T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

HOÀI NAM: CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 7)

CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 7)

Hồi ký
Hoài Nam NGUYỄN HỮU THIỆN

Kỳ 1   Kỳ 2  Kỳ 3  Kỳ 4  Kỳ 5 Kỳ 6

(tiếp theo kỳ 6)

CHƯƠNG 5 – Phước Long

Rời Trảng Bàng, đoàn xe chở tù cải tạo theo Quốc Lộ 1 (nay gọi là Quốc Lộ 22) xuôi hướng đông nam, qua Củ Chi tới Hóc Môn tôi nhận ra nhà thờ giáo xứ Bùi Môn ở phía bên tay mặt. Đây có lẽ là giáo xứ Bắc Kỳ di cư lớn nhất nhì trong vùng Hóc Môn; giữa thập niên 1960 có lần tôi đưa bà ngoại tới thăm một vị linh mục quen biết.
Qua khỏi Bùi Môn mấy cây số thì tới ngã tư Trung Chánh, quẹo trái là đường đi qua giáo xứ Trung Chánh trước khi tới cổng chính của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung của quân đội VNCH trước năm 1975, từng được ghi nhận là “lò luyện thép lớn nhất Đông Nam Á”.
Sở dĩ tôi khá rành vùng này là vì khoảng năm 1961, 1962, một người dượng của tôi phục vụ tại TTHL Quang Trung, mướn nhà ở ngoài cổng nhà thờ Trung Chánh.
Qua ngã tư Trung Chánh, tôi và những anh em biết việc tôi sử dụng quả lắc cảm xạ bắt đầu chăm chú theo dõi lộ trình của đoàn xe chở tù cải tạo. Bởi vì qua khỏi khu vực TTHL Quang Trung (cũ) sẽ tới ngã tư Quốc Lộ 1 – Xa Lộ Đại Hàn, nếu đi thẳng sẽ là đường về Sài Gòn qua ngả Bà Quẹo và Ngã Tư Bảy Hiền, còn quẹo trái sẽ là đường đi Bình Dương, Biên Hòa, và Tân Cảng Sài Gòn.
Sau khi đoàn xe quẹo trái vào Xa Lộ Đại Hàn, chúng tôi hồi hộp đợi chờ: tại ngã tư sắp tới nếu đoàn xe đi thẳng về Biên Hòa thì rất có thể chúng tôi sẽ bị đưa lên Long Giao, hoặc Lâm Đồng, nếu quẹo phải về Tân Cảng thì có nguy cơ bị đưa lên tàu ra Bắc, chỉ có quẹo trái vào Quốc Lộ 13 mới có thể đi Phước Long hoặc Quảng Đức như quả lắc của “Thầy Sáu Lèo” đã cho biết.
Đoàn xe quẹo trái thật!
Tới chợ Lái Thiêu, tôi lại thả hồn về quá khứ. Còn nhớ vào thưở thanh bình xưa cũ, từ Sài Gòn chạy xe gắn máy lên Lái Thiêu sáng đi chiều về thoải mái.
Ăn trưa ở chợ xong, vào vườn cây rợp bóng mát (thú vị nhất là đi với… người yêu), mua chôm chôm, sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ…, trước khi về không quên ghé chợ mua vài chục nem. Nem Lái Thiêu, theo tôi, ngon nhất… thế giới; độc giả gốc Huế có phản đối, tôi cũng không thay đổi lập trường!
Qua Thủ Dầu Một, tôi nhớ ở đây trước kia có căn cứ trực thăng Phú Lợi của Lục Quân Hoa Kỳ, các phi công CH-47 Chinook của Phi Đoàn 237, SĐ3KQ tới đây thực tập rồi nhận tàu đưa về Biên Hòa.
Xế chiều, khi bắt đầu thấy những rừng cao-su liên tiếp ở hai bên đường, một anh bạn gốc Sư Đoàn 5 Bộ Binh ngồi sát tôi từ hồi nào cho biết sắp tới ngã ba Chơn Thành, nếu tiếp tục đi thẳng (QL 13) sẽ đi lên Bình Long, Lộc Ninh, nếu quẹo mặt là Quốc Lộ 14 – đường đi lên Phước Long, hoặc xa hơn nữa là Quảng Đức.
Khi tới ngã ba Chơn Thành, đoàn xe quẹo mặt vào QL 14, anh bạn SĐ5BB nhìn tôi ra dấu hiệu No.1, nhưng chẳng bao lâu sau đó, nét mặt anh căng thẳng trở lại, bởi vì khi tới Đồng Xoài mới biết… 9 nút hay bù!
Chín nút là rẽ trái để đi Phước Long, bù là chạy thẳng QL 14 đi Quảng Đức (ngày nay gọi là tỉnh Dak Nông) rồi chạy dọc biên giới Việt – Miên trở thành đường mòn Hồ Chí Minh!
Cuối cùng, tới Đồng Xoài, đoàn xe rẽ trái! Tôi thở phào: “thầy Sáu Lèo” đã đoán trúng ngay trong lần đầu tiên sử dụng quả lắc cảm xạ!
Qua khỏi đồn điền cao-su Thuận Lợi khoảng 30 phút, đường đi giống như một con đường bỏ hoang, cây cối hai bên phủ kín, cành cây vươn ra đập cả vào mui xe; mặt đường càng lúc càng gồ nghề, nhiều lúc nghiêng hẳn về một bên… Xe chạy thật chậm khiến mọi người sốt ruột, và không khỏi lo ngại; có người hỏi lại anh Trung úy SĐ5BB có chắc đây là đường đi Phước Long hay không?
Anh trả lời chắc chắn đây là con đường độc đạo dẫn tới quận Phước Bình, và tỉnh lỵ của tỉnh Phước Long trước năm 1975, nay thuộc tỉnh Sông Bé.

Đôi dòng về PHƯỚC LONG và SÔNG BÉ:
Trước năm 1975, ngoài những người thuộc giới quân sự, không mấy người dân miền Nam biết tới, hoặc nghe nói tới “tỉnh Phước Long”. Một số người chỉ biết địa danh “Phước Long” là tên một xã thuộc quận Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Phải đợi tới tháng 1/1975, khi cộng sản ngang nhiên xé bỏ Hiệp Định Paris 1973, xua quân đánh chiếm tỉnh lỵ Phước Long, nhiều người mới biết tới địa danh này.

Theo tài liệu để lại, vào cuối năm 1956, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã chia miền Nam VN thành 22 tỉnh, trong đó có một số tỉnh mới.
Riêng tỉnh Biên Hòa cũ được chia thành 3 tỉnh: Biên Hòa, Long Khánh, và Phước Long. Lãnh thổ tỉnh Phước Long nguyên là quận Bà Rá của tỉnh Biên Hòa. Gọi là quận Bà Rá vì ở đây có núi Bà Rá, cao 733m, đứng hàng thứ ba tại miền Nam, sau núi Bà Đen, 986m ở Tây Ninh và núi Chứa Chan, 800m, ở Long Khánh.

clip_image002

Núi Bà Rá và phi trường dã chiến Phước Long

Vào thời miền Nam VN mới được độc lập, Bà Rá còn là một vùng rừng thiêng nước độc, chỉ có người Thượng sinh sống; trước đó, đây là nơi người Pháp đày tù khổ sai.
Tỉnh Phước Long gồm 4 quận: Phước Bình, Bố Đức (Bù Đốp), Đức Phong, và Đôn Luân. Tỉnh lỵ Phước Long nằm trong quận Phước Bình.
Ngày ấy, trong số những tỉnh mới được thành lập, Phước Long được xem là tỉnh quan trọng hàng đầu, về mặt kinh tế cũng như quân sự.
Về kinh tế, vùng đất đỏ màu mỡ chưa khai thác được đánh giá tốt nhất miền Nam, còn tốt hơn đất đỏ Long Khánh, lý tưởng để trồng hoa màu cũng như mở các đồn cao-su. Nhiều khu dinh điền được thành lập với dân cư đa số được đưa từ miền Trung vào.
Về quân sự, tiểu khu Phước Long khi kết hợp Bình Long, Lộc Ninh sẽ tạo thành một hệ thống cứ điểm quân sự liên hoàn bao vây, chia cắt vùng Nam Tây Nguyên với Chiến khu D, Chiến khu Dương Minh Châu của quân cộng sản, đồng thời ngăn chặn sự chi viện của Cộng Sản Bắc Việt cho Việt Cộng trong Nam qua ngả Căm-bốt.
Vì vị trí chiến thuật và tầm quan trọng, từ giữa năm 1965 (trước trận Đồng Xoài), Phước Long đã bị Việt Cộng tiến đánh nhiều lần, để rồi tới đầu năm 1975, đã lọt vào tay quân cộng sản vĩnh viễn.
Sau năm 1975, 3 tỉnh Phước Long, Bình Long và Bình Dương được CSVN gom lại thành tỉnh Sông Bé. “Sông Bé” là tên của một phụ lưu của sông Đồng Nai, bắt nguồn từ Phước Long chảy về tới Trị An (Biên Hòa) thì nhập vào sông Đồng Nai.
Tới cuối năm 1996, tỉnh Sông Bé lại bị tách ra làm 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Trong đó, tỉnh Bình Phước gồm lãnh thổ 2 tỉnh Bình Long và Phước Long cũ, tỉnh lỵ đặt thành phố Đồng Xoài, trước 1975 là quận lỵ của quận Đôn Luân.

Khi đoàn xe đi gần tới quận lỵ Phước Bình, khung cảnh trở nên quang đãng và đường đi tương đối tốt hơn, nhưng đi qua Phước Bình mấy cây số, tới chân núi Bà Rá thì lại bắt đầu gập ghềnh, lên đồi xuống dốc…
Lúc này trời đã bắt đầu tối, sau khi đi qua khu dân cư cuối cùng, con đường trải đá lâu ngày đã trở thành con đường đất trơn trượt, đoàn xe từ từ đi xuống một cái dốc, băng qua một cây cầu sắt rất cũ, rung rinh như muốn sập, rồi bò lên một cái dốc khác dài hơn…
Sau này, chúng tôi được biết đây là cầu Dak Lung, và cái dốc dài ấy chính là đoạn đường kinh hoàng nhất của thân nhân đi thăm nuôi tù cải tạo.
Qua khỏi cái dốc, đoàn xe chạy thêm độ khoảng 10 cây số nữa thì quẹo phải vào một con đường đất hẹp, xuống dốc rồi dừng lại bên cạnh một con suối lớn, có tiếng nước chảy xiết.
Chúng tôi được lệnh xuống xe. Lúc này trời đã tối mịt, chúng tôi phải vịn vai nhau để khỏi bị trượt té trên lớp đất đỏ trơn trượt. Mặc dù đã đoán trước sẽ bị đưa lên vùng rừng núi, nhưng đêm đen như hăm dọa đã khiến đoàn tù cải tạo cảm thấy hoang mang, lo sợ, cho dù (theo tôi) không hãi hùng bằng cái đêm bước vào trại tù ở Phú Quốc dưới ánh đèn pha sáng rực cùng những họng AK đen ngòm!
Rồi chúng tôi được lệnh bước lên một cái cầu làm bằng hai thân cây lớn bắc ngang dòng suối để vào sân trại; tại đây chúng tôi được quản giáo chia ra từng nhóm, mỗi nhóm vào một dãy nhà trong đó đã có sẵn một số tù cải tạo ở. Hỏi ra mới biết họ cũng là “cựu đồng hương Tây Ninh”: tù cải tạo ở Cà Tum được đưa lên đây trước chúng tôi mấy ngày.
Nhờ tinh thần “hiếu khách” của những anh em Cà Tum này mà đêm đầu tiên của chúng tôi ở Phước Long đỡ bỡ ngỡ, hoang mang…
Sáng ra tôi mới có cơ hội quan sát khung cảnh của trại tù cải tạo mới tới.
Về địa thế, trại nằm trên một khu đất thấp, bằng phẳng, có một con suối lớn chạy vòng quanh gần giáp vòng cho nên có thể xem như một cái cù lao nho nhỏ. Con suối này là một nhánh của thượng nguồn Sông Bé (hiện nay trên bản đồ, con suối này được gọi là sông Tà Niên).
Đường vào trại là cái cầu bắc ngang dòng suối mà tôi đã viết ở trên; trong trại có ba dãy nhà tập thể dài cả trăm mét, xếp thành hình chữ L, xa xa phía bên trái là khu nhà của ban chỉ huy trại và đám vệ binh. Nằm giữa các khu nhà là một sân banh.
Đây nguyên là một trong những doanh trại của bộ đội cộng sản Bắc Việt được dựng lên sau khi họ chiếm Phước Long vào đầu tháng 1/1975. Sau khi bộ đội rút đi nơi khác, các doanh trại này bị bỏ trống một thời gian trước khi cải tạo từ Cà Tum, Đồng Ban lên chiếm ngụ.
Về sau chúng tôi được biết vùng này có tên là Bù Gia Phúc, đi lên hướng bắc khoảng 25-30 cây số là Bù Gia Mập, nằm gần biên giới Việt – Miên ở hướng tây và hướng bắc, biên giới Phước Long – Quảng Đức ở hướng đông.

Bản đồ Bình Phước

Tại Bù Gia Mập có một khu trại cải tạo rất lớn, thành phần cải tạo là sĩ quan cấp tá không bị đưa ra miền Bắc.
[Theo lời kể của một số người, ở Bù Gia Mập còn có cả sĩ quan cấp úy. Về sau, Bù Gia Mập trở thành trại giam tù hình sự, thuộc Bộ Công An]
Sau này chúng tôi được nghe kể Bù Gia Mập là trại cải tạo hắc ám nhất ở Phước Long, so với Bù Gia Phúc cũng giống như Cà Tum với Đồng Ban ở Tây Ninh trước kia.
Suy ra, từ Tây Ninh cho tới Phước Long, anh em tù cải tạo thuộc L2 chúng tôi đều có “qưới nhân phò trợ”!
Cũng xin viết thêm về vị trí của L2 T2. Ngày ấy ở Phước Long, tôi không hề biết vùng này có tên là Bù Gia Phúc. Chỉ sau khi ra hải ngoại, đọc hồi ký của một cựu tù cải tạo cũng từng ở Phước Long, rồi tra cứu bản đồ (của CSVN ấn hành), tôi mới biết các trại cải tạo của L2 nằm trong vùng Bù Gia Phúc. Tuy nhiên, qua khung cảnh và sinh hoạt được mô tả trong hồi ký trên, “trại Bù Gia Phúc” được nhắc tới không phải L2 T2 mà tôi đã ở.
Về thành phần cán bộ của T2, ngoài Thượng úy Phùng Xuân Nghĩa thủ trưởng từ ngày còn ở Đồng Ban, chúng tôi không thấy Trung úy Vầy và Chuẩn úy Đạt (chính trị viên), thay vào đó là mấy tay quản giáo lạ mặt.
Vệ binh thì đa số là “em mới”, bộ đội Bắc Kỳ mặt mũi còn non choẹt, không phải thành phần sinh bắc tử nam. Cũng may, trong số vệ binh cũ từ Đồng Ban lên đây không có “Bia lên”, tay vệ binh có máu điên từng đòi bắn Hùng sùi.

* * *

Về thành phần cải tạo, hơn một nửa là trung úy, thiếu úy gốc Cà Tum. Cũng giống như trước đây khi chúng tôi được đưa từ “địa ngục” Phú Quốc về “thiên đường” Trảng Lớn, nay đám tù cải tạo từ Cà Tum lên Phước Long cũng trông cũng thê thảm hơn so với tù cải tạo từ Đồng Ban, và cũng ngang tàng, “phản động” hơn!
Ngày đầu tiên ở Phước Long, chúng tôi được chia thành từng đội, dân Cà Tum và Đồng Ban lẫn lộn. Cường tiếp tục làm đội trưởng và Tư “răng vàng” tiếp tục nắm giữ đội tăng gia.
Qua ngày hôm sau, cả trại ra sân banh ngồi nghe ông Phùng Xuân Nghĩa nói chuyện. Ông cho biết chúng tôi được đưa lên đây để “trải qua thực tế lao động” trước khi trở về xum họp với gia đình. Vì thế, ông nhấn mạnh, chúng tôi phải tích cực lao động chứ không “chơi bời” như ở Đồng Ban nữa.
Ông cũng cho biết về công tác lao động, lên đây L2 thuộc Đoàn 500, tức Đoàn Liên Hiệp Kinh Tế Phước Long, gồm cả các đơn vị quân đội, cải tạo, và dân sự. Mọi chỉ tiêu đều do “cấp trên” đưa ra, và thành quả của các đơn vị cũng sẽ được “cấp trên” đánh giá, ban chỉ huy trại chỉ có trách nhiệm kiểm soát, đôn đốc mà thôi.
Nghe ông Phùng Xuân Nghĩa nói, tôi có cảm tưởng ông ta muốn “phân trần” nhiều hơn là cảnh cáo. Từ đó tôi tin rằng ông không hù dọa, mà rồi đây anh em Đồng Ban chưa từng ra Phú Quốc sẽ được nếm mùi “lao động là vinh quang” thật sự.
Thời gian hai tháng đầu, công tác chính của L2 T2 là phá rừng để trồng lúa và hoa mầu, chủ yếu là khoai mì.
Rừng ở Phước Long nói chung là rừng già, “già” gấp mấy lần rừng già ở Đồng Ban, có đủ tiếng chim kêu vượn hú. Tuy nhiên ở vùng Bù Gia Phúc, dọc hai bên con đường đi Quảng Đức chỉ là rừng chồi.
Nguyên vào thời Đệ nhất Cộng hòa, phía bên phải đường lộ (phía trại cải tạo T2), do thế đất thấp và màu mỡ hơn, lại có con suối mát, đã được chính phủ khai quang để lập khu dinh điền cho dân chúng từ các nơi tới lập nghiệp. Phía bên trái, thế đất cao hơn, thì được khai quang để trồng cao-su.
Trong những tuần lễ đầu, T2 chúng tôi phải phá rừng chồi phía bên trái.
Nguyên sau cuộc cách mạng năm 1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, tỉnh Phước Long không còn được giới lãnh đạo miền Nam quan tâm tới như trước, về cả mặt chiến thuật lẫn kinh tế. Chương trình trồng cao-su ở Phước Long của chính phủ Đệ nhất Cộng hòa vì thế bị bỏ dở.
Từ đó, rừng cao-su bị bỏ hoang, những cây cao-su chưa kịp lớn bị cây cỏ lấn lướt dần, và mười mấy năm sau, khi tù cải tạo đặt chân tới Phước Long thì không còn một vết tích nào của “rừng cao-su” ngày trước. Thay vào đó là rừng chồi và lồ ô.
Rừng chồi ở đây tương đối thấp và thưa. Nhìn những gốc cây cháy đen còn sót lại, những anh em có kinh nghiệm sống ở cao nguyên cho biết trước đây khu rừng này đã được người Thượng khai phá – đốn cây, chặt chồi, đợi khô rồi đốt, tro than trở phân bón – để trồng “lúa mọi”; thường thường sau hai, ba mùa lúa (mỗi năm chỉ có một mùa), đất hết màu, họ bỏ đi khai phá một khu đất khác. (Chú thích 1)

Vì thế, rừng chồi ở đây khá thưa, chỉ cao khoảng 2, 3 mét, nhưng lồ ô thì thật khủng khiếp!
Lồ ô vốn thuộc họ tre, không cứng như tre, không đặc ruột như tầm vông nhưng có thể cao tới 25 mét, đường kính cả gang tay. Do thành phần cấu tạo và đặc điểm mau lớn, chỉ cần 3, 4 năm là trưởng thành, lồ ô được xem là nguyên liệu rất tốt để làm giấy, còn về xây dựng, lồ lô chỉ được sử dụng như một loại vật liệu tạm thời vì dễ bị mối mọt.
Lồ ô vốn mọc nhiều ở miền trung nhưng những anh em gốc Quảng cho biết họ chưa bao giờ nhìn thấy những cây lồ ô to, cao như ở Phước Long. Nhưng to, cao không phải vấn đề bởi thân lồ ô rỗng ruột, chỉ đi một, hai đường mác là gục, nhưng những bụi lồ ô ở đây không có đường kính 2, 3 mét như các nơi khác mà có khi 5, 7 mét, với cả trăm cây mọc chen chúc nhau vì bao năm qua không có người lấy măng!

clip_image006

Cây LỒ Ô

Chúng tôi được lệnh chặt đứt lìa từng cây lồ ô cho đổ xuống đất, đợi tới khi nào khô sẽ được đốt cùng với chồi khô để lấy đất trồng lúa.
Ngày đầu tiên đi lao động, chúng tôi được cán bộ quản giáo chia cho mỗi đội một khu rừng chồi và lồ ô bề ngang 50 mét, từ lề đường tiến vào phía trong 200 mét. Được khoảng nửa buổi, tay quản giáo trở lại kiểm soát, thấy chúng tôi mới tiến được khoảng 20 mét, đã không tiếc lời xỉ vả chúng tôi không chịu “nao động tích cực”, rồi cảnh cáo nếu chúng tôi không “phấn đấu đạt chỉ tiêu”, tới cuối ngày sẽ tiếp tục lao động cho tới tối!
Hắn không dọa. Chiều tối hôm đó, gần tối mịt, đoàn tù cải tạo mới được về trại, ai nấy đều đói lả. Qua ngày hôm sau, chúng tôi bắt buộc phải “mánh”: chồi thì chỉ chặt những cây lớn cho đè lên cây nhỏ; các bụi lồ ồ thì chỉ chặt một mé cho đổ rạp xuống rồi chặt mé bên kia cho đổ chồng lên, nghĩa là những cây ở giữa bụi vẫn còn nguyên nhưng đứng bên ngoài rất khó nhận ra.
Kết quả, chúng tôi không còn bị tay quản giáo nặng lời nữa, và ngày nào cũng về trại kịp giờ cơm chiều.
Mấy tuần sau, khi khu rừng chồi do T2 khai quang đã được khoảng nửa cây số, một buổi tối nọ, sau bữa cơm chiều, cả trại được lệnh ra sân tập họp nghe thủ trưởng nói chuyện.
Chưa bao giờ chúng tôi thấy ông Phùng Xuân Nghĩa giận dữ đến thế!
Theo lời “hài tội” của ông, sáng hôm nay các đại diện của Đoàn Liên Hiệp Kinh Tế Phước Long vào “nghiệm thu” đã không tiếc lời chê bai, chỉ trích T2 làm ăn bôi bác; rừng chồi và lồ ô được báo cáo khai quang xong, nay có tới phân nửa đã… sống lại, thì trồng trọt cái gì!
Rồi ông Nghĩa răn đe:
– Mức độ tiến bộ của các anh tùy thuộc vào cố gắng của bản thân trong quá trình lao động; các anh lao động bôi bác như thế làm sao tôi báo cáo tốt cho các anh được!
Sáng hôm sau, đích thân ông Nghĩa đưa chúng tôi trở lại khu rừng đã được khai quang. Thú thật, chính tôi còn thấy coi không được nói gì tới phái đoàn nghiệm thu: đám chồi trước đây bị cành lá đè lên, sau mấy trận mưa nay đã hiên ngang vươn mình, lồ ô thì bụi nào cũng chỉ có vài cây ở mép ngoài bị héo khô, còn lại vẫn xanh tốt như cũ…
Sau khi bắt các đội trưởng đi tham quan một vòng với mình, và nghe họ trình bày việc bị quản giáo đốc thúc vượt chỉ tiêu, ông Nghĩa đã quyết định giao khoán: mỗi đội một tuần lãnh bằng ấy héc-ta, làm sớm nghỉ sớm; nhưng phải làm cho sạch!
Kết quả hết sức tốt đẹp. Chẳng phải vì đám tù cải tạo chúng tôi đã nhận ra “lao động là vinh quang” mà chỉ vì nếu làm cật lực, sau những buổi lao động mệt nhọc, chúng tôi sẽ có những khoảng thời gian tự do, thoải mái, cho đầu óc bớt căng thẳng.
Từ đó cho tới khi chúng tôi rời Phước Long, tất cả mọi công tác liên quan tới tăng gia sản xuất, như khai quang, trồng trọt, làm cỏ, thu hoạch…. của T2 đều được thực hiện dưới hình thức giao khoán.
Sau khi phá rừng chồi phía bên trái con đường để trồng lúa mọi, chúng tôi quay về phía bên phải, làm cỏ, trồng bắp, trồng khoai mì trên các khu đất chung quanh trại đã được bộ đội khai phá trước đây, đồng thời phá thêm các đám rẫy mới…

 

Từ cây kơ-nia tới bắp Nam Mỹ

Khoảng hai tháng sau khi tới Phước Long, có thể nói T2 chúng tôi đã “an cư lạc nghiệp”, nhưng lại bị đói!
Không hiểu anh em tù cải tạo gốc Cà Tum thì sao, riêng anh em gốc Đồng Ban – Trảng Lớn chúng tôi trước đây tuy có phải ăn độn rau, phải ăn cao lương nhưng chưa bao giờ bị đói, trừ những người đã từng ở Phú Quốc.
Trở lại với thời gian ở Đồng Ban, sau khi được thưởng thức bột mì Liên Xô, chúng tôi được nhà nước cho làm quen với “cao lương”, cũng do Liên Xô vĩ đại viện trợ.
Dĩ nhiên, hai chữ “cao lương” ở đây không phải “cao lương” trong thành ngữ “cao lương mỹ vị”, mà là tên gọi loại thực phẩm dễ trồng và có thu hoạch cao nhất trong ngũ cốc, gồm lúa gạo, lúa mì, bắp (ngô), lúa mạch (barley), và cao lương (sorghum).
Cao lương có thu hoạch cao bởi nó là loài “thảo” sống được nhiều năm (perennial) mà năm nào cũng cho hạt, chứ không phải chỉ sống một mùa (annual) như lúa, bắp…
Người ta trồng cao lương chủ yếu để nuôi gia súc hoặc sử dụng trong kỹ nghệ.
Cho tới nay, tôi cũng không hiểu ngày ấy Liên Xô viện trợ cao lương cho CSVN để nuôi gia súc nhưng Đảng và nhà nước lại lấy cho dân ăn, hay Liên Xô cố tình viện trợ thực phẩm nuôi gia súc cho dân VN ăn – tức là xem người dân VN như… súc vật, chỉ biết một điều chắc chắn là kể cả trong trường hợp sử dụng để nuôi súc vật, người ta cũng phải xay thành bột, vậy mà ngày ấy tù cải tạo và không ít người dân miền Nam đã phải nhai cao lương nguyên hạt!
Ngày ấy, cao lương được đa số dân chúng trong Nam gọi sai là “bo bo” có lẽ vì hạt cao lương trông giống hạt bo bo (để nấu chè, nấu sâm bổ lượng…) nhưng phẩm chất khác nhau một trời một vực.

Cũng rất có thể họ biết gọi như thế là sai nhưng thà gọi sai chứ không chấp nhận chữ “cao lương” của miền Bắc! (Chú thích 2)

 

clip_image008

Cao lương

clip_image010

Bo Bo

Những ai sống tại miền Nam VN sau năm 1975 và phải ăn bo bo (cao lương) hẳn vẫn còn nhớ loại hạt này có một lớp vỏ dai, cần phải nhai lâu mới có thể nuốt được. Nhưng với những người có bao tử yếu, trong đó có tôi, thì dù nhai kỹ tới đâu, sau khi ăn vào cũng vẫn bị bao tử hành!
Ngày còn ở Đồng Ban, tù cải tạo được ăn cả ba thứ: gạo, bột mì, bo bo nhưng sau khi lên Phước Long chỉ còn một thứ duy nhất là bo bo. Vậy mà cũng không có đủ để mà ăn!
Thời gian đầu, khi chưa kịp “tăng gia” (trồng rau) để ăn thêm, chúng tôi phải “cải thiện” (tìm kiếm những thứ có thể ăn) bằng măng lồ ô và… rau dại.
Măng lồ ô không phải lúc nào cũng có mà chỉ khi đi lao động ở những khu vực có lồ ô thì mới có cơ hội tìm kiếm; bên cạnh đó măng lồ ô chẳng những không ngon như măng tre, măng tầm vông mà còn độc hại, ăn nhiều có thể bị nhức đầu chóng mặt, ói mửa, thậm chí… theo ông bà!
Thực ra, theo sự giải thích của mấy anh bạn tù nguyên là dược sĩ quân y thì tất cả các loại măng đều có chất độc cyanure (tiếng Anh: cyanide), dù có luộc cả ngày cũng chỉ giảm được một phần nhỏ; muốn hết độc, luộc xong phải ngâm nước cả tuần lễ!
Vì thế, để no bụng chúng tôi chỉ còn cách ăn thêm rau dại!
Sau này hồi tưởng lại, tôi thấy chúng tôi ngày ấy ăn rau dại thì có khác gì loài thú hoang đâu, nhưng lúc ấy chẳng ai nghĩ gì cả, chỉ cần đầy bụng.
Theo người Thượng, rừng Phước Long có nhiều loại củ rừng ăn được mà họ thường đào về để ăn khi hết lúa gạo, tuy nhiên chúng tôi không thể nhận diện (và cũng một phần vì sợ ăn phải củ độc) nên chỉ tìm rau dại; bởi theo những anh em có kinh nghiệm mưu sinh thoát hiểm, trái rừng, củ rừng có thể độc nhưng rau cỏ thì không.
Cuối cùng, chúng tôi đã khám phá ra một loại rau dại cũng không đến nỗi khó nuốt cho lắm. Thực ra gọi là rau cũng không được chính xác, bởi đó là một loài cây nhỏ, nửa giống cây rau dền cơm nửa giống cây hoa mồng gà, mọc đầy ở các khu rừng chồi.
Tôi diễu cợt đặt tên cho loài rau dại này là “kơ-nia”, lấy từ ca khúc cách mạng Bóng cây kơ-nia, và được mọi người gọi theo.
Bóng cây kơ-nia nguyên là một trong hai ca khúc viết về người Thượng “yêu tổ quốc xã hội chủ nghĩa” do đám văn nô nhạc nô của CSVN sáng tác vào thời gian “chống Mỹ cứu nước”, thơ Ngọc Anh, nhạc Phan Huỳnh Điểu, được (bị) nghe nhiều nhất. Ca khúc còn lại là Tiếng chày trên sóc Băm Bo của Xuân Hồng.

cay-cay-3

Cây kơ-nia

“Kơ-nia” là tên người Thượng gọi cây “wild almond”, mà người Kinh gọi là cây cầy, hoặc cây cốc. Đây là loài cây mọc hoang, cao tới 25-30 mét, có ý nghĩa linh thiêng với người Thượng cho nên họ thường tìm nơi nào có một gốc kơ-nia cổ thụ để lập buôn làng.
Dĩ nhiên, những anh em tù cải tạo nào đã biết nội dung ca khúc Bóng cây kơ-nia đều nhận ra tính cách vô lý trong việc tôi sử dụng chữ “kơ-nia” để gọi một loài cây cỏ dại để ăn độn; nhưng thực ra số người này cũng không nhiều bởi do bị dị ứng với thể loại ca khúc “cách mạng”, rất ít tù cải tạo chịu để ý nghe xem nội dung ca khúc nói về cái gì, thành thử có ít nhất một người đã hỏi tôi một cách ngây thơ:
– Làm sao anh Sáu biết tên cây rau này là kơ-nia?
Tôi đáp bừa:
– Thì nghe người Thượng họ gọi cây kơ-nia mình gọi theo!
Thật đúng là “trời sinh cải tạo trời sinh (cỏ) kơ-nia”! Trong thời gian chờ cây khoai mì đủ lớn để (lén) hái đọt về luộc ăn độn, tù cải tạo T2 chúng tôi cầm cự được là nhờ kơ-nia.
Về cách biến chế, mấy anh em ăn chung với tôi chỉ có một món duy nhất là canh kơ-nia. Gọi là canh cho oai chứ thực ra chỉ là kơ-nia nấu nước muối có điểm chút váng mỡ heo trên mặt.
Tới Phước Long, tôi ăn chung với Hoàng (đờn bass), mấy anh em thiếu úy CTCT và “Yên kiết”, một tay thiếu úy nguyên là giáo sư trung học trông già trước tuổi. Hắn có chữ “kiết” đi theo tên cúng cơm từ hồi còn ở Đồng Ban là vì, theo lời những anh em thân thiết, tính hắn rất kỹ lưỡng và… keo kiệt.
Thế nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn, keo kiệt đôi khi lại trở thành một đức tính!
Tới Phước Long, khi tôi và đám thiếu úy tính chuyện ăn chung với nhau, rủ Yên “kiết” thì hắn đưa ra hai điều kiện: (1) thực phẩm (gạo, bột, đường, mỡ, mắm, muối, gia vị…) còn bao nhiêu gom hết lại giao cho hắn, và (2) với tư cách thủ kho, hắn có toàn quyền quyết định trong việc… xuất kho.
Chẳng hạn ngày nào phải đi lao động xa, có khi mười mấy cây số cả đi lẫn về, buổi chiều về tới trại tay nào cũng rã rời, nằm lăn quay, Yên “kiết” mới mở cái thùng đạn lấy hũ đường tán ra phát cho mỗi người ¼ tán. Lúc đó anh em mới thấy việc Yên “kiết” không cho nấu chè là có lý, bởi chỉ cần ¼ tán đường vào lúc kiệt sức cũng đủ để hồi phục!
Mỡ heo thì được hắn cất trong mấy cái hũ chao, sau khi nồi canh kơ-nia (và sau này là rau dền, rau muống) được nấu chín, hắn mới múc một, hai muỗng cà-phê mỡ đổ vào nồi canh cho có mùi thơm và vị béo tưởng tượng.
Hoặc cá khô – loại cá khô mà trước năm 1975 chỉ để nấu cám heo – “thực phẩm có protein” duy nhất được cấp phát trong thời gian ở Phước Long, lãnh về Yên “kiết” cũng không cho chiên mà bắt nướng, sau đó mới phi mỡ tỏi đổ lên trên; hắn nói làm cách này chỉ tốn 1/3 mỡ so với chiên!

* * *

Khoảng hai tháng sau, khi chúng tôi đã trồng được rau xanh (rau muống, rau dền, mồng tơi…) thì phần bo bo buổi sáng được thay thế bằng bắp khô (lên Phước Long lao động, tù cải tạo có thêm bữa ăn sáng).
Bắp nói tới ở đây không phải nếp của VN hay bắp vàng của đế quốc Mỹ mà bắp đá của Nam Mỹ!

Hiện nay, nếu độc giả vào trang Google với từ khóa “Bắp hạt Nam Mỹ” thì sẽ thấy vô số quảng cáo đại khái như sau:

Nông Sản Bảo Minh
BẮP HẠT ARGENTINA
Bắp hạt Nam Mỹ chất lượng cao, nguyên liệu dùng làm thức ăn chăn nuôi.

clip_image012

bắp đá Nam Mỹ

Gọi là “bắp đá” bởi vì nó cứng như… đá. Giống bắp này có xuất xứ từ Nam Mỹ, trồng nhiều nhất ở Ba Tây và Á-căn-đình (ngoài Bắc gọi là Ác-hen-ti-na), năng xuất rất cao, trái bắp dài khoảng 25-30 cm, hạt bắp to gần bằng móng tay cái.
Khi mới lãnh bắp đá về, các “anh nuôi” tẻ hạt, ngâm nước từ tối hôm trước, 6 giờ sáng thức dậy nấu cho tới 7 giờ mà vẫn chưa mềm, khiến tù cải tạo phải để bụng đói đi lao động. Qua ngày hôm sau nấu từ 5 giờ sáng cũng vẫn không mềm, sau đó mới biết bắp đá… không thể nấu mềm, vì vỏ hạt bắp dày và cứng vô cùng, chính vì thế người ta mới phải xay ra để làm thực phẩm cho gia súc!
Nấu lâu chỉ được một cái lợi là mày hột bắp bung ra, nhờ đó tù cải tạo nào răng yếu, bao tử yếu có thể bóc vỏ hạt bắp để ăn phần bên trong. Vì thế, tôi và những anh em đồng cảnh ngộ (yếu bao tử) phải may một cái túi nho nhỏ bằng bao cát để đựng hạt bắp luộc, trên đường ra rẫy hoặc vào rừng vừa đi vừa bóc vỏ để ăn!
Gần hai tháng sau, khi đợt khoai mì đầu tiên được thu hoạch, chúng tôi mới chia tay “bắp đá Ác-hen-ti-na”, và thay vào đó bữa sáng mỗi người được một khúc khoai mì luộc độ nửa gang tay.
Tuy nhiên trên thực tế, để đủ no, số lượng khoai mì chúng tôi dồn vào bụng mỗi ngày phải gấp ba lần tiêu chuẩn bữa sáng nói trên. Số khoai mì ngoài tiêu chuẩn này được nhổ trộm ở các rẫy khoai mì trên đường đi lao động.
Cũng nhờ chôm chĩa mà chúng tôi khám phá ra khoai mì cũng có hai đẳng cấp khác nhau: khoai mì để cán bộ, bộ đội ăn và khoai mì cho cải tạo ăn.
Được biết, trước năm 1975 ở miền Nam, và trước năm 1954 ở miền Bắc, chỉ có một loại khoai mì duy nhất mà sau này ở miền Bắc gọi là “sắn ngọt”, là loại khoai mì sử dụng làm lương thực cho con người, nhưng sau năm 1954, miền Bắc xã hội chủ nghĩa còn trồng thêm một giống khoai mì có năng xuất cao hơn rất nhiều (và cũng độc hại hơn rất nhiều) gọi là “sắn cao sản”, để làm thực phẩm gia súc và sử dụng trong kỹ nghệ. Sau khi đất nước thống nhất, người ta đã đưa giống khoai mì kỹ nghệ này từ miền Bắc vào trồng trong Nam.
Như người miền Bắc trước năm 1954 và người miền Nam trước năm 1975 còn nhớ, khoai mì ngày ấy (sắn ngọt) chỉ cao khoảng 1.50m – 2m, có cuống lá màu tím, và củ của nó sau khi bóc lớp vỏ màu nâu sẽ hiện ra lớp da màu tím hoa cà. Trong khi đó cây khoai mì “cao sản” của miền Bắc to hơn, có khi cao tới 2.50-3m, cuống lá màu xanh, củ có da màu vàng nâu nhạt.
Xưa kia, ông bà mình tuy không biết trong khoai mì có chất độc (acid cyanhydric – HCN) nhưng do kinh nghiệm đã khuyên con cháu không nên ăn khoai mì sống sẽ bị say, đồng thời trước khi luộc phải ngâm nước qua đêm. Khoai mì vỏ tím (sắn ngọt) mà còn độc hại như thế nói gì tới khoai mì kỹ nghệ (sắn cao sản).
Còn nhớ khi tôi bị đưa ra Phú Quốc đầu vào năm 1976, được nghe kể có một hạ sĩ quan cảnh sát đặc biệt (ra Phú Quốc trước chúng tôi) chết vì ngộ độc do ăn quá nhiều vỏ khoai mì lấy từ hố rác của nhà bếp; nay tôi đoán có lẽ ông ta ăn phải vỏ khoai mì kỹ nghệ nên mới ra nông nỗi! (Chú thích 3)

 

* * *

Việc chúng tôi chúng tôi khám phá ra có hai loại khoai mì khác nhau hoàn toàn do tình cờ.
Nguyên sau khi hoàn tất công tác phá rừng chồi phía bên kia đường để trồng lúa mọi, chúng tôi trở về phía bên này để trồng hoa màu trên các khu đất chung quanh trại đã được bộ đội khai phá trước đây. Vì phải ưu tiên hoàn tất chỉ tiêu của T2 trong Đoàn Liên Hiệp Kinh Tế Phước Long, chúng tôi được lệnh trồng khoai mì kỹ nghệ (sắn cao sản) trước, sau đó mới phá thêm rẫy để trồng khoai mì bình thường (sắn ngọt) và bắp nếp.
Dĩ nhiên, lúc đó làm sao chúng tôi biết được có hai loại khoai mì khác nhau; chỉ tới khi sắn ngọt đã có củ, chúng tôi nhổ trộm đem về trại luộc ăn mới biết phẩm chất khác nhau một trời một vực!
Sở dĩ chúng tôi biết “sắn ngọt” được dành riêng cho bộ đội là vì tới kỳ thu hoạch, chúng tôi chỉ bị bắt thu hoạch “sắn cao sản”, dồn vào bao bố vác lên kho của trong đoàn (L2), còn “sắn ngọt” thì các đồng chí tự thu hoạch lấy đem về khung xơi với nhau.
Vỏ quýt dày móng tay nhọn (tôi xin tự bốc thơm một phát), để trả đũa tôi đã nảy sáng kiến bẻ bắp non về nấu súp. Bởi tôi biết chắc chắn đám bắp nếp này cũng sẽ được dành riêng cho các đồng chí!
Tôi nhủ thầm: Mẹ, trước năm 1975, bắp non (đóng hộp) là một món xa xỉ, nhập cảng từ Đài Loan, nay tù cải tạo lại được ăn tươi là nhất thiên hạ!
Đợi tới khi trái bắp đã lớn bằng ngón chân cái, tôi rỉ tai căn dặn mấy chú em ăn chung trên đường từ rẫy về cố tìm cách đi sau cùng, khi đi ngang khu rẫy trồng bắp thì phải thật nhanh tay lẹ mắt, chỉ cần mỗi người 2, 3 trái là đủ; điều quan trọng là không được bẻ trụi một cây bắp, vì như thế sau này đám bộ đội sẽ biết.
Tôi không thể diễn tả hết cái ngon ngọt của nồi canh bắp non đầu tiên, chỉ nấu với nước muối và điểm thêm chút váng mỡ mà sao nó tuyệt vời đến thế!
Nhưng món canh bắp non của chúng tôi không kéo dài được lâu vì
hai nguyên do:
Thứ nhất, những tư tưởng lớn gặp nhau, một số anh em gốc Cà Tum cũng lén (thực ra sau này không ai lén nữa) thu hoạch bắp non.
Thứ hai, việc tù cải tạo “cải thiện” bằng bắp non của bộ đội bị ăng-ten báo cáo, mà chúng tôi tin đến 99% là Tư “răng vàng”, tay cải tạo đội trưởng tăng gia.
Trong một buổi giao ban, các đội trưởng đã bị một tay quản giáo giận dữ hạch tội, đập bàn, sùi bọt mép:
– Các anh phải biết đây là hành động phá hoại cực kỳ nghiêm trọng trong quá trình sản xuất! Thử hỏi bao nhiêu trái bắp non mới đủ một bữa cho các anh, trong khi một trái bắp để nó lớn sẽ được mấy trăm hột, mấy trăm hột ấy sẽ đẻ ra hàng ngàn, hàng vạn hột khác… Các anh ăn như vậy mà ăn được à? Các anh không chịu phấn đấu với bản thân, cải tạo tư tưởng triệt để, quyết tâm từ bỏ đầu óc xấu xa, làm sao gọi là tiến bộ được!

Hai cuộc trốn trại

Hơn hai tháng sau khi tới Phước Long, thỉnh thoảng đội tôi lại được đi “du ngoạn”: theo đường lộ về hướng bắc gần một cây số, quẹo trái vào con đường đi Bù Đốp (trước 1975 là quận Bố Đức), đi thêm 6, 7 cây số về hướng tây để làm cỏ các rẫy khoai mì không biết do đơn vị nào trồng từ bao giờ. Chúng tôi mang theo cơm trưa vì tới chiều mới trở về trại. Lúc đầu có một quản giáo và hai vệ binh đi theo, được vài lần chỉ còn hai tay vệ binh, và sau cùng – khó tin nhưng có thật – khi số tù cải tạo làm công tác này chỉ còn 1, 2 tổ, chúng tôi được “tự giác” đi, về!
Con đường đi Bù Đốp trước năm 1975 là một hương lộ, nhưng sau này vì không có xe cộ sử dụng, cây cỏ mọc kín, chỉ có một lối mòn cho người đi bộ. Trong thời gian chúng tôi ở Phước Long, ngoài đám tù cải tạo, những “người đi bộ” duy nhất chỉ là mấy gia đình người Thượng từ Bù Đốp về thăm lại sóc cũ, hoặc đi đào củ rừng, hái mướp mọc hoang để bán hoặc đổi chác với người Kinh.
[Làng của người Thượng ở Tây Nguyên gọi là “buôn”, còn ở phía Tây Nam gọi là “sóc”. Sóc Băm Bo được nhắc tới trong bài hát Tiếng chày trên sóc Băm Bo cũng là một sóc Thượng ở tỉnh Phước Long, nằm trong quận Bù Đăng, giáp ranh Quảng Đức và Lâm Đồng]
Trên đường đi tới rẫy, chúng tôi từng vào một sóc Thượng khá lớn, các dãy nhà sàn tương đối khang trang, tươm tất hơn một số buôn Thượng ở Pleiku mà ngày xưa tôi từng tới để làm công tác Dân sự vụ, nhưng không một bóng người. Sau đó mới biết người dân Thượng ở đây đã bị cưỡng bách di chuyển tới các khu kinh tế mới ở Bù Đốp; những người không chấp nhận “vào khuôn khổ” dưới chế độ mới thì rút sâu vào rừng, gần biên giới Việt-Miên.
Đàn ông trong các gia đình người Thượng mà chúng tôi gặp đa số nói được tiếng Kinh, mặc dù không lưu loát cho lắm. Khi chúng tôi hỏi mua mướp, họ nói không bán chỉ đổi lấy muối; sau khi chúng tôi năn nỉ họ bán và hứa lần tới sẽ có muối, họ ngần ngừ rồi bán cho chúng tôi 1 đồng 10 trái (1 đồng tiền Hồ sau khi đổi tiền lần thứ nhất).
Lần sau, chúng tôi xuống nhà bếp xin anh nuôi ít muối hột. Người Thượng họ rất quý muối và thật thà, hiền lành, mình đưa cho họ nửa lon sữa bò muối, họ trao cho mình hết gùi mướp, không cần biết hôm đó chỉ có nửa gùi hay đầy gùi.
Mướp Thượng ngắn và tròn trĩnh, ăn cũng giống mướp của người Kinh nhưng không có mùi thơm như mướp hương. Không biết từ đời nào, mướp Thượng mọc hoang và leo lên cây rừng, có khi cao cả chục mét; những trái cao quá không hái được, khi già rụng hột xuống mặt đất, sang năm mọc thành cây con, cứ thế mà tiếp diễn…
Thỉnh thoảng xui xẻo chúng tôi cũng gặp một vài trái mướp đắng, hái từ những cây mướp đã bị lai giống do gió hoặc ong bướm đem phấn lạ tới.
Đó chính là mướp đắng mà cụ Nguyễn Du đã nhắc tới trong Truyện Kiều:
“Tình cờ chẳng hẹn mà nên
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”
[Vậy mà cho tới nay, chữ “mướp đắng” trong Truyện Kiều vẫn được không ít nhà “hàn lâm” ở miền Bắc giải thích là trái “khổ qua” trong Nam!]
Sau vài lần gặp gỡ và đổi chác như thế, chúng tôi và mấy gia đình Thượng ấy đã coi nhau như người quen biết, có khi cùng ngồi nghỉ bên đường cuốn thuốc hút. Biết họ bất mãn chế độ mới, một ngày nọ tôi hỏi một người đàn ông ra vẻ lớn tuổi nhất trong đám:
– Có còn nhớ Dak Sơn không?
Ông ta như bị điện giật, nhìn thẳng vào mắt tôi, biểu lộ sự ngạc nhiên vì thấy tôi cũng biết Dak Sơn, và không dấu được sự kinh hoàng khi nhớ lại vụ thảm sát man rợ nhất của cộng sản Bắc Việt tại Phước Long trước năm 1975.
Rồi ông ta từ từ hướng đôi mắt về một phương trời xa, đáp như muốn lạc giọng:
– Còn nhớ chứ! Làm sao quên được!
Đó là vụ thảm sát mà ngày ấy tạp chí Time đã ghi nhận là kinh hoàng, tàn bạo nhất nhắm vào thường dân vô tội trong cuộc chiến Việt Nam, diễn ra trong đêm mồng 5 rạng mồng 6 tháng 12 năm 1967, tại làng Dak Sơn gần thị xã Phước Long – một làng “Cuộc Sống Mới” được chính phủ VNCH dựng lên cho khoảng 800 đồng bào Thượng sau khi họ vượt thoát từ những vùng cao nguyên bị quân cộng sản kiểm soát.
Theo tạp chí này, vào lúc quá nửa đêm, một lực lượng gồm hai tiểu đoàn thuộc trung đoàn 88 chính quy Bắc Việt đã bao vây làng Dak Sơn, sử dụng súng phun lửa đốt cháy nhà cửa trong lúc mọi nguời đang an giấc, người nào thoát được ra ngoài thì bị bắn bằng súng máy… Kết quả, 252 đồng bào Thượng, đa số là phụ nữ và trẻ em, đã bị tàn sát một cách dã man, đa số bị chết cháy. (Chú thích 4)

* * *

Việc được “tự giác” đi lao động, không có vệ binh đi kèm đã tạo cơ hội cho những anh em gốc Cà Tum có ý định trốn trại.
Như tôi đã viết trong một kỳ trước, thời gian ở Tây Ninh, trong khi tù cải tạo ở Đồng Ban (L2) được thả lỏng thì anh em ở Cà Tum bị kiểm soát rất chặt chẽ, gắt gao bởi trại nằm sát biên giới Việt – Miên, đám coi tù sợ cải tạo tìm cách đào thoát sang bên kia biên giới.
Vì thế nay lên Phước Long được tự do đi lao động, dò hỏi được biết từ chỗ làm cỏ khoai mì chỉ cần đi băng ngang Bù Đốp về hướng tây vài cây số là tới biên giới Việt – Miên, những anh em gốc Cà Tum sẵn có ý định trốn trại đã tiến hành vượt thoát.
Nhưng toán trốn trại thứ nhất của T2 gồm bốn chàng thiếu úy trẻ tuổi, hoàn toàn thiếu kinh nghiệm đã bị du kích bắt ngay trên đường đi Bù Đốp và bị giải giao về Bộ chỉ huy trung đoàn (L2). Hai ngày sau, bốn chàng được ông Phùng Xuân Nghĩa cho người lên lãnh về T2 để biệt giam.
Nhắc tới hai chữ “biệt giam”, tù cải tạo ở các trại trong Nam sẽ nghĩ ngay tới những cái conex bằng sắt (shipping container) hoặc những cái cũi bằng gỗ, hay những căn phòng nhỏ bị khóa kín, nhưng ở T2 Phước Long chỉ là một nhà kho cũ trong khu vực của ban chỉ huy trại. Ban đêm bị nhốt bên trong, khóa cửa lại, ban ngày ra ngoài làm công tác lao động nhẹ: chăm sóc mấy luống rau, dàn mướp, vườn bắp phía sau khu nhà; ăn uống thì cơm bưng nước rót do tổ anh nuôi ở dưới trại đem lên.
Chưa đầy một tuần sau, sau bữa cơm chiều, ông Phùng Xuân Nghĩa ra lệnh cả trại tập họp ngoài sân để nghe thủ trưởng nói chuyện, hay viết một cách chính xác hơn, để chứng kiến lễ “phóng thích” mấy chàng thiếu úy trốn trại trở về đội sinh hoạt bình thường. Dĩ nhiên trước đó ông thủ trưởng không quên cảnh cáo mọi người về hậu quả sẽ đến với những người trốn trại, đó là thời gian cải tạo chắc sẽ kéo dài hơn những người trước sau như một tin tưởng vào đường lối chính sách của cách mạng, kiên trì học tập cải tạo để tiến bộ.
Trong khi toán trốn trại thứ nhất chỉ là mấy chàng thiếu úy gà mờ, bồng bột (trong đó có một anh chàng gốc Hoa nói tiếng Việt không rành!) thì toán thứ hai toàn dân thứ dữ và kế hoạch vượt thoát của họ – như sau này tôi được nghe kể lại – rất chu đáo, từ việc chôn dấu lương thực tới lộ trình và thời điểm xuất phát.
Cũng như toán thứ nhất, tất cả mọi anh em trong toán trốn trại thứ hai đều gốc Ca Tùm, trong số này tôi chỉ quen biết M, một thiếu úy thiết giáp. Trước khi M trốn trại, tôi và anh không thân nhau lắm nhưng luôn dành cho nhau một sự tương kính.
Tuy mang cấp bậc thiếu úy, tôi thấy M lớn tuổi hơn hẳn đa số thiếu úy nhập ngũ sau Mùa Hè Đỏ Lửa (1972). Cùng với tính tình điềm đạm, M còn có một kiến thức đáng nể, không chỉ về ngành chuyên môn (thiết giáp) mà còn về quân sự, chính trị, thời cuộc. Đối lại, anh cũng rất quý mến tôi, một điều “anh Sáu” hai điều “anh Sáu” với cái lịch sự hơi kiểu cách của người Hà Nội ngày cũ.
Tin anh trốn trại khiến tôi rất ngạc nhiên, bởi trong thời gian biết nhau, tuy luôn luôn tỏ rõ lập trường không đội trời chung với cộng sản, anh chưa bao giờ đề cập tới chuyện vượt thoát.
Khoảng một tuần sau, vẫn không có tin tức gì về toán trốn trại của M, tôi vừa mừng thầm vừa cầu nguyện hàng đêm cho M và anh em trong toán vượt thoát được mọi sự an lành.
Nhưng những gì tệ hại nhất đã xảy ra!
Đúng như sự tin tưởng (và cầu mong) của anh em quen biết, toán trốn trại của M đã băng qua Bù Đốp và tới được biên giới Việt – Miên an toàn; tại đây họ gặp một toán trốn trại của một T khác và kết hợp với nhau, tổng cộng trên 10 người.
Như đã dự tính trước khi định ngày xuất phát, đêm nay là một đêm trăng, trước mắt họ là một con sông nhỏ, biên giới thiên nhiên giữa hai nước, bên kia bờ là xứ chùa Tháp, từ đó băng rừng theo hướng tây bắc sẽ là lộ trình ngắn nhất để đi sang Thái-lan.
Bề ngang con sông chỉ khoảng 30 mét, ai cũng biết bơi nên không có gì trở ngại. Đêm thật thanh vắng, ánh trăng dịu dàng, nhưng khi đoàn người tới giữa sông thì nhiều khẩu AK từ bờ bên kia đồng loạt bắn xuống xối xả cùng với tiếng hò hét của Khmer Đỏ!
Sau này hồi tưởng, M không thể nhớ có bao nhiêu người bị trúng đạn và chìm ngay xuống nước, chỉ biết có mấy người trong đó có M quay trở lại được bờ bên này. Vì có người bị thương, họ không còn lựa nào khác ngoài việc quay về.
Các chi tiết từ đoạn này cho tới khi M và mấy người về tới Bù Đốp, được người dân đối xử tử tế, cho tới khi bị du kích bắt, tôi không nhớ rõ nên xin lướt qua để viết về việc M bị đốt râu.
Nguyên M là người có râu quai nón. Lần đầu tiên gặp M, tôi liên tưởng ngay tới một vị thiếu tá hoa tiêu trực thăng quen biết ngày còn ở căn cứ không quân Pleiku, là người dân tộc Thái từ bắc di cư vào nam năm 1954 định cư ở Tuyên Đức, anh có làn da trắng bạch, mũi cao, mắt sâu và râu quai nón như lai tây.
Từ lúc M trốn trại cho tới khi bộ chỉ huy L2 được huyện đội Bù Đốp thông báo, cho một chiếc xe tới chở M và mấy người kia về, đã hơn một tuần lễ trôi qua, cho nên bộ râu quai nón của M đã mọc khá dài, không bằng thì cũng gần bằng bộ râu của trùm đỏ Fidel Castro ngày còn trẻ. Cho nên ngay từ lúc nhìn thấy mặt M, mấy tên cán bộ của L2 – mà sau này M được biết là thuộc Ban 2 (an ninh) trung đoàn – đã vô cùng ngứa mắt.
Trên đường về L2, một tên cán bộ có lẽ là Trưởng ban 2, nói tài xế ngừng xe giữa đường, ra lệnh lôi cổ M xuống xe (lúc đó đang bị trói tay sau lưng), bắt quỳ dưới đất, lấy xăng tưới lên mặt anh rồi đốt, vừa cười một cách khoái trá, man rợ vừa nói:
– ĐM, tao cho mày hết để râu!
Mấy ngày sau, T2 mới được thông báo cho người lên bộ chỉ huy L2 lãnh M về. Sau này M kể lại cũng nhờ bị đốt phỏng mặt mà anh không bị đám cán bộ Ban 2 đấm đá một trận nên thân như những người của T khác !
[Trước đó, bốn chàng thiếu úy trẻ không bị ăn đòn, chỉ bị đám vệ binh trói tay, đạp cho mấy cái ngã xuống nền nhà giam dập mặt dập mũi, rất có thể vì tên Trưởng ban 2 trung đoàn vắng mặt]
Tin tức về kết quả bi thảm của cuộc trốn trại thứ hai được ông Phùng Xuân Nghĩa thông báo cho các đội trưởng khi giao ban. Theo lời kể lại của Cường (đội trưởng của tôi), ông Nghĩa không đả động gì tới việc M bị đốt râu, chỉ sau khi đã lên lớp về chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với tù cải tạo, ông mới nói thêm:
“Tôi đã hết lời với các anh rồi, các anh về nói lại với đội của mình, nghe hay không là tùy các anh ấy”. Rồi ông hạ giọng, “Nhưng nếu trốn mà liệu không thoát, thì tìm cách mà trở về tiểu đoàn, đừng để trung đoàn bắt được, Ban 2 nó đánh chết!”
Qua ngày hôm sau, chúng tôi mới biết việc M bị đốt râu do anh Thu, y tá của T2, kể khi xuống đá banh với anh em cải tạo.
Cũng xin có đôi dòng về người y tá bộ đội tên Thu này. Anh mang cấp bậc trung sĩ, khoảng độ trên 30 tuổi, mặt mũi trắng trẻo, sáng sủa nếu không muốn nói là khá đẹp trai, ăn nói lịch sự, ra vẻ hiểu biết chứ không “ruộng” như đa số bộ đội Bắc Việt. Khi tù cải tạo ở T2 bắt đầu có thì giờ rảnh rỗi vào cuối tuần, anh ôm trái banh cùng hai ba tay vệ binh xuống rủ mọi người chia phe đá banh.
Trong số anh em tới từ Cà Tum, có Vui, một cầu thủ tài tử mà tài nghệ so với anh y tá cũng một chín một mười, cho nên các buổi đá banh cũng khá hào hứng; về sau thỉnh thoảng họ còn đá vào cả ngày thường, và từng lập “đội tuyển” lên trung đoàn thi đấu với các T khác.
Qua những lần tiếp xúc, anh Thu, với tư cách một y tá, thường khuyên chúng tôi nên gìn giữ sức khỏe để đợi ngày về xum họp với gia đình. Anh nói thẳng: đừng trông mong vào thuốc men của “cách mạng” bởi vì hầu như anh không có bất cứ một thứ thuốc gì ngoài thuốc… sát trùng (ngày ấy người miền Nam thường gọi là “thuốc đỏ”).
Anh kể lại trong những năm tháng vượt Trường Sơn, số bộ đội chết vì kiết lỵ và sốt rét còn nhiều hơn cả chết vì bom B-52!
Anh Thu cho biết M bị phỏng hết mặt mũi, cổ và hai vai, cũng may hai con mắt không sao… Mấy tuần sau, trong một lần đi lao động, chúng tôi mới thoáng thấy bóng M trong vườn rau phía sau dãy nhà của ban chỉ huy, mặt mũi quấn băng trắng kín mít, chỉ trừ cặp mắt và phía trên đầu.
Sau này M kể lại rằng trong thời gian bị giam giữ trên khung, anh đã được y tá Thu chữa các vết phỏng bằng cách giã nát một loại lá gì đó để đắp lên.
(Còn tiếp)

CHÚ THÍCH:

(1) Thời Pháp thuộc, người Thượng còn bị người Kinh gọi là “mọi”, dịch sang tiếng Pháp là “nègre”, trong khi người Pháp chỉ sử dụng chữ “nègre” để gọi người da đen ở Phi châu, còn dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên VN họ gọi là “montagnard” (người miền núi) do chữ “montagne” (núi). Tới thời VNCH, dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được gọi là “người Thượng” là dịch từ chữ “montagnard” này.
Tuy nhiên chữ “mọi” (tĩnh từ) vẫn tiếp tục được sử dụng ít nhất trong hai trường hợp: “heo mọi”, “lúa mọi”. Những ai trước kia từng đi Đà Lạt bằng đường bộ, tới Định Quán vào quán ăn cơm “gạo mọi” hẳn còn nhớ hương vị.
(2) Gần 40 năm sau ở trong nước mới có người dám viết rằng cao lương để nuôi gia súc. Đó là Tiến sĩ Phạm Văn Cường thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, viết năm 2015 trên Wikipedia (tiếng Việt):
Cao lương, hay còn gọi miến mía, cao lương đỏ, (cỏ) miến to, bo bo (danh pháp khoa học: Sorghum bicolor), là một loài thực vật có hoa trong họ Hòa thảo (Poaceae). Cao lương là cây ngũ cốc quan trọng thứ năm trên thế giới sau lúa gạo, lúa mỳ, ngôđại mạch. Cao lương là cây hàng năm nhưng cây trồng là lâu năm. Loài cây này mọc thành nhóm cao đến 4 m. Hạt nhỏ và có đường kính từ 3–4 mm. Hạt được dùng làm thức ăn gia súc, sản xuất si rum, ethanol. (ngưng trích)
Theo phân loại của ngành thực vật học, cao lương và bo bo cùng họ họ Hòa thảo (Poaceae) nhưng khác chi, khác loài. Bo bo được người miền Bắc gọi bằng từ Hán Việt là “ý dĩ”.
Cũng Tiến sĩ Phạm Văn Cường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, viết trên Wikipedia (tiếng Việt):
Ý dĩ hoặc cườm thảo, bo bo (danh pháp khoa học: Coix lacryma-jobi), là một loài thực vật nhiệt đới thân cao để lấy hạt trong họ Hòa thảo (Poaceae). Cây có nguồn gốc từ Đông Á và bán đảo Malaysia
nhưng được gieo trồng ở nhiều nơi trong ruộng, vườn như là một loại cây một năm.
Ý dĩ còn có tên gọi là bo bo nhưng cần chú ý đây không phải là bo bo thời bao cấp. Bo bo thời bao cấp là cao lương.
(3) Sắn “cao sản”. Trích bài “Ăn khoai mì như thế nào để không bị ngộ độc”, Báo điện tử VN Express, 15/8/2020:
Sắn (khoai mì) phổ biến ở Việt Nam song ít người biết trong sắn có độc chất là acid cyanhydric có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí tử vong.
Người dân thường luộc hoặc hấp củ sắn; lá sắn dùng để muối chua…
Theo tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, trong sắn chứa lượng acid cyanhydric (HCN) đáng kể. Hàm lượng độc chất HCN trong khoai mì cao hay thấp phụ thuộc vào giống sắn. Sắn đắng, sắn cao sản chứa HCN cao hơn sắn ngọt. Ngoài ra chất này có nhiều ở vỏ củ, lõi củ; ở lá cao hơn củ 3-5 lần…
Hàm lượng HCN cao vào cơ thể người sẽ gây ngộ độc. Liều gây độc cho một người lớn là 20 mg HCN, liều gây chết người 50 mg HCN cho mỗi 50 kg thể trọng. Chất độc này khiến hồng cầu không hấp thu được oxy, nạn nhân rơi vào trạng thái suy hô hấp, khó thở. Chỉ sau 1-3 giờ, người ăn đã có khả năng biểu hiện ngộ độc.
Năm 2014, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận một số trẻ bị ngộ độc sắn, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê. Nguyên nhân là do trẻ ăn loại sắn cao sản, nhiều nhựa vốn chuyên dùng làm thức ăn cho gia súc. Năm 2005, một bé gái 4 tuổi tại Bình Thuận tử vong vì ngộ độc sắn.
(4) Vụ thảm sát Dak Sơn. Điều đáng tiếc là ngày ấy không hiểu vì nguyên nhân gì, vụ thảm sát Dak Sơn đã không được truyền thông VNCH tường thuật chi tiết và phổ biến rộng rãi. Tất cả những gì còn được lưu trữ cho tới ngày nay chỉ là tài liệu của phía Hoa Kỳ và một vài bài viết theo ký ức của một số quân cán chính VNCH sống ở Phước Long vào thời điểm nói trên.
Trong khi phía CSVN thì cho rằng thiệt hại nhân mạng của dân chúng ở Dak Sơn chỉ là “hậu quả giao tranh” giữa QLVNCH và quân du kích của Mặt Trận Giải Phóng (chứ không phải bộ đội Bắc Việt xâm lược); họ (CSVN) còn quả quyết đa số người bị chết cháy là do bom napalm của phi cơ của Không Quân VNCH thả bừa bãi xuống khu vực giao tranh.
Hiện nay, độc giả nào muốn tìm hiểu về cuộc thảm sát Dak Sơn, có thể vào trang mạng Wikipedia đọc đề tài “Đắk Sơn Massacre” và bài “Tưởng niệm 46 năm: Tội ác Thảm Sát Dak Son của đoàn quân Cộng sản” của tác giả Tim Pham trên Google.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin cảnh giác trước: một số trong những hình ảnh về cuộc thảm sát này hết sức ghê rợn, những ai yếu bóng vía không nên xem.

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search