T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòai Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (85) – NHẠC PHIM – The Shadow of Your Smile, Johnny Mandel & Paul Francis Webster (Bóng Tối Nụ Cười, Bóng Dáng Nụ Cười, Nụ Cười Trong Bóng Mờ)

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc trong phim, hoặc từ nhạc phim được đặt lời Việt, bài này chúng tôi viết về bản The Shadow of Your Smile của hai tác giả Johnny Mandel & Paul Francis Webster, soạn cho cuốn phim The Sandpiper (1965), đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim, được Nhật Ngân, Phú Quang, và Anh Bằng đặt lời Việt với tựa Bóng Tối Nụ Cười, Bóng Dáng Nụ Cười, Nụ Cười Trong Bóng Mờ.

Trước khi viết về The Shadow of Your Smile, chúng tôi cũng xin nhắc tới hai ca khúc trong phim khác trong những năm đầu thập niên 1960 đã được người yêu nhạc, yêu phim ảnh tại miền Nam VN ngày ấy yêu chuộng.

Bản thứ nhất là The Longest Day, ca khúc chủ đề của cuốn phim

The Longest Day (1962) kể về D-Day, tức cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh lên vùng Normandy trong Đệ Nhị Thế Chiến.

The Longest Day là cuốn phim vĩ đại nhất, có sự góp mặt của nhiều diễn viên nhất trong lịch sử điện ảnh. Trong số hàng trăm diễn viên tên tuổi của Mỹ, Anh, Pháp, Đức có Henry Fonda, John Wayne, Robert Mitchum, Mel Ferrer, Robert Wagner, Robert Ryan, Kenneth More, Richard Todd, Richard Burton, Sean Connery, Peter Lawford, Jeffrey Hunter, Stuart Whitman, Rod Steiger, Christian Marquand, Curt Jürgens, George Segal, Robert Wagner, Paul Anka, v.v…

Phần phạc phim do nhà soạn nhạc Maurice Jarre của Pháp đảm trách, riêng ca khúc có cùng tựa The Longest Day thì do Paul Anka – nam ca sĩ kiêm diễn viên Mỹ gốc Gia-nã-đại mà chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết về bản My Way (Đường Tôi Đi) – viết và hát trong phim, với phần hòa âm phối khí và sự phụ họa của dàn nhạc Mitch Miller (nổi tiếng trước đó với hành khúc Cầu sông Kwai).

VIDEO:

 The Longest Day by Paul Anka

Ngay trong năm 1962, The Longest Day đã được Eddy Marnay (1920 – 2003), nhà viết lời hát nổi tiếng hàng đầu của Pháp, đặt lời Pháp với tựa Le jour le plus long, được nữ danh ca Dalida thu đĩa, đạt thành công đáng kể.

DALIDA. Le jour le plus long

Cũng trong năm 1962, Dr. No, cuốn phim điệp viên 007 James Bond đầu tiên, ra mắt khán giả, mở đầu cho một “kỷ nguyên mới của phim điệp viên”, trong đó phần nhạc phim đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thu hút khán giả.

Trước hết, (Sir) John Barry (1933-2011), nhà soạn nhạc phim nổi tiếng của Anh quốc, được mời soạn đoạn nhạc giới thiệu cho phim Dr. No (cũng là của mọi cuốn phim tiếp theo) và từ đó cho tới năm 1987, ông đã soạn nhạc phim cho tổng cộng 11 cuốn phim 007 James Bond.

[Về sau, John Barry đã hai lần đoạt giải Oscar cho nhạc phim (không phải phim James Bond): Out of Africa (1985) và Dances with Wolves (1990)]

Bắt đầu từ cuốn phim thứ hai, From Russia with Love (1963), mỗi cuốn phim James Bond đều có một khúc nhạc chủ đề riêng, và qua cuốn thứ ba, Goldfinger (1964), có một ca khúc trong phim.

Ca khúc này, có cùng tựa phim Goldfinger, do John Barry soạn nhạc, Leslie Bricusse và Anthony Newley đặt lời, đã giúp nữ ca sĩ Anh Shirley Bassey nổi tiếng quốc tế.

(Dame) Shirley Bassey mang hai dòng máu Nigeria và Anh, sinh năm 1937, là một nữ ca sĩ có một giọng hát rất mạnh và lối trình diễn độc đáo, tuy nổi tiếng từ giữa thập niên 1950 nhưng bên ngoài hòn đảo Anh-cát-lợi hầu như không ai biết tới.

Phải đợi tới khi cuốn phim Goldfinger chinh phục màn ảnh khắp năm châu, mọi người mới giật mình trước tài nghệ của Shirley Bassey.

Ca khúc Goldfinger đã đứng No.2 trong bảng xếp hạng thể loại Adult Contemporary (trước kia gọi là Easy Listening) của Billboard ở Hoa Kỳ, và hạng 8 trong Billboard Hot 100, tính chung mọi thể loại.

Mặc dù không được đề cử tranh giải Oscar cho ca khúc trong phim, hiện nay Goldfinger cũng được xếp hạng 53 trong danh sách 100 ca khúc trong phim hay nhất, do Viện phim ảnh Hoa Kỳ (AFI: American Film Institute) bình chọn.

Sau này, Shirley Bassey còn hát thêm hai ca khúc khác trong phim 007 James Bond: Diamonds Are Forever (1971), và Moonraker (1979).

VIDEO:

 1964 – James Bond – Goldfinger:

Tới năm 1965, ca khúc The Shadow of Your Smile của hai tác giả Johnny Mandel & Paul Francis Webster, soạn cho cuốn phim The Sandpiper, đã đoạt giải Oscar ca khúc trong phim.

The Sandpiper là cuốn phim thứ ba trong tổng số 11 cuốn phim do cặp nam nữ diễn viên Richard Burton & Liz Taylor đóng chung. Trong khi đa số các nhà phê bình cho đây là một trong những cuốn phim dở nhất của “cặp vợ chồng diễn viên hai lần cưới” thì vẫn có một số người khen, cho nằm trong Top 5 của 11 cuốn phim ấy.

Bản thân chúng tôi không phải nhà phê bình phim cho nên không đủ tư cách đánh giá về mặt nghệ thuật, chỉ có điều cảm thấy không thoải mái khi xem cuốn phim The Sandpiper, cho dù trước đó đã rất yêu thích ca khúc The Shadow of Your Smile (ca khúc này được phổ biến tại Sài Gòn trước khi cuốn phim được chiếu).

Để những độc giả chưa xem cuốn phim The Sandpiper có thể hiểu được tại sao ngày ấy chúng tôi, và hàng triệu khán giả khác, cảm thấy không thoải mái khi xem cuốn phim này, thiết tưởng phải kể sơ cốt truyện rồi liên hệ với cuộc tình đầy tai tiếng của Richard Burton & Liz Taylor ngày ấy.

* * *

The Sandpiper là một bi kịch tình cảm nói về cuộc tình trái cấm say đắm, lấy bối cảnh vùng bờ biển núi đá Big Sur thơ mộng yên tĩnh ở miền Trung California, nơi đa số dân chúng là người da trắng bảo thủ theo Tân giáo

[TÂN GIÁO: The Episcopal Church, viết tắt TEC, nguyên là Giáo hội Anh giáo tại Hoa Kỳ. Tới khi cuộc Cách mạng giành độc lập xảy ra, Giáo hội này đã tách rời khỏi Giáo hội Anh giáo ở Anh quốc, bởi vì Giáo hội ở Anh quốc có điều luật “Thề trung thành với vị Vương Quân – người đứng đầu Giáo hội Anh giáo”. Hiện nay, trang mạng Wikipedia (tiếng Việt) dịch The Episcopal Church là “Giáo hội Giám nhiệm”]

Laura Reynolds (Liz Taylor), một nữ họa sĩ không chồng, chỉ cặp kè, sống phóng khoáng, có cá tính mạnh, sống với cậu con trai nhỏ Danny trong một căn nhà cạnh bờ biển. Danny là một đứa trẻ tính khí bất thường, vì thế Laura tự dạy học ở nhà chứ không cho tới trường, e con trai không thể thích ứng với khuôn khổ và môi trường nơi đó.

Sau vài lần gây “rắc rối”, Danny bị một vị quan tòa bắt vào sống trong một trường nội trú của Giáo hội Tân giáo địa phương, nơi Tiến sĩ Edward Hewitt (Richard Burton), một chức sắc Tân giáo, một nhà mô phạm đáng kính, làm hiệu trưởng. Claire (Eva Marie Saint), người vợ của Edward, cũng giảng dạy tại trường. Hai người có hai con trai – một gia đình đạo đức, gương mẫu, hạnh phúc trước mắt mọi người.

Theo thủ tục, Edward mời Laura tới trường để phỏng vấn. Vừa chạm mặt nhau, cả hai đều cảm thấy bị đối tượng thu hút, tuy nhiên ngay sau đó họ đã trở nên xung khắc vì quan niệm khác biệt về đạo đức, tôn giáo…

Vì Danny không thể hòa nhập vào môi trường nội trú, Claire đã khuyên chồng tới nhà tìm gặp Laura để tìm hiểu thêm về cậu bé, và cách thức dạy dỗ con của Laura. Mặc dù xung khắc tư tưởng, quan niệm, sau mấy lần gặp nhau, hai người đã không thể chống cưỡng đam mê, dục vọng.

Lúc đầu, Laura cứ ngỡ quan hệ thân mật của mình với Edward cũng giống như với những người đàn ông đã đến và đi qua đời mình trước đó – trao đổi ái tình sòng phẳng, không phải bận tâm quyến luyến –  nhưng sau đó nàng đã phải tự nhìn nhận trong tim mình Edward có một chỗ đứng. Thế nhưng Laura không chỉ yêu Edward mà còn bắt chàng phải nhìn nhận cũng yêu mình – một việc mà Edward chưa bao giờ tỏ lộ.

Cho tới một ngày nọ, một gã tình nhân trẻ của Laura (Charles Bronson), vì ghen tức đã báo cho Claire biết việc Edward ngoại tình với Laura. Claire hỏi thẳng chồng, và Edward thú nhận; nhưng thay vì ghen tuông lồng lộn, Claire thông cảm bởi nhận ra rằng bấy lâu nay hai vợ chồng chỉ biết tận tụy với công việc giảng dạy, vận động gây quỹ cho trường, mà quên rằng họ còn là vợ và chồng của nhau.

Edward nói rằng mình vẫn yêu vợ, và hứa sẽ chấm dứt quan hệ với Laura. Nhưng Claire quyết định hai người tạm thời ly thân để xét lại lòng mình và tìm một câu trả lời cho tương lai…

Khi được Edward cho biết đã thú nhận với vợ, Laura giận dữ chấm dứt quan hệ. Edward quyết định xin nghỉ việc để làm một chuyến du lịch phương xa. Trước khi đi, Edward vận động xin cho câu bé Danny một học bổng cho tới khi hoàn tất việc học, xem như một sự đền trả món “nợ tình” để lương tâm được thanh thản.

Trong cảnh cuối cùng, trước khi ra đi Edward tìm tới nhà Laura. Hai mẹ con đang ở dưới bãi biển, chàng nhìn xuống, nàng trông lên – một cuộc chia tay không lời từ biệt…

Tựa đề phim “The Sandpiper” (Le Chevalier des sables – Chim Dẽ Cát) được lấy theo chi tiết sau đây: trong thời gian quan hệ với Edward, Laura chăm sóc một con chim dẽ cát bị gẫy cánh cho tới khi bình phục, nó bay đi. Hình ảnh này được xem là biểu tượng chủ đề cuốn phim: sự trưởng thành và tự do.

* * *

Như đã viết ở một đoạn trên, không chỉ có bản thân chúng tôi cảm thấy không thoải mái khi xem cuốn The Sandpiper, mà còn có hàng triệu người khác, những người đã theo dõi cuộc tình tai tiếng của cặp nam nữ diễn viên chính từ ngày hai người bỏ vợ bỏ chồng để cặp với nhau trong thời gian đóng chung cuốn phim Cleopatra .

Riêng Liz Taylor, như những vị độc giả cao niên mê phim ảnh còn nhớ, trước đó mấy năm còn “cướp chồng” của cô bạn thân nhất: Debbie Reynolds.

 

Liz Taylor, Eddie Fisher và Debbie Reynolds

 Debbie Reynolds (1932 – 2016) là một nữ diễn viên điện ảnh, kịch nghệ, kiêm ca sĩ trình diễn (cabaret) được yêu chuộng bậc nhất của Mỹ quốc; cuốn phim ca nhạc nổi tiếng nhất của bà là Singin’ in the Rain (1952).

Năm 1955, vào tuổi 23, Debbie Reynolds kết hôn với Eddie Fisher (1928 – 2010), nam ca sĩ kiêm diễn viên ăn khách nhất trong nửa đầu thập niên 1950, có show truyền hình riêng (The Eddie Fisher Show).

Debbie Reynolds có với Eddie Fisher hai người con đều là diễn viên: Carrie Fisher (1956-2016) và Todd Fisher (1958- ).

[Vai trò nổi tiếng nhất của Carrie Fisher trên màn bạc là vai Công chúa Leia trong bộ phim Star Wars; bên cạnh đó Carrie Fisher còn là một nghệ sĩ hài kịch và tác giả viết sách. Carrie Fisher cặp với ca nhạc sĩ Paul Simon (ban Simon & Garfunkel) từ năm 1977, kết hôn năm 1983 và chia tay năm 1984; cô qua đời trước bà mẹ Debbie Reynolds một ngày, 27/12/12016]

Trong khi Debbie Reynolds là bạn thân của Liz Taylor thì Eddie Fisher cũng là bạn thân của nhà sản xuất phim Mike Todd, đời chồng thứ ba của Liz Taylor – cuộc hôn nhân hạnh phúc nhất của Liz Taylor trong 8 lần lên xe hoa, và cũng là cuộc hôn nhân duy nhất của người “nữ minh tinh mắt tím” không kết thúc bằng ly dị.

[Mike Todd (1909 – 1958) nổi tiếng với cuốn phim Around the World in 80 Days (Vòng quanh thế giới trong 80 ngày), đoạt giải Oscar phim hay nhất năm 1956]

Mike Todd, khi ấy đã 47 tuổi, và Liz Taylor, 24, kết hôn tháng 2/1957 tại Acapulco, Mễ-tây-cơ, do đích thân ông Thị trưởng Acapulco cử hành hôn lễ. Tháng 8, bé gái Liza Tood ra chào đời. Năm tháng sau, ngày 22/3/1958, Mike Todd tử nạn ở New Mexico trên chiếc phi cơ riêng mà ông đặt tên là “Liz”.

Liz Taylor vô cùng đau khổ tuyệt vọng trước cái chết của Mike Todd và được Eddie Fisher hết lòng ủi an nâng đỡ, dẫn đưa tới việc hai người  quan hệ thân mật một cách công khai, và vô cùng say đắm. Trước sự tấn công, lên án của dư luận, Liz Taylor đã phản ứng bằng cách buộc Eddie Fisher phải bỏ vợ con để làm đám cưới với mình; hai người kết hôn tại Las Vegas ngày 12/5/1959.

* * *

Trở lại với chuyện tình Liz Taylor & Richard Burton và cuốn phim Cleopatra.

Nguyên từ 1958, hãng phim 20th Century Fox đã có kế hoạch thực hiện một cuốn phim vĩ đại nhất xưa này về Cleopatra, vị Nữ hoàng Ai-cập  đầy huyền thoại, và qua năm 1959 đã mời được Liz Taylor thủ vai Cleopatra (khi mãn hợp đồng với hãng phim MGM) với thù lao kỷ lục là 1 triệu Mỹ kim!

Đầu năm 1961, khi cuốn phim bắt đầu quay tại Anh quốc với Peter Finch trong vai Julius Caesar, Stephen Boyd trong vai tướng Mark Anthony, thì Liz Taylor bị đau nặng (viêm phổi mãn tính), công việc bị đình trệ nhiều tháng trời, đưa tới việc Peter Finch và Stephen Boyd hủy hợp đồng vì phải đóng phim cho các hãng khác.

Bên cạnh đó, phí tổn xây dựng thành quách đền đài sử dụng cho cuốn phim tốn kém gấp nhiều lần dự tính ban đầu, cho nên sau đó hãng phim 20th Century Fox đã quyết định dẹp bỏ tất cả để đưa đoàn làm phim sang Ý, sử dụng Cinecittà Studios (Cinema City Studios). Lần này, vai Julius Caesar và Mark Anthony được trao cho hai diễn viên khác: Rex Harrison và Richard Burton.

Đầu năm 1962, Cleopatra bắt đầu quay; Liz Taylor và Richard Burton bị tiếng sét ái tình ngay trong lần đầu gặp gỡ. Chuyện cặp kè thân mật  giữa hai người (bị phóng viên chụp hình trên “thuyền tình”) đã được truyền thông khai thác triệt để và dư luận kịch liệt lên án, bởi vì lúc đó Liz Taylor đang là vợ của Eddie Fisher còn Richard Burton đang sống hạnh phúc với cô vợ diễn viên Sybil Williams từ 13 năm qua, với hai con gái 5 tuổi và 3 tuổi.

Trước sự việc này, tờ Vatican Newspaper trong bài bình luận của mình đã sử dụng hai chữ mà cho tới nay vẫn được ghi nhận là “sự sỉ nhục nặng nề nhất”, đó là “erotic vagrancy” (descending into erotic vagrancy).

[Chúng tôi diễn nghĩa “erotic vagrancy” thành “bộc thương tang gian” (trên bộc trong dâu) không biết có chỉnh không?]

Riêng tại Hoa Kỳ, nhiều tổ chức gia đình và tôn giáo đã lên tiếng yêu cầu Quốc Hội Mỹ cấm Liz Taylor và Richard Burton đặt chân trở lại quốc gia này.

Thế nhưng càng bị lên án, “Liz and Dick” (biệt hiệu truyền thông dành cho cặp này) càng nổi tiếng và thêm thế lực. Theo dự trù, ngay sau khi Cleopatra thu hình xong vào mùa thu 1962, Richard Burton sẽ đóng cuốn phim V.I.P. với Sophia Loren, nhưng vì Liz Taylor nhất định “đòi” vai trò này, hãng phim đã phải điều đình với nàng đệ nhất minh tinh Ý nhường lại cho cho nàng đệ nhất minh tinh Mỹ!

Cùng thời gian, Richard Burton và Liz Taylor đệ đơn ly dị người phối ngẫu. Lúc đầu, cô vợ Sybil Williams nhất định không chịu ly dị và được dư luận Anh quốc hậu thuẫn, tuy nhiên sau khi tự tử và được cứu sống, khi Richard Burton về thăm, Sybil Williams đã chấp nhận sự thật phũ phàng và đồng ý ly dị vào cuối năm 1963.

Về phần Liz Taylor vì đơn phương bỏ chồng, đã phải nhờ luật sư lo thủ tục ly dị ở Mễ-tây-cơ, tới ngày 6/3/1964 mới hoàn tất. Chín ngày sau, Liz Taylor và Richard Burton làm thủ tục kết hôn tại khách sạn Ritz-Carlton Montreal ở Gia-nã-đại.

Sau đó ít lâu, hai vợ chồng đóng cặp trong cuốn phim The Sandpiper.

Như chúng tôi đã trình bày ở phần đầu, trong The Sandpiper, nữ nhân vật Laura Reynolds (Liz Taylor) không chỉ quan hệ thân mật với một người đã có vợ con mà còn đòi hỏi ông ta phải thú nhận có “yêu” mình.

Chi tiết này khiến mọi người liên tưởng tới “lập trường” của Liz Taylor ở đời thường: không chấp nhận chỉ cặp kè hoặc san sẻ ái tình, một khi yêu nhau là phải lấy nhau.

Cũng cần viết thêm, lúc đầu kịch bản của The Sandpiper được viết cho nữ diễn viên Kim Novak (nổi tiếng với cuốn phim nghẹt thở Vertigo năm 1958 của đạo diễn Alfred Hitchcock) khi ấy đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, nhưng vì sau đó Kim Novak tuyên bố giải nghệ, hãng phim mới mời Liz Taylor.

Về phần nhân vật Edward Hewitt trong phim tuy không bỏ vợ để theo nhân tình nhưng dù muốn hay không, việc ông ta ngoại tình với Laura Reynolds cũng nhắc nhớ tới việc Richard Burton bỏ vợ con để lấy Liz Taylor.

Chính vì thế, cuốn phim The Sandpiper đã không được công chúng nồng nhiệt đón nhận; và rất có thể đã ít nhiều tạo ác cảm nơi các nhà nhà phê bình. Hiện nay, trên trang mạng phê bình uy tín Rotten Tomatoes, tổng hợp số điểm của các nhà phê bình vẫn chỉ có 10%, tức là vào hàng tệ hại nhất, trong khi số điểm của khán giả là 43%. Riêng trang mạng IMDb cho tới 6.3/10.

Nhưng dù khen hay chê, thích hay không thích cuốn phim, người yêu nhạc không thể phủ nhận giá trị nghệ thuật và sức thu hút của ca khúc The Shadow of Your Smile trong cuốn phim này.

The Shadow of Your Smile là một ca khúc do Johnny Mandel soạn nhạc, Paul Francis Webster đặt lời.

Johnny Mandel

 Johnny Mandel là một nhà soạn nhạc jazz, nhạc phổ thông, nhạc phim, hòa âm phối khí nổi tiếng bậc nhất của thời hậu chiến.

Ra chào đời tại Nữu Ước năm 1925, cha là chủ xưởng may, mẹ là ca sĩ opera, Johnny Mandel được theo học tại hai trường nhạc nổi tiếng là Manhattan School of Music và Juilliard School.

Nguyên vào năm Johnny Mandel lên 5, nhận thấy giọng con trai có một âm vực lý tưởng, bà mẹ cho cậu học hát, nhưng chẳng bao lâu sau cậu chuyển sang dương cầm, rồi kèn trumpet, sau cùng là trombone.

Năm 18 tuổi (1943) Johnny Mandel bắt đầu chơi trumpet và trombone trong các bạn nhạc jazz, và qua năm 1944 bắt đầu soạn nhạc. Sau đó,

Johnny Mandel tới Los Angeles bắt đầu cho một sự nghiệp rực rỡ trong cả ba lĩnh vực soạn nhạc, soạn hòa âm phối khí, nhạc phim, và đôi khi trình diễn (dương cầm).

Trong lĩnh vực hòa âm phối khí, Johnny Mandel rất được các danh ca nhạc jazz ưa chuộng, trong số đó Count Basie, Frank Sinatra, Peggy Lee, Anita O’Day, Barbra Streisand, Tony Bennett, Diane Schuur, Shirley Horn…

Ông đã đoạt ba giải âm nhạc Grammy cho công việc này, qua album Velas của Quincy Jones năm 1981, ca khúc Unforgettale của Natalie Cole (ghép tiếng hát của ông bố Nat King Cole) năm 1991, và album Here’s to Life của Shirley Horn năm 1992.

VIDEO:

 Natalie Cole LIVE – Unforgettable

Về nhạc phim, từ năm 1958 tới năm 1989, Johnny Mandel đã soạn nhạc cho 35 cuốn phim, và hai lần đoạt giải âm nhạc Grammy. Riêng về giải Oscar, ông đã được đề cử ngay với cuốn phim đầu tiên (I Want to Live, 1958), và tới năm 1965, đã đoạt cả Oscar lẫn giải Grammy với ca khúc The Shadow of Your Smile trong phim The Sandpiper.

The Shadow of Your Smile do Paul Francis Webster viết lời hát.

Paul Francis Webster (1907 – 1984)

Có thể nói Paul Francis Webster (1907 – 1984) là nhà viết lời hát nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất xưa nay của Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhạc phim.

Xét về số lần được đề cử giải Oscar cho ca khúc trong phim, Paul Francis Webster với 16 lần chỉ đứng hàng thứ ba, sau Sammy Cahn (1913 – 1993) với 26 lần, và Johnny Mercer (1909 – 1976) với 18 lần, nhưng xét về mức độ phổ biến và được yêu chuộng, các ca khúc của ông vượt trội, trong đó có ba bản đoạt giải Oscar là Secret Love (1953), Love is a Many-Splendored Thing (1955), The Shadow of Your Smile (1965) và The Green Leaves of Summer (1961) chỉ được đề cử mà chúng tôi đã giới thiệu trong những bài trước, hoặc April Love Rio Bravo trong các cuốn phim có cùng tựa vào các năm 1957, 1959…

Đặc biệt những khán giả ái mộ người hùng giả tưởng “Spider-Man” hẳn còn nhớ ca khúc ngắn Spider-Man do J. Robert Harris (1925 –  2000) soạn nhạc, Paul Francis Webster đặt lời cho cuốn phim Spider-Man năm 1967.

VIDEO:

Spider-Man Theme (Orchestral) – YouTube

Trở lại với ca khúc The Shadow of Your Smile, năm 1965 đã đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim, và qua năm 1966, đoạt giải âm nhạc Grammy ca khúc viết cho phim. Hiện nay, The Shadow of Your Smile đang đứng hạng 77 trong danh sách Top 100 Songs in 100 Years of Movies do Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ bình chọn. Mặc dù thứ hạng không cao, nhưng theo nhận xét của chúng tôi, với những người yêu thích thể loại nhạc jazz, đây là một trong những ca khúc trong phim được yêu chuộng nhất từ trước tới nay.

Thêm một yếu tố khiến nhiều người yêu thích The Shadow of Your Smile là tùy theo cách hòa âm phối khí, tùy ca nhạc sĩ trình diễn mà ca khúc, nhạc khúc jazz này còn được xem là nhạc pop.

The Shadow of Your Smile

 One day we walked along the sand
One day in early spring
You held a piper in your hand
To mend its broken wing
Now I’ll remember many a day
And many a lonely mile
The echo of a piper’s song
The shadow of a smile

The shadow of your smile
When you are gone
Will color all my dreams
And light the dawn
Look into my eyes
My love and see
All the lovely things
You are to me

Our wistful…

Our wistful little star
Was far too high
A teardrop kissed your lips
And so did I
Now when I remember spring
All the joy that love can bring
I will be remembering
The shadow of your smile

Trong phim The Sandpiper, The Shadow of Your Smile được by Jack Sheldon độc tấu kèm trumpet và trình bày hợp xướng.

Cùng thời gian, danh ca Tony Bennett đã thu đĩa The Shadow Of Your Smile với phần hòa âm phối khí của chính Johnny Mandel.

VIDEO:

The Shadow Of Your Smile (Stereo / HD / Lyrics)

Sau Tony Bennett, The Shadow of Your Smile đã đem lại thành công cho nhiều nam danh ca khác, như Frank Sinatra, Vic Damone, Andy Williams, Wes Montgomery, Johnny Mathis, Oscar Peterson, Bobby Darin…, tuy nhiên vì lời hát trong ca khúc này là tâm trạng của nữ nhân vật, cho nên chúng tôi cho rằng phiên bản của các nữ danh ca có sức lôi cuốn hơn, nhất là khi được thể hiện qua hình thức “light jazz”.

Phụ lục 1: The Shadow of Your Smile, Barbra Streisand

VIDEO:

Ella Fitzgerald – The Shadow Of Your Smile (High Quality Remastered)

Astrud Gilberto – The shadow of your smile

Manhattan Jazz Orchestra – THE SHADOW OF YOUR SMILE

The Shadow of Your Smile – Kenny G

Tại miền Nam VN trước năm 1975, The Shadow of Your Smile đã được nhạc sĩ Nhật Ngân đặt lời Việt với tựa Bóng tối nụ cười, được Vy Vân trình bày song ngữ trong Băng Vàng Nhạc Trẻ 4.

Có thể nói đây là một trong những ca khúc được yêu chuộng nhất của Vy Vân ngày ấy, giọng hát và cách diễn tả độc đáo của cô bé mới lớn có sức thu hút lạ thường. Rất tiếc chúng tôi thể không tìm ra băng nhạc cũ này, và thay vào đó xin gửi tới độc giả The Shadow of Your Smile/Bóng tối nụ cười qua tiếng hát Thái Hiền trong CD ASIA 40 – Chuyện Tình Buồn.

Bóng tối nụ cười (LV: Nhật Ngân)

 Nụ cười anh như bóng mờ, đã xa xăm rồi
Tình đầu tựa như giấc mộng, chói chan, nồng ấm
Thấy chăng anh tình yêu dâng tràn mắt ta?
Hãy cho nhau tình yêu dịu dàng, ngất ngây

Ngàn sao mang bao nỗi buồn đã xa vời vợi
Nụ hôn tình yêu chúng mình, nét môi còn ướt
Nhớ chăng anh mùa xuân ngày xưa
Những đam mê đầu tiên còn đâu?
Sẽ không quên dù xa mù khơi

Hình bóng trên môi cười anh thiết tha, thiết tha

Phụ lục 2: The Shadow of Your Smile/Bóng tối nụ cười, Thái Hiền

Cũng tại hải ngoại, The Shadow of Your Smile được nhạc sĩ Anh Bằng đặt lời Việt với tựa Nụ cười trong bóng mờ.

 Nụ Cười Trong Bóng Mờ  (LV: Anh Bằng)

Nụ cười anh trong bóng mờ, đã xa mịt mùng
Chợt bừng lên trong giấc mộng, lúc đêm… vừa sáng
Thấy chốn đây tình em, tình người… mắt xanh
Ðắm say trong đời em, một vùng… bóng anh

Kìa ngôi sao kia ngút ngàn, giống như… tình mình
Lệ rơi trên đôi mắt này, cuốn theo… thời gian
Nhớ chốn xưa tình anh nồng cháy
Những say mê mà ta thường thấy
Sẽ không bao giờ quên… được đâu
Hình bóng anh trong hồn em !

 

Phụ lục 3: Nụ Cười Trong Bóng Mờ, Thiên Kim

Sau năm 1975, The Shadow of Your Smile cũng được một số tác giả trong nước đặt lời Việt trong số đó có Phú Quang với tựa Bóng Dáng Nụ Cười.

Bóng Dáng Nụ Cười

 Dù cho tình yêu ấy giờ đã xa xôi rồi,

Nụ cười yêu thương vẫn còn bên đời lặng lẽ.

Lúc đôi ta gặp nhau trong chiều tuyết rơi,

Mãi in trong lòng em nụ cười khó quên.

 

Và từng đêm em nhớ hoài bóng ai xa vời,

Dù tình yêu đã tắt rồi vẫn như còn đó.

Ánh mắt trong chiều nắng nhẹ rơi,

phút trao nhau tình say người ơi,

Ngỡ như môi cười anh chẳng quên và vẫn ru em từng đêm.

 

Nụ cười giờ anh đã gửi đã trao ai rồi,

Chỉ còn mình em nhớ người, âm thầm một bóng.

Ánh mắt trong chiều nắng nhẹ rơi,

phút trao nhau tình say người ơi,

Ngỡ như môi cười anh chẳng quên, và vẫn ru em từng đêm…

Xét chung mọi mặt – ca từ, hòa âm phối khí, ca sĩ thể hiện – chúng tôi cho rằng phiên bản Bóng Dáng Nụ Cười sau đây qua tiếng hát Thu Hà mang nhiều sắc thái độc đáo nhất, nếu không muốn nói là hay nhất.

 

Phụ lục 4: Bóng Dáng Nụ Cười , Thu Hà

HOÀI NAM
 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search