T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thiên Nga: “THƠ” TRẦN VẤN LỆ  – THƠ CHO NGÀY THÁNG CŨ VÀ NHỮNG MÔI HÔN NỒNG NÀN

Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại

 Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây…”


          Bài thơ nào của ông cũng tạo cho tôi cảm giác bâng khuâng trong không gian đa chiều, chấp chới theo từng vòng bánh xe thời gian quay ngược hay dừng hẳn lại ở tháng ngày yêu dấu cũ.

Thơ tôi trần trụi thiệt kỳ! Không vui đừng đọc, buồn thì buồn thêm! Vậy mà… cứ gửi về em, để em mở thấy đầy thềm lá bay…

Thơ tôi trần trụi trần truồng… như hồi chuông một giáo đường bỗng ngân!  Con nai lạc núi còn dừng, tiếng thơ tôi chẳng động lòng cỏ hoa!  Phải chăng con bướm mù lòa hay muôn nhân ảnh đã mờ khói sương?

Thơ tôi…một cõi tứ bề, buồn trăm phương cứ đổ về một phương!

                                                                         (Thơ Tôi Độc Thoại)

Nhiều người yêu thơ, thấy mình trong thơ ông và đôi khi có cả sự ngộ nhận. Sau sự ngộ nhận sẽ chuếnh choáng buồn, vì như ông nói:

Từ bao giờ đến hôm nay, không hình ảnh mới chỉ đầy cố nhân!

                                                                         (Thơ Tôi Độc Thoại)

Và cố nhân ấy:

“… ở Đà Lạt,
Huế,
hay Cồn Thới Sơn?
khi cô là mưa,
khi cô là nắng,
có lúc cô là trăng,
cô là sao,
là cơn gió nhẹ,
là dòng sông, là đóa hoa đào, đầu xuân…
nhưng mãi mãi, cô vẫn 17 tuổi
và, thi sĩ muôn đời là thi sĩ,
làm thơ…
tình mười bảy.

(Cảm đề bài thơ Người Ta Ở Bển” từ trang nhà Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc)

“Cố nhân” ấy có là chút nắng nhạt cuối ngày, cơn mưa chiều lất phất, làn gió mỏng bay tà áo lụa hay muôn đời là trăng: trăng tròn, trăng khuyết, trăng hao gầy, …thì những dòng thơ của Thi Sĩ Trần Vấn Lệ vẫn ngưng đọng trong một không gian riêng, cứ một nét riêng không thể lẫn.

Mươi quyển sách, mươi văn đàn, trang mạng/ Dáng thơ ông, văn học Việt chẳng ai trùng/ Đứng một mình nhưng rất mực tình chung/ Yêu nàng Thơ, yêu người, yêu cuộc sống.”

          (trích thơ tác giả Phạm Tương Như viết tặng TS Trần Vấn Lệ)

Thơ ông có sự trần trụi rất duyên, trần trụi mà tinh tế, trần trụi đặc quánh của nghĩ suy. Từ dùng của ông không trau chuốt nhưng cũng đủ mỹ miều. Ông không ngần ngại đưa tố chất văn xuôi vào thơ, có khi là những lời thoại, nhiều nhất là độc thoại với nỗi buồn riêng, niềm đau riêng. Tiếng thơ cất lên, hay và bùi ngùi theo nhiều kiểu rất khác nhau.

Em nói gì vậy TA?  Anh hết muốn thở ra / những câu thơ Lục Bát! Anh ném thơ Song Thất / về lại thời Ôn Như? Anh đi theo Tự Do / như Thanh Tâm Tuyền, nhé?

Em ơi, anh muốn đi / tới đầu trời cuối biển.  Thơ, anh hốt, anh liệng, ném khắp Thái Bình Dương? Ai cũng có Quê Hương… thơ thì vô Tổ Quốc?

(Thơ Và Em)

Buồn lòng biết nói với ai? Thả đôi câu với mưa mai nắng chiều? Nắng mưa tháng Chạp buồn hiu, buồn lòng có thể đang nhiều thêm thôi…

Buồn mà như trái chín treo, như chiếc lá nhỉ cho chiều vô tư! Tôi làm thơ? Đó là thơ? Thưa không! Chỉ chút ỡm ờ vô duyên!

(Dẫn Nhau Đi Tới Đỉnh Ngàn)

Cái nỗi buồn nằm trên những ngọn cây 

chim không đậu câu thơ này không đẹp!

Nãy tới giờ tôi có mấy câu thơ thật lạ 

mà cũng hồn nhiên chắc bạn gật đầu?  

Những người làm thơ chẳng hề sống với nhau 

nên mỗi bài thơ là một cõi người ta lẻ bạn!

                                           (Cái Bao La Bao Quanh Thành Phố Nhỏ)

Đôi khi cũng thoáng nụ cười hiếm hoi làm câu thơ bừng sáng, dễ thương lạ lùng!

Hình như tôi mới bật cười! Con sông Ba nước cuốn trời Phú Yên… cuốn em luôn cái mặt hiền… câu thơ tôi sợi chỉ viền áo xưa!

(Dẫn Nhau Đi Tới Đỉnh Ngàn)

*

Con nước thời gian cứ mải miết trôi theo dòng của nó. Ông lặng lẽ đứng lại ngắm nhìn, tự “lắng nghe ta”, độc thoại với chính mình, tự trút hết nỗi cay đắng và nghe “hồn ta gió cát phù du bay về” … Đó là những lúc Thi Sĩ cảm thấy cô đơn đến tận cùng.

Thơ là hơi thở của ông. “Hơi thở” ấy nhịp nhàng, nhẹ nhõm và cũng nhiều khi “rẽ ngoặt”, hụt nhịp bất ngờ. Lướt qua thi tứ êm ái quen thuộc, thơ ông có khi như lạc vần. Tuy nhiên, hãy thử một lần lắng nghe, ta sẽ cảm nhận được những âm thanh vi diệu cứ rung ngân trong từng thời khắc; những chùm móc đơn móc kép thật đẹp bay lên quấn quýt không gian.

Từng giọt sương rơi

từng giọt nắng của trời

của kim cương, cầm đi cô Bé

cài lên tóc nha cho mù sương bay theo…

                                                               (Cảm Ơn Hoa Cho Tôi Nhìn Thấy)

Tôi nhìn nước mênh mông. Tôi nhìn trời bát ngát. Tôi muốn nghe ai hát bài Tình Xa.  Tình Xa…

Em ơi em dễ thương, bài Tình Xa cứ hát…Tôi thèm cơn gió tạt áo dài em mênh mông!

(Tình Xa)

Hơn một lần, tôi đã hỏi ông: “Trong suốt một thời gian dài, anh chỉ “hát” duy nhất bản“Tình Xa” của Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn? Anh có những kỷ niệm đẹp gắn liền với bài hát này phải không ạ?”

Ông thường thả một “icon” nụ cười (chắc do câu hỏi ngây ngô) và trả lời xa xa gần gần …

Ước chi nghe tiếng hát

bài Tình Xa Tình Xa

Ước chi buồn nở hoa

trong lòng mình một đóa!

(Sáng Dậy Mở Cửa Thấy)

Ô kìa sao em khóc?

Mình không có Tương Lai?

Ai biểu em hát hoài 

bài Tình Xa chi vậy?

(Tại Em Chớ Bộ)

Người đàn ông cô độc đó, ngồi hát một mình, độc thoại và dệt thơ tình bằng những sợi nắng, hạt mưa hay chút gió trời mong manh, chắc chắn không chỉ vì mối tình đã lỡ thuở đôi mươi trong khung trời Dalat thơ mộng hay những cuộc tình đi qua “như những dòng sông nhỏ” … Đó còn là tiếng lòng ngậm ngùi hướng về Quê Hương, Tổ Quốc từng ngày, từng giờ …

“… Còn gì đâu nữa với ta? Những tin báo nói quê nhà nước dâng…

Mình yêu biết mấy Đà Rằng, yêu cây cầu thuở miền Nam tự hào… Sử vàng một giấc chiêm bao. Sử hồng máu lệ đã trào tiếp theo…

                                                                          (Dẫn Nhau Đi Tới Đỉnh Ngàn)

Tập “THƠ” này gồm những bài Thi Sĩ Trần Vấn Lệ mới sáng tác từ mùa Đông năm trước đến đầu mùa Xuân năm nay- năm 2022. Trong cái lạnh da diết của khung cảnh, của lòng người cứ mãi hoài đeo bám thì những nụ hôn đọng lại thật ấm áp, thật tình.

Nụ hôn trân trọng, ấm áp nhất ông dành cho Thơ. Hy vọng khi đọc, mọi người cũng cảm nhận được dư vị yêu thương:

Tôi đã in thơ ngàn cuốn sách

Tôi đã hôn thơ không một lần

Nào ai nâng cuốn thơ lên đọc

Ai thấy môi mình âm ấm không?

(Bạn Có Bao Giờ Nhặt Nắng Chưa)

Nhiều khi là những nụ hôn thoáng chút ngại ngần, mòn mỏi:

Một chữ Hôn thôi, không dám viết

sợ mình hôn… thiệt, dịch làm sao?

mùa mưa, mùa lạnh, thêm lo lắng

cầu nguyện Trời thì… Trời quá cao!

Mẹ sẽ hôn con, không ái ngại,

mình hôn ai đó, chỉ hôn hờ!

Đường xa mỏi cánh mây tan hợp

mình vẫn xa người… tuyệt vọng Thơ!

                                                               (Đường Xa Chi Mấy)

Nụ hôn càng cuống quýt, nồng nàn theo cơn bão ngoài trời rồi lại trở về thầm lặng. Vì em chỉ trở về trong nỗi nhớ, trong giấc mơ thật hiền:

“Anh gài em nút áo.  Anh hôn cần cổ em.

Anh sẽ hôn nhiều thêm… như là mưa, đang đó!

Anh hôn em thầm lặng như anh từng đã hôn

Em, những lúc vui buồn… những khi anh mơ mộng!

                                                               (Cơn Bão Ngày Thứ Hai)

Vuốt em từng sợi tóc! Tóc dài bao nhiêu năm?

Em ơi anh hỏi thăm gió từng chiều từng sáng…

Anh hôn em trên trán, anh hôn em bàn tay,

Anh hôn em chỗ này, anh hôn em chỗ nọ…

                                                                         (Ba Bông Margueritte)

Sang Xuân trời ấm dần, những bông hoa hé nở. Ông ra ngắm giọt sương rơi, ngó từng chùm hoa nắng và lòng vơi đi sự trống vắng. Tiếng lòng ông rộn ràng, ước chi đang ở Đà Lạt, được nghe ai hát “Ai Lên Xứ Hoa Đào…” và nghĩ tới những điều tốt đẹp hơn.

Hai tuần nữa Tết tới, anh hôn em bao nhiêu?

Mình tính sổ buổi chiều… ít, anh hôn em tiếp!

Thế giới thờ cái đẹp! Em, là một tượng Thần,

nụ hôn để dưới chân cũng là để trên tóc…

Hai đứa mình cùng bước trên sóng Đại Tây Dương!

Hai đứa mình dễ thương!  Bài thơ này làm chứng!

(Sắp Tết Trời Ấm Dần)

Ông cứ đứng ngẩn ngơ bên con đường kỷ niệm. Ông tỉ tê kể về những ngày đã qua mà như đang hôm nay bằng những ngôn từ thật gần gũi, dễ thương và cũng ẩn chứa nhiều cay đắng. Người nghe nghe hoài chuyện cũ kể thành thơ mà không hề thấy cũ. Đó là nhữngvần thơ thật đẹp ghép từ sương chiều phố núi, lãng đãng mây ngàn, chút mơn man của nắng, chút gió như lời yêu mơ hồ thoảng qua. Tôi thấy cả thoáng bâng khuâng tiếc nuối và thật nhiều nhớ thương ông gửi về những ngày xưa thân ái…

“Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại …”

Ngồi lại để nghe day dứt, nhớ thương không nguôi.

Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ. Dù biết rằng “nói ra nhiều cũng vậy thôi..”, nhưng cứ để nỗi nhớ chìm sâu, khắc khoải thì tim ta sẽ đau hơn. Thi Sĩ Trần Vấn Lệ đã trăm ngàn lần cho nỗi nhớ bật lên thành thơ để tan vào không gian mênh mông; nằm soài trên cát vẽ nỗi nhớ chờ sóng xô bờ rồi cuốn trôi vào biển khơi thăm thẳm, hay cứ lang thang trong nỗi nhớ bằng đôi chân trần để nghe dễ thương lắm một chút gì xa xăm… Và rồi, ông vẫn cứ buồn, nỗi buồn buốt giá.

Không có con sông nào đã cạn,

Thơ tôi rồi sẽ cạn nhân tình!

Buồn tay ghi lại dòng năm tháng

Buồn miệng ngâm hoài nghe lạnh tanh!

(Buồn tay ghi lại dòng năm tháng)

Ông Phạm Tương Như, người bạn tri âm của Thi Sĩ đã từng viết:

Thơ Vấn Lệ nên ngàn thơ lận đận/ Nhìn cái gì cũng thờ thẫn nhớ nhà/ Thấy dáng dễ thương cứ nhớ bóng người xa/ Ngắm cánh hoa nhớ môi cười năm cũ.

Thơ là Lệ nên làm sao cho đủ/ Người ly hương nhớ nước thương nòi/ Bà Mẹ quê, thiếu phụ bất phùng thời/ Trai thời loạn đời già theo năm tháng…”

Tôi hiểu, không thể đọc lướt qua một vài bài thơ của Thi Sĩ Trần Vấn Lệ mà có thể cảm được nhận được hết cái đẹp, cái tình trong thơ. Có lẽ chiều dài của Thời Gian, chiều sâu của Không Gian ở trong thơ ông luôn khiến tôi choáng ngợp và thấy mình nhỏ bé.

Thôi thì hãy để cho những ngôn từ đẹp; những mưa, nắng, mây, sương, con sông, dòng suối, ngọn đồi, … của Thi Sĩ Trần Vấn Lệ tự dịch lấy bức thông điệp của mình.

Dalat, tháng 3/2022

Nguyễn Thiên Nga

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search