T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Nhật Nam: Võ Phiến – Một mình, Mưa Đêm Cuối Năm..

blank

Nhà văn Võ Phiến (1925-2015)

I-Thân Thế

Nhà văn Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, sinh Ngày 20 Tháng 10, 1925 tại Làng Trà Bình, Huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định. Bút hiệu Võ Phiến do từ khuê danh của hiền nội, Bà Võ Thị Viễn Phố. Thời gian viết Bách Khoa ông còn ký bút hiệu Tràng Thiên trong văn phẩm chính luận hoặc biên khảo. Năm 1942 ra Huế học trường Thuận Hóa và bắt đầu viết văn. Bài tùy bút đầu tiên Những Đêm Đông viết năm 1943 đăng trên báo Trung Bắc Chủ Nhật ở Hà Nội, ký tên Đắc Lang. Vào thời điểm 1945, trong tình thế nhiễu nhương hỗn loạn trước, sau lần Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, khi Nhật đầu hàng đồng minh nơi mặt trận Châu Á trong ngày 2 Tháng 9, cũng như phần đông nếu không nói là hầu hết thanh niên người Việt cùng lứa tuổi, Võ Phiến gia nhập bộ đội Việt Minh. Đây là tổ chức cộng sản do Hồ Chí Minh thủ lãnh với chiêu bài đánh Nhật, giành độc lập dân tộc. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ra khi thấy ra mưu định không thực của Việt Minh, 1946 ông rời bỏ hàng ngũ ra Hà Nội tiếp học trường Văn Lang. Cuối năm 1946, ông trở về lại Bình Định tham gia kháng chiến chống Pháp khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ vào ngày 19 tháng 12, 1946 từ Hà Nội.

Năm 1948, ông kết hôn với cô Võ Thị Viễn Phố, dạy học ở trường trung học bình dân Liên Khu V (Theo phân định hành chánh của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành hình ngày 2 tháng 9, 1945 tại Hà Nội) bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên do bộ đội Cộng Sản Việt Minh kiểm soát phần lớn, Tuy nhiên, các thành thị, thị xã vẫn dưới quyền cai quản của giới chức hành chánh-quân sự Quốc Gia Việt Nam (1949-1955). Sau Hiệp Định Genève 20 tháng 7, 1954, vùng Nam-Ngãi-Bình-Phú trở về thuộc quyền kiểm soát của chính quyền quốc gia, cuối năm 1954, ông ra Huế làm việc tại Nha Thông Tin ít lâu rồi xin chuyển vào Quy Nhơn.

Tại Quy Nhơn, ông tự xuất bản hai tác phẩm đầu Chữ Tình (1956) và Người Tù (1957), gửi bài đăng trên hai tạp chí Sáng TạoBách Khoa tại Sài Gòn. Từ tác phẩm thứ ba, Mưa Đêm Cuối Năm xuất bản năm 1958 tại Sàigòn, Võ Phiến dần giữ chỗ đứng hàng đầu trong văn giới Miền Nam với văn nghiệp sáng chói thể hiện tâm thức nhân ái, nhân bản. Ông cộng tác thường xuyên với các tạp chí Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn, Khởi Hành… Cùng với Nguyễn Hiến Lê, ông là một trong những cây bút trụ cột của Báo Bách Khoa, Chủ Bút Lê Ngộ Châu tập san văn học quan trọng của văn và báo giới Miền Nam cho đến 30 tháng 4, 1975. Năm 1962, Võ Phiến lập nhà xuất bản Thời Mới phần lớn in sách của ông.

II- Sự Nghiệp

Với sự nghiệp văn hóa lớn dài theo 21 năm của VNCH, chứng thực ý thức chính trị-xã hội nhân bản, tự do, khai phóng, Võ Phiến bị giới cầm quyền cộng sản Hà Nội kết án là “Nhà văn chống cộng số Một của miền Nam- Danh tính ông được (đúng ra là bị) nêu lên đầu bảng những nhà văn sẽ bị hành quyết ngay sau khi lực lượng  cộng sản chiếm đóng Sài Gòn. Những danh tính khác gồm các nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Chu Tử…Dẫu chỉ là hàng hậu bối, tên anh cũng được (bị) xếp vào hàng thứ 6. Bản danh sách khai tử nầy không biết do từ đâu mà có, và dẫu không được thi hành toàn vẹn, nhưng chẳng có ai thuộc thành phần văn nghệ sĩ miền Nam trong danh sách kia được an toàn sau 30 Tháng 4, 1975. Chu Tử Chu Văn Bình chết trên đường di tản; Nguyễn Mạnh Côn chết vào năm thứ hai tại trại tù; Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương được đưa khỏi trại để về chết tại nhà.. Những văn nghệ sĩ thuộc thành phần quân đội như Đại Tá Phạm Văn Sơn trưởng Khối Quân Sử/Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH; Thiếu Tá Nhà Thơ Thục Vũ, Đại Úy Nhạc Sĩ Minh Kỳ.. chết nhiều cách khác nhau do bị bức hại tại trại tù; những  người thủ đắc sức chiến đấu từ chữ nghĩa như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên chịu án khổ sai trên dưới 10 năm; Nhà Văn Thảo Trường, Thiếu Tá Trần Duy Hinh chịu án tù lâu nhất ngang với hàng tướng lãnh (1975-1991).. Thế nên, từ kinh nghiệm sống/chết trong hàng ngũ cộng sản trước 1954, Võ Phiến phải tồn tại để tiếp tục cuộc chiến đấu trên mặt trận văn hóa mà lần thất trận quân sự 30 Tháng 4, 1975 chỉ là một chuyển tiếp bất khả kháng.. Võ Phiến rời khỏi nước một tuần trước ngày Sài Gòn bị chiếm đóng. Đến Mỹ thoạt tiên gia đình ông ở Minnesota, xong định cư và làm công chức thuế vụ tại Los Angeles. Tiếp tục xử dụng chữ, nghĩa như một vũ khí, Võ Phiến là một trong những người đầu tiên xây dựng nền văn học Việt Nam Hải Ngoại, chủ trương tập san Văn Học Nghệ Thuật từ 1978 đến 1979, tiếp theo từ 1985 đến 1986. Tờ Văn Học Nghệ Thuật do Võ Phiến chủ biên là nguyệt san văn học có uy tín, mở đầu cho một trào lưu văn học đích thực mà sau này trở thành Văn Học Việt Nam Hải Ngoại.

Tác Giả Võ Phiến là một nhà văn hàng đầu của Miền Nam trước 1975, của Văn Học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp của ông kéo dài hơn nửa thế kỷ từ Thế Kỷ 20 qua 21, gồm 18 tác phẩm sáng tác văn học được phân loại như sau. Tiểu thuyết: Giã Từ (Bách Khoa, Sàigòn, 1962); Một Mình (Thời Mới, Sàigòn 1965), Đàn Ông (Thời Mới, Sàigòn 1966); Nguyên Vẹn (Người Việt, CA, 1978).

Tác phẩm truyện ngắn: Chữ Tình (Bình Minh, Quy Nhơn, 1956); Người Tù (Bình Minh, 1957); Mưa Đêm Cuối năm (Tự Do, Sàigòn, 1958); Đêm Xuân Trăng Sáng (Nguyễn Đình Vượng, Sàigòn 1961); Thương Hoài Ngàn Năm (Bút Nghiên, Sàigòn 1962); Về Một Xóm Quê (Thời Mới, Sàigòn 1965); Truyện Thật Ngắn (Văn Nghệ, California, Sàigòn 1991). Thể loại tùy bút: Thư Nhà (Thời Mới, Sàigòn 1962); Ảo Ảnh (Thời Mới, Sàigòn 1967); Phù Thế (Thời Mới, Sàigòn 1969); Đất Nước Quê Hương (Lửa Thiêng, Sàigòn 1973); Thư Gửi Bạn (Người Việt, CA, 1976); Ly Hương (in chung với Lê Tất Điều, Người Việt, CA 1977);  Lại Thư Gửi Bạn (Người Việt, CA 1979); Quê (Văn Nghệ, CA 1992).

Bốn tác phẩm dịch thuật gồm: Hăm-bốn Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà (Stéfan Zweig, Thời Mới, Sàigòn 1963); Các Trào Lưu Lớn Của Tư Tưởng Hiện Đại (André Maurois, Thời Mới, Sàigòn 1964); Truyện Hay Các Nước (Hai tập cùng dịch với Nguyễn Minh Hoàng, Thời Mới, Sàigòn 1965); Ông Chồng Muôn Thuở, Dostoyevsky, Sàigòn 1973).

Tác Phẩm Tiểu Luận: Tiểu Thuyết Hiện Đại (Ký Tràng Thiên, Thời Mới, Sàigòn 1963); Văn Học Nga Xô Hiện Đại (Thời Mới, Sàigòn 1965); Tạp Bút (Ba tập, Thời Mới, Sàigòn 1965-66); Tạp Luận (Trí Đăng, Sàigòn 1973); Chúng Ta Qua Cách Viết (Giao Điểm, Sàigòn 1973); Viết (Văn Nghệ, CA 1993); Đối Thoại (Văn Nghệ, CA 1993).

Biên khảo: Văn Học Miền Nam Tổng Quan (Văn Nghệ, CA 1986), Văn Học Miền Nam, 6 tập gồm 3 tập về Truyện; 1 Ký; 1 Kịch – Tùy Bút; và 1 tập Thơ (Văn Nghệ, CA 1999).

Toàn bộ tác phẩm Võ Phiến được in lại trong Võ Phiến Toàn Tập gồm 9 cuốn (Văn Nghệ, CA 1993).

Năm 2010, Võ Phiến cho in Cuối Cùng, gồm tạp bút, và thơ mới viết của ông. Hóa ra đây là tác phẩm cuối cùng của Tác Giả Võ Phiến thật như tựa đề của cuốn sách

Đánh giá văn nghiệp của tự thân trong toàn cảnh chung của Miền Nam trước 30 tháng 4, 1975, Võ Phiến đã có kết luận chung quyết: Trước và sau thời 1954-75 ở Miền Nam, không thấy ở nơi nào khác trên đất nước ta, văn học được phát triển trong tinh thần tự do và cởi mở như vậy. Bởi thực tế 70 năm tính từ khi tổ chức nhà nước gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành hình tại Hà Nội vào ngày 2 tháng 9, 1945; tiếp giai đoạn cầm quyền từ 1954 trên nửa nước Miền Bắc; và cả nước sau 1975.. Đánh giá của Võ Phiến quả có một giá trị không thể phủ nhận được. Và nền văn học gọi là xã hội chủ nghĩa rốt cuộc chỉ sản xuất nên một thứ loại văn học (cũng đúng đối với tất cả những loại hình văn hóa-xã hội khác) đồng dạng, tầm phào, thô thiển.. khiến Phan Khôi, thủ lãnh Nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, Hà Nội (1956-1957) đã đánh giá như một loại hoa vạn thọ. Đúng ra, chỉ là một loại hoa vạn thọ bằng giấy hàng mã rẻ tiền.

III-Kết Từ

Những ngày đơn độc trong bóng tối hầm giam suốt giai đoạn thăm thẳm (1981-1988) của 12 năm lưu đầy trên đất Bắc Việt, cũng như sau nầy vào những đêm mùa Đông nghe rõ từng âm động lách tách của hạt tuyết kết tụ hay vỡ tan trong vùng giá lạnh, yên tỉnh tột cùng nơi Minnesota.. Anh không có một cách thế sống nào khác trong hoàn cảnh “sống tận cùng/với cái chết” giăng giăng im lìm siết chặt bằng cách cho tâm trí rời ra khỏi thên xác để trở về nơi miền Nam với gia đình, với bằng hữu gần xa.. Nhưng cũng không cần phải nại đến với người thiết thân tại một cảnh sống tại một thời đểm không thể nào quên mà anh có thể sống lại với toàn thể đời sống Miền Nam không sai một chi tiết, không thiếu một cảm xúc, không quên một phản ứng, không bỏ sót một cảm xúc.. Anh nhớ/sống lại cảnh tượng cậu con út (sinh 1972) vừa bó vừa liếm đất nơi căn nhà mang số 27 Đường Trần Nhật Duật.. Nhìn con bò anh có xúc động lạ kỳ về ĐẤT để nên hiểu mối bàng hoàng tê liệt thần trí sau nầy – Giờ thật chết với Quê Hương/Buổi mất Đất/Mất Nước Con tên Ly/Ly tan/Ly biệt. Từ hoài niệm về con, anh dẫn dắt tâm cảnh trở lại những ngày trước 30 tháng 4, 1975.. Từ nhà ở, góc đường Nguyễn Hùynh Đức/Trần Quang Diệu, anh đi đến Trần Quang Diệu nối dài, tới nhà Ông Hai (Phân biệt với Ông Cả, Nhà văn niên trưởng Doãn Quốc Sỹ) để nghe ra nhắn nhủ.. Phải đi thôi! Anh phải đi thôi! Lần đầu tiên anh nghe Ông Hai có âm nói cao hơn bình thường dẫu ánh mắt vẫn giữ nét trầm tĩnh, bình thản.. Vâng anh, chắc em phải đi thôi!

Những ngày nơi bóng tối, trong đơn độc anh nhớ rất đủ về Ông Hai trong hệ thống hoài niệm/sống/chết nầy. Và từ bóng tối, từ đêm thâu, từ mưa đêm cuối năm.. Tự nhiên anh nghĩ ra những lời..

Mưa Đêm Cuối Năm nhớ thương ai (1)

Sợi ngắn, sợi dài..

Sợi tóc mai (2)

Sống/chết tìm gì nơi Viễn Phố

Người Tù, Một Mình ngồi đơn côi!

Hay quá! Hóa ra Ông Hai đã tiên tri đủ cho mình! Hôm ấy, một đêm mưa lạnh trong bóng tối hầm giam Trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa cuối năm 1986,  anh bật cười trong bóng tối với nước mắt chảy xuống khi nào không hay. Sau nầy đến Mỹ, anh được biết, Võ Phiến đã khóc hai lần: Một lần ở toà soạn Báo Bách Khoa trên đường Phan Đình Phùng, lần thứ hai trên tàu Messenger khi rời đảo Phú Quốc, giã từ quê hương..

Vâng, có những Đàn Ông đã bật khóc Một Mình khi Giã Từ chứ đâu phải riêng một Người Tù như anh trong Mưa Đêm Cuối Năm (1)

Kính tưởng ngày Ông Hai về cõi Phật

Cali 28/9/2015

Phan Nhật Nam

(1) Italic, các đầu sách của Võ Phiến

(2) Tóc mai sợi ngắn, sợi dài..

Lấy nhau không đặng.. Thương Hoài Ngàn Năm

Ca dao, Võ Phiến lấy làm đề tựa cho sách của ông.

Bài Mới Nhất
Search