T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 191)

clip_image002

Chữ nghĩa làng văn

Theo tôi, để văn chương hàm súc và ý vị, nhà văn phải viết trong giả thiết là người đọc của mình là những người cực kỳ thông minh và uyên bác: hắn không cần phải viết những gì, thứ nhất, độc giả có thể đã biết rồi; thứ hai, độc giả có thể chưa biết nhưng có thể tìm hiểu ở những nguồn tài liệu khác.

(Nhà văn…không là ai – Nguyễn Hưng Quốc)

Khâm Thiên

Ở Hà Nội còn một đường phố manh tên Khâm Thiên, sau có một thời là nơi chốn hát ả đào, cô đầu mà Tản Đà, Trần Tế Xương, v…v… thường lui tới để vào văn học sử.

Thế nhưng dưới thời Hậu Lê, đó là địa điểm để cơ quan Khâm Thiên Giám làm việc, tức đài thiên văn để các quan văn xem…thiên văn cho nhà nông cầy cấy.

(Tiến tình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)

Chữ nghĩa làng văn

Với những người đọc thông minh và uyên bác ấy, hắn phải viết những điều thông minh và uyên bác tương xứng, nghĩa là, ít nhất phải thông minh và uyên bác hơn chính bản thân hắn.

Lâu nay, trong những cách nghĩ thông thường, chúng ta có khuynh hướng xem tác phẩm chỉ là một phần của tác giả: Nếu tác phẩm ấy có điều gì thông minh và uyên bác thì đó chỉ là một phần trong sự thông minh và uyên bác của tác giả.

(Nhà văn…không là ai – Nguyễn Hưng Quốc)

Chữ và nghĩa

Kiều dân, kiều bào – Chữ kiều có nghĩa là đi ở xứ khác, nơi không phải nước mình. Kiều dân là dân nước này đang ở nước khác. Kiều bào cũng có nghĩa tương tự, nhưng người Việt Nam thì gọi các người Việt khác là kiều bào vì là đồng bào, cùng một bọc với nhau; còn khi gọi các người Pháp, người Hoa cũng ở nhờ thì gọi họ là kiều dân, không dùng chữ bào nữa.

Các từ này được dùng từ khi chúng ta không phân biệt chủng tộc và quốc tịch. Ngày nay, có sự phân biệt vì mỗi quốc gia có thể gồm nhiều chủng tộc khác nhau. Cho nên, nên gọi những người quốc tịch nước này sang ở nước khác là kiều dân, khi họ nhập tịch rồi thì không nên gọi bằng tên đó mà dùng chữ “người Mỹ gốc …” Tuy nhiên theo lối thông thường tất cả mọi người cùng gốc từ một quốc gia mà sống ở nước khác có thể gọi chung là kiều bào.

Cho nên chữ Việt kiều có thể dùng để chỉ chung tất cả mọi người Việt Nam sống ngoài nước Việt Nam, dù họ đã đổi sang quốc tịch mới hay chưa. Chữ Hoa kiều chỉ chung tất cả những người Trung Hoa ở nước ngoài. Ngày nay các chữ “Người Việt hải ngoại” hay “Hoa kiều hải ngoại” thông dụng hơn.
(Nguồn: Ngô Nhân Dụng)

Chữ nghĩa làng văn

Sự thật ngược lại. Những tác phẩm thành công nhất của một tác giả bao giờ cũng thông minh hơn, uyên bác hơn, do đó, giàu có hơn và cũng cao hơn hẳn tác giả ấy. Những tác phẩm ấy trở thành một thách thức đối với chính cái kẻ đã tạo ra chúng.

Đối diện với thách thức ấy, nhiều người đã đầu hàng:

Họ buông bút, không viết nữa.

(Nhà văn…không là ai – Nguyễn Hưng Quốc)

 Chữ và nghĩa

Đêm qua để cửa chờ chồng
Đêm nay để cửa chờ ông láng giềng.

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

 Đắp mộ

Theo phong tục, sau ba ngày an táng là làm lễ mở cửa mả.

Trong buổi đó, sửa sang mộ cao ráo, đắp cỏ xung quanh làm rãnh thoát nước, chặt bỏ cây bụi chung quanh để phòng rễ mọc lan, xuyên vào mộ, chọc thủng áo quan. Kể từ ngày đó, con cháu đến viếng thăm, thắp hương chỉ lấy đất chung quanh đắp bổ sung vào những chỗ đất bị sụt lở, không được trèo lên mộ, không được động thuổng, cuốc vào.

Xét ra tục kiêng ấy rất hợp lý: Trong ba năm đó áo quan và thi thể đang trong thời kỳ tan rữa, đã xảy ra những trường hợp do không biết để phòng mà mồ mả bị sập. Sập mả, động mả mặc dù là hiện tượng tự nhiên cũng gây cho tang gia nhiều điều lo lắng.

Chữ và nghĩa (1)

 Mừng ông dâng rượu ngon một bát
Thế cũng là đàn hát lọ chi

(Nguyễn Khuyến)

Bát có rất sớm. Tàu và ta đều có bát. Tên bát có nguồn gốc từ tiếng Phạn bát đa la nghĩa là cái bát ăn của nhà sư (Thiều Chửu).

Bát cơm xơ nhờ ơn xã tắc
Gian lều có đội đức Đường Ngu

(Nguyễn Trãi)

Một bầu, một bát, vững sơn tăng,
Thế sự ngoài tai, biếng nói năng

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Ta dùng bát để ăn cơm. Bát lớn dùng đựng canh.

(Nâng chén, cụng ly, chạm cốc và đụng lon – Nguyễn Dư)

Phở Hà Nội (19)

 Nhưng có một nơi phở rất ngon mà không có ai nghĩ đến và biết đến: ấy là gánh phở trong Nhà Thương. Trong Nhà Thương vốn có một bà bán các thứ quà bánh ở một gian hàng dựng dưới bóng cây. Cái quyền bán hàng đó là quyền riêng của nhà bà, có từ khi Nhà Thương mới lập. Bà là người ngoan đạo nên tuy ở địa vị đặc biệt đó, bà cũng không bắt bí mọi người và ăn lãi quá đáng. Thức gì bán cũng ngon lành, giá cả phải chăng. Nhưng gánh phở của bà thì tuyệt: bát phở đầy đặn và tươm tất, do hai con gái bà làm, trông thực muốn ăn. Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm, lại điểm thêm một chút cà cuống thoảng nhẹ như một nghi ngờ. Mà nhân tâm tùy thích, nhà hàng khéo chiều: ai muốn ăn mỡ gầu, có, muốn ăn nạc, có, muốn ăn nửa mỡ nửa nạc, cũng có sẵn sàng.

Cứ mỗi buổi sáng, từ sáu giờ cho đến bảy giờ, chỉ trong quảng ấy thôi, vì ngoài giờ là gánh phở hết, chung quanh nồi nuớc phở, ta thấy tụm năm tụm ba, các bệnh nhân đàn ông và đàn bà, các bác gác san, các thầy y tá, và cả đến các học sinh trường thuốc nữa. Chừng ấy người đều hợp lòng trong sự thưởng thức món quà ngon, nâng cách ăn phở lên đến một nghệ thuật (…)

(Quà Hà Nội – Thạch Lam)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Tu tựu đào nguyên

Một ông quản ca xây nhà mới. Ngoài cổng không biết đề thế nào cho hay, ông đến xin chữ nhà nho Đông-giang. Cụ cho ngay: Tu tựu đào nguyên. Rút trong câu thơ Thiên Thai:
Bất tri thử địa quy hà xứ
Tu tựu đào nguyên vấn chủ nhân
(Nơi đây chẳng biết về đâu tá?
Hãy tới Đào nguyên hỏi chủ nhân)

Ông chủ nguồn đào, là chủ nhà hát ả đào ngõ Yên Thái, là ông quản ca, chứ còn ai vào đây nữa mà có thể biết rạch ròi hơn về xóm chị em ta!
(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

Văn học Nam Hà (1)

Văn học miền đất từ Thuận Hóa đến Hà Tiên thời gian từ khi Nguyễn Hoàng thật sự rời đất Bắc năm 1600) đến lúc Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802. Lúc đó vùng đất thuộc chúa Nguyễn được gọi bằng danh từ “Xứ Đàng Trong” hoặc “Nam Hà”; trong khoảng thời gian có xuất hiện nhà Tây Sơn, ta còn thấy nhắc đến tiếng “Quảng Nam quốc” .

Nếu như đặc trưng văn học Nam hà với Đoàn Thị Điểm, Lê Hữu Trác, Hồ Xuân Hương, Ôn Như Hầu…thi lịch sử tạo dựng miền Nam có thể tóm lược bằng những niên đại sau:

– Năm 1611 Nguyễn Hoàng lấy một phần đất Chiêm Thành lập ra phủ Phú Yên.

– Năm 1653 Nguyễn Phúc Tần lấy thêm một phần đất nữa mở ra phủ Diên Khánh.

– Năm 1697 Nguyễn Phúc Chu mở thêm Phủ Bình Thuận, Phan Rang, Phan Rí.

Từ đây nước Chiêm Thành mất hẳn trên bản đồ thế giới.

(Nguyễn Văn Sâm – Văn học xứ Đàng trong)

Chữ nghĩa làng văn

Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc?

Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?

(Nguyễn Công Trứ)

Nghĩa là:

Biết đủ tự cho là đủ, chờ đủ biết bao giờ mới đủ?

Biết nhàn tự cho là nhàn, đợi nhàn biết bao giờ mới nhàn?

Phải chăng hai câu trên của Nguyễn Trãi

Biết đủ dù không chi cũng đủ,

Nên lui đã có dịp thời lui.

(Ưng Trình Nguyễn Trãi)

(Mùa xuân với những quả dưa dân tộc – Thái Văn Kiểm)

 Bốn ngàn năm văn hiến (I)

Vấn đề dân tộc Việt Nam có “bốn ngàn năm văn hiến” như các nhà văn hóa hiện nay đã tuyên bố khiến cho trong giới thanh niên trí thức thắc mắc và nghi ngờ, không biết hai chữ “văn hiến” có ý nghĩa gì, và căn cứ vào đâu để nói với cả một tin tưởng.

Nguyễn Trãi, khi giúp Lê Thái Tổ đánh đuổi quân Minh, xây dựng nền độc lập, tự trị của nước nhà cũng chỉ tuyên cáo với quốc dân:

“Dụng ngã Việt chí quốc,
Thực vi văn hiến chi bang.
Sơn xuyên chi phong vực ký thù,
Nam Bắc chi phong tục diệc dị.
Việt, Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc
Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương.”

Nghĩa là:

“Thử xét nước nhà Đại việt.
Vốn thật một nước văn hiến.
Núi sông khu vực đã khác biệt,
Phong tục phương Bắc, phương Nam không giống.
Từ Triệu, Đinh, Lý Trần dựng nên nước ta,
Với Hán, Đường, Tống, Nguyên ai nấy làm chúa một phương.”

(Bình Ngô Đại Cáo)

Đấy là Nguyễn Trãi, muốn cổ võ cho tinh thần quốc gia dân tộc mà cũng chỉ dám kể từ nhà Triệu, tự xưng là Nam Việt vương đóng đô ở Phiên ngung ngày nay là Quảng châu tỉnh Quảng đông vào năm 237 trước T.C.

Tính đến ngày nay 1973 thì mới được 1980 năm.

Như vậy thì lấy đâu ra 4.000 năm văn hiến? Nói đến Văn hiến là ngụ ý có văn chương bút ký và ngưới hiền tài, có công trình xây dựng cho nước. Nói “Bốn ngàn năm văn hiến” của Vịệt nam chẳng hoá ra ngoa ngôn cuồng tín hay sao?

(Nguyễn Đăng Thục – Bốn ngàn năm văn hiến)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nam tròm trèm ăn vụng, Bắc len lén ăn vèn

Nam toe toét “hổng chịu đèn”, Bắc vặn mình “em chả”

Bắc giấm chua “cái ả”, Nam bặm trợn “con kia”

Nam chửi “tên cà chua”, Bắc rủa “đồ phải gió”

Rượu ngoại…ngoại truyện (3)

Toast

Toast bắt nguồn từ phong tục cổ truyền từ thế kỷ 16. Thời ấy người Anh mỗi khi uống rượu thường bẻ một miếng bánh mì nướng (toast) bỏ vào ly rượu cho thêm hương vị.

Ngày nay “Toast” nghĩa là…dô 100%.

(Nguồn: Mường Giang)

Nhiêu

Nhiêu: người được miễn tạp dịch, sưu thuế

(lão nhiêu, anh nhiêu)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Rượu trong văn học (10)

Có thể nói tình bạn của người xưa đậm nồng trong chung trà chén rượu, nên Ưu Thiên Bùi Kỷ cũng chẳng khác gì Nguyễn Khuyến khi nhớ đến người bạn đã qui tiên:
“Ta cùng bác quen nhau đã lâu,
“Khi thơ lưng túi, rượu lưng bầu.
“Trời đất yêu ta, ta ở lại,
“Non sông nhớ bác, bác đi đâu?

(Viếng bạn)

(Khuyết danh – Tết nói chuyện rượu)

Văn hóa ẩm thực (3)

Viết mà để tấm tắc, ca ngợi, tiên phong hình như là Tản Đà:

“(…) Hà tươi cửa biển Tu-ran
Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà
(…)
Nay về Bất Bạt quê nhà
Sông to cá lớn lại là thứ ngon…”

(Thú Ăn Chơi)

(Người Việt viết về ăn – Thu Tứ)

Nắng

Đành rằng ngôn ngữ cũng là một thứ sử liệu nhưng ta không thể có tham vọng biết lịch sử với độc một nguồn ngôn ngữ.

Thí dụ, ở bài trước, chúng tôi có nói người Trung Hoa không có tiếng “Nắng”  theo cái nghĩa Nắng của ta. Họ nói Phơi. Nhưng rồi sau đó, họ vẫn có tiếng Thử. Nhưng đó là sáng tạo về sau mà họ đã quen miệng với tiếng Phơi, tiếng Thử chỉ để viết chứ không nói.

Như vậy, kết luận rằng từ thuở sơ khai, trên lãnh phổ Trung Hoa chánh gốc (Thiểm Tây, Hà Nam) trời không có nắng là sai. Thuở ban đầu, họ không có tiếng Nắng, không hiểu vì lẽ gì, còn phải tìm ở các nguồn khác nữa, chớ ngôn ngôn ngữ không phải là một chứng tích đủ sức nặng một cách tuyệt đối.

Nhưng nếu chứng tích ngôn ngữ được đối chiếu với một vài chứng tích khác thì có hy vọng tìm ra phần nào sự thật trong cõi u minh của thời gian, những chứng tích khác ấy, riêng lấy nó cũng không đủ để chứng minh một cách đích xác sự kiện nào thì ngôn ngữ, trong trường hợp đó, là một sử liệu tốt để bổ túc vậy.

(Bình Nguyên lộc – Dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt Nam)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search