T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Mùa lốc xóay

clip_image002

Cơn lốc xóay hình phễu đang cuốn sạch mọi thứ trên đường đi

1.

Hình như những ngày tháng mùa đông đã thấm mệt sau một chuỗi những hòanh hành và những con số kỷ lục được ghi nhận. Một mùa đông lạnh gía nhất từ mấy chục năm nay. Nhiều người gìa lặng lẽ qua đời. Cái lạnh đã kết thúc cuộc đời họ nhanh hơn dự trù. Cái nhanh hơn ấy, có ý nghĩa dịu dàng với một số người này, nhưng lại là độc ác với một số người khác. Cũng như những trận bão tuyết. Có kẻ ít khi được ngồi trong nhà ấm áp nhìn ra bên ngòai một màn tuyết trắng xóa, thấy thiên nhiên đẹp như một bài thơ (1). Có người mỗi tối đón nghe tin tức dự báo khí tượng, sáng dậy thật sớm lo cạo tuyết ngập đầy trước sân nhà.

Dù sao thì những ngày đầu tháng Ba, thời tiết đã ấm áp hơn. Nhưng lại đáng lo hơn. Cũng tháng này hàng năm, người ta bắt đầu chuẩn bị đối phó với những cơn lốc xóay (Tornado). Theo các phân tích khoa học, khi có một nguồn khí lạnh ở trên đi xuống và một luồng khí ấm ở dưới đi lên, khi ấy là điều kiện tuyệt hảo cho lốc xóay hình thành. Mùa đông vừa qua, do độ lạnh bất thường, đã làm cho không khí trở nên ẩm ướt hơn. Và khi nhiệt độ mặt đất ấm dần lên, độ ẩm do lạnh kéo dài sẽ bắt tay tương tác với luồng hơi ấm ấy, tạo chuyển động mạnh. Kết quả là những trận gió xóay bất ngờ, nhiều khi không thể tiên đóan sớm hơn cho người ta có đủ thì giờ đi tìm nơi trú ẩn. Khi ấy, thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại khó lường. Trên thế giới, Hoa Kỳ là nước có con số lốc xóay cao nhất và số thiệt hại về lốc xóay cũng cao nhất. Phần lớn, những cơn lốc xóay xẩy ra ở khu vực miền Trung Tây. Theo thống kê thì, “Trận lốc xoáy tồi tệ nhất ở Mỹ xảy ra ngày 18 tháng 3 năm 1925. Cùng một lúc 7 lốc xoáy đã xuất hiện ở 3 tiểu bang Illinois, Missouri, Indianna làm 740 người thiệt mạng và phá huỷ nhiều cấu trúc hạ tầng. Một thảm hoạ lốc xoáy khác cũng đáng nhớ không kém xảy ra vào ngày 3 tháng 4 năm 1974, nó là tập hợp của 148 lốc xoáy nhỏ, giết chết 315 người từ bắc Alabama đến Ohio.”

Tháng Ba năm 1991, khi tôi và gia đình vừa đặt chân đến Wichita, Kansas, ngày hôm sau đã được một trận gió xóay hung dữ chào đón. Tuy tai qua nạn khỏi, nhưng cũng đã được một phen hú vía. Chẳng lẽ, chưa kịp sống đã chết hay sao! Tuy nhiên, ở một ngôi làng lân cận, nhiều căn nhà đã bị phá hủy và nhiều người chết. Lúc ấy, vừa rời khỏi cuộc sống kềm kẹp và nghèo khổ ở quê nhà, tôi mang tâm trạng háo hức của người chuẩn bị làm lại cuộc đời nơi mảnh đất nhiều hứa hẹn, thì những buổi nghe còi hụ phải chạy vội xuống hầm nhà tìm nơi trú ẩn đã như những gáo nước lạnh tạt vào mặt làm nguội dần những háo hức tội nghiệp ấy. Bao nhiêu năm phải lo đối phó với con người, tôi đã quên bẵng thiên nhiên, một thế lực vô hình mà đầy quyền năng.

Con người hung dữ với nhau, đã đành. Đôi khi thiên nhiên, cũng hung dữ với người không kém.

2.

Khác với chiến tranh, sự độc ác của thiên nhiên không có dấu hiệu dễ dàng cho người ta nhận diện. Như trường hợp những cơn lốc xóay, chúng thường đến ban đêm, khi khí lạnh hội tụ đủ để bắt tay với nhiệt độ ấm từ dưới đất bốc lên. Khi ấy, mọi người đang say nồng trong giấc ngủ sau một ngày làm việc (2). Thần chết đến thình lình. Lưỡi hái vung lên ngọt xớt. Không ai có thì giờ cảm được sự đau đớn. Kể ra đó cũng là một ân sủng của . . . trời. Như cũng độ này dăm năm trước, một cơn gió xóay thổi ngang qua đầu tôi, đúng lúc tôi vừa ngồi xuống bàn viết chuẩn bị những dòng đầu tiên cho bài viết thường kỳ. Trong cơn bất chợt, tôi chỉ nghe được một âm thanh váng cả đầu óc, rồi sau đó là sự im lặng . . . đáng sợ. Chỉ mãi ngày hôm sau, tôi mới biết cơn lốc xóay hung dữ đã đổ bộ xuống một ngôi làng lân cận, san bằng ngôi làng ấy thành bình địa, đồng thời luỡi hái tử thần lấy đi gần 10 mạng người. Theo dòng người hú hồn vì thóat chết, tôi đã ghé thăm công trình hủy họai ấy của thiên nhiên. Đó là ngôi làng tôi đã từng có dịp đến công tác cho sở, từng ngồi uống cà phê ở cái quán duy nhất trong khu downtown cũ kỹ, từng giơ tay chào hỏi người qua kẻ lại trên đường phố một buổi chiều mùa hè êm ả năm nào. Hai năm sau đó, tôi cũng đã có dịp quay trở lại thăm ngôi làng, nay đã trở thành một thành phố hiện đại, kiểu mẫu. Nhờ sự thẳng tay của thiên nhiên, con người có dịp làm lại cuộc sống của mình: đẹp hơn, tiện nghi hơn, khoa học hơn.

Nhưng bù lại, có những cái mất khó thể đền bù. Như con người, như những kỷ niệm mà một sớm một chiều đã bỗng biến mất.

Tôi đã từng đứng ngẩn ngơ trước căn nhà tuổi thơ của mình , nhìn nó bốc cháy, rồi từ từ sập hẳn xuống, cùng với căn nhà là biết bao những kỷ niệm, những trang lưu bút của bạn bè, của mình. Năm Mậu Thân 1968, chiến tranh đi vào thẳng thành phố để cho người dân ở đó biết thế nào là chiến tranh. Những người anh em bên kia, thừa hành lệnh của cấp trên điên cuồng, đã biến đường phố thành những bãi chiến trường, biến những ngôi nhà dân thành công sự chiến đấu, biến người dân thành những tấm bia đỡ đạn. Để rồi, sau khi họ rút đi, hoặc ngã gục đâu đó trong những con hẻm cụt, là những đổ nát không phương gì hàn gắn, dù sau đó, nơi những xóm nhà cháy tan hoang đã mọc lên những tòa chung cư nhiều tầng sừng sững. Nhưng đổ nát vẫn cứ là đổ nát, nhất là trong những tâm hồn non trẻ, thứ đổ nát sẽ hằn sâu những dấu ấn theo đuổi họ suốt đời.Chiến tranh chẳng bao giờ là một kinh nghiệm ngọt ngào, dù là kẻ thắng hay thua trong trận chiến.

Có lẽ, chịu đựng sự hủy họai của thiên nhiên dễ dàng hơn chịu đựng sự độc ác của con người chăng?

clip_image004

Một cảnh tan hoang đổ nát vì lốc xóay ở Kansas

3.

Dầu vậy, sự mất mát vẫn cứ là mất mát. Và mất mát nào cũng làm người ta đau lòng. Hàng năm, vào mùa gió xóay, ngoài những cảnh giác , nhắc nhở nhau phải cẩn thận, chú ý đến những đổi thay của thời tiết, người dân thành phố vẫn không quên nhắc đến những người đã chết vì gió xóay, những cái chết thình lình, không được báo trước. Có sự khác biệt nào không giữa cái chết vì chiến tranh, cũng bất thình lình, cũng không báo trước và không ngờ với những cái chết từ trời rơi xuống? Một bà mẹ đã nói về cái chết vì lốc xóay của con mình như là “sự quan hòai của Thượng Đế”. Khi nghe còi hụ vang rền khắp khu phố, cả gia đình bà đã chạy xuống tầng hầm căn nhà (basement) để tìm chỗ trú ẩn an tòan. Đứa con nhỏ nhất, 9 tuổi, ngồi giữa hai người anh của mình. Bên ngòai, cái cây cạnh nhà bị gió cuốn trốc gốc, ngã đè lên bệ thông khói của lò sưởi. Lớp gạch bị sức nặng của cây, làm sập mái nhà và rơi xuống tận dưới hầm trú ẩn. Đứa bé ngồi giữa hai anh bị gạch đè chết, còn hai người anh chỉ bị sây sát nhẹ. Với người mẹ, cái chết của đứa con là một sự mất mát khó bù đắp, nhưng ý tưởng về một sự lựa chọn của Thượng đế, phần nào an ủi được nỗi đau của người mẹ. Dù vậy, nhiều năm sau bà cũng vẫn không thể trở về mảnh đất cũ, nơi vốn tọa lạc căn nhà của bà lúc trước cơn thảm họa, dù chỉ là để viếng thăm. Nhìn những bức hình chụp ngay sau khi cơn lốc xóay sát nhân đi qua, tôi liên tưởng đến những bãi chiến trường. Chỉ khác, ở đây không có sự chống cự của phía thua trận. Tôi đã từng bước đi giữa những đổ nát của chiến tranh, chân rón rén sợ đạp lên những mảnh xương, mảnh thịt nạn nhân của bom đạn vô tình. Tôi cũng đã bước đi giữa những hoang tàn của thảm họa thiên nhiên, chân cũng rón rén sợ dẫm lên những mảnh kỷ niệm của từng căn nhà , của từng người còn sống hay đã chết. Đó là những mất mát không thể bù đắp. Con người và quá khứ. Cái cảm giác đau nhói khi đứng nhìn cảnh tan hoang rụi cháy của căn nhà tuổi thơ năm xưa lại trở về. Ngay từ dạo ấy, một phần đời của tôi đã chết theo với sự đổ nát của căn nhà. Mọi thứ đẹp đẽ – dù rất hiếm hoi – cũng đã bị chôn vùi trong đó.

Vượt thóat được những ám ảnh của chiến tranh, tôi lại thấy mình bị những bóng đen của gió xóay rình mò sau lưng. Như cái đêm tôi ngồi xuống bàn viết nghe tiếng vỗ cánh của thần chết chói chang trên đầu mấy năm trước.

Lời cầu kinh hằng đêm vẫn được (tôi) lẩm nhẩm, vì không biết lần này thì cái bóng đen kịt hình phễu đáng sợ kia có đủ độ lượng tha cho tôi như lần trước hay không ?

T.Vấn

( Mùa gió xóay 2010)

(1)Anh bạn chủ báo Ca Dao là một trong những con người lãng mạn đáng yêu ấy. Nhìn tờ bìa số báo 234 với tấm hình chụp cảnh thành phố Dallas ngập trong tuyết, tôi hiểu sự thích thú của anh ta khi được nhìn những lọn tuyết quyến rũ rơi xuống từ bầu trời mùa đông xám ngắt. Đã bao năm nay, Dallas mới được đẫm mình trong tuyết. Còn tôi, cứ mỗi mùa đông là cánh tay lại thêm phần “vạm vỡ”, nhờ xúc tuyết, dọn đường, cạo kính xe mỗi buổi sáng.

clip_image006

(2)Vì thế, từ ngày định cư ở thành phố Wichita, Kansas, cái nôi của những trận lốc xóay đáng kính và đáng sợ, tôi đã trở nên ngoan đạo hơn. Hàng đêm, trước khi đi ngủ, tôi đã chịu khó ngồi đọc kinh, cầu nguyện ” xin chúa hãy gìn giữ tôi ban ngày cũng như ban đêm, kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp . . . ” . Người tỏ ra hài lòng nhất là mẹ của các con tôi. Bà cụ tin rằng, nhờ sự “giáo dục” của vợ mà tôi đã càng ngày càng khác xưa. Điều này có đúng không thì hẳn chỉ có . . . Chúa mới biết được mà thôi.

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search