T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: THƯƠNG NHỚ NGƯỜI …CẦM ROI!

Mẹ Việt Nam – Tranh: Thanh Châu

 

Gửi Đỗ Hồng Ngọc

Anh Ngọc à, nếu “nghĩ từ trái tim” như anh thường nói, tôi thấy mình không thể nào thương nhớ nổi đòn roi được, mà phải là thương nhớ người cầm roi, tức là thương cha thương mẹ và thương thầy, những người dạy ta trước khi vào đời. Cũng có nghĩa rằng thương cái cách cho roi cho vọt của họ, nói chữ là cách giáo dục.

Mặc dù “làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói”, nhưng vẫn là một làng quê nghèo. Cha mẹ tôi và cả thầy giáo vỡ lòng của tôi, cũng là nông dân từ đầu đến chân và từ suy nghĩ đến hành động. Cho nên cách dạy con của họ phải nói là không được văn minh, nếu không muốn nói là thô bạo, tức là theo cách “thương thì cho roi cho vọt”.

Như bao đứa trẻ khác, tôi cũng thường bị ăn đòn!

Người để lại dấu ấn sâu sắc nhất chính là cha tôi. Ông ấy hơn tôi chỉ đúng 18 tuổi, nhưng tôi tưởng hơn cả ngàn và sợ ông như sợ các bạo chúa Trung Hoa! Vừa gia trưởng, vừa độc đoán, chẳng riêng gì tôi mà cả ông nội bà nội và mẹ tôi đều sợ.

Ngọn roi đầu đời mà tôi được nếm cay xè là thế này. Hôm ấy, cách đây đúng 75 năm, sau khi chạy đi xem ông hàng xóm đánh con gái, tôi về khoe: “cha ơi, ông Ánh ổng ánh con Ánh”, trong bụng tự cho là mình ngon hơn con nhỏ nọ. Cha tôi liền bảo, bẻ cái roi đem vào đây! Tôi nghĩ bụng (chứ không nghĩ từ trái tim) chắc là để đánh thêm con nhỏ đó cho nó chừa, nên tôi ra bụi trảy đầu hè bẻ một nhánh trảy thật dài, thường gọi là roi mót, đánh rất đau. Nào ngờ ông bảo nằm lên phản, nhịp nhịp đầu roi trên hai cái mông. Ông  lớn tiếng:

“nói lại coi, ông Ánh làm gì”?

“Dạ, ổng ánh con ánh!”

“ Trật rồi, ông Ánh đánh con Ánh, nói đi”

Ba lần đều sai cả ba. Cứ mỗi lần nói sai là “ăn” một ngọn roi đau buốt tận óc.

Đánh đủ 3, ông cất roi, bảo: “cho 3 ngày, còn nói sai, đánh đủ 10 roi”.

Lệnh ban ra còn hơn cả lệnh vua, vì không chỉ riêng tôi mà cả nhà đều “ánh ánh…đánh đánh”!

Từ đó tôi không còn nói đớt nữa. Và rất “may” cho tôi, là ông mang roi theo sau một trận thương hàn, mặc dù càng lớn tôi càng mắc nhiều lỗi!

Dĩ nhiên, hồi đó tôi không “thương” ông được. Nghĩ từ cái bụng cho nên tôi không khóc khi ông mất. Nhưng khi bước vào đời, tôi thấy rất cần có ông. Những vấp ngã, những lầm lỡ, rất cần cánh tay vững chãi và khối óc sáng suốt của cha hơn là những giọt nước mắt của mẹ.

Và, lúc chớm già, phải chi có một ông “bạn” già hơn mình đúng một giáp rưỡi, mời nhau một điếu thuốc, một ly rượu hay “khà” một tiếng sau khi cạn một cốc bia! Ấm áp xiết bao, dịu ngọt xiết bao!

Còn mẹ tôi, bà không chỉ cho ăn cơm nhai từ cái miệng răng đen mà còn cho “ăn” đòn từ đôi tay đầy chai sạn của bà.

Chuyện là thế này. Tôi đã bớt tiền mua nước mắm để mua kẹo, và tôi được ăn thêm trận đòn nhớ đời.

Không đánh bằng roi mót mà bằng tàu cau. Không nằm phơi mông trên phản mà nằm úp mặt trên sân đất trước nhà. Mẹ tôi như một bà nữ quan, ông tôi và bà tôi như sai nha. Ông thì đè đầu, bà đè chân (sợ phạm nhân vùng dậy chạy trốn). Tôi bị đánh 3 roi, không đau như roi mót, nhưng cái bản tin mà bà ghi trên vách khiến tôi khá đau. Ấy là, để tôi nhớ và chừa, bà lấy than viết trên vách: “thằn Sơn ăng cắp”.* Vì bà mới tốt nghiệp bình dân học vụ nên chỉ có 4 chữ mà đến 2 lỗi chính tả, còn chữ thì như gà bới.

Cũng may là nhà bị đốt cháy, cái bức vách ghi tội lỗi ấy cũng không còn nên tôi đỡ phải xấu hổ với con vợ vừa mới cưới sau này!

Thầy giáo vỡ lòng của tôi, ngoài việc sai những đứa lớn đi bắt tụi trốn học đem về trường, đánh đến quắn đít, còn bắt quỳ xơ mít và bắt đứng ngửa người ra sau vì cái tội viết chữ đứng không thẳng.

Nói cho cùng, những người cầm roi ấy, quả thật rất thô bạo, nói theo kiểu Âu Mỹ là làm mất nhân cách, tổn hại tinh thần, sẽ bị tòa kêu án ít ra cũng mấy tháng tù treo.

Nhưng nghĩ từ trái tim như anh, tôi thấy họ cũng chỉ đánh bằng trái tim, cho nên, dù vụng về, dù không giống ai, về già mình chỉ thấy thương chứ không hề oán ghét. Còn nên hay hư chủ yếu là do xã hội và nhà trường. Với một thế giới đầy những Putin, Kim jung Un, Tập Cận Bình, Trump. Duterte, Cờ lờ mờ…thì bọn trẻ trước sau gì cũng sẽ trở thành những Hồng vệ binh, vậy thôi!

Nói chơi cho vui, chứ không dám cãi anh đâu!

Gửi anh lời chúc mừng đã đạt ngưỡng “đỉnh cao” Tám Mươi năm cuộc đời!

Khuất Đẩu

22/7/2020

*Vợ anh bạn tôi vừa mới mất, ghi lên bảng mắng con như thế này: “Hãy giết tôi bằng gươm bằng giáo/Xin đừng giết tôi bằng những lời hỗn láo”!

Đọc Thêm:

Thương nhớ đòn roi… 

tặng Khuất Đẩu

Đỗ Hồng Ngọc

Nguồn: Internet

Tôi thường tự hỏi không hiểu vì sao ngày xưa trẻ con thuờng bị đòn roi mà nên người còn bây giờ cha mẹ… sợ con, lúc nào cũng ngọt ngào, tử tế với con mà con dễ bị hư? Dĩ nhiên là không vơ đũa cả nắm! Câu trả lời có thể là vì ngày xưa con người còn được thong dong, có nhiều thì giờ để gần gũi nhau, tình mẫu tử, tình phụ tử nhờ đó mà nẩy nở, phát triển toàn vẹn. Cha mẹ theo dõi con từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói, để kịp thời uốn nắn. Nói cách khác là có sự quan tâm, dạy dỗ con từng li từng tí theo lứa tuổi. Dĩ nhiên dạy con không thể không có những lúc nổi nóng, đánh vài roi. Có khi đánh thiệt, có khi chỉ dọa. Con biết ngay là cha mẹ thương mình. Đánh xong, cha mẹ còn bật khóc, vì hối hận, vì đau lòng. Lúc đó có khi chính con là người ôm lấy cha mẹ, vỗ về, an ủi, hứa từ nay “không dám vậy nữa”! Tình cha mẹ con cái sau đó càng trở nên khắn khít, đằm thắm, như hiểu nhau hơn, như quý nhau hơn. Cha biết rằng con đang mang trong mình hạt giống của cha mẹ, giống dòng, đánh con vài roi là đánh vào chính mình, đánh vào tương lai mình. Mẹ ít đánh con hơn mà tình thương thì trải rộng, chan hòa trong từng cử chỉ, lời nói. Đau xót khi con bị đánh, nhưng mẹ thường bình tĩnh, dịu dàng giải thích cho con thấy rõ lỗi, có khi mẹ còn bảo đánh thêm cho nó chừa – tức là không bênh con – nhưng nếu biết con bị oan thì can ngăn lằn roi của cha, đem thân mình ra mà đỡ, ôm chặt con vào lòng, bày tỏ với con sự trìu mến, dịu ngọt, dỗ dành. Dạy và dỗ như vậy luôn đi đôi với nhau. Cha dạy. Mẹ dỗ. Cha nghiêm đường. Mẹ từ mẫu. Cũng có khi ngược lại. Như là có một sự phân công của tự nhiên. Chuyện xưa kể có người con đã lớn bị cha đánh đòn đã bưng mặt khóc nức nở, người cha kinh ngạc hỏi, tại sao ngày xưa tao quất mày túi bụi, mày không khóc, bây giờ quất mấy roi mà mày lại khóc nức nở vậy hở con? Con nói rằng cha đánh con ngày càng yếu đi chứng tỏ cha đã ngày một già thêm… nên con khóc! Những chuyện như vậy bây giờ ít được nghe kể nữa, chỉ nghe người ta kể nhiều về chuyện con cái gọi cảnh sát đến bắt cha mẹ… bỏ “bót”!

Đòn roi ngày xưa rõ ràng chỉ là một trong những cách dạy dỗ con – (Có người như mẹ Mạnh Tử đã phải dời nhà ba lần để con có môi trường tốt mà học tập). Mỗi lần đánh con thì người đau là cha mẹ. Con ý thức rõ điều này hơn ai hết. Cha thường lựa chỗ mông thịt của con mà đánh cho nó đỡ đau, chỉ làm nó biết lỗi mà sửa. Mẹ luôn hợp tác cùng cha, dặn dò cặn kẻ, chỉ dạy thêm cho. Không có chuyện cha mẹ đấu với nhau… để “ngư ông đắc lợi”! Không hề có chuyện đòn roi vì thù hằn, vì trút giận. Cha mà giận, lạnh lùng không nói một tiếng mới thật là đáng sợ! Cha mà giận, mở tung cửa, bỏ nhà ra đi mới thật là đáng sợ! Con hoảng hốt chỉ mong cha đánh mình mấy roi, nói rõ lỗi của mình để sau đó cha con cùng nhẹ lòng, cùng vui vẻ, gia đình đầm ấm như xưa.

Nguồn: Internet

“Đòn roi” bây giờ khác hẳn rồi chăng? Cha mẹ đã quá mệt mỏi, đã quá đuối sức vì những chuyện bên ngoài, đi sớm về khuya, gặp con nhiều khi chỉ còn là những lời hỏi thăm qua loa, hời hợt, rồi là trách cứ, hạch hỏi, điều tra, rồi là ngờ vực, hăm dọa, đôi khi chế nhạo, làm nhục… như nhiều trẻ đã lên tiếng. Có trẻ chỉ muốn bỏ nhà ra đi, có trẻ muốn “chết quách cho khỏe”! Nếu có đòn roi, thì lúc đó đòn roi sẽ là những “vết thù trên lưng ngựa hoang”! Con thấy cha mẹ bỏ bê mình, không hiểu mình, không thương mình. Trong khi cha mẹ có thể đã thương con cách khác, mong muốn để lại cho con một gia tài sự nghiệp lo cho tương lai của con. Đứa trẻ ngược lại chỉ mong được ngửi… mùi mồ hôi mẹ, được tựa vào bờ vai cha trong cảnh sống giản đơn mà hạnh phúc, trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Gia đình là một tổ ấm, một chốn nương thân cả thể xác lẫn tâm hồn chứ không phải là một chiến trường mang từ cuộc sống xô bồ bên ngoài về! Những cuộc đụng độ của cha mẹ, những cuộc tranh hơn thua của cha mẹ thấm vào trẻ còn đau hơn cả đòn roi! Ngay cả những ngọt ngào, giả lả, bù đắp, trẻ cũng nhận ra không phải là thứ tình thương của chân thành và thấu cảm.

Dĩ nhiên, “Thương nhớ… đòn roi” không có ý tái lập chuyện này trong gia đình, chỉ muốn nói rằng có những cái không phải là đòn roi mà còn đau hơn đòn roi đối với trẻ em vậy.

(ĐHN, 17.7.2020)

Bài Mới Nhất
Search