bắc với Nguyễn Văn Chúc), còn tôi đi Trảng Lớn thì cái số của tôi không “ăn mày” một chút nào cả, mà việc bị đưa ra Phú Quốc rồi sau đó lại được đưa về Trảng Lớn quả là chuyện “Tái ông thất mã”!

* * *

Trong hoàn cảnh bị anh em cải tạo “nhà lành” ở Trảng Lớn xa lánh, đám tù cải tạo gốc Phú Quốc chúng tôi chỉ biết tìm tới với nhau, sống thu mình như một sắc dân thiểu số. Riêng tôi, bạn tù từ Phú Quốc nay ở chung khối chỉ có hai người: An Đình Phương, chàng thiếu úy trẻ cùng tổ với tôi ở Thành Ông Năm trước đây, và Nguyễn ĐS, tay trung úy Nha Quân Pháp cũng cùng tổ với tôi và An Đình Phương ở Thành Ông Năm nhưng ra Phú Quốc ở khác trại.

Tôi vốn thân với An Đình Phương hơn Nguyễn ĐS, nhưng sau khi về Trảng Lớn, thay vì hồi phục, Phương ngày càng thêm suy sụp, cả về tinh thần lẫn thể xác, cứ nằm một chỗ và rất ít nói, cho nên tôi cũng không có hứng gần gũi, trò truyện. Về sau, tôi cứ ân hận mãi vì sự lơ là của mình…

Về phần Đức (Cống), tay Trung úy Pháo Binh bạn học cũ của tôi ở cùng trại Phú Quốc thì nay ở khối bên cạnh; thỉnh thoảng tôi lại xé rào (vi phạm nội quy) lẻn sang tán dóc, từ đó mới gặp được một vài tay hoa tiêu quan sát và trực thăng cấp trung úy.

Sau vài lần sang khối của Đức, tôi nhận ra bầu không khí ở đây khác hẳn khối của tôi: mọi người có vẻ thoải mái, không e dè nghi kỵ nhau, và nhất là “phát ngôn linh tinh” (chữ của quản giáo), châm biếm cách mạng một cách thoải mái!

Nguyên nhân chính đưa tới sự khác biệt này là thành phần tù cải tạo: khối của Đức đa số là đám trung úy trẻ, nhiều tay là dân tác chiến, điếc không sợ súng, trong khi khối của tôi đa số là thiếu úy trẻ nhưng lại do mấy ông thiếu úy già làm khối trưởng, tổ trưởng nên không khí rất ngột ngạt, khó thở!

Tôi không vơ đũa cả nắm nhưng “kinh nghiệm xương máu” trong những năm tháng cải tạo đã cho tôi thấy nhiều sĩ quan lớn tuổi, từ những ông thiếu úy xuất thân hàng binh sĩ ở Trảng Lớn cho tới các ông thiếu tá không phải dân tác chiến (không phải ra bắc) ở Suối Máu, thường có thái độ an phận, nhẫn nhục, cố gắng “nín thở qua sông” chờ ngày về xum họp với con cháu.

Nhưng nếu chỉ có thế cũng chẳng có gì đáng trách, đàng này một số ông thiếu úy già giữ chức khối trưởng, tổ trưởng ở Trảng Lớn đã ra sức lấy điểm cách mạng và đì đám cải tạo tối đa.

Ở Trảng Lớn vào thời gian này hầu như không có lao động nặng, cho nên “đì” ở đây chỉ là bắt ra vườn nhổ cỏ tưới rau đúng giờ giấc, lao động tích cực (!) và – quan trọng hơn – bị kiểm điểm trong các buổi họp tổ mỗi tối về hành động, lời ăn tiếng nói.

Tổ của tôi chỉ có một mình tôi cấp bậc trung úy, còn lại toàn là thiếu úy, tất cả đều còn trẻ trừ ông tổ trưởng, Thiếu úy T, đã có cháu nội cháu ngoại, được xem là người bị ghét thứ nhì trong khối, chỉ sau ông thiếu úy già khối trưởng!

Tới mức một tay thiếu úy trẻ trong tổ đã hăm dọa khi nào được thả sẽ tìm tới tận nhà ông Thiếu úy T để “hỏi thăm sức khỏe”.

Về phần tôi, chẳng phải tôi ngon lành hơn ai, mà có lẽ do cái “máu Phú Quốc”, trong các buổi họp tổ tôi đã thẳng thừng phê bình ông tổ trưởng về cung cách, thái độ đối với anh em trong tổ.

Để thủ thân, và cũng vì đôi khi có cán bộ quản giáo đứng phía sau theo dõi diễn tiến buổi họp, tôi thường sử dụng tối đa “từ cách mạng”, mở miệng ra là ca tụng chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và nhà nước, quyết tâm học tập tiến bộ để trở thành người công dân lương thiện, góp phần xây dựng đất nước…, nhưng tất cả những gì tôi trình bày đều có mục đích quy kết ông thiếu úy tổ trưởng vào các “tội” quan liêu hống hách, trù dập, khủng bố tinh thần, khiến anh em hoang mang, không tin tưởng vào đường lối chính sách của cách mạng, và nhất là luôn luôn lo sợ bị tổ trưởng, khối trưởng báo cáo những tiêu cực của mình trong quá trình học tập cải tạo…

Mười lần như một, tôi đều mượn “lời vàng ngọc” của quản giáo để đi tới kết luận “các cải tạo viên phải giúp đỡ lẫn nhau cùng học tập tiến bộ chứ không chỉ tiến bộ một mình”!

Thành thật mà nói, khi tấn công Thiếu úy T, tôi cũng không được “lương thiện” cho lắm, mà có lúc cưỡng từ đoạt lý, có lúc cố tình chụp mũ, không ngoài mục đích hạ ông tổ trưởng.

Kết quả tốt đẹp không ngờ!… Bị cô lập, Thiếu úy T dần dần cảm thấy thấm và thay đổi quá sự mong đợi của mọi người. Ông không chỉ ngưng đì anh em mà còn trở nên hòa nhã, hiền lành, và – khó tin nhưng có thật – ông tìm cách thân thiện, gần gũi với tôi.

Dĩ nhiên, tôi cũng chẳng hẹp hòi gì, và cuối cùng tôi trở thành… tri kỷ để nghe ông tâm sự: đường đời, binh nghiệp, chuyện gia đình, đủ thứ chuyện, và thường được ông ưu ái mời vấn một điếu thuốc rê sau bữa cơm chiều… Một ngày nọ, ông nói với tôi:

– Tao thề với mày, tao chưa hề báo cáo một thằng nào trong tổ cả!

Tôi tin lời ông, và cảm thấy hơi ân hận vì trước đây đã “chơi” ông quá đáng. Qua kinh nghiệm này, từ đó về sau, tôi đã phải cẩn trọng, đắn đo hơn trong việc quy kết người này người kia làm tay sai, làm ăng-ten để hại anh em bạn tù. Bởi rất có thể họ xun xoe lấy điểm đám cán bộ chỉ vì chết nhát và an phận chứ không đến nỗi phản bội, đâm sau lưng anh em!

“Sáu Lèo về làng”

Tới đây xin viết về biệu hiệu “Sáu Lèo”.

Mọi sự bắt đầu từ cây đàn ghi-ta đóng ở Thành Ông Năm mà tôi đem về từ Phú Quốc. Vào thời điểm chúng tôi về Trảng Lớn, anh em tù cải tạo ở đây đã có thì giờ và phương tiện đóng những cây đàn ghi-ta gần giống như đàn thật, thùng đàn cũng có eo hình số 8, mặt đàn bằng ván ép đánh vẹc-ni, bộ khóa lên dây đàn bằng kim loại và dây đàn o-ri-gin do thân nhân gửi vào…

Vì thế, họ đặt cho cây đàn thô lậu, thùng đàn hình quan tài của tôi một cái tên vừa mỉa mai vừa khôi hài nhưng khá chính xác: cây đàn Tô-bia. “Tobia” nguyên là tên một nhà hòm nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975.

Nhưng cũng nhờ cây đàn Tô-bia mà tôi có cơ hội quan hệ với đám “văn nghệ sĩ” trong khối, và sau này nó đã trở nên đắc dụng khi trở thành cây đàn bass (bass guitar) của ban nhạc.

Số là Hoàng, một tay thiếu úy trước kia chơi bass trong một ban nhạc trẻ, đã khám phá ra ưu điểm cộng hưởng (acoustic resonance) của cây đàn Tô-bia và đề nghị tôi trao cho hắn sử dụng làm đàn bass.

Thời gian này, ít nhất cũng là ở Trảng Lớn, tù cải tạo chưa ai dám chơi nhạc vàng mà thường chỉ hòa tấu một vài bản “nhạc cách mạng” để che mắt quản giáo, còn phần lớn là chơi nhạc ngoại quốc không lời, trong đó có hai bản của “các nước xã hội chủ nghĩa anh em” là Guantanamera (tôi đã viết trong một kỳ trước) và Tình Ca Du Mục. (xem Phụ Lục)

* * *

Khoảng hai tháng sau ngày tù cải tạo Phú Quốc về Trảng Lớn, sự nghi kỵ, chia rẽ giữa dân Phú Quốc và dân Trảng Lớn đã giảm bớt khá nhiều. Riêng tôi còn có điểm với ông thiếu úy già khối trưởng nhờ mấy bài thơ con cóc ca tụng cách mạng được đưa lên “báo tường” của khối, cũng là tờ báo tường duy nhất của cả T.

Tôi biết ngày ấy có khá nhiều anh em tù cải tạo bất mãn vì cho rằng tôi là một thằng lấy điểm cách mạng; thậm chí gần 10 năm sau ở Úc, vẫn còn một anh bạn tù Trảng Lớn gốc Võ Bị Đà Lạt nghĩ như thế!

Thực ra, thâm ý của tôi khi đề cao những thành tích ba xạo (du kích dùng cung nỏ bắn rớt trực thăng…), những chuyện tề thiên (MiG đậu trên mây phục kích B-52…), những khoa trương lố bịch. . ., qua những bài thơ con cóc tận dụng tối đa “từ cách mạng” ấy là để khôi hài, mỉa mai, châm biếm.

Tuy nhiên, trong khi hết lời ca tụng “cách mạng”, ra sức đả phá “đế quốc Mỹ”, tôi cũng tự đặt ra cho mình một giới hạn: không bao giờ nhục mạ “phe ta”, hoặc sử dụng mấy chữ “ngụy quân, ngụy quyền”!

Chính nhờ tài thơ văn (tạm gọi như thế), tôi được ông thiếu úy khối trưởng giao trách nhiệm thực hiện một vài tiết mục văn nghệ để tham gia cuộc thi đua mừng lễ “quốc khánh 2 tháng 9”.

Sau khi hội ý với nhau, anh em trong ban văn nghệ quyết định sẽ trình diễn hai tiết mục: một màn vũ và một vở kịch ngắn. Màn vũ do Th, một chàng thiếu úy CTCT tài hoa, “chủ bút” tờ báo tường của khối, đảm trách, còn vở kịch ngắn do tôi thực hiện.

Màn vũ do bốn “nữ vũ công” biểu diễn với nhạc nền là một ca khúc cách mạng. Để tạo sự bất ngờ cho khán giả, kể cả anh em trong khối, tiết mục này đã được giữ bí mật tối đa.

Còn vở kịch ngắn của tôi có tựa đề “Sáu Lèo về làng” do tôi thủ vai chính, nội dung kể về nhân vật Sáu Lèo, một tay thiếu úy đi cải tạo được thả về, bị dân quân xã bắt giữ vì nghi ngờ trốn trại, sau khi chứng minh mình đã học tập tiến bộ và được trả quyền công dân, đã được cả thôn đón mừng, trong đó có cô thôn nữ đã đợi chờ chàng từ bao năm…

Cốt truyện tầm thường, tẻ nhạt ấy được tôi thể hiện dưới hình thức hài kịch qua những màn đối thoại sặc mùi tuyên truyền khẩu hiệu, sử dụng từ cách mạng tối đa, và cường điệu tới mức phi lý, chẳng hạn cảnh ông bố vợ tương lai quê mùa, thất học lại có khả năng chất vấn Sáu Lèo về 10 bài học chính trị, ăn nói lưu loát còn hơn đám giáo viên thứ thiệt, hoặc cảnh bà mẹ của Sáu Lèo đòi nắn “chim” của thằng con trai độc nhất xem nó có bị “teo” (vì bị cách mạng cho uống thuốc teo) như tin đồn thất thiệt hay không…

Gần tới ngày trình diễn, tôi và Th quyết định gộp màn vũ và vở kịch thành một tiết mục duy nhất.

Buổi tối 1 tháng 9, 1976, dãy nhà của khối chúng tôi – vốn là dãy nhà rộng lớn nhất và có ba mặt sân – được gỡ bớt sạp ngủ lấy để chỗ dựng một sân khấu dã chiến và xếp một hàng ghế cho tay thủ trưởng và đám cán bộ quản giáo ngồi; các tấm vách, nếu có, đều được tháo gỡ để “khán giả” có thể theo dõi từ ngoài sân.

Tôi còn nhớ màn trình diễn của khối tôi là tiết mục thứ nhì; và đã được đại đa số khán giả tiên đoán sẽ đoạt giải nhất, mặc dù còn tới hai khối chưa trình diễn!

Ngay sau khi “mở màn”, khán giả đã vô cùng thích thú với màn vũ hấp dẫn của bốn cô “thôn nữ”!

Chính tôi cũng phải ngạc nhiên và phục anh bạn trẻ Th sát đất. Chẳng hiểu bằng cách nào đó, chỉ với bốn cái nón lá, Th đã biến bốn đực rựa thành bốn cô gái sexy – ngực tấn công mông phòng thủ – ưỡn ẹo một cách đầy khiêu khích, khiến đám khán giả tù cải tạo huýt gió um sùm!

Rồi tới màn đối đáp giữa Sáu Lèo và ông nhạc tương lai. Trong khi ông lão nông dân quê mùa ấy thao thao bất tuyệt về đường lối chính sách của cách mạng, về cuộc sống hạnh phúc ấm no dưới chế độ mới, “nhà nào cũng có đài, đổng, đạp…”, về viễn ảnh tươi sáng “mỗi nhà sẽ làm chủ một chiếc ô-tô như lời đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tuyên bố”…, thì gã Sáu Lèo lại (cố tình) ấp a ấp úng, sử dụng từ cách mạng trật duột, tạo ra một sự tương phản nực cười…

Vừa làm trò hề diễu cợt cách mạng trên sân khấu, tôi vừa liếc mắt xuống quan sát, thấy đám cán bộ quản giáo cũng cười thoải mái, riêng viên Thượng úy thủ trưởng ra vẻ nghiêm chỉnh hơn, thỉnh thoảng mới nhếch mép.

Về phần ông thiếu úy già khối trưởng, thấy màn kịch được khán giả hoan hô nồng nhiệt, đã tin chắc màn thi đua của khối mình sẽ đoạt giải.

Ngày hôm sau, 2 tháng 9, trại mổ heo mừng ngày lễ lớn, mỗi khối được phân phối vài ký thịt để tù cải tạo ăn lấy hương lấy hoa. Ông khối trưởng dẫn các “anh nuôi” (tổ nhà bếp) đi mổ heo và lãnh thịt, khi trở về mặt mày không lấy gì làm hồ hởi phấn khởi cho lắm, hỏi ra mới biết “giải văn nghệ 2 tháng 9” đã về tay khối khác!

Mấy bữa sau, khi đi giao ban về (giao ban: gặp cán bộ để báo cáo và nhận chỉ thị), ông khối trưởng kể với tôi rằng trong lúc chỉ có hai người với nhau, ông nêu thắc mắc với Thiếu úy Mai, cán bộ quản giáo của khối, tại sao màn trình diễn của khối mình được hoan hô nhiều nhất mà lại không đọat giải, viên quản giáo trả lời:

– Các anh xỏ xiên châm biếm cách mạng, thủ trưởng chưa hỏi tội là còn may cho các anh đấy!

Dĩ nhiên, trong bụng thì khoái chí cười thầm nhưng ngoài miệng tôi ra sức phủ nhận cáo buộc này, nói với ông khối trưởng rằng chắc có tay nào ở khối khác “thoọc” đây!

Miệng thì nói thế nhưng trong lòng tôi cũng hơi lo, chuẩn bị tinh thần để nếu bị ban chỉ huy trại gọi lên “làm việc” thì đã có sẵn bài bản để chống đỡ.

Bài bản ấy tôi đã sử dụng một lần ở Phú Quốc và tỏ ra rất hiệu quả!

* * *

Ngày ấy, trong một buổi công tác sản xuất, làm cỏ đám rẫy trồng bắp phía sau dãy nhà của ban chỉ huy trại, tới giờ giải lao, Thiếu úy Tuấn, một trong những cán bộ quản giáo của khu trung úy thiếu úy, tới gần và nói nho nhỏ đủ để một mình tôi nghe: anh ta yêu cầu tôi vào lúc 3 giờ chiều ra ban chỉ huy trại để “làm việc” với cán bộ.

Tôi biết ngay có chuyện chẳng lành. Bởi vì một tù cải tạo mà được gọi lên “làm việc” thì một là được lọt vào mắt xanh của cán bộ trại để giao nhiệm vụ theo dõi, báo cáo những anh em “kém tiến bộ”, gọi nôm na là làm “ăng-ten”, hai là bản thân người đó bị ăng-ten báo cáo, nay bị kêu lên “kiểm điểm”.

Ngay từ ngày còn ở Thành Ông Năm tôi đã có tiếng là hay phát ngôn bừa bãi, châm biếm cách mạng, mà nếu tới tai cán bộ có thể bị gán cho cái mác “phản động”. Không biết bao lần Trần Ngọc Tự đã khuyên tôi thế này thế khác, nhưng tôi vẫn chứng nào tật nấy. Nay bị gọi lên “làm việc” thì chắc chắn là để bị kiểm điểm chứ không phải được lọt vào mắt xanh của cán bộ!

Quả thật không sai! Buổi chiều hôm ấy tại ban chỉ huy trại, tôi đã bị tay Thiếu úy Tuấn phủ đầu bằng cách kể ra một lô tội, nào là “xuyên tạc đường lối chính sách của đảng và nhà nước, nói xấu chế độ”, nào là “đã không chịu ăn năn hối cải còn tuyên truyền, xúi dục, khích động người khác chống lại cách mạng …”, rồi anh ta kết luận với một giọng đầy hăm dọa:

“Trước kia các anh có cả triệu quân, có đế quốc Mỹ đứng sau lưng mà vẫn thua cách mạng, giờ này không hiểu các anh còn mơ tưởng cái gì… Sĩ quan chiến tranh chính trị các anh là công cụ tuyên truyền của Mỹ Ngụy, đầu óc các anh đã bị chúng nhồi nhét tư tưởng phản động, khổng thể một sớm một chiều gột rửa, nhưng Đảng và nhà nước luôn luôn kiên trì, sẽ tiếp tục cải tạo các anh…, 5 năm, 10 năm, 15 năm…, cho tới khi nào các anh giác ngộ cách mạng, không còn tư tưởng chống đối nữa mới thôi…”

Nghe viên quản giáo hài tội, tôi biết có chối cũng vô ích, bèn nhìn nhận tất cả, nhưng thay vì xuất phát từ đầu óc phản động, tôi đổ tội cho bản tính khôi hài diễu cợt của mình. Để có thêm sức thuyết phục, tôi còn kể ra những vụ “rắc rối” với các cấp chỉ huy của tôi trong quân đội trước năm 1975, cũng chỉ vì cái tật châm biếm, phát ngôn bừa bãi của mình…

Chính vì tôi không chối cãi quanh co mà “nhận tội” cái một, viên thiếu úy quản giáo có vẻ hơi cụt hứng; anh ta cảnh cáo tôi thêm vài câu nữa rồi bắt viết tờ kiểm điểm, cam kết “không phát ngôn linh tinh, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy trại, cố gắng học tập cải tạo, lao động tốt để trở thành người tiến bộ”, nếu tái phạm sẽ chịu mọi biện pháp kỷ luật…

Trở lại trại cải tạo Trảng Lớn, sau một tuần chờ đợi mà không thấy quản giáo gọi lên “làm việc”, tôi biết mình đã thoát nạn. Và để đề phòng việc bị ăng-ten báo cáo, tôi tự nhủ từ nay phải cố gắng giữ mồm giữ miệng.

Nhưng những anh em quen biết đâu có thấu hiểu sự tình, trong khi tôi cố tránh nhắc lại vở kịch “Sáu Lèo về làng” thì họ hầu như đã quên hẳn cái tên cúng cơm của tôi để chỉ còn gọi là “Sáu Lèo”, riêng đám thiếu úy trẻ thì cứ một điều “anh Sáu”, hai điều “anh Sáu”!

Sau này khi cả tôi và Trần Ngọc Tự đã ra tù, tôi càng thấy mình may mắn hơn khi được biết ngày ấy, ông bạn quý hóa của tôi sau khi về Long Giao đã bị đưa ra bắc cũng chỉ vì cái tội xỏ xiên cách mạng trong chương trình văn nghệ “mừng xuân thống nhất” vào dịp Tết năm đó.

* * *

Gần cuối năm 1976, tù cải tạo ở Trảng Lớn được thăm nuôi lần đầu tiên. Tôi được mẹ và bà xã lên thăm.

Lúc này đám tù Phú Quốc chúng tôi sau mấy tháng được “bồi dưỡng” (dù chỉ là ăn độn rau) và không phải lao động khổ sai, đã phương phi béo tốt trắng trẻo hẳn ra; có lần đám anh nuôi đem cái cân gạo về khối, tôi đu lên để cân thử thì thấy cũng được khoảng 53, 54 ký, tương đương với trước năm 1975!

Thực ra cái “béo tốt” nhờ ăn độn rau chỉ là “phồn vinh giả tạo”, “người khổng lồ chân đất sét” (từ của CSVN), nhưng đa số thân nhân lên thăm nuôi đâu có biết điều đó.

Thấy mẹ tôi tươi cười nắn nắn cánh tay của tôi vì thấy thằng trưởng nam cũng có da có thịt chứ không đến nỗi nào, tay Thiếu úy Mai đang đi tới đi lui trong phòng thăm nuôi liền dừng lại, hỏi mẹ tôi với giọng cởi mở:

– Sao, bác thấy cách mạng nuôi anh ấy thế nào?

– Cám ơn các anh, trông nó khỏe mạnh như vầy tôi cũng yên tâm. Chỉ mong sao nó sớm được về lo làm ăn nuôi vợ con…

– Bác cứ yên chí, khi nào anh ấy học tập tiến bộ thì cách mạng sẽ cho về thôi… Nói cho ngay thì anh Thiện đây các mặt đều tốt cả, chỉ phải cái tội lúc nào cũng đeo kính và hay châm biếm cách mạng thôi!

Sau đó, tay quản giáo còn ân cần hỏi chuyện mẹ tôi và vợ tôi về công việc làm ăn sinh sống một hồi rồi mới bỏ đi.

Nhận tiện cũng xin viết đôi dòng về sự dị ứng của đám cộng sản Bắc Việt trước những người tù cải tạo đeo kính cận thị. Có lẽ bọn họ cho rằng đeo kính là biểu hiện của giai cấp trí thức tiểu tư sản – giai cấp mà họ thường cay cú miệt thị “trí thức như các anh mà không giác ngộ cách mạng thì không giá trị bằng cục phân!”

Vì thế, để tránh bị nghe bọn họ xỉa xói, mỗi khi đi lao động, ra tới nơi chúng tôi thường cất cặp mắt kính vào trong túi áo để được yên thân.

Về thái độ tử tế của viên Thiếu úy Mai, dĩ nhiên phải có nguyên nhân của nó.

Nguyên anh ta là một người vừa đầu có sạn vừa có khả năng tiếp thu nhanh, nói nôm na là láu cá. Chỉ một thời gian ngắn sau khi cấp trung úy thiếu úy bị đi học tập cải tạo, anh ta đã biết cách mánh mung, làm tiền các gia đình có chồng con bị nhốt ở Trảng Lớn với những lời hứa hẹn hão huyền.

Sau khi tỏ thái độ cởi mở thân thiện với gia đình tôi, anh ta chỉ bỏ đi sau khi biết mẹ tôi ở tận Trảng Bom còn vợ tôi thì buôn bán ngoài chợ trời, ăn nhờ ở đậu bà ngoại ở Sài Gòn, không biết bị bắt đi kinh tế mới lúc nào, thì vàng bạc đâu mà đút lót chạy chọt!

[Mấy năm sau, khi đã về Suối Máu, tôi được một bạn tù gốc Trảng Lớn cho biết Thiếu úy Mai đã bị bắt sau khi các vụ anh ta lấy vàng của gia đình cải tạo (với lời hứa lo cho về sớm!) bị đổ bể]

Sau khi Thiếu úy Mai bỏ đi, mẹ tôi nhìn tôi cười tủm tỉm:

– Làm sao mà anh ta lại bảo là “cậu cả” châm biếm cách mạng?

Mẹ tôi chỉ hỏi cho có, chứ bà đi guốc trong bụng tôi. Thành thử tôi cũng chỉ tủm tỉm cười chứ không trả lời.

[Khi nào có dịp, tôi sẽ viết về mẹ tôi, một phụ nữ không được ăn học nhiều nhưng lập trường quốc gia và thành tích chống cộng vượt xa gã trưởng nam trung úy CTCT của bà]

* * *

Nếu không kể một hai tháng đầu bị anh em Trảng Lớn “kỳ thị”, với riêng tôi, thời gian nửa năm ở đây phải được xem là “những ngày nghỉ mát” trong cuộc đời cải tạo.

Nhưng bên cạnh đó, thời gian ở Trảng Lớn cũng để lại hai kỷ niệm buồn: hai người bạn trẻ của tôi, một bị cưa chân một về bên kia thế giới.

Người bị cưa chân là Sơn, một thiếu úy trẻ cùng đơn vị Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân (Biên hòa). Trước năm 1975 tôi không biết Sơn vì có tới cả trăm sĩ quan các cấp trong một đại đơn vị tương đương cấp Sư Đoàn, nhưng Sơn thì biết tôi bởi tôi là một trong hai sĩ quan có nhiệm vụ thuyết trình trong các buổi học tập CTCT.

Sơn gốc Nam kỳ, vui vẻ, lanh lẹ, hoạt bát, ở Trảng Lớn từ đầu mùa, thích chơi bóng chuyền chứ không đàn địch cho nên không ở trong nhóm bạn thân của tôi; tuy nhiên, vì là hai tù cải tạo duy nhất trong khối trước kia ở cùng đơn vị, chúng tôi thường trò truyện, hỏi han nhau, nhắc nhớ những kỷ niệm xưa…

Khoảng hơn một tháng sau khi tù cải tạo Phú Quốc được đưa về Trảng Lớn, trong một lần đi lao động hiếm hoi, tổ của Sơn được phân công cắt tranh ngoài vòng đai căn cứ. Mới khoảng 11 giờ, toán cắt tranh đã về trại, khá sớm hơn thường lệ.

Nghe tiếng anh em xôn xao, tôi tiến lại nghe thì được biết trong lúc cắt tranh, Sơn đạp trúng mìn, bị thương và được anh em khiêng tới bệnh xá.

Kinh nghiệm ở Phú Quốc cho tôi biết Sơn đạp phải mìn cóc, chứ nếu đạp phải “ba râu” thì đã tan xác rồi!

Như vậy chắc chắn Sơn sẽ bị cưa chân phía trên mắt cá. Nghĩ tới cảnh Sơn trở về trên đôi nạng gỗ, lòng trôi chùng xuống. Tôi và một vài anh em cùng tổ với Sơn xin lên bệnh xá thăm nhưng không được phép.

Cùng khoảng thời gian, An Đình Phương, chàng thiếu úy trẻ ở cùng tổ với tôi ở Thành Ông Năm trước đây, cùng ra Phú Quốc rồi về Trảng Lớn, đã kiệt lực, đi đứng phải vịn cột, hầu như không ăn uống gì nữa, nên được ban chỉ huy trại cho khiêng lên bệnh xá.

Trước khi Phương được đưa đi, tôi tiến tới bên cạnh cầm tay anh nói mấy lời khích lệ, nhưng Phương không còn đủ sức để trả lời, chỉ ngước mắt nhìn tôi – cái nhìn xa vắng lạ thường khiến tôi liên tưởng tới những điều tệ hại nhất.

Thật vậy, đó là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy nhau bởi chỉ khoảng hai tuần sau, An Đình Phương đã vĩnh viễn ra đi tại bệnh xá.

Theo “tiêu chuẩn” quy định, tù cải tạo chết sẽ được bó chiếu chôn chứ không có hòm, nhưng vì anh em trong khối ra sức năn nỉ và cũng vì thời gian này tay Thiếu úy Mai đang tìm cách “thân thiện có ý đồ” với tù cải tạo trong khối, nên anh em trong tổ mộc được phép tự kiếm vật liệu để đóng một cái hòm cho An Đình Phương.

Nhưng kiếm đâu ra vật liệu? Cuối cùng anh em quyết định gỡ mấy miếng gỗ tương đối lành lặn nhất trên sạp ngủ. Kết quả, An Đình Phương cũng có được một cái hòm, cho dù vá víu và lũng nhiều lỗ thì cũng được tiếng là chết chôn có hòm chứ không phải chôn bó chiếu!

Nguyễn ĐS, trung úy Nha Quân Pháp cùng tổ với tôi và An Đình Phương ở Thành Ông Năm trước đây, là một trong những anh em được lên bệnh xá đưa Phương đi chôn.

Theo lời kể lại của Nguyễn ĐS, trước khi Phương được bỏ vào hòm, tay Thiếu úy Mai nói anh em tháo gỡ tư trang vàng bạc trên người chết để lập biên bản sau này giao lại cho gia đình, anh em đã chỉ gỡ cái đồng hồ đeo tay và sợi dây chuyền trên cổ, còn cái nhẫn cưới thì để Phương mang theo xuống mồ.

* * *

Khoảng một tháng sau, Sơn được đưa về khối. Tôi không dám ra sân đón Sơn bởi tôi sợ phải đối diện với hình ảnh “người về nay đã cụt chân” và cũng vì không biết phải nói gì với Sơn.

Đợi anh em dãn bớt, tôi mới tới chỗ Sơn nằm và giật mình khựng lại khi thấy anh bị cưa chân ở tận bên trên đầu gối.

Nguyên sau Sơn khi đạp phải mìn và được đưa tới bệnh xá, y sĩ (bộ đội) tiến hành cưa chân ở phía trên mắt cá. Cưa “sống” chứ không có thuốc mê, thuốc tê gì cả!

Trước đây khi còn ở Thành Ông Năm, tôi đã nghe kể một vị đại úy chui rào vượt thoát bị bắn trọng thương, đã được mổ “sống” tại bệnh xá. Có thể vì ở bệnh xá Thành Ông Năm không có thuốc mê, thuốc tê, cũng có thể vì vị đại úy bị bắn trong lúc “trốn trại” cho nên không được đối xử như tù cải tạo bình thường.

Nhưng cưa “sống” thì không ai có thể tưởng tượng nổi. Nghe Sơn kể lại việc anh bị cột cứng vào cái giường sắt để y sĩ cưa chân, tôi rùng mình!

Nhưng Sơn không chỉ bị cưa một lần!…

Cưa xong, vì không có trụ sinh, vết thương làm độc, cuối cùng lại phải cưa lần thứ hai, bên trên đầu gối; và lần này nếu lại bị làm độc nữa thì… theo ông bà! Cũng may, Sơn chưa tới số!

Nghe Sơn kể lại những diễn tiến kinh hoàng ấy một cách bình thản, tôi phục anh vô cùng.

Càng cảm phục hơn khi sau đó anh đã hòa nhập trở lại cuộc sống thường nhật trong khối, không một chút mặc cảm, không một lời oán trách số phận, chưa kể nhiều khi còn đem cái chân cụt của mình ra làm đề tài khôi hài!

Thực ra, ngay sau khi bị cưa chân, Sơn đã không muốn sống nữa, nhưng nhớ tới vợ con, anh quyết định phải sống, cho dù sống thừa, để mong có ngày được nhìn lại những người thân yêu. Nhưng tới khi bình phục, anh lại không chấp nhận sống thừa, mà thách thức số phận, ngẩng đầu ngạo nghễ với cao xanh…

Những diễn tiến lạc quan ấy đã khiến tôi được an ủi rất nhiều, và cảm thấy hoàn toàn yên tâm khi chúng tôi chia tay nhau vào cuối năm.

Để rồi trong những năm tháng cải tạo tiếp theo đó, mỗi khi đau khổ, tuyệt vọng, kể cả cái lần tử thần đã lảng vảng bên cạnh giường ở Sông Bé, tôi lại nhớ tới tấm gương phấn đấu của Sơn để có thêm sức mạnh.

(Còn tiếp)

PHỤ LỤC:
Tình Ca Du Mục

Tình Ca Du Mục là tựa đề phiên bản lời Việt của ca khúc Dorogoj Dlinnoyu (Con đường dài hun hút) của Nga. Trước khi ca khúc này trở nên nổi tiếng quốc tế vào năm 1968 qua phiên bản lời Anh Those Were The Days, đa số người cầm bút lẫn người thưởng thức đều cho đây là một bài hát dân gian Nga của một tác giả khuyết danh. Chỉ sau khi bức màn sắt được hé mở, các nhạc sử gia mới chứng minh được đây là một sáng tác của nhạc sĩ Boris Fomin với lời hát của thi sĩ Konstantin Podrevskii.

Có thể so sánh Boris Fomin (1900–1948) với Văn Cao của VN, có khác chăng là đoạn kết của nhà nhạc sĩ Nga bi thảm hơn nhiều: sau khi bị Đảng gạt sang bên lề, bạn bè xa lánh, Boris Fomin sống trong cô đơn đói khổ, và chết vì bệnh lao phổi vào tuổi 48!

Dorogoj Dlinnoyu được Boris Fomin viết vào khoảng năm 1917, 1918, với lời hát do chính ông đặt, nội dung nuối tiếc những ngày tháng cũ. Bản này được ông đề tặng cô bạn học Mania Nebolsina, sau trở thành người bạn đời của ông…

Nếu không kể lời hát mà chỉ xét về phần nhạc, Dorogoj Dlinnoyu có giai điệu và nhịp nhảy tương tự một vũ điệu hoang dại của dân du mục (gypsy) sống ở Nga.

Tới năm 1924, thi sĩ Konstantin Podrevskyi (1888-1930) đã dựa vào ý tưởng trong nguyên tác của Boris Fomin để đặt lời hát mới, phong phú và có giá trị văn chương cao hơn, cũng là lời hát được sử dụng hiện nay. Lời hát (mới) của Dorogoj Dlinnoyu diễn tả nỗi tiếc nhớ tuổi thanh xuân của một người khi nhìn về quá khứ.

Năm 1925, Dorogoj Dlinnoyu được thu đĩa lần đầu tiên, và sau đó theo đoàn lưu dân (những người chạy trốn chế độ cộng sản) ra nước ngoài. Với những con người phải biệt xứ ấy, lời hát của ca khúc hoài niệm quá khứ tươi đẹp này càng thêm thấm thía.

Trong khi đó tại Liên Xô, trong “cuộc đại khủng bố văn hóa” năm 1929, Dorogoj Dlinnoyu cùng một loạt bài tình ca của Boris Fomin đã bị cấm vì bị liệt vào hàng tác phẩm “phản cách mạng”!

Riêng thi sĩ Konstantin Podrevskyi, tác giả lời hát, thì ngoài việc toàn bộ các tác phẩm thi, văn, dịch thuật của ông bị cấm, còn bị khép vào tội trốn thuế, gia sản bị tịch thu; ông bị khủng hoảng tinh thần và chết vì trầm cảm vào tháng 2-1930.

Về phần Boris Fomin, tới khi xảy ra cuộc “chiến tranh vệ quốc” (Đệ Nhị Thế Chiến), đã được chế độ cộng sản “trọng dụng” để sáng tác những vở ca nhạc kịnh “yêu nước”, nhưng Dorogoj Dlinnoyu thì vẫn bị cấm hát. Vì thế, theo thời gian, ca khúc này cùng với tên tuổi tác giả đã chìm vào quên lãng.

[Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, Boris Fomin bị thất sủng và qua đời năm 1948]

Trong khi tại hải ngoại, người Nga lưu vong cũng chẳng mấy ai biết, hoặc nhớ tên tác giả, cho nên về sau hầu như mọi người đều tin rằng Dorogoj Dlinnoyu là một ca khúc dân gian Nga của một tác giả khuyết danh.

Thời gian dần trôi, gần nửa thế kỷ sau, năm 1968, Dorogoj Dlinnoyu bỗng vụt nổi tiếng quốc tế, với lời hát bằng tiếng Anh, có tựa đề Those Were The Days, qua sự trình bày của nữ ca sĩ Tô-cách-lan Mary Hopkin.

Tác giả lời Anh Those Were The Days là nam ca nhạc sĩ du ca Eugene Raskin (1909-2004).

Eugene Raskin, thường được người Mỹ gọi tắt là “Gene Raskin”, có nguồn gốc di dân Nga, ra chào đời tại Nữu Ước. Ông tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Đại học Columbia University rồi giảng dạy bán thời tại trường này trong suốt 40 năm (1936-1976). Song song, ông còn là một thi sĩ, văn sĩ, kịch tác gia, và ca nhạc sĩ du ca.

Sau khi được nghe bản Dorogoj Dlinnoyu lần đầu tiên vào cuối thập niên 1950 trong cuốn phim Anh em nhà Karamazov (The Brothers Karamazov) do hãng MGM của Mỹ thực hiện, Gene Raskin đã có ý định gửi gấm tâm tình của mình vào dòng nhạc.

Nguyên từ ngày còn là sinh viên, Gene Raskin thường lui tới quán rượu White Horse ở khu Greenwich Village, một địa danh có thể so sánh với “con đường Duy Tân, cây dài bóng mát” của Sài Gòn trước năm 1975.

Trong suốt 3, 4 chục năm lui tới quán này, Gene Raskin đã chứng kiến bao thế hệ sinh viên đến rồi đi, bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm, để rồi một ngày nào đó có dịp trở lại chốn xưa, bỗng thấy quá khứ hiện về, nhìn lại mình: tuổi đời chồng chất bao nhọc nhằn, đắng cay mà tâm hồn thì vẫn ngây dại. Bởi trong tim, khát vọng của tuổi thanh xuân, ước mơ của một thời hoa mộng, vẫn mãi mãi còn đó.

Gene Raskin viết lời hát của Those Were The Days vào năm 1962, và cùng cô vợ Francesca thu đĩa; tuy nhiên vì “Gene & Francesca” chỉ là một đôi song ca tài tử cho nên Those Were The Days cũng chỉ được biết tới trong khuôn viên đại học và giới hát du ca ở Mỹ.

Phải đợi tới năm 1968, sau khi được Mary Hopkin, một “mầm non” gốc Tô-cách-lan do Paul McCartney (của ban The Beatles) khám phá, thu đĩa, Those Were The Days mới thực sự nổi tiếng quốc tế và làm mưa gió trên các bảng xếp hạng khắp năm châu.

Those Were The Days

(1)
Once upon a time there was a tavern
Where we used to raise a glass or two
Remember how we laughed away the hours
And dreamed of all the great things we would do

REFRAIN:
Those were the days my friend
We thought they’d never end
We’d sing and dance forever and a day
We’d live the life we choose
We’d fight and never lose
For we were young and sure to have our way.
La la la la…

(2)
Then the busy years went rushing by us
We lost our starry notions on the way
If by chance I’d see you in the tavern
We’d smile at one another and we’d say

REFRAIN:
Those were the days my friend
We thought they’d never end
We’d sing and dance forever and a day
We’d live the life we choose
We’d fight and never lose
Those were the days, oh yes those were the days
La la la la…

(3)
Just tonight I stood before the tavern
Nothing seemed the way it used to be
In the glass I saw a strange reflection
Was that lonely woman really me

REFRAIN:
Those were the days my friend
We thought they’d never end
We’d sing and dance forever and a day
We’d live the life we choose
We’d fight and never lose
Those were the days, oh yes those were the days
La la la la…

(4)
Through the door there came familiar laughter
I saw your face and heard you call my name
Oh my friend we’re older but no wiser
For in our hearts the dreams are still the same

REFRAIN:
Those were the days my friend
We thought they’d never end
We’d sing and dance forever and a day
We’d live the life we choose
We’d fight and never lose
Those were the days, oh yes those were the days
La la la la…

AUDIO:

Those Were The Days, MARY HOPKIN

Chỉ sau khi Those Were The Days trở nên nổi tiếng quốc tế, lệnh cấm Dorogoj Dlinnoyu tại Liên Xô mới được dần dần nới lỏng.

Riêng tại miền nam Việt Nam trước năm 1975, Those Were The Days được giới trẻ yêu nhạc ngoại quốc biết tới qua làn sóng điện các đài phát thanh và đài truyền hình của Quân đội Hoa Kỳ.

Sau năm 1975, khi tất cả mọi ca khúc của miền Nam cũng như của các nước tư bản, không cần biết có lời hát bằng tiếng Việt hay tiếng ngoại quốc, bị chế độ mới cấm hát, một tác giả (khuyết danh) biết được gốc gác Nga của Those Were The Days, đã đặt lời Việt với tựa đề Tình Ca Du Mục và ghi chú “dân ca Nga” để hợp thức hóa một ca khúc “tư bản phương Tây” do Mary Hopkin thu đĩa vốn đã được giới trẻ miền Nam yêu chuộng từ năm 1968.

Sau đó, trước sự phổ biến của Tình Ca Du Mục , các nhà làm văn hóa ở miền Bắc mới đưa Dorogoj Dlinnoyu vào danh sách những ca khúc nổi tiếng của Nga (hiện đang đứng hạng 10 trong Top 10).

GHI CHÚ: Một số người trong nước tin rằng “tác giả khuyết danh” của Tình Ca Du Mục chính là ca nhạc sĩ du ca Trần Tiến, người đã soạn lời Việt cho ca khúc Pháp Donna Donna của Claude François. Tuy nhiên vì trong danh sách chính thức các ca khúc do ông đặt lời Việt không hề có Dorogoj Dlinnoyu, chúng tôi tạm thời ghi “khuyết danh”.

* Tài liệu tham khảo: Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt – HOÀI NAM, t-van.net

VIDEO:

 Those Were The Days – Manca Izmajlova & Russian State Symphony Cinema Orchestra

https://www.youtube.com/watch?v=2UxC8AW_EKE

Helmut Lotti – “Those Were The Days”

https://www.youtube.com/watch?v=tX2sVv3yYgE

Tình Ca Du Mục – CS Triều Linh ft Thiên An Guitar

https://www.youtube.com/watch?v=sNGO1B2P7Pg

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search