T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : MỘT ĐỜI TƯƠNG TƯ

clip_image002

* Ngày… tháng… năm

Thế là qua một ngày đầy bận rộn, mệt mỏi, nhưng cũng thật nhiều niềm vui và thú vị. Lời đầu tiên là phải cám ơn cô Chi đã rủ rê mình tham gia nhóm từ thiện, cứu trợ những người nghèo khổ, bệnh tật ở cái thị xã xa xôi, hẻo lánh cuối miền đất nước. Cũng không quên cám ơn ba đã khuyến khích mình rất nhiều trong chuyến đi này. Nhắc đến đây, mình lại nhớ ba nhiều. Không biết giờ này ba làm gì? Một mình trong căn nhà vắng vẻ, đắm mình trong nỗi buồn, nỗi nhớ đã rất cũ, nhưng bao giờ cũng như mới vừa hôm qua phải không ba?

Hai mươi lăm năm sống cạnh ba mẹ, nhất là khi mẹ trải qua cơn bệnh nặng, mình đã nhìn thấy tình yêu của ba dành cho mẹ là một tình yêu cao thượng nhất, đẹp đẽ nhất. Ba năm dài mẹ nằm liệt giường sau cơn stroke rất nặng khiến mẹ không thể nói chuyện được, dù đầu óc vẫn còn tỉnh táo, ba đã săn sóc mẹ bằng tấm lòng yêu thương vô lượng. Và chính tình yêu kỳ diệu này đã khiến ba không cảm thấy mệt mỏi khi tự tay chăm sóc, lo lắng cho mẹ tất cả mọi việc không quản ngại nhọc nhằn, dơ bẩn bằng thái độ nhẹ nhàng, vui vẻ. Ba nhất quyết không cho một đứa con nào thay thế ba làm công việc đó dù có lúc mình thấy ba như sắp ngã quỵ. Ba nói “ba muốn bất cứ lúc nào mẹ tỉnh dậy, mở mắt ra, đều thấy ba ở bên cạnh”. Có lẽ nhờ ba mà mẹ dần dần hồi phục và lấy lại sự cân bằng tâm lý.

Chưa bao giờ mình thấy trên nét mặt ba một dấu cau mày dù phải đối diện với những biểu hiện tâm tình bất ổn của mẹ bằng sự giận dữ, khóc lóc, bỏ ăn, bỏ uống. Mẹ đau khổ bao nhiêu thì ba phải chịu đựng bấy nhiêu. Một sự chịu đựng thật lặng lẽ không tiếng than van. Ba vẫn nói với chị em mình rằng, ba tìm thấy niềm vui trong những việc ba làm cho mẹ. Vì, dù mẹ nằm một chỗ, nhưng ít ra ba cũng còn có mẹ bên cạnh. Nếu không có mẹ thì cuộc sống của ba còn có ý nghĩa gì nữa?

Ngày mẹ qua đời, dẫu chị em mình có đau khổ, có tiếc thương nhưng cũng mừng cho ba trút được gánh nặng. Mình nghĩ như thế. Nhưng không, với ba sự ra đi của mẹ là một mất mát lớn lao, là một khoảng trống to lớn đổ ụp xuống phần đời còn lại của ba. Suốt hai ngày trong nhà quàn, ba đứng bất động bên mẹ không rời xa một bước. Có những lúc, gần như cả thân hình ba sắp nghiêng đổ về phía trước, ba phải nắm chặt lấy thành gỗ của quan tài, nhưng nhất định không chịu bước lại ghế, ngồi xuống để nghỉ ngơi trong giây lát. Rồi đến khi xác mẹ được đẩy vào lò thiêu, ba quỵ xuống, bàn tay với theo, không có tiếng khóc nấc lên, nhưng khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Ba nghẹn ngào gọi tên mẹ, Phượng ơi! sao em bỏ anh. Chị em mình khóc òa, quỳ xuống cạnh ba. Mình biết, cũng cùng một nỗi buồn, nhưng chắc chắn trái tim ba không chỉ nhói đau như mình mà nó đã vỡ vụn, đã tan nát.

Ba ơi! ba có biết là con vẫn luôn tự hào về ba, về tình yêu bất biến theo thời gian mà ba đã dành cho mẹ không? Con thương ba và nhớ ba hơn lúc nào hết.

* Ngày… tháng.. năm

Cả buổi chiều nay mình cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh của chị Niệm. Nụ cười và ánh mắt ngây ngô như trẻ con dù chị Niệm đã ba mươi tuổi -lớn hơn mình đến năm tuổi- cùng cánh tay cụt dưới cùi chõ và vành môi trên bị chẽ đôi của chị làm mình cảm thấy xót xa trong lòng. Nhìn chị bê bao vải đựng gạo với vẻ mặt vui mừng và ánh mắt sáng ngời khi nhận bộ quần áo cũ mới thương làm sao. Cũng có rất nhiều người ở vào hoàn cảnh nghèo nàn, lam lũ như mẹ con chị Niệm, nhưng sao nhìn chị lòng mình cứ trìu trĩu. Một nỗi buồn dâng nhè nhẹ trong lòng. Bỗng dưng mình thở dài. Cô Chi đang sắp xếp đồ đạc, ngước mắt nhìn mình rồi cười:

-Con nhỏ này! nhớ ba hay nhớ bồ mà thở dài thườn thượt suốt từ chiều đến giờ.

Câu nói đùa của Cô Chi không làm mình vui hơn. Nghĩ ngợi một lúc mình lên tiếng hỏi:

-Má chị Niệm là bà con của cô hả?

-Ừ! bà con xa. Nhưng hồi còn trẻ, ở cạnh nhà nhau nên rất thân. Mà có chuyện gì không?

-Dạ không, con thấy chị Niệm tội nghiệp nên hỏi vậy thôi? Con nghĩ… nếu như chị ở Mỹ thì sẽ được giúp đỡ nhiều thứ lắm. Còn ở đây khổ quá, nếu lỡ má chị xảy ra chuyện gì, chị ấy sẽ sống như thế nào? Con thấy hình như sức khỏe của má chị Niệm không được tốt… nhưng còn ba của chị Niệm đâu hả cô?

Cô Chi dừng tay, nhìn thẫn thờ vào khoảng không trước mặt. Giọng nói cô thoáng chút bùi ngùi:

-Cuộc đời của chị Kiều, má con Niệm tội nghiệp lắm. Ngày xưa chị ấy có yêu một người, nhưng đó là tình yêu một chiều. Chị si tình một cách mù quáng, lạ lùng. Anh ấy không để tâm đến chị nên lúc nào chị cũng sợ mất anh. Chị công khai tình yêu đơn phương của mình một cách lộ liễu, cả xóm ai cũng biết. Có lần cô nói với chị, làm như thế là tự đánh mất giá trị của mình. Nhưng cách suy nghĩ của chị lại khác, chị muốn mọi người biết để đừng ai xen vào cướp mất người chị yêu. Điều đáng buồn là anh ấy luôn né tránh chị. Chị càng theo đuổi, anh càng tránh mặt. Rồi một ngày anh thuyên chuyển đi nơi khác. Chị vật vã khóc lóc như điên, như dại. Sau đó khoảng một năm, khi cô từ Saigon trở về thì thấy chị đang có thai. Đứa con sinh ra lại tật nguyền. Từ đó, cuộc sống của chị như khép kín. Chị lặng lẽ thu mình trong nỗi bất hạnh và xa lánh mọi người.

Tôi nôn nóng:

-Như vậy, ai là ba của chị Niệm?

-Cô không biết và cũng không dám hỏi. Từ ngày về đây công tác, cô cũng chưa có giờ đến thăm chị Kiều. Có lẽ phải đợi cuối tuần này, trước khi trở về Mỹ cô sẽ đến thăm hai mẹ con chị một lần.

Tôi háo hức:

-Cho cháu đi nữa nghe!

* Ngày… tháng… năm

Vừa bước vào cửa, mắt mình chạm phải tấm ảnh trên bàn thờ. Người trong ảnh rất trẻ, nhưng nét mặt, so với bây giờ vẫn không thay đổi. Mình sững sờ đứng dừng lại một cách đột ngột. Cô Chi đẩy lưng mình, bước tới trước.

-Con nhỏ này!…. sao khi không “thắng” bất tử vậy?

Thấy mình không lên tiếng, cô quay lại nhìn rồi hỏi dồn:

-Ủa, cháu sao vậy, Tuyết Lan?

Mình lắc đầu:

-Dạ… không.

Chị Niệm từ phía nhà sau chạy ra. Thấy mình, chị nhảy tưng tửng mừng rỡ:

-A! chị Lan, chị Lan. Có cho em quần áo đẹp không?

Phát âm của chị không tròn chữ vì vành môi khiếm khuyết. Mình phải hỏi đi, hỏi lại hai ba lần mới hiểu được chị nói gì. Cô Kiều vừa bước ra, chồm tới kéo tay, nhìn thẳng vào mắt chị thật nghiêm nghị. Chị cúi đầu xuống có vẻ sợ sệt. Nhưng chỉ vài giây ngắn ngủi, chị lại ngước lên, chỉ tay về phía bàn thờ, nghiêng đầu ngây ngô nói:

-Đó, ba em đó. Em có ba nữa đó.

Trái tim như thắt lại, mình ngồi nhanh xuống chiếc ghế gần đó, trong khi cô Chi đưa mắt nhìn má chị Niệm:

-Hả! là… là… anh ấy. Anh ấy phải không?

Cô Kiều gật đầu, đôi mắt sâu thẳm long lanh nước.

-Anh ấy mất lúc nào?

-Không biết!

-Vậy…sao chị biết?

-Bạn của anh ấy nói.

………….

Mình trở về nhà để rồi trằn trọc cả đêm. Bao nhiêu lần cầm điện thoại lên, nhưng lại bỏ xuống.

* Ngày… tháng… năm

Sau nhiều lần đắn đo, hôm nay mình quyết định đến thăm má con chị Niệm. Cô Kiều đón mình bằng thái độ thật niềm nở. Sau những lời thăm hỏi bình thường, mình chợt nghĩ… nên đứng lên, xin phép đốt nhang cho ba chị Niệm. Cô Kiều có vẻ rất xúc động. Có thể, chính nhờ sự xúc động đó mà cô cởi mở cõi lòng:

-Ba con Niệm không phải là người xấu như nhiều người nghĩ. Ông ấy đã mất nên không thể tự biện hộ cho mình. Nhưng phải có một ngày cô nói thật cho mọi người biết là… cô tự nguyện. Tự nguyện đến với ông ấy không điều kiện. Đâu thể để ông ấy mang tiếng oan. Và cô cũng đâu có lỗi gì. Yêu thương một người bằng tình yêu chân thành thì đâu có lỗi. Chỉ có điều cô hèn nhát… không can đảm để nói lên một sự thật, một tội lỗi mà cô mắc phạm…

Cô Kiều khóc sướt mướt trên vai mình. Những uẩn khúc đã bị đè nén, giấu giếm bao lâu nay chợt òa vỡ để hôm nay cô nói nói hết những điều chưa bao giờ thố lộ cùng ai với một cô bé chỉ đáng tuổi con của cô. Có phải vì mình là một người rất xa lạ và rồi… ngày mai, ngày mốt cũng sẽ rời khỏi nơi đây, có thể chẳng bao giờ trở lại, nên cô không ngại ngùng? Mình lau nước mắt cho cô, nắm rất chặt bàn tay của cô thay lời an ủi. Mình biết, ngay phút giây này, mình là một chỗ nương tựa rất cần thiết cho cô. Nhưng làm sao cô biết được, lòng mình cũng quặn đau, đầu óc mình rối bời vì không thể nói với cô điều mình muốn nói… !!!

* Ngày.. tháng.. năm

Sáng mai sẽ lên Saigon để chuẩn bị ngày mốt ra phi trường trở về Mỹ. Các cô chú và bạn bè náo nức mừng vui, vì gần ba tuần lễ xa gia đình ai cũng cảm thấy nhớ nhà. Buổi tối, mình thu dọn đồ đạc thật nhanh để có thì giờ đến thăm má con chị Niệm lần cuối.

Chị Niệm vòng tay ôm ngang bụng mình, phụng phịu:

-Em không cho chị đi, em không cho chị đi.

Đưa tay vuốt má chị, tự dưng mắt mình ứa ra:

-Tuyết Lan cũng không muốn đi… nhưng phải về nhà.

Chị nghiêng đầu nghĩ ngợi:

-Ừ về nhà… ba chờ.

Rồi chỉ lên bàn thờ, chị nói tiếp:

-Em đi chơi… ba cũng chờ… Đó, ba của em đó.

Cô Kiều kéo tay chị Niệm ra dấu im lặng. Chị cười hăng hắc một lúc rồi lên giường nằm. Mình mở ví, lấy bao thư dúi vào tay cô Kiều, ngập ngừng:

-Cô ơi… con xin phép gửi… một ít tiền để nhờ cô mua quà bánh và quần áo cho chị Niệm.

Mở bao thư ra, nhìn thấy hai tấm giấy bạc một trăm đô, cô sững sờ:

-Sao… sao… cháu lại cho cô nhiều quá vậy?… cô không dám nhận đâu.

Mình nắm tay cô, tha thiết thuyết phục:

-Thời gian công tác ở đây, qua những lần gặp gỡ, con thương chị Niệm lắm. Con không biết làm gì để giúp cô và chị, chỉ có chút tiền, không đáng là bao nhưng là tấm lòng của con.

Mình đưa cho cô Kiều quyển sổ tay và nói:

-Cô ghi cho con địa chỉ nhà và tên họ của cô. Về Mỹ con sẽ liên lạc thường xuyên để thăm cô và chị Niệm.

Cô Kiều nhìn mình trân trối, trong ánh mắt là lời cám ơn, là câu hỏi… là tất cả niềm xúc động và bối rối trong lòng. Khi trả lại quyển sổ, cô gục đầu vào cánh tay mình bật khóc. Mình ôm chầm lấy cô, nước mắt cũng ràn rụa. Mình muốn nói, cô ơi! đây là số tiền ba con đã cất rất cẩn thận vào ngăn cuối cùng trong chiếc ví của con. Ba biết tính con gái của ba đôi lúc xài tiền không tính toán, nên lúc nào cũng phòng hờ cho con mỗi khi con đi xa một mình. Con muốn dùng số tiền này như một chút ân tình gửi đến cô và chị Niệm -một người phụ nữ đau khổ và một đứa con bất hạnh. Con cũng muốn nói với cô… người đàn ông trong bức ảnh trên bàn thờ đó chưa chết và người đàn ông đó chính là ba của con!!!

* Ngày.. tháng… năm

Tám tiếng đồng hồ đã trôi qua, mọi người trên phi cơ đã ngủ say sưa trong khi mắt mình cứng ngắc, đầu óc như căng ra với những suy nghĩ không ngừng. Thì ra, bao nhiêu năm nay ba đã giấu kín trong lòng một bí mật. Chắc hẳn ba muốn phủ nhận cái quá khứ không mấy tốt đẹp nên mới không liên lạc với cô Kiều để cô tưởng rằng ba đã chết. Sao ba lại đành lòng làm như thế, ngay cả với đứa con tật nguyền, đáng thương của chính ba. Ba có thể tàn nhẫn đến như vậy sao? Từ lâu, mình vẫn xem ba là một người đàn ông đàng hoàng nhất, đạo đức nhất mà… Chắc có điều bí ẩn bên trong phải không ba? Con cố gắng nghĩ như thế để không mất đi hình ảnh người cha thần tượng, một mẫu hình để con nhìn theo đó mà chọn cho mình người bạn đời.

Suốt cuộc hành trình hai mươi mấy tiếng trong đầu mình lúc nào cũng lặp lại câu hỏi, có nên hỏi ba những gì mình đang thắc mắc không?

Phải hỏi!!! Hỏi cho ra lẽ, chứ mình không chịu nổi cái cảm giác nặng nề như có hàng tấn đá đang oằn trĩu trong tim.

***

Tôi đến thăm và biếu bác Lịch hai bịch khô mực. Bác thích thú bày ngay ra bàn với chia bia ướp lạnh. Bác hỏi thăm đủ chuyện về chuyến công tác từ thiện của tôi. Sực nhớ bác là bạn thân của ba từ ngày hai người đi lính chung, tôi lân la dò hỏi:

-Ba con dạo này buồn và sa sút tinh thần lắm. Khi nào rảnh, bác ghé qua nhà uống vài lon bia với ba, nhắc lại chuyện thời trai trẻ cho ba con đỡ buồn.

Bác Lịch thở dài:

-Bác có rủ rê mấy lần mà ba mày đều từ chối, bác còn biết làm sao… Vả lại, mẹ con mất cũng chưa bao lâu, phải đợi thêm một thời gian nữa ba con mới lấy lại quân bình.

Uống một ngụm bia, bác vỗ đầu tôi, cười:

-Thằng tía mày… già rồi mà còn si tình quá đỗi.

Tôi nôn nóng chồm lên:

-Vậy, chắc hồi trẻ ba con trồng cây si nhiều cô lắm hả bác?

-Hứ! ba mày chết nhát thì có, thấy con gái là đỏ mặt, tay chân thừa thãi không biết để đâu. Nhưng ngược lại con gái si tình ổng… mới chết chứ!

-Thật không bác?

-Sao không thật, để bác nhớ xem. Hồi đó, có một cô, tên …. tên gì bác quên mất, đeo ba mày như sam, còn ba mày thì trốn như dế nhủi. Ha ha!!! cô nàng nấu đủ thứ món ăn đem đến cho ba mày. Lúc đó, bác với ba mày và hai bác nữa mướn nhà ở chung. Ba mày không nhận vì sợ cô ta hiểu lầm. Nhưng mấy bác thay mặt ổng nhận hết. Cũng nhờ ba mày mà cả đám no nê. Bây giờ, nhớ lại thấy tội cô đó. Bác có hứa sẽ nói với ba mày giúp cô ta, nhưng chuyện tình cảm mà, trái tim không rung động thì dù có tẩm bổ bao nhiêu cá, bao nhiêu thịt nó cũng chai lì.

Bác Lịch tiếp lời với giọng nói có pha chút ngậm ngùi:

-Nhớ lại thời tuổi trẻ, lắm khi nông nổi, làm nhiều chuyện thiếu suy nghĩ, vô trách nhiệm.

Tôi mở to mắt, tò mò chờ đợi:

-Là chuyện gì hả bác?

-Chuyện cả đám cá hùa nhau chơi ba mày một mẻ. Mục đích là thử xem ổng có biết yêu hay không. Lần đó, mấy bác dụ ba mày uống rượu, chờ lúc ổng vừa xỉn gọi cô đó tới nhà, rồi cả đám bỏ đi để cô ta săn sóc ba mày. Có chuyện gì xảy ra hay không thì chỉ có hai người họ biết. Nhưng sau đó khoảng một tháng thì ba mày thuyên chuyển đi nơi khác. Tội nghiệp cô gái, tương tư đến nỗi thất điên, bát đảo rồi có lần đến nhà bác ăn vạ. Mới đầu thấy tội nghiệp, sau đó là cảm thấy bị phiền phức nên có lần bác nói đại, ba mày tử trận rồi và… cô ta đi không thấy trở lại.

Tôi nói mà giọng nghe như muốn khóc:

-Sao bác ác quá vậy? Lỡ cô ấy có gì thì sao?

-Bởi vậy bác mới nói… tuổi trẻ nông nổi, vô trách nhiệm.

Tôi trở về nhà với cảm giác hụt hẫng. Như vậy, chị Niệm thật sự là con của ba. Có lẽ, ba không bao giờ ngờ mình có đứa con này. Tôi không thể trách ba. Cũng như cô Kiều, cô không hề có một lời trách cứ người đàn ông đã đi qua đời cô. Nhưng cô đã tự đấm ngực xỉ vả mình, dám làm chuyện hư hỏng mà không dám nhận trách nhiệm, nên đã tìm đủ mọi cách để hủy bỏ một sinh linh đang tượng hình và kết quả việc làm dại dột đó là gì? Là cái bào thai vẫn tồn tại nhưng nó lớn dần trong bụng mẹ với hình hài không toàn vẹn. Khi nhìn đứa con vừa chào đời với cánh tay cụt và vành môi trên bị sứt mẻ, cô chỉ còn biết ôm mặt khóc. Để rồi sau đó, cô sống bằng những chuỗi ngày buồn thảm với nỗi hối hận ngập lòng vì những hậu quả do chính cô để lại trên hình hài của đứa con thân yêu.

Tôi không biết có nên nói với ba sự thật này không?

Có lẽ nên… Nhưng không phải ngay lúc này, cái lúc mà ba đang suy sụp nhất.

***

Phải chờ đến hai năm sau, nghĩa là khi mãn tang mẹ tôi mới đưa cho ba đọc tập nhật ký của tôi. Tấm ảnh của cô Kiều và chị Niệm rời khỏi tay ba rơi xuống đất. Hai tay ba ôm ngực, hơi thở mệt nhọc với khuôn mặt xanh mét. Tôi hoảng sợ, không ngừng lay ba:

-Ba! ba có sao không?

-Tôi… tôi có thể bất nhân như vậy sao?

Rồi ba quay sang tôi, giọng nói thiểu não như có pha nước mắt:

-Thật sự ba không hề hay biết … Con có tin ba không?

Tôi không thể lường được mức độ xúc động của ba mãnh liệt đến như vậy. Chỉ trong vài mươi phút ngắn ngủi mà trước mắt tôi ba như một người vừa trải qua cơn bệnh nặng. Đôi mắt thất thần, cả người ba như mềm nhũn, không còn chút sức lực. Quả thật, tôi cũng không ngờ việc làm của tôi đối với ba lại tàn nhẫn đến thế. Tại sao tôi không thể lặng lẽ giúp đỡ má con chị Niệm bằng cách gửi tiền cho họ ba tháng một lần như tôi đã từng làm bấy lâu nay -một cách đền bù những thiệt thòi mà người chị tội nghiệp của tôi phải hứng chịu. Sao tôi lại muốn ba phải ra mặt nhìn nhận chị Niệm? Có thể vì câu nói ngây ngô mà tôi nghĩ rằng là một khao khát rất tự nhiên của chị “Ba em đó. Em cũng có ba nữa đó”.

-Tại sao… tại sao hình hài nó lại ra nông nỗi này?

Tôi lắc đầu, mím môi ngăn tiếng khóc, không dám nói lên một sự thật đau lòng, chỉ còn biết đi vào phòng, lấy những tờ biên nhận gửi tiền cho ba xem, với hy vọng sẽ làm nhẹ đi nỗi ray rứt trong lòng ba.

-Con mong rằng với số tiền con gửi về, tuy ít oi, nhưng cũng giúp cho cuộc sống của cô Kiều và chị Niệm đỡ chật vật hơn. Ba đừng buồn, từ đây về sau con sẽ lo cho chị Niệm.

Ba chầm chậm gật đầu. Im lặng một lúc lâu, ba ngập ngừng hỏi:

-Cô… cô ấy có biết con là ai không?

-Dạ không, con chờ hỏi ý của ba xem sao… Ba có ý định gặp lại cô Kiều và chị Niệm không?

Ba bật khóc như một trẻ thơ:

-Ba không biết… Ba thật xấu hổ với đứa con gái đó… Ba đầy tội lỗi!!!

Tôi ôm chặt lấy ba, vừa lau nước mắt cho ba, vừa mếu máo:

-Không phải lỗi của ba. Cô Kiều nói với con như thế. Bác Lịch cũng có kể chuyện cho con nghe. Ba chỉ là vô tình, mà vô tình thì đâu có tội.

Ba thẫn thờ đứng lên, thất thểu đi vào phòng.

Và tối hôm đó ba đã qua đời đột ngột vì chứng bệnh tim.

Hơn ai hết, tôi biết chính tôi là người đã đâm một nhát dao oan nghiệt vào trái tim của ba. Chắc chắn nỗi hối hận đã dày vò ba trong giây phút đau đớn và đơn độc đó.

Trong nhà quàn, cũng như ba đã từng đứng bất động bên mẹ hai năm về trước, tôi quỳ sụp dưới quan tài của ba khóc thảm thiết với những tiếng gào thét trong lòng “ba ơi! là lỗi của con, lỗi của con.”

***

Có lẽ tôi sẽ phải sống những ngày tháng thật buồn thảm với bản án lương tâm đè nặng trong lòng, nếu không có bức thư của cô Kiều viết cho tôi “Cô vừa lợp lại mái nhà và mua được bộ nệm mới cho Niệm. Nó rất vui và muốn nói lời cám ơn cháu. Cô nghĩ mãi… không biết có phải cháu là người Chúa gửi đến giúp cho cô có thêm niềm tin và sức mạnh để đứng vững. Cô cảm thấy cuộc sống dường như có ý nghĩa hơn, vì nhận ra Chúa đã không bỏ cô như từ lâu cô đã thầm trách Chúa…”. Một lá thư khác đầy những dòng chữ nguệch ngoạc của chị Niệm được gửi theo. Chị viết lung tung, nhưng không đầu, không đuôi, khiến tôi không biết chị muốn diễn tả điều gì. Nhưng có một câu chị lại viết rành mạch “Tối qua em ngủ, em thấy ba. Ba ôm em, ba nói em cám ơn Lan đi… cám ơn Lan nhiều… “. Không biết chị Niệm nằm mơ thật, hay chỉ là những điều tưởng tượng như lúc trước chị thường nói với tôi nhưng rõ ràng là lòng tôi bỗng nhẹ hẫng. Bên kia thế giới chắc ba đang mỉm cười hài lòng vì những gì tôi đang làm cho người đàn bà bất hạnh cả một đời yêu ba trong tuyệt vọng và đứa con gái đáng thương mà ba chưa từng gặp mặt.

Tôi cũng tự dặn dò mình, đừng bao giờ nói cho cô Kiều biết sự thật. Bởi vì, trái tim cô sẽ thêm một lần tan nát, nếu biết được người đàn ông mình hết lòng yêu thương suốt hơn ba mươi năm vẫn còn sống và đã có một mái ấm gia đình thật hạnh phúc []

Ngân Bình

 Nghe đọc “Một Đời Tương Tư” -giọng đọc : Thy Lan

Phần 1

Phần 2

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search