T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: MẸ KHÔNG ANH HÙNG (2)- Bùi văn Liên Xô

clip_image002

Kỳ 1

 

1

Chẳng có tổng tuyển cử. Chẳng có thống nhất. Sông Bến Hải như một nhát chém cắt đôi đất nước ra làm hai miền thù địch. Miền Bắc thề đốt cả dãy Trường Sơn để giải phóng. Miền Nam cũng đòi lấp sông Bến Hải để giải phóng. Những cái “giải phóng” ấy đụng nhau nảy lửa ở khắp các mặt trận.

Như cá trong chậu, những người có chồng con đi tập kết bị gọi lên xã, lên huyện cứ như cơm bữa. Người ta hỏi có biết chồng con ở đâu không, đã nhận bao nhiêu lá thư gửi từ Pháp về, nhận những công tác gì, có gặp bọn nằm vùng hay không …Bọn họ tối đến còn phải đi ngủ tập trung, giống như trâu bò sau một ngày đi cày lại vào trong chuồng mà ngủ. Nhưng trâu bò còn được thả rơm cho mà nằm nhai lại suốt đêm. Bọn họ thì cứ bị dựng dậy bất cứ lúc nào. Nhất là những người có chút nhan sắc như nàng. Những cái nhìn như xé toang quần áo nàng ra, những câu nói tục tĩu, những tiếng cười dâm ô của bọn lính gác, của quan chức lớn bé làm cho nàng cảm thấy những năm tháng không có chồng con ở nhà thật là ô nhục.

Dù nàng chưa bị lột truồng ra, nhưng cuộc đời của nàng đã trần truồng như nhộng. Chẳng có một bàn tay đàn ông nào che chắn bảo bọc. Những người khác, mong đợi một ngày được chồng con trả thù rửa nhục, chứ nàng thì chẳng mong đợi gì hết. Nàng sống mà không một chút hy vọng. Sống như một lưu đày ngay chính quê hương mình. Sống như đốt cháy mọi niềm tin. Sống như tự mài mòn đi để trở thành đá cuội trong lòng thác. Nói như mẹ chồng: sống mà như đã chết rồi.

Bà Cửu tuy không phải đi ngủ tập trung, không phải bị gọi lên gọi xuống, nhưng với một đứa con ngỗ ngược, một đứa cháu hót những điều trái tai như sáo khiến bà còn chán nản tuyệt vọng hơn cả nàng. Lấy chồng xa, mấy mươi năm chưa một lần về thăm quê, cha chết rồi mẹ chết cũng chỉ biết khóc sưng mắt mà thôi. Chồng chết, bao nhiêu năm ở vậy nuôi con, những tưởng lớn lên nó đã có thể thay cha đưa mẹ về thăm nhà. Nào ngờ chiến tranh, rồi tập kết và nhất là nó coi bà như kẻ thù giai cấp, thì chắc đến lúc nhắm mắt bà cũng không thể trèo qua đèo Hải Vân mà thắp cho cha mẹ một nén nhang của đứa con bất hiếu.

Đã hơn mười năm, bà đã sống những tháng ngày nhạt nhẽo nhất trong đời. Sống với con dâu thì mặn nồng làm sao được. Cho dù nàng dâu của bà cũng đã làm tròn, có khi là hơn, bổn phận của mình với mẹ chồng, nhưng khác máu tanh lòng, sao bằng đứa con đứa cháu ruột rà. Nhiều đêm bà nghĩ thương cho phần số của cả hai người. Giống như hai cái cây bị róc hết cành nhánh, hai người sống cạnh nhau như hai cay cau bị gió bão làm cho trốc gốc, nằm vật lên nhau cũng chỉ đợi người ta cưa xẻ mà thôi.

Những tưởng bà sẽ phải chết dí ở cái nơi xa xôi này, không ngờ một ngày tháng năm, người em trai út của bà tìm đến thăm. Hôm đó, một người đàn ông trọ trẹ mới tới đầu đình đã làm cho mọi người tin chắc là ông ta đi tìm họ hàng. Những đứa bé nhanh chân đã chạy nhong nhong đến báo tin cho bà. Chúng nó nói, bà Huế ơi, cái ông mô mô tê tê gì kia có phải bà con của bà không? Trống ngực đánh thình thình, bà không tin vào đôi tai đã bắt đầu nằng nặng cho đến khi người em trai lúc bà đi theo chồng mới có 5 tuổi đứng trước mặt bà.

Khỏi phải nói là họ đã ôm nhau khóc một bữa đã đời. Khóc và tranh nhau nói. Những tê, những , những răng, những rứa, những hỷ, những tề, những tiếng lâu nay chưa có dịp tuôn ra giờ chảy ào ào như mưa nguồn thác lũ. Bọn trẻ con há hốc mồm ra nhìn cuộc trùng phùng sau hơn 40 năm. Bà cho chúng quà, nào kẹo gầng nào mè mè xững, những thứ lâu nay chúng chưa hề thấy bao giờ.

Bà Cửu cũng cảm thấy mình như được trẻ lại đến mấy chục tuổi. Bà nhớ lại hơn 40 năm trước đã từng bồng ẵm cậu em út, đã từng nựng nịu tưng tiu nó và thầm mong khi lấy chồng cũng sinh một đứa con xinh như thế. Bà hỏi han đủ thứ chuyện và mặc dù cậu lặn lội đường xa, bà vẫn muốn được chuyện trò suốt đêm. Cậu em đã nói cho bà nghe chuyện cha mẹ, chuyện các anh chị thương nhớ bà như thế nào, nhất là trong chín năm không biết bà sống chết ra sao. Khi nghe đình chiến đã muốn vào thăm, nhưng tang cha, tang mẹ, rồi bận lo con cái học hành đi lính đi tráng mãi đến nay mới vào được. Cậu tha thiết muốn được đưa bà về thăm quê.

Về thăm quê, còn gì vui hơn nữa. Mà lại về bằng máy bay thì đúng là dẫu có nằm mơ cũng không thấy!

Ở Huế hai tháng bà nhận ra được một điều: Chiến tranh dù đã xảy ra trên 20 năm nhưng ở tận đâu đâu chứ không ở thành phố. Bảo Đại dù xuống ngôi nhưng kinh thành Huế vẫn nguy nga đường bệ. Vẫn còn đó cửa Ngọ Môn, điện Thái Hoà. Vẫn còn đó cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba. Phố xá ngày càng tấp nập hơn. Những người bán hàng xén ngày trước như bà giờ là chủ những cửa hàng đồ sộ. Họ giàu ngất trong khi bà còm cõi dưới luỹ tre, hết chín năm kháng chiến đấu tố lại đến mười năm tố cộng.

Ở đây đâu có ai đi tập kết, đâu có ai phải đi ngủ tập trung. Giữa thành phố và làng mạc cách xa một trời một vực. Ở đây đèn điện sáng choang, còn ở làng quê đèn dầu leo lét. Ở đây, những người cỡ tuổi bà vấn khăn nhung, đeo chuỗi ngọc đi chùa, cỡ con trai bà mặc áo vét đi giày tây, cỡ con dâu bà áo dài màu tha thướt, cỡ cháu trai bà đi xe đạp sáng choang…Chiến tranh đâu có trùm lên tất cả.

Sao không bỏ nơi thù hằn, nơi ô nhục mà đi tìm nơi ánh sáng, nơi đồng tiền sẽ đẻ ra tiền. Việc gì phải chui rúc trong gian nhà mà cứ tối đến là phải thắp đèn đi soi từng hang hốc, việc gì phải còng lưng gánh từng gánh khoai gánh lúa chỉ để đổi lấy một đôi dép mới mang ba bữa đã đứt quai, một cái áo mới giặt vài nước đã tã ra, việc gì phải run sợ trước những thằng cha con mẹ còn thua bọn khuân vác hay đạp xích lô mà lên giọng này giọng nọ, việc gì phải cúi đầu chịu khổ khi trong tay mình có cả chục lạng vàng.

Đó là tài sản của cha mẹ để lại được anh em chia cho bà. Bọn họ còn đưa bà ra chợ Đông Ba để xem người ta mua bán, nhất là xem hàng vải của đứa cháu dâu. Bọn họ nói nếu không về Huế thì cũng phải bỏ cái xứ Đại Hữu tối tăm, cái xứ mà đêm đêm thường nghe cộng sản đánh trống khua chiêng ở phía bên kia sông, cái xứ mà con dâu bà không trước thì sau cũng bị làm nhục. Với ngần ấy vốn hai mẹ con dư sức mở một cái sạp nhỏ. Nếu buôn may bán đắt thì chẳng mấy chốc sẽ phất lên.

Bà nghe bùi tai quá và với cái nhìn và suy nghĩ còn hơn cả làm cách mạng, bà quyết đinh giao căn nhà họ Bùi cho người cháu họ. Cùng lúc ấy những ấp tân sinh ở gần núi đã bị đốt. Không đắn đo gì nữa, bà và con dâu chỉ mang theo những thứ cần thiết nhất lặng lẽ đi xuống Quy Nhơn.

2

Đầu tiên hai mẹ con thuê một căn nhà nhỏ ở gần kho xăng ông Tề. Phía sau là đầm Thị Nại, trước mặt là núi đá vôi với những con dê thả rong suốt ngày kêu be be trên những gộp đá. Hàng xóm cũng là những người đã sớm rời bỏ làng quê, những Trung Lý, Trung Định, những An Đông, An Ngãi, An Nhơn. Vẫn chỉ có một mình bà nói trọ trẹ mô tê giữa những âm thanh dẩy na chói tai ngộ nghĩnh. Tuy tiếng nói có đôi chút âm sắc khác nhau, nhưng tim họ như cùng đập một nhịp khi nghe nói tới hai tiếng cộng sản. Chẳng còn ai lạ gì những tiếng đấu tố, địa chủ, khả năng. Chín năm đủ cho họ dù không ruột rà thân thích hay bè bạn, chỉ một cái liếc nhìn cũng hiểu nhau những nỗi niềm lo sợ còn dội mãi trong lòng.

Cô cháu dâu nằn nì: “o vào trong nớ cố mà sang một cái sạp vải dù trong chợ nhỏ cũng được. O và chị Hai nghe nói dễ thương lắm thế nào cũng bán được mà. Cháu sẽ giới thiêu o với các đại lý ở Sàigòn, thấy bán được người ta sẽ cho o gối đầu lo gì mà không đủ vốn”. Mặc dù đã có người bày cho đi buôn, nhưng bà vẫn chưa dám. “Thôi hãy thư thả rồi sẽ liệu, bà nói với cô con dâu, giờ mình bày ra bán bánh canh cua hay bánh bèo kiếm sống qua ngày đã”. Cô con dâu dĩ nhiên là thuận theo ý bà. Nàng tất tả đi mua những thứ vật dụng cần thiết. Bà đi chợ xem cách người ta mua bán cua, học cách chọn cua gạch và tìm người thuận bỏ mối cho bà.

Với sự khéo tay của bà, cộng với sự ngăn nắp sạch sẽ của con dâu, chỉ dăm bữa là cái gánh bánh canh cua của hai mẹ con bà đã được cả xóm cây xăng ông Tề biết tiếng. Người ta khen sợi bánh canh mềm mà lại dai, thịt cua chắc và nhất là gạch cua đỏ như son chen lẫn với hành ngò xanh trông rất bắt mắt. Một bát chỉ hai đồng bằng giá một ổ bánh mì thịt, mà ăn tới đâu ngọt lịm tới đó.

“Cũng chẳng có bí quyết chi mô, bà nói, cái khó là phải lựa cho được cua gạch. Bánh canh cua mà không có cua gạch cũng như một cô gái thiếu phấn son. Đẹp thì có đẹp nhưng chưa chắc đã giữ được ai lâu dài”. Tuy không nói ra, nhưng bà tin sở dĩ đắt hàng, một phần cũng nhờ cô con dâu có con mắt đen ướt khiến bà cũng phải xiêu lòng huống hồ là đàn ông. Ngu chi mà ngu lạ rựa, bà nói, khi nghĩ tới cậu con trai đi theo đảng không biết đói no thế nào trên đất Bắc. Vợ đẹp như rựa mà bỏ đi đành đoạn!

Sống được với gánh bánh canh, hai mẹ con cũng quên luôn cái sạp vải trong dự tính. Thực ra họ có nghĩ tới. Bán vải thì nhàn hơn, chỉ ngồi trong mát khỏi phải kĩu kịt gánh từ xóm nọ sang xóm kia, khỏi phải lặn lội dưới mưa nắng và bà, nhất là, bà khỏi phải thức khuya dậy sớm trong khi tuổi già làm cho lưng cổ lúc nào cũng đau nhức. Nhưng bán vải thì to thuyền lớn sóng, lỡ trộm cướp hay cháy chợ cháy nhà thì tiêu ma cả vốn liếng. Sống cái nhà, thác cái mồ, chi bằng mua một căn nhà, dẫu có bị pháo kích cháy cũng hãy còn lại cái nền đất. Ở thành phố, một tấc đất là tấc vàng., giữ vàng trong mình đâu bằng giữ đất. Thế là một năm sau họ mua được một căn nhà bề ngang bốn thước, bề dài mười hai thước cũng ở trong xóm cây xăng ông Tề.

Vậy là an cư lạc nghiệp.

Và, nàng trở thành cô hàng quà.

Chẳng còn bị ai gọi tới gọi lui, chẳng còn ai lăm le làm nhục. Nàng thấy cuộc đời bỗng dưng trở nên dễ sống, đáng yêu. Và còn đáng yêu, còn đẹp hơn nữa nếu bên cạnh nàng có Bùi văn Mỹ. Nàng chi xiết nhớ con. Mặc dù lúc này nó đã 20 tuổi nhưng trong tâm trí nàng nó hãy còn là một đứa bé. Nàng nhớ xiết bao cái tiếng gọi mẹ ơi, mẹ ơi. Nàng nhớ hai bàn tay bé bé xinh xinh với những ngón đỏ hồng của nó xoè ra nâng niu những bông dúi dẻ, nhớ hàm răng lòi xỉ khi nó cắn những trái chim chim đỏ mọng, nhớ cái đầu hơi méo của nó tựa trên đùi nàng khi hai mẹ con ngồi nghỉ ở tảng đá đen trên núi Đất. Nhớ quá chừng, quá đỗi, mẹ nhớ quá con ơi! Không đêm nào là nàng không khóc khi nghĩ tới nó.

Giờ nó đang ở đâu trên đất Bắc xa xôi? Nó đang đi học hay đi lao động ở các nông trường. Nó ở Liên Xô, Trung Quốc xa tít tắp hay đang lẩn trốn ở núi rừng Trường Sơn đầy ma thiêng nước độc. Làm sao tôi lại để nó đi được nhỉ? Sao tôi không đu lên tàu mà kéo nó xuống, sao tôi cứ lặng lẽ khóc mà không biết đấu tranh cho sự sống còn của chính nó và của tôi?

Đằng đẵng hơn mười năm trời, chồng nàng gần như chưa bao giờ hiện diện trong tâm trí. Có những cặp vợ chồng, nàng thấy, họ mắng chửi nhau thậm tệ, nhưng sau đó dường như người nào cũng thấy mình có ít nhiều lầm lỗi, nên lại thấy người kia tội nghiệp, lại thấy thương, lại làm lành, lại chăm sóc nhau như lúc ban đầu. Nàng thì chưa bị chồng tát cho một bạt tai nào chứ đừng nói tới chuyện nắm tóc cột vào chân giường, xé đốt quần áo. Nhưng mà sao cứ thấy nhạt như nước ốc. .

Nghĩ lại, nàng thấy mình cũng còn may. Có một bà mẹ chồng biết phải biết trái, không hà khắc con dâu là xưa nay rất hiếm. Ngày trước nghe bà nổi tiếng khó tính nàng rất lo sợ, nhưng có ở với nhau nàng thấy bà cũng đâu có khác gì mẹ ruột dù nàng chưa biết mặt mẹ. Cái lần nàng ngủ trong ang lúa, cứ tưởng bà sẽ chì chiết suốt đời, không ngờ bà nói như nói với con gái: dại chi mà dại rựa! Đến bây giờ nàng vẫn thấy mấy tiếng dại chi mà dại rựa nó dịu ngọt làm sao. Một lời nói như vậy, dẫu có chết vẫn còn muốn mang theo xuống mồ cho nó ấm áp.

Hai mươi năm.

Không như ngày trước, chiến tranh không chỉ là bom rơi đạn nổ ở làng quê, mà bây giờ còn là đạn pháo kích vào thành phố,là lựu đạn nổ trong bar, là cầu bị gài mìn, là truyền đơn trong rạp hát, là xe hụ còi inh ỏi, là máy bay trực thăng bay lên bay xuống mệt nhoài để tải thương, là bồng bế gồng gánh, cả người và trâu bò chen chúc nhau vào thành phố. Cái bộ mặt chiến tranh trở nên đểu cáng hết chỗ nói. Thả bom cho nát bét ra rồi hội này hội nọ tới cứu trợ. Đốt làng đuổi dân chạy như chuột rồi dựng lều dựng trại tiếp cư. Đùn đẩy đàn bà trẻ con đi biểu tình chửi mắng để cho lính bắn rồi lu loa lên là tàn ác dã man. Chiến tranh quy ước, chiến tranh nhân dân, chiến tranh chính trị, chiến tranh kinh tế… đủ thứ chiến tranh trút xuống như mưa trên đầu những người dân vô tội.

Một sáng nọ có một người đàn bà ăn bánh canh xong lại lẽo đẽo đi theo nàng. Đến một chỗ vắng người, bà ta dúi vào gánh nàng một xấp truyền đơn. Bà bảo bà biết rõ chị là ai và vừa khuyên vừa doạ chị hãy tỏ ra xứng đáng với chồng và con. Nàng sợ đến nỗi không dám đi bán nữa mà gánh chạy tuốt về nhà. Mẹ chồng hỏi “sao về sớm”, nàng bảo “con thấy chóng mặt nhức đầu quá”. Bà bảo,” thôi còn bao nhiêu để lại ăn khỏi nấu cơm. Ngã bệnh thì khổ”. Nàng dạ, rồi vội vàng xuống bếp ném thẳng vào lửa. Mãi đến khi tất cả đã thành tro, nàng vẫn còn run.

Hai hôm sau, cũng người đàn bà đó cố ý bỏ quên một cái xách tay trong một tiệm ăn. Đến trưa thì nó phát nổ.

Thế là người ta bắt đầu chú ý đến những gánh hàng rong, những thúng xôi, những rổ bắp. Những gã đàn ông không ăn quà chỉ đứng xa xa hút thuốc. Là công an chìm, là mật vụ. Những con mắt cú vọ theo đuổi nàng như những con ruồi bay theo nồi bánh canh. Cả trong giấc ngủ nàng cũng mơ thấy những tờ truyền đơn bay chấp chới và những trái lựu đạn nằm lăn lóc.

Nàng sợ tưởng sắp phát điên, đành nói thật với mẹ chồng. Bà cụ thở dài. “Đồ vô hậu, bà nói, thôi để mạ sang cho một sạp bán quần áo cũ. Mạ chỉ còn chút ít để dành lo đau bệnh. Cũng đành dốc hết ra mà làm ăn chớ biết sao! Loạn chi mà loạn rựa tề!”

3

Sạp bán quần áo cũ sang lại ở chợ nhỏ khu Năm. Mỗi bề rộng một thước rưỡi chỉ đủ đặt một cái thùng gỗ cao hơn nửa thước. Có đến nửa thùng là đồ viện trợ gồm những cái váy to như bồ lúa, những chiếc quần kaki rộng thùng thình mà dân tản cư thường chọn mua lấy vải để may cho chồng con. Nó vừa rẻ vừa chắc. Nhiều bà, trời lạnh, cả mấy mẹ con cùng chui vào một cái váy là đủ ấm, khỏi cần phải chăn nệm. Các bác xích lô, bốc vác lại thích quần áo lính ta, trong khi thanh niên, công chức thích vải gabacdin của Mỹ. Ngoài ra còn có giày bố, giày bốt đờ sô… Cửa hàng tầm tầm nhưng cũng đã vét của bà Cửu đến những lạng vàng cuối cùng.

Được ngồi suốt ngày trong mát, được ăn mặc sạch sẽ dễ coi, nên dù không phấn son như mấy cô bán hàng khác, nàng vẫn có một nét đẹp mặn mà. Không ai nghĩ là nàng đã quá ba mươi.Trái lại người ta cứ tưởng là nàng kén chồng hơi kỹ nên tận bây giờ vẫn chưa có ai.

Trong số những người để mắt đến nàng có một anh công chức làm ở toà hành chánh. Anh đã mua của nàng cả chục bộ quần áo treo đầy tủ nhưng không mặc bao giờ. Cứ mỗi lần ghé lại là anh mua một bộ. Anh chỉ chọn lựa, trả tiền rồi đi, không nói với nàng tiếng nào. Chừng như, mối tình của anh tính theo quần áo, đã đến lúc chạm nóc tủ, anh liền mua tặng nàng một chiếc nhẫn.

Nàng ngạc nhiên bảo là nàng có chồng rồi nhưng anh không tin, anh bảo là anh sẽ cưới nàng làm vợ và nàng sẽ chỉ ở nhà lo cơm nước khỏi phải buôn bán chi cho khổ cực. Nàng hơi bối rối, nhưng cái ý nghĩ lấy chồng một lần nữa làm cho nàng cười thầm.

Ừ nhỉ, sao không bỏ quách mà đi lấy chồng khác như nhiều người vợ có chồng tập kết mỏi mòn không chờ đợi được. Có chồng, còn là một cách vứt bỏ cái mũ thân cộng đang đội trên đầu, là xoá sạch quá khứ tối tăm hướng đến một tương lại sáng sủa. Có chồng, được quá đi chớ. Nàng đâu đã già.

Nhưng, dù anh Bùi văn Bang yêu đảng hơn yêu vợ, và Bùi văn Mỹ dù đã được đổi thành Bùi văn Liên Xô cũng vẫn là con nàng, cho nên dẫu có phải đội hàng chục cái mũ thân cộng trên đầu thì nàng cũng không thể nào hất xuống mà đi lấy chồng được.

Chỉ khổ một điều, trong bóng tối người ta vẫn tưởng là nàng chung thuỷ với chồng và trung thành với đảng nên vẫn tìm cách liên lạc để xin được tiếp tế hay mua thuốc tây. Những lần như thế, nàng phải lén lút mua gửi lên núi mà xong việc rồi đến cả tháng vẫn còn sợ. Nếu mật vụ biết được thì chẳng những nàng bị đi tù mà sạp hàng, cơ nghiệp của mẹ chồng cũng bị tịch thu sạch!

Đồng tiền trong chiến tranh như nước chảy vào chỗ trũng. Dân càng chạy loạn nhiều thì túi càng rổng, trong khi những người phố thị túi lại cứ càng ngày càng đầy lên. Nàng tuy chẳng thấm vào đâu so với những nhà buôn lớn, nhưng cứ thêm nhiều làng bị đốt là nàng lại bán thêm được nhiều hàng. Ngoài chuyện đủ ăn đủ mặc, nàng còn dành dụm gửi mẹ chồng mua vàng. Giờ đây, nàng đẹp hơn, tươi tắn hơn, áo hoa quần lụa chứ không phải thô nhám, xấu xí và đã biết lén thoa một chút phấn, bôi một chút son mỗi khi ra chợ. Có người rủ nàng phi dê nhưng nàng lắc đầu không chịu. Ai lại để cái đầu như tổ quạ. Nhưng nàng cũng biết để cho thợ hớt bỏ cái búi tóc và kẹp bằng một cái kẹp đồi mồi. Những người quê cũ gặp lại nàng đã phải kêu lên: chu cha sao bữa nay đẹp dử dẩy?

Mặc dù nàng không chịu nghiến răng cắt đứt quá khứ, nhưng cái tuổi xuân hơ hớ cứ như gọi như mời, hết anh thư ký tỉnh lại đến một anh thượng sĩ.

Đó là một người cũng ngoài ba mươi như nàng. Một người Bắc di cư ăn nói từ tốn nhỏ nhẹ. Anh không tán tỉnh, không chọc ghẹo nàng. Anh chỉ làm như tình cờ một bữa trưa ghé qua hàng của nàng không mua mà xin đổi một đôi bốt đờ sô vừa chân, bù bao nhiêu cũng được. Sau một hồi xỏ chân thử hết đôi này đến đôi khác, anh chọn được một đôi giày Mỹ mới toanh. Anh hỏi nếu bán thì giá bao nhiêu. Theo lời mẹ chồng dặn, nàng nhìn mặt anh một lúc rồi nói năm trăm. Anh rút bóp đếm tiền trả đủ, không cò kè thêm bớt. Anh lại để đôi giày của mình nói, tôi không cần đến nó nữa, rồi anh đi. Tuy được món lời kha khá, nhưng nàng cũng thấy bình thường, chẳng một chút gì để ý đến anh ngoài cái ý nghĩ là anh ta làm ra bộ bảnh.

Nàng quên mất anh ta cho đến một hôm trời mưa như trút, nước trong chợ dâng lên đến chân sạp. Nàng loay hoay lo dọn dẹp. Đúng lúc ấy anh ta xuất hiện và giúp nàng che chắn cho khỏi dột. Để cảm ơn anh, nàng kéo mấy chồng quần áo vào trong cho anh ngồi ghé lên sạp.

Anh đem kẹo lạc ra mời, nàng lắc đầu. Nàng lờ mờ cảm thấy anh ta cười cái tiếng nẫu, nên nàng chỉ ngồi im nghe anh nói. Không ngờ cũng giống như trời mưa, anh tuôn ra hàng bao nhiêu chuyện. Anh nói tới những miền quê xa xôi của anh, những con đê cao vút, những mái chùa xanh rêu, những cổng làng với cây đa, rồi tới những ngọn tháp Chàm ở Bình Định…

Với một giọng ấm áp, thân tình anh đưa nàng đi từ chùa này đến tháp nọ. Nàng trố mắt ra nhìn anh như một cô bé ngây thơ mười lăm tuổi. Mãi đến khi anh đi rồi nàng vẫn còn ngẩn ngơ vì lần đầu tiên nàng được nghe một người đàn ông ăn nói dịu dàng đến thế. Không như chồng nàng lúc nào cũng dấm dẳng nếu không muốn nói là như dùi đục chấm mắm nêm!

Rồi sau đó, thỉnh thoảng những buổi trưa chợ vắng khách anh lại tới.

Vẫn những câu chuyện thương nhớ quê hương xa xôi, vẫn những nỗi buồn trầm trầm lành lạnh. Dường như tất cả những thứ ấy đang ẩm mốc trong lòng anh cần phải đem ra phơi nắng và nàng chính là thứ nắng mới ấm áp mà anh cần. Lạ lùng làm sao, là chính nàng cũng có những thứ cần đem ra phơi dưới ánh nắng của anh. Không còn sợ anh cười cái tiếng xứ nẫu nữa, nàng cũng nói về con sông chảy qua làng, những cánh đồng lúa chín, những trái chim chim dúi dẻ ở núi Đất, về bộ râu dài và trắng như bông lau của cha, về tiếng goi mẹ ơi nũng nịu của con trai.

Dĩ nhiên nàng không nói về chồng. Nhưng anh nói về vợ anh. Cô ấy đẹp, thích chưng diện, thích phiêu lưu tình ái, nên không chịu bay về cái tổ nghèo nàn không được ấm của anh.

Thế rồi người nọ thấy nhơ nhớ người kia và người kia thấy thinh thích được gặp người nọ.

Một ngày đẹp trời mùa hạ, bỗng nàng bằng lòng chịu để anh đưa đi chơi. Anh đã đưa nàng lên tháp Đôi sờ những viên gạch đỏ thắm dù đã ngàn năm, đưa xuống gành Ráng thăm mộ Hàn Mặc Tử, rồi đi ăn cao lâu ở tiệm người Tàu.

Lần đầu tiên nàng được một người đàn ông gắp bỏ vào chén những con tôm bóc vỏ, những miếng mực trắng bong, rót nước ngọt cho nàng uống.

Lần đầu tiên nàng thấy mình được chìu chuộng cứ như một khách quý.

Suốt một ngày, nàng như một con nhộng được anh ta trói buộc bằng những sợi tơ mềm. Cho nên khi anh nằm xuống bên nàng nhẹ nhàng cởi cúc áo, nàng đã không bỏ chạy trốn vào ang lúa! Nàng cũng không cảm thấy mình bị cưa xẻ ra làm đôi và dường như nàng có kêu lên nhưng không phải là tiếng thét hãi hùng.

K.B.C của anh là…

Số quân của anh là…

Đơn vị của anh là …

Nơi đóng quân của anh: Phú Tài.

Nhiệm vụ của anh: giữ kho đạn.

Anh hứa tháng tới anh sẽ cưới nàng cho dù nàng là vợ của cán bộ đi tập kết. Anh nói, “anh không đủ sức giải phóng miền Bắc. Anh chỉ đủ sức giải phóng em”.

Và họ tạm xa nhau.

Anh về kho đạn, nàng về sạp hàng.

4

Một tháng sau không thấy anh.

Hai tháng sau không thấy anh.

Ba tháng sau cũng không thấy anh.

Nhưng nàng thấy mất kinh đã hai lần!

Một hôm, đang ngồi ăn cơm, mẹ chồng bỗng hỏi, sau khi nhìn sững vào cổ nàng.: “mi có mang rồi hỉ?”

– …ơ mà…!

– Có mang mà không biết à?

– Dạ…con chỉ thấy tắt kinh!

– Rựa là có mang rồi! Ai? Chẳng lẽ thằng Bang mò về?

– Dạ không…!

– Với người khác hả? To gan chưa tề! Thế hắn ở mô?

– Dạ ở Phú Tài.

– Làm chi?

– Dạ lính.

– Rứa là tiêu đời mi rồi. Lính tráng làm sao tin được. Nay chỗ này mai chỗ khác, hắn quất ngựa thì biết tìm mô!

– Ảnh hứa sẽ cưới con.

– Ai cho hắn cưới mà cưới. Nói sướng chưa. Vậy mà mi tin hắn?

– Dạ con lỡ dại!

– Đã ba lăm tuổi đầu mà dại à?

– Dạ, thưa mạ tha tội cho con.

– Tội lệ chi mi. Chỉ có tội con gái già này thôi. Cả tiền oan nghiệp chướng của cả nhà họ Bùi chỉ trút lên đầu tau mà thôi!

Bà buông đũa đứng lên. Ngay cả những lần bị gọi lên quận để tra hỏi về tung tích của chồng con cũng không làm cho nàng sợ như vừa rồi.

Đêm hôm đó nàng khóc ướt cả gối.

Chẳng lẽ anh ta quất ngựa như mạ nói. Nhiều người trong chợ bảo chớ tin những cái miệng người Bắc. Nàng cũng đã phát khùng với những cái miệng như thế. Nhưng với anh, không hiểu sao nàng lại tin. Tin hơn cả cha, hơn cả mẹ (nếu còn mẹ). Anh đâu có nói nhiều, cũng không trao nhẫn. Anh chỉ đón nhận một cách trân trọng những gì nàng đã trao và nói như đinh đóng cột: “coi như chúng mình đã là vợ chồng”.

Không thể chờ đợi được nữa, nàng nghỉ một ngày chợ, đi xe lên Phú Tài. Có phải ra Bắc đâu mà không thể tìm tới.

Người sĩ quan trực sau khi nghe nàng nói là vợ chưa cưới, liền chỉ tay về phía những bức tường ám khói, những miếng tôn vặn vẹo, cháy đen. “Đấy là cái kho đạn vừa mới bị pháo kích, ông ta nói. Chẳng tìm được chút gì của anh ta. Thành thật chia buồn. Phải chi đã cưới nhau thì đơn vị sẽ làm hồ sơ để cô nhận chút ít tiền tử”

Nghe chưa xong, nàng đã ngất xỉu tại chỗ.

Phần số của tôi như thế này sao? Tôi biết mình sinh ra là để chịu đựng, nhưng cũng một vừa hai phải thôi, chứ cay nghiệt như thế này làm sao tôi chịu đựng nổi! Tôi có tội tình gì? Anh có tội tình gì? Chẳng lẽ thương nhau là một cái tội. Hay là tôi ngu dại quá. Phải chi tôi lấy một anh thư ký hành chánh thì tôi đã được yên thân rồi. Còn anh, sao không chọn làm lính văn phòng mà lại đi giữ những thứ giết người để nó làm cho anh tan xác. Ai chết đi cũng có một nấm mồ. Còn với anh như thế, tôi biết tìm đâu mà thắp cho anh một nén nhang.

Trở về nhà, nàng nằm suốt ba ngày không ăn uống. Mẹ chồng cũng hơi lo. Bà vào buồng, ngồi xuống bên cạnh nàng. Bà nói trong tiếng thở dài:” Dại chi mà dại rựa! Hắn trốn mất rồi phải không?” Nàng bỗng ngồi dậy ôm chầm lấy bà khóc nức nở. “Anh ấy chết rồi mạ ơi!” “Ủa, răng mà chết”, bà hỏi dồn. “Dạ bị pháo kích”.” Trời, ạc chi mà ạc rựa” Bà lại kêu lên câu nói quen thuộc. Một lúc sau bà nói “ Thôi đừng khóc nữa. Cũng may còn được giọt máu của hắn, đừng có dại dột mà đi phá. Mạ sẽ giúp cho con sinh nở đàng hoàng.” Rồi bà lại nói tiếp một cách ngậm ngùi:” cũng hay đấy, vậy là mạ sẽ có cháu bồng!”

Năm ấy, trời bỗng mưa suốt hai tháng. Bà Cửu nói, chắc Diêm vương đi lấy gỗ về xây cung điện. Hà bá phải dâng nước lên mới đem đi được. Ngọn núi trước mặt sạt một mảng lớn. Chợ lúc nào cũng ngập. Nàng lội nước mãi, chân trắng bệch, sưng phù lên. Bà Cửu bảo ở nhà nhưng nàng nghĩ sắp đẻ chửa, kiếm được đồng nào hay đồng nấy. Ngồi không mà ăn, dù của núi cũng lở huống hồ là cái sạp đồ cũ bé nhỏ của nàng.

Lúc này, VC áp sát thành phố. Chỗ nào cũng bị gài chất mổ, ném lựu đạn. Liên gia đại biểu lập danh sách đen những gia đình thân cộng. Nhà nàng đứng đầu sổ. Đây có thể là đầu mối giao liên, là cơ sở. Sạp hàng của nàng bị dòm ngó rất kỹ.

Một hôm, trên đường ra chợ, không có một cớ gì hết, nàng vẫn bị bắt đưa về đồn. Một nữ an ninh hỏi nàng:

– Chửa ai đó? Nàng lặng im.

– Câm à? Mụ đập bàn quát.

– Tôi chửa ai thì việc gì đến bà!

– Chồng đi tập kết, không chửa chồng thì chửa ai?

– Không chửa chồng bà là được rồi.

– A, mày dám láo với bà hả. Bà sẽ cho mày tù rục xương.Chồng mày ở đâu, nói mau!

– Tôi không biết!

– Chỉ biết chửa thôi à?

Mụ nguýt nàng một cái rõ dài rồi tống giam. Mãi ngày hôm sau bà Cửu mới tìm được chỗ giam nàng. Như một con gà mái xù lông để che chở đàn con trước diều hâu, bà cũng xù lông ra trước bọn an ninh. Bà lớn tiếng:

– Răng mà nhốt con tui?

– Con gái bà ?

– Con dâu

– Vậy bà là mẹ Việt cộng?

– Thì đã sao!

– Có chứ. Bà phải nói con bà trốn ở đâu. Nếu không cũng bị giam đấy!

– Thì cứ giam tau đi!

Nói thế chứ không ai muốn giam bà.

Buổi chiều bà lại đến. Rất bất ngờ, bà lôi từ trong bụng ra một chai xăng:”Tau tự thiêu như Thích Quảng Đức cho mà coi.” Người ta vội vàng ôm chặt lấy bà. Và cũng vội thả nàng ra. Từ đó, cả xóm cây xăng ông Tề đều gọi bà là bà Huế lựu đạn.

Cuối năm, nàng sinh một đứa bé trai, tính ra thiếu mất một tháng. Nó được ghi trong khai sinh là con tư sinh. Và vì sinh ở Quy Nhơn nên nàng dặt tên nó là Trần văn Quy Nhơn. Nó èo uột khóc ngằn ngặt suốt cả ngày lẫn đêm. Cả nàng và mẹ chồng đều phải khổ vì nó. Mặc dù chẳng phải máu mủ ruột rà, nhưng bà Cửu lại rất thương thằng bé. Bà nói” chẳng đứa mô tội nghiệp như nó. Mới tượng hình trong bụng mẹ mà đã mồ côi cha. Chết chi mà chết oan chết ức. Từ nay lấy ngày kho đạn nổ mà cúng kỵ.”

Thật hiếm có người mẹ chồng nào như bà. Chỉ cần thấy con dâu vác cái bụng chang bang về nhà là đã nổi xung thiên lên rồi. Không tống cổ ra khỏi nhà đã là may. Lại còn cho phép giỗ thằng chồng mới trong nhà, lại xưng bà ngoại với thằng bé. Vậy thì có khác gì là mẹ đẻ. Nàng xúc động nói:”con xin cảm ơn mạ. Không có mạ, con chẳng biết day trở ra làm sao”! Bà nói:”ừ, nghiệp chướng chẳng phải riêng gì tau mà còn cả mi cũng phải chịu. Thôi ráng mà ăn uống giữ gìn. Nghĩ mà thương cho thằng Mỹ, chẳng biết lúc nào nó về! Còn thằng cha nó nữa, dại chi mà dại rựa”!

Nghe nhắc đến hai cha con, nàng ngồi ôm mặt khóc nức nở.

Đúng là khôn ba năm dại một giờ. Dù sao tôi cũng có lỗi với anh. Có khác gì tôi đi ngoại tình. Nhưng anh cũng biết đấy, sống với anh tôi héo hắt biết chừng nào. Chỉ đến khi gặp anh ta, tôi mới biết cuộc đời tôi có thể tươi lên đôi chút. Tôi chẳng ham gì chuyện ân ái, nhưng buổi chiều hôm đó, dưới bóng nắng lưa thưa, tôi thấy mọi sự tự nhiên như nước sông là phải chảy, giọt mưa là phải rơi. Tôi lại càng có lỗi với con tôi. Chính mẹ mới phải xấu hổ vì con, chính mẹ mới bị con mắng té tát vào mặt. Nhưng mà con ơi, suốt bao nhiêu năm không thấy mặt con, lòng mẹ lạnh lẽo quá. Mẹ là đàn bà, mẹ cũng cần có tiếng khóc tiếng cười để sưởi ấm cho mình. Dù cho thế nào thì nó vẫn là em con, vẫn trong bụng mẹ mà chui ra, vẫn cùng bú sữa của mẹ. Vả lại, anh ta đã không còn trên đời này nữa thì nó chính là giọt máu linh thiêng mà tôi phải thờ phụng. Tôi phải nuôi nó thành người. Tôi sẽ không để cho ai cướp đoạt con tôi một lần nữa.

5

Nhờ được chăm chút, nâng niu, thằng bé rồi cũng qua khỏi cái “đốt” khó nuôi. Nó đã biết chạy biết chơi như những đứa trẻ khác. Trong căn nhà nhỏ lúc nào cũng rộn vang tiếng nói tiếng cười. Giữa hai người đàn bà bao nhiêu năm khô mục héo hắt, nó vươn lên như một mầm xanh tươi mới.Tết này nó được ba tuổi. Nó đã có thể nắm áo theo bà đi lễ chùa.

Hàng họ khá đắt, nàng định năm nay sẽ ăn một cái tết to. Sẽ mua một nhành mai để giữa nhà, sẽ đốt pháo, sẽ mua cho con quần áo đẹp, giày trắng và mũ kết đỏ. Tuy chưa dám nói ra nhưng nàng dự tính sẽ thuê xích lô để hai mẹ con lên thăm tháp Đôi. Rồi lớn thêm một chút nữa, nàng sẽ đưa nó đi ăn ở tiệm cao lâu, sẽ đi thăm gành Ráng, nơi mà từ đó như hương hoa của đất trời, nó đã được sinh ra. Nó càng lớn, nàng càng nhớ người cha tội nghiệp của nó, nhớ cái phút giây kỳ lạ như một ánh sao băng bay qua giữa trời.

Dù vẫn không ngớt bị pháo kích, dù cái vòng đai an ninh đã bị thu hẹp lại dần, nhưng dân thành phố vẫn rộn ràng chuẩn bị một cái tết có lẽ là sẽ to hơn mọi năm. Dường như chiến tranh kéo dài lâu quá khiến người ta chai lỳ. Biết đến bao giờ có hoà bình mà chờ. Biết chết nay sống mai đâu mà đợi. Thôi thì sống được ngày nào hãy cứ sống. Vả lại, tết năm nào chẳng có hưu chiến. Hai bên cũng phải nghỉ xả hơi chứ. Thế là rượu cứ chảy tràn, bia cứ việc rót tới, áo quần là lượt cứ đem ra mà mặc, xe cứ chạy như bay…

Pháo đã nổ ran từ hăm ba tháng chạp để đưa ông táo về chầu trời cho nhanh. Pháo lại nổ suốt chiều ba mươi để đón rước ông bà tổ tiên. Rồi pháo lại rền vang hơn lúc nào hết trong đêm giao thừa. Cái phút giờ huyền bí linh thiêng ấy đã mở ra trong lòng mọi người cánh cửa của bình minh. Người ta chúc mừng nhau đã sống thêm được một tuổi, đã tai qua nạn khỏi, đã tránh được hòn tên mũi đạn…Tủi tủi, mừng mừng, những người lính xa nhà thay tiếng pháo bằng tiếng súng. Bắn cho đỡ nhớ người yêu, bắn cho tan nỗi buồn “xuân này con không về thăm mẹ”. Súng to, súng nhỏ đều ngửa nòng lên trời mà bắn.

Nào ai có ngờ, cộng sản cũng muốn ăn một cái tết to bằng…súng đạn! Súng của họ không chỉa lên trời mà chỉa vào những đồn bót “ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng”! Từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau, đạn của lính miền Nam xé nát bầu trời, còn đạn của lính miền Bắc xé tan những lồng ngực. Những người lính đang nhớ mẹ, nhớ người yêu, ai ngã xuống thì cứ ngã, ai tỉnh giấc mơ thì cứ đều quay ngang đầu súng mà thi nhau vãi đạn về phía những người anh em lật kèo. Đạn đan nhau còn dày hơn lưới một. Mọi người đều nằm rạp xuống sàn nhà.

Bỗng một tiếng nổ to: kho xăng ông Tề đã bốc cháy.

Bà Cửu và nàng ngồi ôm thằng bé nép sát vào một góc nhà Ánh sáng của ngọn lửa kho xăng soi rõ như ban ngày. Nó nhắm mắt, rúc sâu vào ngực mẹ.

Vậy là hết tết, hết mặc quần áo đẹp, hết đi lên tháp Đôi. Chưa bao giờ nàng thấy buồn như lúc này.

 

Ba ngày sau phía bên kia rút. Bên nào cũng nói chiến thắng. Chỉ có cửa nhà đổ nát, người chết và bị thương là thất bại hoàn toàn. Mặc dù rất bàng hoàng, lo sợ, nhưng mọi người cũng phải lao vào cuộc sống. Chợ vẫn nhóm và tại đây người ta kháo nhau đủ thứ chuyện mà ai cũng bảo là chính mắt mình trông thấy. Cảnh bắn nhau, cảnh rượt đuổi trên đường phố. Và nhất là những xác VC được đem ra phơi nắng như những chiến công. Có người rủ nàng đi xem. Nàng rùng mình lắc đầu.

Buổi chiều, đang lay hoay dọn dẹp, có một người ngó trước nhìn sau, lén đưa nàng một tấm hình.

Đó là tấm hình đen trắng đã ố vàng. Nàng cũng có một tấm hình như thế, chụp hai mẹ con ở Đập Đá. Nàng muốn hỏi xem ở đâu mà có được. Người ấy nháy mắt ra dấu bảo dọn hàng. Nàng liền tộng tất cả vào thùng, khoá lại rồi đi theo.

Quanh co một hồi ở khu Sáu, hai người đến một căn nhà không số. Cửa hé mở cho nàng vào nhà, người ấy ở lại bên ngoài cảnh giác. Chủ nhà là một cơ sở đưa nàng ra sau. Trong gian buồng tối tăm chật chội, một người bị thương nhuộm đầy máu đang nằm thở thoi thóp. Đó là chủ nhân của tấm hình.

Đây là con tôi, đứa con bé bỏng tội nghiệp đã xa mẹ gần mười lăm năm.

Đây là con tôi, là con của tôi, cho dù nó có là Việt cộng.

Con ơi, sao lại về với mẹ trong tấm thân rách nát như thế này?.

Sao con không đi Liên Xô Trung Quốc như cha con bảo?

Còn cha con sao không bảo bọc che chở, sao để con tết đến không được một chiếc áo mà mặc, trên người chỉ có mỗi một chiếc quần cụt!

Sao con về mà không đi thăm mẹ, sao không để mẹ mua quần áo mới cho con, sao không để mẹ dọn cơm ngon canh nóng cho con, sao không nằm ngủ bên cạnh mẹ một đêm, sao con không mừng tuổi bà nội?

Trời hỡi, tôi biết kêu ai, biết gọi ai! Ai cũng lặng câm, những người chỉ biết đứng sau lưng đàn bà và trẻ con mà hò hét, mà xúi dại như xịt chó vào bụi.

Nàng gục đầu lên ngực con muốn gào khóc thật to. Nàng nghe tiếng thì thào: “mẹ ơi, mẹ đấy hả mẹ?”

Nàng vừa khóc tấm tức, vừa bế con lên. Người ta hỏi:”Làm gì vậy?” “Đi nhà thương”, nàng nói thảng thốt. “Không được đâu. Đem đi là lính bắt ngay”

“Dù có bị bắt, dù có tù đày, tôi cũng phải cứu được con tôi”.

“Đã bảo là không được. Đưa bà tới đây là để cho đồng chí ấy được nhìn mẹ lần cuối, chứ cứu chữa được gì”

“Vậy sao? Không ai cứu được con tôi sao. Thì bom đạn hãy rơi xuống đây cho mẹ con tôi cùng chết”. Nàng không giữ gìn gì nữa, gào to lên.

Người chủ nhà hốt hoảng bịt miệng nàng. “Lộ ra là chết cả đám!”

Trong tay mẹ, Bùi văn Liên Xô bỗng rùng mình như một con gà vừa bị cắt tiết, rồi tắt thở.

Phải khó khăn lắm nàng mới đưa được xác con ra khỏi thành phố. Nhiều chốt kiểm soát được dựng lên để ngăn không cho VC thoát ra ngoài. Người ta nghĩ rằng VC nhiều mưu mẹo có thể chui vào hòm giả người chết để trốn đi. Vì vậy, ngang qua chốt nào cũng bị bắt mở nắp. Người ta lật khăn liệm, sờ nắn, xem đã chết thật chưa.

Xe đến Đập Đá, chủ xe không chịu đi tiếp xuống làng vì sợ mìn. Phải mướn tám người thay nhau khiêng mới đến được chân núi Mồ cu, là nơi thằng bé từng hỏi mẹ sao con chim nhỏ mà mồ lại to thế. Người ta chôn vội chôn vàng để kịp về khi trời tối.

Thôi con hãy nằm lại đây, còn hơn là phơi xác trên rừng Trường Sơn hay làm mồi cho cá mập ở dưới biển. Chim cúc cu sẽ gù cho con nghe, bông dúi dẻ sẽ toả hương cho con ngửi. Ông ngoại sẽ chống gậy đến thăm con, sẽ cho con đường phèn để con nhai lộp cộp. Mai mốt hoà bình, mẹ sẽ xây cho con ngôi mộ to và đẹp. Mẹ sẽ đặt bia đề tên là Bùi văn Mỹ chứ không phải Bùi văn Liên Xô. Giờ con là con của mẹ, không ai rù quến phỉnh gạt con được nữa. Con vẫn trong trắng ngây thơ như ngày nào. Con sẽ gọi mẹ ơi mẹ ơi khi mẹ đến thăm con.

Giữa cây cỏ hoang vu, nấm mồ trông bé xíu như những cái mả chuồn chuồn mà lúc nhỏ hai mẹ con thường chơi trò đám tang. Những sợi khói mong manh, khói của nhang và của trấu tan nhanh trong bóng hoàng hôn.

Năm ấy là năm Mậu Thân, hãy nhớ lấy!

(Còn tiếp)

 

Khuất Đẩu

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search