T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Tiên sư anh Tào Tháo

       nhu the la toi ac

Tranh (Thanh Châu)

       Với bài tạp luận này đây, có đầu có đũa là cách đây hai năm (2017), mụ chữ tôi rị mọ được đọan văn viết Nguyễn Đình Nghi con nhà văn Thế Lữ (Nguyễn Đình Lễ) thổ lộ: “Ông cụ tôi không hề hé ra một lời nào về hoạt động cộng sản của cụ. Nhưng khủng bố đỏ thì ghi lại và nói cho con trai ghi chép hết cả như đoàn kịch Anh Vũ của cụ đang dựng diễn ở Huế thì Việt Minh lùng bắt ông cụ để thủ tiêu (thời gian này Thế Lữ hoạt động cho VNQDĐ), may mà cụ trốn được. Dạo ấy Tố Hữu phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ để trừ Việt gian ghê lắm. Tố Hữu truy sát Việt gian suốt cả dẻo Trung bộ….”.

Và một khúc văn khác ở đâu đó……

“…Một lúc Kim Lân rầu rầu kể: Tớ kể một chuyện về Nam Cao. Hồi ấy khoảng năm 1951, các đồng chí trung ương nói phải lột xác, cải tạo triệt để, chứ lý lịch lập trường hôi hám quá. Một hôm Nam Cao đọc bản thảo để tổ văn nghệ góp ý. Đang đọc nửa chừng, Nguyên Hồng cười phá lên: “Nam Cao lột xác bịa hay quá”. Chỉ sau đó vài tháng, Nam Cao nhận công tác vào Nam Hà khu III làm thuế nông nghiệp do các đồng chí của Mao sang dậy: Nam Cao bị Tây bắn chết. Sau này Tô Hoài bảo tớ: “Nam Cao nếu còn sống thì không vướng vào Nhân Văn cũng sa vào xét lại như các cậu”.

Sau khi Nam Cao chết không bao lâu, Tố Hữu lại bảo tớ lên đường…Thì tớ lên đượng. May mà tớ nhát vì nghĩ đến Nam Cao, thuyền sắp đến bến, tớ bảo anh giao liên hãy cho thuyền ghé vào dưới bến một quãng xem sao. Tớ nghe thấy lính Tây đang đợi sẵn xuỵt chó, tiếng chó đánh hợi tiếng đạn lên nòng xoành xoạch. Hãi quá. Khoảng nửa giờ, lính Tây bật lửa châm thuốc hút rồi kéo nhau đi. Thế là thoát. Hú vía! Không thì lại như Nam Cao. Tớ họp hay ngồi dưới cùng, một hôm ông ấy xuống hỏi sao không sáng tác. Này, ông Lành có con mắt ghê ghê nhìn tớ lạnh toát ngay người…”.

Thế là mụ chữ tôi dều người ra để có bài tạp bút về Tố Hữu: “Tôi đi tìm Tào Tháo”

***

Về cái chết của nhà văn Nam Cao mỗi người viết một khác, thảng như ông đứng ở mũi thuyền bị máy bay bắn chết. Mụ chữ tôi ngẫm nguội thằng Tây lái máy bay bà già cổ lỗ sĩ làm gì có súng mà bắn. Bèn đơm chuyện “Tác giả tác phẩm Nam Cao” do cụ Ngộ Không sưu tầm bấy lâu nay ở phần tiểu sử ghi:

Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri. Sinh ngày 29-10-1917 tại làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Mất ngày 30-11-1951 tại Hoàng Đan, Ninh Bình. Năm 1950, ông nhận công tác ở tạp chí Văn nghệ (thuộc Hội Văn nghệ). Năm 1951, ông tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp ở khu III. Bị địch phục kích và hy sinh.

Tiếp đến lay lắt qua chuyện con gái ông đi tìm xác: “…Vì cha tôi hy sinh cùng đồng đội. Bọn địch lại ngăm cấm đồng bào mai táng cho người quá cố. Do vậy đồng bào phải lén lút đóng bè chuối, chở thi thể các ông qua cánh đồng trắng nước đến mai táng ở một hố vôi bên đường số Một, không gỗ ván, mà lại những bốn thi thể trong một nấm mồ…Cha tôi bị bắn một phát vào đầumột phát nữa làm gãy hai xương sườn. Ngày đưa cha tôi về quê chôn cất, có nhà văn, nhà thơ lão thành Kim Lân…”.

Với nguồn khác: Tháng 11 năm 1951, trên đường vào công tác vùng địch hậu, Nam Cao bị giặc Pháp phục kích bắt và bắn chết tại bốt Hoàng Đan ở Ninh Bình. Mụ chữ tôi hình dung đến đất Ninh Bình mùa lụt nước mênh mông như biển hồ, xa xa trên mảnh đất cao có “bốt Hoàng Đan” của Tây thì thuyền ghé vào làm gì để bị…“phục kích?”.

Trong mục giới thiệu tác phẩm, cụ Ngộ Không lụng bụng :

Khi phê bình truyện ngắn Đôi Mắt, một nhà phê bình kết tội Nam Cao vì ông miêu tả: “Thiển cận, lệch lạc về những người nông dân…”. Tuy nhiên Xuân Sách trong Nhận Diện Chân Dung Nhà Văn cứ ngay thòng thõng với Nam Cao.

Anh còn Đôi Mắt ngây thơ

Sống Mòn mà vẫn đợi chờ tương lai

Thương cho Thị Nở ngày nay

Kiếm không đủ rượu làm say Chí Phèo

***

Thực ra theo mụ chữ tôi Đôi mắt của Nam Cao chả…ngây thơ chút nào, vì lúc đầu truyện ngắn của ông có tên: Tiên sư anh Tào Tháo, bạn vặn ông đọc “nghe hơi văn” đề nghị ông đổi tên là Đôi mắt. Mụ chữ tôi bèn đi tìm “Đôi mắt” để đọc. Nhai văn nhá chữ xong, mụ chữ tôi bật ra ý nghĩ đã có bài tạp văn “Tôi đi tìm Tào Tháo” rồi,…Rồi làm như đang đói chữ sao không có thêm bài tạp luận: Tiên sư anh Tào Tháo.

Qua 8 trang truyện ngắn Đôi mắt, ông kể chuyện hai người thuộc hai “chiến tuyến” khác nhau. Người thư nhất là Độ, tức nhà văn Nam Cao. Người thứ hai là bạn ông tên Hoàng, khi bạn ông tản cư về nhà quê, có cái nhìn về người nhà quê theo kháng chiến khác ông. Với tên “Hòang”, mụ chữ tôi liên tưởng đến làng Đại Hòang quê ông nên đóan chừng ông “phân thân” là anh chàng Hòang để “ngọa đàm” với chính mình. Ôn nằm trong mùng, có một gói thuốc lá thơm, một bao diêm đặt ở bên cạnh cái đĩa gạt tàn thuốc lá ở đầu giường và chẳng thể thiếu…một vài chú rận. Chuyện văn dĩ tải đạo là…

“…Anh thanh niên làng chỉ một cái cổng gạch nhỏ, quay lại bảo tôi:
– Ngõ này đây, ông Hoàng nhà văn ở đây.
Tôi toan vào. Anh vội ngăn tôi lại:
– Khoan đã. Anh để em gọi cho anh trong nhà xích con chó lại. Con chó to và dữ lắm.

Tôi mở to đôi mắt. Tôi nhớ đến những lần đến chơi nhà anh Hoàng ở Hà Nội. Bao giờ tôi cũng phải chờ anh Hoàng thân hành ra nắm chặt cái vòng da ở cổ một con chó tây to bằng con bê. Thế mà bây giờ đến thăm anh Hoàng ở chỗ gia đình anh tản cư về, cách Hà Nội hàng trăm cây số, tôi lại được nghe đến một con chó dữ.…

– Bác Ðộ, ba ơi! Bác Ðộ…
Thằng Ngữ, con anh Hoàng. Nó chẳng kịp chào tôi, ngoắt chạy trở vào, reo rối rít. Rồi thấy tiếng thanh thanh của chị Hoàng giục con:
– Ngữ xích con chó lại. Xích con chó lại cái cột tít đằng kia…”
Mụ chữ tôi cũng “mở to” mắt vì hấm húi ra nhà văn Nam Cao, hết Cái chết của con mực tơi Trẻ con không được ăn thịt chó đến Lão Hạc cũng có…chó luẩn quẩn bên ông. Thêm bát thêm đũa thì cũng vì truyện ngắn Con Chó xấu xí mà Kim Lân bị mang cái vạ văn chương. Bởi bài viết là tạp luận nên mụ chữ tôi…”luận” ra rằng trước sau gì tai bay vạ gió cũng đến với Nam Cao vì “chao đảo lập trường” nên có cái nhìn thiển cận, lệch lạc…Hay như trong cuộc kiểm thảo lý lịch lập trường phải lột xác, cải tạo triệt để, Nguyên Hồng đã vắn vỏi: “Nam Cao lột xác bịa hay quá”.

Ừ thì hãy la đà với Nam Cao lột xác thế nào qua nhân vật Hoàng:

“…Mà sao họ đã bận rộn nhiêu khê thế mà vẫn còn thì giờ chú ý đến những người xung quanh nhiều đến thế? Anh chỉ giết một con gà, ngày mai cả làng này đã biết. Này, anh mới đến chơi thế mà lúc nãy tôi đã thấy có người nấp nom rồi. Ngày mai thế nào chuyện anh đến chơi tôi cũng đã chạy khắp làng. Họ sẽ kể rất rạch ròi tên anh, tuổi anh, anh gầy béo thế nào, có bao nhiêu nốt ruồi ở mặt, có mấy lỗ rách ở ống quần bên trái…”.

Còn đây là cái nhìn của anh bạn Hoàng về những ngươì nhà quê…

“…Người nhà quê tôi gần gũi họ rất nhiều thấy họ phần đông dốt nát một cách đáng thương. Nghe các ông nói đến “sức mạnh quần chúng”, tôi nghi ngờ. Tôi vẫn cho rằng đa số nước mình là nông dân, mà nông dân nước mình thì vạn kiếp nữa cũng chưa làm cách mạng nổi. Cái thời Lê Lợi, Quang Trung qua rồi, chẳng bao giờ còn trở lại. Nhưng đến hồi Tổng khởi nghĩa thì tôi đã ngả ngửa người. Tôi đã theo họ đi đánh phủ, đánh huyện. Tôi đã gặp họ trong mặt trận Nam Trung Bộ. Vô số anh răng đen, mắt toét, gọi lựu đạn là “nựu đạn”, hát Tiến quân ca như người buồn ngủ cầu kinh…”

Vẫn lời của Hoàng nói với Độ về…quả lựu đạn…

“…Lại còn các ông ủy ban với các bố tự vệ nữa mới chết người ta chứ! Họ vừa ngố vừa nhặng sị. Đàn bà chửa mà đến nỗi cho là có lựu đạn dắt trong quần! Họ đánh vần xong một cái giấy ít nhất phải mất mười lăm phút, thế mà động thấy ai đi qua là hỏi giấy. Anh đi, hỏi. Anh về, hỏi nữa. Anh vừa ra khỏi làng, sực nhớ quên cái mũ, trở lại lấy, cũng hỏi rồi mới cho vào. Lát nữa anh ra, lại hỏi.Hình như  họ coi cái việc hỏi giấy là thú lắm.

Vợ chồng anh thi nhau kể chuyện người nhà quê đủ thứ.  Toàn là những người ngu độn, lỗ mãng, ích kỷ, tham lam, bần tiện cả. Cha con, anh em ruột cũng chẳng tốt với nhau. Các ông thanh niên,các bà phụ nữ mới bây giờ lại càng nhố nhăng. Viết chữ quốc ngữ sai vần mà lại cứ hay nói chuyện chính trị rối rít cả lên. Mở miệng ra là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân, phát xít, phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với lại cả tân dân chủ nữa mới khổ thiên hạ chứ! Họ mà tóm được ai thì có mà chạy lên giời! Thế nào họ cũng tuyên truyền cho hàng giờ…

Anh trợn mắt bảo tôi:.

– Tôi kể cho anh nghe chuyện này thế nào anh cũng cho là bịa. Nhưng tôi có bịa một tí nào, tôi chết. Một hôm, tôi đi chợ huyện chơi. ở nhà đã hỏi đường rồi, nhưng đến một ngã ba, lại quên béng mất. Ðành đứng lại, chờ có người đi qua thì hỏi. Chờ mãi mới thấy một anh nghễu nghện vác một bó tre đi tới. Tôi hỏi đường. Anh ta bảo: đứng đợi đấy, gặp ai gánh hàng đi chợ thì theo. Trong khi chờ đợi, anh ta cười bảo: “Cháu phải vác ngay bó tre này lên Thượng để làm công tác phá hoại cơ giới tối tân của địch. Cuộc trường kỳ kháng chiến của ta phải chia làm ba giai đoạn: giai đoạn phòng ngự, giai đoạn cầm cự, giai đoạn tổng phản công. Giai đoạn phòng ngự nghĩa là…” Anh ta cứ thế, đọc thuộc lòng cho tôi nghe cả một bài dài trong khi đợi ai gánh hàng đi chợ thì tôi theo.

Tiếp đến là chuyện du kích vào thành phố:

“…Họ có nhiều cái ngố không chịu được. Tôi thấy nhiều ông vệ quốc quân táy máy nghịch súng hay lựu đạn làm chết người như bỡn. Nhiều ông cầm đến một khẩu súng lạ, không biết bắn thế nào. Như vậy thì hăng hái cũng vất đi. Nhưng mà thôi! Nước mình như vậy. Thì cứ để cho họ đánh Tây đi! Nhưng tai hại là người ta lại cứ muốn cho họ làm ủy ban nọ ủy ban kia, thế mới chết người ta chứ! Nói ví dụ ngay như cái thằng chủ tịch ủy ban khu phố ở Hà Nội lúc chưa đánh nhau. Nó là một anh hàng cháo lòng, bán cháo lòng thì nó biết đánh tiết canh, chứ biết làm ủy ban thế nào mà bắt nó làm ủy ban?

Ông chủ tịch ủy ban này xem giấy của nhà tôi, thấy đề Nguyễn Thục Hiền, cứ nhất định bảo là giấy mượn của đàn ông. Theo ông ấy, thì đàn bà ai cũng phải thị này, thị nọ…”.

***

La đà đến trang 7, va vào mắt mụ chữ tôi tên ông Hồ…

“…Tôi cười nhạt:
– Nghe anh nói, tôi nản quá. Như vậy cuộc kháng chiến của ta có lẽ đến hỏng à?
Anh chộp lấy câu của tôi, nhanh như một con mèo vồ con chuột:
– Ấy đấy, tôi bi lắm. Cứ quan sát kỹ thì rất nản. Tôi cho rằng cuộc cuộc kháng chiến hiện giờ Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia. Anh tính tượng trưng cho phong trào giải phóng cả nước Ðại Pháp, mà chỉ có đến thằng Ðờ-Gôn.

Tôi nhắc đến tên mấy nhân vật kháng chiến khác của Pháp, còn đáng tiêu biểu bằng mấy Ðờ-Gôn. Anh lắc đầu:
– Bằng thế nào được Hồ Chí Minh!

Và anh tiếp:
– Tôi cứ cho rằng dù dân mình có tồi đi nữa, xoay quanh rồi cũng cứ độc lập như thường. Những cú như cú Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 thì đến chính thằng Mỹ cũng phải lắc đầu: nó cho rằng không thể nào bịp Hồ Chí Minh nổi.

Đến trần ai khoai củ này đây, mụ chữ tôi thấy anh chàng Hòang hình nhân thế mạng cho Nam Cao lộng thiên hí địa thật chứ chẳng chơi: Vì dám gọi ông Hồ là Hồ Chí Minh trống không. Thêm nữa câu không thể nào bịp Hồ Chí Minh nổi. Chả ai cấm mụ chữ tôi …mụ chữ lây dây với nghĩa…”ẩn dụ” khác. Ấy là chưa kể chuyện “vọng văn sinh nghĩa” tức bịa ra nghiã hay chơi chữ…Như chuyện câu thơ của Hữu Loan…

”…Hồi ấy năm 1955. Tôi lúc ấy là cán bộ biên tập báo Văn nghệ ở Hà Nội. Tôi được cử đi cải cách ruộng đất ở xã Tứ Kỳ, Hải Dương. Cán bộ ai cũng “được” đi cải cách. Vì chưa qua “cải tạo” thì chưa thể làm người được. Tôi bèn làm một bài thơ gửi về tòa soạn. Ngày hôm sau tôi nhận được điện khẩn của Xuân Diệu: “Hữu Loan về ngay”. Vừa về gặp Xuân Diệu tôi hỏi: “Lành hay dữ?”, tôi chơi chữ vì “Lành” là tên Tố Hữu. Xuân Diệu trấn an ngay: “Bài thơ được lắm nhưng phải sửa một câu”. Tôi vội hỏi: “Câu nào?” – “Câu: Bác Hồ như trời cao – Kêu làm sao cho thấu”. Tôi hơi bực: “Đăng thì đăng cả, bỏ bỏ cả, cả bài tôi chỉ thích có câu ấy.” Một lúc rồi Xuân Diệu mới rủ rỉ: “Để câu ấy thì ra bác kính yêu của chúng mình xa quần chúng à…”.
Năm 1958 Hữu Loan về quê Thanh Hóa thồ đá bằng xe cải tiến tới nay gần một nửa thế kỷ. Trong bài phỏng vấn, bà vợ ông cho biết có hai anh cán bộ đến nhà vận động ông ở lại. Ông nhà tôi cầm cái bút lên bẻ làm đôi, bảo: “Làm nhà văn khó lắm. Viết vừa lòng nhà nước thì dân chửi cho, viết vừa lòng dân thì có thể đi tù như chơi. Thôi tôi về đi cầy”. Thôi thì từ Hữu Loan, mụ chữ tôi bắt qua chuyện cái vạ chữ nghĩa với Vũ Trọng Phụng. Ông bị khai trừ hẳn trên văn đàn miền Bắc vì bị Hoàng Văn Hoan đổ vấy Vũ Trọng Phụng từng viết về ông Hồ: Bởi ông già Hải An trong Giông Tố ám chỉ ông Hồ.

Sau đây là chuyện “ngọa đàm” và hút thuốc lá trong mùng thì phải?

“…Buổi tối ăn khoai vùi xong, uống tuần trà rồi Hoàng với tôi đi nằm trước. Một gói thuốc lá thơm và một bao diêm đặt ở bên cạnh cái đĩa gạt tàn thuốc lá ở đầu giường. Tôi để nguyên cả quần áo tây và chỉ ngay ngáy lo đêm nay một vài chú rận mò vào chăn để hỏi thăm. Anh Hoàng hỏi tôi:
– Anh có thích đọc Tam Quốc không?
Tôi thú thật là chưa bao giờ được xem trọn bộ. Anh gạt tàn thuốc lá rồi bảo tiếp:
– Sở dĩ lúc này tôi hỏi anh vì chúng tôi có cái thú đọc một vài hồi Tam Quốc rồi mới ngủ.
Cố nhiên là tôi mời vợ chồng anh cứ giữ lệ thường… Anh cười cùng cục trong cổ như một con gà trống: Chị Hoàng chạy lại bíp lấy một quyển sách bìa dày, gáy da, đem lại.
– Hôm qua đọc đến đâu rồi nhỉ. Hình như đoạn nói về Tào Tháo giết Lã Bá Sá…”

Đến tao đọan này đây, “Đôi mắt” chỉ còn vài hàng nữa là hết chuỵện. Đậu vào mắt truyện viết: “năm 1948”. Mụ chữ tôi lại hồn ma ám chướng đến Phạm Quỳnh qua bài viết của Trần Gia Phụng: Phạm Quỳnh, ông đã bị lực lượng vũ trang Việt Minh bắt giữ ngày 23-8-1945 tại Huế và bị giết chết ngày 6-9-1945 tại khu rừng Hắc Thú thuộc tỉnh Quảng Trị. Ông đã bị đập vỡ sọ bằng cuốc và vùi thây dưới một giao thông hào cùng với Ngô Đình Khôi và con trai Ngô Đình Huân.

Ông Trần Gia Phụng lưu ý người đọc: “Phạm Quỳnh bị bắt ngày 23-8-1945, và bị giết ngày 6-9, nghĩa là ông không bi nhóm Việt Minh địa phương giết liền. Ông bị giam giữ một thời gian sau khi nhóm Trần Huy Liệu đến Huế dự lễ thoái vị của Bảo Đại. Các cán bộ địa phương không dám tự tiện ra tay, mà chắc chắn phải có ý kiến của trung ương. Như vậy phải chăng chính nhóm Trần Huy Liệu đã đem lệnh từ Hà Nội vào Huế

giết Phạm Quỳnh? Và lệnh đó từ đâu, nếu không phải là từ Hồ Chí Minh?
Theo hồi ký viết năm 1992 của bà Phạm Thị Thức, người con gái Phạm Quỳnh, đã ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh qua sự giúp đỡ của ông Vũ Đình Huỳnh. Bà Thức cho biết Hồ Chí Minh chối, không nhận đã ra lệnh giết Phạm Quỳnh và đổ tội cho cán bộ địa phương và bảo: “Trong thời kỳ khởi nghĩa quá độ và có thể có nhiều sai sót đáng tiếc.”

Quá độ đên đây, mụ chữ tôi đành lụi đụi tiếp…

“- Không cần, mình đọc lại cái đoạn thằng Tào Tháo nó tán Quan Công ấy.

– Theo ý anh thì Tào Tháo có giỏi không?
Tôi trả lời qua loa cho xong chuyện:
– Tôi thấy nói là nó giỏi.
– Giỏi lắm anh ạ! Giỏi nhất Tam Quốc. Sao nó tài đến thế.
Chị Hoàng đã tìm thấy, bắt đầu cất tiếng thanh thanh đọc. Anh Hoàng vừa hút thuốc lá vừa nghe. Mỗi khi đọc đến đoạn hay anh lại vỗ đùi kêu:
– Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo…”

Đến đây là hết. Hơ! Mụ chữ đắng đót câu kết: “Tài thật…Tiên sư anh Tào Tháo” chả dây mơ rễ má đến “Đôi mắt” gì sất. Nhưng mặt mũi lại ngáo ệch ra chả lẽ Lã Bá Sá là…Lã Bố. Bèn mò vào kho chữ tìm cuốn Tam Quốc diễn nghĩa của Phan Kế Bính (sẽ dẩu mồm với Phan Kế Bính qua Vũ Bằng, ở tr 7). Và chuyện Lã Bá Sa như sau..

“…Hai người, đến cửa trại xuống ngựa vào chào Lã Bá Sa, Tháo bèn đem chuyện đầu đuôi kể với Lã Bá Sa, rồi lại trỏ vào Trần Cung nói:
– Nếu không gặp được quan huyện đây, thì bây giờ đã thịt nát xương tan rồi.
Nghe xong, Lã Bá Sa vào trong nhà, một chốc trở ra, bảo:
– Nhà tôi không có rượu ngon. để tôi sang xóm tây, mua một bình rượu ngon về uống.
Nói rồi lật đật cưỡi lừa ra đi.
Tháo chợt nghe thấy sau nhà có tiếng mài dao. Tháo bảo Trần Cung rằng:
– Chuyện nầy đáng nghi đấy!
Hai người sẽ rón rén bước vào sau nhà tranh, chỉ nghe thấy có tiếng người nói:
– Trói lại mà giết!
Tháo bảo Trần Cung:
– Ðúng rồi! Ta phải hạ thủ trước.

Tháo và Cung hai người cùng rút kiếm đi thẳng vào, gặp người nào trong nhà giết người ấy. Khi vào đến bếp, chỉ thấy một con lợn trói bốn vó, sắp đem chọc tiết.
Cung giật mình nói:
– Mạnh Ðức ơi! Ta đa nghi quá, giết nhầm phải người tử tế rồi.
Hai người vội vàng trở ra lên ngựa đi. đi được độ hai mươi dặm gặp Lã Bá Sa cưỡi lừa về, trước yên treo hai bình rượu. Lã Bá Sa nói:
– Ta đã dặn người nhà làm thịt con lợn rồi. Sứ quân với hiền đệ ngại gì một đêm, xin quay ngựa lại cho.
Tháo cứ tế ngựa đi. đi được vài bước, rút kiếm ra, quay ngựa trở lại, gọi Lã Bá Sa hỏi:
– Ai đi đằng sau ông đấy?
Sa quay đầu lại xem. Tháo chém ngay, Sa ngã xuống chết.
Cung nói:
– Biết rằng mình lầm rồi, lại còn cố ý giết người nữa thực là đại bất nghĩa!
Tháo nói:
– Thà ta phụ người, không để người phụ ta…”.

Nam Cao vừa hút thuốc lá vừa nghe, mỗi khi đọc đến đoạn hay ông sướng mé đìu hiu vỗ đùi đen đét. Lý sự gì ông kêu tóang lên…? Bởi chưng là bài tạp luận nên mụ chữ tôi…“luận” rằng phải chăng vì câu nói “Thà ta phụ người, không để người phụ ta”. Ấy là một trong mười câu danh ngôn của Tào Tháo để lại cho thế nhân.

***

Trở lại Vũ Trọng Phụng bị loại trừ khỏi văn học, nói xa chẳng qua nói gần…gân đây, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mới được in lại, trong đó có Tuyển tập Vũ Trọng Phụng do nhà phê bình văn học “tiên chỉ” làng văn Nguyễn Đăng Mạnh soạn, nhà xuất bản Văn Học in năm 1987. Và nhà phê bình văn học chiếu trên chiếu dưới Lại Nguyên Ân với bộ sưu tập tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mà ông mới tìm thấy được. Và ông đã trình làng văn trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng tại Văn Miếu Hà Nội..

Mụ chữ tôi không dám mụ mẫm cho là Nam Cao cũng chung một số phận như Hồ Biểu Chánh trong “Văn học miền Nam bị bỏ quên, bỏ qua” của Nguyễn Văn Trung. Gần 20 năm sau, Nam Cao cũng…được nhắc tới ở “Văn Chỉ” thuộc phủ, huyện với “anh Nhiêu” Nguyễn Huy Thắng, “anh Khóa” Tô Chiêm qua bà Trần Thị Hồng con gái ông:

“…Với sự quan tâm của Uỷ ban Nhân dân huyện Lý Nhân, Uỷ ban Nhân dân xã Hoà Hậu: Nhà “Tưởng niệm Nam Cao” được mở cửa ngày 30-11-2004 là ngày giỗ thứ 53 của cha tôi (nửa thế kỷ sau ngày mất). Cho tới hôm nay, với tình thương mến nhà văn Nam Cao, cứ có dịp là lại tặng gia đình tài liệu… để Nhà Tưởng niệm trưng bày. Gần đây nhất là Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vừa tặng sách Nhà văn của em (trong có một bài viết về Nam Cao). Và quyển Nam Cao nhà văn của những kiếp sống mòn của hoạ sĩ Tô Chiêm…”.

Mụ chữ tôi lẩn mẩn đếm nếu không sai sót: Truyện dài, truyện ngắn của ông có đúng 50 tác phẩm. Tuy nhiên ở một bài viết ngắn khác, bà Trần Thị Hồng than phiền những tác phẩm của Nam Cao như “Nước mắt”, Trăng sáng”, “Bài học quét nhà” đã bị lọai ra khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11.

Bỗng không mụ chữ tôi ớ ra…hình dáng, nhời ăn tiếng nói của nhân vật Hòang chả phải là Nam Cao như Tô Hòai hóa thân từ nhân vật Sen trong một truyện ngắn của ông. Bèn đi tìm bài viết “Tô Hoài từng là nguyên mẫu của Nam Cao” mới chó phở ra: Vì một lần đi công tác, nhà văn kể cho Tô Hòai nghe trong truyện “Đôi mắt”, nhân vật Hoàng thường vỗ đùi đen đét ông lấy nguyên mẫu từ Vũ Bằng. Thế là mụ chữ tôi thân già vác dùi nặng một mảng chữ của Vũ Bằng tả hình dáng Nam Cao qua ngòi bút rất…gợi hình:

“…Có ai đi bát phố ở đường Đồng Khánh Chợ Lớn, vô công rồi nghề,nhìn vào các cửa hàng, đã thấy các con cò máy từ từ ngửng đầu lên rồi lại từ từ cúi xuống để mổ vào một chén nước không? Ấy đấy, Nam Cao đi đứng cũng từa tựa như con cò máy ấy…”.

Và Vũ Bằng dón chuyện nhân cách Nam Cao như sau:

‘’…Trong suốt cả một thời kỳ đi lại thân mật với nhau, anh không cho tôi biết anh có mấy con cả thảy, nhưng anh đã nói như thế này: ’’Nhà thì nghèo chật, nền nhà thì là đất nện, mưa thì dơ, nắng thì bụi, mà một lũ con như dessins animée oánh nhau chí choé cả ngày… Không cố viết mà kiếm tiền nuôi chúng thì làm thế nào được hở anh?…’’.

Còn đây là đoạn Vũ Bằng viết về cảnh chia đàn xẻ nghé của bạn hữu văn nghệ:

‘’…Thế rồi đến những ngày tao loạn, khói lửa bốc lên, anh em tản mát mỗi người một ngả. Tôi về ở một cái nhà cỏ ở đầm Linh Đường trên đường về Hà Nam. Phần đông những người tản cư về phía đó đều ghé qua nhà tôi, nên căn nhà ấy được coi là ‘’trạm nghỉ chân’’ của nhiều anh em văn nghệ.Chính trong thời kỳ này, tôi được tin Nam Cao làm báo văn nghệ của kháng chiến Thế rồi thì thôi. Tôi cũng làm báo kháng chiến, lê chân đi trên nhiều nẻo đường đất nước và gặp hầu hết các anh em cũ, nhưng không có một lần nào gặp Nam Cao. Thì một ngày mưa phùn giá rét căm căm, tôi thấy Nam Cao tóc phủ mang tai, đội nón lá, đi dép Bình-Trị-Thiên gật gù cái đầu như co cò bước vào căn nhà tôi tạm trú, như thể đã ra vào quen thuộc lắm rồi…’’.

Rồi Vũ Bằng lăn tăn cái đêm tri ân ấy như sau:

’’..Chúng tôi toàn nói chuyện lăng nhăng, y như không hề xa cách nhau bao giờ cả. Phần tôi, cũng không hỏi xem có phải anh làm anh làm việc ở khu nào, gia đình anh có chạy và có mang theo giàn trầu đi không…’. Quá giấc ngủ, chúng tôi dậy cùng uống nước, tình cờ Nam Cao thấy bộ Tam Quốc của Phan Kế Bính dịch mà tôi mang theo, anh mang vào mùng đọc. Đến lúc ấy tôi mới biết Nam Cao chưa hề đọc Tam Quốc bao giờ. Đoạn anh mở ra đọc đọan nói về Tào Tháo giết Lã Bá Sá.

Quả tình tôi chưa thấy Nam Cao cười khóai trá như thế bao giờ, anh vỗ tay vào đùi bôm bốp và thỉnh thoảng lại muốn nói to lên: “Thánh thật. Cái thằng Tào Tháo này thánh thật”. Về sau này, buổi nói chuyện và đọc Tam Quốc đêm hôm ấy, Nam Cao thuật lại trong bài đăng trang nhất báo “Văn nghệ” của kháng chiến…”.

Bắt qua chuyện Vũ Bằng mất, con ông đến một tòa soạn đăng cáo phó (theo Nguyễn Mạnh Trinh). Tòa soạn không cho đăng hai chữ nhà văn trước tên của Vũ Bằng! Thành thử nội dung cao phó chỉ vỏn vẹn có vài chữ: Vũ Đăng Bằng sinh ngày… mất ngày… Đám tang của ông thật vắng người đưa. Trần Ngọc Tự, một trong những người tổ chức thu thập bài vở của anh em văn nghệ sĩ viết từ trong nước gửi ra hải ngoại đã kể rằng khi công an Cộng sản phá án vụ này đã đến nhà Vũ Bằng định bắt nhưng thấy Vũ Bằng đang hấp hối đã không bắt vì sợ Vũ Bằng vào tù chết trong đó mang tiếng nên chỉ lấy cung ở nhà và trong cáo trạng vụ này được đọc trước tòa có tên Vũ Bằng là tác giả bài “Cái tai sứt của thằng cùi phương Bắc” gửi ra hải ngọai để có được nhuận bút từ hải ngoại gửi về bằng những thúng đồ. Thành ra nếu không mất thì Vũ Bằng đã bị lôi ra tòa rồi…

Chuyện chôn cất của nhà văn Nam Cao cũng tang thương ngũ lục như Vũ Bằng:

“…Theo nhà báo Phạm Hằng trong ký sự Mộ nhà văn Nam Cao tại quê nhà
Năm 1997, theo lời mời của gia đình cố nhà văn, một đoàn do họa sĩ Trịnh Yên làm trưởng đoàn gồm 5 người trong đó có ông Doãn Phú là phó. Trước khi đoàn đi, ông Phú

không nhận được một thông tin gì về chuyện chôn cất nhà văn Nam Cao.
Cuộc hành trình từ Hà Nội về huyện Gia Viễn (Ninh Bình), khi tới nơi thì đoàn rẽ vào nghĩa trang luôn. Nhưng ông Phú không giải thích được chuyện đầu cua tai ếch là khi đưa hài cốt của nhà văn Nam Cao về tới nghĩa trang, chủ tịch xã thời đó là ông Xạ muốn chôn cất ở nghĩa trang nơi nhà văn sinh ra. Thế nhưng, ông Phú linh tính đó không phải là nơi tốt. Lên xe đi tiếp 7 phút, ông Phú liền chỉ chỗ có đất tốt.

Ngẫm nguội chuyện nhân sinh với không có mây sao có mưa  Bèn lần mò trong chuỗi xích sắt của Bình Nguyên Lộc có cái khoen đầu, những khoen giữa và cái khoen chót, phải tìm cho ra cái khoen trung gian may ra mới biết được chuyện…Như chuyện Đôi mắt, đọc xong, mụ chư tôi mới ớ ra: Nam Cao tài thật! Nam Cao tài thật! Và mụ chữ tôi vỗ đùi đánh đét một cái, nói rõ to: Tiên sư anh Tào Tháo.

Thạch trúc thảo lư

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search