T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Một nỗi bình an . . .

clip_image002

Gởi hai người bạn Bùi văn Canh và Nguyễn văn Dần.

T.Vấn

1.

Tháng Mười Hai đã trở về. Và cũng sắp sửa ra đi. Trước nhà lại nhập nhòe những chùm đèn xanh đỏ. Lần này đã do đứa con gái lớn 17 tuổi phác họa và thực hiện. Ông già 60 tuổi là tôi đang lặng lẽ nép mình vào góc hòang hôn của đời mình. Để chứng kiến một sự thay đổi, trước khi quá muộn. Màu xanh đỏ trước nhà đã mang một sắc thái mới, tươi tắn hơn, sinh động hơn. Cây thông nhỏ xinh xắn từ trong phòng chứa đồ đã bước ra đứng giữa nhà cùng với những món đồ “trang sức” lỉnh kỉnh, cũng được chăm sóc bởi những bàn tay thoăn thoắt của tuổi trẻ: treo, móc, nắn nót, sửa sang. Được sự đồng ý miễn cưỡng của mẹ, các con tôi đã trở thành “người của lễ hội” trong mùa Giáng Sinh và Năm Mới (kể từ năm nay? ). Chúng cũng không quên đem ra những tấm thiệp cũ, như muốn được nhắc lại những lời chúc tốt đẹp nhất: Bình An và No Đủ đến với muôn người.

Tôi ngỡ ngàng cảm nhận sự thay đổi. Với một chút hài lòng. Dù sự thay đổi ấy là sự thay đổi nhỏ nhặt nhất trong một đời sống bình thường như bao đời sống bình thường khác.

18 năm trên xứ người, tôi đã quen với hạnh phúc bình thường ấy. 18 năm¸tôi đã quen với nỗi bình an thu nhỏ, chật hẹp, riêng tư trong bốn bức tường gia đình. Và sự no đủ. 18 năm nay, các con tôi, từ ngày chào đời, chưa hề biết thế nào là sự thiếu thốn, ít nhất là sự thiếu thốn lương thực hàng ngày (xin cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày dùng đủ – lời câu kinh hàng đêm của các con tôi đã được lắng nghe). Còn sự Bình An? trong căn nhà của tôi, những điều dữ tợn không có chỗ chứa. Cái thế giới bạo lực bên ngòai vẫn chưa dám bước chân vào (xin cứu chúng con ra khỏi sự dữ – lời cầu kinh hàng đêm của các con tôi, thêm một lần, được lắng nghe).

Đêm Wichita trắng xóa một màn tuyết, khiến những màu sắc xanh đỏ (của tuổi trẻ) như trở nên lộng lẫy hơn, tíu tít hơn. Từ trong khung cửa kính ấm áp ngọn lửa sưởi, tôi nhìn ra bên ngòai, cảm nhận được nỗi bình an (riêng tư) trong lòng, dù nơi đây, chẳng phải là chốn quê nhà tôi lìa bỏ năm nào. Chốn quê nhà ấy còn in dấu cả một tuổi thơ tôi thiếu thốn. Thiếu thốn cơm ăn, thiếu thốn áo mặc, thiếu thốn tình thương. Thiếu thốn cả khi lập gia đình không có một nơi chốn riêng tư cho tình cảm vợ chồng. Chốn quê nhà ấy cũng chẳng hào phóng cho tôi một chút xíu cảm giác bình an nào, dù là khi đã được/bị nhốt trong bốn bức tường lạnh ngắt của nhà giam, dù là khi đã cuốn mình thật nhỏ trong căn nhà cha mẹ, vẫn nơm nớp lo sợ những bước chân lạ nửa khuya nện trên nền cầu thang chung của tòa chung cư cũ kỹ, đầy rác rưởi.

Ôi! Cái chốn quê nhà bị đầy đọa, chốn quê nhà tôi bỏ ra đi. Cũng chốn quê nhà ấy, tôi đã nhiều lần trở về.

Mùa Giáng Sinh. Mùa Bình An dưới thế cho người thiện tâm. Tôi vẫn không thể để phai nhòa trong ký ức mình câu chuyện một đêm trước đêm Giáng Sinh năm 1984, tôi và người bạn gái (mẹ các con tôi bây giờ) đang ngồi uống cà phê ở một quán cà phê nghèo đường Tô Hiến Thành (Ngã Bảy – Sài Gòn), thì một tốp Công An trong những chiếc xe Jeep (vốn của Cảnh sát thời chế độ cũ) ùa vào quán. Họ ra lệnh cho tất cả mọi người trong quán, ai ở đâu ngồi yên đó. Họ đến từng bàn sóat giấy tờ tùy thân. Cầm tờ Giấy Ra Trại của tôi (tờ giấy mới 6 tháng tuổi mà đã bương như cuộc đời gần 40 năm của tôi lúc ấy), anh chàng công an cười gằn “Ngụy à!” , rồi gấp tờ giấy bỏ vào túi mình. Anh ta không buồn hỏi giấy cô gái ngồi bên cạnh tôi, ra lệnh cho cả hai theo anh ta ra xe bít bùng. Cùng với nhiều người khác, chúng tôi bị đưa vào trại giam công an quận 10. Không được cho biết mình phạm tội gì, chúng tôi qua đêm hôm ấy và cả ngày hôm sau ở phòng giam (gồm cả tạm lẫn không tạm). Buổi tối hôm sau là đêm Giáng Sinh. Vừa chập chọang tối, là tôi nghe được một giọng hát nữ vang lên từ phòng đối diện, bài hát Giáng Sinh quen thuộc (Bài Thánh ca đó còn nhớ không em, No En năm nào chúng mình có nhau). Rồi liên tiếp hết bài này tới bài khác với một chủ đề duy nhất về Giáng Sinh. Những ngày tháng trong trại cải tạo theo tiếng hát ùa về với tôi. Nỗi ngao ngán đã khiến tôi không nhận ra rằng giọng hát nữ ấy điêu luyện không thua ca sĩ chuyên nghiệp. Đến khỏang 8 giờ tối, chúng tôi (tôi và cô bạn gái) được gọi ra gặp người nhà vừa đem hộ khẩu đến bảo lãnh, và được cho về. Cũng không một lời giải thích cho chúng tôi: tại sao bắt, tại sao tha. Về đến nhà, tôi chỉ kịp tắm rửa, thay quần áo để đưa cô em gái bệnh họan đi lễ nửa đêm như đã hứa. Đêm hôm đó, nhà thờ Huyện Sĩ ở góc đường Bùi Chu, Võ Tánh vẫn đông đảo người đi dự lễ mừng Chúa ra đời. Sau khi đưa cô em gái vào kiếm một chỗ bên trong nhà thờ, tôi ra ngòai ngồi lặng lẽ dưới gốc cây phượng già cỗi rũ bóng xuống hang đá có treo hàng chữ quen thuộc của mỗi mùa Giáng Sinh bằng đèn ống sáng trưng:

Vinh danh chúa cả trên trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm

Nghĩ đến hai ngày đêm nằm trong trại giam đồn công an quận 10 mà không biết lý do tại sao, nghĩ đến 9 năm tuổi trẻ lăn lóc trong các trại cải tạo từ Nam chí Bắc, nghĩ đến những ngày chiến tranh tàn khốc đã đổ trên quê hương tôi, tôi chua chát nhìn chữ “bình an” đang chớp tắt, chớp tắt trước mặt. Bình an làm sao được khi mỗi ngày tôi đều phải sống trong sự sợ hãi với nỗi bất an thường trực. Trong thành phố quen thuộc ngày ấy, sống hằng ngày trong nỗi bất an không phải chỉ có một mình tôi.

2.

Tháng Mười Một vừa qua, nhà nước cộng sản Việt Nam tổ chức một đại hội Việt kiều với sự tham dự của những người – cũng như tôi – đã từng bỏ nước ra đi (vì nỗi bất an thường trực của con người sống dưới chế độ độc tài tòan trị), nay được mời gọi trở về tiếp tay với chính quyền “xây dựng đất nước“. Một trong những người đó (*), khi tham dự xong đại hội, quay trở lại nước Mỹ, viết bài nói lên cảm tưởng của mình về “một nỗi bình an” nơi ” giữa “đại hội Việt kiều“. Ông viết: “trên suốt chuyến bay để “đi” California – không phải là “về” như bao lần – tôi thấy chính mình đang mang tiếp được một nỗi bình an ngày hôm trước. Quê nhà đã đón mừng và nhận lại mình. Tôi không còn sợ tổ quốc, sợ chế độ, sợ công an, sợ cộng sản.

Tác gỉa là một người may mắn ra khỏi đất nước từ tháng 4 năm 1975. 34 năm nay, ông đã nhiều lần quay về. Nhưng lần này, ông được “chính thức mời trở lại Việt Nam“. Những lần trước, ông về với “một tâm trạng sợ hãi thầm kín“, lo lắng không biết lúc nào sẽ bị công an gọi lên “làm việc“. Ông thú nhận: “Tôi đã như là một đứa con ghẻ trên chính quê hương mình“.

Lần trở về này, do được “chính thức mời về“, ông đã cảm nhận được “một nỗi bình an“.

Để tìm được một nỗi bình an, dễ dàng đến như vậy sao? chỉ cần một lời mời từ viên trùm công an, là mặc cảm con ghẻ biến mất, là tâm trạng sợ hãi biến mất. Hóa ra cái tâm trạng sợ hãi thầm kín của ông trong những lần về quê hương trước đây chỉ là “thần hồn nát thần tính”, là sự lo sợ vu vơ. Nhưng sợ chế độ, sợ công an, sợ cộng sản thì còn có thể hiểu được. Nhưng tại sao lại sợ tổ quốc? tổ quốc là cha mẹ, là anh em ruột thịt, là láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, là mảnh đất nuôi duỡng mình khi sống, ôm ấp mình khi chết, “mắc mớ” gì mà sợ? Tổ quốc và chế độ cầm quyền là hai khái niệm (và thực thể) hòan tòan khác nhau. Các chế độ cầm quyền thay nhau đến rồi đi, nhưng tổ quốc vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt. Chế độ cầm quyền hà khắc, làm người dân sợ hãi bỏ tổ quốc mà đi, nhưng tổ quốc vẫn là của họ, không đợi mời mới trở về, không đợi nhắc mới nhớ mình còn một tổ quốc. Vả chăng, chỉ có con người lìa bỏ tổ quốc, chứ tổ quốc không bao giờ ruồng rẫy những đứa con của mình, để ngày hôm nay có kẻ nói đến “Quê nhà đã đón mừng và nhận lại mình “.

Liệu nỗi bất an trước đó (của những lần về quê nhà khi chưa có lời mời chính thức) của vị Việt kiều nọ có thật hay không, hay chỉ là một lối nói cường điệu đủ phản đề hợp đề cho ông dễ dàng nói đến “một nỗi bình an” (khi về nước với lời mời chính thức). Ông rời nước từ tháng 4 năm 1975, chưa từng biết mùi cải tạo, chưa từng biết mùi vượt biên, chưa từng biết mùi công an khu phố đến tận nhà họach sách tra vấn họanh họe. Nhiều lắm là ông chỉ cảm được nỗi sợ hãi (?) qua ánh mắt gằm gằm của mấy chú công an hải quan làm thủ tục cho ông nhập cảnh. Và cái kết cục xấu nhất, nếu có xẩy đến với ông, cũng chỉ là bị trục xuất ra khỏi nước, chứ không đến nỗi bị bắt bỏ tù vô cớ (như người dân sống trong nước).

Tôi chợt nghĩ đến chính bản thân mình và những người khác cùng cảnh ngộ. Vì không thể sống trong một thế giới của sự sợ hãi thường trực, chúng tôi đã liều chết tìm đến một nơi nương náu bên ngòai tổ quốc của mình. Dù ra đi, chúng tôi vẫn hằng nghĩ đến một ngày trở về. Không phải vì những lời mời gọi gỉa nhân giả nghĩa từ trong nước. Nơi ấy, trong thế giới của sự đe dọa thường trực, vẫn còn có cha mẹ, anh em ruột thịt, những người láng giềng tốt bụng, vẫn còn mồ mả tổ tiên và những kỷ niệm thân thương. Đó là mục đích của những lần về thăm quê hương, những lần vợ chồng con cái dắt díu nhau về chào ông, chào bà, chào anh, chào chị. Cây có cội nước có nguồn. Đây là nơi cội rễ của gia đình. Các con nhớ đừng bao giờ quên điều đó. Chúng tôi có sợ hãi như vị Việt kiều trong câu chuyện ở trên không? câu trả lời là không. Chúng tôi đã từng sống trong sợ hãi, nên bây giờ thần hồn không thể nát được thần tính, nên không thể lo sợ vu vơ. Là công dân một nước khác, anh công an Việt nam không thể muốn làm gì chúng tôi thì làm như ngày xưa được nữa. Có cảm gíac bất an không? không sợ hãi thì có gì gọi là bất an. Có “một nỗi bình an” chóang ngợp không? Trăm lần không vạn lần không! Bình an sao được khi tổ quốc vẫn còn là một nhà tù khổng lồ, khi một lời nói công đạo cũng đã mang sẵn mầm mống của tai họa nhà tan cửa nát, thân mang kiếp tù đầy (ngọai trừ những người mặc tấm áo giáp Việt kiều như chúng tôi, và vị Việt kiều được mời về nước nọ. Dĩ nhiên, tấm áo giáp Việt Kiều chẳng phải là vạn năng có thể đỡ được mọi thứ đạn của công an Việt Nam bắn vào, nhưng ít nhất, nó cho phép người mặc nó có cảm giác mình an tòan hơn người trong nước mỗi khi phải đối đầu với chính quyền. Và tấm thiệp mời mà vị Việt kiều nọ cầm trên tay khi về nước cũng chưa hẳn có hiệu năng mạnh hơn tấm áo giáp Việt kiều. Từ đó, hiệu ứng “Một nỗi bình an” có thể chỉ là ảo giác hay một lối nói cường điệu nhằm mục đích nịnh bợ mà thôi).

3.

Đứng giữa đất trời những ngày lễ hội xứ người, tôi nhìn về quãng đời sống trong bất an thường trực của mình để trân trọng hơn sự bình an, dù tương đối, mà tôi đang được hưởng. Tôi cũng trân trọng cái quãng đời bất an ấy trên quê nhà, vì nhờ đã sống trong bất an, tôi mới nhận ra được hôm nay mình hạnh phúc biết chừng nào. Tôi không còn sợ những tiếng đập cửa nửa khuya, tiếng bước chân lạ thình thịch ngòai hiên. Không như vị Việt kiều vừa về nước tham dự đại hội (Việt kiều), chưa từng trải qua một ngày sống trong sợ hãi (thực sự) nên ông không biết mình đang thả mồi bắt bóng.

Ôi quê nhà yêu dấu xa ngút mù khơi, đến bao giờ tôi mới được về đứng giữa đất trời quen thuộc ấy với cảm giác chóang ngợp của một nỗi bình an đích thực?

T.Vấn

( Mùa Giáng Sinh 2009)

*Ông Nguyễn Hữu Liêm, Luật sư/Giáo sư triết, chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt-Mỹ, hiện cư ngụ ở thành phố San Jose, California. Cuối tháng 11 năm 2009, ông được chính phủ Việt Nam mời về tham dự “Đại hội người Việt ở nước ngòai” , tổ chức ở Hà Nội trong 3 ngày, từ 21-11 đến 23-11. Sau khi quay lại Mỹ, ông phổ biến trên trang diễn đàn điện tử Talawas bài viết: “Nơi giữa đại hội Việt kiều: Một nỗi bình an” ngày 27 tháng 11 năm 2009, nội dung chính là nói lên sự tiếp đón nồng hậu của chính quyền dành cho những người về tham dự đại hội (có cả xe còi hụ mở đường). Bài viết của ông gây (tai) tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngọai và cả trí thức trong nước. Không phải vì nó hay ho gì mà vì người ta không ngờ một người vốn là cựu quân nhân miền Nam, qua Mỹ từ năm 1975, đã được đi học lại, đã thành tài, nay bỗng có luận điệu ca ngợi chính quyền tòan trị Việt Nam qua việc ông được mời về dự hội nghị Việt kiều.

clip_image004

Trong đọan 2 của bài viết này (Một nỗi bình an . . . ), tất cả những chữ in nghiêng và trong ngoặc kép, đều trích từ bài viết của Nguyễn Hữu Liêm nói ở trên. Bài viết của ông Liêm còn rất nhiều điều khác cần phân tích rạch ròi hơn, nhưng trong phạm vi bài viết này tôi chỉ xóay quanh khái niệm “bình an, bất an” như chủ đề chính của bài. T.Vấn.

** Bài viết này đặc bịêt gởi đến hai người bạn thuở còn cắp sách từ lớp đệ thất cho đến lớp đệ nhất trường trung học Petrus Ký, Sài Gòn: Bùi văn Canh và Nguyễn văn Dần. Người thứ nhất, tôi chẳng nhớ vì sao nó biết được tôi và Oanh (cô bạn gái hồi đó, mẹ các con tôi bây giờ) bị bắt, nhốt ở bót quận 10, đã vội vã mua 2 ổ bánh mì thịt đi “thăm nuôi”. Đã không được gặp, còn phải tốn mấy điếu thuốc lá 3 số “đền ơn” anh công an gác cổng mang vào dùm. Chúng tôi cũng không bao giờ được thấy mặt mũi hai ổ bánh mì tình nghĩa ấy. Người thứ hai, chạy đôn chạy đáo trên chiếc xe đạp cà tàng báo tin cho gia đình chúng tôi, rồi cũng bằng chiếc xe đạp ấy, chính Dần chở người nhà tôi mang tờ hộ khẩu và giấy tạm trú đến bảo lãnh tôi ra khỏi trại tạm giam chiều ngày 24 tháng 12.

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search