T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tạp bút về cái số

 

20

Ảnh Lưu Na

 

Bươn chải liêu xiêu trong cuộc sống hàng ngày, con người ta đôi khi phải sống trong một cảnh giới khác. Người viết chẳng tránh khỏi cái thói thường tình ấy. Gặp cái số người ta tuổi dậu tuổi mùi, còn tôi lận đận một đời tuổi thân với nặng duyên nặng kiếp và một ngày, người viết gặp…”người”. Rõ ra là người tình sương khói…khói lam cuộc tình đến và đi như mây chiều gió sớm. Rồi tình bỏ ta đi và trở lại gắn bó không rời với người viết cả một khoảng thời gian dài. Dài lắm. Trên dưới năm mươi năm chứ không phải là ít. Như những khúc quanh không thể thiếu trong suốt con đường tình ta đi, bởi người viết bon chen nghĩ rằng mỗi người có một cái số, số ăn mày bị gậy phải mang như người viết, như…bạn đọc. Với trần ai khoai củ là một ngày gặp vấp phải hòn đá bên đường để mảnh đời rẽ qua một khúc quanh khác.

Chuối sau cau trước với chuyện của người viết bằng vào những ngày còn nhỏ qua mùa sấu rụng, tiếng ve sầu mới bắt đầu rỉ rả,..dẫn dắt người viết lạc vào Văn Miếu để láo ngáo với bia đá khắc tên tiền nhân của một thời lều chõng. Rồi lững thững về nhà, đúng giờ đúng giấc như cái đồng hồ. Ý đồ người viết muốn hòm hõm rằng: Ngay từ thưở nhô tì đã tinh như ma với giờ giấc để trốn học. Và cái số nó đến, bởi giầy dép còn có số nữa là…

Là người tình đầu đời đến và đi với người viết không ai ngoài…ông thầy bói.

***

Người viết đã gặp người…Một ngày không nắng cũng chẳng mưa với gió hiu hiu lạnh…

Như định mạng đã an bài, số là hôm ấy đeo xe điện từ chợ Đồng Xuân hướng về phố Huế. Khi không tôi nhẩy xuống xe, đi co cỏm như cò gặp mưa qua tháp bút cạnh hồ Hoàn Kiếm. Thiên cổ chi mê tôi gặp người muôn năm cũ ngay đấy, người an nhiên tự tại trên cái chiếu cói bé con con, gác dưới gốc cây me là cây gậy. Ông ngước mắt lên gọi tôi lại. Cho đến bây giờ ngồi viết bài tạp bút này, tôi vẫn còn hình dung được sau cặp kính đen, ông nhìn thiên cổ chi mê tôi bằng nửa con mắt rùa, tay sờ cái tráp đã tróc sơn, ông sờ như xẩm tìm gậy và búi bấn:

– Cậu trốn học, ngồi xuống đây tôi xem cho một quẻ.

Những năm tháng sau hoài cố nhân về ông thầy bói ấy, tôi vẫn tự hỏi cớ sự gì ông biết tôi trốn học, và đang lang thang như thành hoàng làng khó. Vì ông mù…trông thấy. Lại nữa, là học trò túi rỗng tuyếch, ông bòn véo gì ở cái thằng oắt tì. Nghĩ không ra là ở chỗ ấy. Lúc ấy, tôi ngồi chồm hổm dòm dỏ hai cái đĩa. Một cái có cái chân gà khô queo quắt nằm trên mấy tờ giấy tiền âm phủ, một cái có hai đồng trinh. Tôi đang mải mê lõ mắt nhìn ông sì sụp gieo quẻ, tay này sờ soạng hai đồng trinh, tay kia sờ mó cái chân gà thì ông ngẩng đầu lên và gà gưỡng…

– Cậu thông minh nhưng lười.

Sau đó ông nói gì không nhớ, chỉ nhớ ông xoi xói như thầy bói múc canh…

– Sau này nếu cậu theo ngành võ thì như Tả quân Lê Văn Duyệt. Theo ngành văn thì có liên quan đến điền trạch, điền thổ.

Thiên cổ chi mê tôi hóng nghe chả hiểu khỉ mốc gì. Vì mới bằng tuổi ấy chữ nhất bẻ đôi không biết đào đâu ra chữ để hiểu ba mớ điền trạch với điền thổ. Thế nhưng sau này tôi mới chịu thầy. Đang học vẽ nhà cửa, xây lăng mộ, đụng ngay mùa hè đỏ lửa năm 72 bị gọi đi lính. Thiên cổ chi mê tôi lại bổ nhào xuống Chợ Lớn…xem bói nữa. Lần này là bà xẩm Tàu, cũng hai đồng trinh cũ kêu leng keng như tiếng chuông xe điện những ngày tháng cũ…Bấy giờ thiên cổ chi mê tôi mới loay hoay làm quen với bói dịch, nạp giáp, gieo quẻ luận cát, hung, thành, bại với cùng tắc biến biến tắc thông. Và ngộ ra một nhẽ, thâm hậu không phải là tử vi mà là mai hoa dịch, kinh dịch. Bà xẩm Tàu lại sờ mó hai đồng trinh như xẩm sờ voi và dậy rằng thế nào cũng được…ngồi văn phòng. Thế là tôi được…”bổ” làm cho chương trình người cầy có ruộng, chắc như bắp luộc có “liên hệ” đến điền trạch, điền thổ chứ còn ai trồng khoai đất này.

Ra trường đeo hai cái quai chảo trên cổ áo, lúc này mặc quần áo dân sự ngồi đây nhìn xéo qua lăng Lê Văn Duyệt, trong cái tâm thái gái lỡ thì gặp quan tri goá vợ, thiên cổ chi mê tôi chả bao giờ nghĩ mình đồng bóng, nhập hồn nhập vía hoá thân là Tả tướng quân thích hát bội, lại…ái nam ái nữ. Thế nên ăn cơm mắm ngắm về sau, tôi chả mấy tin những gi ông thầy bói bên hồ Hoàn Kiếm nói cho lắm. Nhưng rồi mỗi năm hoa đào nở, lang thang đến lăng Lê Văn Duyệt, qua khói hương nghi nghút, thiên cổ chi mê tôi lại tìm lại hình bóng ông thầy bói mù qua ông đồ già với những ngậm ngùi cùng u hoài xa vắng…những người xưa năm cũ, hồn ở đâu bây giờ. Ngày ấy ông kheo khảy thêm mà tôi tin như thật vì ai biết quan mót đái mà hạ võng:

– Cậu có giác quan thứ sáu, nếu theo nghề bói toán thì cũng hay…

Hơ! Hay đâu chưa thấy, nói cho ngay ông rõ ra đồng bái quê mùa, chữ nghĩa bòn vót đâu ra với giác quan thứ sáu. Bởi khi học trung học tôi mới lân là làm quen với nó là trực giác, là tri giác thấu thị, hay tri giác ngoại cảm qua tướng số.

Ấy mà…hay thật, nhưng phải đợi khươm mươi niên sau 54, la cà ở qúan cà phê không bảng hiệu của một ông phán già về hưu, trong con ngõ đường Nguyễn Thiện Thuật. Cụ chủ quán tên Phong là bạn đồng hao đồng niêu với thằng bạn đời thiên cổ chi mê tôi. Cụ đây cũng khác người, khách tới nhằm lúc cụ đang bình cờ, dàn quân gài thế thì khách mặc khách. Cụ cứ tàng tàng tiến quân xe, lùi quân pháo cho đến lúc tàn cuộc binh đao mới thủng thẳng làm cho…”cái nồi ngồi trên cái cốc”. Gặp lúc cụ bị chiếu bí hoặc cờ đang dở cuộc không còn nước khách cứ ngồi đó đợi dài người. Một hôm, quán vắng, hai đứa ngồi bên này, cụ ngồi bên kia cái bàn thường dùng để đánh cờ…Bất chợt, cụ nói vọng qua để hỏi thiên cổ chi mê tôi:

– Anh muốn học tướng số không.

Thiên cổ chi mê tôi nhập môn từ dạo ấy, cụ cứ thong thả nói tôi cứ thủng thẳng nghe với…người thanh tiếng nói cũng thanh, chuông kêu sẽ đánh, bên thành cũng kêu. Thế nhưng chả hẳn lúc nào cũng chắc như đinh đóng cột với làm nhà hướng nam, lấy vợ đàn bà mà là chuyện thằng bạn nối khố như bóng với hình. Dạo đó tôi cũng đã có ý nghĩ căn duyên gì cụ không…dậy dỗ thằng này mà lại nhè…chỉ bảo cho thiên cổ chi mê tôi. Vì gia dĩ ông cụ nó là bạn đồng liêu, bạn “bắn khỉ” mãi tận Hà Nội của cụ kia mà. Hay là vì thiên cổ chi mê tôi có giác quan thứ sáu…Và chuyện là ăn mày chữ nghĩa cụ bấy lâu, thiên cổ chi mê tôi đều nhỏ to cho nó nghe, khổ nỗi nói xong thiên cổ chi mê tôi quên ngay, chữ thầy trả thầy, nó thì góp nhặt sỏi đá nên nhớ mòng mòng. Mây bay đi, ngày trôi qua, hết trung học gia đình nó dọn nhà về tỉnh nhỏ vắng gió điu hiu. Một ngày nắng hạ, thiên cổ chi mê tôi đi thăm nó ở Bà Rịa, Vì ngoắt ngoéo đến ngành học…điền trạch với điền thổ nên thiên cổ chi mê tôi quơ cào được dăm mớ địa ly để dằn túi phòng thân. Thảng như đất đai, mồ mả với cụ Tả Ao hoặc đền miếu, sấm ký với cụ Trạng Trình. Đủng đoảng thế nào chả biết nữa vừa dòm thấy cái đòn dông bên kia đường đâm thẳng vào cửa nhà nó. Thế là tôi quại bừa rằng chủ nhà thế nào cũng có ngày ra đồng ngủ với dế giun để hù nó hãi vậy thôi. Nó ậm ừ là chủ nhà cũ vừa treo cổ tự tử chết queo nên nhà nó mới có đất cắm dùi. Không ngờ mấy năm tiếp đến, cái đòn dông lại khiêng nó và bà cụ nó ra nghĩa trang tỉnh nhỏ buồn như trấu cắn. Nhưng ấy là chuyện hậu sự nằm ở khúc sau.

Bạn đọc mắt như mắt rắn ráo rằng gì mà tha ma mộ địa với cụ Trạng. Ý đồ thiên cổ chi mê tôi viết văn bài thì cũng bài bản với có tích mới dịch lên tuồng về bói toán. Thì cũng nên mò mẫm vào sử thi với có trước có sau qua tích dưới đây…

Năm Minh Mạng (1791-1840) năm thứ 14, cụ Nguyễn Công Trứ được vua điều đi khẩn hoang ở vùng Hải Dương, Nguyễn Công Trứ thấy địa thế cần phải đào con sông. Đào sông thì phải phá đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông ra lệnh cho dân phu phá đền để khai đất khẩn hoang. Khi sai người đào mang bát hương ra, Nguyễn Công Trứ thấy dưới bát hương có một tấm bia đá nhỏ. Nguyễn Công Trứ lau sạch đọc được các câu đã ghi:

       Minh Mạng thập tứ

       Thằng Trứ phá đền

       Phá đền phải làm đền

       Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay

Hậu sự là ngay đây, tôi muốn kể lể lúc về hai thằng đứng đợi xe đò từ Vũng Tầu ở quán sinh tố bên đường. Xe đậu, nó lên trước, tôi nhấp nhổm phía sau. Bất chợt nó quay xuống nói không đi nữa. Bèn hỏi lý sự gì! Nó diễn giải vì mặt ông tài xế có tướng bất đắc kỳ tử, Tôi nhìn lên thì đúng như cụ chủ quán cà phê mấy năm trước chỉ báo thật, vì mặt ông ta xám xanh ngập ám khí như một xác chết. Đi lỡ dở, ở lại cũng không xong vì đợi chuyến xe sau phải mất hai, ba tiếng đồng hồ. Trời nắng chang chang, rốt cuộc hai thằng cũng đành phải ngồi lại. Chuyến xe sau ra khỏi Bà Riạ khoảng chục cây số thì thấy chuyến xe trước bị lật bên bờ ruộng, bà con đang khóc lóc kêu gào thảm thiết. Thôi thì cũng đành chịu thầy vậy chẳng biết nói sao hơn. Ấy đấy, nào có khác một người sợ đi máy bay vì số mình không chết nhưng gã lái máy bay…số ruồi thì cũng mình cũng… tới số. Chuyện bói toán mà, thưa bạn đọc.

Một ngày, mấy năm sau….Vừa đi đâu về đến nhà, gặp thằng em bạn từ Bà Rịa lên, mặt xanh như tầu lá chuối báo cho biết vừa nhận đươc điện tín. Đại thể: “Trung uy Vuong Tan Phat tu tran…”. Thằng em dàng dênh vì điện tín không có dấu nên nhà nó phân vân…”tử trận” hay “từ trần” đây. Vì khoảng thời gian này nó đang trấn thủ lưu đồn ở Quảng Tín và nếu “từ trần” thì chắc chắn là còn xác. Còn nếu như “tử trận” thì có thể mất xác vì đã mười ngày rồi vẫn chưa có tin tức. Tôi đưa thằng em bạn qua Hàng Xanh, và cứ mông lung với năm nay nó mới về phép và kể chuyện ở Võ Bị, ông Phạm Kế Viêm xem tử vi cho nó thì nó không qua cái tuổi 25. Ngày đó, tôi với nó cùng tuổi thân, năm ấy cũng 25, nên bụng dạ có những bồi hồi, xúc cảm một nỗi niềm khó diễn tả với những quan hoài mênh mang mỗi thằng có một cái số.

Hai thằng vừa bước vào, chưa kịp chào hỏi vì bà thầy đang có khách và cũng chưa kịp nói năng thì từ gian kế bên, qua cái mành mành bà nói vọng ra: “Hai cậu đi về đi, ba ngày nữa xác về…”. Tất cả ngẫu sự không kéo dài qúa ba mươi giây và bà cũng chẳng lấy tiền cúng tổ, vẫy tay đuổi khách như đuổi gà. Ba ngày sau xác thằng bạn về thật và một buổi sáng trời lâm râm mưa, thằng em và thiên cổ chi mê tôi ngồi lặng lẽ đưa nó…về quê. Hình ảnh ngày ấy còn rơi rớt trong tôi là con em gái của tôi đang nước mắt lưng tròng khóc người đi, lầm lũi trong câm lặng ngồi dưới chân cầu thang giặt bộ quần áo “trây di” còn sót lại của nó. Thiên cổ chi mê tôi cũng đành gậm nhấm, thấm thía câu thơ xếp tàn y lại để dành hơi cho một thằng bạn đời vừa áo bào thay chiếu, anh về đất, sông Mã gầm lên khúc độc hành (Quang Dũng).

Bốn mươi năm sau gặp lại thằng em bạn ở Cai Lậy, vô tình đúng trong tuần giỗ nó, thằng em đưa cho tôi xem lá số tử vi mà bà cụ nó lấy từ Hà Nội. Gọi là lá số nhưng có tới hai, ba trang giấy học trò đã hoen ố vàng, trang đầu chữ nghĩa như thang thuốc bắc. Thiên cổ chi mê tôi nhập nhằng với mấy chữ Tàu tàu như cô thần, tang môn, hung hóa cát, cát hóa hung. Đập vào tôi là câu “hạn triệt ở cái tuổi 25”. Câu tiếp là….“nếu qua được tuổi này sẽ sống lâu hơn”.

Từ cái đòn dông nhà thằng bạn, lân la làm quen với ông tổ nghề mộc Lỗ Ban qua một số vốn liếng địa lý những năm tháng ăn vạ cửa Khổng sân Trình với âm dương tiêu tương, hết bát trạch chu thư đên dương trạch tam yêu. Gia dĩ ông họ Lỗ chỉ là phó mộc, khi dựng nhà ông leo lên cái kèo dán cái bùa đỏ để trấn yểm. Từ đó ông lưu danh thiên cổ với cái thước Lỗ Ban có chữ Nho bám trên thước, chả hiểu chữ nghĩa kéo cưa lừa xẻ của ông ở đâu nhiều quá thể, để đám hậu sinh nhập nhằng với phong thủy gần đây của Tàu, với gió, với…cái phong linh, chuyên trị mang cây xanh vào nhà cho…xanh mát. Ấy là chưa kể xoay ba cái giường như xoay cái đầu rau của ông thầy địa lý là Tả Ao. Chợt nhớ tới các cụ ta xưa từng dọa dẫm hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn, thầy khoe thấy cứu được người, đến khi thầy ốm chẳng ai cứu thầy nên cũng hơi ê…răng. Thiên bất đáo, địa bất chí vậy mà bụt chùa nhà không thiêng, điạ lý của cụ Tả Ao cùng tầm long điểm huyệt viếng nhà một lần, Số là ông cụ tôi là người không tin bói tóan, làm ăn khá giả, cụ tậu thêm căn bên cạnh để khuếch trương cơ ngơi. Long huyệt đâu không thấy, chỉ thấy cái ngõ cụt bên kia đường nhè đâm thẳng vào cửa căn kế bên, bèn thưa với ông cụ những gì mới học lóm…Ông cụ gạt phắt đi vì…thằng sáng đi nghe thằng mù với trứng đòi khôn hơn rận. Sau cụ bị tán gia bại sản, thiên cổ chi mê tôi cũng đành thở ra như trâu hạ địa với câu…nhất hạn, nhì vận, tam phong thủy.

Trong cõi thiên địa tù mù này, không phải lúc nào cũng có ông thầy địa lý xem đất đai năng nhặt chặt bị về “sinh khí” với “đất sát chủ” hơn là “hình thể” của “đất vàng” với thế hoàng xà thính cáp tức rắn vàng rình cóc hay phương hướng, tuổi tác với tứ hành xung. Lại nữa, chẳng phải là lúc nào cũng có mấy ông phú hộ rỗi hơi cải táng mộ tổ với long chầu hổ phục, với bát quái cửu cung, đông tây nhị phái, du niên bất tại để nuôi báo cô mấy ông thầy địa lý. Vì vậy thầy kiếm cớ ăn vạ ở nhà thân chủ cả ba, bốn tháng trời để xoay tới xoay lui…cái đầu rau. Sang đến thời hậu hiện đại, thầy phong thủy thay cái đầu rau bằng…cái chuồng xí cho to chuyện. Tu chùa chẳng bằng tu nhà, ăn ở thật thà mới thật là tu…là vào cái thời các cụ ta xưa vô vi với cái thú ỉa đồng một bãi bằng vạn đại quận công nên làm quái gì có…cái chuồng xí. Ông thầy treo bừa gương bát quái trước cửa nhà thân chủ, chả chịu mò mẫm sách xưa dậy rằng nhà nào gần tha ma bộ địa, sợ ma quỷ vào nhà hãy treo cái gương ấy. Hay muốn tiền vào như nước, hãy đào cái hồ cá…có nước sau vườn. Họ chẳng đào sâu chôn chặt là đặt cái hồ cá ở đâu cho phải nhẽ với “cá” là ngư, người Quảng người Tiều đọc…hoảng tiều là “Dư”. Thế nên muốn dư ăn dư mặc thì từ cửa hậu thông ra vườn: Cửa là môn, môn là miệng ăn. Hồ cá phải có cái lối đi như cái cuống họng dẫn ra hồ hình cái bao tử. Lạng quạng thế quái nào, có thầy thừa nước đục thả câu, quất ngay hồ cá trước cửa nhà thì con gái gia chủ cứ…chổng mông mà gào vì…“chống ề”. Trăm tội ở thầy cả. Bạn đọc lại lầu bầu vậy có nên thay cái cửa hay cái cầu thang chăng. Tôi cũng đành thưa thốt rằng bạn đọc cứ đi hỏi thầy xem nhà thầy có xoay cầu thang bao giờ chưa? Bởi hiếm nhà ông thầy phong thủy nào có …cầu thang lắm, thưa bạn đọc.

Bạn đọc lụng bụng rằng bói toán là khỉ mốc gì?

Ừ thì một phần bói toán gốc gác ở Trần Đoàn hay Y Ma Thần tướng mãi tự bên Tàu. Một phần khác các cụ ta xưa nghiệm ra rằng cứ lớn vú bụ con thì đẻ như…lợn và dễ nuôi. Thế là các cụ…phát hiện ra bói toán truyền khẩu những người mặt nạc đóm dầy, mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn, v…v… Tiếp đến các thầy đồ thi không ăn ớt thế mà cay bèn xoay vần với tử vi đẩu số hay địa lý. Các thầy nháo nhác ngắm trăng sao nào là nhâm, cầm, độn, tóan, nào là ngũ hành, can chi, nào là âm dương, bát quái, rồi thì sao nọ chiếu sao kia, nằm ở cung này mệnh nọ, ôi thôi rối như canh hẹ. Ngày là gió, tháng là mây, các cụ múa bút nét ngang sổ dọc thành thư kinh. Bắt qua tướng số, ngành này không tráp, không thước Lỗ Ban. Đồ nghề ông thầy tướng là đôi mắt, đôi mắt như mũi khoan, thủng thỉnh đục từng mẩu đời cho đến khi lộ số phận, xuyên thấu trái tim đông lạnh, vẫn còn đang ngủ đông trong lục phủ ngũ tạng các bà, các cô.

Trăm sự ở các cô, các bà đa cảm, đa mang những khắc khoải, lênh láng phủ lên muộn phiền, chuốc vạ vào thân, lận khổ trong người. Họ cứ khư khư ôm mối sầu vạn cổ rằng như thể đời là bể khổ, yêu là chết trong lòng một tí. Họ lụy vì yêu, yêu quá hết lụy “Thương ai hẳn lại thương lòng lắm – Này nợ này duyên những thế này” nên mới đâm đầu đi xem bói. Bói toán rộng mênh mông không bờ không bến với bờ mê bến ngộ…Bến ngộ, bến giác đâu không thấy chỉ thấy bờ mê, bến lú với thầy này sách kia. Sách càng hiếm càng qúy, thầy càng ở xa càng kỳ nhân dị sĩ, nhưng tựu chung vẫn phải dựa vào…thánh độ. Thánh độ cách mấy, thây bói dậy mười câu, ba câu đúng, bảy câu sai. Họ chỉ muốn nghe cái đúng và quên tuốt những câu…không đúng lắm. Rồi từ ba câu thầy dậy như thánh dậy, họ nhét vào tai bạn bè. Nhời nhẽ vào lỗ tai ra lỗ miệng, thầy lại có khách. Bạn đọc gật gù thì cứ cho là như vậy đi, còn mấy thầy răng rứa. Răng với lợi của thầy ư! Như thể rằng bà già ra chợ cầu Đông, xem một quẻ bói lấy chồng được chăng, thầy bói gieo quẻ nói rằng, lợi thì có lợi nhưng răng không còn.

Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật, tôi có tật…lỡ gặp đàn bà con gái lớ ngớ bên đàng là lom lom với ngoại hình, ẩn tướng, tạng người qua cổ thi “Tướng pháp diễn ca”:

Má lép mặt như đất tro
Tỉnh sâu thăm thẳm ai đo cho vừa
Ánh mắt chiếu rực mây mưa
Nhìn ngang liếc dọc đẩy đưa duyên tình

Qua ngày đoạn tháng, các cụ để lại cách coi tướng truyền khẩu qua ca dao đầy ăm ắp một kho thóc giống từ đời này qua đời kia, như bao nhiêu tướng đã lộ hình, là bao nhiêu tánh dâm tình tà gian…Thôi thì mọi đàng cũng ở các cụ, để mắt săm soi xuống một chút nữa sẽ bắt gặp…bần thân âm hộ đại, đa mi hộ tố mao. Cá mè một lứa với…hộ tố mao thì có…vô mao bất phú hoặc giả như miệng nào ngao ấy. Rồi dềnh dàng to mông rộng háng đáng đồng tiền. Với khô chân, khô mặt đắt mấy cũng mua như mua con trâu để kéo cầy đến khô cả đầu non cuối bãi. Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng thì các cụ bày ra bói toán nhè vào đàn bà con gái chỉ để kiếm con dâu làm…người làm. Thảng như lạt mềm buộc chặt với răng thưa, mắt ướt ăn cỗ nhờn môi hay răng hô mồm cá ngáo chỉ siêng ăn biếng làm, ăn quà như mỏ khoét này kia, kia nọ. Có suôi có ngược với khuôn mặt hồng nhan hạ thủy, hay hồng nhan đa dâm thủy đi với trường túc bất chi lao thế này, thế kia để đàn ông như cái nơm, bạ đâu úp đấy.

Bạn đọc, nhất là bạn đọc phái nữ mặt mày đang nhăn nhúm, nhưng ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối thì tất cả từ trong “Cung oán ngâm khúc” của cụ Nguyễn Gia Thiều cũng có câu nói về dâm tướng: ”Thân này uốn éo vì duyên – Cũng cam một tiếng thuyền quyên với đời”.

Với đời, từ cổ thư “Dâm tướng học” của Tàu đã đẽo gọt ra những câu thơ dưới đây:

Hồng diện đa dâm thủy
Mi trường hộ tố mao

Chiết yêu chân cự huyệt

Trường túc bất tri lao

Ngày qua tháng lại, trở lại với các cụ ta xưa dậy cấm chả sai bao giờ với coi tướng truyền khẩu qua ca dao vơi hồng diện đa dâm thủy, mi trường hộ tố mao thì các cụ đâm ba chày củ:

Những cô má đỏ hồng hồng
Nước nôi tát mấy gầu sòng cho vơi
Lại kìa mấy ả mi dài
Lông thì đốt được một vài thúng tro

Ấy là các cụ dậy thế, rao mõ không bằng gõ thớt thế nên chả thiếu chiết yêu chân cự huyệt, trường túc bất tri lao thì các cụ ếch vào cua ra:

Những cô lưng thắt tò vò
Bím kia có thể chở đò sang ngang

Những cô cao cẳng chân giang

Cả làng ra… ấy chào thua cả làng

Nói cho lắm tắm cởi truồng không ngoài câu hỏi đại thể như lưỡng quyền cao mũi nhỏ là hại tử khắc phu. Hoặc miệng rộng mồm méo là phu cùng tử yểu. Như thể ai đó tẩy cái nốt ruồi trên mặt, để ông thầy tướng trắng mắt ra chẳng hiểu ấy là nốt ruồi vượng phu ích tử hay thương phu trích lệ đây và rồi cái số họ sẽ đi về đâu. Bạn đọc được thể gánh bùn sang ao nếu như những người sinh cùng giờ, ngày, tháng, năm thì chuyện gì sẽ xẩy ra. Các thầy đánh trống bỏ dùi rằng ở…cái mệnh. Như cụ Nguyễn Du đã phóng bút “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Rồi chẻ hoe phơ nắng với “Ông thiên đã dậy ắt thì chẳng sai” ở…cái thiên mệnh. Hỏi tới nữa, ông thầy bối rối như sư đẻ thầy bói mà học canh khôn, đến khi hỏi dồn…ý à ý a.

Bạn đọc lầu nhầu rằng nghe chuyện Tướng pháp diễn ca qua ca dao nhức đầu quá thể!

Hơ! Thiên cổ chi mê tôi lại nghĩ khác…Chuyện là thế này nhá: Một bữa ông đồ Lê Qúy Đôn ngậm vần nhả chữ ra bốn câu thơ để đời và một sớm một chiều đi vào văn học sử…

Minh nguyệt muội tưởng hắc dạ

Muội tọa, muội khỏa thế sự xuất

Thế sự như diệp đa

Hắc tựa khẩu khuyển, trảm phụ thế sự

Ông đồ đặt tên rất chữ nghĩa là “Diệp đa”. Ông ới bạn bè tới uống rượu thưởng trăng và diễn Nôm bài thơ trên. Bạn văn hè nhau khen rối rít rằng văn hay chẳng luận đọc dài, vừa mở đầu bài đã biết văn hay (ca dao). Bà đồ hầu rượu chồng và bạn thơ nghe lóm được, qua hàng xóm xì xầm: “Ông nhà tôi làm thơ hay đáo để”. Và bà ngâm nga cho xóm giềng láng tỏi nghe. Nghe thủng xong họ giãy nảy lên như đỉa phải vôi, chạy ra giếng làng gặp ai đó và thì thào:

Sáng trăng em tưởng tối trời

Em ngồi em để sự đời em ra

Sự đời như cái lá đa

Đen như mõm chó, chém cha sự đời

Bạn đọc nho táo vô nhân bất tri, tức không ai không biết, bạn đọc ra cái điều là hiểu rồi, là ca dao từ mấy bà đồ mà có từ các ông đồ chữ nghĩa như trấu trát. Thì cũng như cụ Hoàng Cầm bộc bạch bài thơ “Theo đuổi”: Khi làm bài thơ này, mình có nghĩ đến bài thơ xem tướng phụ nữ của Trung Quốc. Ðó là mấy câu thơ chữ Hán mô tả thế nào là tướng mạo của một người đàn bà đa tình hồng diện đa dâm thủy, v…v…. Trong thơ mình có câu “Lại xót mắt, em mi trường khép bóng” là từ mi trường hộ tố mao. Và những câu tiếp “Chân em dài đi không biết mỏiMá hồng em lại nổiĐồng mùa nước lụt mông mênhLưng thon thon cắm sào em đợi”. Câu “chân em dài” đưa đến “không biết mỏi”, rồi “má hồng em lại nổi” chuyển sang “nước lụt mông mênh”, và “lưng thon thon” để “cắm sào em đợi”, đã liên hệ đến mấy câu thơ xem tướng của Trung Quốc “chiết yêu chân cự huyệt”, “trường túc bất tri lao…”. Bạn đọc xằn xò thôi hãy kể chuyện khác đi, vì ngôn giả bất tri, tức là người nói nhiều là người không biết gì hết…

Ừ thì kể, chuyện là ngày nào năm ấy thiên cổ chi mê tôi đi tầm sư học đạo nơi xứ người. Ở cư xá sinh viên Lutèce tại Paris, tôi có quen một gã có cái tục danh “Tiến cò” vì gã cao như con sếu. Gã có một cuộc lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm vì phòng gã là một sòng bài và tôi chầu rìa hút thuốc vặt tại đấy. Gần mực thì đen, gần đèn thì lu nên tôi lấm bùn lúc nào không hay để rôì trở thành tương đắc tương bần. Sau một tối như con vạc ăn đêm, hai thằng xuống quán cà phê bên cạnh cư xá ngáp vặt và…uống rượu vang. Say say thiên cổ chi mê tôi buồn buồn nhìn cái lộ hầu hơi qúa khổ và buông một câu vô thưởng vô phạt: “Ông yểu tướng”.

Gã nheo mắt cuời lặng lẽ, và thủng thẳng kể chuyện đời của gã…

Là con một của bà thầy chuyên về bài tây ở chợ Nguyễn Thiện Thuật. Gã đỗ hai cái tú tài tối ưu nên được học bổng quốc gia toàn phần. Ngày đi, mẹ gã gói kỹ lưỡng cho gã một món đồ và đại thể như Gia Cát Lượng dặn đi, dặn lại là khi nào gã cảm thấy đi vào bước đường cùng, thì hãy mở ra. Qua đến đây, gã thú thực là đầu óc chẳng thiết tha gì đến sách vở. Sau một thời gian dài trong cái tình trạng chập chờn ấy, nhớ lại lời mẹ dặn, gã mang gói đồ ra xem. Gã mở ra thấy vỏn vẹn có một cái hộp sắt thuốc lá Craven “A” màu đỏ, trong đó có một quyển sổ tay, hai bộ bài tây bằng plát-tíc còn mới nguyên và một cái thư. Trong thư mẹ gã viết, số gã học hành dở dang. Chạy trời không khỏi số vì cái số của gã là…thầy bóì. Vi vậy tất cả những vốn liếng thuộc về bói toán của bộ bài tây, mẹ gã ghi lại cho gã để gã có cái cần câu cơm.

Như Bá Nha gặp Tử Kỳ, từ đó hai thằng…”giao lưu văn hóa” với nhau qua bài tây và tướng số. Sau này, qua lời bạn bè cũ kể lại gã về Bordeaux treo bảng hiệu hành nghề…cho Tây xem và gã mất ở cái tuổi 40. Phải chăng gã yểu tướng vì lộ tướng ở cái yết hầu. Thiên cổ chi mê tôi không chắc lắm. Tận tín thư bất như vô thư, sách dậy vậy và thiên cổ chi mê tôi cũng chỉ biết thế. Thế mà từ chuyện gã, tôi đã viết thành truyện có tên “Cõi tạm”, thưa bạn đọc.

Chả biết nghiệp ngào thế nào tôi hốt nhiên thành ông thầy bói bài tây kiếm chút cà phê cà pháo và nghiệm ra rằng bói toán chỉ nằm gọn lỏn với ba chữ: “T”. Ấy vậy mà thầy bói cũng nhọc hơi với khách hàng không phải là ít: “Tiền” thì các cụ đã lực đực số giầu đưa đến dửng dưng, lọ là con mắt tráo trưng mới giầu. “Tài” thì chả lẽ thầy đá thúng búng nia danh cũng khó bởi chưng trời, lăn lóc làm chi cho nhọc hơi, được thua danh lợi dẫu thiên mệnh, chen chúc làm chi cho nhọc nhằn. Hay “Tình” ư! Chả lẽ đa tình không gởi cho ai, trong nhà dù có ra ngoài cũng thêm, bao nhiêu cũng chưa là nhiều, sáng mai không đủ thêm chiều không dư. Bởi những nhẽ ấy ông thầy mặt bẹt ra như bánh xe xẹp lốp chả biết thân chủ muốn xem cái của nợ chi. Chả lẽ thầy bói nói dựa như các cụ đã trù yểm ư. Và chuyện nói dựa như thế này đây, thưa bạn đọc…

Ngồi đồng hoá bụt ở quán cà phê xem chùa cho bạn bè mãi, mãi tới một ngày có khứa khều khều về nhà coi cho người tình một thưở. Chém chết đây là một chuyện tình dở hơi dở hám. Cơ, rô, chuồn, bích dàn trải lên bàn như thiên la địa võng rồi nhưng khổ nỗi chả biết khổ chủ có khổ nạn xem gì đây mới điên cái đầu! Nào khác gì “Văn chương nào phải là đơn thuốc, chớ có khuyên xằng chết bỏ bu” (Tú Xương) nên mới có mục thầy…nói nước đôi. Hiểu theo nghĩa là ông thầy dậy sao, khổ chủ…hiểu theo nghĩa nào cũng được như số cô có mẹ có cha, mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông, số cô vợ có chồng, sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai. Riêng tôi vì non tay ấn, xem bài tây phải cân đo đong đếm với tướng pháp. Thường thì mỗi ông thầy có một “chiêu” riêng để hớp hồn khách hàng, để có chuyện con dế nó bế con giun, con giun nó đùn con dế. Chả là trong cái nhiễu sự của tâm lý, tâm tình, khổ chủ có gì canh cánh trong lòng chỉ rình rình đợi ai đó để tháo ống cống cho nhẹ mình nhẹ mẩy. Ai đấy, càng người dưng nước lã càng dễ trang trải mối tơ vương không ngoài qủy tha ma bắt là…ông thầy bói.

Với tướng pháp như thể ma đưa lối quỷ dẫn đường vậy, như giới đàn ông ai cầm đũa tay trái thường thì chán cơm nguội thích ăn phở. Trộm thấy người tình của bạn có hình tướng lất phất trong “Y ma thần tướng”: Chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy. Tóc hoe mà thưa lợt, có lông măng ở cổ tay, là người…”dễ dãi”. Thêm nữa qua ca dao dân gian truyền khẩu: “Mắt mọc nút ruồi xinh xinh – Lại như ướt rượt mày xanh mi dài”. Với câu nút ruồi xinh xinh, đành thất lễ với bạn đọc phái nữ, rằng theo…tri giác thấu thị trên khuôn mặt lộ ra nét đào hoa, đa tình biểu hiện bằng một cái nốt ruồi son thì phần âm tính với…tri giác ngoại cảm thể nào ở nơi thâm cung bí sử cũng có một cái nốt ruồi son khác nữa. Có cái này chẳng thể thiếu cái kia để bổ túc lẫn nhau. Nếu không có thì không đúng. Vẽ rết thêm chân nếu như đàn bà có nốt ruồi ỏ dưới mí mắt hay trên mép, với thiên thượng địa hạ phải có nốt ruồi khác nữa biểu thị cho người đàn bà ngoại tình. Nếu không thì bất ngôn nhi dụ, tức không nói ra cũng hiểu được là nốt ruồi thương phu trích lệ hoặc hay ăn quà vặt thế thôi. Thế nên với nốt ruồi đa tình, đa mang của cô, có ăn gan giời trứng trâu thiên cổ chi mê tôi chả dám lộng ngôn hí địa chuyện…thiên cơ cơ bất khả lậu. Bởi bất khả ngôn truyền, tức không nói ra được nên thầy đành miệng đá lưỡi dọ dẫm. Vì coi bói như xuất chiêu trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, ra “chiêu” đầu phải trúng, nếu không ông thầy sẽ thân bại danh liệt. Vì vậy đầu môi chót lưỡi ông thầy là chữ…nếu. Nói theo kiểu huề vốn là nếu không thế này thì thế nọ như thế đấy. Vừa ăn ốc nói mò với tri giác ngoại cảm xong cô gật đầu. Thầy bèn vun vén: “Quả cau nho nhỏ miếng trầu vôi – Này của Xuân Hương đã quẹt rồi”. Nghe thủng xong cô tuôn ra bầu tâm sự rất đời thường với…tiền dâm hậu thú.

Ấy là chuyện tiền duyên nghiệp kiếp với cây giống bóng của giống người, nhưng với tiền duyên hậu kiếp qua tử vi lại là chuyện khác…Chuyện là nhân sinh bách tuế vi kỳ sau khi tiện nội thiên cổ chi mê tôi mất được hai, ba năm, tôi lần mò đi xem bói gặp một anh chuyên về tử vi. Anh mới chân ướt chân ráo qua đây, trong khi cửa nhà đang trống trải vì vậy tôi kéo anh về cho có bạn. Trong trại cải tạo, anh học được môn tử vi qua bạn tù. Ra tù, là người thông thiên địa nhân viết nho anh nghiên cứu tử vi với ý đinh sau này làm kế sinh nhai để nín thở qua sông. Càng đi sâu vào tử vi anh càng lạc vào mê lộ…với thượng thiên vô lộ, nhập địa vô môn, là lên trời xuống đất đều không có đường đi vì cả trăm thứ sao như lạc vào thiên la địa võng, như xẩm mất gậy nên anh bỏ ngang. Ngày nọ, bạn kéo tới nhà để tửu lạc vong bần, gặp một người khách nhờ anh xem dùm lá số đứa con nhỏ. Qua lá số, với nước mắm xem màng màng, thành hoàng xem cờ quạt anh thấy em nhỏ này đã mất ở bờ sông bến bãi. Bấy giờ ông khách kia mới thú thật là con ông chết vì vượt biên. Từ câu chuyện này anh tự tin và cũng nhờ ông khách và bạn thúc đẩy, như xẩm vớ được gậy anh khai thông phá ngộ tiếp và chọn bói toán như một cái nghề. Anh hành ngề tử vi ở nhà tôi đâu đó trên hai năm…

Riết rồi cũng chẳng cãi lại số giời với định mệnh tại thiên thư. Một ngày…thiên cổ chi mê tôi đốc chứng nghĩ đến chuyện mai này khọm, nói dại chứ…chứ lỡ bị…trúng gió, tay chân bắt chuồn chuồn thì sao đây! Thế là bổ nháo bổ nhào đi kiếm vợ. Cái số đẻ bọc điều hay sao ấy, gặp ngay…người cũ, em gái của thằng bạn mạt chược. Gặp lại nhau cả một thời gian dài, hai lần cô đem con về ở với thiên cổ chi mê tôi để tìm hiểu dấm dớ bờ bụi để lũ nhỏ làm quen với nhau, tránh cái nợ đời là con em, con anh đánh con chúng ta. Lo toan chuyện đám cưới, đồ đạc trong nhà mua sắm đâu vào đấy, thiệp cưới đang sửa soạn in, danh sách bạn bè, thân bằng quyến thuộc cũng đã lên khuôn. Nhân dịp này anh lấy cho cả hai, mỗi người một lá số và thiên cổ chi mê chỉ nhớ mài mại anh giải rằng tôi tuổi thân, mạng mộc, thân có thiên di. Còn cô tuổi sửu, mạng thủy. Nhưng cả hai đều có chung hai sao hồng loan, và đào hoa. Riêng cô đào, hồng, hỷ, hội ở cung phu, nhưng bị mấy cái sao quái quỷ gì ấy dường như là thiên riêu, thiên hình hay tam thai, tam hợp thế nên mệnh khắc số…Anh còn bàn thêm, cô tuổi trâu, mạng thủy, thế nên đôi chân in dấu số phận, dấu vết số phận lấm tấm như lệ ứa, đôi chân biết khóc, luôn dầm trong nước, “ướt” nửa đời người…Rồi anh lắc đầu luận rằng nếu ngày mai có làm đám cưới cũng không thành. Anh tiếp: Sau này cái gì đến nó sẽ đến bất ngờ và nhanh đến trở tay không kịp. Và ít nữa…người đi qua đời tôi, hình tướng như thế này…như thế này…

Nghe như “rất hoàn cảnh” vì gì mà trở tay không kịp?

Nhanh thì không nhanh cho mấy vì mưa chẳng qua ngọ, gió chẳng qua mùi. Một ngày không mưa thì nắng…Ông anh họ tới thăm, thấy thiên cổ chi mê tôi đang ngất ngư một hồ trường. Ông ngồi một lát rồi đi về. Hai tuần sau trở lại cho biết là tinh làm mai làm mối cho tôi hôm ấy, tôi nghe như gió thoảng mây bay vì ngán ngẩm chuyện mối mai. Từ ngày tiện nội đi vào cõi tĩnh mịch, tính sổ nợ đời với người đi qua đời tôi, chiều âm vang ngàn sóng đếm trên đầu ngón tay cũng tới chín ngón chứ ít ỏi gì. Trở lại chuyện làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu, loáng thoáng bắt được câu nói từ Việt Nam mới sang, đang ăn khan nằm khàn, lại đeo bòng ăn chơi sợ gì mưa rơi nên tôi cũng thử xem ngón tay thứ mười ngọ nguậy ra sao, để xem con tạo xoay vần đến đâu vì cũng đang ngày rộng tháng dài. Trong cái buổi trưa ngả sang chiều, đang mải bận bối rối nhìn trời nhìn đất, thiên cổ chi mê tôi lờ quờ quên béng cả chuyện coi tướng…xấu đẹp tùy người đối diện. Ngay cả những câu ca dao của các cụ dặn dò những người thắt đáy lưng ong, đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con thiên cổ chi mê tôi cũng quên tuốt mới rõ khổ. Ấy vậy thiên cổ chi mê tôi còn phê như con tê tê…nếu thấy hợp thì tiến xa hơn nên hỏi người rằng có biết đánh tiết canh vịt chăng. Người gật đầu. Đang trầm luân trong bể phù sinh mà có tiết canh vịt là vui rồi. Ba tháng sau, đang ngất ngây con gà tây chưa kịp cắt cổ vịt thì bất ngờ bà cụ thân sinh ra thiên cổ chi mê tôi được ơn trên vui vẻ gọi về với Chúa nên phải đau buồn đăng cáo phó làm đám cưới chạy tang nên…trở tay không kịp trong cái tâm thái chả biết vui hay buồn như con chuồn chuồn đây. Như có duyên phận, rồi cũng nên vợ nên chồng. Sau đám cưới, tối như đêm dày như đất ngắm trộm vợ nhà… Giời ạ, lạy thánh mớ bái chứ…chứ người ngợm chả giống như tử vi vẽ vời….như thế này…như thế này.

Bạn đọc hó háy bảo nhau nãy giờ chỉ thấy thiên cổ chi mê tôi bốc về “cái tôi” hơi nhiều, nay lại mang chuyện “vợ nhà” ra kể lể nghe thối inh! Hay là kể chuyện nào khác…thật hơn. Ừ thì chuyện thật là bài tạp bút đã mồ yên mả đẹp từ năm 2007. Khươm mươi niên sau gặp lại em gái thằng bạn mà nhà bị cái đòn dông bên kia đường đâm thẳng vào cửa…

Tôi biết cô em gái bạn từ lúc cô bảy, tám tuổi, khi thiên cổ chi mê tôi đang học coi tướng với cụ phán Phong trong con ngõ Nguyễn Thiện Thuật cho đến khi cô mười lăm, mười sáu. Đến cái tuổi ô mai này “ông thầy tướng tôi” chẳng thấy cô có tướng đàn bà khắc sát chồng con, mặt dày miệng rộng, trán còn lằn ngang hoặc con ngươi vàng bệt đỏ tươi, tròng trắng trắng giã là người sát phu. Ấy vậy mà qua đây được sáu tháng chồng cô mất. Một mình không thân thích nơi đất khách quê người, cô vật lộn với tháng ba ngày tám ăn đong ăn vay. Buồn từ ngã bảy ngã ba buồn vê cách mấy rồi cũng phải đi bước nữa. Cô đúng là là cô tú của thời đại quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ một con với một chồng. Tháng ngày đắp đổi, chồng cô cũnh thành danh, nhà cao cửa rộng như ai. Ông anh vợ từ bên Tây qua thăm, gặp buổi mưa chiều gió sớm, anh chồng mới này cù rù như con cò ốm với ông anh vợ rằng mình đi xem bói Thầy bói cho biết sang năm anh sẽ về với cõi. Anh dấu vợ và mua cho cô bảo hiểm với số tiền tử tuất khá lớn. Ông anh vợ người cứng đơ như bùi giời cho rằng thằng em rể hâm hâm vậy thôi. Năm sau, đúng vào cái năm mà anh biết mình sẽ mất. Anh đưa cô đi chơi xa lần cuối và cuối cùng thì anh không tránh được cái số: Anh bị tai nạn và bị tử nạn trong chuyến đi!

Ừ thì hãy trở lại chuyện…“vợ nhà” cho có đầu có đũa, thưa bạn đọc…

Đêm chưa qua ngày chưa tới với vài ngày sau, nửa đêm về sáng, vợ mới…mới ăn xổi ở thì tích Giáng Kiều gặp Tú Uyên cả 20 năm trước với nghìn trùng xa cách. Những ngày sau năm 75, người năm lần mười lượt theo mấy cô bạn học đi coi bói ở đường Lý Trần Quán. Ông thầy thấy đến mà không xem nên hỏi nguyên do. Hay không tin bói toán đây? Người thực tình thú thực nhà nghèo, đói như ngan ấp, bo bo từng bữa. Đơn giản như đan rổ chuyện xem bói để đi chui, vượt biên là chuyện xa vời và không tưởng. Thầy vậy ông thầy sáng mắt lên…như mắt thầy bói, giống như ông thầy bói mù năm xưa của thiên cổ chi mê tôi xem dùm một quẻ lấy thảo. Cứ theo như lời người thì lúc ấy, nghe mà ngán ngẩm, theo quẻ bói ông thầy khuôn mặt trầm ngâm được mô tả là “rất tâm trạng”…Ông thầy cứ thủng thẳng nhát gừng rằng…”Số cô trước sau cũng xuất ngoại, sau đó một, hai năm cô lập gia đình. Ông này cũng tuổi thân như cô, nhưng lớn hơn cô cả một con giáp, ông này già rồi, cũ kỹ rồi, đã trở thành cổ kính như món đồ`cổ. Nhưng được cái…góa vợ, có hai con, nói chung là tốt. Số cô may mắn gặp người thủy chung, dễ thương, hiền lành như…bóng và thật thà như…đếm”.

Vợ mới ăn ngay nói thật là nghe nói lấy…”ông goá” mà chán mớ đời. Nhưng chạy trời không khỏi nắng là như thế, rằng như vậy. Vậy mà chuyện vợ chồng cùng tuổi nằm duỗi mà ăn…cũng đúng thôi. Thêm nữa, ngẫm chuyện nhân sinh với người ta tuổi dậu tuổi mùi, còn tôi lận đận một đời tuổi thân” như cô …cắt cổ vịt không hẳn lúc nào cũng đúng, thưa bạn đọc.

***

Vào một ngày cuối tuần “Sớm mai đánh bệt trước thềm, đứ đừ phun khói thuốc lên tận trời” (Nguyên Sa) để bâng khuâng những khi trong cõi người ta, tha nhân thường sống bằng vào một cõi khác. Người viết rong ruổi chữ nghìa trong cõi nhân gian như gió cưỡi mây, lên thác xuống duyềnh, mò trăng đáy nước qua chuyện người viết gặp cái duyên bói toán như người tình khói thuốc mê hoặc đến mụ người để có bài viết giấy khô mực nẻ này. Học thói thầy Trang Tử, con cóc ngồi đáy giếng làm sao biết trăng sao trên trời. Con bướm không sống qua mùa đông, làm sao biết hết được chuyện đời nó. Tiếp đến nhàn tản rị mọ với “Hãm một ngụm trà khô mộc thảo, hồn bay lên một cõi trời mây” (Nguyên Sa) về người muôn năm cũ là ông thầy bói mù bên hồ Hoàn Kiếm, người tản mát đâu đây qua bài tạp bút mà hồn năm xưa đã biền biệt…

 

Thạch trúc gia trang

                                                                                                   Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                                                                                         (viết xong năm 2007

                                                                                                           thêm bớt năm 2015)

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

Bài Mới Nhất
Search