T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 85)

clip_image001

Khi các cụ ta xưa… xổ nho

Thầy Mạnh? Cụ Mạnh sinh ra

Đù mẹ con hát, tổ cha thằng bày

Giai thoại làng văn

Cao Bá Quát tấn công không nương tay vào hoàng phái và bọn đầu cơ văn nghệ. Ông tấn công thẳng vào cả vua Tự Đức.

Có lần vua khoe thơ, nói là của thần tặng. Thơ chỉ có hai câu, rất lập dị, vừa Hán vừa Nôm. Cao Bá Quát ngứa tai liền bịa ra một bài 8 câu, đọc ngay ra giữa triều, trong cũng có 2 câu của vua.

Ông bảo bài đó ông thuộc từ hồi còn nhỏ. Ông đả kích cái lối cứ mượn thần mượn thánh, mượn chiêm bao mộng mị làm thơ khoe. Đó là thái độ vừa thiếu tự tin, vừa khoe khoang kiêu ngạo, lại vừa vong thân. Họ làm thơ cốt ở hình thức, tưởng tượng tháp ngà mà không sống thực. Nhất nhất mọi hình thái câu văn, đều có vẻ thần tiên, kỳ bí, sao cho giống với Đường thi. Cao Bá Quát bảo cứ gò gò bó bó, tô tô nắn nắn, chau chuốt xuông, không biết cải cách sáng tạo, thì dù có viết đẹp như mặt chữ Lan Đình, cũng chỉ đáng vất vào xọt rác mà thôi.

(Tường Vũ Anh Thy – Cao Bá Quát : Tim vẫn say…)

Chữ nghĩa làng văn III

Cầm thử bất cứ một cuốn đặc san nào đó xuất bản ở hải ngoại mà xem. Khỏi cần coi kỹ, chỉ cần đọc tựa của mấy bài viết không thôi là cũng đủ thấy ngậm ngùi, xót dạ và buồn rầu quá cỡ :

Quê xưa – chốn cũ, thầy xưa – trường cũ, chiến trường xưa – đồng đội cũ, người xưa – tình cũ, giòng sông xưa – con đò cũ, xóm làng xưa – bè bạn cũ…

Và đó mới chỉ là những nỗi buồn hạng nhẹ, chỉ tầm tầm cỡ thường dân – những kẻ mà tâm sự có thể giải bầy trong những bài thơ nhỏ, hoặc vài ba trang tùy bút. Những nhân vật quan trọng thì họ viết nguyên cả một cuốn hồi ký đàng hoàng.

Cuốn nào cũng đều mang nặng cả “trời tâm sự”. Ðôi khi, tâm sự của người này lại đụng chạm đến tâm sự của người kia – nên sinh ra tùm lum xung đột, hiềm khích, oán thù, tranh chấp …rất ồn ào và (thuờng khi) rất không cần thiết!

Ðó là chưa kể đến những bài khảo cứu công phu về “chuyện xưa tích cũ” cùng với những giòng thơ văn hoài cổ…đầy nhóc trong sách báo xuất bản ở hải ngoại. Một đám người thua cuộc, nhà tan cửa nát, hớt ha hớt hải bỏ của chạy lấy người – thoát thân, rồi nằm buồn rầu thoi thóp ở một góc trời xa lạ – và cứ ngoái trông về cố lý mà thương nhớ mãi bến nước xưa, cây cầu cũ, hay cứ tiếc nuối hoài những ngày tháng an bình (hoặc vàng son) đã mất thì (tưởng) cũng là chuyện bình thường thôi chớ? Có gì lạ đâu mà kiếm chuyện (cà khịa) nẫy giờ vậy, cha nội?

Ý Trời, đừng nói vậy chớ! Như vậy là gieo tiếng ác và mang tội chết (mẹ) à nha. Tui thiệt tình không (bao giờ) dám kiếm chuyện đâm hơi hay châm chọc gì ai. Nói tình ngay, chả qua vì sợ dĩ vãng của chúng ta quá nặng nề khiến mọi người hoá lề mề (khi xoay trở với hiện tại) và ái ngại khi nghĩ đến tương lai nên tôi thấy có hơi kỳ (và “bàn ra”) chút đỉnh – vậy thôi.

(Tưởng Năng Tiến – Mùa xuân (chợt) nhớ chuyện mai sau)

Tục ngữ Ta và Tầu

Con sâu làm rầu nồi canh

(Nhất cá loa sư giác hoại nhất oa thang)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Chữ nghĩa giải phóng với

Lê Xuyên, Dương Nghiễm Mậu

Thời gian gần đây, Công ty văn hoá Phương Nam và Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM cho in lại 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu, và truyện dài Nguyệt Đồng Xoài của Lê Xuyên.
Có dư luận trong nước, sớm nhất là một cô giáo tên Lê Ánh Ðào, đã phản đối nhà xuất bản và Công ty Phương Nam. Cô giáo này cho rằng: “Ðọc sách Dương Nghiễm Mậu – Thú vật hóa con người và lưu manh hóa hình tượng văn học“. Trình độ đọc sách của “giới giáo chức” trong nước thì tôi (Trần Nghi Hoàng) đã có biết qua! Thậm chí có giáo viên cho cái tên Nhất Linh có liên quan tới “cải lương” chi đó!
Nhưng đáng kể là, tôi lại cũng tình cờ đọc được bài viết “Đâu là tiêu chí của người xuất bản” của Vũ Hạnh, một nhà văn có chút tên tuổi xưa ở miền Nam, “đấu tố” nhà xuất bản và Công ty Phương Nam và hai tác giả Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên.
Tôi dùng chữ “đấu tố”, vì ngôn từ và cung cách viết bài này của Vũ Hạnh sặc mùi “đấu tranh giai cấp” và loảng xoảng sắt máu hận thù, không thua sút chút nào với những bài của các “văn công” đã “đấu tố” nhóm Nhân văn-Giai phẩm hơn năm mươi năm về trước. Nào là “tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng dân tộc…”, nào là “sách của Dương Nghiễm Mậu nổi bật là tính phản động thì sách của Lê Xuyên là tính đồi trụy…” Và Vũ Hạnh… ngậm ngùi thêm: “… và các tác giả – Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên – sống lại ở thành phố này vẫn được đối xử bình đẳng, không hề gặp bất cứ sự quấy phiền nào.”
Chúng tôi, những văn nghệ sĩ lưu vong đều biết rất rõ những văn nghệ sĩ miền Nam còn ở lại sau tháng Tư 1975 “vẫn” được đối xử bình đẳng và… “vẫn” không bị “sự quấy phiền” như thế nào… Thậm chí, Dương Nghiễm Mậu “sung sướng” quá phải bỏ viết, đi học nghề làm tranh sơn mài… Và Lê Xuyên thì “rất an vui” ngày ngày ngồi bán thuốc lá lẻ, quần áo vá chằng đụp sống ngậm tăm trên hè phố!

(Trần Nghi Hoàng – Vũ Hạnh: Con đường thứ ba)

Chữ và nghĩa: Thủ Đức

Thủ xưa kia là chức vụ của quan văn như thủ bạ, thủ hộ lo việc thuế má và nhơn thế bộ.

Do đó một số địa danh được gọi để nhớ đến chức phận và tên những ông thủ bạ, thủ hộ này.

Như Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thử Thừa, Thủ Ngữ, ..v..v..

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Vật lộn với chữ nghĩa I

– Tôi điên rồi, vì tôi không rõ tôi là ai?
– Anh có thể nói rõ hơn không ?
– Vợ tôi trước khi lấy tôi có một đứa con gái riêng ở VN. Bây giờ cô bé là một thiếu nữ. Mới đây, bố tôi về bển cưới cô này.
– Chuyện bình thường thôi.
– Nhưng kẹt một cái là vợ tôi trở thành mẹ vợ của bố tôi.
– Bình thường mà. Vì cô bé và bố anh không cùng một huyết thống.
– Nhưng tôi thì trở thành….cha vợ của bố tôi
– Thế này thì không bình thường đây!
– Nhưng mới đây con gái của vợ tôi sinh một đứa con trai. Thằng đó tôi phải xem là em cùng cha khác mẹ với tôi .
– Ummm ..đúng! Không thể gọi khác được.
– Nhưng đồng thời tôi và vợ tôi là ông bà ngoại của nó.
– Ơ… ơ… quả không sai !
– Mới đây vợ tôi sinh đuợc một đứa con trai. Vậy là đứa con gái riêng của vợ tôi là con ghẻ của tôi, tức là mẹ kế tôi, đồng thời là chị của đứa con tôi, vừa lại là bà nội của nó.  Nói cách khác: con tôiem tôi và cũng là cậu tôi vì là em của mẹ kế tôi.
– Ơ… ơ…..ơ….! Phải gọi thế thôi.
– Như vậy vợ tôi trở thành con dâu của mẹ kế tôi, tức là con gái của vợ tôi trở thành dì ghẻ của mẹ nó. Còn đứa con tôi là cháu tôi, và là….ông nội của tôi và cũng là anh của vợ tôi!

Vậy tôi là ai? Tôi điên rồi ….
– Thôi, anh đừng kể nữa, tôi cũng điên rồi.

Cù mộc, cày hòe

Truyện Kiều có câu “Thừa gia chẳng nết nàng Vân – Một cây cù mộc, một sân quế hòe”.

– Cù mộc thì là cây si, thuộc loại cây to, tàn rậm, lá nhỏ, nhánh có nhiều rễ mọc lòng thòng xuống tới đất.

– Cây hoè tàn rậm to, ngọn tròn vỏ đen nâu sần sùi. Lá nhỏ như lá me, mọc đối nhau, trái cũng giống như trái me nhưng nhỏ và dẹp. Hoa vàng tươi nhỏ cở 1 cm, nở vào tháng tám dày đặc trên cành, mùi thơm nồng đượm ngọt ngào.

(Võ Kỳ Điền – Thảo mộc trong cổ văn Việt Nam)

Ngồi buồn gãi gối…?

Những tác giả dưới đây không biết thuộc giới tính nào:

Nguyễn Nhật Ánh – Lưu Na – Sương Nguyệt Minh – T.Vấn.

Giờ và khắc

Xưa kia ta dùng đồng hồ nước của Tàu. Nguồn gốc cái đồng hồ này được Lê Quý Đôn trong Vân Đài loại ngữ kể như sau :

” Cái đồng hồ gồm có 3 từng, tròn và đều có bề kính 1 thước đặt trên cái thùng hứng nước có góc vuông, có cái vòi rồng phun nước vào cái thùng hứng nước, nước chảy xuống dưới một cái cừ đặt ngang, trên nắp có đặt một hình người đầy đủ áo mão đúc bằng vàng gọi quan Tư Thì (coi về giờ khắc), hai tay cầm một cây tên. Đó là phép lậu khắc của Ân Quỳ.

Lấy đồng làm một cái ống hút nước (khát ô, con quạ khát nước) hình trạng giống như một cái móc uốn cong dẫn nước chứa đựng cho chảy vào một cái vòi rồng bằng bạc, phun vào cái đồ tưới (quán khí), nước rỉ chảy xuống 1 thang cân nặng 2 cân thì trải qua một khắc. Đó là phép lậu khắc của Lý Lan “.

Cái đồng hồ nước Lê Quý Đôn miêu tả chữ Hán gọi là khắc lậu.

Lậu nghĩa là nước rỉ ra, khắc là vệt khắc trên cái que.

Nước từ bình trên rỉ thành giọt rơi xuống bình dưới. Dùng một cái que có khắc vạch để đo mực nước và theo đó mà tính giờ. Một ngày được chia thành 12 giờ (tí, sửu…tuất, hợi). Giờ được chia thành khắc (một khắc gần bằng 15 phút của đồng hồ ngày nay). Đêm được chia thành 5 canh (canh một, canh hai…). Làng xã ngày xưa tổ chức việc canh gác, đổi phiên theo canh.

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Cải tạo

Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải nghĩa rất đơn giản:

Cải tạo: Đem cái cũ đổi lại làm mới.

Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý dài dòng hơn:

Cải tạo: Làm cho thay đổi một cách căn bản, cho tốt hẳn lên Ví dụ: Cải tạo cơ sở vật chất. Cải tạo nền sản xuất.

Tự điển Tiếng Việt tái bản có nhiều chữ mới:

Cải tạo: Biến đổi Ngụy quân, Ngụy quyền từ thành phần ăn bám xã hội, có nợ máu nhân dân trở thành con người mới, công dân tốt, hữu ích cho Xã hội chủ nghĩa.

(Trần Thanh Ty – báo Sài Gòn Nhỏ)

Câu đối

Câu đối của vua Lê Thánh Tông ban cho làng Cổ Nhuế:

Khoác tấm áo bào, giang tay gáng vác việc thiên hạ

Vung ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian

Nguyên văn chữ Hán:

Thân trụ nhất nhung y, năng đảm thế gian đa năng sự

Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ trí nhân tâm

(Phụ chú: Hiểu là làng Cổ Nhuế, tên nôm là làng Kẻ Noi với nghề hót phân để làm phân bón đã có từ thời vua Lê Thánh Tông)

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search