T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

HOÀI NAM: CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 9)

CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 9)

Hồi ký
Hoài Nam NGUYỄN HỮU THIỆN

 

Kỳ 1  Kỳ 2  Kỳ 3  Kỳ 4  Kỳ 5  Kỳ 6  Kỳ 7  Kỳ 8

(tiếp theo kỳ 8)

Khoảng hai tuần lễ sau khi Trung úy Tịch bóp cổ con Mát-đa (Magda) của tôi, viên thủ phó T2 có biệt hiệu Mát-đa (Mazda) ấy cùng với một số bộ đội (vệ binh) của trại bị thuyên chuyển về Tây Ninh, nơi đang có những cuộc giao tranh với Khmer Đỏ.

Chúng tôi biết rõ việc thuyên chuyển này là nhờ có tay trong: chú bộ đội tà-lọt của ông Phùng Xuân Nghĩa đồng thời cũng là học trò đàn ghi-ta của Văn, tay cải tạo tổ trưởng tổ mộc (tôi không nhớ tên chú bộ đội này nên tạm gọi là X).

X mới 18, 19 tuổi, mặt mũi sáng sủa hiền lành, trông còn non choẹt như một cậu học sinh trung học. Về sau, khi tôi và một vài anh em cải tạo thỉnh thoảng xuống tổ mộc đàn hát, X gọi chúng tôi bằng anh và xưng em không một chút ngượng ngập !

Việc một chú bộ đội trở thành người “nằm vùng” của phe ta bắt nguồn từ âm nhạc – viết một cách chính xác là “nhạc vàng” – và người có công lớn nhất là Văn.

Nguyên tổ mộc của T2 được thành lập ít lâu sau khi lên Phước Long, nhiệm vụ chính là đóng bàn ghế, giường tủ cho ban chỉ huy trại, nhiệm vụ phụ là đóng cho mỗi ông cán bộ một cái rương gỗ thật chắc chắn.

Văn, một tay thiếu úy gốc Cà Tum, làm tổ phó. Sau khi tay tổ trưởng được về trong đợt thả tù đầu tiên, anh được đôn lên làm tổ trưởng, và đã biến xưởng mộc thành nơi đàn hát nhạc vàng thoải mái, vì căn nhà này ở tận bên kia suối, cách xa khu nhà của ban chỉ huy trại.

Tới đây cũng xin viết thêm về địa thế và đường đi lối về của T2 trong khu vực L2.

Hơn nửa năm trước, khi chúng tôi được đưa từ Đồng Ban tới Phước Long, đoàn molotova đã rẽ mặt từ con đường đi Quảng Đức, đưa chúng tôi tới bờ suối, đi qua cái cầu bằng hai thân cây bắc ngang suối để vào T2.

Tuy nhiên, theo quy hoạch của cả khu vực L2 thì đây chỉ là đường tắt đi vào T2, còn đường chính là đường đi lên trung đoàn (L2), gần nhà thăm nuôi mà tôi đã nhắc tới trong kỳ trước.

Trại cải tạo T2 tọa lạc trên một khu đất giống như cái cù lao nhỏ vì có con suối chạy quanh gần giáp vòng. Bên hông khu nhà của ban chỉ huy trại là đường đi tới một cái cầu tương đối dài, vì bề ngang con suối ở chỗ này khá rộng. Tuy cũng làm bằng cây rừng nhưng cái cầu này có cấu trúc của một chiếc cầu đúng nghĩa chứ không chỉ là hai thân cây bắc ngang suối như cây cầu chúng tôi đã sử dụng để đi vào T2 trước đây.

Qua suối khoảng 200 mét thì tới căn nhà được sử dụng làm xưởng mộc, đi thêm khoảng hai trăm mét nữa tới một doanh trại nho nhỏ của Quân Đội Nhân Dân (CSBV) khi ấy đã bỏ trống. Từ cổng doanh trại này có con đường khá lớn đi lên bộ chỉ huy trung đoàn (L2) và nhà thăm nuôi nằm sát con đường Phước Bình – Quảng Đức.

Trở lại với tổ mộc, sáng sáng khi những anh em cải tạo khác lên đường đi ra rẫy thì họ tới xưởng mộc. Sau khi Văn đóng thêm một cây đàn ghi-ta và cùng nhau đàn hát thì chú bộ đội tên X mon men tới làm quen, rồi kiếm ván ép nhờ Văn đóng cho một cây đàn và trở thành học trò của Văn.

Dĩ nhiên, Văn và anh em trong tổ mộc đã không bỏ lỡ cơ hội để khai thác X, từ sinh hoạt trên “khung” cho tới những tin tức sốt dẻo mà chú ta biết được, hoặc nghe lóm.

Vì thế, tổ mộc chứ không phải tổ tăng gia (trước kia do Tư răng vàng làm tổ trưởng) đã trở thành nguồn cung cấp tin tức “tình báo” cho cả trại, trong đó có tình hình chiến sự ở biên giới Tây Nam và việc Trung úy Tịch, tay hậu cần cùng một số vệ binh của T2 bị đưa ra tuyến đầu để đánh nhau với Khmer Đỏ.

Sau này có cơ hội tìm hiểu qua tài liệu của Quân Đội Nhân Dân (CSVN) được phổ biến trên Internet, tôi được biết Tây Ninh nằm trong Quân khu 7 của tướng Lê Đức Anh, là lực lượng bị thiệt hại nặng nhất trong cuộc vượt biên xâm lược Căm-bốt. Xin trích đăng một đoạn:

Ở hướng của Quân khu 7, Sư đoàn 5 tiến từ hướng đông và Sư đoàn 303 từ Snoul (tỉnh Kratié sát biên giới với Bình Phước) tiến đến hướng tây bắc cùng đánh vào Kratié do Sư đoàn 260 và 2 trung đoàn địa phương của đặc khu 505 Khmer Đỏ phòng thủ. Các sư đoàn này gặp phải sức kháng cự quyết liệt từ phía quân Khmer Đỏ. Trong cuộc tiến quân, hai Tiểu đoàn 1 và 2 thuộc Trung đoàn 316, Sư đoàn 303 bị tập kích bất ngờ nên bị tiêu diệt. Trung đoàn này, cũng như Trung đoàn 33, sau một tháng hành quân, quân số hao hụt mất một nửa. Các đơn vị quân Khmer Đỏ tấn công Sư đoàn 303 gây nhiều tổn thất và suýt chiếm được sở chỉ huy sư đoàn… (ngưng trích)

Như vậy, nếu Trung úy Tịch bị đưa tới Sư đoàn 303 của Quân khu 7 thì rất có thể đương sự đã “tịch” trong các trận giao tranh với quân Khmer Đỏ. Khi ấy, chắc gì Mát-đa “Tịch tây lai” đã có được một nấm mồ như Mát-đa “Sugar Thoòng” của tôi!

Sau khi Tịch tây lai bị thuyên chuyển đi Tây Ninh, vì T2 không còn một sĩ quan cán bộ nào, bộ chỉ huy L2 phải phái một tay quản giáo xuống trông coi tạm thời cho tới khi Đại úy Phùng Xuân Nghĩa trở về khoảng một tuần lễ sau đó.

Ông Phùng Xuân Nghĩa mới về được một ngày đã có tin “hấp dẫn” từ tổ mộc: Trung úy Tịch và tay cán bộ hậu cần đã “dọn sạch” cái kho trước khi đi, trong đó có trên 30 cái võng.

Võng nói tới ở đây không phải võng đan bằng sợi gai hay sợi ni-lông mà chỉ là một tấm vải “denim” hai đầu có chỗ xỏ dây để máng lên.

Nguyên đây là vải denim nội hóa trước 1975 được sử dụng may quần cho lính Hải Quân VNCH. Sau khi chiếm miền Nam, đám nón cối nhà quê nhà mùa không biết làm gì với thứ vải mà họ cho là thô cứng này, bèn may thành võng để phát cho tù cải tạo.

Sau này tới một trại cải tạo khác, tôi thấy một vài anh em gốc Trảng Lớn đã được cấp phát loại võng này. Tuy nhiên những trường hợp này rất hiếm, bởi vì chỉ ít lâu sau khi nhà nước cộng sản đánh tư sản, tịch thu hãng xưởng, quốc hữu hóa tất cả mọi cơ sở sản xuất, thì loại vải denim nói trên đã trở thành một mặt hàng hiếm quý, được sử dụng để may quần “jeans”, miền Bắc gọi là “quần bò” (rất có thể vì họ thấy mấy chàng chăn bò – cowboys – thường mặc loại quần này). Số võng chưa kịp phân phát cho tù cải tạo được đám hậu cần lén lút bán hết cho các con buôn.

 

* * *

Khoảng hai tuần sau khi Đại úy Phùng Xuân Nghĩa đi phép trở về, T2 được lệnh chuyển trại, không đi xa mà chỉ băng qua con suối tới doanh trại của bộ đội trước kia nay đang bỏ trống.

Từ ngày ấy, trừ trường hợp có lệnh của ban chỉ huy trại, chúng tôi không được phép trở lại khu vực T2 cũ, nơi có sân đá banh, cái vườn rau xanh tốt của tôi và Mát-đa chi mộ!

Doanh trại cũ của bộ đội chỉ có hai dãy nhà dành cho cải tạo và một dãy nhà nhỏ cho ban chỉ huy; nhà cửa tương đối kiên cố, giường nằm bằng tre chứ không phải lồ ô (vốn là môi trường sinh sôi nảy nở của rệp) như ở khu trại cũ.

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng nguyên nhân của việc chuyển trại không phải vì khu trại mới sạch sẽ, tiện nghi hơn (trên thực tế, khá chật chội) mà để trong trường hợp có biến (Khmer Đỏ tấn công) chạy lên trung đoàn gần hơn, nhanh hơn!

Riêng ông Phùng Xuân Nghĩa thì từ ngày đi phép trở về, đã không còn xuống các đội để chè lá chuyện trò với anh em cải tạo nữa, một phần vì khung cảnh chật chội, một phần có lẽ vì ông không muốn phải trả lời những thắc mắc liên quan tới tình hình căng thẳng ở biên giới cũng như tương lai mờ mịt của đám cải tạo.

Hai diễn tiến tốt đẹp duy nhất qua việc chuyển trại là thứ nhất, M, tay thiếu úy thiết giáp trốn trại bị đốt râu, được cho về sinh hoạt bình thường với anh em, và thứ hai, cải tạo được tự do đàn hát nhạc vàng.

Trước đây, sau khi M trốn trại rồi bị bắt lại, bị tên Trưởng ban 2 trung đoàn tưới xăng đốt râu trước khi trả về T2, và chúng tôi được anh Thu, tay y tá bộ đội của T2, cho biết M bị phỏng hết mặt mũi, cổ và hai vai…, chúng tôi đã mường tượng ra một khuôn mặt sần sùi, dị dạng mà M sẽ phải mang suốt đời.

Nhưng có lẽ vì những vết phỏng không ăn sâu vào da thịt, và trong thời gian bị giam giữ trên khung, M được y tá Thu chữa trị bằng cách giã nát một loại lá thuốc để đắp lên, tới khi được trả về đội, lớp da thịt trên mặt, cổ, vai của M chỉ bị khoang (loang lổ) chứ không bị sần sùi, dị dạng như những nạn nhân bị phỏng nặng hoặc bị tạt át-xít.

Về tinh thần, M trở nên ít nói hơn, khi kể lại diễn tiến việc bị đốt râu, anh không hề tỏ thái độ hận thù; có lẽ cái tâm “kính Chúa yêu người” nơi anh cùng với sự tử tế của ông Nghĩa và y tá Thu trong thời gian bị biệt giam trên khung đã khiến anh tin rằng tên Trưởng ban 2 trung đoàn đã mất hết nhân tính ấy trước khi đầu óc bị nhuộm đỏ và trở nên sắt máu, rất có thể cũng là một con người tử tế.

Về việc cải tạo được tự do đàn hát nhạc vàng, tôi tin rằng trong tất cả mọi trại cải tạo từ bắc chí nam, không nơi nào được tự do bằng T2 vào thời điểm này!

Thứ nhất, địa điểm “trình diễn” là xưởng mộc, cách xa căn nhà của ban chỉ huy trại mấy trăm mét, tiếng đàn hát không thể vang vọng tới. Thứ hai, từ khi chúng tôi chuyển sang trại mới thì anh em trong tổ mộc được ăn ngủ ngay tại xưởng mộc, cho nên cứ cơm nước xong xuôi là chuẩn bị đàn hát, có khi kéo dài tới 9, 10 giờ đêm.

Thỉnh thoảng còn có một nồi chè để “giải lao”. Nguyên vào thời gian này, X, chú bộ đội tà-lọt của ông Phùng Xuân Nghĩa, đã trở thành đệ tử ruột của Văn, tổ trưởng tổ mộc, và thường dẫn theo hai tay bạn cũng đang tập tễnh học đàn ghi-ta. Sau khi Văn đóng cho mỗi chú một cây đàn (đóng không công nhưng lấy “xâu” ván ép đủ để đóng một cây đàn khác) thì ba chú trả ơn bằng đường, đậu xanh và nếp để nấu chè!

 

* Thăm nuôi đợt hai

Có lẽ để giải tỏa phần nào bầu không khí căng thẳng đang bao trùm L2 sau khi có lệnh ngưng thả tù cải tạo, bộ chỉ huy trung đoàn đã cho thăm nuôi đợt hai.

Lần này việc thăm nuôi được các T tự đứng ra tổ chức, cho nên T2 không sử dụng nhà thăm nuôi cũ dành cho cả trung đoàn ở gần đường lộ nữa, mà sử dụng một căn nhà nhỏ hơn trên con đường từ trung đoàn đi xuống T2, cách cổng gác khoảng 100 mét.

Căn nhà tương đối tươm tất, có cả chỗ nấu nướng, tắm giặt, giếng nước…, có lẽ trước đây dành cho thân nhân tới thăm bộ đội, hoặc sử dụng làm “cư xá vãng lai” như trong các đơn vị QLVNCH trước kia. Vì chỗ ngủ có giới hạn, mỗi ngày chỉ có khoảng 4, 5 tù cải tạo được thăm nuôi.

Thời gian này, phương tiện giao thông cho thân nhân thăm nuôi tù cải tạo ở Phước Long đã được tăng cường với nhiều xe đò nhỏ do tư nhân khai thác, chạy từ Phước Bình vào Bù Gia Phúc, cho nên xế chiều thân nhân đã tới L2. Vì thế, tù cải tạo được gặp thân nhân vào buổi tối, sáng hôm sau thân nhân đón xe trở ra Phước Bình, đi xe đò về Sài Gòn trong ngày. Như vậy, thân nhân chỉ mất hai ngày cho cả đi lẫn về.

Theo quy định của trại, tù cải tạo T2 chúng tôi được ra gặp thân nhân trước giờ cơm tối và phải trở vào trại lúc 8 giờ; nếu gặp vệ binh  gác cổng là “chỗ quen biết” thì cũng chỉ kéo dài thêm nửa tiếng nữa là cùng.

Nội quy và hình thức thăm nuôi cũng giống như trong đợt một: gặp gỡ, trò chuyện, tâm tình, “động viên lẫn nhau” (nguyên văn của cán bộ quản giáo)… Tuy nhiên vì vào thời gian này, cán bộ trên “khung” của T2 chỉ còn một mình ông Phùng Xuân Nghĩa, thỉnh thoảng mới có một tay cán bộ trên trung đoàn xuống phụ giúp ông, cho nên tù cải tạo T2 và thân nhân thăm nuôi được hoàn toàn tự do, thoải mái.

Tuy nhiên vì có sự hiện diện của những cặp khác, anh em cũng chỉ dám ôm eo vợ là cùng, nếu có lén lút tìm “cảm giác mạnh” thì cũng phải nhìn trước nhìn sau.

Dĩ nhiên, cũng có một số tù cải tạo… vi phạm nội quy thăm nuôi, tìm cách “hủ hóa”.

Với những tay vi phạm nội quy này, đợt thăm nuôi thứ hai có hai thuận lợi: (1) không còn phải lo ngại cán bộ, vệ binh lùng sục khu vực chung quanh nhà thăm nuôi, (2) bóng tối đồng lõa sẽ thêm sức thuyết phục bà xã cùng “đưa nhau về nguyên thủy loài người”.

Nhưng bên cạnh những thuận lợi đó cũng có một trở ngại lớn là môi trường thiên nhiên. Viết một cách chi tiết hơn là nguy cơ bị rắn, kiến, mối, và vắt… tấn công!

Khác với vị trí cao ráo của nhà thăm nuôi đợt một, nằm trên đồi giữa những rẫy khoai mì khô ráo, sạch sẽ, căn nhà thăm nuôi đợt hai của T2 tọa lạc ở một khu vực ẩm thấp, cách con suối hơn 100 mét.

Nguyên đây là một khu rừng già đã được khai thác từ 20 năm trước – thời Đệ Nhất Công Hòa – không còn cây cổ thụ, chỉ có những cây bằng cái cột nhà và chồi, mặt đất trống trải được phủ kín bằng một lớp lá khô mục rất dày, chỉ cần trải một miếng nylon lên trên là vợ chồng có một “bãi đáp” lý tưởng.

Trong số những tay vi phạm nội quy có Hoàng (đờn bass). Vì đã có ý đồ từ trước, khi viết thư về nhà báo tin thăm nuôi, hắn đã căn dặn cô vợ trẻ phải ra chợ trời tìm mua cho bằng được một chai thuốc xịt muỗi của quân đội Mỹ trước đây. Buổi tối thăm nuôi, hắn chọn một vị trí cách nhà thăm nuôi khoảng 50 mét, trải một tấm ni-lông, thêm một lớp vải dù lên trên, sau đó lấy chai thuốc xịt muỗi xịt chung quanh.

Kết quả, theo lời Hoàng, nhờ chai thuốc xịt muỗi của “đế quốc Mỹ” đã hết hạn mấy năm mà vợ chồng hắn đã “đưa nhau về nguyên thủy loài người” một cách suôn sẻ, tốt đẹp.

Trở về trại, Hoàng chẳng những đã không giữ kín niềm hạnh phúc riêng tư, sự thỏa mãn của bản thân mà còn kể hết cho tôi nghe khi hai thằng nằm trên hai cái giường tre kê sát nhau. Chi tiết tới mức cả cái “feeling” khi tìm lại cặp tuyết lê của cô vợ son trẻ, hắn cũng kể với tôi!

Hoàng dứt khoát không phải một tay playboy mà là con nhà gia giáo, cha là một vị thiếu tá đã hy sinh, hắn chưa một lần khoe khoang thành tích chơi bời hay kể chuyện tiếu lâm tục tĩu, cho nên có thể suy ra hắn kể lại với tôi “chuyện vợ chồng” trong buổi tối thăm nuôi chỉ vì niềm hạnh phúc quá lớn, không thể kềm giữ, phải chia sẻ với thằng bạn tù, thế thôi!

Chưa hết, sau đó, Hoàng còn có nhã ý cho tôi mượn chai thuốc xịt muỗi và tấm ni-lông để sử dụng khi vợ tôi lên thăm nuôi mấy ngày sau đó. Tuy nhiên tôi từ chối lòng tốt của hắn vì đã quyết định “chấp hành nghiêm chỉnh nội quy thăm nuôi”!

Không phải vì tôi là một cải tạo viên gương mẫu mà chỉ vì tôi rất sợ rắn và vắt rừng.

Nghe qua thì hơi khó tin, nhưng sự đó là sự thật: một tay lì lợm từng một mình đi vào nghĩa địa giữa đêm khuya như tôi lại sợ và gớm mọi loài bò sát và côn trùng không có chân, kể cả con giun đất hiền lành.

Từ ngày có trí khôn, tôi chưa hề sợ “Ông ba bị chín quai 12 con mắt” hay bất cứ nhân vật tưởng tượng nào mà người lớn thường đem ra để hù dọa trẻ con.

Tôi cũng không hề sợ ma. Còn nhớ hồi tiểu học, tôi sống với bà ngoại ở Hẻm 6 Trương Minh Ký (Trương Minh Giảng nối dài), Phú Nhuận. Đối diện Hẻm 6, phía bên kia đường là một con đường đất không tên (sau này gọi là đường Thiệu Trị) đi vào một cái nghĩa địa cổ xưa hoang phế có tháp Phong Thần và ngõ tắt đi bộ sang đường Công Lý.

Cho tới cuối thập niên 1950, con đường không tên ấy hãy còn những bụi tre già che khuất ánh dương, là nơi hành nghề của các bà đồng, thầy cúng. Đi qua khu vực của người sống tới giang sơn của kẻ chết: cái nghĩa địa hoang phế.

Không hiểu cái nghĩa địa này có từ bao giờ nhưng căn cứ vào số lượng xương người chứa trong cái hầm nằm dưới tháp Phong Thần, có lẽ nó đã hiện diện từ cả trăm năm trước!

Xin được giải thích như sau:

Cứ sau vài chục năm, những ngôi mộ đất vô chủ đã không còn một dấu tích nào, chỉ tới khi đào huyệt để chôn người mới chết, người người ta mới khám phá ra bộ xương bên dưới. Vì thế nhà cầm quyền đã cho làm một cái hầm bê-tông rất rộng ở ngay trung tâm nghĩa địa để chứa những nắm xương tàn ấy. Phía bên trên hầm có một cái tháp xây theo hiểu Á đông khá đẹp, gọi là tháp “Phong Thần”, vừa để che mưa nắng vừa để thể hiện lòng tôn trọng các vong hồn.

Theo suy đoán của tôi, có lẽ vì sự hiện hữu của tháp Phong Thần mà các bà đồng, thầy cúng mới tụ tập tại khu vực này cho gần… cõi âm!

Ban ngày thì không sao nhưng ban đêm đi ngang khu vực này (ngày ấy chưa có đèn đường) ai cũng sợ ma. Riêng đám bạn của tôi, lúc đó 9, 10 tuổi, cứ tới mép nghĩa địa là cắm đầu chạy, trừ một mình tôi.

Một ngày nọ, lũ bạn thách tôi dám leo xuống cái hầm chứa xương người vào ban đêm. Sau khi thỏa thuận một chầu xi-nê Văn Lang, tôi đã leo xuống trước những cặp mắt vừa kinh hãi vừa thán phục của lũ bạn!…

Không sợ ma quỷ nhưng tôi lại sợ trăn rắn (kể cả con lươn) và giun đất!

Vì không dám đụng vào con giun, tôi không bao giờ thích đi câu, trừ câu cá rô, cá sặc bằng trứng kiến. Mỗi lần bất đắc dĩ đi theo bạn bè, tôi phải nhờ họ móc con giun vào lưỡi câu!

Còn rắn thì khi làm công tác phá rẫy ở Phước Long gặp chúng là việc xảy ra như cơm bữa, thường là rắn lục. Đúng như sách vở đã viết, trừ trường hợp bị tấn công trước, rắn thường tìm cách trốn tránh khi nghe thấy tiếng động, nhưng lúc nào tôi cũng chăm chú quan sát mặt đất trước khi đặt bước, trường hợp thấy rắn vắt vẻo trên cành cây thì tôi lùi lại để… nhường cho các bạn!

Tuy nhiên ở Phước Long, vắt rừng mới là mối lo chính của tôi. Vắt ở đây hơn xa vắt ở rừng Đồng Ban và các nơi khác về cả kích thước lẫn khả năng tấn công.

Vắt Đồng Ban dài khoảng 2 cm, còn vắt Phước Long dài gấp rưỡi, có khi gấp đôi.

Vắt rừng

Loài vắt nói chung tìm mục tiêu bằng cách dò hơi nóng (heat seeking), tuy nhiên trong khi vắt Đồng Ban chỉ có thể nhảy từ cành lá sang người khi họ đi sát khoảng một hai gang tay, thì vắt Phước Long có khả năng “búng” thân hình bay xa cả mét, vì thế dù không phải len lỏi vào rừng mà chỉ di chuyển trên những con đường mòn ven rừng, chúng tôi vẫn bị chúng tấn công như thường.

Mỗi khi tới địa điểm lao động, chúng tôi lại phải nhờ người khác tống khứ hộ đám vắt đang bám trên mặt, trên cổ; sau đó muốn chắc ăn, phải cởi hết quần áo để bắt những con đang hút máu trên lưng, ngực, bụng, đùi, hoặc chui vào nách, háng… Trong trường hợp bị vắt cắn ở những vị trí kín đáo, không tiện nhờ người khác, tôi phải lấy một cái que để gạt chúng khỏi người mình.

 

* * *

Tới ngày thăm nuôi, vợ tôi không đi một mình mà đi cùng với K, cô bạn có chồng đại úy mất tích ở Pleiku năm 1975, sau này cùng vợ tôi lặn lội ngược xuôi buôn bán. Tôi không chỉ cảm kích trước lòng tốt của K mà còn cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng vì không còn phải băn khoăn tiếc rẻ vì đã không mượn chai thuốc xịt muỗi và tấm ni-lông của Hoàng. Bởi vợ chồng tôi chỉ cần vắng mặt 30 phút là K biết chuyện gì đã xảy ra, cho nên chắc chắn vợ tôi sẽ phản đối trong trường hợp tôi dụ nàng “hủ hóa”!

Sáng hôm sau, tổ của tôi được phân công phá một khu rừng chồi sát con đường Phước Bình – Quảng Đức. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, thấy bóng hai người đàn bà đi bộ từ xa xa, hướng ra Phước Bình; tới gần hóa ra chính là vợ tôi và K.

Thời gian này T2 chúng tôi đã hoàn toàn lao động tự giác, không có quản giáo hay vệ binh đi theo, cho nên tôi đi ra đường lộ chuyện trò thoải mái với hai người trong lúc chờ xe.

Một lúc sau, một chiếc xe vận tải của nông trường chạy tới và ngừng lại cho quá giang. K được kéo lên trước rồi quay lại nắm tay vợ tôi kéo lên; khi đứng phía sau nhìn vợ leo lên cái bửng xe, tôi chợt nhận ra rằng vợ tôi có cặp mông quá sức hấp dẫn, và thẫn thờ, rồi sau đó lo sợ viển vông…

Cũng xin có đôi dòng giải thích về việc “lột xác” của vợ tôi so với kỳ thăn nuôi đầu tiên ở Trảng Lớn.

Sau khi tôi bị đi cải tạo, vợ tôi kiếm sống bằng cách buôn bán linh tinh ở cái chợ trời mới mọc lên cạnh đường rầy gần cổng xe lửa số 6. Sau khi chợ trời bị công an phường dẹp, nàng gửi con cho bà ngoại của tôi rồi cùng K đi buôn trà ở Bảo Lộc. Buôn trà thất bại, hai nàng chuyển sang buôn lậu cá khô từ Sông Mao, Phan Thiết về Sài Gòn…

Tới năm 1977, hai nàng đổi nghề: buôn hàng ngoại!

Nguyên vào thời gian này, việc người Việt ở nước ngoài gửi quà về cho thân nhân trong nước đã trở nên khá phổ biến; và thường thường thân nhân chỉ giữ lại bánh kẹo, thuốc men, còn quần áo, mỹ phẩm thì bán đi để lấy tiền chi dụng. Từ đó đẻ ra nghề buôn bán những mặt hàng nói trên.

Có khi K và vợ tôi được người ta gọi tới nhà để bán, cũng có khi hai nàng vào tận chỗ lãnh quà trong phi trường Tân Sơn Nhất để mua ngay tại chỗ. Dĩ nhiên, khi làm nghề này, hai nàng không thể ăn mặc lôi thôi như ngày còn đi buôn trà, buôn cá khô, mà phải chưng diện một chút cho phù hợp với “đẳng cấp nghề nghiệp”.

Người đẹp nhờ lụa! Bên cạnh đó, việc không còn phải ngồi (đôi khi đu) xe đò, vất vả ngược xuôi, mưa nắng sớm chiều đã khiến hai nàng trắng trẻo hẳn ra, dinh dưỡng đầy đủ nên có da có thịt, hồng hào phốp pháp, hiện nguyên hình “gái 2, 3 con trông mòn con mắt” của những ngày trước 1975.

 

* * *

Thực ra, viết rằng tôi nhận ra sức hấp dẫn của vợ rồi lo sợ viển vông cũng không được chính xác cho lắm, mà phải viết lo sợ ấy có liên hệ với thực tế: một số người trong thời gian đi học tập cải tạo đã bị mất vợ!

Chỉ tính trong kỳ thăm nuôi đợt 2 này, đã có hai bạn tù quen biết với tôi được thân nhân lên báo… hung tin: một trung úy có bà vợ không kham nổi thiếu thốn cơ cực, đã cặp kè công khai với một sĩ quan CSBV cấp tá nắm giữ một chức vụ béo bở, một trung úy khác thì vợ đem các con theo một thương gia Chợ Lớn ra đi “bán chính thức”!

Khi vợ tôi lên thăm, được nàng trấn an về mặt sinh kế, cho biết từ mấy tháng nay ba mẹ con không còn phải ăn độn bo bo hay khoai mì phơi khô nữa, và tới sinh nhật các con cũng đủ khả năng đưa chúng đi chơi Sở thú, chụp hình, ăn kem…, tôi cảm thấy yên tâm hơn nhiều so với những lần thăm nuôi trước đây khi vợ tôi còn phải bon chen ngoài chợ trời hay ngược xuôi buôn trà, buôn cá khô…

Nhưng sau cái buổi sáng giã từ và chợt nhận ra sức hấp dẫn của cặp mông của vợ, tôi bắt đầu bị ám ảnh về những gì tệ hại nhất có thể xảy ra cho cuộc tình đang bị gián đoạn của hai đứa!

 Nhớ lại mấy tháng trước, sau khi được lên trung đoàn xem chiếu phim, thấy cảnh Trà Giang ưỡn ẹo khoe đôi mông sau lớp vải quần mà đêm về tha hồ dệt mộng đẹp, nay cũng hình ảnh hấp dẫn tương tự nhưng của vợ mình thì lại lo âu, thậm chí có lúc ghen tức với cuộc sống “tự do” của nàng bên ngoài hàng rào trại cải tạo… Tôi biết suy nghĩ như thế là nhỏ nhen, ích kỷ, và vô lý nhưng không thể gạt bỏ khỏi đầu óc mình.

 

* * *

Đúng vào khoảng thời gian bị giao động tinh thần ấy, tôi được mẹ tôi viết thư báo một tin sét đánh: T, em trai áp út của tôi đã chết thảm vì chất nổ!

Việc xảy ra đã gần một năm nhưng mẹ tôi cấm không cho ai báo tin, sợ tôi xuống tinh thần. Nay mẹ tôi cứ nằm mơ thấy cả hai anh em, lo sợ không biết có chuyện gì chẳng lành xảy ra cho tôi hay không nên quyết định viết thư báo tin, để nếu tôi nhận được sẽ cầu nguyện cho linh hồn em, và bù lại linh hồn em sẽ phù hộ tôi – theo sự tin tưởng của người theo đạo Chúa.

Đọc thư mẹ, lần đầu tiên từ ngày trưởng thành, tôi khóc. Khóc không thành tiếng nhưng nước mắt giàn giụa…

Trong sáu anh em trai, T là người được mọi người, trong nhà cũng như ngoài đường, quý mến nhất: không chỉ đẹp trai, sáng sủa, học giỏi, hiền lành nhất nhà mà còn chịu… đi tu, nghĩa là trong tương lai sẽ làm linh mục.

Thực ra, trong anh em tôi có tới 3, 4 người được bố mẹ gửi vào nhà dòng, để nếu không tu được thì cũng sẽ học hành nên người tử tế, nhưng tất cả – trừ T – hoặc trốn về vì nhớ nhà (và vì cơm nhà dòng nuốt không nổi), hoặc bị các cha trả về vì “không có ơn kêu gọi” (thực chất là nghịch phá hoặc học dốt).

Trước 1975, T đã vào nhà dòng nhưng khi 30 tháng Tư ập đến, tất cả mọi tu viện hoặc bị chế độ mới tịch thu hoặc bị đóng cửa, những người đang tu tập bị trả về nguyên quán, thì ít lâu sau T được mẹ tôi gửi gấm một vị cha xứ đã già ở gần nhà, bề ngoài là chú giúp việc nhưng thực ra là một người tu “lậu”!

Để tránh bị đám cán bộ địa phương dòm ngó, làm khó dễ, tịch thu cơ sở nhà xứ…, vị linh mục đã ra sức “nín thở qua sông”: sáng sớm, khi giáo dân trong xứ đạo lũ lượt kéo nhau vào nương rẫy thì ngài dù tuổi già sức yếu vẫn vác cuốc cùng T hòa mình vào đoàn người. Và cũng giống mọi người, cha và T ăn trưa trong rẫy, tới chiều mới quay về.

Một buổi trưa nọ, cơm nước xong xuôi, vừa đặt lưng trong cái lều của hai cha con, T nghe thấy tiếng ồn ào của đám thanh thiếu niên gần đó, liền tới xem thử có chuyện gì.

T vừa tới nơi thì một tiếng nổ long trời lở đất: một trái đạn đại bác 155 ly chưa nổ, không biết đám thiếu niên nghịch ngợm táy máy thế nào bỗng phát nổ.

T bị một miểng đạn lớn vào đầu, chết ngay tại chỗ!

 

* * *

Khoảng hai tuần sau khi tôi nhận được tin em trai chết, cả T2 đã bị rúng động vì một cái chết khác: Vui, chàng cầu thủ đá banh được cả tù cải tạo lẫn bộ đội hâm mộ tài nghệ, tự tử chết!

Ở một đoạn trước, khi viết về anh y tá bộ đội mê đá banh tên Thu, tôi đã nhắc tới Vui, một thiếu úy gốc Cà Tum, trước kia là một cầu thủ bóng tròn có hạng.

Vui là người gốc Huế, cao lớn, trắng trẻo, khá đẹp trai. Theo những anh em chơi thân với Vui, anh xuất thân từ một gia đình khá giả và nề nếp ở đất thần kinh. Về chuyện tình cảm cá nhân, vì Vui rất kín miệng cho nên anh em cũng chỉ được biết Vui còn độc thân, và mỗi lần thăm nuôi thì có chị hoặc em gái lên thăm.

Sau khi T2 di chuyển từ trại cũ sang trại mới, không ai được trở lại khu vực trại cũ nơi có sân banh, thì mục đá banh cũng bị dẹp bỏ, Vui buồn ra mặt, ngày càng trở nên trầm lặng, sống thu mình.

Trong kỳ thăm nuôi đợt 2, Vui được người chị lên thăm; không hiểu có tin tức gì mà sau đó Vui xuống tinh thần thấy rõ, đi lao động về là nằm một chỗ.

Được vài ngày, sau một đêm mưa to gió lớn, sáng ra anh em không thấy Vui trên chiếc giường tre thì cứ tưởng anh đi vệ sinh. Đợi tới giờ đi lao động vẫn không thấy Vui trở về, anh em tới giường quan sát kỹ thì thấy nhiều vết máu trên chiếu và một lưỡi lam (dao cạo râu): Vui đã cắt mạch máu tự tử?!

Sau khi được báo cáo, ông Phùng Xuân Nghĩa cho tổ của Vui được miễn lao động để đi tìm kiếm. Tới trưa, khi chúng tôi trở về trại, anh em trong tổ đã ra tới tận bìa rừng, băng qua nên kia bờ suối mà vẫn không tìm ra một dấu vết nào của Vui…

Một ngày, rồi hai ngày trôi qua… Tới ngày thứ ba, mới thấy xác Vui nổi lên trong một bụi cây dưới suối, ngay phía dưới cây cầu nối liền với trại cũ.

Như vậy, sau khi cắt mạch máu cổ tay, để cho chắc ăn, Vui đã lấy cái chăn cuốn chặt vết cắt để khỏi để lại vết máu trên đường đi, rồi ra suối trầm mình…

Xác Vui, bó trong cái chăn của chính anh, được anh em cùng tổ chôn giữa sân banh ở trại cũ, với một mộ bia bằng gỗ khắc tên tuổi do tổ mộc thực hiện. Lúc chôn Vui, y tá Thu cũng có mặt…

Ít lâu sau khi Vui tự tử, khoảng giữa năm 1978, đội tôi được phân công làm rẫy gần đường lộ, đi về bằng lối trại cũ. Lúc về, chúng tôi tới thăm mộ Vui, ai cũng bùi ngùi, riêng tôi sau đó còn tạt qua vườn rau cũ tìm mộ con Mát-đa. Mới có mấy tháng mà cỏ và cây dại đã mọc che khuất cả khu vườn, nhưng cái bia “Mát-đa chi mộ” vẫn còn đứng vững. Là người Công giáo, không tin loài vật có linh hồn nhưng tôi vẫn thấy lòng mình chùng xuống như khi đứng trước mộ một người thân, hay một người bạn. Tôi đặt tay lên bia mộ một hồi lâu rồi mới quay gót…

 

* * *

Vài tuần sau, tôi bắt đầu cảm thấy trong người mệt mỏi một cách khác thường. Không phải cái mệt mỏi rã rời sau những buổi lao động vượt chỉ tiêu mà dường như sinh lực trong cơ thể tự dưng dần dần biến mất… Cho tới một buổi sáng nọ tôi bò dậy một cách khó khăn, đi đứng lạng quạng nên xin được miễn lao động.

Tới trưa khi anh em từ rẫy trở về trại, Hoàng (đờn bass) lãnh cơm trưa cho tôi nhưng tôi vẫn nằm một chỗ, không muốn ăn một chút nào vì miệng đắng ngắt. Suốt ngày hôm đó, tôi nằm liệt giường, chỉ cố gượng đứng dậy mỗi khi đi tiểu.

Qua sáng hôm sau, tôi gần như bị liệt giường. Tới khoảng 1, 2 giờ chiều tôi thấy lạnh, càng lúc càng lạnh, lạnh run cầm cập, tôi trùm chăn kín mít, nằm co quắp, khép chặt hai đùi nhưng vẫn không ăn thua gì bởi đây không phải cái lạnh từ ngoài trời mà lạnh từ trong xương lạnh ra. Tôi có thể nghe hai hàm răng của mình đánh vào nhau rõ từng tiếng!

Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, cái lạnh từ từ biến mất, nhưng ngay sau đó tôi lại lên cơn sốt. Lúc đầu, tôi còn tỉnh để nhận ra thân người mình nóng như lò lửa, sau đó mê man không còn biết gì nữa.

Cũng khoảng 1, 2 tiếng đồng hồ sau, tôi tỉnh dậy, cơn sốt đã chấm dứt và người bắt đầu toát mồ hôi, ướt sũng. Thân thể tôi trở nên rã rời, đầu nhức như búa bổ, miệng khô đắng. Chưa bao tôi thèm đường đến như thế; tôi thều thào nhờ Hoàng lấy cho tôi cái hộp đựng đường cát trắng vợ tôi mới đem lên, cất trong cái thùng đạn dưới gầm giường, và một lon ghi-gô nước lạnh.

Xế chiều, tôi cố gắng xuống khỏi giường để đi tiểu thì thấy nước tiểu có màu đỏ sậm.

Ngày hôm sau, tôi cảm thấy cơ thể đỡ mệt mỏi, bớt nhức đầu so với chiều hôm trước. Nhưng qua ngày kế tiếp, mọi diễn tiến lập lại y như hai ngày trước đó, cũng bắt đầu vào khoảng 1, 2 giờ chiều, có khác chăng là tôi bị mê man trong một khoảng thời gian dài hơn, sau đó bị nhức đầu dữ dội hơn, và cảm thấy mệt mỏi rã rời hơn lần trước rất nhiều!

Một người bạn cùng đội đem lại cho tôi hai viên thuốc ký-ninh (quinine). Lúc đó tôi mới được biết trong lúc tôi lên cơn sốt, y tá Thu được anh em trong đội thông báo đã xuống thăm bệnh, và cho mọi người biết tôi bị sốt rét cấp tính. Anh nói anh em cải tạo nào có ký-ninh thì san sẻ cho tôi, bởi trên “khung” không có.

Nhưng tôi uống hai viên thuốc mà bệnh không hề thuyên giảm: hai ngày sau, cơn sốt rét trở lại, khủng khiếp hơn… Tội nghiệp anh bạn tù tốt bụng chỉ có bốn viên ký-ninh để phòng thân, sau đó cho nốt hai viên còn lại, nhưng cũng chẳng ăn thua gì!

Cũng cần viết thêm, từ khi bị sốt rét hành, vì miệng đắng và đau cuống họng, không muốn nuốt bất cứ thứ gì, tôi sống nhờ đường và nước lạnh. Mỗi khi miệng thật khô và đắng, tôi ngậm khoảng nửa muỗng cà-phê đường, sau khi đường tan, nhấp một chút nước…

Gần hai tuần lễ sau, khi tôi ăn hết hộp đường của mình, Hoàng phải lấy đường của hắn cho tôi một hũ chao thì tôi có cảm tưởng đường và nước chẳng còn tác dụng gì cho một cơ thể đã không còn một chút sinh lực!

Lúc này, tôi gần như bị mê man suốt ngày, và trong khoảng thời gian tỉnh táo ngắn ngủi sau mỗi cơn sốt rét, tôi nghĩ chắc chắn mình không qua khỏi.

Trước kia, tôi từng được nghe Hùng, một thiếu úy bộ binh bị bắt làm tù binh trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, kể về những cái chết do sốt rét cấp tính mà anh đã chứng kiến trong rừng Trường Sơn.

Khi bệnh nhân cảm thấy lạnh là lúc vi trùng sốt rét xuất phát từ lá gan đi khắp cơ thể để tiêu diệt hồng huyết cầu trong máu; sau đó khi chúng sinh sôi nảy nở là lúc bệnh nhân bị sốt rồi toát mồ hôi.

Theo những gì Hùng đã chứng kiến thì sau khoảng hai tuần lễ, bệnh nhân sẽ kiệt lực và… đi luôn. Cũng theo lời Hùng, ngày ấy nơi anh và các tù binh VNCH khác bị giam là một căn cứ hậu cần của CSBV trong rừng Trường Sơn, có cả một trạm xá dành cho bộ đội “sinh bắc  tử nam”, nhưng trong khi có cả tù binh VNCH lẫn bộ đội CSBV bị sốt rét, thì chỉ có bộ đội chết chứ không có tù binh miền Nam nào, có lẽ vì cơ thể của họ có đủ sức kháng cự những đợt tấn công của vi trùng sốt rét.

Như vậy, anh y tá bộ đội của T2 đã không phóng đại khi có lần nói với chúng tôi rằng trong những năm tháng vượt Trường Sơn, số bộ đội chết vì kiết lỵ và sốt rét còn nhiều hơn số chết vì bom B-52!

Nay tôi bị sốt rét đã gần hai tuần mà không thuyên giảm có lẽ vì sau gần 3 năm tù cải tạo, kháng thể trong người không còn đủ sức chịu đựng những đợt tấn công liên tiếp của vi trùng…

Tôi hoàn đã toàn kiệt lực, không còn sức để nuốt đường, nước nữa. Tôi chờ chết!

 

* * *

Điều kỳ lạ là sau này khi đã được thả, cứ mỗi lần nghĩ tới việc mình suýt bỏ mạng vì sốt rét ở Phước Long tôi lại rùng mình ớn lạnh, nhưng trước đó, khi nằm bất động trên cái giường tre trong trại cải tạo, tôi lại rất bình tĩnh!

Thứ nhất, như đã viết trong kỳ đầu tiên, một thời gian ngắn sau khi bị bắt đi học tập cải tạo, tôi đã tìm lại được niềm tin vào tôn giáo, và phó thác cuộc đời cho đấng đã tạo dựng ra mình.

Tôi thừa hưởng niềm tin này từ bà ngoại. Khi hai trong số bốn người cậu quân nhân của tôi đền nợ nước, bà đều nói: “Sống chết do Chúa định!”

Viết như thế không có nghĩa là một khi tin vào Chúa là đương nhiên không còn sợ chết, nhưng hình như khi phải sống trong cảnh khốn cùng, tuyệt vọng, người ta không còn sợ hãi cái chết nữa.

Không phải tôi không nghĩ tới vợ con, nhưng nghĩ tới chỉ vì tình cảm yêu thương chứ không phải vì lo lắng cho tương lai, bởi hơn ai hết, những người tù cải tạo chúng tôi trong cảnh cá chậu chim lồng đều suy nghĩ dưới chế độ cộng sản hiện nay, mình chỉ là những kiếp sống thừa, những gánh nặng cho vợ con, cha mẹ…

Tôi cũng nghĩ nhiều tới mẹ tôi, người đã yêu thương lo lắng và hy sinh quá nhiều cho thằng trưởng nam (tới mức đôi khi tôi cảm thấy áy náy khi so sánh với các em), nhưng tôi tin mẹ tôi sẽ vượt qua bởi bà cũng có một đức tin rất mạnh. Chính đức tin ấy đã khiến mẹ tôi tin rằng việc gia đình tôi bị kẹt lại vào năm 1975 cũng là do “ý Chúa”!

Ngày ấy, sau khi mất Phước Long, mẹ tôi, vốn quen biết nhiều vị trong giới giáo quyền, được một vị linh mục cho biết người Mỹ đã bán đứng miền Nam. Tới giữa tháng Tư, mẹ tôi đã đích thân lên phi trường Biên Hòa gặp tôi để bàn về việc cả gia đình đi ra Phước Tỉnh, nơi có nhiều họ hàng bên ngoại và vị linh mục chánh xứ là người trong thân tộc, để sẵn sàng ra đi vì nghe đồn sẽ có một cuộc “di cư” cho người Công giáo như vào năm 1954. Nhưng lần này di cư đi đâu, không ai được biết!…

Tuy nhiên dự định của mẹ tôi đã bị tôi gạt phắt, bởi tôi không muốn… bỏ chạy!

Tôi không hề nghĩ mình là một sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị nên có tinh thần yêu nước, chống cộng cao hơn người khác, mà chỉ vì khi ấy tôi không tin mình sẽ mất trọn miền Nam mà ít ra cũng giữ được Vùng 4. Tôi muốn ở lại để cùng mọi người tử thủ. Thế thôi!

Lúc ấy, nhìn nét mặt thất vọng của mẹ, lòng tôi cảm thấy vô cùng bất nhẫn nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Sau 30 tháng Tư 1975, khi tôi bày tỏ sự ân hận chỉ vì quyết định của mình ngày đó mà cả bố mẹ anh em bị kẹt lại, mẹ tôi đã an ủi tôi bằng cách nói rằng ngày ấy bà cũng có ý chờ tin tức về một thằng em của tôi phục vu tại Tiểu Khu Pleiku, mất tích trong cuộc di tản trên liên tỉnh lộ 7, nên cũng hơi dùng dằng, nếu không rất có thể bà đã đưa cả nhà ra Phước Tỉnh, bỏ gia đình chúng tôi lại vì nghĩ rằng “không quân có máy bay, thế nào chả đi được!”

 

* * *

Sau khi đã cảm thấy thanh thản khi nghĩ tới những người thân yêu, tôi tự vấn lương tâm về những gì còn vướng mắc trên quãng đời đã qua: những ân oán, những món nợ chưa trả – nợ tiền, nợ tình…

Về ân oán, có lẽ tôi còn quá trẻ, hoặc không sống trong những môi trường, những cảnh đời phức tạp để phải vướng mắc!

Nợ tình thì tôi nợ… tứ phương nhưng chỉ là những món nợ nho nhỏ, có thể xí xóa. Viết một cách cụ thể hơn, tôi chưa bao giờ hại đời con gái nhà lành rồi quất ngựa truy phong, chưa bao giờ đào mỏ (dại gái là đàng khác), chỉ thỉnh thoảng được hưởng “tình cho không biếu không”.

Có áy náy chăng chỉ là khi nhớ tới cô bạn thơ văn từ thời trung học. Dù hai đứa chưa hề ngỏ lời, bằng miệng cũng như qua giấy mực, nhưng trong thâm tâm cũng tự biết hai đứa không chỉ coi nhau như bạn!

Một khi chưa hề ngỏ lời, tỏ ý thì muốn chấm dứt cũng dễ thôi. Vậy mà tôi đã không làm được. Sau khi đã làm đám hỏi với người con gái sau này là vợ tôi, tôi vẫn dấu kín cô bạn, vẫn duy trì liên lạc, những buổi sáng giá lạnh, những buổi chiều lộng gió ở phi trường Pleiku vẫn “thắt lại khăn ấm chính em đan…”.

Để rồi ít lâu trước khi lấy vợ, tôi bàn giao cái “khăn ấm” ấy cho tay bạn nối khố Trần Ngọc Tự, và chấm dứt cái một, không kèn không trống! …

Nhưng nợ tiền thì tôi có vướng mắc!

Nguyên trong thời gian học 9 tuần căn bản quân sự ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung trước khi lên Thủ Đức, tôi kết thân với một đàn anh thuộc một Bộ nọ trong chính phủ. Anh là một trong những công chức trung cấp, cùng với một số Phó đốc sự tốt nghiệp Khóa 13 Quốc Gia Hành Chánh, chỉ phải học 9 tuần căn bản quân sự rồi trở về nắm giữ chức vụ cũ.

Chẳng hiểu sao anh lại thương tôi như một đứa em mà anh đặt cho biệt hiệu “Xăng-pha-mi” (Sans Famille: Vô gia đình, truyện của Hector Malot). Khi về phép cuối khóa, anh không chỉ bao tôi đủ mục vui chơi của đàn ông con trai, mà trước khi chia tay còn hỏi tôi có cần để tiêu xài trong mấy tuần lễ huấn nhục ở Thủ Đức thì anh cho mượn, khi nào trả cũng được.

Dĩ nhiên, tôi chẳng dại gì từ chối. Anh đưa cho tôi 3000 đồng (khoảng một tháng lương sinh viên sĩ quan ngày ấy). Thế rồi trong suốt 6 năm sau khi ra trường Thủ Đức cho tới 30 tháng Tư 1975, tôi chỉ nhớ tới món nợ này khi đã… xài hết tiền lương!

Nhưng theo sự “diễn dịch” của tôi, vướng mắc này chỉ là một “tội nhẹ” trước mặt Thiên Chúa, bởi vì người tôi mắc nợ tương đối dư giả chứ không đến nổi thiếu thốn, đồng thời tôi cũng không có chủ ý quỵt luôn.

 

* * *

Sau khi tính sổ đời, tôi thấy lòng mình thảnh thản. Sự thanh thản của một người đã hết hy vọng và chấp nhận phần số, chứ không phải đau khổ tuyệt vọng. Tôi nghĩ tới cái chết của mình như thể đó là cái chết của một người nào khác. Ngày mai, hoặc vài ngày nữa, sau cơn sốt rét cuối cùng, tay tù cải tạo hỗn danh “Sáu Lèo” sẽ không bao giờ tỉnh lại, anh em sẽ chôn hắn ở giữa sân banh bên cạnh mộ Vui, để rồi mấy năm sau sẽ chẳng còn chút vết tích!…

Nhưng đúng vào thời gian này lại xảy ra một biến cố mà nếu không có Hoàng (đờn bass) tôi đã bị chết đuối trước khi kịp chết vì sốt rét.

Đó là việc T2 bị lụt sau khi đập nước ở thượng nguồn sông Tà Niên – tức con suối chảy xuống T2 – bị vỡ.

Một vùng núi đồi như Bù Gia Phúc mà bị lụt là chuyện khó tin nhưng có thật, xảy ra vì hai nguyên nhân, một do thiên nhiên một do bàn tay con người.

Về thiên nhiên, khu đất của T2 giống như một cái lòng chảo nho nhỏ, nơi con suối chảy quanh gần giáp vòng trước khi xuôi về Thác Mơ dưới chân núi Bà Rá.

Nhưng nếu không có sự can thiệp của bàn tay con người thì cái lòng chảo ấy đã không bao giờ bị lụt.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cái đập nước ấy và cũng không biết nó được sử dụng vào mục đích gì?! Sau này ra hải ngoại, qua đọc một hồi ký của một cựu tù cải tạo từng ở Phước Long, tôi cũng chỉ được biết cái đập nước ấy được xây dựng hoàn toàn bằng cây rừng và đất đá.

Cũng như cái hội trường vĩ đại gây chết người ở Đồng Ban, cái đập nước ở Phước Long cũng là sản phẩm của một bộ óc siêu việt nào đó trong đám tù cải tạo!

Theo lời Hoàng kể lại, không biết đập bị vỡ vào lúc nào, chỉ biết buổi sáng hôm ấy khi anh em đang chuẩn đi lao động thì nước suối bắt đầu dâng lên ngập sân, chỉ mấy phút sau đã ngập tới nền nhà. Tù cải tạo được lệnh di tản khẩn cấp lên một vị trí cao hơn trên con đường đi lên trung đoàn.

Vì phải lo di chuyển vật dụng cá nhân và cái thùng đựng thực phẩm,  sau khi lên tới nhà thăm nuôi, Hoàng mới quay trở lại trại để tìm cách đưa tôi đi. Nhưng lúc đó mực nước ở ngoài sân đã dâng cao lên tới ngực, và trong nhà thì gần ngập dẫy giường tre trên đó có tôi nằm bất động, một mình Hoàng không đủ sức đưa tôi thoát khỏi trại.

Thời may, lúc đó đám cải tạo anh nuôi đang sử dụng mấy cái chảo gang lớn (đường kính khoảng 1.2 – 1.5 m) làm thuyền để vận chuyển thực phẩm của nhà bếp lên trên đồi, Hoàng liền lên tiếng báo động cho họ biết có một người bệnh còn nằm trong nhà.

Vì đây là chuyến chót cho nên mấy cái chảo cũng không đến nỗi khẳm, dư sức chở thêm tôi. Nhưng khi ấy, mực nước ở ngoài sân đã ngập quá đầu người và cuốn mạnh, Hoàng và mọi người phải vất vả lắm mới vừa bơi vừa đẩy được mấy cái chảo lên khu vực nhà thăm nuôi.

Sau này, Hoàng kể lại trong lúc đang bơi, gần hết hơi nên hắn phải há miệng để thở thì một bầy giòi (thoát ra từ những thùng phân người ở cầu tiêu) đã theo dòng nước chui vào miệng hắn. Cả tuần sau, hắn vẫn ói mửa khi nhớ tới trải nghiệm kinh hoàng này!

 

* * *

Lên khỏi khu vực bị lụt, tôi được đưa vào nhà thăm nuôi, cho nằm trên một cái giường tre.

Vì thân xác đã kiệt quệ, đầu óc mơ mơ màng màng, tôi hầu như không hay biết gì về những diễn tiến trong ngày T2 bị lụt. Cho nên tôi cũng không biết vào buổi chiều hôm ấy tôi có bị lên cơn sốt rét hay không? Chỉ biết sáng hôm sau, sau khi nước rút, trong lúc anh em tù cải tạo trở về trại dọn dẹp cây cối, rác rến, chùi rửa giường nằm và các vật dụng sinh hoạt, tôi cảm thấy đỡ nhức đầu và tỉnh táo hơn ngày hôm trước. Tới trưa, Hoàng và một người bạn tù khác xốc nách tôi đưa về trại.

Sau khi được đặt lưng trở lại trên cái giường tre, tôi chuẩn bị tinh thần chờ đợi cơn sốt rét, nhưng chờ mãi, chờ tới hơn 2 giờ chiều vẫn không thấy sốt rét quay trở lại!…

Ngày hôm sau, vẫn không có gì xảy ra… Cuối cùng, tôi biết mình đã thoát chết!

Theo anh y tá Thu, tôi là bệnh nhân sốt rét cấp tính đầu tiên thoát chết mà anh được biết! Phần tôi, cho tới nay tôi vẫn tin việc mình bị sốt rét ở Phước Long năm 1978 mà không chết là một phép lạ!

 

* * *

Ít lâu sau trận lụt ở T2, khi tôi đã có thể sinh hoạt bình thường trở lại thì vào khoảng tháng 7 hay tháng 8 dương lịch, xảy ra một cuộc chuyển trại ở L2. Không biết ở các T khác thì sao, riêng ở T2 chỉ có vài chục người, tất cả đều là trung úy thuộc thành phần “nặng tội” nhất: chiến tranh chính trị, an ninh tình báo, quân cảnh tư pháp…, trong số đó có tôi.

Hầu như toàn thể tù cải tạo – kẻ ra đi cũng như người ở lại – đều tin rằng nhóm chúng tôi sẽ bị đưa ra miền Bắc. Tôi nhủ thầm:

– Cuối cùng thằng “giặc nói” này cũng không thoát. Thôi, tới đâu hay tới đó!

Khi nhóm chúng tôi được lệnh tập họp đi bộ lên trung đoàn, từ đó sẽ có xe chở đi trại mới, Cường (cựu đội trưởng), Hoàng, và M (bị đốt râu) tới từ giã tôi; người nào cũng ái ngại cho tôi vì biết cuộc chuyển trại này lành ít dữ nhiều!

M bắt tay tôi thật chặt, nói nhỏ:

– Thôi… Chúa phù hộ anh Sáu nhé!

(Còn tiếp)

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search