T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

LÊ MAI LĨNH: KHÙNG THI SĨ (Phóng Bút) (1)

Cõi Người Ta (12) – Tranh: Thanh Châu

Hắn tên gì, tôi không nói cho mọi người biết đâu

Bởi lẽ, hắn có quá nhiều tên, chỉ thua ông Hồ

Hắn, là Lê Mai Liều, cũng là Lê Liều Lĩnh, hay Lê Mai Nổ.

Hắn, có thể là Sương Biên Thùy, cũng là Sương Biên Tái hay Sương 

Biên Cương.

Hắn, cũng là thằng mắt sâu, râu rậm mà các quý cô nương góa phụ thích cận kề, đêm và ngày!

Hắn, cũng là thằng thích nổ banh nhà lồng chợ, đem tiếng cười cho mọi người vui…

Nói như nhà thơ Dư Mỹ, mọi cuộc họp mặt văn chương, nếu thiếu hắn là mất vui, nhàm chán, và nhạt nhẽo.

Thôi! Hãy quên tên nó đi!

Nhưng lại không thể quên nhan sắc, hình hài, và cái body của hắn.

Bởi vì, hắn là một thi sĩ!

Hắn, cao 5 feet 5, nặng 135 pounds, đẹp lão, râu ria vẫn còn như thời thanh niên, nhưng ngã màu, bạc, như sương, tuyết, long lanh như sương mai, đầu ngày, trên ngọn cỏ.

Hắn có vợ, hai vợ. Thua Nguyễn Du, bốn vợ.

Thua luôn tác giả Động Hoa Vàng, Phạm Thiên Thư, ba vợ. Và ông này, vì mê cái “ấy” của Bắc kỳ 1975, đã tiêu tan sự nghiệp. Nay, ông sống trong ngôi nhà của mình, nhưng thân phận vẫn là kẻ ăn nhờ ở đậu. Vì nhà ông, do vợ hắn bà y tá, nhận mình bác sĩ, đã sang tên cho con gái riêng của bà. Ôi, Bắc kỳ 75, gian ác. Dùng cái “nón” đi chiếm đoạt tài sản kẻ khác. Ôi cái “ nón”, ta căm ghét mi, căm ghét giùm bạn ta.

Lý lịch trích ngang và dọc của hắn:

Hai đứa con trai của bà đầu, làm chủ hai tiệm N.

Hai đứa con gái đầu của mụ hai, là Dược chi đó, làm quản lý cho cái gì gọi là CVS hay SCV hay VSC gì đó. 

Hai con trai, cháu ngoại, nghĩa là con của con gái hắn, sắp ra trường là bác gì đó , hắn bắt biết. 

Hắn bắt biết. 

Hắn là một đứa rất ngu.

Qua Mỹ 30 năm nhưng xem như chưa qua Mỹ. Tiếng Mỹ, chỉ biết đọc, viết, và dịch , nhưng NÓI và NGHE, thì bù trớt, thua cả vợ hắn!

Hắn, là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, chính hiệu con Nai vàng. 

Gọi hắn thêm ‘nhà gái’, cũng không sai.

Hay đúng hơn, gọi hắn là ‘nhà gái’ trước, đúng hơn.

Vì răng, nhờ ‘nhà gái’ trước, mới có ‘nhà văn’, ‘nhà thơ’, ‘nhà báo’ sau.

Không phải chỉ một mình hắn, mà là bọn cầm bút, thằng nào cũng vậy.

Kể cả tác giả truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, thơ Say, Hoa Đăng, Tiếng Thu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Chân Dung Người Lính Miền Nam… không khác.

Không có đàn bà, không có bọn này, những đứa cầm bút.

Không có đàn bà, không có anh hùng, vĩ nhân, không có lịch sử.

Hoan hô người đàn bà, muôn năm người nữ, vạn tuế những người tình!

Hắn, một đứa đủ vốn liếng cho một canh bạc văn chương…

Từ và vì, 

từ và nhờ, 

những tài năng và kinh nghiệm sống của hắn.

Hắn là một đứa từng trải và có trí nhớ rất tốt! 

Sáu tuổi, hắn đã chứng kiến hai tên lính Ma-rốc, chơi trò hít đất, trên thân thể chị láng giềng, chân cà thọt. 

Sau đó chị sang nhà hắn ngồi chung với chúng hắn, quanh một bếp lửa than, mùa đông lạnh lẽo.

Lại hai thằng Ma-rốc khác, lôi chị xuống chuồng heo nhà hắn.

Lúc này hắn không thấy, chúng làm gì và chị có “nảy” người lên hay không…

Tôi tin là có, vì chồng chị,  gầy gò và đen đủi…

Sau đó, hai thằng Tây này bắt con heo nhà hắn 

Hắn đã chửi chúng một trận nên thân.

“Sao mày bắt he nhà tao. Tao đâu có qua nước mày bắt he, sao mày sang nước tao bắt he của tao?”

 Đúng ra là heo, nhưng vì hắn bị ngọng, nên phát âm heo thành he.

Cũng vào thời gian đó, tại căn nhà đó, ông hắn bị một người lính VN đi lính Pháp bên đồn Bỏ Bản, bắt đi theo nó.

Chuyện rằng:

Thời Việt Minh khởi nghĩa, ông Hồ phát động Tuần Lễ Vàng, bà nội hắn có đóng góp, có biên lai.

Khi người lính Việt theo Pháp lục soát trong cái tráp đựng giấy tờ, nó thấy tờ biên lai, nó bắt ông tôi đi.

Trên đường đi, nó nói, nếu cho nó tiền, nó sẽ thả ông tôi ra.

Ông tôi trở lại nhà, tiến thẳng tới bụi tre, lấy ra bọc tiền giao cho nó.

Bấy giờ hắn 5, 6 tuổi, hắn còn nhớ, như mới hôm qua.

Cũng như hắn còn nhớ, năm hắn 8 tuổi, hắn đã viết thư tình cho chị Hạnh cùng xóm, đẹp và cao hơn hẳn lớn tuổi hơn hẳn 

Nay nghĩ lại, hắn thấy mình không phải là người, là con quỷ,

Xấu hổ quá, trời ơi!!

Tất cả, lỗi tại ông trời, ông muốn hắn cà chớn, cà cháo, cà pháo.

75 năm rồi, hắn còn nhớ, nhà nào hắn trộm mía, nhà nào, hắn trộm ổi.

Lúc nào, mùa nào. Chiến thuật, chiến lược ra sao.

Vào đường nào, lui đường nào. Có tiếng chó sủa không. Có ai nhìn thấy không.

Có chia cho cô láng giềng không, để cô cho cầm tay, “có lau nước mắt khi tôi ngồi khóc, có đưa tôi đi chơi trong chiều mưa.”

Tôi viết nhầm câu thơ của nhà thơ Nguyên Sa!

CẦN THIẾT

(Thơ Nguyên Sa)

Không có anh lấy ai đưa em đi học về

Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học

Ai lau mắt cho em ngồi khóc

Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa

.

Những lúc em cười trong đêm khuya

Lấy ai nhìn những đường răng em trắng

Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh

Lúc sương mờ ai thở để sương tan

.

Ai cầm tay cho đỏ má hồng em

Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc…

Không có anh nhỡ một mai em khóc

Ánh thu buồn trong mắt sẽ hao đi

Tóc sẽ dài thêm mớ tóc buồn thơ

Không có anh thì ai ve vuốt

Không có anh lấy ai cười trong mắt

Ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong

Ai cầm tay mà dắt mùa xuân

Nghe đường máu run từng cành lộc biếc

.

Không có anh nhỡ ngày mai em chết

Thượng đế hỏi anh sao tóc em buồn

Sao tay gầy, sao đôi mắt héo hon

Anh sẽ phải cúi đầu đi về địa ngục…

Bài thơ, một thời trai, tôi đã ngâm, đọc, cho một bà góa phụ tên Nga! 

Ngủ và thức, thức rồi ngủ… trên đồi Cù Đà Lạt.

Nay, bà đã bỏ thi sĩ, bà đã dưới mồ.

Hắn đó. 

Một thời trẻ trâu, gian khổ, “mất dạy”.

Cha đi kháng chiến,

Mẹ đi buôn đường xa

Ông nội thương cháu

Có bao giờ la.

 Có thơ rằng,

Cha tôi còn, nhưng người theo kháng chiến

Phung phí một thời cho ảo tưởng hôm qua

Sống chết đến nay, tôi không còn biết

Dư ảnh lu mờ, kỷ niệm sương sa.

.

Từ cha tôi lên đường kháng chiến 

Mẹ tôi về lo việc bán buôn

Mang tuổi thơ tôi đã biết buồn

Không lúc cười dù hoạt kê trước mặt

Mắt không vui, dù đời không buộc chặt

Tôi ngủ nhoài vào vũng lớn ưu tư 

Mang niềm đau nhược tiểu suy tư 

Xin chối từ mọi tơ vương vị ngã

Đi vào đời bằng tâm nhân bản 

Xin kéo cờ mọi ngõ hồn nhân dân

Tung hô tình thương, suy tôn thánh thần

Cho bom đạn xâm lăng, bi kịch kéo màn

Bắc lại nhịp cầu, san bằng lòng huyết.

Cho cuộc đời tròn thêm nghĩa lý

.

Đến khi chết, xin làm cây cổ thụ

Đứng giữa thiên nhiên

Cười với thiên nhiên

Bài thơ này hắn làm năm 15 tuổi, 1957, hắn sinh 1942.

Bài thơ thứ hai, sau bài BẢN CÁO TRẠNG, trong tập thơ NỖI BUỒN NHƯỢC TIỂU, 1963 mà hắn còn thuộc, như cháo.

Hắn dốt và học trễ, năm 21 tuổi vào đệ tam, trong lúc thầy hắn, giáo sư triết, NGÔ ĐỨC DIỄM chỉ hơn hắn vài tuổi.

Hắn đặt tên cho tập thơ là NỖI BUỒN NHƯỢC TIỂU, sau nhiều ngày nghiền ngẫm với GUỒNG MÁY và GIỜ THỨ HAI MƯƠI LĂM.

HẮN, 

Với 7 năm làm lính + 8 năm 6 tháng làm tù + 66 năm cầm bút xung phong + 30 năm lưu vong = 111 năm 6 tháng. 

Rong chơi trong cõi 1.000 năm.

81 tuổi, gánh trên vai thêm 111 năm 6 tháng, những oan khiên, khổ ải, hắn là người mình đồng da sắt. 

Hoan hô, muôn năm, vạn tuế hắn.

Hắn, là thằng chơi láng, không bỏ sót một chi.

Truyện ngắn, tùy bút, phóng bút, loạn bút, chiến bút, phê bình bút, chính luận bút, tiểu luận chính trị bút, phóng sự bút và …..

Hắn là đứa chơi không đụng hàng, rất riêng. 

Nhiều người nói thế!

 Phan Xuân Sinh, Lâm Chương, Nguyễn Hàn Chung, Phan Ni Tấn.

Thơ vần điệu, thơ tự do, thơ thần thánh, thơ ma quỷ, thơ đấu tranh, thơ ve gái, thơ thánh thiện, thơ trần tục, và thơ dâm dục.

HẮN LÀM THƠ NHƯ RI

Khi em tắm xong

Nhìn em, anh mất hồn vía

Nhìn em, anh mất trọng lượng

Chỉ muốn lộn nhào về phía em

Như phía mặt trời vào lúc bình minh.

.

Khi em tắm xong

Anh muốn trở lại thời thơ ấu

Rúc đầu vào vú mẹ

Bú, những giọt sữa đầu tiên vào giờ ban mai

Mút, những giọt trinh nguyên rơi rớt đầu ngày

.

Em là hình ảnh mẹ anh, những ngày đầu bé bỏng bám víu

Như những đêm anh bám em như đỉa đời

Em có mệt lắm không

Hay em đã lã người 

Chấm chấm.

HẮN LÀM THƠ NHƯ RỨA 

Sau khi em tắm xong 

Nếu không là trước mặt 

Em hãy mặc áo quần sau lưng anh, 

Anh hứa, rất chắc chắn, bảo đảm 

Rằng anh không quay đầu lại. 

.

Dẫu anh không quay đầu lại 

Nhưng anh rất bảo đảm, rằng anh thấy hết 

Bao nhiêu nốt ruồi nơi em, vùng cấm địa 

Nhưng anh rất bảo đảm, rằng anh biết hết 

Trên thảo nguyên em, bao nhiêu lá mạ non, bao nhiêu vừa mới nhú 

.

Nhưng anh rất bảo đảm, rằng anh nhớ hết 

Bao nhiêu nếp nhăn từ rốn trở xuống 

Và bao nhiêu dấu tàn nhang từ rốn trở lên 

Cũng không ngoài tầm nhắm của anh 

Cái nốt ruồi son to tổ chảng nằm giữa hai trái hồng ngọc.

.

Cái nốt ruồi son cho em lâu đài 

Cái nốt ruồi son cho em xe đời mới 

Cái nốt ruồi son cho em một gã làm thơ 

Một gã làm thơ mắt sâu, râu rậm 

Râu mép, râu quai nón, không thiếu 

.

Sau khi em tắm xong 

Nếu không là trước mặt 

Em hãy mặc áo quần sau lưng anh 

Còn như em đủ lượng từ bi và hỷ xả 

Hãy giữ nguyên như thế năm phút,  

Cho trí tưởng tượng của thi sĩ bềnh bồng trăm cõi 

Chu du bốn miền 

Ta bà ba cõi nhân sinh. 

Em hãy giữ nguyên như thế năm phút 

Vừa đủ thời gian cho thi sĩ chọn cho mình một cuộc quyên sinh 

Từ đoạn đầu đài, giá treo cổ hay dựa cột chơi 

Từ chết nước, chết lửa, chết chém hay thuốc rầy 

Nghĩa là thi sĩ muốn NÀNG chứng kiến thi sĩ chết 

Cái chết cho một cuộc tình đắm say, dũng cảm 

VĨ ĐẠI thay cho cái chết của THI SĨ vì NÀNG THƠ.

.

Sau khi em tắm xong 

Là lúc anh đã qua đời 

Em hoàn toàn tự do 

Muốn mặc trước mặc sau là tùy em và tùy thằng khỉ gió 

Nếu như em có được thằng khỉ gió.

NHƯNG HẮN CŨNG LÀM THƠ, NHƯ VẦY

Thân ta chúng nhốt trong lồng sắt

Ta thả hồn bay khắp bốn phương

Chân dẫu trong cùm gồng đau thắt

Tìm tự do ta đi khắp nẻo đường

CŨNG HẮN, KHÔNG AI KHÁC

Tù bọn này phải khôn ngoan

Phải biết tính toán cho đàng hòang

Nuôi ta bao tử ngày teo lại

Ta mỗi ngày khối óc phải lớn ra.

RỒI. CŨNG HẮN, mấy ai nào 

Nguyễn Trãi, một.

Thao thức hoài cùng nỗi đau Nguyễn Trãi

Nhiều đêm, không làm sao chớp mắt

Trăn trở cùng núi sông trở trăn

Nghe vọng lại, tiếng người khuất mặt

.

Hơn sáu trăm năm từ Nguyễn Trãi rồi

Mà cơn quốc biến vẫn còn thôi

Con đỏ, dân đen, đau đời quằn quại

Căm giận bầm gan, tím cả môi

.

Trăn trở hoài cùng tiếng đêm thầm thì

Nằm ngửa, nằm nghiêng, lật trái, lật phải

Không làm sao chớp mắt

Nghĩ mình, chung nỗi đau Ức Trai

Nghĩ mình, phải làm gì cùng Nguyễn Trãi

.

Trắng đêm thức với những cơn mộng tỉnh

Đôi lần, thấy Nguyễn Trãi trong mơ

Một mình, không có nàng Thị Lộ

Cầm trong tay một Cáo Bình Ngô

.

Mùa mưa kéo dài với những cơn muộn sót

Những giọt rơi thánh thót xuống đời ta

Như những lần Ức Trai gieo vần chọn chữ

Bút thần dệt nên khúc Hùng Ca

Màu trắng sữa ngoài song sắt là ánh trăng

Hay báo hiệu bình minh

Lòng bồn chồn, phân vân ta tự hỏi

Tiếng còi xa là tàu đã mấy giờ

Chuyến cuối đêm hay đầu ngày ra khỏi

.

Tiếng còi xa, tiếng còi xa, còi xa

Đêm dần qua, đêm tối dần qua

Trắng bao lần với hồn Nguyễn Trãi

Đau cùng ông, nỗi đau quê nhà

LÊ MAI LĨNH

(Còn Tiếp một kỳ)

Bài Mới Nhất
Search